bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 4
Trong ngày: 65
Trong tuần: 1047
Lượt truy cập: 750088

VƯỢT QUA DÒNG LŨ

Nguyễn Xuân Mẫn
 
VƯỢT QUA DÒNG LŨ
 
   Hôm ấy, dưới khe Nậm Mòn vẳng lên tiếng gì kêu nghe the thé, nó níu chân những người đi chợ Mường Siên dừng lại. Có người thì thào: Ôi! Ma đói xin ăn! Cô Dìn cười: Chắc con mèo chửa của nhà ai đi lạc rồi đẻ con! Thím Dùng nhanh nhẹn giục chồng: Đưa tôi dắt ngựa, bố nó xuống lấy đi. Nhà mình đang không có mèo! Khi mọi người vừa đi qua khe, sang sườn núi bên kia, đã thấy chú Dùng đứng giữa đường, hai tay ôm chiếc áo rét dầy sụ bọc cái gì trong đấy. Miệng chú méo xệch: Đứa khốn nạn nào đẻ con xong, không nuôi đem bỏ dưới ấy. Con bé kháu lắm!
   Cả nhà chú Dùng mừng hơn đào được lọ bạc, vì có ba đứa con trai, bây giờ thím không phải đẻ nhưng cũng có con gái để làm bạn. Con bé ấy được đặt tên là Mòn, gọi theo tiếng kinh là khe nước đùn, nơi nó bị bỏ rơi. Nhưng chẳng biết vì sao, từ khi có con Mòn, thím Dùng hay bị ốm vặt. Người ta đồn: Chắc ma bên nhà nó đòi con cháu, có khi đòi bắt luôn cả ba thằng trai nhà chú thím. Không tin có ma nhưng đi chỗ nào cũng nghe người ta thì thào to nhỏ, chú thím đành cho bà Chơ nuôi nó. Bà Chơ đã ngoài năm mươi tuổi, chậm tay chân, chậm mồm nói, cái nghĩ cũng chậm, nên không lấy được chồng. Ở với bà Chơ, chẳng được dạy bảo chu đáo, nên con Mòn không coi ai ra gì, mà lại rất tinh ranh. Thuê bà Chơ đi cấy, cô Nhinh người Nùng nói đùa: Cô đã nuôi cơm hai mẹ con rồi, không trả tiền bán công đâu! Con Mòn khóc, lăn ra giữa nhà cô ăn vạ. Dù cho bà Chơ nuôi con Mòn, nhưng vài ba ngày, người nhà chú Dùng lại ghé qua, nếu thấy hết gạo, lại phải về mang sang. Một hôm không còn gạo nấu cơm tối, con Mòn gào thét, cào cấu bà Chơ. Thằng Giả, con cả chú Dùng đi qua, hốt hoảng chạy vào, bị con Mòn chửi: Cả nhà mày tham như đàn chó, bán tao cho con già không biết thành người! Thằng Giả bực tức, phát vào đít nó một cái. Con Mòn gầm lên: Mai tao đi đốt nhà mày!
 
