Cầm Sơn
XUYÊN QUA CÁNH RỪNG (Chương 4)
Xóm Thính ở tít cuối xã nối với thế giới bên ngoài bằng một con đường đất do Lâm nghiệp mở để chuyên chở gỗ. Xóm gồm trên hai mươi nóc nhà có cả người Mường ở lẫn với người Dao. Trước đây dân xóm Thính sống chủ yếu tự cung tự cấp bằng nương lúa, nương sắn và nguồn lâm sản lấy ra từ rừng tự nhiên, cuộc sống lúc ấy còn hoang sơ nhưng không bao giờ bị đói. Giữa đại ngàn trùng điệp có mấy nóc nhà thì sự xâm hại do đời sống con người không thấm gì so với sự tăng trưởng của rừng. Thế rồi sự bùng nổ của tăng trưởng kinh tế kèm theo sự thiếu hiểu biết của con người đã làm cho rừng tự nhiên bị tàn phá với tốc độ chóng mặt. Người ta phá rừng để trồng lương thực, người ta còn ca ngợi những hành động phá rừng ấy như những anh hùng đi mở mang đất nước, khai hóa văn minh thức tỉnh núi rừng. Chỉ trong vòng một thập kỷ, người xóm Thính không còn hình dung ra những cánh rừng tự nhiên như thế nào nữa, chỉ còn lại một ít nương sắn nương ngô và đại đa phần là đồi trọc lau bụi. Duy chỉ có núi Thảng còn có chút màu xanh do nứa, do giang tái sinh sau khi bị tàn phá. Ruộng cấy lúa chỉ có một ít phần lớn là ruộng dộc manh mún do người dân tự khai phá ở các khe núi. Nương rẫy không nhiều vì đất đồi trọc cỏ thì phần lớn là của công ty trồng rừng nguyên liệu. Dãy núi Thảng có giao cho dân nhưng là để bảo vệ khoanh nuôi do Vườn Quốc gia quản lý. Rồi người miền xuôi cũng tràn đến, nhiều loại hình công việc được phát triển như trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng, mua nứa đưa về xuôi làm dèo dưa… Từ ngày Nhà nước cho mở con đường nối hai tỉnh chạy qua, xóm Thính như bừng tỉnh nhộn nhịp hẳn lên, người làm ăn đủ các nghề kéo về đông hơn, rồi có mấy hộ buôn bán, dịch vụ người Kinh làm nhà ở lại luôn nên xóm Thính trở thành một xóm quần cư của nhiều tộc người, văn hóa pha trộn, không còn giữ được những nét riêng có của bản Mường. Nhu cầu phục vụ cho đời sống cao lên thì cũng yêu cầu người ta phải kiếm được nhiều tiền hơn, khổ nỗi người dân xóm Thính chẳng có nghề gì nên đành đi làm thuê đủ kiểu. Phụ nữ thì nhận thuê khoán làm rừng cho công ty Lâm nghiệp, hết rừng ở gần thì đi đến những nơi xa cũng có khi nửa tháng mới về. Đàn ông người thì đi khai thác, bốc vác gỗ thuê cho mấy ông cai gỗ, người thì về miền xuôi làm phu hồ thợ vữa. Thôi thì đủ các việc miễn là kiếm ra được đồng tiền. Với một địa chỉ ô hợp như thế thì tránh sao khỏi những tệ nạn như cờ bạc, đĩ điếm, nghiện hút, trộm cắp nảy sinh. Trong những tệ nạn này, nhộn nhịp nhất là việc chặt trộm cây rừng vì đơn giản là chỉ cần chặt trộm được một cây chót lọt là người ta đã có hàng trăm ngàn đồng mua được cả mấy cân gạo. Do rừng của dân trồng, rừng của công ty Lâm nghiệp trồng xen kẽ nhau nên việc quản lý rất khó. Người ta chỉ cần đưa cây ra khỏi rừng rồi thì dẫu có nhìn thấy cũng không bắt được nữa. Thế là lại đẻ ra những người chuyên đi mua gom gỗ, hoạt động khai thác vận chuyển hết sức nhốn nháo phức tạp, công tác bảo vệ rất khó khăn, đặc biệt là ở rừng của công ty Lâm nghiệp. Rồi có cả những người chuyên nghề đi ăn trộm cây rừng như gia đình nhà Bình. Nhà Bình có hai vợ chồng và bốn đứa con tuổi cũng đã nhầng nhầng, vợ thì quanh năm suốt tháng không ốm thì đau èo oặt, ba đứa con trai và một đứa con gái học qua được tiểu học ở nhà chẳng biết làm gì, lại đang tuổi ăn tuổi lớn, ruộng có ba sào dẫu chăm bón tốt cũng chỉ được năm tạ lúa đủ ba tháng ăn cho cả nhà, chưa kể các nhu cầu chi tiêu khác, nhà Bình mỗi năm thiếu hẳn chín tháng không có gì ăn. Nghề nghiệp không có, đi làm thuê thì vợ ốm không thể đi xa được. Vậy là cứ đêm đêm mấy bố con lại mò lên rừng đẵn trộm gỗ, mà chỉ nhằm vào rừng của công ty lâm nghiệp vì rừng của hàng xóm một là còn nể mặt nhau, hai là của tư nhân người ta cũng canh phòng tốt hơn. Mặc dù đội bảo vệ của công ty lâm nghiệp đã đưa Bình vào diện chú ý đặc biệt, thậm chí còn sắp đặt việc canh phòng phục kích. Cũng đôi ba lần bắt được nhưng về mặt pháp lý thì lại chưa đủ căn cứ cấu thành tội để đưa Bình ra tòa. Có lần Bình tuyên bố trước mặt đội trưởng đội bảo vệ của công ty lâm nghiệp xanh rờn:
- Đúng! Nghề nghiệp chính của bố con tao là đi chặt trộm gỗ của công ty lâm nghiệp đấy. Đố chúng mày bắt được tao đi tù. Tao không rình chúng mày thì thôi chứ chúng mày rình thế nào được tao. Dẹp đi cho nó đỡ tốn công vô ích!
