CÓ MỘT TRẦN QUANG QUÝ TRONG TRUYỆN NGẮN
Qua tập “ Niềm vinh quang của làng”. Nhà xuất bản Dân trí, 2024
Vũ Nho
NHÀ THƠ TRẦN QUANG QUÝ
Bạn đọc đã biết đến nhà thơ Trần Quang Quý tác giả của nhiều tập thơ, tập kí, tập bình thơ. Anh là người sáng tạo ra thể thơ “namkau”, in cả tập thơ loại này, và hiện đang có câu lạc bộ thơ “namkau” do nhà thơ Lôi Vũ làm Chủ nhiệm. Trước khi giã từ cõi tạm, nhà thơ đã vượt qua bạo bệnh, cho ra mắt đồng thời trong quý 3 năm 2022 ba tập thơ Những sắc màu đa thức ( thơ namkau), Miền tỏa bóng và Những nẻo người. Đây là những suy ngẫm, gửi gắm cho bạn đọc, cho đời những gì mà một đời sáng tạo nhà thơ chiêm nghiệm.
Bất ngờ, năm 2024, chúng ta lại biết đến có một Trần Quang Quý trong truyện ngắn! Thật đáng khâm phục sức sáng tạo của nhà thơ tuổi Ất Mùi! ( Theo Nhà văn VN hiện đại và bìa tập Niềm vinh quang của làng, Trần Quang Quý sinh 1955, tuổi Ất Mùi. Nhà văn Y Mùi cho biết nhà thơ sinh năm Giáp Ngọ, 1954)
Tập truyện gần 200 trang gồm 9 truyện gần như đều là chuyện làng, chuyện gia đình, trong phố huyện, duy có một truyện “ Những đêm miệt vườn” viết về người mẹ có con gái lấy chồng nước ngoài; và “Ngày phố” viết về ông lão nhà quê ra thành phố với con trai. Nghĩa là các nhân vật, các sự kiện đều xảy ra ở vùng quê, nơi tác giả sinh trưởng, gắn bó máu thịt, dù sau này có ra thành phố nhưng vẫn đau đáu nhớ về.
Có thể thấy nhìn chung, truyện nào của tác giả cũng có tình huống. Đấy là cách dựng truyện cổ điển thường thấy ở các tác giả truyện ngắn Việt Nam.
“Dốc sung” mà không có cây sung nào, chỉ có một rừng khế gắn với truyền thuyết tướng Đinh Đẻn “ vừa đánh trận sung, vừa vượng gân cốt”, là tổ của ông Đinh Đài, bố đẻ cô Voan. Con dốc ấy đã là nơi Voan gặp Phởn, và cô gái khỏe mạnh dân dã ấy đã làm Phởn quên hết địa vị Viện trưởng Kiểm sát của mình. Anh ta không quanh co, không chối cãi! “Người ta có thể cho là yếu đuối, là bị cám dỗ và sa ngã, rất nhiều lời quy kết xấu xa sẽ còn tiếp tục, và vì vậy Phởn đã chọn cách không được phép chối quanh” . Cặp đôi sống theo bản năng ấy đã viết một truyền thuyết mới cho “ Dốc Sung”.
“Bờ sông trăng sáng” là mối tình tay ba giữa chị Châu, Hoàng và Quân. Rồi Hoàng vào mặt trận và hi sinh. Quân trở về. Nhưng trong làng xuất hiện Phó, tay buôn chuối. Bây giờ là bộ ba Châu, Quân, Phó. Chị Châu quyết định lấy Phó, nhưng trước khi cưới, chị dâng hiến cho Quân! Kết cục bất ngờ là án mạng mà Châu vô tình thành nạn nhân,…
“Ngày phố” là câu chuyện của vợ chồng lão nông rời làng ra phố ở với con trai. Ở phố, nhưng lão vẫn nhớ quê, vẫn mơ về làng cũ. Để cho vợ chồng lão vui nơi phố thị, cả nhà đã quyết định làm dự án vườn rau sân thượng. Những chuyện khóc cười xảy ra với việc “chăm bón” khu vườn.