                                            *
                                          *   *
 
  Dù nó là đứa hư, rất nhiều người ghét nhưng lại có người cần nó. Vợ chồng cô Ly lấy nhau đã bảy tám năm nhưng cô chưa được to bụng. Thầy bói bảo phải tìm đứa con gái về nuôi để nó dắt con ra giúp. Bàn xong với chú thím Dùng, cô chú Ly thồ sang cho bà Chơ năm tạ thóc, rồi dắt con Mòn về nuôi. Hai tháng sau, cứ đến bữa ăn hễ cô Ly đưa cơm lên miệng là bị nôn. Bốn năm liền, cô đẻ bốn đứa con trai vì lần thứ ba sinh đôi. Cô chú Ly coi nó như con đẻ. Đi học về, con Mòn vừa trông em vừa làm việc vặt, nhưng nó vẫn thấy mình như đi ở thuê không có tiền, lại như con họa mi bị nhốt trong lồng. Nó định bỏ về với bà Chơ nhưng nghĩ đến cái đói hoa mắt, nó lại sợ.
  Bữa ăn nào, năm đứa trẻ nhà cô chú Ly cũng có thịt hay cá, nhưng con Mòn lại thèm các thứ khác. Nó thèm được như các chị lớn xuống phố Mường Siên, chen chân trong dòng người đến du lịch. Một buổi sáng chủ nhật, cô chú Ly đi làm nương sớm, con Mòn bỏ bốn đứa em ở nhà rồi trốn xuống phố chợ. Tối mịt, nó mới về, lại còn nói hỗn: Con không phải con ngựa, bắt thồ gì phải thồ gì! Từ hôm ấy nó bỏ nhà đi xuống phố, lúc làm thuê ở các nhà hàng, khi đi dẫn khách du lịch. Nói chuyện bằng tiếng Anh học mót, xem giờ, nghe nhạc, gọi nhau bằng điện thoại di động và cuộc sống xô bồ ở nơi du lịch, đã trang điểm cho cô bé Mông nhếch nhác, trở thành thiếu nữ phố núi.    
                                                *
                                              *   *
  Không tìm được khách gọi dẫn đi tua, con Mòn vừa đi vừa chửi thề. Chợt từ phía sau có ai khoác lên vai nó cái quai túi. Mòn ngoảnh lại thấy anh Giả mặc quân phục, đeo quân hàm xanh. Anh dắt tay nó vừa đi vừa khoe đã học xong đại học biên phòng, nay về nhà chờ gọi đi nhận nhiệm vụ. Nghe anh hỏi chuyện trên bản, nó trả lời ráo hoảnh: Ba năm nay em không về! Kéo em vào quán, gọi hai bát phở, hai anh em vừa ăn, Giả vừa nhẹ nhàng khuyên nhủ: Không muốn ở với cô chú Ly, em về nhà mình, các anh đi công tác xa, cú nả lại già yếu, cần có người giúp khi ốm đau. Sắp đến lúc em được con trai tìm đến bắt vợ rồi, phải có cú nả đứng ra đón người ta đến xin dâu chứ! Giọng con Mòn ráo hoảnh: Cú nả sợ em cõng ma theo nên đuổi đi lâu rồi á! Em cũng không thích thành vợ. Có chồng con như cái cũi nhốt mình suốt đời. Khổ lắm ớ! Ăn xong bát phở, nó đứng lên, vội chào anh rồi chạy theo tốp khách Tây ngoài cửa đang vẫy nó. 
          Mòn dẫn khách du lịch về đến nửa đường thì trời mưa, không mang áo mưa nên bị ướt lướt thướt. Về tới nhà trọ, Mòn lục lọi khắp các túi nhưng không tìm thấy chìa khóa. Cả dãy phòng trọ đều khóa cửa đi vắng. Rất may có một thanh niên đi vào, Mòn khẩn khoản: - Anh Thành à! Em mất chìa khóa, mở cửa giúp em đi! Nhìn chiếc khóa trong ánh điện lờ mờ, Thành lắc đầu: Chịu rồi, khóa chống trộm phải gọi thợ! Một làn gió tạt qua, người run cầm cập, Mòn theo chân Thành vào phòng gã tránh rét. Mưa phố núi rì rào những nhịp buồn tẻ, giam chân ả trong phòng gã láng giềng. Không mở được khóa cửa cho Mòn nhưng đêm ấy, Thành đã mở khóa cho ả bước vào cửa đàn bà khi mới mười sáu tuổi. Hôm sau, hai đứa khuân đồ đạc của Mòn sang phòng Thành. Không đăng ký, chẳng cưới xin nhưng họ vẫn thành vợ chồng như nhiều đôi khác đang vạ vật kiếm ăn trên phố du lịch.
 
          Sương đêm quyện thành từng giọt rơi lộp bộng trên mái xi măng. Người con bé Ly vẫn nóng hầm hập, nên Mòn không dám chợp mắt. Con bé được mẹ ôm trong lòng, mà nó vẫn giật mình thon thót. Ánh sáng xanh nhạt của bóng đèn ngủ làm cho gian phòng lạnh lẽo thêm. Nước mắt Mòn ứa ra. Lần đầu tiên từ khi xuống phố chợ, Mòn phải khóc. Khóc thương con. Khóc tủi phận mình. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Mòn đoán hay nghe tin con ốm, bố nó về, nhưng khi mở cửa, lại là mụ Hà ở gian đầu ngoài. Mụ thẽ thọt: Cún đỡ chưa? Đã bảo mà, tìm việc làm khác thiếu gì. Có con nhỏ đi tua, vất vả cả mẹ cả con! Khổ lắm chị ạ! Nghỉ một ngày là mẹ con nhịn ăn! Mòn sụt sịt. Hơn ba tháng nay, thằng khốn nạn bám váy con Thúy, không về với mẹ con em! Cô không có cách nào lôi nó về à! Em chịu rồi. Không có bố mẹ, không có anh em, làm gì được nó! Thuê bọn đầu gấu thì phải tiền, mà có khi mất hẳn chồng! Mụ Hà rít trong kẽ răng: Đồ khốn! Này chị bảo nhé! Ghé vào tai Mòn, mụ thì thầm…         
           
