bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 234
Trong tuần: 1333
Lượt truy cập: 636613

BẠN THUỞ CHĂN TRÂU

Triệu Hồng

BẠN TỪ THUỞ CHĂN TRÂU                                                                          

      Đinh Thế Anh, Triệu Đức Huệ, Cù Xuân Tuế và tôi là Hà Quang Biểu, người cùng xóm Đồng, làng Văn Nhân. Thuở nhỏ chúng tôi cùng là bạn chăn trâu trên cánh đồng Trò ven bờ đê sông Hồng.  Thế Anh tuổi Tý tuổi con chuột hơn tôi một tuổi, Huệ và Tuế với tôi cùng tuổi Sửu, tuổi con trâu. Như thế, chúng tôi cùng trà lứa, lúc nhỏ cùng học lớp y tờ ở lán nhỏ làm giữa xóm Miếu, sau cùng học cấp I, cấp II ở xã và cấp III ở huyện, nên vẫn xưng hô “mày- tao”, chỉ khi có vợ con thì thôi không xưng hô “mày- tao” nữa. Tốt nghiệp phổ thông, tôi được gọi vào học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971 đi bộ đội, năm 1976 trở về trường học tiếp và ra trường làm nghề dạy học, được sinh viên, học viên và phụ huynh gọi là thầy, nên việc xưng hô “mày- tao” chẳng bao giờ dùng nữa.

         Nhớ một buổi chiều chăn trâu trên đồng Trò cùng bủ Dần. Bủ có tài xem tướng mạo, bủ bảo chúng tôi lớn lên đều khá cả, có học, có tài sau trở thành “đốc học, ông lãnh, ông tri phủ, tri huyện”, có đứa tiến bộ còn làm “quan tổng đốc, ông quan triều”. Ngày đó, bọn trẻ mới lớn, sống ở làng xóm nên cũng chẳng biết làm “ông tổng đốc, ông đốc học, ông lãnh, ông tri phủ, tri huyện, ông quan triều” là thế nào, chỉ biết cười vui. Bủ Dần nói tiếp trong số các cháu, có cháu Thế Anh khá hơn cả, làm đến “quan triều”. Cháu Xuân Tuế thì làm “quan tổng đốc”, cháu Đức Huệ làm “quan tri huyện” còn cháu Quang Biểu làm nhà giáo sau làm “ông đốc học”. Các cháu đều phải trải qua một thời chinh chiến, thời nhiễu loạn, phải cẩn thận kẻo sa vào vòng lao lý đấy.

    Thế Anh cười to nhất, nói:

   -  Như thế là chúng cháu đều khá hơn bố mẹ, ông bà. Cháu mà làm đến “ông quan triều”, cháu phải làm đường cái quan vào tận xóm, tận làng. Xây lại đình chùa miều mạo cho khá hơn làng khác. Mỗi lần cháu từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn về cháu sẽ mua quà cho cả làng, thắp hương tưởng nhớ bủ Dần…

   - Thế còn cháu Huệ, cháu Tuế, cháu Biểu thì thế nào?

   - Chúng cháu sẽ cũng làm như Thế Anh ạ.

   Tôi còn bảo Bủ Dần coi xem số cho thằng Chính, thằng Lương, thắng Vượng, thằng Đào, thằng Hoà, thằng Châu, thằng Ích… xem chúng nó mai sau ra sao?

     Bủ Dần nhìn các cháu, nói:

   - Chúng nó đều là người giời cả, đất nước được nhờ, nhưng bố mẹ, dân làng thì chẳng còn trông thấy dáng hình đâu nữa…

   Thằng Chính như muốn hỏi xem người giời là người thế nào? Bủ Dần sợ nói cho các cháu biết điều không hay ảnh hưởng đến tâm tư của các cháu nên bủ nói tránh:

    - Người giời là người bất tử. Mai đây các cháu làm nên sự nghiệp lớn lao lắm…

     Nghe bủ Dần nói vậy, lũ trẻ chăn trâu đều vui. Chúng tôi còn nhỏ là con cháu những người nông dân chân lấm tay bùn chẳng biết làm “ông quan triều, ông tổng đốc, ông lãnh, ông đốc học, ông tri phủ, tri huyện” là thế nào, làm việc gì. Nghe bủ Dần nói thì biết vậy, cũng chẳng để tâm, chúng tôi lại vô tư chia nhau ra đánh trận giả trên cánh đồng Trò, hoặc làm nhưng cuộc bơi thi qua ngòi Cỏ.trechantrau

