bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 9
Trong ngày: 6
Trong tuần: 1181
Lượt truy cập: 781859

CỤC U

                                       CỤC U

                Truyện ngắn của Hồ Bá Thược

 

         Quán lão Mộc sơ sài đến mức không quán xá nào tồi tàn hơn. Ngôi nhà chỉ có một gian, hai chái. Gian giữa kê bốn chiếc bàn xiêu vẹo, với mấy chiếc ghế băng xù xì. Hai chái còn lại, một bên kê giường, một bên bếp nấu ăn. Đồ đạc trong nhà, không có gì đáng kể, trống trải đến lạ thường. Trước quán, lão Mộc trồng mấy cây ngũ gia bì, tạo thành hàng rào xanh để chắn bụi đất, nhân thể đuổi muỗi cho khách ngồi ăn trong quán. Tuy vậy, vẫn không ngăn được bụi ngoài đường tràn vào. Thành ra rèm cửa, cây cối khoác màu đất vàng khè. Xa xa và cao hơn, rừng pơ mu tít tắp, từ màu xanh thẫm chuyển thành màu xanh lơ dưới nắng chói chang tháng bảy.

          Hai người lính “cũ kỹ”, ngồi bên chiếc bàn gỗ mộc, nham nhở các vết băm ngang, băm dọc như mặt thớt. Đĩa lạc luộc còn lại mấy củ lép. Dưới nền nhà vung vãi mớ vỏ bẹp rúm ró, do người ra vào quán giẫm lên. Chai rượu cạn đến giọt cuối cùng, nút lá chuối bật khỏi miệng chai, xòe ra như vòi con bạch tuộc nhỏ.

       - Sao, chú đi Vị Xuyên không gọi anh? Chú đừng tưởng trên ấy, chỉ có bạn của mình chú thôi đâu. Tôi có nhiều bạn phơi xác trên mặt đồi, hàng trăm đồng đội chôn vùi dưới đất. Họ còn sống cả đấy?

      - Kìa anh, em nào có quên. Hôm điện lên hỏi thăm, chị nói anh đang nằm điều trị tại phòng khám Đa khoa An Bình. Nghĩ thế, em không lên mời anh chị cùng đi. Hơn nữa còn mấy ngày là đến 12/7 rồi, chần chừ lỡ mất ngày Giỗ Trận.

      - Thế, em đi với ai?

      - Còn ai nữa đâu, ngoài anh em mình ra, hai anh Cường, Nam bây giờ đang nằm ở trên ấy.

      - Thế, em đi một mình à?

      - Anh không nhớ sao? Năm nào, Nguyệt cũng lên Vị Xuyên. Hai vợ chồng em đi mất hai ngày, mấy chặng ô tô mới lên được mấy cao điểm.

      - Bây giờ tình hình trên ấy ra sao?

      - Nhà nước đã tri ân những người ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trên cao điểm 468 họ bạt đồi xây dựng nhà tưởng niệm to lắm, truy tập được gần nghìn mộ liệt sĩ. Còn nhiều ngôi mộ nữa đang nằm đâu đó, trên các cao điểm dọc biên giới. Các đoàn cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, đồng bào cả nước, về thăm khu tưởng niệm, chật kín cả khu đồi, nhiều tình cảm xúc động, đau buồn lắm anh ạ.

       Mấy năm nay em đưa Nguyệt lên thăm chồng, không tìm được mộ Cường ở đâu, nhưng năm nay thấy mộ chồng qui tập về nghĩa trang, Nguyệt ôm chặt lấy mộ, ngất lên ngất xuống mấy lần. Không biết, cao điểm bên kia còn bao nhiêu đồng đội nữa. Bao giờ họ về được với đất mẹ?

       - Thôi, việc ấy để Nhà nước lo, anh chỉ tiếc không lên Vị Xuyên đợt vừa rồi với các em.

      - Ta sẽ đi vào ngày 27/7 này anh ạ?

       Hình như, bộ quân phục từ ngày ra quân, bây giờ anh vẫn mặc, mỗi khi gặp nhau. Hai nút cúc đơm trên nắp túi, đứt lìa từ bao giờ rồi, sợi chỉ khâu vẫn còn vương vấn điều gì năm xưa? Dưới đáy túi, lõng thõng chiếc điện thoại NOKIA cũ kỹ, vỏ màu đen bạc phếch, bỗng lóe ánh sáng xanh lè, kéo theo một hồi chuông dài. Yên ngồi bên kia bàn vẫn còn nghe rõ tiếng chuông, thậm chí cả lời thoại.

      - A lô, con Thắng đây bố ạ. Vợ con sinh con được ba ngày rồi, nhưng cháu bị làm sao ấy. Mấy ngày nay cụ lo lắm, không ăn uống gì cả, chỉ thắp hương khấn vái tổ tiên thôi.

       - Sức khỏe của cụ ra sao?

       - Cụ yếu lắm bố ạ.

       - Thôi được, bố về thăm cụ và mừng cháu trai
của ông.

       Quay sang Yên, anh bảo:

      - Anh em ta gặp nhau, có chút rượu suông thế này cũng được rồi. Bây giờ, chú xuôi Phú Thọ còn kịp trước khi trời tối. Còn anh về qua nhà, soạn ít đồ rồi ra ga Trái Hút, xuôi tàu Nam tối nay.

