Văn nghệ Công nhân
BA NGÀY VÀ NHÂN PHẨM MỘT CON NGƯỜI
Lời BBT: Trong đợt kết nạp hội viên mới năm 2020, sau khi Báo Văn nghệ đăng danh sách kết nạp hội viên được ba ngày thì Website của Hội Nhà văn lại chuyển tải Thông báo của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 9 về việc thu hồi Quyết định kết nạp đối với tân hội viên Dương Thiên Lý. Và cũng lại chỉ trong ba ngày, thông báo này được gỡ khỏi giao diện trang website.
Vừa qua, trang “Văn nghệ Công nhân” thuộc Ban Văn học Công nhân nhận được một Đơn Khiếu nại của Dương Thiên Lý gửi Ban chấp hành Hội Nhà văn kèm theo bản photo một số giấy tờ chứng lý. Ban biên tập Wesite Văn nghệ Công nhân chúng tôi xét thấy đây là một việc hệ trọng đối với nhân phẩm của một con người, đặc biệt là người này đã từng là Thanh niên xung phong trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, là con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, là một trong số những người sáng lập ra Hội VHNT tỉnh Bình Phước. Nên chúng tôi cho chuyển tải toàn bộ nội dung Đơn khiếu nại của Dương Thiên Lý lên trang. Những mong được bạn đọc gửi lời bình luận nhằm rộng đường dư luận.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN CỨU XÉT LẠI MỘT QUYẾT ĐỊNH
(VÌ DỰA TRÊN DƯ LUẬN XÃ HỘI ĐÃ BỊ NGỤY TẠO, QUY CHỤP, GÁN GHÉP,
ĐƯỢC TỈNH ỦY BÌNH PHƯỚC KẾT LUẬN CÁCH ĐÂY GẦN 10 NĂM)
Kính gửi: - BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
- BAN KIỂM TRA HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
Tôi là tác giả: DƯƠNG THIÊN LÝ
Họ và tên khai sinh: Dương Thị Lý
Ngày tháng năm sinh: 12/6/1960
Nguyên quán: Làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Nơi thường trú hiện nay: Tổ 2 - Phú Cường, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Nghề nghiệp: Giáo viên Văn cấp 2,3 (đã nghỉ hưu)
Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Huế.
Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước.
Đã tham gia học các khóa 3,4,5,6 tại Trung tâm Bồi dưỡng viết Văn Nguyễn Du, thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.
Tại Hội nghị trong các ngày 5,6 tháng 11 năm 2020, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã chuẩn y kết nạp tôi - Dương Thiên Lý, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, chuyên ngành Văn xuôi (Báo Văn nghệ số 46 ngày 14/11/2020 đã đăng công báo này). Nhưng đến ngày 16/11/2020, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã ra quyết định thu hồi quyết định kết nạp hội viên nói trên của tôi, tức Dương Thiên Lý, với lý do "đạo thơ". Với tôi, quyết định đó gây oan khuất vô cùng.
Để Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam thấu tỏ đoạn trường khúc nôi về cái gọi là "đạo thơ" dậy sóng, tôi xin trình bày đôi nét về bản thân và giải trình theo thứ tự các cáo buộc ghi trong Biên bản cuộc họp của Chi hội văn học (Có văn bản kèm theo), như sau:
1. Năm 1984, do hôn nhân trục trặc, tôi đưa con vào tỉnh Bình Phước định cư và dạy học. Năm 1986 chính thức ly hôn, tôi làm mẹ đơn thân. Bình Phước là tỉnh mới thành lập, chưa có Hội Văn nghệ địa phương, mà tôi lại say mê sáng tác văn chương và âm nhạc. Năm 1991 được cấp có thẩm quyền cho phép, tôi lập Câu lạc bộ Thơ, đến năm 2005 do nhu cầu phát triển, cấp có thẩm quyền quyết định, cho phép Câu lạc bộ thơ chuyển thành Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật, do tôi đứng đầu. Đây được coi là tổ chức tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước về sau. Bởi từ lực lượng này, tỉnh Bình Phước quyết định thành lập Ban Vận động thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, tôi nằm trong ban này. Năm 2006, được ban vận động phân công, tôi ra Hà Nội gặp nhà thơ Hữu Thỉnh trình bày vấn đề. (Nhà thơ Hữu Thỉnh làm chứng) Được nhà thơ Hữu Thỉnh cho văn bản đề nghị tỉnh Bình Phước thành lập Hội VHNT tỉnh. Có văn bản này, tỉnh Bình Phước ra Quyết định thành lập Hội VHNT tỉnh Bình Phước. Đại hội lần thứ Nhất năm 2006, ông Nguyễn Tuấn (đã mất) làm Chủ tịch Hội, Dương Thiên Lý vừa dạy học vừa cộng tác với Ban lãnh đạo hội tích cực hoạt động. Suốt từ năm 2006 đến năm 2011 tôi là Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn học.