     Thế Anh nhiều tuổi nên đứng ra chi huy, tôi còn nhớ như in nhưng cuộc trận giả hoặc bơi thi. Trận giả thì chia ra quân đỏ, quân xanh với số người hai bên bằng nhau. Mỗi bên chiếm cứ một phía, bên quân xanh dựa vào những bờ ruộng, bờ ngòi, bờ mương mà, còn bên quân đỏ thì dựa vào những ụ đất, những mồ mả, bụi chuối, lùm cây thanh hao, cây cà dại mà ém quân. Trận chiến bên thắng là phát hiện ra từng đối phương mà bắn “tiêu diệt”. Bên nào bị hết quân là thua, bên nào còn quân là thắng. Thế Anh chỉ huy ở bên xanh hay bên đỏ đều thắng. Tôi còn nhớ một trận vừa mới về vị trí ẩn nấp đã bị một viên đất ném trúng lưng. Như thề là tôi đã bị “tiêu diệt” rồi, không còn chỉ huy quân được nữa. Dần dần quân của tôi đều “bị chết” vì bị đối phương ném trúng. Lối đánh thần tốc của quân Thế Anh khiến tôi nhớ mãi, sau này vào trận đánh quân Mỹ Nguỵ tôi đều phải cảnh giác kiểu đánh sau lưng, hay lối đánh vỗ mặt nhanh mạnh, bất ngờ của quân địch.

     Việc bơi thi qua ngòi Cỏ thì về nhất vẫn là tôi và Thế Anh. Tôi và Thế Anh bơi sải rất tốt, loáng một cái đã bơi sang bờ ngòi và còn quay lại bơi nhiều vòng nữa. Trong khi đó bọn trẻ con trong làng mới lớn chỉ bơi được một hai vòng. Có lẽ vì hai chúng tôi lớn tuổi hơn, thân mình cao lớn hơn mà thôi, chờ vài năm nữa bọn trẻ làng lớn lên chúng sẽ bơi tài. Tôi và Thế Anh chắc chả địch được chúng nó đâu, những đứa con vùng sông nước này đều bơi giỏi cả. Buổi chiều chúng tôi phi trâu về nhà, còn tập trung úp nơm, săn cá chòi (cá chuối) đứa nào đứa ấy làm một xâu cá dài mang về cho bố mẹ nấu nướng cùng gia đình ăn cơm.

   Buổi tối, chúng tôi tập trung ở đình làng học hát và hát vang những bài hát cách mạng. Anh Tiến, chị Hương phụ trách, cho tập hát những bài “Tiến Quân ca”, “Chiến thắng Điện Biên”, “Trường ca sông Lô” , “ Làng tôi”, “ Giải phóng Miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn” và rất nhiều bài hát cách mạng, thi thoảng có đứa còn hát những bài gọi là “nhạc vàng”, bị anh Tiến, chi Hương cấm không được hát vì nó làm yếu đuối tinh thần con người.

    Hồi ấy, đi học được nhà nước quan tâm, chỉ phải đóng một ít học phí mỗi tháng 2 đồng. Khoẻ và tài như bọn trẻ chúng tôi thì chỉ vài buổi úp cá bán là có đủ tiền góp học phí cả năm. Đến khi tốt nghiệp cấp II, cấp III thì vào học trung cấp hay đại học thì được nhà nước nuôi, con trai đi học còn được 18 đồng, con gái được 20 đồng trợ cấp đủ ăn uống trong trường, gia đình chỉ phải chi vài đồng cho con mua kem đánh răng, quần áo hoặc tiền đi đường. Điều kiện như thế, chúng tôi mới được đi học và phát triển lên làm người nọ người kia có địa vị, học vị. Nhưng chúng tôi đều phải trải qua một thời chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt, nhiều đứa làng tôi đã hy sinh ngoài mặt trận. Phần nhiều là hy sinh ở miền Nam, ở Lào và Campuchia, nhiều đứa mất chỉ có giấy báo tử ghi là đã “hy sinh ở mặt trận phía Nam” còn hài cốt chưa biết ở đâu. Những đứa trẻ mà bủ Dần xem bảo chúng là “người giời bất tử” thì chúng đều hy sinh cho dân tộc cả. Nhiều lần trở về thăm quê, vào Nghĩa trang Liệt sỹ viếng, tôi vẫn đứng nghiêm trước mộ phần các bạn, vô cùng đau xót, nhớ thương từng đứa mà bủ Dần đã báo trước khi xem tướng số cho chúng. Khi vào nghĩa địa của làng, tôi không quên thắp hương cho bủ Dần, ơn bủ đã báo cho biết số phận của cuộc đời mình.

