CHUYẾN THĂM NGA CỦA ĐOÀN NHÀ VĂN VIỆT NAM
GHI CHÉP CỦA VŨ NHO
2.VI. Sau khi ăn sáng, cả đoàn đi Xanh Pêtécbua bằng xe của Oleg. Oleg vượt ẩu, bị cảnh sát giao thông tuýt còi. May mà có lí do là đưa đoàn nhà văn Việt Nam đi tham quan nên không bị phạt. Vui quá, chàng quên lấy lại giấy tờ xe. Nhưng xe lại hỏng gạt nước và kẹt dây an toàn của người lái. Chiếc ô tô không gấy tờ, hỏng gạt nước vẫn đưa đoàn tới đích.
Trên đường đi cảm thấy cánh đồng Nga mênh mông. Xe lúc thì như đang chạy trong rừng, và lúc thì như chạy trên thảo nguyên. Thỉnh thoảng mới bắt gặp một khu dân cư với nhà gỗ cổ điển xinh xắn, gọn gàng. Dọc đường cũng thấy có quán bán bánh rán và nước chè đun bằng ấm xa-mô-va. Mọi người muốn dừng lại để “thử” xem như thế nào. Khi Vũ Nho nói với Oleg, Oleg khuyên không nên dừng lại, sợ rằng bánh rán không đảm bảo an toàn thực phẩm. Khi đến trạm xăng, Oleg dừng cho mọi người nghỉ và đổ xăng. Nhà vệ sinh ở Trạm xăng dùng phải trả tiền. Tất cả đều uống cà phê, ăn kem trong cửa hàng ăn nhanh. Y Ban kiêng kem vì sợ béo.
Hôm ấy Xanh Petecbua trời mưa. Điều đầu tiên Vũ Nho nhận ra thành phố chính là Metro Công viên Chiến thắng. Ngày xưa, tất cả sinh viên trường Sư phạm Ghéc xen đều ở khu ốp của sinh viên gần Công viên này. Biết bao lần xuống khu này chơi, hội họp. Không thể nhận ra nhà nào là ốp thời xưa! Khi Oleg dừng xe để vào khách sạn trường Ghéc-xen, Vũ Nho nhận ra ngay đây chính là phố Plekhanov ngày trước. Bởi vì đầu phố là nhà thờ Kadanxki. Hàng rào với trường như một cánh cung. Và cạnh đó là Đại lộ Nhepxki nổi tiếng.
Chiều 2.VI. Thăm bảo tàng Đốtxtoepxki. Vũ Nho vẫn tiếp tục dịch ( Vì người mà cô Kim Hiền nhờ, bận nên không đến). Kì lạ là khả năng ngoại ngữ. Bị lãng quên gần ba chục năm, nhưng khi người thuyết minh nói bằng ngôn ngữ văn chương, tất cả bỗng trở nên minh bạch và giản dị. Ngày xưa khi năm đầu học tiếng Nga, cô Nhi Na cũng đã dẫn mọi người thăm bảo tàng này rồi. Nhưng khi ấy vốn liếng tiếng Nga chưa nhiều. Lần này có vốn nhưng lại quá lâu không dùng. Tuy vậy, phòng làm việc, phòng trẻ con, trò chơi Bưu điện của của bố con nhà văn,… đều được dịch thanh thoát một cách “hết sức chuyên nghiệp”. Đốtxtoepxki có bốn đứa con. Hai đứa trẻ mất sớm. Một đứa con trai và con gái ở căn hộ này. Người vợ thứ hai của nhà văn rất tháo vát. Bà đã chép bản thảo cho chồng, lo tổ chức cuộc sống. Phòng làm việc, phòng khách, phòng cầu nguyện đều được giới thiệu chi tiết.
Sau cuộc thăm, có hai câu hỏi cần làm rõ. Anh Thảo hỏi có phải Đốt gặp cô thư kí trước, rồi sau mới cưới làm vợ hai? Người thuyết minh khẳng định là đúng. Y Ban hỏi tác phẩm cuối mà Đốt viết ở căn hộ 6 phòng này là gì? Người thuyết minh trả lời rằng đó là Anh em nhà Karamadov. Căn hộ đó, Đốt đã sống trong 3 năm cuối đời.