  Cả phố Mường Siên xôn xao chuyện con Thúy bị lừa bán sang Trung Quốc. Thành chưa tin nhưng khi nghĩ tới hôm ấy nhận ca gác ở nhà hàng Mây Chiều xong, Phương dúi cho gã chai rượu tây. Vừa đi đường gã vừa nhấm nháp, chưa về đến chỗ con Thúy trọ đã hết. Chai rượu nhỏ như củ cà rốt, nhưng men rượu giúp cho cái dạ dầy trống rỗng của gã thấy không đói. Nằm ôm con Thúy, đầu óc lơ mơ như đang bay lơ lửng trên không, nhưng gã vẫn nghe rõ ả bảo ba giờ sáng mai sẽ đi với mụ Hà có việc. Hơn một tuần không thấy con tình nhân về, gã nhớ ra thằng cha Phương cùng làm bảo vệ đã cho mình chai rượu, thường đú đởn với con mụ Hà nổi tiếng buôn bán phụ nữ. Bán tín bán nghi, Thành xồng xộc chạy đến nhà trọ, phóng con dao Mông phập vào cánh cửa phòng mụ Hà. Gã gầm lên: Con Thúy đâu? Nhìn cánh cửa kia mà trả lời tao! Hơn chục năm lặn lội trong biển bụi đời, chỉ sau thoáng thất thần, tay vẫn xoa phấn dấu đi những nốt tàn nhang trên mặt, giọng mụ Hà lỳ lợm: Chú hỏi ai nhỉ? Gần một tuần nay con bé Ly nhà chú phải cấp cứu, chị em tôi thay nhau trông nó, tôi biết gì chuyện của các người. À hay vào hỏi con bé đang nằm trong bệnh viện. Chắc nó biết đấy vì từ lúc đẻ được hơn tháng, nó đã theo mẹ đi đưa khách du lịch! Nghe nói con đi viện, tình cha trong gã lóe lên, Thành run run: Thật không? Sao mẹ nó không tìm tôi? Ai biết chú ở đâu mà tìm? Mụ Hà cự lại. Nhưng mải đi tìm nhân tình, hơn một tuần sau Thành mới vào viện thăm con. Trong hành lang, bé Ly lẫm chẫm bước theo mẹ đang cầm quả bóng bay. Mẹ nó đi nhanh về phía trước, con bé hấp tấp chạy theo. Đôi chân non nớt của đứa trẻ bị ốm khuỵu xuống, đầu nó va vào lan can hành lang, máu chảy đỏ mái tóc. Thành xông tới. Một cái tát như trời giáng làm cho Mòn choáng váng, suýt nữa đánh rơi con. Thành hùng hổ: Trông con mà không nổi! Cô! Mày! Đồ! Đồ!… Ôm chặt lấy con, Mòn vừa chửi: Mày chửi đồ gái cướp chồng á! Nó bị bán cho lão già tận Quảng Châu bên Trung Quốc rồi. Sang đấy mà chuộc về! Đang xót con bị ngã nhưng nghe Mòn nói Thúy bị bán, Thành đau như bị cứa dao vào vết thương đang rỉ máu. Gã gằn giọng: Thì ra, mày thông đồng với mụ Hà bắt cóc con Thúy. Tao sẽ lột xác chúng mày!       
                                                           *
                                                        *   *
 
          Trên đường lai mẹ con Mòn ở viện về nhà trọ, mụ Hà bảo: Thằng Thành đang định thuê đầu gấu xử chị em mình. Chị đã thu xếp để em tạm thời lên chợ Lùng Giàng trên biên giới. Ở đấy xa hơn trăm cây số, bộ đội biên phòng lại kiểm soát chặt chẽ, chúng nó không dám bén mảng lên đâu. Chị tạm về xuôi, khi nào yên ổn sẽ lên! Mòn sầu não: Em như con gà không có chuồng, không có người nuôi, đàn cáo lại vây trước rình sau, chỉ thương con Ly còn bé quá. Nhưng chị ơi! Lên đấy mẹ con em biết làm gì ăn? Chỉ chờ Mòn hỏi thế, đôi môi đỏ chót của mụ Hà tủm tỉm: Chị đã dàn xếp đâu vào đấy rồi! Chỉ cần cô có đồng ý hay không? Chị có căn nhà giữa phố chợ Lùng Giàng, mở quán Ka ra ô kê, đang thuê hai đứa con gái làm. Từ nay chị sẽ giao hẳn nhà này cho em, coi như trả em số tiền bán con Thúy! Mòn tròn xoe mắt nhìn mụ. Gần mười năm lăn lộn kiếm đồng tiền, nhưng không bao giờ Mòn giành được món tiền mua chiếc xe máy Tàu cũ, chứ không dám nghĩ đến căn nhà nho nhỏ. Thế mà bây giờ, chỉ nhờ người lừa được con Thúy, ả đã có một ngôi nhà hẳn hoi. Ngay tối hôm ấy, một chiếc xe tải nhỏ chở mẹ con ả và ít ỏi đồ đạc lên chợ biên giới. Ả chẳng phải làm gì vất vả nhưng mỗi ngày cũng được bốn năm trăm ngàn đồng. Thỉnh thoảng có người nói là bạn bè hay chị em của mụ Hà, dẫn một hai phụ nữ đến nghỉ nhờ, rồi lại có người đến đón đi. Mòn lờ mờ nhận ra đây là nơi chuyển phụ nữ bị bán sang bên kia biên giới của mụ Hà.
                                                                *
                                                              *   *
 