    Tôi lớn lên đi học và đi chiến đấu đều gặp may. Tôi không bị thương và cũng không bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Học xong đại học tổng hợp tôi được giữ lại trường làm Bí thư Đoàn thanh niên sau được đi làm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, có học vị phó tiến sỹ và tiến sỹ, về nước làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia, như thế tôi đã là ông “đốc học” rồi. Về đường vợ con cũng được, vợ tôi cùng làm giảng viên có học vị tiến sỹ và cùng tôi được phong phó giáo sư một lần. Chúng tôi có hai con trai thông minh học giỏi, đứa được cử đi Mỹ và đứa dược cử đi Pháp học tập sau ra trường đều làm việc ở các trường, các viện nghiên cứu nổi tiếng ở Paris, ở New York. Tôi vẫn nhớ lời bủ Dần bảo là phải cẩn thận kẻo sa vào vòng lao lý, nên phải chú ý khâu quản lý tiền bạc của nhà trường, dẫu sống bần nhưng thanh, không để mang tiếng đến danh dự của một nhà giáo, một người đảng viên đã nguyện hy sinh tất cả vì nước vì dân, vì sự nghiệp cách mạng.

    Người may mắn tiến bộ nhất là Thế Anh, vào học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm thứ ba thì vào bộ đội. Chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị, lập được chiến công lớn, tiêu diệt được nhiều tên Mỹ Nguỵ, được thưởng hai Huân chương Chiến công, được phong cấp thượng uý, làm cán bộ tiểu đoàn trưởng. Sau này ra quân, Thế Anh lại về học tiếp, tốt nghiệp ra trường được phân công về làm việc tại Bộ Công nghiệp nhẹ. Con đường thăng tiến rất nhanh chẳng mấy chốc Thế Anh đã làm vị cục trưởng có uy tín, được cấp trên chú ý đưa vào nguồn đào tạo làm cán bộ cấp chiến lược, đi học Trưởng Đảng Nguyễn Ái Quốc và thi thoảng cũng được đi học bồi dưỡng tại Liên Xô, Ba Lan, Cộng hoà Dân chủ Đức.

     Tôi nhớ một lần Thế Anh sang Liên Xô đến thăm tôi, thời tôi vừa bảo vệ xong luận án phó tiến sỹ, đề tài được đánh giá xuất sắc nên được giữ lại làm luận án tiến sỹ. Thế Anh khéo nhắc nhở tôi:

   - Quang Biểu bảo vệ xong đề tài tiến sỹ thì về nước nhé! Cậu nên mở rộng mối quan hệ với các anh ở Bộ Giáo dục hay Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp để còn phát triển lên. Người như cậu hoàn toàn có điều kiện đấy.

    Tôi nghe và hồn nhiên trả lời:

    - Cái số tôi không được như anh, chắc chỉ làm đến ông “đốc học” là cùng. Nên mình phải cố gắng chuyên môn nghiệp vụ làm tốt công tác đào tạo sinh viên.

    - Thế Anh cười:

   - Nhân định thắng thiên kia mà, cậu không nên tin vào số mệnh quá nhé. Người tài như cậu bây giờ rất hiếm, cậu mà có mối quan hệ tốt nữa, chắc cái chức thứ trưởng, bộ trường cũng sẽ nằm trong tay đấy.

   - Cảm ơn anh đến thăm, chỉ đường! Về nước công tác sẽ tính sau, nhưng mình thích làm chuyên môn hơn làm quản lý, đi lại nhiều, họp hành nhiều sẽ làm cho mình mỏi mệt hơn.

    Thế Anh khẽ gật đầu, hỏi thăm chuyện quê nhà:

    - Làng ta chưa có đường nhựa, trời mưa thì lầy lội, trời nằng thì bụi lầm, đình chùa miếu mạo đã bị phá hết rồi còn gì?

   Nhớ lại lời của Thế Anh trước đây hứa với bủ Dần:

    - Chắc là vẫn phải chờ Thế Anh làm “ông  quan triều” trở về làng ta xây đắp đấy!

    Thế Anh lắc đầu:

    - Chưa có thế làm được, phải nhờ vào đầu tư, vào sức dân. Nước mình đang chuyển sang nền kinh tế thị trường, năng động hơn trước nhưng phải có thời gian đổi mới. Cậu vẫn tin vào số mệnh gớm, còn tớ thì chẳng tin lắm. Sự nghiệp là do con người tạo lập nên, mình phải cố gắng đoạt định lấy. Anh em ta mà không tự mình thì làm gì có ngày đổi đời như hôm nay.