3.VI. Vũ Nho xin phép trưởng đoàn đi thăm tổ bộ môn. Hôm trước đã hỏi han cẩn thận về đường đi tới tổ bộ môn. Hoặc là xe điện bánh hơi số 10 và số 11. Hoặc là ô tô buýt. Vé loại nào cũng chỉ mất 19 rúp. Nếu đi ta xi thì mất hơn 300 rup. Oleg gọi điện cho vị Hiệu phó phụ trách người nước ngoài của nhà trường để họ tổ chức gặp gỡ. Vũ Nho cám ơn. Nhưng tự nghĩ rằng đã quá lâu khi quay trở lại. Hồi ấy là một chàng trai mới ba mươi hai tuổi. Nay cũng đã thành người ngoại sáu mươi. Vả lại đã xem danh sách tổ viên qua mạng, không biết ai và cũng chẳng ai biết mình. Vì vậy Vũ Nho quyết định đi một mình và một mình giải quyết công việc. Anh bạn Oleg tỏ ra không hài lòng. Khi Vũ Nho lên xe , anh ta còn cố chạy theo và nói : ở đó không có ai. Anh ấy vẫn muốn Vũ Nho đi theo nhóm. Nhưng Vũ Nho kiên quyết từ chối.
Nhóm còn lại đi thăm Ermitaz ( Trong Cung điện mùa Đông), thăm căn hộ Puskin ở bờ Moika, thăm Bảo tàng Nga, chiều đi xem bale Hồ thiên nga do văn nghệ địa phương biểu diễn. Tranh và ba lê tự nói bằng ngôn ngữ màu sắc và hình thể nên không cần dịch. Còn lại thì Hoàng Minh Tường phiên dịch.
Cần phải ghi lại đây câu chuyện trên xe điện bánh hơi. Trên xe, Vũ Nho hỏi thăm đường đến Khoa Văn. Mọi người vui vẻ chỉ dẫn. Trước mặt là một anh chàng mặt ngăm đen. Vũ Nho đưa tay bám vào thanh xà trên xe. Khi xe sắp dừng bánh, bỗng cảm thấy như có luồng điện lạnh buốt ở ngực phải. Phản ứng tự nhiên, Vũ Nho biết ngay là có bàn tay móc vào túi áo com lê nên đã chém mạnh tay xuống và quát: Tại sao thế? Tên mặt ngăm không nói gì nhanh chóng chuồn xuống xe. Tự nắn túi áo thấy Hộ chiếu vẫn còn. Thở phào. Lạy Trời lạy Phật! Nếu mà thằng mặt nhọ thành công trong việc móc mất Hộ chiếu thì một tỉ sự lôi thôi,… Chuyến đi thăm Nga sẽ biến thành chuyến rắc rối cho cá nhân và cho cả mọi người.
Trên xe có một phụ nữ Nga tốt bụng. Chị nói chuyện và cho biết con gái mình cũng học ở khoa Ngữ văn của trường Tổng hợp Ghéc-xen. Khi xuống xe, chị đi bộ một đoạn và chỉ tiếp cho Vũ Nho đến nhà 52. Từ lúc này, ba cúc áo của com lê luôn được cài đầy đủ.
Tại chỗ thường trực, Vũ Nho đã trình bày lí do đến tổ Bộ môn. Nhưng một tay nam giới có khôn mặt lạnh lùng và quan cách trả lời rằng : ở đó không có ai! Đành phải nhẫn nại ngồi chờ. Độ mươi phút, Vũ Nho lại yêu cầu xin giúp đỡ với lí do : Tôi không có nhiều thời gian. Tôi chỉ cần gặp một trong các thành viên của Tổ bộ môn, không nhất thiết là GS.TS Chủ nhiệm bộ môn kiêm chủ nhiệm khoa N.L. Subina. Lúc này một phụ nữ trung tuổi cũng ngồi trong phòng thường trực bảo Vũ Nho đi theo bà. Thật là may mắn khi lại gặp một phụ nữ Nga tốt bụng nữa. Bà dẫn lên tầng hai, đến đúng Văn phòng khoa và dẫn vào tận nơi gặp GS.TS. Chủ nhiệm khoa. Vũ Nho tự giới thiệu mình, giới thiệu thầy mình là GS.TS khả kính M.G.Kachurin. Sau đó nói rằng đã tìm hiểu tổ qua mạng. Hôm nay đến đây để tặng tổ chút quà ( Mỗi vị một khăn quàng Việt Nam), một chút hương vị Việt ( cà phê và chè); đồng thời cũng tặng ba cuốn sách để làm kỉ niệm. Cuốn thứ nhất là Nghệ thuật đọc diễn cảm, nội dung từ luận án Tiến sĩ bảo vệ ở Nga, cuốn thứ hai là 33 gương mặt thơ nữ, cuốn thứ ba là Tam ca. Vũ Nho cũng nói rằng hiện đi với đoàn nhà văn Việt Nam thăm Nga; các đồng nghiệp đang thăm bảo tàng Ermitaz. Mọi công việc chuyên môn sẽ trao đổi sau qua mạng. Sau đó Vũ Nho đề nghị chụp ảnh với GS.TS để kỉ niệm. GS.TS cũng gọi một nhân viên văn phòng đến chụp bằng máy ảnh của khoa. Bà khen Vũ Nho sau nhiều năm vẫn nói tiếng Nga lưu loát. Bà hứa sẽ trao đổi chuyên môn qua mạng và chúc chuyến đi thăm Nga của Vũ Nho thành công tốt đẹp.