“Bố vợ” và “Khí thơ” là chuyện ông cụ nhạc phụ của mấy chàng rể. Ông hăng hái kiện tay chủ tịch xã vì việc chung. Kiện tụng không kết quả, nhà lại bị tay đó trù, cắt bớt mấy sào đất. Nản, ông cụ chuyển sang làm tổ trưởng ban nhạc bát âm. Cụ tâm sự với anh rể cả “ Buồn cười lắm bố cu ạ! Hồi nọ, tôi đi tranh đấu, cũng vì làng vì xóm, chả mấy người coi trọng mình, lại còn bị nó cắt ruộng. Bây giờ chỉ đi thổi kèn đám ma, người ta xem ra lại tử tế, lại nể mình. Thế mới hay chứ lị”.
Cũng nhân vật ông cụ đó trong “ Khí thơ”, cụ bỏ tổ nhạc bát âm chuyển sang làm thơ, thành lập Câu lạc bộ thơ và bóng cửa. Anh con rể thứ hai - Chủ tịch huyện rút hầu bao chi cho cụ một triệu. Còn anh thứ ba thì buồn hẳn vì mất mối lợi tiền tươi thóc thật từ vị thế tổ trưởng phường bát âm của cụ. Câu lạc bộ thơ Phúc Xuân nổi tiếng, cụ chủ nhiệm mơ giải No-ben,…
“Đệ nhất tiểu hổ quán” là chuyện của tay làm gạch chuyển sang kinh doanh quán thịt mèo. Góp vào quảng bá quán là các vị nhạc sĩ Văn Tiền, nhà báo Ngọc Củ, nhà văn Đức Hòa. Chủ quán xây dựng trại mèo thịt để có nguồn cung cho quán. Việc phất lên, đại gia nước ngoài muốn liên doanh… Nhưng tất cả đổ bể vì quý tử nhà chủ quán đã ôm hết tiền bạc trong két bỏ đi xa…
“Những đêm miệt vườn” là nỗi phấp phỏng của người mẹ có con lấy chồng ngoại quốc. Bao nhiêu bỡ ngỡ, hồi hộp, lo lắng cho cuộc lấy chồng của con gái. Và nỗi buồn vui khi con gái trở về…
“Chủ tịch huyện cần trợ lý” cho thấy ý tưởng hay của chủ tịch. Song chỉ có ý tưởng, mà không có thực tài, nên không thể sử dụng những trợ lí giỏi từng làm việc với mình.
“Niềm vinh quang của làng” là câu chuyện một người con của làng tưởng đã hi sinh, nhưng lại không chết và trở về với tư cách là người anh hùng, đem lại cho làng quê niềm vinh quang,…
Có thể nói tác giả đã đụng chạm đến rất nhiều những vấn đề thực tế của đời sống xã hội thời kinh tế thị trường. Từ chuyện kiện cáo tay kế toán trưởng, kiện tiếp khi y lên chủ nhiệm, kiện tiếp khi hắn lên chủ tịch xã. Càng kiện thì hắn càng lên chức, làm người kiện bị trả thù, nản chí ( truyện Bố vợ) , đến chuyện bầu bán bây giờ không thực chất bởi việc chạy phiếu bầu : “ Bây giờ ấy à, mỗi lần đại hội đại hè, bầu bán gì đó là chó làng sủa nhặng xị cả đêm. Có chuyện gì mà lạ vậy? Các quan thậm thụt đi đêm, đi “chạy” phiếu bàu đấy.” ( truyện Ngày phố) ; “Thiên hạ cứ xì xào rằng ở đâu bây giờ cũng phải ‘chạy” hết. mà không chỉ chạy vài “vé” đâu nhá. Nhiều chục ngàn đô cơ đấy. Chức càng to, ở chỗ nhiều bổng lộc, nhiều quyền lực thì “măn ni” càng phải dồi dào” ( Ngày phố). Từ chuyện công nghệ băng hình của tay Phó làm