     Không dám tranh luận với bạn, sợ bạn không thích thêm phiền. Chỉ khẽ gật đầu, nói như để phô chuyện:

   - Hai cậu Đức Huệ và Xuân Tuế cũng tiến nhanh. Cậu Đức Huệ đã làm đến chức phó chủ tịch huyện, còn cậu Xuân Tuế làm đến chức trưởng ty công an một tỉnh ở miền Trung, như thế Đức Huệ đã làm đến ông “tri huyện”, Xuân Tuế đã làm ông “lãnh binh” rồi còn gì. Bạn Thế Anh cố gắng làm đến ông quan triều, thì nhớ đến giúp đỡ bọn chúng tôi mới nhé!

     Thế Anh cười vui, nói:

     - Quang Biểu là nhà khoa học mà vẫn biết cái luật lệ: nhất thân nhì quen, tam quyền, tứ chế…

     - Thì ai chẳng biết thế mà, mọi cái luật lệ bất thành văn đã có từ trước rồi, người ta vẫn theo đó mà làm. Còn cái luật mới của ta, có cái thực hiện được và còn nhiều cái thì không, lại phải sửa. Chỉ sợ có cái không thể sửa sai được nữa thì nguy lắm! - Tôi nói như để thanh minh cho mình.

     Thế Anh nói như khuyên nhủ:

     - Mình thì cứ trông vào người cấp trên làm thế nào thì mình làm theo thế ấy, Quang Biểu đừng suy nghĩ nhiều cho mệt óc nhé!

     Hai năm sau, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về nước được chuyển đổi thành tiến sỹ khoa học, tôi được nhà nước phong hàm giáo sư. Làm hiệu phó, tôi càng quan tâm đến nghiên cứu khoa học, học thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, để còn có điều kiện giao lưu, viết bài cho các tạp chí khoa học quốc tế và đi thỉnh giảng tại các trường đại học nước ngoài theo chuyên môn của mình.

     Thời gian ấy, tôi được nhà trường cấp đất làm nhà, vợ chồng tôi phải dốc hết vốn liếng ra làm ngôi nhà riêng, không phải ở ký túc xá chật hẹp của nhà trường nữa. Tôi cũng thấy đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, càng quan tâm đến công tác hướng dẫn học viên cao học và học viên nghiên cứu sinh làm luận văn thạc sỹ, tiến sỹ.

    Khi đó, Thế Anh đến thăm vợ chồng tôi và căn nhà mới vừa làm. Vợ tôi rất vui được bạn từ thuở chăn trâu với chồng mình tới thăm. Lúc ấy bạn tôi vừa được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng, làm Bộ trưởng Bộ Công thương thì niềm vui vô cùng lớn, làm cho vợ chồng tôi được thơm lây. Trong bữa cơm tại nhà, tôi nhắc lại lời bủ Dần nói rằng Thế Anh sau này làm đến “ông quan triều”. Bây giờ làm đến chức bộ trưởng như vậy là “quan thượng thư của triều đình” rồi.

   Tôi nói lại thấy Thế Anh không vui, biết là người trong cuộc không thích, còn có điều gì chưa vừa ý chăng, nên tôi không nhắc lại nữa. Chuyện về làm đường về làng chẳng phải nhờ đến Thế Anh vì muốn cho kinh tế nông thôn phát triển, nhà nước phải đầu tư vào làm đường trước. Con đường vào các xã, đi tới các huyện dần dần được làm xong, đường điện được kéo về tận làng, tận xóm, tận nhà. Đêm đêm điện thắp sáng trưng, loa đài, ti vi mọi nhà đều có cả.  Còn việc làm đình miếu, đền, chùa thì dân tự góp công góp tiền tu sửa và làm mới chẳng phải nhờ vả một ai. Chẳng biết Thế Anh về thăm làng và có lần nào cung tiến tiền cho việc tu tạo di tích văn hoá làng thì tôi không dám hỏi. Vì nhiều người làng về giúp hàng chục triệu đồng làm các công trình văn hoá của làng có yêu cầu không được nhắc và ghi tên, chắc họ còn phải lo giữ mình. Lúc ấy đã có người làng nói “đồng tiền bẩn” do tham ô, tham nhũng thì không nên nhận về xây đình, miếu, đền, chùa sẽ mất thiêng. Nhưng nhiều người bảo đồng tiền nhà nước không có tội tình gì mà không nhận. Ai có tội thì họ sẽ phải gánh chịu pháp luật, không nên phân chia ra “đồng tiền bẩn” và “đồng tiền sạch” làm mất đi nguồn thu của làng.

