bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 10
Trong tuần: 1574
Lượt truy cập: 778314

NHÀ QUÊ RA TỈNH (1)

Tác phẩm và bạn đọc

Lời BBT: Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu (12/1/1946 – 4/11/2021) là một cây bút gắn bó mấy mươi năm với sự tồn tại và phát triển của báo Nông Nghiệp Việt Nam. Ông không chỉ mang đến cho bạn đọc những bài điều tra sắc sảo và cẩn trọng, mà ông còn tạo ra dấu ấn riêng trên báo Nông Nghiệp Việt Nam bằng thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đáo để và hài hước

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” được nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu ký hai bút danh Tú Sườn và La Quán Gió, có ngầm ý trào lộng bản thân là hậu sinh của Tú Xương và La Quán Trung. Mà sự thật thì “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” đã chứng minh điều ấy, vì ông viết với điệu cười chua cay kiểu Tú Xương và tình tiết chương hồi kiểu La Quán Trung.

“Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” từng được độc giả báo Nông Nghiệp Việt Nam theo dõi hào hứng và say mê. Thậm chí, nhiều bà con vùng sâu, vùng xa còn lưu trữ để dành đọc cho nhau nghe sau những buổi lên nương lên rẫy, như một món quà tinh thần thú vị. Yếu tố nào đã làm nên giá trị hấp dẫn kỳ lạ của “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”? Đó là sự thấu hiểu và sự cảm thông của nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu hướng về những người nông dân chất phác.

Thông qua hình tượng nhân vật Cả Tĩn, “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa” phơi bày bi hài kịch của những kẻ nhẹ dạ và cả tin, khi va chạm với thực tế xô bồ đô thị đầy chiêu trò tinh quái và bịp bợm. Cả Tĩn nhẹ dạ vì lương thiện, cả tin vì nhân hậu. Cả Tĩn bị lừa gạt nhiều lần, nhưng không oán hận tình đời và không chối bỏ tình người. Những trớ trêu mà Cả Tĩn nếm trải, khiến độc giả cười ra nước mắt, nhưng dứt tiếng cười lại thấy đồng cảm xót xa và trìu mến gần gũi.

Nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu cả đời luôn giữ quan niệm về nghề cầm bút “để lại nhân cách, cũng là tác phẩm”. Và khi ông đã rời xa cõi nhân gian này, đồng nghiệp và công chúng đều nhận ra, ông không chỉ để lại nhân cách mà còn để lại tác phẩm. Chỉ riêng “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”, đã khẳng định tấm lòng của ông với những người nông dân cần cù và thua thiệt. Ông bao dung sự yếu đuối của họ, ông cổ vũ sự hăm hở của họ và ông nâng đỡ sự trong sáng của họ.

Để tưởng nhớ nhà văn – nhà báo Đỗ Bảo Châu, báo Nông Nghiệp Việt Nam xin giới thiệu lại một số trích đoạn đáng nhớ từ thiên truyện dài kỳ “Nhà quê ra tỉnh diễn nghĩa”.

nha-que-ra-tinh-dien-nghia-va-tieng-cuoi-nang-do-ke-nhe-da-1637068383-0
        Nhà văn  ĐỖ BẢO CHÂU