náo động làng quê : “một cái máy phát điện chạy xăng phành phạch suốt ngày. Các phim trường hò hét , đấm đá loạn xì ngầu. Trẻ con xem đông hơn đi hội. Vài hôm, trên đường làng đã có những cuộc “thử găng” hộc máu mồm bằng thế trưởng học lỏm ở video của Phó. Than ôi, nền công nghiệp băng hình đã thăng hoa ở cái làng ba bề sông của tôi” ( Bờ sông trăng sáng), đến chuyện thành phố, trong mắt lão An cũng thật thật kì, chả có gì hay ho, ghê gớm : “Hà Nội trong mắt lão láo nháo, bụi bẩn, dây dợ, điện đóm chạy lằng nhằng như mạng nhện. Trông khiếp! Ở đây lắm bọn du thủ du thực, trộm cắp, tranh ăn tranh ở…Chao ôi là cái tệ nạn! Bao cao su, ống kim tiêm vứt la liệt quanh gốc cây xà cừ bên ngoài nhà con trai lão suốt đêm” ( Ngày phố).
Từ chuyện ma chay ăn uống ngày càng to ở thôn quê “ Đám tang nào mà chả cần thịt. Có nhà, ba ngày tang gia xơi hết mấy lợn. Đám ma đám cưới bây giờ đều ăn to cả. Chả là nông thôn còn nặng thói “ gà tức nhau tiếng gáy” . Chén đã, chén cho oai với làng nước đã, rồi chắt bóp, cày cuốc, đóng gạch, giật nóng, vay lãi láng giềng, họ mạc, trả nợ lần hồi sau”. đến chuyện “ Chỉ béo mấy ông cò sách, mấy ông Trung ương câu lạc bộ thơ Việt quốc gia “vặt lông” các cụ bằng đủ các loại in thẻ, in sách có đủ chân dung, tiểu sử cho các cụ thành thi nhân nước ta cả” ( Khí thơ), rồi đến chuyện Chủ tịch huyện cần trợ lí để khai thác chất xám, nhưng vốn sợ vợ, vốn sĩ diện hão nên đã bỏ qua không dùng được những trợ lí có năng lực, mà dùng tay trợ lí bốc đồng, hỏng việc . “ Ông bực lắm nhưng chỉ dám chửi thầm trợ lí là dốt. Không chửi to được vì chính ông đã hết lời khen nó nghĩ trúng ý ông kia mà” ( Chủ tịch huyện cần trợ lí).
Với các truyện được viết theo lối truyền thống, có tình huống để câu chuyện phát triển, nhưng cách kể chuyện, điểm nhìn trần thuật luôn thay đổi, giọng điệu khi khách quan, lúc hài hước, khi tếu táo làm cho các truyện có sức hấp dẫn, lôi cuốn riêng. Đó là năng lực, bản lĩnh của người viết giàu vốn sống thực tế, giàu trải nghiệm đời sống.
Chín truyện trong tập, nhà thơ Trần Quang Quý đã khai thác một thể loại khác thơ, búy kí, bình thơ. Truyện ngắn tuy xuất hiện lần đầu nhưng có thể khẳng định chắc chắn có một Trần Quang Quý trong lĩnh vực này. Với một cách dựng truyện, một cách kể và một cách tiếp cận uyển chuyển, mềm dẻo đối với thực tế đời sống, nhà thơ đã ghi dấu ấn sáng tạo của riêng mình.
Hà Nội 26 tháng 7 năm 2024
Bổ sung: Thật ra, năm 2010 tác giả đã in tập truyện ngắn “ Bờ sông trăng sáng”. Tác giả còn viết kịch bản phim truyện : Lời sám hối muộn mằn ( 1995), Chị Châu ( 1996).
Người gửi / điện thoại