     Người làng còn cử ra những người có uy tín, giỏi vận động, về tận Hà Nội và các tỉnh, thành phố có con cháu dân làng làm việc để quyên tiền. Những lần như thế, tôi phải đón tiếp tử tế khi người làng đến nhà và lần nào cũng phải cung tiến đôi triệu và về nhà thì góp mươi triệu cho làng. Nhiều ngôi đình, đền, miếu, chùa mất cả tên các nhân thần, mất hoành phi, câu đối, thần phả, thần tích tôi nhớ được bảo mọi người làm lại được như cũ. Người làng vẫn tự hào về tôi, coi trọng tôi như già làng. Có hội hè đình đám gì là họ gọi điện mời về, tôi cũng phải thu xếp công việc của mình về làng tham gia như đứa con của dân làng. Tôi thường nghĩ Thế Anh, Xuân Tuế, Đức Huệ và con cháu làng Văn Nhân khác đi công tác đều làm như tôi, có điều kiện hơn tôi chắc đóng góp cho làng nhiều hơn. Khi về làng thấy đình đền miếu chùa được tôn tạo khang trang hơn trước, tôi mừng thầm. Những ngày lễ tế, ngày cúng chùa, đình, miếu, đền và các ngày Tết tôi thường có lễ, cúng cáo cẩn thận. Khi về tôi bảo người trông coi hạ lễ chia lộc cho mọi người trong làng coi như phần quà của tôi.

     Đức Huệ học hết cấp III, vào bộ đội nhưng được ở miền Bắc làm lính phòng không. Học xong đại học sư phạm về công tác tại trường cấp III huyện nhà. Mấy năm sau Đức Huệ chuyển sang làm công tác tuyên giáo, trúng cử vào hội đồng nhân dân huyện và được bầu giữ chức phó chủ tịch huyện. Chỉ vài khoá nữa, chắc chắn Đức Huệ sẽ giữ chức chủ tịch huyện, ngang với “chức tri huyện” xưa rồi. Lời của bủ Dần nói về số phận của Đức Huệ quả không sai. Bạn ấy thường về Hà Nội chơi với Thế Anh nhờ cậy mọi việc. Tôi đoán bạn Huệ có cầu rồi, chẳng mấy chốc sẽ làm ông “quan phủ, quan tỉnh” chứ không chỉ làm “ông quan tri huyện” bình thường.

      Đức Huệ ít nói, thỉnh thoảng gặp nhau, cậu ấy không nhắc gì tới những kỷ niệm thời chăn trâu, thời đi học. Nên tôi cũng không nói lại làm gì, tin chắc bạn ấy vẫn nhớ chứ quên làm sao được. Đức Huệ cứ khen tôi và Thế Anh học giỏi, công tác tốt, có danh tiếng, chắc chắn còn tiến bộ nhiều. Tôi thì khen bạn mình có tài chuyển nghề từ một thầy giáo dạy văn mà sang làm tuyên giáo, lại có uy tín được bầu làm phó chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện là tài đức rồi. Mong bạn cố gắng để tiến bộ hơn, làm được nhiều cái mới cho quê hương của mình

    Xuân Tuế học hết cấp III đi bộ đội vào chiến trường Liên khu 5. Sau giải phóng thì về tiếp quản Đà Nẵng làm cán bộ ngành Công an tại đó. Xuân Tuế lấy vợ và có nhà ở đàng hoàng từ khi ấy, con cái đủ đầy. Bố vợ là quan chức cao cấp của thành phố, nên con đường thăng tiến của Xuân Tuế rất nhanh, chẳng mấy chốc đã làm Phó trưởng ty và Trưởng ty Công an của thành phố. Sau này, thành phố Đà Nẵng nâng lên thành phố trực thuộc Trung ương thì cái địa vị của Xuân Tuế càng to. Thỉnh thoảng, tôi có dịp đi công tác qua miền Trung cũng đã vào thăm, thấy bạn tiến bộ, giầu sang tôi rất mừng.

    Xuân Tuế không nhớ gì tới cái thuở chăn trâu trên đồng Trò, bận công tác lại có gia đình vợ con ở Đà Nẵng nên ít về quê. Xuân Tuế có ba đứa em thì đã đưa cả ba vào làm việc ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Họ Cù của làng tôi rất ít, ông bà, cha mẹ của Xuân Tuế lại là người ở nơi khác chuyển đến, nên không đông người như họ Đinh, họ Hà, họ Triệu, họ Nguyễn định cư lâu ở làng. Xuân Tuế đi bộ đội, nay công tác ở xa ít trở lại thăm làng. Mỗi lần ra Hà Nội Xuân Tuế thường đến thăm tôi và Thế Anh. Gặp Xuân Tuế, tôi nói là cậu đã làm đến chức “ông đề, ông lãnh binh” rồi, phải cố gắng để trở thành “ông tổng đốc” nhé. Chỉ vài ba khoá nữa thì chắc cái chức chủ tịch thành phố Đà Nẵng sẽ đến tay Xuân Tuế thôi.

