ĐÔI NÉT VỀ CÁC CÂY BÚT NỮ PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU
VŨ NHO
Nhà văn Vũ Nho
Chúng tôi nghĩ rằng vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam không chỉ thể hiện trong vai trò chị em trong các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp mà còn thể hiện trong cả lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu, phê bình.
Nhà văn Bùi Việt Thắng đã nói về các cây bút văn xuôi nữ, nhà văn Đỗ Anh Vũ nói về các nhà thơ nữ. Tôi xin nói về các cây bút nữ nghiên cứu phê bình. Xin nói rằng theo sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi thấy họ cũng là một lực lượng đáng kể với các tên tuổi : Tôn Phương Lan, Bích Thu, Nguyễn Thị Minh Thái, Lưu Khánh Thơ, Lê Thị Bích Hồng, Trần Thị Trâm, Nguyễn Thị Bình, Phạm Thu Yến, Chu Thị Thơm, Trần Thị Việt Trung, Thy Lan, Nguyễn Quỳnh Anh,…Những cây bút chuyên luận và tiểu luận chưa vào hội như Hoàng Kim Ngọc, Nguyễn Thị Lan, Lương Kim Phương,Nguyễn Thanh Mai, Nguyễn Thị Thiện,…
Nghiên cứu, phê bình là một hoạt động đặc biệt. Nếu người sáng tác chủ yếu dựa vào năng khiếu trời cho, thì người viết nghiên cứu phê bình phải dựa chủ yếu vào sức đọc, sức cảm của cá nhân và chỉ một ít phần của năng khiếu. Đọc rộng, nhớ nhiều, say mê khám phá các sáng tác của nhà văn, có khả năng phân tích, tổng hợp thì mới mong có được một tác phẩm phê bình. Với lí do đó nên những người chuyên làm nghiên cứu phê bình ít hơn hẳn so với người viết văn xuôi hoặc thơ.
Không kể các vị giáo sư đáng kính như Đặng Thanh Lê, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm,… chuyên nghiên cứu, các cây bút trẻ hơn tôi đã thống kê ở trên. Đặc điểm của họ là làm việc ở cơ quan nghiên cứu, trường Đại học và trong các báo lớn. Họ thường xuyên viết bài nghiên cứu, phê bình trên tạp chí, báo. Rồi sau đó tập hợp in thành sách chuyên khảo. Cũng có khi viết luôn chuyên luận về thời kì văn học, về một tác giả…
Tôi muốn nhắc đến PGS TS Bích Thu. Chị in hai cuốn phê bình tiểu luận và in chung trong nhiều đầu sách. Đặc biệt cuốn “ Văn học Việt Nam hiện đại sáng tạo và tiếp nhận”. Cuốn sách công phu, chất lượng, được tặng giải A của Hội đồng lí luận văn học nghệ thuật Trung ương.
PGS. TS. Trần Thị Trâm gần đây xuất hiện đều trong các buổi ra mắt sách của các nhà văn. Chị cũng đã in riêng gần mười cuốn chuyên khảo, giáo trình. Gần đây nhất là cuốn “Tài hoa Việt từ một điểm nhìn” rất ấn tượng.
PGS.TS Tôn Phương Lan quan tâm đến các nhà văn áo lính. Chị đã in riêng 5 chuyên luận và tiểu luận. Chi đi sâu vào nghiên cứu nhà văn Nguyễn Minh Châu.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Chị nghiêng về phê bình sân khấu. Đã in ba cuốn chuyên luận và tiểu luận. Chị nổi tiếng thẳng thắn với câu nói phê bình các nhà phê bình đọc chưa vỡ chữ.
PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng. Chị công tác ở Vụ văn hóa – văn nghệ thuộc Ban tuyên giáo Trung ương. Sau đó là giảng viên cao cấp Trường Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Chị viết truyện, kí. Thành tựu chủ yếu là nghiên cứu phê bình. Có thể kể những cuốn tiêu biểu: Thơ với cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước; Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình; Những người tự đục đá kê cao quê hương; Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương; Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam – truyền thống và hiện đại; Thăng hoa cùng hành trình sáng tạo; Hoa chuối đỏ miền rừng Phja bjooc; Y Phương – sáng tạo văn chương từ nguồn cội; Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh Cách mạng.
Chị nhận nhiều giải thưởng cho sáng tác và nghiên cứu phê bình.