HỒI THỨ NHẤT
 
Bến Kim Liên, Bà Mán bán thuốc
Ga Hàng Cỏ, Cả Tĩn bị bùa
 
    Sau một năm làm việc cật lực, bác Cả Tĩn dành dụm được một món tiền kha khá. Nhân lúc “nông nhàn”, bác cả quyết định ra thành phố sắm sửa đồ dùng.
Xuống xe ở bến Kim Liên, bác Cả nhanh nhảu hỏi thăm ngay cái chợ đồ điện, đồ cơ khí nó ở chỗ nào. Người này trỏ bác đàng đông.  Người kia lại chỉ đàng tây. Đang lúc phân vân, bác Cả Tín bỗng giật nảy mình vì cái vỗ vai đánh “đốp”. Quay lại, bác Cả nhìn thấy một khuôn mặt lạ hoắc. Cái khuôn mặt ấy nhe răng cười:
- Bố mới ở quê ra phỏng? Gớm! Bệnh của bố giống hệt cái bệnh trước đây của con.
- Chú … chú nói cái gì? – Bác Cả vẫn chưa hiểu mô tê.
- Có gì đâu – Gã giải thích – Bố mắc chứng ít ngủ, hay đau lưng, thỉnh thoảng lại mắc chứng ngứa. Đúng không nào?
Bác Cả giật mình lần nữa. Ủa! Sao cái thằng lạ hoắc này lại biết rõ bệnh tình bác thế nhỉ? Thì đích thị rồi. Cứ ba giờ sáng, bác đã thức giấc. Rồi không ngủ lại được. Cái chứng đau lưng thì đã hẳn, đôi lúc vẫn hành hạ bác, nhất là vào những đợt cấy hái. Còn chứng ngứa. Ô! Đúng quá! Chân tay bác vốn bị một thứ bệnh ngứa kinh niên, mà mấy ông bác sĩ bảo đó là thứ nấm ếch ma ếch quay gì đó. Bất giác, bác Cả nở nụ cười ngô nghê, khiến gã thanh niên thích chí:
-Bố thấy chưa? Con nói cấm có sai. Là bởi vì con đã từng mắc bệnh y hệt bố – Gã bỗng ghé tai bác nói nhỏ - Con dắt bố đến cái bà người Mán đằng kia. Xin nói với bố, chỉ vài vị thuốc bằng lá gừng, là bệnh bố triệt nọc tắp lự.
-Tiền đâu! Tiền đâu! – Bác Cả như sực tỉnh, lắc đầu quầy quậy. Nhưng gã thanh niên bỗng trừng mắt.
-Bố buồn cười! Xin nói với bố là chỉ vài đồng bạc. Bảo đảm với bố giá rẻ bất ngờ.
Trong khi còn đang lưỡng lự, gã thanh niên đã kéo giật tay bác Cả:
-Thì bố cứ ra, bố hỏi. Đã ai lấy tiền ngay đâu mà bố sợ. Mất vài đồng đã khỏi bệnh, bố còn muốn gì?
Có lẽ vì tò mò hơn là tin tưởng, bác Cả bèn theo gã thanh niên đến một cái xó tối mờ mờ gần đó. Quả có một bà Mán đặc Mán, đang ngồi bốc thuốc. Xung quanh la liệt thuốc lá, thuốc rễ, thuốc củ … Bác Cả chưa kịp hỏi, thì bà Mán đã nói trước với cái giọng lơ lớ theo kiểu … mường mán:
-Hiểu rồi! Ông “pị” ngứa. Ông “tắp” lá thuốc này. Khỏi ngay mà.
Bác Cả luống cuống đỡ một nắm lá, xát xát vào chỗ ngứa. Kỳ lạ thật, chỉ một lát sau, bác đã thấy dễ chịu hẳn. Bác Cả mừng rỡ:
-Chỗ thuốc hết bao nhiêu tiền, bà?
-Không! Chữa giúp ông thôi. Không “tấy” tiền mà. Còn đây là thuốc chữa đau lưng. Đây là thuốc chữa chứng mất ngủ. Ồ! Cũng không lấy tiền mà. Chữa giúp thôi mà.
Bà Mán gói hai gói thuốc to đưa cho bác Cả. Bác Cả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả là chưa bao giờ bác gặp một trường hợp “thầy thuốc như mẹ hiền” như vậy. Bác Cả cảm động:
-Ấy chết! Bà cho tôi gửi bà ít tiền, gọi là…
-Không đâu! Không “tấy” đâu! Chữa giúp thôi mà. Bác cứ cầm về.
-Quả thật là… Tôi trót không mang thứ gì đi làm quà…
Bà Mán nhìn bác từ đầu đến chân. Bỗng bà vẫy bác lại gần, ghé sát vào tai:
-Tôi biết ngay bác là người thật thà chất phác. Bởi vậy, tôi dành cho bác một món hời đây.
Bà Mán kéo ra từ dưới đáy sọt một gói cỡ bằng cái bánh chưng, nặng chịch. Bà lại ghé vào tai bác Cả:
-Hàng từ biên giới chuyển về. Chỉ có bác, con người nông dân thật thà mới mang đi nổi.
-Vậy là sao? – Bác Cả ngờ ngợ.
-Còn sao nữa! Thứ hàng này do Nhà nước quản lý. Dân thị thành mà mang đi, thì “chết” liền. Duy chỉ có bác… Ấy là tôi thấy bác tử tế, tôi chọn mặt gửi vàng đó…
Thêm vài lời “rót mật vào tai” từ chỗ sợ hãi, đến chỗ thích thú, từ chỗ e ngại, đến chỗ mạnh dạn, bác Cả mường tượng cái món lãi khổng lồ: năm triệu đồng mà bà Mán thật thà tiết lộ, trong khi bác chỉ phải bỏ vốn có hai trăm ngàn đồng…
 