     Tôi nói đến thế, chỉ thấy bạn mình cười không bàn luận gì. Tôi lại càng chắc chắn rằng Xuân Tuế đã quên chuyện cũ. Tôi có nhắc đến bủ Dần, cậu ấy chỉ nhớ cái bủ gầy gò thường đi chăn trâu cùng, chứ không nhớ chuyện bủ chỉ ra số phận của từng đứa, trong đó có Xuân Tuế. Biết vậy, tôi không nhắc lại chuyện ngày xưa nữa, chuyển sang nói chuyện thời nay.

     Xuân Tuế sau giải phóng có thực tế làm cán bộ tại thành phố Đà Nẵng, được đi nhiều nơi nên nói thẳng:

    - Sau giải phóng, giá như chúng ta biết chuyển sang làm ngay kinh tế thị trường thì tốt hơn. Đằng này lại theo mô hình của Liên Xô làm ăn theo kiểu kế hoạch hoá nên gặp khó khăn. Bắt dân thành phố miền Nam phải qua cải tạo công thương nghiệp, bắt người dân nông thôn phải vào hợp tác xã, vào tập đoàn sản xuất thế là thất bại. May là chúng ta còn biết đổi mới không thì tan rã theo Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu rồi.

     Tôi nghe thì nói ngay:

     - Cái bạn nói ra chỉ đúng một phần, ngày đó chúng ta vừa đuổi kẻ thù chạy đằng trước thì sau lưng kẻ thù mới đã xuất hiện nổ súng đánh ta rồi. Lại ở trong tình thế bị bao vây cấm vận, không có mối quan hệ nào khác nên phải làm theo các nước xã hội chủ nghĩa. Chúng ta lại phải dốc sức cho trận tuyến chống xâm lược, sau này nước yên, thế giới thay đổi, ta chuyển sang làm kinh tế thị trường, thực hiện mối quan hệ đa phương thì mới có cơ sở làm được đấy. Trước đây chúng ta chưa có điều kiện thì không thể làm được đâu. Bạn và tôi đều là người trong cuộc thì tự biết mình biết ta, chớ nghĩ và nói ngày ấy làm thế nọ, hôm nay phải làm thế này theo ý của riêng mình sẽ không đúng đâu.

     Xuân Tuế chú ý lắng nghe, tôi cao hứng lại nhắc lại lời của Lênin nói về ba cái căn bệnh của những người Bôn-sê-vích mắc phải sẽ làm cho nhà nước xã hội chủ nghĩa bị sụp đổ. Đó là “bệnh ngạo mạn cộng sản”, cứ cho mình là nhất: tiền tiến nhất, trung thành nhất, dũng cảm nhất, vĩ đại nhất…, coi thường dân chúng, còn biết dựa vào ai nữa. Bệnh thứ hai là “bệnh mù chữ” chẳng chịu học hành, làm gì có học vấn để mà phát minh, sáng tạo, tri thức không có thì xây dựng thế nào được chủ nghĩa xã hội. Bệnh thứ ba là “bệnh tham nhũng” nó sẽ tàn phá tận gốc rễ nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Xô-Viết đã đổ rồi, còn nhà nước xã hội chủ nghĩa của ta vẫn coi đó là nguy cơ liệu sẽ ra sao, khi các căn bệnh nghiêm trọng trên vẫn còn tồn tại trong Đảng, trong xã hội và trong mỗi cán bộ đảng viên.

    Xuân Tuế cười, khen:

     - Quang Biểu là nhà khoa học tự nhiên mà vẫn chú ý đến chủ nghĩa Mác-Lênin. Tôi đã học xong chương trình cao cấp về lý luận chính trị mà tôi không biết đến lời dạy này của Lênin.

     Sợ bạn khen đồng thời có ý chê là “con mọt sách”, nên tôi không nói nữa. Vui vẻ nắm lấy tay bạn và hai đứa cùng cười phá lên như cái thời còn đang đi học phổ thông.

