bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 19
Trong ngày: 171
Trong tuần: 1204
Lượt truy cập: 634598

CHUYỆN CỦA TANIA

CHUYỆN CỦA TANIA

                     Truyện ngắn của CẦM SƠN

nh_cm_sn

Nhà văn Cầm Sơn

  Năm 1983, khi ấy Polevoi Aleksandr Petrovich mới hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp trường Đào tạo Chuẩn úy Hải quân 105 thì được điều động vào phục vụ tại Hạm đội Thái Bình Dương, còn tôi hai mươi tuổi đang là sinh viên năm thứ hai một trường Đại học Kiến trúc. Chúng tôi vốn trước đây là hàng xóm lại học chung một trường Trung học, khi thành sinh viên thì quan hệ của chúng tôi đã ở mức độ những người yêu nhau. Trước khi Plevoi lên đường nhập ngũ, anh và tôi còn có khoảng thời gian một tuần đi du lịch xuống vùng biển Hắc Hải đầy nắng và gió, thỏa thích đùa giỡn cùng với trời xanh, nước xanh. Vẫy vùng chán, mệt thì cứ việc thả lỏng cơ thể thoải mái nằm trên mặt nước mà không lo bị chìm. Chúng tôi hẹn nhau đợi đến lúc tôi ra trường, có nghĩa là hai năm sau sẽ làm lễ cưới.

    Nơi anh ở là một Trung đoàn Không quân hỗn hợp Cận vệ thuộc Quân cảng Cam Ranh của Liên Xô ở Việt Nam. Anh thường đi cùng các chuyến bay đảm nhiệm công việc của một Kỹ thuật viên Hàng không. Đều đặn cứ khoảng ba tháng tôi lại nhận được một lá thư của anh gửi về. Anh kể cho tôi nghe những gì đang diễn ra ở xứ sở cận nhiệt đới nơi anh đang sinh sống, về những cơn mưa bất chợt vào mùa hè. Lúc mới sang chưa có kinh nghiệm, có lần đang đi ngoài đường băng thì trời ập xuống một cơn mưa lớn, chả kịp phản ứng gì đành cứ để quần áo ướt sũng nước mưa. Nhưng mưa vừa tạnh là nắng lại bừng lên, chan hòa, trong vắt, cứ mặc kệ quần áo ướt ấy mà đi, vậy mà chỉ mấy phút sau, nắng và gió đã lấy lại sự khô ráo cho áo quần.  Anh kể về vị thơm ngon, ngọt mát của những hoa trái xanh tươi như dừa, xoài, đu đủ, thanh long... Dưới lòng biển xanh, có nhiều thứ rất lạ đối với người Nga như những loài nhuyễn thể trai, ốc và đặc biệt là san hô. Vào những ngày nghỉ, bọn anh lại xả hơi tắm nắng trên những bãi cát dài, bơi lội hoặc ngồi trên thuyền câu cá mực. Có người còn tham gia lặn ngụp cùng các bạn người địa phương xuống đáy biển mang lên những cành san hô.  Khi san hô được mang lên cạn, người ta cho rửa sạch bằng nước ngọt rồi sau đó ngâm vào một loại dung dịch thuốc tẩy, thường là dùng clorua canxi, đợi vài ngày sau cành san hô sẽ được tẩy trắng tinh, có thể dùng để bày đặt tại những nơi trang trọng với mục đích trang trí nội thất. Các cành san hô có nhiều hình dạng, to nhỏ khác nhau nhưng nhìn chung thường phía dưới đáy là một khối đá liên kết bởi những tảng, mảnh có hoa vân, hình khối khác nhau. Phía trên giống những cây có nhiều cành nhánh được sắp xếp, đan xen kỳ quặc tựa cây cối trong rừng từ những kỷ cổ sinh. Theo lời của những người đánh bắt hải sản địa phương thì đặc biệt hơn là loài san hô có màu đỏ như máu. Người ta có thể để nguyên cả cành hoặc gọt giũa mài nhẵn thành hạt, khoan lỗ xâu chuỗi lại làm đồ trang sức cho chị em phụ nữ. Theo quan niệm của người Á Đông, loài san hô có màu đỏ nên nó thuộc hành Hỏa được dùng trong phong thủy rất tốt. Là một trong bảy loại bảo vật gồm: xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, thiếc vàng, thiếc bạc và bảo ngọc. Họ quan niệm những thứ này là sự kết tinh của vũ trụ rất thanh khiết và nguyên chất. Phật là đấng tối cao trong tiềm thức của người Á Đông. Phật, Thánh, Tiên hiền là những vị có tâm trong sạch, thanh tịnh, nên chỉ có những đồ vô tạp mới chiêu cảm được thần thức của các vị. Còn các loại ma tà quỷ quái, thập nhị cô hồn chỉ thích những đồ nhơ nhớp bẩn thỉu, ôi thiu tanh tưởi, bọn chúng rất sợ những đồ tinh sạch như những thứ trong thất bảo nêu trên. Những đồ vật phong thủy này được bày đặt trong nhà sẽ rất tốt cho gia chủ. Nó có tác dụng xua đuổi ma tà, quỷ quái, chiêu nạp cát, hỷ, phúc, tài. Người ta còn quan niệm san hô đỏ là do nó đã được tắm gội, nhuộm màu máu của những người anh hùng đã từng hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương, đất nước, chính vì vậy mà san hô đỏ còn có tên gọi là “Hoa lửa dưới đáy đại dương”... Anh nói kiểu gì anh cũng sẽ kiếm bằng được một cành san hô màu đỏ tặng tôi trong dịp nghỉ phép về nước làm lễ cưới.

