bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU, THÚ VỊ!CHÚC BÁC VUI KHỎE!TRÂN TRỌNG!VŨ NHO

 

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 38
Trong tuần: 1060
Lượt truy cập: 723886

CAO VĂN KHÔNG DÁM

CAO VĂN KHÔNG DÁM


Truyện ngắn của HỒ BÁ THƯỢC

 

 Thật ra, tên anh Cao Văn Giám. Giám là “gi” dưới, nhưng cô Thành văn thư viết giấy công tác ghi nhầm “d” trên, thành Dám. Với anh, Giám nào cũng là Dám, đều được, vì tính anh cả nể, lại rất khiêm nhường. Trên môi, lúc nào cũng thường trực thưa gửi, hoặc từ chối một vấn đề gì đó, anh đều khiêm tốn: “Không dám, không dám”. Trong một lần vui vẻ, Trưởng phòng gọi đầy đủ tên họ cho anh: Cao Văn Không Dám. Đương nhiên, trong lý lịch, hay giấy tờ quan trọng, không ai ghi bằng tên họ này. Nhưng sinh hoạt thường ngày, mọi người quen gọi, đến nỗi anh tưởng thật tên mình Cao Văn Không Dám.

Năm 1970, Mỹ mở rộng chiến tranh không quân ác liệt ra miền Bắc. Từ Thanh Hóa trở vào, các tuyến đường bộ, đường sắt bị băm nát, tắc nghẽn liên miên. Cấp trên lệnh cho đơn vị vận tải đường thủy khảo sát, khơi thông luồng lạch, dựa theo tuyến kênh nội địa, có từ thời tiền Lê, hậu Lê, đã từng vận chuyển chiến cụ, quân lương mở cõi phương Nam. Đoàn vận tải Hồng Hà, thành lập thêm tiểu đoàn vận tải thuyền nan, chuyển hàng trên tuyến kênh đào nhà Lê, từ Thanh Hóa vào Nghệ An.

Một lần, máy bay địch đánh phá cầu bắc qua đoạn kênh thuộc huyện Nga Sơn, làm tắc lòng kênh, vận chuyển thuyền nan gặp khó khăn. Trưởng phòng gọi Giám lên giao nhiệm vụ:

- Đồng chí xuống kho công binh nhận thuốc nổ, vào huyện đội Nga Sơn, xin tăng cường bộ đội địa phương, khắc phục hậu quả thông luồng cho đoàn vận tải thuyền nan nhanh nhất. Giám nhận lệnh xong, định quay đi, nhưng Trưởng phòng dặn thêm:

- Xong việc, cho cậu nghỉ tranh thủ ba ngày về thăm vợ con.

      - Dạ, em “không dám” đâu ạ, vì lần trước…

      - Dám hay không tùy cậu. Vào trong đó, nhớ thường xuyên báo cáo tình hình về Phòng đấy. Tại sao, trong quân ngũ lại xưng em?

      - Dạ, cả làng em từ già đến trẻ, từ lớn đến bé, hễ ra đường gặp ai, cũng đều xưng em.

       - Nhưng ở cơ quan, không anh em gì cả, tôi cho cậu dám đấy. - Trưởng phòng trêu.

- Dạ, em không dám.

Người hỏi, người thưa, quanh đi quẩn lại, cũng chỉ mấy từ “không dám”, nghe chán cả tai.

Nhưng, lúc Giám kể về đoàn vận tải thuyền nan trên kênh nhà Lê, mọi người vây quanh, há hốc mồm ngồi nghe, Giám chia sẻ:

- Thuyền nan của tiểu đoàn vận tải trên kênh, chở ngót nghét một tấn hàng. Vì nhiều thuyền, nhiều chuyến, nên lượng hàng chuyển vào phía trong không phải là ít, được cấp trên đánh giá cao. Đây là hình thức vận tải, lấy từ cảm hứng của người buôn bán bằng thuyền nan trên sông Mã. Có điều vận dụng thực tế, khôn ngoan hơn, thay vì vận chuyển cung ngắn, nay chuyển thành cung dài.

Thuyền vận tải bằng tre, gia công thêm khung thép khá chắc chắn, chỉ cần huy động mấy bác phó mộc uốn khung, pha tre, đan thuyền, quét nhựa đường kết hợp với phân bò, lợp mui bằng lá cọ, thế là xong.