Từ ngày lão Bính lên trại núi Thảng, công việc của đội bảo vệ công ty Lâm nghiệp cũng được nhẹ đi nhờ bố con nhà Bình cũng lên trại phát rừng cho bác Bính. Nhà lão Mánh sau khi giao mấy héc ta rừng cho mỏ nhận ít tiền đền bù chưa biết đầu tư vào việc gì, thấy nhà Bính lên núi Thảng lại nói là phát để trồng rừng nhận khoán cả chu kỳ với công ty Lâm nghiệp, lão sang hỏi Nhứng:
- Cái núi ấy người ta giao cho mình bảo vệ khoanh nuôi sao lại phát trồng rừng được?
- Em đi làm bên công ty Xuân Lâm nghe nói sắp có chủ trương cho phá bỏ một số rừng khoanh nuôi trồng lại rừng mới để đề phòng hỏa hoạn. Đợi họ có chủ trương ra sợ rằng Vườn quốc gia họ lại thu hồi mất đất, có khi mình phải làm trước đi, mình trồng thành rừng rồi thì mới có lý để giữ lại được chứ.
- Thế thì nhà tôi cũng phải cho làm ngay, bên tôi cũng có trên ba chục héc ta chứ có ít đâu
Nhà lão Mánh vỗn dĩ có lực nên lão kéo hết con cháu còn thuê thêm cả người ngoài lên làm cho nhanh.
Nhà Bính, nhà lão Mánh làm được thì cả xóm làm được, đi làm rừng mà thiếu cái ăn thì sang vay Nhứng, cứ bỏ cái sổ đỏ cho nó rồi thì vay bao nhiêu cũng được, mà cái sổ đỏ cấp cho để bảo vệ rừng thì có là cái quái gì, cùng lắm thì gán luôn cho nó đã sao, ngay trước mắt đã có một nắm tiền chả phải lo gì cái ăn nữa, lên rừng phát chắc ăn được một vụ lúa nương, mai kia trồng thành rừng thì lại khối tiền, cả xóm giàu đến nơi rồi. Thế là nhân lực của xóm Thính được tập trung tất cả lên núi Thảng, cả những người đang đi làm thuê ở xa cũng được rút về, có nhà còn đưa bà con nội ngoại ở những làng lân cận sang làm giúp. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, gần hai trăm héc ta rừng nứa khoanh nuôi ở núi Thảng bị phát trắng. Cán bộ Vườn Quốc gia phát hiện ra vụ việc nhưng không đủ chức năng để đình chỉ ngay vì Vườn Quốc gia không có Kiểm Lâm, vì vậy đợi báo cáo lên Sở , từ Sở sang Chi cục Kiểm Lâm rồi triển khai xuống đến địa phương thì dân lại đã phát thêm được vài chục héc ta nữa rồi. Khi đình chỉ được thì đã có trên hai trăm héc ta rừng bị phát. Người ta tiến hành điều tra thì ai cũng bảo thấy hàng xóm làm được thì nhà tôi cũng làm chứ chẳng có ai đứng ra hợp đồng hay vận động cả. Dễ dàng người ta lần được ra đầu mối là từ Nhứng. Nhứng bảo hàng xóm người ta vay tiền thì tôi cho vay, tôi giữ sổ đỏ làm thế chấp khi nào họ có tiền trả thì tôi trả cho họ chứ tôi đâu có liên quan gì đến việc họ phát rừng. Người ta lại chụp đến Bính là người lên rừng làm đầu tiên, Bính bảo tôi làm trại để lên ở vừa bảo vệ rừng theo hợp đồng với Vườn Quốc gia vừa để chăn nuôi nhưng thấy hàng xóm ồ ạt lên phát rừng thì tôi cũng phát. Cãi đi cãi lại cũng vẫn chỉ là cãi lý cùn, họ bảo Bính là người đầu tiên khởi xướng và họ nói là sẽ đưa vụ việc ra khởi tố. Khởi tố thì khởi tố, đến nước này rồi cần cái quái gì, cùng lắm đi tù vài vài năm có chết đâu mà sợ, đi tù không khéo lại sướng hơn ở nhà, mấy đứa nghiện hút buôn bán ma túy dặt dẹo nó đi tù xoành xoạch như đi chợ cũng có sao đâu. Ở nhà thì cũng phải cho người ta đất làm rừng làm nương, trồng củ khoai củ sắn để sống chứ. Và thế rồi cuối cùng Kiểm Lâm cũng chả bắt tội được ai, đành làm thủ tục phạt rồi cho trồng lại rừng. Kể cả việc phạt rồi cũng phải áp mức giá nhẹ nhất chứ nhiều quá dân cũng chẳng lấy đâu ra tiền mà nộp phạt. Mà họ không nộp phạt thì không đủ thủ tục trồng lại rừng, chẳng lẽ cứ để đất trống.