PGS.TS. Lưu Khánh Thơ. Chị đã in gần 10 cuốn tiểu luận và biên soạn về các tác giả thơ. Tôi ấn tượng với cuốn “Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại”. Tôi từng viết bài báo nhan đề “ Thơ với Khánh Thơ”.
PGS.TS. Lý Hoài Thu. Chị công tác ở khoa Văn Đại học quốc gia Hà Nội. Chị in chung nhiều sách chuyên khảo, giáo trình. Đã xuất bản 4 chuyên luận, tiểu luận về thơ. Chị viết về Xuân Diệu, các văn nhân quân đội. Đã nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.
Nhà văn nhà báo Chu Thị Thơm. Chị viết nhiều bài trên báo Giáo dục & Thời đại và các báo khác. Chị in cả thơ, truyện ngắn; nổi trội là 2 tập tiểu luận phê bình “ Từ cõi ảo”, “Văn học và thời luận”.
PGS.TS. Phạm Thu Yến. Chị công tác ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội. Đã in 2 tập thơ và tập chuyên luận về văn học dân gian.
PGS.TS. Trần Thị Việt Trung. Chị làm thơ, nhưng thành tựu chủ yếu là lí luận phê bình. Chị đã viết và chủ biên 6 chuyên luận về thơ văn, chủ yếu là thơ văn các dân tộc thiểu số.
Nhà văn Thy Lan. Chị làm thơ, viết tiểu luận phê bình. Có hai tập tiểu luận phê bình đã in. Cuốn “Mạch ngầm con chữ” được tặng giải C của Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương năm 2015. Giải B của Liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Việt Nam.
PGS.TS Cao Hồng. Chị làm thơ, nhưng thành tựu chủ yếu là viết phê bình, tiểu luận. Chị đã in 4 cuốn tiểu luận và phê bình văn học. Hai lần nhận giải thương của Liên hiệp các hội văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Nhà văn Hoàng Quỳnh Anh. Chị công tác ở Tạp chí Nhật Lệ, Quảng Bình. Đã in 2 tập tiểu luận phê bình. Thường xuyên xuất hiện trên báo Văn Nghệ, Tạp chí văn nghệ của Trung ương và địa phương.
Nhà văn Nguyễn Thị Bình. Chị công tác ở Đại học Hoa Lư Ninh Bình . Đã in ba tập thơ và ba tập tiểu luận phê bình.
Nhà văn Lộc Bích Kiệm. Chị công tác ở Cao đẳng SP Lạng Sơn. Chị làm thơ, viết biên khảo. Đã in 2 tập tiểu luận phê bình.
Nhà văn Phan Mai Hương. Chị công tác trong ngành giáo dục tỉnh Hòa Binh. Viết bút kí và tùy bút. Đã in chuyên khảo và phê bình tiểu luận “Đặc điểm kịch Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng”.
Điểm nổi bật là các nữ tác giả nghiên cứu, phê bình phần lớn có học vị Tiến sĩ, Học hàm Phó giáo sư. Vì nơi công tác của họ là trường Đại học, Viện nghiên cứu.
Ngoài các tác giả trên, còn một số các tác giả văn, thơ khác thi thoảng cũng ghé vào lĩnh vực nghiên cứu phê bình.
Một số nhà văn nữ chưa phải Hội viên Hội nhà văn Việt Nam là PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc (Hà Nội) nhà giáo Nguyễn Thị Lan (Hải Dương) , Nguyễn Thanh Mai (Thái Nguyên), Lương Kim Phương (Hải Phòng), Nguyễn Thị Thiện (Hà Nội)…Họ thường xuyên xuất hiện trên mặt báo giấy, báo mạng. PGS.TS. Hoàng Kim Ngọc in 2 chuyên luận và viết, chủ biên 7 giáo trình. Nguyễn Thị Lan in 2 tập nghiên cứu, phê bình. Nguyễn Thị Thiện chuyên bình thơ. Chị đã in đến 7 tập bình thơ và phê bình văn học. Tôi nghĩ Hội đồng lí luận của Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm bồi dưỡng, kết nạp họ.
Có thể thấy nhà văn nữ làm công việc phê bình nghiên cứu không quá ít. Các chị đã góp phần tích cực vào hoạt động phê bình văn học của địa phương và Trung ương. Chính các nhà văn này đã làm cầu nối đưa bạn đọc đến với văn học của chúng ta.
Hà Nội, 19/10/2022
Người gửi / điện thoại