Giám kể tiếp: Liên hệ với địa phương, ban ngày Huyện đội cho em một tiểu đội công binh hỗ trợ đánh mìn, dọn dẹp bê tông, sắt thép. Tối họ rút quân đi làm việc khác. Em ở lại bám trụ, đến khi xong việc.

Cũng may, em được ăn, ngủ nhờ trên một thuyền nan, do đôi nam nữ làm chân sào. Cô gái khá xinh, khỏe mạnh. Chàng trai ít nói, người gầy gò. Việc ăn ở của em rất thuận lợi cho công việc. Còn chuyện này nữa, phân vân mãi muốn kể cho các anh nghe, nhưng đừng cười thì em mới kể.

- Tôi cho cậu Dám đấy, cậu cứ kể đi. - Trưởng phòng sốt sắng, mọi người tò mò, chờ đợi.

- Đêm đầu tiên, em đang ngủ mơ màng trong khoang thuyền, bỗng nhiên thấy nghẹt thở, tưởng bao gạo tụt xuống đè lên người. Khi tỉnh ngủ, em thấy một làn hơi thở nóng hổi phả vào mặt, cặp vú rắn chắc của cô gái áp vào ngực, làm em đến nghẹt thở. Dưới chân, tưởng hai cây chuối hột khóa chặt. Em hết cựa quậy. Lúc ấy, mới nhận ra cô chủ thuyền, đang nằm đè lên em. Người cô gái rạo rực, ngùn ngụt như bốc lửa. Em vặn vẹo muốn thoát ra, nhưng khoang thuyền rất hẹp. Nếu cựa quậy mạnh quá, con thuyền tròng trành, có thể bị lật úp như chơi. Em đành nằm im, không chống cự nữa. Cô gái tưởng em đã chịu trận liền lên tiếng:

- Em đây mà, anh.

- Em “không dám”.

- Sao anh lại xưng em với em?

- Em không dám.

- Nhưng em dám! Cô gái cứng cỏi đáp lại.

- Cho ngồi lên thở đã - Em đánh lừa được cô gái. Từ bé đến giờ, đây là lần đầu mới gặp chuyện này, nên em thấy xốc, rất sợ. Nếu chuyện vỡ lở, cấp trên biết, là em chết chắc. Còn ôm nhau vật vã, nhỡ bị lật thuyền, ngót tấn hàng chìm xuống nước, ra tòa án binh là cái chắc…

Khi bình tĩnh trở lại, cả hai thoáng chút ngượng ngập. Em giữ bàn tay rắn chắc của cô gái vào tay mình vuốt nhè nhẹ như để cảm ơn, hạ hỏa. Cô gái im lặng hồi lâu, rồi dốc bầu tâm sự, bằng giọng ngập ngừng xứ Thanh:

- Tiểu đoàn Thanh niên xung phong chúng em, phần lớn con cái cùng cha mẹ làm nghề chài lưới trên sông. Cấp trên về tuyển TNXP, nói đi làm vận tải trên sông, nên chúng em rất thích, vì cũng nghề sông nước cả. Tiểu đoàn nhiều nữ hơn nam. Hàng hóa chúng em vận chuyển thường sang mạn từ xà lan của bộ đội ở Mom Rô, nơi xà lan lớn không vào kênh được. Chúng em đi suốt ngày lẫn đêm, mệt nghỉ. Nếu hôm nào đón được nước thủy triều là nhàn nhã, không thì chèo chống vào đến tận nơi. Giao hàng xong, rồi về nhận đợt khác, hoàn thành một chuyến. Gần mấy năm trời, các chuyến đi đều an toàn, địch khó phát hiện, vì thuyền chúng em lẫn lộn vào thuyền chài lưới của dân, không bị lộ.  

