GIỚI THIỆU THƠ TRƯƠNG LAN ANH
([1])
TS. BÙI NHƯ HẢI
Bom rơi quanh mình mặc cứ bom rơi
Pháo sáng quân thù soi cho em mở lối
Xe thông đường niềm vui thắng lợi
Em nở nụ cười xanh mãi tuổi đôi mươi
Hình ảnh những cô gái Đồng Lộc mãi sáng soi trong lòng dân tộc, làm hồi sinh sự sống của một đất nước thoát thai từ nô lệ. Các chị như những bông hoa ngát thơm giữa đất trời Tổ quốc yêu thương, mãi đón nhận sự ngưỡng vọng của thế hệ trẻ mai hậu, mãi là niềm tin yêu cuộc sống hôm qua và hôm nay:
Em mang cho đời niềm tin yêu rất thật
Em mang cho đời sự sống hồi sinh
Em mang cho đời nắng ấm bình minh
Mỗi buổi mai trên quê mình Đồng Lộc
Bài thơ thực sự chạm vào từ tế bào, từng vi mạch khiến tâm hồn ta ngân lên, thức tỉnh như một tiếng chuông chùa vọng về trong khoảnh khắc đốn ngộ, trở thành bản hòa tấu, hun đúc nên giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay.
Hình ảnh người lính, bà mẹ anh hùng,… cũng được Trương Lan Anh khắc họa chân thật, giàu tính nhân văn. Đó là hình ảnh những người lính hành quân nơi núi rừng hoang vu, hẻo lánh đến từ những miền quê khác nhau nhưng cùng chung lý tưởng: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trương Lan Anh đã neo giữ tâm trạng chung của người lính khi phải xa quê hương, gia đình, người yêu và bè bạn. Là nỗi nhớ quê nhà - nơi có bờ tre mái rạ, có giếng nước trong xanh tắm mát buổi trưa hè:
Nỗi nhớ quê nhà bờ tre mái rạ
Giếng nước trong xanh tươi mát ngọt lành
Ôi mạch nước như dòng sữa mẹ
Nuôi tuổi thơ con lớn tự bao giờ
Nhớ những tháng ngày đời lính vất vả, gian lao đã kết thành kỷ niệm khó quên:
Nhớ lắm những ngày ngụp lặn
Trong ruộng lầy bắt con cá con đam
Trông mặt mũi đứa nào cũng
đen nhem đen nhẻm
Nhoẻn miệng cười hàm răng toát trắng tinh
Nhớ về người mẹ nơi chốn quê chẳng quản lòng, một nắng hai sương, tần tảo sớm hôm trên đồng ruộng, nương khoai:
Nhớ về mẹ hai sương một nắng
Cái nhọc nhằn trên hai vai gánh nặng
Mẹ chẳng quản lòng
Nhớ bóng dáng người em gái nhỏ thân thương “nghiêng nghiêng vành nón trắng”:
Và trong nắng nghiêng nghiêng vành nón trắng
Bóng người em gái nhỏ quê hương
(Chiều hành quân)
Hình ảnh những người lính ra đi mãi không về, nằm lại nơi đất mẹ yêu thương để đất nước được thanh bình, ấm no, hạnh phúc. Các anh, các chị dành cả cuộc đời cho quê hương, đất nước được nở hoa. Những cánh hoa thơm ngát thả xuống dưới dòng sông Thạch Hãn như một sự tri ân:
Tháng bảy mùa hoa nở giữa lòng sông
Đèn hoa đăng sáng rực dòng lấp lánh
Con nước về cho đôi bờ sóng sánh
Cánh hoa nào cũng gửi gió đưa hương
(Hoa nở giữa lòng sông)
Đó là hình ảnh của những người mẹ Việt Nam anh hùng, âm thầm lặng lẽ hy sinh trọn cả cuộc đời cho quê hương, đất nước. Dẫu chiến tranh đã lùi xa hơn ba mươi lăm năm qua, đất nước đã liền da thắm thịt, nhưng những mất mát đau thương của mẹ thì không bao giờ xóa nhòa, khỏa lấp:
Chiều nay về Thành Cổ
Thăm chiến trường năm xưa
Nơi con đang yên nghỉ
Mẹ đón con trở về
Hương trầm bay trong gió
Đâu đây chốn con nằm
Con có nghe tiếng mẹ
Gọi con cháy khô dòng
(Cánh diều Thành Cổ)
Đó là hình ảnh quê hương Quảng Trị đang từng ngày “thay da đổi thịt”, cùng với những miền quê khác trên khắp đất nước đã/đang vững bước tiến vào kỷ nguyên mới:
Đất nước ba mươi năm trọn vẹn niềm vui
Giờ quê hương đang từng ngày đổi mới
Con đi giữa niềm vui thắng lợi
Vẫn quặn lòng nhớ đồng đội không nguôi
(Khúc tráng ca trên dòng sông Thạch Hãn)
Thế nhưng, trong niềm vui hôm nay còn lắm những nỗi đau âm ỉ, thầm lặng, xốn xang ở cõi lòng của người. Tất cả vẫn còn đó khúc tráng ca xen lẫn điệu bi ca, những vui buồn, mà dễ mấy ai đã gọi thành tên! Thơ Trương Lan Anh như một miền nhân gian đi - về giữa niềm tự hào và nỗi đau, giữa một thời đã qua và một thời đang tới.