Hưng hí hửng báo cáo với Hoàng:
- Báo cáo sếp anh tính toán như thần. Đúng là bây giờ chỗ núi Thảng đã được hơn hai trăm héc ta rồi, đất thực bì toàn nứa thế thì năng suất rừng phải cao lắm. Thủ tục nộp phạt cho trồng lại đã xong cả. Đề nghị sếp ứng thêm tiền cho dân nộp phạt còn triển khai trồng rừng.
- Lần trước ứng cho cậu là với lý do thực hiện kế hoạch chăm sóc rừng cũ, còn bây giờ triển khai trồng mới thì phải làm cho đúng nguyên tắc.
Thì chúng em đứng ra nhận vốn trồng cả chu kỳ cho công ty. Bìa đất trong tay chúng em rồi
- Nhưng bìa có mang tên các cậu không hay vẫn là tên của dân? Vẫn là của dân chứ gì. Vậy cậu phải mang tất cả số bìa đỏ ấy về công ty bảo dân làm giấy chuyển nhượng lại những cái bìa ấy. Người nào không đồng ý thì thôi bảo họ tự mà lo lấy. Bây giờ họ đang cần tiền, mua rẻ họ cũng bán. Người nào đã bán rồi thì được nhận khoán làm cả chu kỳ theo giá do các cậu thỏa thuận.
Đúng như lời Hoàng nói, trừ nhà lão Mánh ra còn tất cả dân xóm Thính có đất trên núi Thảng đều làm giấy bán cho Hưng mang tên một số người ở công ty Lâm nghiệp. Thậm chí lại còn phấn khởi vì được một cục tiền mang về sửa chữa nhà cửa sân vườn. Rồi dân xóm Thính lại đi làm thuê cho Hưng trên chính mảnh đất của mình trước đây.
Sau cái vụ ấy, dẫu sao cũng không qua mắt được các nhà chức trách, họ thừa biết có bàn tay công ty đứng đằng sau nhưng không có chứng cứ gì để bắt bẻ. Hoàng cho gọi Hưng lên bảo:
- Bây giờ cậu làm đội trưởng ở đấy không có lợi nữa. Cái vụ núi Thảng cũng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp về công ty trong lòng cánh Kiểm Lâm, Vườn Quốc gia và một số quan chức trên huyện. Cậu còn ở đấy thì họ còn chú ý. Bây giờ tôi cho cậu về phụ trách một mũi khai thác, cậu lại sẽ có cơ hội phát triển ở công việc mới.
- Vâng, cám ơn sếp!
Thế là cái vụ núi Thảng coi như xong đến tận gốc, bao nhiêu bìa đất mua được của dân Hoàng giao lại cho một số môn đệ đứng tên nắm giữ để dễ bề hợp nhất sau này. Đối với các nhà chức trách, Hoàng bảo là đã kỷ luật cậu Hưng, cách chức đội trưởng vì tội có liên quan đến vụ phá rừng núi Thảng. Còn Hưng chuyển sang công tác khai thác, tuy mất chức đội trưởng nhưng lại được bố trí vào một vị trí béo bở hơn. Nói là đội khai thác cho nó có vì chứ thực ra mỗi tổ là một đơn vị riêng biệt trực thuộc thẳng giám đốc nên cũng chẳng khác gì là một ông đội trưởng. Gọi là đội khai thác nhưng thực chất chỉ có mỗi ông phó giám đốc kiêm đội trưởng mà mọi việc quyết đoán thì thuộc quyền giám đốc. Công ty có ba tổ làm công việc khai thác vận chuyển gỗ nguyên liệu. Hưng được phân công phụ trách tổ phía Bắc công ty giáp ranh với khu vực rừng quản lý của công ty Tứ Lâm, sản phẩm đều phải chuyên chở trên con đường chạy qua xóm Thính. Nhà Nhứng có vườn rộng lại quen biết từ lâu nên Hưng chọn luôn nhà Nhứng làm trụ sở tổ. Tổ Hưng có bốn đầu xe loại “Hai dàn hai dí”để chạy đường dài và hai cái xe loại tám tấn để chở tăng bo gỗ từ những lô rừng sâu xa ra bãi tập kết. Về mặt tải sản thì những xe này không phải của công ty mà là do tiền cùa mọi người đóng góp và vay Ngân Hàng. Về tư cách pháp nhân, Hưng là giám đốc một công ty Trách nhiệm hữu hạn đứng ra ký hợp đồng khai thác vận tải cho công ty Xuân Lâm nhưng thực chất phía sau vẫn là sự điều hành của giám đốc Hoàng. Mất chức đội trưởng xuống làm tổ trưởng nhưng đấy lại là một đặc ân của Hoàng đối với Hưng . Tổ khai thác vận tải không chỉ tìm kiếm lợi nhuận từ công việc khai thác, vận tải mà chủ yếu kiếm tiền từ sự lập lờ trong công tác quản lý. Ở Tổng công ty, bãi hàng được bố trí cầu cân. Giá trị hàng hóa được tính theo đơn vị trọng lượng. Còn