  Vào năm 1985, trong một lá thư anh viết:

  “Tania Kronhina yêu quý!

  Đã sắp đến thời hạn mà chúng ta hẹn nhau khi anh ra đi. Bây giờ em đã ra trường và cả hai chúng mình đều đang ở vào cái tuổi đủ chín để có thể xây đắp một mái ấm gia đình. Anh báo cáo đơn vị và các thủ trưởng đã đồng ý để tháng sau anh nghỉ phép về nước hai tháng lo tổ chức lễ cưới của chúng mình. Như lời hứa ở những lá thư trước gửi em, anh có chuẩn bị một cành san hô khá to và đẹp để đem về tặng em vào dịp nghỉ phép kỳ này. Nhưng không phải là cành san hô màu đỏ như đã nói với em trước đây. Hóa ra loài san hô đỏ ở Việt Nam đã được đưa vào Sách Đỏ, là một loài cần được bảo vệ và nghiêm cấm khai thác. Các bạn người Việt bảo anh nếu đã hứa thì vẫn có cách để lấy được cành san hô đỏ mang về. Nhưng chắc là em cũng sẽ thông cảm cho anh, khi họ đã cấm thì dẫu rằng làm được ta cũng không nên vi phạm làm gì. Đó là sự tôn trọng dân tộc, tôn trọng luật pháp của nước bạn và cũng là tôn trọng chính mình, phải không em! Em hãy chuẩn bị sẵn sàng để sau khi cưới, anh sẽ đưa em sang Việt Nam cùng hưởng tuần trăng mật. Tuy đã ở đất nước này hai năm nhưng do công việc nên anh cũng chưa khám phá được gì nhiều ở đất nước xinh đẹp này. Mới tháng trước anh cùng một số anh em trong đơn vị được ra thăm thủ đô, bọn anh đã rất ngỡ ngàng và thú vị trước những điều lạ kỳ. Vào thăm khu Bảo tàng Hồ Chí Minh, cạnh ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ của vị lãnh tụ vĩ đại này ở có một cái ao được nuôi rất nhiều cá chép. Khi đoàn bọn anh đến thấy có một người cứ vỗ tay bồm bộp, đang chưa hiểu ông ta định ra hiệu cái gì thì thấy những con cá chép to bật mình nhảy từ dưới ao lên các bậc nơi ông ta vỗ tay, kỳ lạ hơn là chúng còn tiếp tục nhảy từ bậc dưới lên bậc trên, con nào cũng há tròn mồm, khi được người vừa vỗ tay thả những viên thức ăn vào miệng rồi thì chúng lại quẫy đuôi bật lên nhảy trở lại xuống nước nhường chỗ cho con khác tiếp tục nhảy lên. Hóa ra chúng đã được tập luyện thành phản xạ có điều kiện để biểu diễn mỗi khi có khách quý đến tham quan. Trong một đêm nghỉ lại ở một thị trấn miền Trung du Bắc bộ. Đến gần sáng nghe lao xao, bọn anh ra xem thấy vài người đang dùng những cái vợt khua đi khua lại dưới ngọn đèn đường rồi họ đổ những con côn trùng vợt được ấy vào một cái bao tải, người nào cũng bắt đựơc đến lưng bao tải. Họ nói đấy là những con châu chấu, loài côn trùng này ban đêm hễ cứ thấy ánh sáng là bay đến. Bắt nó đem về vặt bỏ chân, cánh đem rang cho một chút lá chanh vào làm gia vị ăn rất thơm ngon. Gặp phải những con lớn hơn cánh màu nâu bạc gọi là con muỗm thì có thể nướng trên bếp than có vị thơm bùi, béo ngậy nồng nàn hương vị đồng quê. Một đất nước mà đại đa số người dân còn lam lũ, khó khăn vậy mà lúc nào họ cũng vô tư, xởi lởi. Chính vì thế mà họ đã chiến thắng trong cuộc chiến với một cường quốc mạnh hùng. Ở xứ sở này đi đến đâu cũng gặp khá nhiều người biết tiếng Nga. Đôi khi họ còn cùng với bọn anh giao lưu hát những bài dân ca Nga quen thuộc, thậm chí còn có người biết cả những bài hát Nga mà chính anh cũng chưa hát được. Tìm hiểu kỹ thêm thì được biết: Trước hết là ở các trường Trung học vào những năm của thập kỷ sáu mươi, bảy mươi, tiếng Nga là một môn học Ngoại ngữ cơ bản, thứ nữa lại có khá nhiều người là học sinh du học ở Liên Xô trước đây thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Vì vậy, nếu đi du lịch trên đất nước này cũng sẽ có rất nhiều thuận lợi đối với người Nga....”

