bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 22
Trong ngày: 21
Trong tuần: 1436
Lượt truy cập: 774711

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ (TIẾP)

CHUYẾN THĂM NGA CỦA ĐOÀN NHÀ VĂN VIỆT NAM

Ghi chép của Vũ Nho 

 

di_nga_28-_5_10-6_-2010_033

 VN tại trụ sở Hội nhà văn Nga

1.VI. Sáng, thăm Bảo tàng chuông Vanđai. Vũ Nho lãnh nhiệm vụ phiên dịch từ đây.

Bảo tàng chuông Van Đai đặt trong một nhà thờ cổ kính và tuyệt đẹp. Khi đoàn nhà văn  Việt Nam đến thăm, những người phụ trách bảo tàng đón tiếp rất nhiệt tình. Có lẽ ngoài sự mến khách thông thường, có thể có một lí do nho nhỏ khác. Theo lời nhắn của Oleg Bavykin, Đoàn đã chuẩn bị hai quả chuông be bé xinh xinh từ Việt Nam để tặng Bảo tàng. Người giới thiệu tỏ ra hết sức lành nghề. Qua câu chuyện của cô, chúng tôi biết được sự khác biệt giữa chuông phương Đông và chuông phương Tây. Chuông phương Đông thì dùng vật đánh từ bên ngoài vào. Còn chuông phương Tây thì kéo giây đánh từ trong ra. Cô kể rằng khi trong thời Ekatêrina Đệ nhị, Nữ hoàng đã ra lệnh đúc một quả chuông thật lớn. Rất nhiều những chuông nhỏ được đem về và đập vỡ để lấy nguyên liệu. Theo tín ngưỡng của người Nga, việc đập vỡ chuông là một hành động tội ác. Chính vì vậy mà có báo ứng. Người thợ cả chỉ huy việc đúc chuông đã chết bất đắc kì tử khi  quả chuông to chưa đúc xong. Nữ hoàng ra lệnh cho con trai ông ta lên thay và công việc vẫn được tiếp tục. Rồi thì cả Nữ hoàng cũng bị chết bất thường. Quả chuông lớn đúc dưới hầm do đó không được mang lên. Mười năm sau cái chết của Nữ Hoàng, người ta mới lấy quả chuông lên. Quả chuông, giống như người phụ nữ. Có đầu chuông, vai chuông, thân chuông và quan trọng nhất là váy chuông. Khi đưa quả chuông lên mặt đất thì phần váy chuông bị hỏng. Ai cũng cho rằng đó là điềm Trời không ưng Nữ Hoàng Ekatêrina Đệ Nhị, đó là một vị vua xấu.

( Hôm trước thăm Bảo tàng Krem li, không biết quả chuông vỡ phần váy chuông để ở bệ có phải là quả chuông được nhắc đến trong câu chuyện này không!)

Người thuyết minh cho hay, người ta quan niệm khi tiếng chuông ngân lên, đó là giọng nói của Thượng đế nhắn nhủ mọi người hãy sống lương thiện. Cô nói rằng ở VanĐai, người ta hòa tấu chuông với những quả chuông khác nhau. Cô nói và giật nhiều dây chuông của các quả chuông để tạo thành một bản nhạc cầu kinh. Vũ Nho và Hoàng Minh Tường cũng được mời thử nắm vào dây và hòa tấu câu cầu nguyện : Yêu mến Chúa! Yêu mến anh em!

Y Ban cũng muốn thử tài và được vui vẻ mời hòa tấu.

  Người thuyết minh nói rằng quả chuông cũng như người, khi mới ra đời, rồi khi tráng niên, và sau cùng là lúc nó cần được nghỉ ngơi. Tuổi nghỉ ngơi của một quả chuông là khoảng sau khi nó phục vụ được 300 năm.

Chúng tôi được cho xem quả chuông Trung quốc, chuông Ý, và đặc biệt là quả chuông của Mĩ. Chuông của Mĩ khác hẳn các loại chuông kia, vì nó là hình khối tam giác. Trong tủ kính trưng bày, tôi thấy quả chuông đúc hình tòa tháp đôi của Mĩ bị phá hủy ngày 11 tháng 9. Chắc là của đoàn Mĩ tặng. Chúng tôi cũng xem những lục lạc ngựa được đúc ở Van Đai rất đẹp.

          Anh Thảo thay mặt Đoàn cảm ơn Bảo tàng. Đây là buổi đầu tiên tôi dịch từ tiếng Nga và dịch ngược. Nhưng cảm thấy suôn sẻ và tự tin. Có lẽ Chúa giúp tôi để truyền đạt những ý nghĩa thiêng liêng của tiếng chuông trong đời sống tâm linh con người chăng? Dù sao thì tôi như cất gánh nặng lo lắng, tự tin để làm nhiệm vụ cầu nối của mình.



Bảo tàng chuông

Trong tập sách : ĐẤT VAN ĐAI mà mỗi thành viên của Đoàn được tặng.