Mai nở xuân vui đón nắng hồng
Đào khoe sắc thắm thỏa chờ mong
(Xuân về)
Trương Lan Anh tỏ ra tinh tế trong cảm nhận trước sự chuyển giao của đất trời khi mùa Xuân đến:
Ta nghe trong tiếng heo mây
Mùa xuân đang chuyển trên cây lá cành
Nụ mầm mắt biếc chồi xanh
Liếc nhìn âu yếm nàng xuân đang về
(Xuân nở)
Và còn đắm say trước vẻ đẹp lung linh, huyền diệu của nàng Xuân đang khoe sắc thắm:
Xa trong sương sớm dáng nàng xuân
Rẽ lối vườn ai giục nảy mầm
Nàng xuân vẫy cánh đùa trong gió
Nở nụ cười xanh biếc lá cành
(Nàng xuân)
Đôi khi, cái hồn nhiên trong thơ viết về Xuân của Trương Lan Anh được thay bằng nỗi lòng trĩu nặng, có tính dự báo về cuộc đời:
Mùa xuân năm ấy vào cõi nhớ
Em đã sang ngang một bến bờ
(Xuân xưa)
Trời đêm nay
không mưa
sao lòng rả rích
rả rích
mưa lòng
(Mưa lòng)
Sắc màu tình yêu trong Trương Lan Anh chứa đầy nỗi nhớ, niềm thương và cả những ước mơ đơn sơ, những băn khoăn nhẹ nhàng, sâu kín. Cảm giác lơ lửng của nỗi nhớ ấy vẫn le lói xuất hiện, dẫu tình yêu của tuổi trẻ đã tàn phai theo năm tháng. Vọng từ cõi đi/về là nỗi “khát khao trở lại đôi mươi” để “nhặt cành hoa tím một thời mộng mơ”. Có lẽ vì thế, mà chàng trai (nhà thơ hóa thân) bâng khuâng nỗi nhớ đến nao lòng:
Nhớ ai chiều tím câu thề
Nhớ ai một thời đi về cùng Xuân
(Nhớ)
Câu hỏi không cần được đáp trả, vì có thể thực tế đã trả lời và cũng có thể khó tìm nổi câu trả lời xác đáng! Trong từng giây phút, trong từng đổi thay của cuộc sống, hình như chàng trai cảm thấy mình bị vây hãm bởi những ký ức của một thời áo trắng mộng mơ xa vắng nhưng thực ra vẫn chưa hề xa:
Em ơi trở lại ngày xưa
Cùng nhau đi hái trái mua trên đồi
Tình em nhuộm tím hồn tôi những chiều
(Hoa mua)
Tình yêu trong thơ Trương Lan Anh là sắc màu của tuổi hai mươi, là những rung động đầu đời, nhưng không nhuốm sắc màu của tình yêu thiên đàng, không là hạnh phúc ái ân, mà chìm ngập trong ly cách, trong mất mát, cô đơn và xa xót:
Em về mang nửa mùa hè
Để cho anh nửa tiếng ve gọi sầu
Thổn thức không em mùa nắng vàng?
Phượng hồng nhức nhối một màu nhớ thương
(Nỗi nhớ nghiêng về bên em)
Trương Lan Anh đã đem đến bạn đọc tập thơ đầu tay với chất giọng chân thành, thật thà, đầy thiên tính nữ, đúng bản chất con người nơi vùng đất khô khốc và rát bỏng gió Lào. Tôi trộm nghĩ, thi ca chỉ cần hỗ trợ cho con người làm một việc duy nhất, nhưng lại có giá trị vĩnh tồn, đó là hướng con người truy tìm đến giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Với ý nghĩa đó, Người đàn bà mặc chiếc áo choàng đứng được và sẽ đọng lại nơi bạn đọc không phải ở sự kiến tạo, mà ở hồn thơ, tình thơ đầy nồng nàn, thao thiết trong nét đẹp giản dị, chân mộc nhưng không kém tinh tế, tuệ cảm. Đó chính là điều quý giá nhất, mà bạn đọc yêu mến, trân trọng nơi miền thơ Trương Lan Anh. Tôi không chúc Trương Lan Anh thành công quá sớm, bởi nẻo đường thơ còn ở chân trời rộng mở, vả lại sự khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, gập ghềnh. Tôi và bạn đọc hy vọng những nỗ lực của Trương Lan Anh trong tương lai sẽ làm một “cú nhảy mèo hoang” đầy ngoạn mục.
Hà Nội, tháng 1/2012
Tạp chí Cửa Việt, số 210/2012
([1]) Nhân đọc tập thơ Người đàn bà mặc chiếc áo choàng của Trương Lan Anh, Nxb. Hội Nhà văn, 2014.
Người gửi / điện thoại