VŨ NHO CHỤP ẢNH VỚI GS.TS. N.L.SUBINA
Sau khi rời Khoa, lòng lâng lâng sảng khoái. Mục đích trung tâm của chuyến đi đã được hoàn thành mĩ mãn.
Về khách sạn. Sau đó lại xin vào khu ốp 6 trước kia để thăm lại nơi đã gắn bó những 4 năm trời với bao nhiêu kỉ niệm nhớ đời. Chụp ảnh trước ốp 6. Lại vào bên trong, lên tầng ba xem lại phòng ở cũ bây giờ đã là Tổ bộ môn tiếng Đức. Phòng bếp giờ không còn. Phòng đọc ở bên cạnh, nơi trong đêm lạnh tôi đã từng khóc ròng khi một mình đọc những câu thơ Nguyễn Đình Thi :
Quê hương biết mấy thương yêu
Bao nhiêu đời đã chịu nhiều thương đau
Mặt người vất vả in sâu
Gái trai cũng chỉ áo nâu nhuộm bùn
Quả thật, có ra nước ngoài, có một mình trong đêm lạnh, có nhìn thấy cuộc sống no đủ của người, nghĩ đến người thân, đồng bào ruột thịt quê hương thì mới có thể trào nước mắt rưng rưng khi đọc thơ Nguyễn Đình Thi. Đấy chỉ là một trong những kỉ niệm ốp 6 của tôi.
Cũng ở trong ốp này, tôi đã đón tiếp và chiêu đãi GS Nguyễn Đức Nam, anh Nguyễn Văn Giai, và sau cuộc uống bia, GS đã yêu cầu mỗi người phải kể chuyện tình, đọc thơ tình…Bây giờ GS và chắc cả anh Giai nữa đã ra người thiên cổ.
Tôi cũng đón tiếp thầy dạy Đại học của tôi, thầy Lê Văn Trúc sang thực tập, gặp GS. TS Nguyễn Cương môn Hóa sang thực tập…
Các anh trong Đảng ủy Lenningrat, các bạn trong Ban chấp hành thành Đoàn Leningrat nhiệm kì 1982-1984 cũng đã từng đến ốp 6 của Bí thư thành đoàn Vũ Nho.
4.VI. Sáng, cả đoàn đi Cung điện mùa hè ở Pêchergof. Kế hoạch là sẽ trả phòng KS trước 12 h, bởi vậy sáng đã thuê ô tô chở tất cả đồ lề ra gửi ở nhà ga. Vũ Nho, Oleg và Hoàng Minh Tường đem đồ vào tầng hầm của ga để gửi. Những 6 va li con và túi xách. Đi ô tô ra Pechergof. Ngày xưa Vũ Nho đã đến đây đi thăm cả một ngày. Vào trong cung mùa hè, nhìn thấy bộ bàn ghế gỗ mà Pie Đệ nhất tự tay mình đóng. Rồi xem các đồ đạc, vật dụng hoàng gia. Xem các vòi phun nước, nghỉ dưới bóng cây râm mát, hưởng gió lồng lộng từ Vịnh Phần Lan. Lần này kế hoạch tham quan 2 tiếng. Nhưng ông lái xe lại có việc đi Sân bay nên giảm thời lượng. Tham quan 45 phút. Chỉ là cưỡi ngựa xem hoa ở bên ngoài. Lại về bằng ô tô. Trên xe, mọi người tán chuyện rôm rả.