ở các công ty, trong rừng ai mà cân cho được. Tất cả các lô rừng đều được một công ty thiết kế căn cứ vào đường kính,chiều cao và mật độ bình quân của lô rừng mà tính thành đơn vị khối lượng. Các tổ khai thác nhận rừng và nhận khối lượng phải đảm bảo vận chuyển ra Tổng công ty. Ngay từ lúc nhận rừng đã có những sai lệch vì khối lượng giao rừng căn cứ vào hồ sơ thiết kế từ năm trước thì đến lúc nhận rừng đã có tăng trưởng. Song điều đáng nói là Tổng công ty bỏ ngỏ không hề có một văn bản nào hướng dẫn về việc khảo sát quy đổi đơn vị tính giữa trọng lương ở cầu cân Tổng công ty với khối lượng ở lô rừng công ty. Và thế là các công ty cứ mặc nhiên quy đổi một mét khối gỗ tương đương với một tấn hàng. Điều này sẽ chẳng ai bắt bẻ được bởi vì gỗ khai thác ra có khi để ở trong rừng hàng tháng mới vận chuyển, nếu bị khô mỗi mét khối chỉ còn cân được tám, chín tạ. Có điều chẳng tổ khai thác nào dại gì để cho gỗ bị khô, họ phải luôn nhìn ngắm, tính toán thời tiết để hàng sau khi chặt xuống được đưa nhanh ngay ra cầu cân. Và như thế, tùy theo gỗ to, nhỏ, non, già mà tỷ lệ quy đổi có thể xê dịch từ một tấn mốt đến một tấn tư. Do đó vị trí làm tổ trưởng một tổ khai thác là một vị trí béo bở, thơm ngon cho dù tất cả mọi người trong công ty đều biết nhưng cũng chẳng làm gì được. Và đó cũng là đặc quyền của giám đốc để gia ân mưa móc cho những người thuộc cánh hẩu của mình. Đương nhiên đối với giám đốc Hoàng thì sự ăn chia trên dưới rất rõ ràng, sòng phẳng.
Thế rồi cái mỏ ở khu đất rừng nhà Mánh ngày trước bắt đầu hoạt động, bao nhiêu cây rừng bị đốn trụi, máy ủi, máy xúc làm việc ngày đêm làm cho cả một má đồi bị vạt đi đỏ au như một vết thương, ô tô các loại thi nhau chạy ngược chạy xuôi đổ bùn đất nhòe nhoẹt khắp dải đường nhựa, nước rửa quặng chảy ra làm cho dòng suối Thúc đục ngầu. Mặc dù cái mỏ ấy cũng thu hút lao động giải quyết được việc làm cho một số người dân địa phương đang đi làm thuê ở các nơi kéo về nhưng họ vẫn phải sử dụng thêm lao động đến từ nơi khác. Xã lại cho mở một cái chợ làm cho xóm Thính trở nên nhộn nhịp hơn và tình hình sinh hoạt cũng nhốn nháo hơn. Người ta đua nhau đổ ra gần đường đào đồi, khoét núi để mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ. Người buôn bán ở các nơi đổ về, có cả mấy ông xì lồ tiếng tàu làm ăn với mỏ cũng thỉnh thoảng xuất hiện. Ra đường thấy có cả những thanh niên tóc xanh tóc đỏ, điện thoại di động gọi nhau léo nhéo, xe máy đèo hai đèo ba phóng vèo vèo.
Sau cái vụ phải bán giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên núi Thảng, Nhứng đồng ý cho con Dùng đi theo con Sính về thành phố. Ở đâu thì cũng là thân phận làm thuê, thôi thì nó muốn thế thì chiều ý nó, mình cũng có lo cho nó được đâu. Biết đâu nó về thành phố lại kiếm được tấm chồng tử tế thì cũng nhẹ gánh cho mình. Từ ngày tổ khai thác của Hưng đến ở thì Nhứng thôi không phải đi lên rừng làm thuê nữa. Một mặt có tiền từ hợp đồng cho thuê đất lâu dài để làm chỗ đậu xe và bãi tập kết gỗ cho tổ, một mặt Nhứng được Hưng trả lương cho công việc làm cấp dưỡng cho Hưng và anh em lái xe. Bính thì được Hưng trưng dụng làm tổ trưởng tổ bốc vác, mỗi lần xe đi chở hàng, Bính có nhiệm vụ gọi người theo xe vào rừng bốc gỗ, tiền được thanh toán tính theo khối lượng gỗ bốc chia đều cho mọi người nhưng tổ trưởng thì được Hưng trả thêm cho mỗi xe lúc mười ngàn lúc mười năm ngàn đồng. Từ đấy, thu nhập của nhà Nhứng cũng được khấm khá hơn lên, không còn phải tất bật ngược xuôi lo đồng tiền bát gạo, không còn phải lam lũ nhếch nhác nữa. Con người trở nên đĩnh đạc, nói năng nhẹ nhàng, ăn mặc cũng xinh xắn hơn lên.