Vũ Nho dịch khi về Việt Nam

 

Những quả chuông ở nước Nga có vị trí đặc biệt trong đời sống của dân chúng. Những tiếng chuông canh phòng, báo động, phong tỏa, báo giờ, truyền tin, gọi người đi cầu nguyện, mang tin vui, báo tin buồn, răn đe thiên tai, hỏa hoạn, kêu gọi mọi người đoàn kết, đón tiếp khách quý bằng tiếng ngân vang trang trọng. Từ xa xưa VanĐai đã nổi tiếng với những quả chuông nhỏ, chuông to kì lạ của mình. Những quả chuông đến từ đâu, khi nào chúng xuất hiện, ai làm nên chúng- Tất cả điều đó có thể biết được trong Bảo tàng chuông. Ở đây, có thể nhìn thấy bên cạnh quả chuông cổ Trung Hoa từ thế kỉ XVI trước công nguyên là những quả chuông Nga thế kỉ XVI, chuông Ytalia thế kỉ XII, chuông con trong nhạc ngựa Van Đai đầu thế kỉ XIX và nhiều loại chuông khác. Những quả chuông trong nhiều trường hợp là mối liên kết con người từ những đất nước khác nhau, các nền văn hóa, tín ngưỡng khác nhau. Sự hoàn thiện của những quả chuông thật đáng kinh ngạc vì trải qua  nhiều thế kỉ, hầu như bề ngoài chúng không hề suy suyển tí nào. Những truyền thuyết khẳng định rằng những quả chuông đạo Cơ đốc ra đời ở Ytalia được làm bởi Pablinhie theo hình ảnh và mô phỏng những bông hoa đồng nội xuất hiện trong tầm nhìn như là giọng của bầu trời.

Hiện vật trong bảo tàng không chỉ được nhìn mà còn được nghe. Ở đây, có thể nghe không chỉ tiếng chuông ngân do những người phụ trách bảo tàng gióng lên, mà còn có thể  nghe tiếng chuông tự mình kéo dây. Bảo tàng trưng bày hiện vật mở cửa tháng Sáu năm 1995. Hiện vật được bày trong nhà thờ  thuộc lâu đài nghỉ mát của Nữ hoàng Ekatêrina Đệ nhị, được xây theo thiết kế cuả N.A. Lvov.

 di_nga_28-_5_10-6_-2010_124

                 Ở nhà nghỉ của Oleg Pavykin

Đến thư viện thành phố Vanđai.  Đây là một thư viện cấp huyện nhưng rất to. Thư viện đặt trong ngôi nhà cổ xây từ năm 1903, giờ đã được tân trang. Trên tường thư viện, có ảnh đoàn nhà văn Việt Nam. Chỉ nhận ra hai người là Đào Kim Hoa và anh Vân Long. Các sách dịch ra tiếng Nga khá nhiều. Trong đó có tuyển tập Tô Hoài, Mùa lá rụng trong  vườn của Ma Văn Kháng, Tuyển truyện ngắn Việt Nam, Tuyển thơ Việt Nam,...

Giám đốc thư viện giới thiệu những cuốn sách Việt Nam được dịch ra tiếng Nga. Trong lần tham gia Hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam, Oleg Pavykin cũng đã nhắc đến thư viện này. Cả đoàn tặng một số sách tiếng Việt mang theo để làm kỉ niệm. Sau đó, Trưởng đoàn Lê Văn Thảo ghi  cảm tưởng vào sổ Lưu niệm của Thư viện. Rồi tiết mục không thể thiếu là chụp ảnh chung. Chắc chắn rằng lần sau, nếu có Đoàn Việt Nam nào ghé qua đây, sẽ được thấy ảnh của các nhà văn Lê Văn Thảo, Hoàng Minh Tường, Y Ban và Vũ Nho cùng Oleg chụp với lãnh đạo Thư viện.

            Có một chương trình mà đoàn không có thời gian để thực hiện. Đó là thăm tu viện Iverxki được xây dựng từ năm 1653 trên đảo Xenviski của hồ Van Đai. Ngay từ khi xây dựng, Tu viện này đã có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo, chính trị, văn hóa của nước Nga. Đại giáo chủ đã xây dựng tu viện thành trung tâm sản xuất gạch men, nghề rèn và nghề đúc, nghề điêu khắc gỗ và đá. Tu viện được bảo quản hầu như nguyên vẹn từ giữa thế kỉ XVII. Trong cuốn Đất Van Đai, ảnh bìa bốn ghi lại hình ảnh Tổng thống Pu-tin thăm Tu viện.

 

 

Chiều đi Nopgorot bằng xe ô tô của Oleg.

Nopgorot tên đầy đủ là Veli ki Nopgorot ( Nốpgorot Vĩ đại) để phân biệt với thành phố Nhigiơnhi Nopgorot. Thành phố này đã kỉ niệm 1150 năm ngày thành lập vào năm 2009. Người Nga coi đây là Ông tổ các thành phố của Nga. A.X.Pu skin đã từng viết :

            Ở đây là tâm hồn Nga

            Chính nơi đây hương vị Nga ngào ngạt!