   Trong vai người đàn bà nhếch nhác đi  mua đồ nhựa phế thải, mụ Hà đi chiếc xe Uyn tàu cũ kỹ lên Lùng Giàng, khi mặt trời sắp chui xuống dãy núi Láo San. Mươi phút sau, trước cửa quán Ka ra ô kê treo tấm biển: Âm ly bị hỏng, xin quý khách vui lòng tìm nơi khác. Sau bữa cơm tối, hai con bé nhân viên phục vụ được đi chơi dưới trạm xá với mấy anh y sĩ vừa lên công tác. Ngồi dưới bếp, mụ Hà và Mòn thì thầm nói chuyện. Nhìn mặt Mòn biến sắc, mụ Hà dấn tới: Tùy cô thôi! Thằng ấy có phải ruột thịt nhà cô đâu! Ngoài bộ đội biên phòng và công an theo dõi mình, thằng Thành vẫn săn lùng đấy!  Em nhớ kỹ, nghề này phải thật kín và lỳ. À quên, chị chưa nói cho cô biết! Số tiền thu được hai năm nay từ ngày cô lên đây, chị đã nhờ anh Thào Vư, di cư vào Đắc Lắc mua hai căn hộ ở thành phố trong đó. Một hai năm nữa hoặc nếu bị lộ, mình bùng vào đấy ở!
Đêm mùa đông trên rẻo cao thường đến rất sớm. Chưa đến sáu giờ tối mà núi rừng biên giới đã chìm nghỉm trong biển sương mù dầy đặc. Các quán hàng đành đóng cửa kín mít, chỉ có quán Ka ra ô kê của Mòn là vẫn lập lòe ánh đèn màu và tiếng nhạc bùng bình. Ba anh bộ đội biên phòng cởi áo bạt treo lên mắc gần cửa, rồi đi vào phòng hát nằm phía trong. Ngồi trong buồng, chỉ vào anh bộ đội đi sau, con Cúc nói nhỏ với Mòn: Thằng cha này mới về đồn, món hàng chị cả Hà giao cho chị đấy! Tim Mòn chộn rộn, đập thình thịch, chân tay run rẩy. Con Cúc tưởng Mòn bị cảm nên dìu vào giường xoa dầu. Dù mấy năm nay không gặp, nhưng dưới ánh đèn, Mòn vẫn nhận ra dáng đi khoan thai chắc chắn quen thuộc. Đúng anh Giả rồi. Mòn bủn rủn chân tay. Nào ngờ đâu mụ Hà lại giao cho Mòn phải làm cái việc độc ác với anh. Việc mụ giao không thành, chắc Mòn sẽ phải thay vào đó. Mòn đoán chắc con Cúc thay mụ theo dõi mình rất chặt chẽ, nên nó mới biết việc này. Con Liên gọi con Cúc đi khiêng mấy kiện bia dưới quán đầu phố về cho khách. Mòn bật dậy xé vội quyển vở, lấy bút ghi mấy dòng, rồi ra ngoài nhét nhanh vào túi một chiếc áo bạt treo gần cửa.   
   Nhiệm vụ của Giả lên đồn biên phòng Lùng Giàng là tìm cho được đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới. Gần một tháng vừa đọc tài liệu, vừa tìm hiểu tình hình, nhưng Giả vẫn chưa lần ra được manh mối. Đã hơn bẩy giờ tối, anh định lấy tài liệu ra xem nhưng đầu óc cứ ong ong. Nghe tiếng nhạc xập xình ngoài phố chợ, anh rủ hai sĩ quan cùng đi hát giải trí. Men bia và giọng hát ồm ồm đã giúp Giả xua tan mệt mỏi. Về đồn, mở cửa phòng, Giả thở phào dự định tự thưởng cho mình một đêm yên giấc. Đặt mình xuống giường, anh khoan khoái thả hồn vào giấc mơ thấy mình trở lại ngày còn nhỏ. Giữa trưa hè, anh đưa Mòn ra suối tắm, song lũ trên rừng đang cuồn cuộn đổ về. Anh sợ hãi dắt em quay lại, nhưng Mòn cứ nằng nặc đòi xuống. Hai anh em giằng co nhau, con bé tuột khỏi tay anh, nhảy tùm xuống suối đục ngầu. Vùng vẫy trong dòng xiết, nó cười khanh khách, át cả tiếng suối gào: Anh xuống đi mát lắm! Giả hoảng hốt chạy men theo bờ gọi nó bơi vào. Mòn cười mỉa: Anh hèn lắm! Một khúc gỗ to như con trâu lao tới, con Mòn leo lên ngồi, cười ngạo nghễ. Khúc gỗ phăng phăng lao vào hòn đá chắn ngang suối, hất nó chìm nghỉm. Trong dòng nước lũ vọng lên những tiếng kêu thất thanh…
Giả choàng tỉnh nhận ra tiếng Phong, đội trưởng trinh sát đang đứng bên giường lay gọi: Anh Giả, có việc khẩn lắm! Em đang ngủ chợt nhớ ra cầm áo bạt của anh về quên chưa đưa. Sợ trong túi áo có tiền, em lục được mảnh giấy này! Giả tỉnh ngủ hẳn, xem qua tờ giấy. Anh chạy sang phòng đồn trưởng…
 