* *

  Câu chuyện kể đến đấy, bỗng dưng bà Tania khựng lại có vẻ rất xúc động. Bà đứng dậy ra ý cho tôi hãy cứ ngồi chờ bà ít phút rồi đi nhanh vào nhà trong...

  Theo bố trí của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. Đoàn chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) trong đó có chương trình đến thăm No1 Khu năm tầng tại Thành phố Vũng Tàu, nơi các cán bộ công nhân viên người Nga của Vietsovpetro sinh sống. Trong khu đô thị này có trường học cho các cháu con em người Nga. Vị hiệu trưởng dẫn chúng tôi đi thăm các lớp học, khi đến tham quan lớp 4 thì đúng vào giờ tan học. Thấy có một cháu gái có vẻ như người Việt, tôi hỏi thì được chú phiên dịch giải thích câu trả lời của hiệu trưởng là ở trường này có một số cháu bé là con lai giữa người Việt với người Nga, riêng cháu bé tôi hỏi thì có mẹ là người Nga còn bố là người Việt Nam. Với thói quen của nghề nghiệp, tôi đề xuất muốn được gặp gỡ bố mẹ cháu bé. Vậy là sau khi liên lạc thống nhất với bà Tania, vào buổi sáng ngày hôm sau, Vietsovpetro đã bố trí cho chúng tôi gặp nhau ngay tại nhà riêng của bà. Rất tiếc ông chồng lại đi công tác ra dàn khoan ngoài mỏ Bạch Hổ nên chỉ có một mình bà tiếp tôi. Cũng may là bà nói tiếng Việt khá sõi nên cuộc trò chuyện của chúng tôi không cần đến phiên dịch.

   Sau khi quay vào nhà trong rửa mặt và lấy lại bình tĩnh, bà Tania lại quay ra tiếp tục câu chuyện với tôi

* *

  Không ngờ đấy là lá thư cuối cùng của Polevoi Aleksandr Petrovich gửi cho tôi. Sau khi lá thư được gửi đi, anh ấy đã có một chuyến bay và đó là chuyến bay định mệnh. Biển Đông mù sương ngày hôm ấy đã nuốt gọn cả chiếc phi cơ với chín sĩ quan phi hành đoàn làm việc trên máy bay vào cái bụng mênh mông khổng lồ của nó cùng với những bí mật về nguyên nhân gây ra sự kiện thảm khốc, bi thương ấy. Cho đến tận ngày hôm nay và chắc chắn sẽ là vĩnh viễn, thân xác các anh mãi mãi ở lại cùng Biển Đông mênh mông xanh đen thăm thẳm. Máu xương của các anh đã được chuyển hóa thành những cành san hô đỏ, những bông hoa lửa lung linh rực sáng dưới lòng đại dương nước bạn.

  Những di vật còn lại của anh, lãnh đạo đơn vị đã gửi trả về gia đình anh. Riêng tôi, thay vì chuyến nghỉ phép hai tháng của anh trở về nước và làm lễ cưới, người ta gửi cho tôi một kiện hàng, trong đó có cành san hô mà anh đã thông báo với tôi trong lá thư lần cuối.