Sau cái đợt bán những lô rừng trên núi Thảng, nhiều hộ dân xóm Thính có tiền đua nhau bán bỏ nhà sàn để làm nhà xây. Chính Hưng là người mua giúp bà con những ngôi nhà sàn gỗ để rồi chuyên chở gạch ngói xi măng, vật liệu xây dựng cho dân xóm Thính. Nói là cái nhà gỗ nhưng bán đâu cũng có được bao nhiêu, có cái thậm chí giá tiền không bằng một chuyến xe gỗ nguyên liệu. Nhưng người dân xóm Thính thấy người Kinh ở nhà xây tiện lợi, lịch sự hơn nên người có ít tiền thì xây bằng gạch ba banh mái gỗ lợp tấm lợp ciment, người có nhiều tiền hơn thì xây nhà đổ mái hai tầng, xóm láng trông cũng có vẻ khang trang hơn nhưng đời sống thì vẫn chủ yếu là đi làm thuê, nhiều nhà tuy cũng đã xây được cái nhà cấp bốn nhưng vẫn ăn bữa nay lo bữa mai. Nhà Nhứng cũng nhấp nhổm muốn bán để làm nhà xây. Hưng bàn sẽ đầu tư thêm tiền cho xây hẳn một cái nhà hai tầng to rộng, bên dưới làm luôn cửa hàng dịch vụ, còn cái nhà sàn của gia đình Nhứng cột kèo to đẹp bằng gỗ hồng sắc được lấy từ những ngày gỗ rừng tự nhiên còn ở ngay vườn đằng sau nhà thì Hưng để lại cho nâng cột bên dưới cao lên thêm và sửa chữa thành nhà cho anh em lái xe ở và sinh hoạt. Từ ngày xây xong nhà, Nhứng nghiễm nhiên trở thành bà chủ cửa hàng ăn uống dịch vụ Hương Rừng quản lý mấy người làm thuê. Trước hết cửa hàng phục vụ cho cánh lái xe trong tổ của Hưng, à mà bây giờ phải gọi là công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Hưng, làm dịch vụ lương thực, thực phẩm cho các tổ khai thác ở trong rừng và sau nữa là khách thập phương phố chợ. Hưng còn bày cho Nhứng bố trí một phòng rộng trên gác cho các loại khách VIP có thể vừa ăn vừa hát Karaoke, có mấy phòng khép kín cho những khách có nhu cầu nghỉ qua buổi trưa hoặc qua đêm. Và tất nhiên những người được ưu tiên trước hết phải là những cán bộ cấp trên và những người Hưng có mối quan hệ đặc biệt. Với cung cách ấy, đương nhiên là mối quan hệ của Hưng và Nhứng cũng càng ngày càng đặc biệt. Vốn dĩ thời con gái Nhứng đã từng là hoa khôi của cả làng cả xã, dáng người thon thả với làn da mịn màng lúc nào cũng trắng hồng mát mắt. Ở cái tuổi ngoài bốn mươi, điều kiện ăn uống sinh hoạt tốt nên nàng đang vào độ hồi xuân. Hàng quán thì đã có người giúp việc, Nhứng chỉ làm công việc quản lý và giao tiếp nên ăn mặc cũng phải tươm tất, lại chải chuốt tô điểm thêm chút ít nên trông càng bắt mắt. Lão Bính từ ngày gia đình có thu nhập khá giả hơn thì thôi không phải đi bốc vác gỗ nữa nhưng lão vẫn là tổ trưởng phụ trách việc gọi người và điều người cho các xe kèm thêm một vài việc lặt vặt phục vụ cho các tổ khai thác trong rừng được Hưng trả công mỗi ngày vài chục ngàn đủ tiền uống rượu, vì vậy lão đi suốt ngày và có khi vài ngày mới về và cũng lơ mơ suốt ngày. Còn Hưng với cương vị là Giám đốc một công ty, Hưng không chịu bó buộc chỉ kinh doanh có mấy cây nguyên liệu của công ty Xuân Lâm để ông Hoàng cứ sai khiến mãi. Trong giấy đăng ký kinh doanh, Hưng xin phép có đến hàng chục ngành nghề, nào là xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, xăng dầu, chế biến nông lâm sản, dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ…Cái nhà hàng của Nhứng cũng là một bộ phận trong hoạt động của công ty Thành Hưng. Mối quan hệ của Hưng rất rộng, từ quan chức địa phương, quan chức các ngành đến các đối tác làm ăn và cũng đủ hạng người từ những người lịch lãm kín đáo đến cả những kẻ lưu manh chộp giật. Một lần có một người khách mà Hưng phải tiếp theo kiểu đặc biệt, Hưng bảo Nhứng cử một em xinh nhất trong đám nhân viên lên tiếp khách tại phòng VIP và bà chủ Nhứng cũng phải lên cùng để có hai cặp cho khách được tự nhiên. Việc này Nhứng cũng đã từng quen khi còn đi làm rừng mỗi khi đội trưởng có khách. Tối hôm ấy vui vẻ quá làm cho cả khách lẫn chủ say khướt, cũng chẳng biết được sắp đặt bố trí lúc nào mà sáng dậy mỗi cặp đã thấy mình được chuyển sang một phòng ngủ, và cũng từ đấy, sự dan díu của Hưng và Nhứng đã nâng lên đến mức “già nhân ngãi, non vợ chồng”. Cũng có lần lão Bính uống rượu từ đâu về lè nhè cà khịa, Nhứng gọi người giúp việc kéo lên phòng trên nhốt lại, đợi lúc lão Bính tỉnh Nhứng vào đóng chặt cửa phòng rồi cởi hết quần áo ra bảo:
- Ghen hả! Lại nghe đứa nào nó khích bác chứ gì. Có giỏi thì cởi quần áo ra làm cho chán đi, vẫn còn nguyên đây chứ có mất đi tý nào đâu. Suốt ngày rượu thịt đầy đủ không muốn lại muốn đi bốc vác hay lên trại trên núi sao.