( Tôi thấy câu này ghi trên tập Bưu ảnh về thành phố  Veliki Nopgorot, nhưng tôi cũng thấy câu thơ này của A.Puskin được kẻ trang trọng trên tường rào lối vào nhà th gỗ ở Xuzđan. Mới biết các bác Nga ai cũng muốn nhận phần đẹp về mình).

            Xe đến đậu ngay sân khách sạn. Mọi người xuống xe. Cảm giác thật thanh bình, yên tĩnh. Cứ như là đi vào một khu  nghỉ dưỡng nào đó của Việt Nam. Mà khu nghỉ dưỡng của ta cũng ồn ào lắm. Có cảm giác thế vì không gian cực kì thoáng đãng. Xung quanh đầy cây xanh. Những con chim bồ câu bay xuống đậu hiền lành. Tiếng động cơ xe hơi như được những vòm cây lọc đi trở thành rì rào lẫn trong tiếng gió.

Nhận phòng xong, mọi người đi ăn. Tiếp đoàn là anh Nicolai, một kĩ sư viết văn, đồng thời còn là tác giả của bức tượng cô gái đặt bên cầu đi bộ. Anh không ăn chỉ uống bia và nói chuyện.

Buổi tối đi gặp các nhà văn ở địa phương.  Các bạn muốn mọi người đi bộ qua cầu, đến nơi gặp gỡ để có điều kiện ngắm cảnh. Đích thân chủ tịch Hội nhà văn Nopgorot lái xe đợi Đoàn ở bên kia cầu. Không khí gặp gỡ thật ấm áp, thân tình. Vũ Nho giới thiệu thành phần của Đoàn với các bạn Nga. Trưởng đoàn Lê văn Thảo là cây văn xuôi, đã được giải thưởng nhà nước và giải thưởng Asean. Nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà tiểu thuyết nhiều thành tựu. Nữ nhà văn Y Ban, một cây bút nữ sung sức. Còn nhà văn Vũ Nho đã từng bảo vệ Tiến sĩ ở Nga, là người viết phê bình và dịch thuật khiêm tốn.

Đoàn tặng các bạn chiếc đĩa sứ có in câu thơ Xuân Quỳnh và một số sách : Cơn giông, tiểu thuyết của Lê Văn Thảo, Truyện ngắn Hoàng Minh Tường, Hành trình tờ tiền giả của Y Ban. Vũ Nho có Truyện cổ tích dành cho người lớn ( dịch của Xantưcov- Sê đrin), Đi giữa miền thơTam ca. Mọi người hát, đọc thơ, bạn hỏi về khuynh hướng sang tác hiện nay ở Việt Nam. YBan đọc thơ của Giáng Vân, sau đó hát bài thơ phổ nhạc. Anh Lê Văn Thảo hát Ru con Nam bộ. Vũ Nho và Hoàng Minh Tường hát tiếng Nga, đọc thơ. Oleg đọc bản dịch ra tiếng Nga bài thơ Phan Thiết có anh tôi của Hữu Thỉnh. Anh Thảo tặng khăn cho Xvetlana, nữ  nhà báo làm thơ và tặng cho cháu bé nhất theo mẹ đến cuộc gặp.

 Sau đó  đoàn đi bộ, ngắm cảnh thành Novgorot. Tất cả tường thành, tháp canh giống hệt như kiến trúc khu Kremli ở Mat xcơva. Vừa đi dọc bờ sông vừa chụp ảnh. Có một nơi đặc biệt là đài nước với các quốc huy của những nước châu Âu xưa từng buôn bán với Novgorot. Không biết Nicôlai kiếm đâu được hai đồng tiền đưa cho Vũ Nho một và Y Ban một. Mỗi người ước một điều và tung đồng tiền vào lòng đài nước để điều ước được thực hiện. Y Ban lầm bẩm ước rất thành kính. Vũ Nho cũng ước chuyến đi trót lọt, may mắn và sớm về nhà  bình yên.

Sau buổi gặp, mọi người đến ăn tối với họa sĩ, mạnh thường quân của các nhà văn. Anh ta không biết uống rượu. Hiện ở tạm trong Tu viện đang sửa. Khi mọi người đổ bộ vào nhà, anh vẫn còn đang dở việc. Giá vẽ được xếp lại, bàn được bày ra. Chủ tịch Hội nhà văn Nopgorot đến muộn. Không khí rất thân tình. Nhà thơ nữ tóc vàng hát thơ phổ nhạc và tự đệm ghi ta.  Y Ban, Hoàng Minh Tường hát. Uống rượu, trò chuyện. Đặc biệt là uống theo kiểu khát vọng. Y Ban hưng phấn tuyên bố rằng điều ước đã bắt đầu linh nghiệm và một truyện ngắn cũng đã được thai nghén xong. Y Ban, Hoàng Minh Tường, Oleg đều đùa tỏ ý muốn ở lại Nopgorot. Lê Văn Thảo nói nếu Vũ Nho muốn ở lại nữa thì một mình Lê Văn Thảo cũng vẫn đi Xanh Pêtecbua với 4 vai : Trưởng đoàn, kiêm phó đoàn, kiêm thành viên và phiên dịch. Mọi người thích thú về quyết tâm quá cao của Trưởng đoàn. (CÒN NỮA)

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)