* *
    Bác Cả khấp khởi mừng thầm, ra ga, đi tàu. Là bởi vì lúc đó đã xế chiều, hết tiệt các chuyến xe. Bác vừa vào ga vừa khư khư giữ cái bọc. Thì nghe nói thành phố kẻ cắp như rươi. Sểnh tí là toi. Cái gói này năm triệu bạc chứ đâu có ít của? Bởi vậy …
-Này! Bác kia!
Bác Cả Tĩn giật mình. Một cán bộ phòng thuế đứng ở cổng đã nhanh tay giữ bác lại, và mời bác Cả vào cái phòng cạnh đó. Lần này thì bác Cả không chỉ giật mình mà còn hốt hoảng. Mặt bác tái xanh khi anh cán bộ hỏi:
-Bác mang cái bọc gì vậy?
Một anh cán bộ khác sờ ngay vào cái tay nải của bác. Bác luống cuống:
-Không… chẳng có gì …
Sự luống cuống đã tố cáo thái độ không bình thường của bác. Bởi vậy, khi hai cán bộ giở cái gói ra thì họ đều nhìn bác và cười nhạt:
-Thuốc phiện hả?
Bác Cả toát mồ hôi hột. Một anh nói:
-Bác mang hàng quốc cấm đáng nhẽ chúng tôi giữ bác lại cùng tang vật. Nhưng với bác là nông dân chắc là lần đầu. Bởi vậy, chúng tôi chỉ bắt bác nộp phạt một trăm ngàn đồng.
Bác Cả giật nảy người như bị động kinh, lắp bắp:
-Tôi… tôi không có tiền.
-Vậy xin mời bác vào tù.
-Tôi… tôi phải về.
Thấy cách trả lời ngô nghê, cả hai cùng bật cười. Anh thứ hai liền kéo bác Cả ra một góc, nói nhỏ:
-Bác mang hàng lậu, thì bác phải biết điều. Chỗ hàng kia trị giá hàng chục triệu, bác mất thì sạt nghiệp. Thương tình bác, tôi sẽ tìm cách cho bác vẫn mang được hàng đi. Duy có điều bác phải … nộp phạt.
Bác Cả vừa mừng vừa lo:
-Thế … tôi vẫn được mang hàng? Vậy nộp phạt bao nhiêu?
-Hữu nghị cho bác nhất đó: trăm ngàn.
-Nhưng tôi không có đủ.
-Vậy, bác có bao nhiêu?
-Còn đúng sáu chục.
Anh cán bộ thở dài:
-Thôi được! Tôi linh động giải quyết cho bác. Bác đưa tiền nhanh còn ra cho kịp tàu. Nào …
Moi được sáu chục, anh cán bộ liền mang gói hàng “quốc cấm” trả bác Cả. Mất tiền, nhưng cũng còn may. Hàng còn thì mấy chục bạc bõ gì. Ta về, ta sẽ bán, ta sẽ có một đống tiền. Bác Cả tự an ủi vậy
 
**
    Xuống ga. Cuốc bộ về nhà với bộ mặt đầy hí hửng, bác Cả đóng chặt cửa để khoe với bà vợ cái món hời. Nhưng khi giở ra, bà vợ bèn gí ngón tay vào trán bác mà rít lên:
-Của nợ! Đây là nhựa đường chứ thuốc lậu thuốc liếc gì. Ông bị quả lừa rồi. Lần sau thì chớ có đòi “lên tỉnh” nữa nhé.
   Bác Cả Tĩn ngồi phịch xuống phản. Bây giờ bác mới hiểu không chỉ cái con mẹ Mán rởm nó lừa, mà ngay cả mấy tay ở ga cũng lừa bác nốt. Họ biết thừa là của rởm, nhưng họ lại cho bác. Ôi! Sao lắm thứ bả lú bùa mê ở cái đất đô thành đến vậy!
 
                                                                              TÚ SƯỜN
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)