Y Ban có truyện ngắn “ I am đàn bà”, Vũ Nho dịch ra tiếng Nga lại dùng thì quá khứ là “ Ia byla zensinoi”. Vấn đề đặt ra là thời hiện tại thì như thế nào. Tương lai sẽ ra sao? Oleg hỏi đùa. Vũ Nho trả lời rằng hiện tại thì chắc vẫn là đàn bà thôi. Còn tương lai thì không rõ. Có thể tương lai sẽ là “ Ia budu muzchinoi”. ( I will be đàn ông”). Oleg hỏi lại Y Ban, Ban khẳng định rằng rất muốn trở thành đàn ông trong tương lai. Lí do? Vũ Nho nói chỉ có Ban biết rõ lí do. Hóa ra câu trả lời của Y Ban rất đơn giản : Nàng muốn trở thành đàn ông vì ở Novgorot, nàng gặp những cô gái Nga quá xinh!
Thăm đài tưởng niệm chiến thắng phát xít và 900 ngày đêm trong vòng vây phát xít Đức. Kì lạ là khi xem phim về chiến tranh thế giới thứ hai trong bảo tàng, nhìn bà mẹ Nga tiễn các chiến sĩ trẻ ra mặt trận, Vũ Nho đã bật khóc. Không hiểu sao, có lẽ nghĩ đến các bà mẹ Việt Nam “ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” ( Thơ Tạ Hữu Yên), nghĩ đến những người bạn mình đã vĩnh viễn hi sinh,…mà không cầm được nước mắt. Y Ban bảo rằng đúng là Vũ Nho làm thơ có khác cánh văn xuôi,…
Cả hội vào một nhà hàng bên đường. Bia quá ngon vì đang khát. Món thịt bò cũng được đánh giá là xuất sắc. Y Ban trả tiền xong luôn khen là giá cả hết sức phải chăng.
Chiều đến thăm khoa Đông phương của Đại học tổng hợp quốc gia Xanh Pêtecbua, đặt hoa ở tượng Hồ Chí Minh do phía Việt Nam tặng ( tượng đặt ngày 19/5/2010). GS.TS V.Kolotov trưởng bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông tiếp đoàn. Nói chuyện hoàn toàn bằng tiếng Việt. Gặp sinh viên năm thứ 4 Ôn ga. Cũng nói tiếng Việt. Hóa ra GS.TS. V. Kolotov là con rể Việt. Chàng làm luận án TS Lịch sử Việt Nam. Vợ chàng tên là Hạnh, một cô gái Sài Gòn. Vợ chồng chàng đã có một trưởng nữ, và con thứ của chàng mới sinh được độ nửa tháng cũng là… thứ nữ!
Trên sân của khoa có nhiều tượng danh nhân. Trong đó có tượng nhà thơ Nga A. Blog, tượng Khổng Tử, tượng Gheisa Nhật Bản, tượng thiên thần và ác quỷ. Thiên thần trò chuyện với ác quỷ. Dưới đó là chiếc ghế để người ngồi suy ngẫm. Hoàng Minh Tường ngồi nghiêng về phía thiên thần để chụp ảnh. Vũ Nho ngồi cân đối chính giữa, đằng sau là GS.TS. V.Kolotov. Khi lên tổ bộ môn cũng là nơi đặt Viện Hồ Chí Minh, Đoàn tặng tổ một số sách mang theo. Tại đây, cô V. chủ nhà hàng SaiGon đã gặp Đoàn. Và Y Ban sau cuộc tiếp xúc, ăn cơm, khi đi tàu hỏa đã nói nhất định phải viết về chuyện này. Khi về nhà, đúng như đã nói, Ban đã viết bài báo: “ Cơm “tù” Xanh Petecbua”. Tôi đã đọc bài báo này trên trang trannhuong.com. Có lẽ thay chữ “TÙ” Bằng chữ “LỪA” thì chính xác hơn.
Cơm nước xong, Ban và Tường còn muốn đi chơi. Oleg dẫn hai người đi. Anh Thảo và Vũ Nho đi ta xi ra ga đợi. Khi các vị đến ga, 11.30, chỉ kịp lên tàu, xếp xong chỗ thì tàu Kracxnaia Xtrenla ( Mũi tên Đỏ) chuyển bánh về Mátxcơva.