Ăn uống với chúng em thật đơn giản. Đơn vị phát khẩu phần gạo, thịt hộp, ca la thầu… cho từng chuyến. Còn muốn ăn cá tôm, tự kiếm. Vốn dĩ dân chài lưới, nên chỉ cần một nắm lưới trong tay, thừa cái ăn. Rau cỏ ăn hàng ngày hái dọc hai bờ kênh. Có khi hái trộm trong vườn nhà dân sơ tán, bỏ hoang. Đang tuổi ăn, tuổi lớn, chẳng bao lâu chúng em, từ những cô gái gày gò ngày nào, bây giờ căng da, thắm thịt, tràn trề sức trẻ, sướng hơn thời ở nhà với bố mẹ.

Anh cũng biết đấy, đời sống tinh thần chúng em rất khó khăn, ức chế. Cấp trên thường xuyên giáo dục nhắc nhở ý thức trách nhiệm chính trị, ý thức kỷ luật của Thanh niên xung phong. Lời giáo huấn cấp trên thì rộng, nhưng con thuyền chúng em lại chật hẹp. Ngoài một tấn hàng hóa khi gạo, khi thuốc men, vũ khí… lòng thuyền chỉ đủ cho một người nằm hơi rộng, hai người lại hẹp. Trong khi biên chế một nam, một nữ, trên một con thuyền, biết làm sao đây?

Cô gái dừng lại giây lát như thăm dò, nhưng rồi cũng phơi bày hết tâm can, kể tiếp:

- Con người đâu phải gỗ đá, phải không anh - Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, chia sẻ với nhau, trong một con thuyền chật chội, nên “mù già hóa mưa”, điều gì đến sẽ đến. Không va chạm, cọ xát cơ thể, nam nữ mới là điều lạ! Sự thật chúng em cũng đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Cũng sợ điều tiếng không hay xảy ra. Nhưng nằm bên nhau mà cố giữ, đầu óc mệt mỏi, căng thẳng lắm. Cố gắng chịu đựng, nhưng không chịu nổi đành mềm lòng. Mưa dầm, thấm lâu mà anh. Ngày qua ngày, từ ngại ngần, ngượng nghịu ban đầu, nhưng đằng đẵng mãi rồi cũng thành quen, sống như vợ chồng. Xa nhau một ngày thấy nhớ. Cô gái nhìn em chăm chăm rồi trải lòng:

- Anh thấy đấy, bạn đi cùng thuyền với em, thấy anh đến, là có ý “nhường” em cho anh đấy. Anh ấy sang ngủ thuyền khác rồi. Còn em, thấy anh đẹp trai, khỏe mạnh là em thích từ khi anh đến.

Nói xong, cô vít đầu em vào bộ ngực căng tròn, tựa như người mẹ cho con bú. Em phải luôn mồm, cầu xin: “Không dám, không dám đâu ạ”. Khi đã thoát khỏi vòng tay cô gái, ngồi nghiêm chỉnh, em hỏi:

- Cô và anh bạn ấy đi thuyền với nhau được bao lâu rồi?

- Dạ, được 6 tháng.

- Hai người có định lấy nhau, sau khi mãn hạn Thanh niên xung phong không?

- Không, anh ấy đã có vợ rồi.

- Nhỡ ra cô có bầu thì sao?

- Em sẽ ra quân, về nhà nuôi con như nhiều bạn khác. Anh ạ, những cặp chưa vợ, chưa chồng, thương nhau thực sự, họ có cơ hội đến với nhau, đơn vị không khuyến khích, cũng không thể ngăn cấm được những việc đã rồi, đành chấp nhận. Trường hợp, một trong hai người có gia đình riêng, thiệt thòi phần lớn thuộc về phận đàn bà con gái chúng em. Mà anh cũng biết đấy, thanh niên trai tráng đi bộ đội hết rồi, phụ nữ chúng em đã qua tuổi dậy thì, tình cảm khao khát lắm. Xóm làng chỉ còn lại ông bà già, cùng lũ con cháu lít nhít, làm sao có được tấm chồng? Bây giờ chúng em được thế này, là hạnh phúc lắm rồi. Nếu có con, một mình đơn thân cũng nuôi được chúng khôn lớn. Không chừng, chúng em sinh ra một lớp người kế cận, tiếp tục chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc (cười). Anh thấy chúng em có đáng thương không?