2. Do mâu thuẫn cá nhân (không tiện nói ra), ông Nguyễn Duy Thơm lúc đó Chi hội trưởng Chi hội Văn học cùng Ban lãnh đạo Chi hội Văn học đã ngụy tạo bằng chứng, quy chụp, quy kết không có cơ sở, để vu khống tôi chuyện "đạo thơ". Cụ thể:
- Về bài thơ "Trên núi" và bài "Canh ba" cùng của tác giả Nguyệt Hồ in trong tập "Lời cô đơn" (NXB Văn hóa - Dân tộc Hà Nội, năm 2000). Tôi xin thưa, được tác giả cho phép (có văn bản viết tay của Nguyệt Hồ), tôi đã trích bốn câu đưa vào hai khổ trong bài "Người tôi yêu", in chung trong tập "Tình yêu và cuộc sống" (NXB Thanh Niên). Trong cuộc giao lưu thơ lần ấy, tôi có hoạ bài thơ "Canh ba" của Nguyệt Hồ để tặng anh. Nhưng khi đưa in chung (nhiều tác giả trong đó có Nguyệt Hồ) trong tập "Lửa tình yêu" (NXB Thanh Niên năm 2002), do lỗi biên tập, in ấn, đóng xếp, đã không lấy đúng bài họa của Dương Thiên Lý tặng Nguyệt Hồ, mà lấy nhầm bài "Canh ba" của Nguyệt Hồ. Sai sót này đã được Nhà xuất bản Thanh Niên xin lỗi (có văn bản đính chính kèm theo). Như thế, việc "đạo thơ" trong hai tố cáo trên là không đúng!
- Về bài thơ "Trăng hạ huyền Hồ Gươm" của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm in trong tập "Sương Hồ Tây - Mây Tháp Bút" (NXB Hội Nhà Văn). Tôi xin thưa: Ở Phường Tân Đồng có tổ chức lớp học làm thơ, họa thơ, họ mời tôi đứng lớp. Tôi đã soạn giáo án, lấy bài "Trăng hạ huyền Hồ Gươm" (của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm) ra phân tích cho học viên, và mọi người cùng họa bài thơ đó. Tôi cũng có bài họa lại bài thơ trên soạn sẵn trong giáo án, với nhan đề "Mi trăng", và đọc cho học viên nghe. Sau đó tôi đem giáo án trên khoe với mấy người phụ trách Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Ít lâu sau, từ lớp học tại Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du (Hà Nội), tôi nhận được điện thoại của Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Phước, là bài "Mi trăng" được in vào số 03/2011. Tôi tưởng họ đem in sẽ kèm lời tòa soạn về xuất xứ bài thơ là họa lại bài thơ "Trăng hạ huyền Hồ Gươm" của Nguyễn Vũ Tiềm. Ai dè khi trở về, cầm số tạp chí nói trên, thì thấy họ chụp in nguyên trang giáo án của tôi. Tôi vốn sống vui vẻ, yêu đời, yêu người, nên không hay biết ý đồ của số người đó. Khi sự khống lộ mặt, tôi giật mình, nhận thấy hai điểm đáng ngờ. Thứ nhất, tôi chỉ khoe giáo án, không gửi in tạp chí, vì nếu gửi in tạp chí, tôi đã đánh máy vi tính đàng hoàng theo quy định. Thứ hai, vì sao lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ Bình Phước không cho đánh máy lại (dù cơ quan tạp chí có bộ phận kỹ thuật vi tính), mà chụp in nguyên trang giáo án của tôi? (Có bản in tạp chí kèm theo). Phải chăng họ có ý đồ lấy chứng cứ bút tích chữ viết tay của tôi? Điều này vô tình, đã lòi ý đồ gian dối của nhóm người nói trên.
- Về bài thơ "Đất Mũi" của nhà thơ Trần Quang Quý. Nhóm người trên vu cho tôi cắt, xé bài thơ "Đất Mũi" thành nhiều câu ngắn, để làm thành bài thơ "Phù sa Đất Mũi" của mình, rồi gửi cho Tạp chí Văn nghệ Bình Phước. Tôi xin thưa: Đây là một sự ngụy tạo bỉ ổi của nhóm người trên. Tôi không hề biết bài thơ "Phù sa Đất Mũi" ngang dọc ra sao. Chính nhóm người trên đã làm cái việc bỉ ổi là cắt, xé bài thơ "Đất Mũi" của nhà thơ Trần Quang Quý, để tạo ra bài "Phủ sa Đất Mũi", rồi gán cho tôi mà tôi không hay biết. Tôi nghĩ, một khi bọn họ đã có ý đồ chụp trang giáo án viết tay của tôi đem in nguyên trên tạp chí số 03/2011 để làm chứng cứ, thì sự ngụy tạo này, họ thừa sức làm!