**

     Châu Thanh Quang sinh năm 1961 cùng tuổi với Polevoi là thanh niên Việt Nam sang du học bên Nga, anh là sinh viên cùng một trường Đại học Kiến Trúc với tôi. Ra trường anh trở về Việt Nam làm việc ở một đơn vị của người Việt tại Quân cảng Cam Ranh. Do là bạn học cùng trường với người yêu nên Polevoi có quan hệ rất gần gũi với Quang. Những ngày nghỉ, họ thường gặp gỡ nhau ở bãi biển bơi lội hặc tìm kiếm trai, ốc. Đôi khi lại ở trường học của các bé người Nga để Quang dạy tiếng Việt cho các bé và kể cả người lớn muốn học tiếng Việt. Việc Polevoi muốn có được một cành san hô đỏ đã nhờ Quang và các bạn người Việt tìm kiếm giúp. Tại Việt Nam, loài san hô đỏ không còn có ở những vùng biển ven bờ bởi nạn khai thác tận diệt, thiếu khoa học đã làm cho nó cạn kiệt. San hô đỏ vốn sống ở vùng biển sạch với độ sâu từ mười đến ba trăm mét nước. Do đó nó chỉ còn tồn tại ở đáy biển sâu thẳm ngoài khơi hoặc ven bờ các hòn đảo hoang vắng ít thuyền bè qua lại, ít có sự tác động của con người. Tuy nhiên, do nó là một sản vật quý hiếm, giá trị cao nên người ta vẫn lần tìm để khai thác. Những tay thợ lặn lành nghề vẫn biết những vùng biển nào còn có thể khai thác được. Quang đã tìm được một thợ lặn như thế và theo kế hoạch thì anh cùng với hai người thợ lặn săn bắt hải sản sẽ tổ chức một đợt ra khơi nếu không có chuyện Polevoi tình cờ phát hiện ra việc khai thác san hô đỏ là một việc làm phạm pháp đối với pháp luật Việt Nam. Trong một buổi du ngoạn cùng mấy người bạn Nga, mấy người bạn Việt ra thăm Thành phố Nha Trang. Biết Polevoi đang cần có một cành san hô đỏ, mấy người bạn Việt kéo anh vào một cửa hàng bày bán rất nhiều các loại thủy, hải sản. Họ trao đổi với bà chủ cửa hàng một lát thì thấy bà chủ cửa hàng đem ra một cái túi, mở cái túi ra thì thấy có một nắm những thỏi san hô đỏ vụn. Họ lại tiếp tục trao đổi với nhau điều gì đó. Với vốn âm ngữ tiếng Việt mới học được, Polevoi cũng mường tượng được đây là một cuộc mặc cả, ngã giá. Sau đấy, một người bạn Việt Nam tường thuật lại cuộc trao đổi cho Polevoi. Đại ý là nếu mua san hô đỏ loại vụn để về chế tác thành đồ trang sức thì có giá hai trăm năm mươi ngàn một ký, nếu mua loại nguyên cành thì giá của nó phải là năm trăm ngàn một ký có nghĩa là tương đương khoảng một chỉ rưỡi vàng theo đơn vị đo lường của người Á Đông hoặc tương đương với xấp xỉ 6 gram vàng bốn số chín. Khi những người bạn Việt phàn nàn là sao giá mắc quá cỡ thì bà chủ nhà hàng nói nó là một trong những sản phẩm đã ghi vào Sách Đỏ rồi thì phải đắt chớ sao! Đến lúc ấy Polevoi mới vỡ lẽ ra san hô đỏ là một trong những loài bị cấm khai thác ở Việt Nam. Vậy là ngay buổi làm việc hôm sau, gặp Quang anh đã yêu cầu hủy bỏ kế hoạch tìm kiếm cành san hô màu đỏ. Thay vào đấy là một cành san hô màu trắng. Dẫu là màu trắng thì cũng vẫn là một món quà mang từ Việt Nam về. Anh biết, đối với tôi thì dù có là san hô trắng cũng vẫn là một món quà quý. Trong việc này, suýt nữa Quang trở thành tội phạm mặc dù Quang biết hành động ấy là vi phạm pháp luật. Polevoi đã không bằng lòng với Quang nhưng tôi thì lại cho rằng Quang đã hết lòng với chúng tôi, đấy cũng được coi như là một hành động dám hy sinh cho bạn bè. Vì vậy, tôi rất trân trọng tình cảm mà Quang đã dành cho cả hai người bạn Nga chúng tôi.