Nói rồi Nhứng đẩy lão xuống giường
- Lúc nào cũng say xỉn, cứ như cái dải khoai sọ héo thế này mà cũng đòi ghen. Thôi dậy, đi tắm cho nó tỉnh táo. Khi nào muốn cứ bảo đây khác chiều, không phải bậm bục làm gì, con ăn người ở nó cười cho. Mà có thích đứa nào thì cứ việc, đây cũng không thèm để ý đâu.
Thế là lão Bính lại răm rắp nghe theo lời vợ. Và càng ngày, lão càng đắm chìm vào cõi mộng cùng với gã Lưu linh.
Sự ồn ào náo nhiệt của quán Hương Rừng được tăng lên rất nhiều từ khi con Dùng cùng cái Sính con bà Sằn về thăm nhà. Chúng đi bằng xe con về hẳn hoi, lại còn có hai đại gia cùng đi. Chúng giới thiệu đấy là các sếp còn chúng thì đang làm thư ký giúp việc. Con Dùng bảo bây giờ phải gọi nó là Trang Dung còn con Sính là Thùy Linh. Chúng bảo đưa các sếp lên khảo sát để có thể các sếp sẽ kết hợp làm ăn, đầu tư mở rộng kinh doanh. Sau cái đận ấy, có nhiều người lạ đến ngủ qua đêm, cũng có lần chúng cùng những người lạ về, cũng có lần chỉ có những người lạ đến, rồi các xe chạy đường dài cũng chọn quán Nhứng làm điểm đỗ. Người đi kẻ đến tấp nập cả đêm.
Hưng nói với Nhứng là do công ty Thành Hưng càng ngày càng phát triển, mặt khác cũng để tránh sự dầy dà do mối quan hệ giữa Hưng và Nhứng. Hưng mua hẳn một quả đồi rộng mấy héc ta cho san ủi một phần rồi chuyển công ty sang đấy, bàn giao lại cái nhà sàn cho Nhứng cải tạo lại thành phòng nghỉ cho khách qua đêm, đồng thời cũng đã đủ điều kiện tách hẳn hoạt động kinh doanh của Nhứng ra khỏi công ty để Nhứng có điều kiện độc lập phát triển, phần đầu tư của Hưng coi như là góp vốn cổ phần, sau này Hưng sử dụng dịch vụ cũng sẽ tính như một khách hàng ghi chép lại để trừ vào cổ tức hoặc giảm vốn đầu tư. Hưng đã xử sự đúng mong muốn của Nhứng nên Nhứng rất cảm phục nhưng thực chất là do Hưng thấy gờn gợn cái sự kinh doanh của Nhứng, hình như có điều gì mờ ám, phi pháp. Hưng đang làm ăn thông đồng bén giọt nhờ sự quản lý sơ hở của cơ chế Quốc doanh, mối quan hệ và nhóm lợi ích của Hưng là các quan chức từ công ty đến Tổng công ty, tuy là kinh doanh nhưng là doanh nghiệp Quốc doanh nên vẫn là quan chức do Nhà nước bổ nhiệm và đương nhiên công việc của Hưng đang được Nhà nước bảo hộ. Hưng không dại gì lại dính líu đến các trò phi pháp, lãi lờ chẳng biết được bao nhiêu, nhỡ bị các nhà chức trách hỏi thăm thì có mà đổ bể tất. Một tháng đôi lần, giám đốc Hoàng cùng các cán bộ công ty, có lúc có cả những cán bộ trên Tổng công ty cùng đi với giám đốc, những lần ấy, tất cả những dịch vụ từ ăn uống, ngủ nghỉ đến cả những dịch vụ thú vui tiêu khiển của các sếp Hưng đều cho lấy hóa đơn mang về công ty Thành Hưng thanh toán, rất sòng phẳng với cửa hàng của Nhứng.
Lãnh đạo xã cho cuốc chân một quả đồi ở ngay sát chợ rồi chia ô bán. Mỗi ô chỉ được bảy tám chục mét vuông nhưng giá cũng phải trên trăm triệu. trước hết ưu tiên dân xóm Thính còn dân tứ chiếng nếu muốn thì phải mua thông qua tên của người địa phương. Thực ra đấy là những cán bộ xã được ưu tiên phân phối nhưng không có nhu cầu sử dụng thì nhượng lại cho người khác lấy giá chênh lệch theo thỏa thuận. Dân xóm Thính lại vét hết tiềm lực để cố mua cho mình một miếng. Người nào mua được là cảm thấy rất tự hào, hãnh diện. Riêng nhà lão Mánh thì không quan tâm chú ý gì. Hàng xóm thấy lạ, có người tò mò hỏi lão:
- Nhà bác có lực thế mà sao không mua lấy một hai miếng.