- Về bài thơ "Miền ký ức" của tác giả Trần Văn Hà (in trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước số 1/2008). Tôi xin thưa: Tôi viết bài thơ "Cảm tác Bom Bo" (năm 2013), nội dung hoàn toàn khác bài "Miền ký ức". Nhưng vì cùng viết về Sóc Bom Bo, cùng đặc trưng tiếng chày, ngọn lửa, có thể vô tình trùng đôi từ nào đó của bài "Miền ký ức", chứ không phải tôi ăn cắp bài thơ này. Vả chăng, cả hai bài "Phù sa Đất Mũi" và "Cảm tác Bom Bo" họ đưa ra làm chứng cứ đạo thơ, thì đã in trên sách báo, hay phát trên đài nào đâu, mà bảo tôi ăn cắp?
Với những căn cứ không xác đáng nói trên, Chi hội văn học do ông Nguyễn Duy Thơm làm Chi hội trưởng, tổ chức hội nghị chi hội. Tại đây, với tính chất cả vú lấp miệng em, họ đã đề nghị khai trừ tôi ra khỏi Hội Văn học nghệ thuật Bình Phước. Và ông Phan Văn Dõng, Chủ tịch Hội, không nghiên cứu kỹ vấn đề, đã ra Quyết định khai từ tôi.
Từ những gì tôi đã trình bày, lý giải nguồn cơn, kết luận của nhóm người vu cáo tôi đạo thơ, là không xác đáng, đôi khi quy chụp hoặc ngụy tạo có ý đồ. Đã gây nỗi oan sai kêu trời không thấu cho tôi. Về phương diện chung, tôi cho rằng, muốn kết tội một ai đó đạo văn, đạo thơ, phải dựa trên bản in do cơ quan xuất bản, cơ quan báo chi ấn hành, hay phát trên các phương tiện thông tin đại chúng có tư cách pháp nhân. Không thể dựa vào bản thảo hoặc đọc miệng ở đâu đó (nếu có) để kết tội, vì lúc đó họ chưa phạm tội. Trở lại trường hợp của tôi, tác giả Thiên Nga có bài viết "Như thế có phải là đạo thơ không?" đăng trên báo "Người cao tuổi" năm 2014, đã góp phần lý giải vấn đề này (Có văn bản kèm theo).
3. Từ những lùm xùm (nhiều đơn tố cáo) xảy ra ở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Phước, trong đó có vấn đề đạo thơ, ngày 17/01/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã có Quyết định số 1079-QĐ/TU thành lập Đoàn Kiểm tra, tiến hành kiểm tra, xác minh, giải quyết. Đến ngày 03/7/2014, Tỉnh ủy Bình Phước đã có Thông báo số 2379-TB/TU, kết luận giải quyết tố cáo đối với đồng chí Phan Văn Dõng - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Phước (Có văn bản kèm theo).
Theo Kết luận này, tại mục 5, việc xử lý đạo văn, đạo thơ đối với bà Dương Thiên Lý, đã nói rõ: Quá trình xem xét chưa thấu tình, đạt lý; chưa xem xét đầy đủ nội dung, tính chất, mức độ vi phạm và tính chất tăng nặng, giảm nhẹ; chưa xem xét hoàn cảnh và những cống hiến của bà Lý cũng như những tiền lệ đã diễn ra trước đó tại Hội VHNT tỉnh. Việc Hội đồng Thi đua khen thưởng kỷ luật yêu cầu bà Lý xin lỗi trước tập thể hội VHNT, là hành vi hạ thấp danh dự và biểu hiện động cơ trù dập bà Lý...
Từ Kết luận quan trọng nói trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, ngày 06/6/2014, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước đã có Quyết định số 29/QĐ-H.VHNT xóa kỷ luật hội viên vi phạm Điều lệ Hội, phục hồi hội viên đối với Dương Thiên Lý (Có văn bản kèm theo). Việc xóa kỷ luật của Hội VHNT Bình Phước đối với tôi, đã chứng minh tôi không đạo thơ.