   Năm 1986, Quang được đồng chí Bí thư Đảng ủy đơn vị phân công phối hợp với Trung đoàn Không quân hỗn hợp Cận vệ 169 thuộc lực lượng Hàng không Hải quân Hạm đội Thái Bình Dương của Nga để thiết kế, xây dựng một Bia tưởng niệm nằm trong khu vực đường băng sân bay. Nhưng các phi công người Nga nói để họ tự xây dựng không cần sự trợ giúp. Nói thì nói vậy nhưng những người lính Nga cũng vẫn rất tôn trọng ý kiến và công sức đóng góp của những người từ phía Việt Nam. Khi Bia tưởng niệm được xây dựng xong, Quang thông báo cho tôi sự kiện này và đề nghị tôi sang Việt Nam để đặt hoa tưởng niệm trước tấm bia. Yêu cầu ấy của Quang là điều tôi không thể không thực hiện. Và cũng từ lần ấy, mỗi năm cứ vào dịp kỷ niệm ngày Polevoi cùng phi hành đoàn hy sinh, tôi đều sang Việt Nam để tưởng niệm. Tất nhiên những chuyến tôi sang đều có Quang đưa đón.

  Một mặt hình ảnh của Polevoi Aleksandr Petrovich vẫn còn khắc khảm trong trái tim, một mặt mối tình của tôi và Quang cũng đang bắt đầu chớm nở nên tôi từ chối tất cả những chàng trai đến với tôi. Khi Quang đặt vấn đề tiến tới hôn nhân, cha mẹ tôi không đồng ý vì ông bà chỉ có mỗi một mình tôi, không muốn cho con gái lấy chồng nước ngoài. Vậy là năm tháng cứ trôi đi như thế. Tôi thì đã vậy nhưng còn Quang... Anh cũng không lấy vợ.

   Mãi đến năm 2005, Châu Thanh Quang mời tôi sang Việt Nam cộng tác với anh. Anh nói sau năm 2001, Trạm Hậu cần Vật tư Kỹ thuật Cam Ranh của Nga giải tán, anh đã chuyển công tác đến làm việc tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro. Hiện anh đang được lãnh đạo Vietsovpetro phân công thiết kế, làm dự án xây dựng “Tượng đài Cam Ranh”. Tượng đài Cam Ranh là tượng đài biểu trưng cho tình Hữu nghị Việt – Nga. Là tượng đài tưởng niệm những người Nga và người Việt kể cả phục vụ trong quân đội hay làm việc ngoài dân sự đã hy sinh vì sự nghiệp của tình Hữu nghị Việt – Nga. Nó có quy mô hoành tráng cấp Quốc gia với ý nghĩa bao trùm và thay thế cho tấm Bia tưởng niệm của các chiến sĩ Trung đoàn Không quân hỗn hợp Cận vệ 169 xây dựng năm xưa. Tượng đài Cam Ranh đã được khánh thành vào ngày 10 tháng 12 năm 2009. Tượng đài cùng những công trình phụ trợ tọa lạc trên một diện tích rộng 1,2 héc ta trong khu vực Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh. Tất cả mọi chi phí từ lúc mới đàm phán tiến tới thống nhất để ký kết giữa các tổ chức của cả hai phía Nga và Việt đến khi xây dựng hoàn thiện tượng đài và khuôn viên đồng thời tiếp tục bảo vệ, duy trì tượng đài đều do kinh phí của Liên doanh Vietsovprtro đảm trách. Ngoài việc tượng đài là nơi tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp của tình hữu nghị Việt – Nga thì chính bản thân thực thể tượng đài cũng đã thể hiện mối tình hữu nghị thắm thiết ấy. Trước hết nói về ý tưởng xây dựng tượng đài thay thế cho tấm bia tưởng niệm do Trung đoàn Không quân hỗn hợp cận vệ 169 xây dựng không phải do người Nga nghĩ ra mà do những người lãnh đạo Vietsovpetro là người Việt Nam đề xướng. Điều này rất logic bởi đặc điểm tâm lý của người Việt là luôn luôn tôn trọng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Hầu như tất cả những người lớn tuổi Việt Nam thuộc các thế hệ 6X trở về trước vẫn còn ghi nhớ mãi trong lòng về sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô trong công cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lòng biết ơn ấy không thể thay đổi đối với tất cả những gì thuộc về Liên Xô khi xưa và bây giờ là Liên bang Nga. Trong quá trình đàm phán tiến tới thống nhất, tất cả mọi thành viên kể cả người Nga lẫn người Việt đều cùng có những quan điểm giống nhau. Kể từ khi hình thành ý tưởng đến khi khánh thành tượng đài, thời gian chỉ kéo dài bốn năm. Trong khi đó còn phải vượt qua biết bao nhiêu rào cản về thủ tục pháp lý trong hệ thống văn bản của các cấp các ngành chồng chéo, lằng nhằng, rắc rối ở Việt Nam. Đôi khi đã có những thành viên người Việt Nam dũng cảm xé rào, chấp nhận đi bằng đường tắt để được việc. Việc làm này nếu không khéo có khi sẽ bị kỷ luật như bỡn. Vậy mà rồi công trình cũng đã được khánh thành trong niềm hân hoan tột độ của tất cả những người tham gia xây dựng công trình, của những cựu binh, của những nhà lãnh đạo các cấp, các ngành thuộc Chính phủ ở cả hai nước Việt – Nga.