Cô gái nói xong, dịch gần lại nhìn em với đôi mắt long lanh, thèm khát. Lần đầu tiên, em thấy trong đáy mắt cô gái, ngân ngấn nước mắt hay là ánh sao trời chiếu vào, em không phân biệt nổi vì bối rối quá, người như lên cơn sốt. Em cũng muốn “liều” một lần xem sướng khổ ra sao. Nhưng trấn tĩnh được, chẳng biết vì quá sợ, hay vì chất lính xơ cứng trong em đã thành chai sạn?

- Tại sao đơn vị không bố trí thuyền nam, thuyền nữ riêng? - Em hỏi cô gái, giọng vẫn còn run rẩy.

- Khổ lắm anh ạ. Mọi người tưởng chúng em nhàn nhã lắm, luôn xuôi chèo mát mái, chỉ việc chèo chống trên sông là được. Có ai ngờ, lòng kênh nhiều đoạn nước cạn lắm, lúc thủy triều xuống, thuyền không đi được, đành phải “tăng bo” sang mạn. Dỡ hàng xuống, kéo thuyền qua, rồi cõng hàng chạy bộ mấy trăm mét, xếp hàng đi tiếp. Công việc nặng nhọc, phụ nữ chúng em một mình làm sao nổi? Phải có nam giới hỗ trợ phần lớn. Còn nữa, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, biết khi mô kết thúc? Bom nổ rần rần khi gần, khi xa. Có người đàn ông bên cạnh, bọn em ai cũng thấy vững vàng hơn. Vì thế, buộc phải biên chế như bây giờ.

Cô gái thầm thì kể tiếp:

- Không phải chỉ có thuyền em xảy ra như vậy, một số thuyền khác cũng đều có chuyện như thế cả. Đơn vị em có nhiều bạn nữ có thai, trên cho về địa phương. Thiếu người, họ tuyển lớp mới, rồi cứ thể chuyện xảy ra nối tiếp. Cấp trên coi đây là vấn đề rất lớn, cực kỳ nhạy cảm, ngăn không nổi, cản không xong. Các bác, các chú ấy cũng bị o ép giữa việc phải nói, và việc không thể làm. Chuyện không muốn xảy ra, vẫn xảy ra dài dài...

Cuối cùng, cấp trên đưa ra một giải pháp, có thể ngăn ngừa, hạn chế phần nào. Đó là biên chế mỗi thuyền ba người, gồm một nam, hai nữ. Hàng bớt đi một chút. Nam ngủ trên mui, nữ trong khoang thuyền. Thế là cách biệt sự đụng chạm đôi bên! Nhưng, nào có ai tính tới khi lúc nắng lửa, lúc mưa dầu, trời đông giá rét? Có ai hiểu nổi, trái tim thổn thức của người trong cuộc? Chuyện tay ba “mía ngọt đánh cả cụm” như lời tiền nhân đúc kết, cũng có khi diễn ra trên con thuyền nan bé nhỏ, mong manh sông nước. Chuyện gì tới , cũng tới.

Cao Văn Giám dừng lời, Trưởng phòng dí dỏm vặn lại:

- Tại sao người ta cho dám, cậu lại “không dám”?

- Dạ, em không dám, không dám đâu ạ!

Mọi người cười ồ:

- Đúng là Cao Văn Không Dám!

Cao Văn Giám đã mấy lần, được cấp trên cho về phép tranh thủ, nhưng anh vẫn còn e ngại, chần chừ. Đến khi Trưởng phòng giục riết, Giám mới gãi đầu, thú thực:

- Lần về tranh thủ dịp Tết, từ ga Hải Dương em đạp xe về nhà. Ba lô để sau xe, sợ bị cắt trộm, nên buộc kỹ lắm. Về đến nhà, vợ con mặt mày rạng rỡ xúm xít quanh ba lô hàng Tết. Nào ngờ, mở ba lô, thấy can nhựa gia công bẹp dúm dó, ba lít dầu hỏa CT1 thắp sáng, được cơ quan phân phối bán cho đun bếp dầu, bị tràn ra ngoài, thấm ướt cân giò lụa, chè, thuốc lá, kẹo và hộp mứt Tết. Mùi dầu xông lên nồng nặc. Mặt em tái mét, vợ em mặt hầm hầm không nói, bỏ đi vào bếp, đứa con trai bịt mũi. Thế là, chẳng còn Tết nhất gì nữa. Ngày mồng hai Tết, em “phắn” về cơ quan. Bây giờ thủ trưởng cho em về tranh thủ, em ngại lắm, không dám.