Cũng từ Kết luận trên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, cùng với tình hình thực tiễn, ngày 30/11/2015, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định số 98/QĐ-H.VHNT bãi nhiệm Ban lãnh đạo Chi hội Văn học nhiệm kỳ 2013-2015 đối với các ông: Nguyễn Duy Thơm (Chi hội trưởng), Nguyễn Thanh Hoàng (Chi hội phó), Mai Dân (Chi hội phó), Nguyễn Duy Hiến, Nguyễn Đức Vinh. Như thế, những người cố tình tạo ra cái gọi là "đạo thơ", gây oan khuất cho tôi, cuối cùng cũng bị xử lý.
4. Mặc dù đã in 05 tập thơ được bạn đọc yêu mến: "Từ miền cây lá" (NXB Thanh Niên, 2002), "Những kỷ niệm không quên" (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2004), "Người về phố núi" (NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh, 2005), "Bồng bế nỗi buồn" (NXB Hội Nhà văn, 2006), "Đất trời trở dạ" (NXB Hội Nhà văn, 2007), nhưng do những lùm xùm không đáng có nói trên, tôi bỏ dần việc làm thơ, chuyển sang địa hạt sáng tác Văn xuôi, là lĩnh vực mà nhóm người xấu trên không thể ngụy tao, đơm đặt, quy chụp được. Tại đây, tôi đã gặt hái được những thành quả đáng kể.
- Đã xuất bản 7 tiểu thuyết: Nước mắt đắng (NXB Hội Nhà văn, 2009); Chiều vụn (NXB Hội Nhà văn, 2014); Điểu Ong huyền thoại một anh hùng (NXB Hội Nhà văn, 2016); Đất mạ anh hùng (NXB Hội Nhà văn, 2016); Người trên đảo vắng (NXB Hội Nhà văn, 2017); Vị tướng thành Nam (NXB Hội Nhà văn, 2019); Những người họ Dương (NXB Thanh Niên, 2020).
- Đã xuất bản 03 tập truyện ngắn, truyện ký: Cô giáo và nụ hoa (Tập truyện ký, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2008); Tình trong giọt mưa (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2012); Người rừng (Tập truyện ngắn, NXB Hội Nhà văn, 2018).
Trong số tác phẩm văn xuôi kể trên, có 4 cuốn được Hội VHNT Các Dân tộc thiểu số in lại trong một dự án riêng.
Giải thưởng Văn học: Giải Nhì của Hội VHNT Bình Phước trao cho bài Hương xuân năm 2008. Giải thơ đặc cách tứ tuyệt của UNESCO cho bài Gọi đò năm 2009. Giải Ba thơ của báo Người cao tuổi và báo Công an nhân dân trao cho bài Mẹ năm 2010. Giải B cho bút ký "Cao su tình đất tình người", do Báo Cao su và Tập đoàn Cao su Việt Nam tổ chức, năm 2011; Giải Ba cuộc thi truyện ngắn do tỉnh Bình Phước tổ chức năm 2013. Bằng Khen cho tiểu thuyết "Người trên đảo vắng" do Bộ LĐ - TB & XH và Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng năm 2017.
- Tôi cũng tham gia sáng tác Âm nhạc. Đã có 14 ca khúc, trong đó có 4 ca khúc được Đài VOV2 phát sóng. Cụ thể, năm 2012 phát các ca khúc: "Mẹ Việt Nam", "Khúc ân tình trên quê hương Bình Phước", "Phước Long huyền thoại". Năm 2018 phát ca khúc "Đại Lải yêu thương".
Hiện nay tôi đã có bản thảo hai tập truyện ký, và một số đề cương tiểu thuyết đang triển khai. Tôi mong có động lực để hoàn thành.
5. Với những đóng góp trong việc ra đời tổ chức Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bỉnh Phước, với hơn 20 năm bền bỉ phấn đấu trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật, đặc biệt những thành công đáng kể trên lĩnh vực Văn xuôi, tôi đã được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam xét kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (tại phiên họp ngày 5,6 tháng 11 năm 2020).
Tôi nghĩ, không có sai lầm, khuyết điểm nào không thể sửa chữa. Không có khuyết điểm nào mặc định một kiếp người. Giả dụ trường hợp của tôi, xảy ra gần chục năm trời, nếu thành án, thì cũng mãn hạn từ lâu. Huống chi sự việc không hề có, sao bị tiếng oan đeo đẳng mãi?
Tôi thiết tha kính mong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam, nhiệt tình cứu xét, đặng tôi sớm trở lại là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi vô cùng biết ơn to lớn này!..
Đồng Xoài, ngày 01/12/2020
NGƯỜI LÀM ĐƠN
Ký tên: Dương Thiên Lý
(Nguồn: Banvanhoccongnhan.com)
Người gửi / điện thoại