Tàu nhanh Mũi tên Đỏ là tàu sang trọng. Giường đệm rất tinh tươm. Có nút điều hòa nhiệt độ thích hợp. Có chuông để bấm yêu cầu phục vụ tận toa. Có dép đi trong toa, có sách báo, thuốc đánh răng và bàn chải. (Chỗ này cần mở ngoặc một tí. Người Nga quan niệm bàn chải và kem đánh răng là những vật dụng riêng của cá nhân. Vì vậy, dù ngủ trong khách sạn giá 130 đô la Mĩ một tối, nhưng không bao giờ có bàn chải, kem đánh răng và lược chải đầu). Bữa ăn trên tàu tính vào vé gồm 18 thứ khác nhau, trong đó kể cả chè, cà phê và những thức ăn nguội đắt tiền như giăm bông, pho mát, giò xông khói,…
Lần này thì cả bốn vị trong đoàn chung một khoang. Oleg Pavykin để chung đồ đạc và ngủ ở khoang bên cạnh.
5.VI. Về Mátxcơva. Trưởng đoàn Lê văn Thảo và Vũ Nho thì vẫn khách sạn. Không tiện đến nhà Kim Hiền, nên Hoàng Minh Tường và Y Ban mỗi vị chơi mỗi phòng hơn 4000 rúp ( 130 USD) tại KS. Đại học Tổng hợp. Lấy phòng xong, Oleg đưa đi thăm bảo tàng Chiến tranh vệ quốc và Nghĩa trang danh nhân Matxcva.
Bảo tàng Chiến tranh Vệ quốc to vật vã. Có lẽ cái từ vật vã của tiếng Việt cũng chưa diễn tả hết sự đồ sộ, hoành tráng của Bảo tàng này. Nhóm tham quan lọt thỏm trong tầng một là phần Tưởng niệm và Xót thương. Nơi đây vĩnh viễn tưởng niệm gần 27 triệu người xô viết đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Trong đó có nhóm tượng Xót thương, tượng trưng bằng hình ảnh người phụ nữ của tất cả các bà mẹ, người vợ, người chị, người em và những bé gái đang khóc thương những người hi sinh trong những năm chiến tranh. Bức tượng làm bằng đá trắng lấy từ U ran, tác giả là giáo sư, nghệ sĩ nhân dân L.E. Kerbel.
Dọc các bức tường bảo quản các cuốn “ Sách kỉ niệm”, nơi ghi họ tên tất cả các binh sĩ và sĩ quan đã hi sinh trong chiến tranh.
Trên trần nhà rủ xuống 2 triệu 600 ngàn giọt lệ pha lê tượng trưng cho sự xót thương những người hi sinh.
Tầng hai là phần Vinh quang. Có thể xem các trận đánh quan trọng nhất ở Xtalingrat, Leningrat, Kuốc-xcơ, Đơnhiev, cuộc tấn công Beclin bằng tranh toàn cảnh kết hợp vật thật với tranh. Nơi tầng hai cũng đặt tượng các tướng lĩnh anh hùng Liên xô, ghi tên những người lính và sĩ quan được phong anh hùng. Vũ Nho chụp ảnh với tượng Nguyên soái Giu cov.
Nghĩa trang danh nhân Mátxcơva quả là một nơi độc đáo không thể không thăm. Chỉ biết rằng ở đây toàn những người nổi tiếng trong mọi lĩnh vực. Đồng thời mỗi người có một kiểu tượng, một kiểu trang trí không lặp lại ai. Tôi chú ý đến tượng vợ của Tổng thống Goóc-ba-chov, một bức tượng đồng to hơn người thường và ở dưới có rất nhiều hoa tươi. Bôrít Enxin không có tượng nhưng có một lá cờ Nga to đùng đặt ngay cạnh lối đi. Tượng Khơ-rút-sôv bên cạnh tượng người cháu cũng họ Khơ-rut-sôv làm phóng viên. Có tượng nữ anh hùng Dôi-a, tượng người sáng chế hỏa tiễn Ka-chiu-sa. Tượng nhà thơ Thổ nhĩ kì Na Dim Hit mét, các nhà văn, nhà thơ thì có Gô gôn, Sekhôv. Otxtrôvxki, Maiacovxki, Bugancov,…
Vào nghĩa trang chỉ là thực hiện cuộc dạo chơi. Hôm ấy, nhà thơ, tác giả lời bài hát “ Triệu bông hồng” vừa mới mất. Mọi người đang đứng xung quanh tưởng niệm. Ai đó trong Đoàn có ghi lại hình ảnh này. ( CÒN NỮA)
Người gửi / điện thoại