Sáng hôm sau, Trưởng phòng ghi cho công vụ mấy chữ, xuống quản lý cơ quan, mua trước tiêu chuẩn của tháng sau được một thùng lương khô 701, một hộp sữa bột Liên Xô, một cân đường làm quà cho Giám sau chuyến đi Nga Sơn về. Trưởng phòng hỏi cần dùng dầu CT1 nữa không, Giám cười:

- Các cháu ở nhà nhắn lên không phải mang dầu về nữa. Hôm Tết, trong can nhựa bẹp vẫn còn chắt được nửa chai. Nhà em để dành tra dầu bật lửa. Hôm nào mải làm, tối quá mới thắp đèn lên để ăn cơm rồi tắt đèn đi ngủ. Các cháu tranh thủ ôn bài vở lúc trời có trăng hoặc vào sáng sớm để tiết kiệm dầu đèn. Bây giờ nếu được phân phối dầu, em nhường cho thủ trưởng và các anh trong phòng, còn em sợ lắm rồi…

Sau đợt tranh thủ ba ngày, Cao Văn Không Dám lên cơ quan rất đúng hẹn, mang theo một túi vải thiều Thanh Hà để làm quà. Nhìn thấy khuôn mặt rạng rỡ của Giám, Trưởng phòng hỏi:

- Thế nào, vợ hết giận chưa, mặt còn hầm hầm nữa không?

- Bây giờ mặt vợ em lúc đỏ lúc tái ạ.

Mọi người vừa ăn vải, vừa nghe Giám kể:

Xuống tàu ga Hải Dương là em đạp xe như điên về nhà. Thấy cửa ngõ để hờ, nhà vắng tanh, vắng ngắt. Hỏi hàng xóm, họ nói con đi học, vợ đi gặt. Em vứt xe đạp vào sân, rồi chạy bổ ra đồng. Xung quanh người ta gặt ào ào, đông vui. Còn thửa ruộng nhà em chỉ có một mình vợ thui thủi, nghĩ mà tội. Thấy một đống lúa mới gặt xong, em húi vợ chuyển về nhà, vợ em kêu lên:

- Chưa đầy xe mà anh.

- Chưa đầy cũng về.

Mồm nói, tay làm, em bốc lúa lên xe cải tiến, ước cũng được hơn nửa xe. Rồi bắt vợ cầm càng, em đẩy sau xe, chạy băng băng trên con chạch gập ghềnh giữa đồng. Lên dốc đê, dù là xe nhẹ, vợ em gồng người lên cầm càng. Nhìn ngược lên dốc, thấy hai đường gân quần lót của vợ lằn trên mông, lòng em như lửa đốt. Xe lúa lao qua cổng, em đạp phía sau có một cái, hai cánh cổng run bần bật, rồi cũng chịu khép lại. Em vội nắm tay vợ lôi vào buồng. Vợ em không giằng ra, nhưng lại kêu:

- Anh ơi, còn chân… Em nhìn xuống thấy chân nhà em còn bê bết bùn, quần xắn móng lợn.

- Không chân cẳng gì hết, sợ bùn lấm giường thì ghếch lên…

Sau cuộc ấy, vợ chồng lại đẩy xe ra đồng. Cô ấy mặt đỏ hây hây, vừa đi vừa cười khúc khích, lại còn trêu: “ Thứ nhất là lính xa nhà…”.

Khi Giám kể đến đây, Trưởng phòng đứng dậy, vừa đùa , vừa hô khẩu lệnh:

- Đồng chí Cao Văn Không Dám.

- Dạ, thưa có em. - Giám giập gót đứng nghiêm.

- Nếu cho dám, đồng chí có dám không?

- Dạ, thưa, của nhà em, thì em dám chứ ạ!

Trưởng phòng ứng khẩu tặng Cao Văn Không Dám câu thơ:

Của nhà hô “dám” rõ to/ Của “giời” không dám giành cho người ngoài.

Cả phòng cười theo vui vẻ:

- Bây giờ mới đúng là Cao Văn Giám!

                              Hà Nội 20-2-2017

ruong_thang_co_gai

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)