     Xuân Tuế sau đó có nói:

     - Thôi từ nay làm việc mình cũng phải liệu, không thì sẽ có ngày họ cho “ngồi xuống đất” đấy. Làm chính trị khác với làm khoa học, tai vạ ập đến mình cũng không biết đâu mà lường!

     Tôi định nói thêm với bạn điều suy nghĩ của riêng mình, nghĩ bạn đã là người có cương vị nên không nói nữa. Xuân Tuế kết thúc kỳ họp ở Hà Nôi trở về Đà Nẵng công tác. Sau đó, tôi được tin Xuân Tuế lên làm phó chủ tịch thành phố Đà Nẵng, khoảng vài năm thì được luân chuyển về làm chủ tịch uỷ ban nhân dân một tỉnh của miền Trung. Như thế Xuân Tuế đã làm “ông tổng đốc”, đúng như lời tiên đoán của bủ Dần khi nhìn vào tướng mạo. Về sau khi Xuân Tuế đã về nghỉ hưu thì có tin từ Ban Kiểm tra Trung ương thông báo rằng Xuân Tuế bị kỷ luật cách tất cả các chức vụ, vì vi phạm quy chế dân chủ, bán đất đai gây thất thoát lớn cho ngân quỹ của Nhà nước. Hồi đó, lò chống tham nhũng chưa nóng như bây giờ, chứ cái tội của Xuân Tuế thì ít nhất còn phải gánh chịu thêm 10 năm đến 15 tù giam nữa.

      Đúng như lời Xuân Tuế nói “Làm chính trị khác với làm khoa học, tai vạ ập đến không biết đâu mà lường”. Ấy là do bản thân bạn không giữ vững tư cách, phẩm chất người cán bộ, đảng viên, tự chuyển biến, tự chuyển hoá dẫn đến sa sút, làm mất đi bản chất tốt đẹp, tự nhuộm đen con người mình. Xuân Tuế không giữ được, đến lúc già đã phải “ngồi xuống đất” rồi.

    Trước đây, bạn Đức Huệ đang làm phó chủ tịch huyện xin sang làm giám đốc xuất khẩu tỉnh. Được như thế là nhờ bạn chí cốt Thế Anh giúp đỡ, khi cái nghề công chức cấp huyện chẳng có thu nhập gì thêm. Đức Huệ chuyển sang làm giám đốc xuất khẩu tỉnh thu về nhiều tiền đã mua đất, mua nhà ở Hà Nội cho vợ con ở và có nơi để quan hệ với người này người khác. Do thiếu kinh nghiệm về quán lý tài chính, lại chi tiêu bừa bãi nên chỉ vài năm sau làm cho doanh nghiệp bị phá sản, nợ hàng chục tỷ tiền thuế VAT, không có tiền nộp. Đức Huệ bị cách chức và bị xử lý hình sự phải ra hầu toà lĩnh án 20 năm tù giam.

   Tôi cứ thương Đức Huệ là người hiền lành chất phác mà bỗng chốc bị lĩnh án tù. Cái lý do chính là không giữ được tư cách, phẩm chất đã bị đồng tiền tha hoá làm mất đi biết bao công lao của mình. Mỗi lần về quê tôi tự tìm hiểu căn nguyên gốc dễ để bạn Đức Huệ bị phát đến 20 tù giam, vẫn là do yếu kém về khả năng quản lý tiền bạc, một lĩnh vực kinh tế mà bạn không được đào tạo. Một lần vào dự đám cưới của đứa cháu trong xóm Mía, làng Văn Nhân thì gặp cậu Minh làm quản giáo trại giam tỉnh nói chuyện lại. Khi Đức Huệ bị bắt giam, Thế Anh có 2 lần về thăm Đức Huệ, tổ chức liên hoan gặp mặt tại trại giam. Đến dự có giám đốc trại giam, Đức Huệ phạm nhân và Minh quản giáo là người anh em họ gọi  Thế Anh là chú. Trong buổi gặp mặt, Thế Anh dặn Đức Huệ là không được khai báo gì về mối quan hệ với Thế Anh.

      Tôi gạn hỏi Minh:

      - Cậu có biết mối quan hệ của Đức Huệ với Thế Anh là gì?

      - Thưa chú, đó chỉ là mối quan hệ về tiền bạc! Sau này cháu được biết chú Đức Huệ đã đưa cho cho chú Thế Anh 5 tỷ đồng để làm gì thì cháu không biết. Chú Đức Huệ còn nhiều mối quan hệ nhằng nhịt phức tạp về tiền bạc với nhiều quan chức trung ương và địa phương, nên làm thất thoát hơn hai chục tỷ đồng bị phạt tù là lẽ đương nhiên rồi.