- Đâu có được, làm ăn buôn bán phải có nghề. Trời không cho tôi cái số buôn bán ở gần chợ, thôi đành suốt đời cắm đầu vào rừng thôi.
Cả xóm ai cũng bảo lão mê tín, tin vào số mệnh vớ vẩn. Giá mà có tiền như lão thì phải làm vài ba miếng, chả làm nhà hàng cửa hiệu thì bán đi cũng được giá.
Lão Mánh trước đây vốn dĩ là cán bộ kỹ thuật lâm trường. Lão học xong Đại học khoa lâm sinh thì được điều về một lâm trường ở mãi tận vùng Đông Bắc. Làm việc được hơn mười năm thì một mặt là do xa nhà, mặt khác lão thấy lão làm việc rất tích cực nhưng lãnh đạo lâm trường chẳng hề chú ý đến lão, khối đứa vừa mới ra trường được một vài năm đã vượt lên làm cấp trên của lão, lão nghĩ cứ làm việc như thế mãi thì không biết đến bao giờ mới ngóc đầu lên được, lão xin về nghỉ chế độ theo nghị định một bẩy sáu. Về nhà, lão tham gia làm trưởng khu hành chính vài khóa. Lão chỉ huy con cháu cắm đầu vào rừng. Cái đợt Nhà nước giao đất không mấy người chịu nhận, lão làm trưởng khu phải gương mẫu nhận luôn bốn chục héc ta, sau này lại nhận mấy chục héc ta khoanh nuôi của Vườn Quốc gia mà bây giờ đã thành rừng trồng của lão. Những năm nhà máy mua nguyên liệu rẻ như bèo, bao nhiêu nông dân khốn đốn vì trồng rừng , trồng rồi đến chu kỳ phải bán vì không bán thì sống bằng gì. Nhà máy mua rẻ nhưng nào ai đã bán được cho nhà máy, phải có chỉ tiêu kế hoạch được Tổng giám đốc phê duyệt thì hàng mới vào được nhà máy. Chính vì thế hồi bấy giờ có những kẻ ở những ngành chẳng có chức năng gì về lâm sản nhưng lại thành lập nên một công ty vận chuyển làm cớ để móc nối với nhà máy lấy chỉ tiêu nhập hàng. Thậm chí có những người đang làm việc ở một cơ quan công quyền cũng có chỉ tiêu. Chỉ cần một mảnh giấy chỉ tiêu ấy, người ta bán nó cho những thương lái lấy tiền đút túi ngon ơ. Đương nhiên là thương lái phải ép giá thì mới có lợi nhuận, người nông dân không bán cho thương lái thì chẳng biết bán cho ai. Nhiều người bán xong rừng rồi thì lại trắng tay vì còn chi phí cho khai thác, trả nợ vốn vay lúc trồng rừng. Ngay như lão Mánh là người am hiểu về lâm nghiệp mà cũng còn bị đắng. Khi lão còn đang công tác thì vợ lão ở nhà có một lô rừng ký hợp đồng nhận vốn với lâm trường, vì vậy đến thời hạn thì phải khai thác để trả vốn. Rừng của nhà lão trồng thì không ai có thể chê vào đâu được, cả lâm trường cũng chưa có lô rừng nào đạt được năng suất như rừng của nhà lão. Ấy thế mà sau khi bàn giao trả lâm trường khai thác, hơn sáu héc ta rừng, lão chỉ còn nhận được chưa đầy triệu bạc. Bẩy năm trời, mỗi héc ta cho một trăm năm mươi ngàn!? Rừng tốt như nhà lão còn được nhận tiền chứ như nhà Ban thì sau khi quyết toán với lâm trường lại còn bị âm, có nghĩa là phải nộp trả lại tiền cho lâm trường. Lão lấy bản hợp đồng ra nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức giao khoán của lâm trường, hóa ra bao nhiêu các khoản chi phí của lâm trường họ đều tính vào đầu cây gỗ, thế có nghĩa là mình đổ mồ hôi, sôi nước mắt ra là để nuôi cả bộ máy cồng kềnh ấy, họ đâu có khổ sở vất vả như mình, lại còn xe đưa xe đón, tiệc tùng bù khú triền miên. Họ đưa cho mình một đồng, đến lúc họ lấy gỗ tính giá gỗ ra tiền họ lấy gấp ba lần rưỡi, có nghĩa là trong bẩy năm phải trả lãi ba trăm năm mươi phần trăm. Lão xem trên ti vi thấy cái phóng sự “ Nước mắt người trồng rừng” phát trên VTV1. Lão nghĩ, thế này thì lãnh đạo Nhà nước cũng phải biết đến nỗi khổ của nông dân vùng nguyên liệu chứ, sao việc đâu vẫn cứ đó? Trong đầu lão nhớ mãi cái phóng sự ấy, nhớ mãi hình ảnh người đàn bà đang róc mấy cành củi ngọn cây giữa một lô rừng đã khai thác trắng vừa khóc mếu máo vừa trả lời phỏng vấn của phóng viên. Lão vốn là người hay liên tưởng, lão hình dung ra hình ảnh hàng triệu nông dân gày gò cúi xuống khúc gỗ để bốc lên xe chở về nhà máy còn mấy gã thương lái béo tròn bụng căng như quả bóng thì lại ngồi lên lưng họ. Lão đành tự