   Một mặt đề nghị của Châu Thanh Quang rất hợp tình, trọn nghĩa, một mặt cha mẹ thấy tôi không chịu xây dựng gia đình với ai mà tuổi thì lớn quá rồi nên chính ông bà lại động viên tôi sang làm việc cùng với Quang. Và kết quả là một năm sau đấy, vào năm 2006 cha mẹ tôi đã bay sang Việt Nam làm đám cưới cho chúng tôi. Cũng may là mặc dù đã ngoài 40 tuổi nhưng chúng tôi vẫn còn kịp sinh được một đứa con. Bé gái mà ông gặp ở lớp học là đứa con gái duy nhất của chúng tôi, nó có cái tên nửa Nga nửa Việt là Châu Tania Hữu Nghị. Có phải cái tên ấy đối với người Việt thì dài dòng và có vẻ ngang ngang khó đọc phải không ông. Nhưng xin thưa với ông, chúng tôi đặt tên cháu như vậy bởi có một mong muốn là mai này trưởng thành, cháu nó phải biết được rằng chính nhờ có tình hữu nghị Việt – Nga thì nó mới được sinh ra, nó sẽ phải thấm hiểu được đấy là một mối tình không thể có một đất nước nào khác trên trái đất này lại có quan hệ đằm thắm, sâu nặng ân tình như Việt Nam với Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết ngày trước hoặc là Liên bang Nga ngày nay.

  Từ ngoài cổng, cháu gái Châu Tania Hữu Nghị đã tan học nhanh nhẹn bước vào nhà, trên tay cháu cầm một bó hoa hồng rất tươi. Bà Tania đứng dậy đón bó hoa được dâng lên trên đôi tay bé bỏng của Hữu Nghị. Và tôi, cảm thấy câu chuyện cũng đã có thể kết thúc, tôi đứng dậy đi theo bà ra sân. Ở một góc sân, có một cột trụ được xây cao quá đầu người, trên đỉnh cột trụ là một cái lồng được ghép lại bằng kính, phía trong chính giữa lồng có gắn một cành san hô trắng, đó là một đài tưởng niệm riêng của gia đình bà Tania. Bà Tania kính cẩn đặt bó hoa vào trong cái lồng kính. Sau khi châm một ngọn nến đặt lên, bà quay lại nói với tôi:

Ông Châu Thanh Quang đã phải sang nhà cha mẹ tôi bên Nga xin lại cây san hô này đem quay trở lại Việt Nam, nơi nó được gửi đi. Nó là một kỷ vật vô giá của vợ chồng tôi đối với người đã khuất và đối với tất cả những gì thuộc về tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Việt – Nga.

 Tôi chắp tay làm động tác vái lạy trước đài tưởng niệm theo phong tục của người Việt và chăm chú nhìn tấm bia bằng đá hoa cương có hình một sĩ quan quân đội còn rất trẻ với dòng chữ: Chuẩn úy cận vệ Polevoi Aleksandr Petrovich – Lực lượng Không quân Hạm đội Thái Bình Dương. 

  Mặt trời chênh chếch, nắng chiếu vào cái lồng kính phản xạ lại trông tựa như cây san hô đang phát ra hàng ngàn vạn tia lung linh sắc màu, lóe sáng.

                                                        C.S

 9-8-201819-579901461-w680-6002-1533808400

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)