     Nghe cậu Minh nói thế, tôi biết được phần nào mối quan hệ mờ ám của Đức Huệ và Thế Anh. Đức Huệ một phần là do không có chuyên môn quản lý kinh tế, một phần là do tính nhẹ dạ cả tin đã bị nhiều người lợi dụng trong đó có người bạn cùng làng, thân thiết từ thuở chăn trâu. Như vậy, Thế Anh người có địa vị cao nhất là “ông quan triều” đã không giúp đỡ chân tình bạn mình mà đã góp phần đẩy bạn mình vào con đường tội lỗi trở thành kẻ tù phạm.

    Đến năm 2009, tôi tròn 60 tuổi được nghỉ hưu, vì có hàm giáo sư nên được giữ lại trường công tác, chỉ làm chuyên môn, chứ không làm quản lý nữa. Xuân Tuế làm chủ tịch tỉnh cũng được về hưu, sau này cấp trên phát hiện ra sai phạm lúc đương chức, mới bị án kỷ luật cảnh cáo, bị cách tất cả các chức vụ, phải “ngồi xuống đất” như mọi người thường nói. Đức Huệ làm giám đốc xuất khẩu tỉnh thì bị án tù 20 năm, còn gần 10 năm nữa mới hết thời hạn cải tạo. Lúc này chỉ còn Thế Anh đang là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương. Tin đồn trước Đại hội Đảng thứ XI, Thế Anh vẫn còn công tác thêm một nhiệm kỳ nữa, có cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Nhưng đền kỳ đại hội Đảng các cấp, Thế Anh bị bệnh xuất huyết não phải đưa vào Bệnh viện Việt Xô cấp cứu. Thế Anh không chết vì bệnh nặng, nhưng trở thành người tàn tật nên con đường chính trị cũng chấm dứt. Về sau Ban Thanh tra Trung ương còn phát hiện ra nhiều khuyết điểm trầm trọng của Thế Anh về quản lý tài sản, đất đai, về các sai phạm trong các dự án lớn của nhà nước. Thế Anh là người tàn tật không bị đưa ra toà án hình sự, nhưng bị án kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và bị cách tất cả các chức vụ.

     Khi Thế Anh bị bệnh nặng tôi đã đến thăm và khi bị tàn tật tôi cũng thường đến thăm. Có nhiều lần Thế Anh không nhận ra tôi, có lần Thế Anh nhận được thì ôm lấy tôi khóc nức nở. Thế Anh chỉ muốn cùng tôi và bạn bè trở lại cái thời đi chăn trâu trên cánh đồng làng, chứ không muốn trở lại cái thời làm ông Bộ trưởng như mấy năm trước. Lần mới đây tới thăm, tôi kể chuyện cho Thế Anh nghe về bạn Đức Huệ bị xử phạt 20 năm tù giam, nay thụ án hơn mười năm chưa được tha về. Thế Anh ôm mặt khóc to và bỗng lăn đùng ra sàn nhà ngất lịm. Tôi phải cùng vợ con Thế Anh vội ôm và bế người bệnh nặng đưa lên giường nằm. Tôi chờ bạn Thế Anh tỉnh hẳn mới trở về nhà. Lòng buồn rười rượi, nhưng vẫn cứ mong có một ngày vào Đà Nẵng tới thăm Xuân Tuế, xem từ khi bị “ngồi xuống đất” bạn của mình đã sống như thế nào.

     Lại nghĩ tới bủ Dần có tài xem tướng mạo, bủ đã chỉ ra số phận cho từng đứa trẻ. Nay đã gần 60 năm nhìn lại thấy lời của bủ chỉ ra rất đúng với mấy đứa bạn chăn trâu cùng trà lứa với mình. Tôi cho rằng bủ Dần có tài xem tướng mạo, nhưng bủ còn có khả năng vô thức nên đã chỉ ra đường sự nghiệp, công danh và những trắc trở cuối đời của từng đứa. Đời người có số phận thực, con người phải nên có nhận thức đúng đắn về vận mệnh, địa vị của riêng mình, hướng cuộc đời mình về những chân trời cao đẹp, bình yên mà đi, chớ nên nhắm mắt bước liều. Bạn Đinh Thế Anh, Triệu Đức Huệ, Cù Xuân Tuế của tôi đã không nhớ đến kết cục không hay của cuộc đời, không biết giữ mình trong sạch đã vướng vào kỷ luật và vòng lao lý. Thật tiếc thay!

 

                                                            Ngày 3/11/ 2022

                                                                     T.H

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)