nhủ theo kiểu AQ, thôi thì hàng triệu người chịu đựng có mấy thằng thì vẫn chưa bị bẹp. Chính vì vậy, sau cái đận ấy, khi Nhà nước có chủ trương giao đất rừng cho dân để thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc thì chẳng ai dám nhận. Lão Mánh nghĩ khác, mình có đất, quyền chủ động là ở mình không phải phụ thuộc vào kẻ khác, mình phải làm theo cách của mình. Mặt khác, lão là trưởng khu hành chính, lại được tiếng là cán bộ gương mẫu đi đầu. Lão nhận luôn bốn chục héc ta. Vì là đất lão được quyền sử dụng nên không ai ép được lão, lão chỉ nhận làm cho những dự án không phải trả vốn, có nghĩa là dự án nào mang tính hỗ trợ người trồng rừng thì lão nhận, còn theo kiểu như lâm trường thì lão thề sẽ chẳng bao giờ bén mảng đến cổng làm gì, Lão cho trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc đúng như chủ trương của Nhà nước. Các giám đốc dự án thấy lão làm tốt nâng lên thành điển hình nên lão càng thuận lợi. Trên cùng một lô rừng, có khi lão được đến hai, ba chủ dự án hỗ trợ, ai cũng báo cáo thành tích cho dự án của họ. Lão đã từng được đi báo cáo điển hình từ cấp tỉnh đến cấp toàn quốc, được chụp ảnh chung cả với phó Thủ tướng Chính phủ. Lão biến đất rừng của nhà lão thành những trang trại chia cho mỗi đứa con phụ trách một khoảnh. Lão cho trồng đủ các loại cây, từ cây xoan, cây quế, đến cả những cây lấy gỗ lâu năm như dổi, lát… Cả cây nguyên liệu lão cũng trồng nhưng chỉ cân đối thực lực tài chính của gia đình chứ không nhận vốn từ các lâm trường. Nơi nào trồng chè, nơi nào làm vườn, làm ao, làm chuồng nuôi gia súc lão đều bố trí sắp xếp hợp lý. Cây nguyên liệu đến chu kỳ khai thác, lão không đẵn trắng ồ ạt, lão chọn tỉa dần những cây to bán cho Dầy Kẻ làm gỗ tạo tác được giá hơn nhiều. Chỉ đến khi Nhà nước mở cửa cho băm dăm nguyên liệu xuất khẩu, lúc ấy người ta cạnh tranh nhau không còn cảnh độc quyền của nhà máy ép giá nông dân lão mới cho đẵn, cho trồng hàng loạt.
Nay dân xóm Thính lại dậm dịch bán rừng để mua đất ngoài chợ, lão nghĩ chẳng dại gì chạy theo phong trào, đua nhau ra chợ bán hàng thì rồi bán cho ai, lão lại đi ngược chiều của số đông người trong xóm, lão âm thầm bỏ tiền ra mua những mảnh đất rừng lão ưng ý. Người bán được cho lão thì mừng ra mặt, còn lão thì lại được coi như người hào phóng giúp đỡ nhưng thực chất là lão cũng mừng nhưng lại lặn vào trong. Lão nghĩ đã đến lúc Công nghiệp hóa nông thôn rồi, lão cho sắm ô tô vận tải để chủ động trong việc chuyên chở nguyên liệu, lão mua máy xúc đất làm đường chạy vòng quanh chân lô vừa để phục vụ sản xuất vừa làm đường ranh giới tránh sự tranh chấp đất đai. Bây giờ thì chủ yếu lão trồng cây nguyên liệu, do đất của lão toàn loại đất tốt, màu mỡ nên rừng trồng những năm đầu lão đều cho trồng xen cây nông nghiệp. Chỗ nào đất tốt lão cho gieo lúa nương, chỗ nào đất lẫn đá thì xạ đỗ tương hoặc ngô còn đại đa phần là trồng xen sắn, cứ mỗi hàng cây lão lại trồng một hàng sắn thẳng hàng theo đường đồng mực. Nhà lão cũng ở gần đường lộ nhưng không thuộc khu vực trung tâm mà ở mãi tận cuối xóm có con suối Thúc chẩy qua. Lão cho xếp đá be đập làm mương dẫn nước lắp hẳn một máy phát điện công suất năm ki lô oát, vì vậy mặc dù nhà lão cũng có điện lưới nhưng chỉ để dự phòng, lão sử dụng điện từ cái máy phát thủy điện suốt ngày nên chả tốn kém bao nhiêu. Ngoài việc cho bơm nước rửa chuồng trại chăn nuôi, bơm nước cho ao thả cá, lão còn sử dụng để bơm nước mui bán cho xe chạy đường dài tăng thêm thu nhập. Gia đình lão lớn bé dâu rể có tám người, lão thuê thêm bà con hàng xóm, bình quân nhà lão lúc nào cũng có tới hai mươi lao động quanh năm. Mỗi buổi sớm, khi mặt trời lên khỏi đỉnh núi rải ánh sáng vàng nhạt xuống má đồi có những hàng cây và hàng sắn màu xanh thẳng tắp, lão cứ liên tưởng như những hàng binh trong đội quân trên hành trình tiến tới tương lai.
Người gửi / điện thoại