   Mòn thấy trong đầu có tiếng gì u u như gió trên vách đá, rồi lại ào ào tựa suối lũ ở xa vọng lại. Cô mở mắt nhận ra mình đang nằm trên chiếc giường rải ga trắng muốt, đặt trong gian phòng xây. Ánh nắng buổi sáng chiếu qua cửa sổ, làm cho căn phòng quét ve màu vàng, sáng bừng lên. Cô nhận ra anh Giả ngồi phía cuối giường. Nâng bàn tay cô, anh mỉm cười: Em tỉnh chưa? Mòn mệt nhọc gật đầu. Giả âu yếm: Thế mà đêm qua anh sợ hết hồn! Nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của Mòn, Giả trầm trầm giọng kể…
… Xem qua mảnh giấy em viết, ban chỉ huy đồn họp gấp triển khai nhiệm vụ. Cùng lúc, cửa trước và cửa sau ở quán đều bị các chiến sĩ mở toang. Em đang quằn quại vật vã trên giường, sùi bọt mép. Em được hai anh quân y tiêm thuốc chống độc và rửa ruột ngay lập tức. Trên gác, con bé Ly vẫn ngủ say trong tấm chăn dầy. Không thấy con Cúc, con Liên và chiếc xe máy cũng biến mất. Đồn trưởng lệnh cho tiểu đội vũ trang đi tắt núi, xuống cầu treo Nậm Giàng. Các chiến sĩ vừa tới đầu cầu thì gặp ba chiến sĩ của đồn nằm ở dưới tổ Pạc Tà, giải con Liên và con Cúc về đồn. Hai ả khai: Chúng đang ngủ bỗng nghe em rên rỉ quẫy đạp, hai đứa cầm đèn pin chạy sang, thấy tay em nắm chặt lọ thuốc độc, mụ Hà đưa cho chúng để bắt em hại anh. Hoảng sợ, hai đứa phóng xe máy bỏ chạy, không ngờ chưa đến đầu bản Pạc Tà, bị bộ đội biên phòng bắt được…
 Nâng Mòn ngồi tựa vào lòng mình, Giả âu yếm: Em dại thế! Sao không báo cho các anh? Nhìn ra ngoài cửa sổ, những tảng mây đang lởn vởn trên dãy núi Láo San xa mờ, giọng Mòn lo lắng: Em sợ lắm! Con mụ Hà ác hơn ma cà rồng, nó không tha ai đâu. Em nghĩ thà mình chết còn hơn phải hãm hại anh, nên tưởng đã cùng đường, em viết thêm mấy chữ nhờ anh chị nuôi hộ cháu Ly! Giả tươi cười:  Mụ Hà và đồng bọn ở Mường Siên bị bắt gọn đêm qua rồi! Mòn khóc nức nở vì mừng rỡ, ôm chặt lấy anh như ngày còn bé. Ngoài cửa có hai ông bà già và người phụ nữ đi vào. Giả reo to: Cú nả và chị dâu lên thăm em này!
                                                                             N.X.M
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)