      Chiều nhập nhoạng, ông đi ra ga. Một vai khoác chiếc giỏ tre nhốt hai con gà. Vai kia, khoác tay nải quần áo. Chân hơi đau, nhưng vẫn tập tễnh vào được ga. Tàu vừa chạy, ông dễ dàng lôi bọc đồ ăn ra. Một cục xôi to, ba quả trứng gà luộc, một chút gia vị, đó là khẩu phần đi đường xa. Đồng tiền eo hẹp, thế cũng được rồi. Ông tặc lưỡi nhìn sang bàn bên kia của khách, chất đầy nước uống, sữa hộp, bánh mì, hoa quả… Ông để các thứ lên mặt bàn gỗ con con trước mặt. Ba quả trứng lắc lư, chạy lòng vòng trên mặt bàn, mỗi khi tàu vào cua gấp. Ông thấy nao nao nhớ về Liễu Đôi ngày nào.

       Gần ba mươi năm rồi, ngày ấy 1989, Sư đoàn 356 giải thể, Thọ và Yên ra quân. Thôi, đã đến lúc về nhà. Tổ quốc có biến, mọi người hò nhau đứng lên. Đất nước yên bình, về nhà lo làm ăn, nuôi sống vợ con.

       Hai anh em bàn nhau, khi xe về đến Phùng Xá, Yên nhảy ô tô đi tiếp theo tỉnh lộ 321C về Tam Sơn, Phú Thọ. Còn mình không ngược lên Yên Bái về An Bình với vợ con, mà đi thẳng xuống nhà Nam ở Liễu Đôi.

        Lần đầu tiên về nhà bạn, không hỏi thăm bất kỳ ai trên đường, cứ băm bổ như về nhà mình vậy. Đôi lúc nghĩ, không lẽ Nam đang dắt tay, đưa mình về nhà hay sao ấy? Đây rồi, hai gốc hòe to tướng, trồng hai bên cánh cổng ra vào, che kín gần nửa sân gạch.

         Thọ không vào nhà ngay, đứng ở cổng ngắm nhìn ngôi nhà năm gian, mái lợp ngói dương, hiên dựng phên chắn bằng tre pheo đã cũ. Một hình thức nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ. Nhìn kỹ nhà không cổ lắm, nhưng cũng không mới hoàn toàn. Vì vướng mấy cái “dại” chắn mưa, nắng, thành ra ở trong nhà nhìn ra ngõ thấy hết mọi thứ. Nhưng từ ngoài nhìn vào, không thấy gì bên trong cả. Đó là lúc cả nhà vừa ngủ trưa dậy, chưa biết phải làm gì. Mọi người nhìn ra ngõ, thoáng thấy một anh bộ đội, khoác ba lô đang đứng tần ngần trước cổng nhà mình. Cô giáo Dung, là người nhạy cảm nhất. Sống lưng cô nổi gai rần rật, tim như muốn vỡ ra, miệng ú ớ:

      - Không lẽ, anh đã về?

        Khi người lạ bỏ mũ trên đầu xuống, mặt cô giáo mới nghệt ra, nhưng vẫn kịp chạy đến cửa nhanh nhất, ra điều cô muốn, mình là người đầu tiên trong nhà hỏi khách:

      - Anh là ai, anh hỏi về nhà nào?

       Khách lạ không trả lời ngay, vào trong nhà, từ tốn cởi ba lô, đặt ngay ngắn lên bộ ghế tre, chiếc mũ cối đặt lên trên cùng. Anh đi đến sát giường, nơi hai bà cháu đang chơi đùa, Thọ lễ phép thưa:

      - Con chào mẹ ạ. Con tên là Thọ, bạn của Nam mẹ ạ.

        Mẹ ngước nhìn khách, rồi chăm chăm vào đứa cháu đang ngồi trên bụng bà, hỏi:

      - Thằng Nam không về với con à?

      - Không mẹ ạ.

       Thọ không muốn mẹ hỏi thêm, chuyển sang chuyện khác:

     - Cháu Thắng của bà đây có phải không ạ?

     - Nó đấy, con thằng Nam đấy. Mẹ đi dạy, con còn nhỏ ở nhà, suốt ngày chỉ bám lấy bà thôi. Lạ thật, con nít thì cố bám vào người lớn. Còn bố cháu, càng lớn càng muốn xa mẹ, xa nhà. Người ta nói, nó đi làm nhiệm vụ đặc biệt gì đó, nên không dễ liên lạc được. Họ nói vậy, chỉ biết vậy thôi. Thế thằng Nam đi những đâu hở con?

       Trực giác người lính, không cho Thọ nhiều lời. Anh nhìn lên bàn thờ, một bát hương thờ tổ tiên. Một bát hương thờ ảnh bố Nam. Còn bát hương thờ ảnh Nam không thấy. Thọ nghĩ ngay, gia đình chưa biết tin gì về Nam đã hy sinh. Liếc nhìn thấy Dung đang hướng về phía mình, Thọ biết ý, xin phép:

     - Mẹ chơi với cháu nhé, con sang nói chuyện với cô giáo Dung một lát.

       Từ nãy giờ, Dung lắng nghe câu chuyện của khách với mẹ chồng, lòng không hết băn khoăn, thậm chí đôi lúc rùng mình, kinh hãi:

  • Tại sao, người lính này lại biết gia đình mình cặn kẽ đến thế? Từ con ngõ, gốc hòe, căn nhà, rồi từng người trong nhà, khách đều biết rất rõ. Làm sao đây? Điều lành hay điều dữ đây?

       Dung lặng người trong miên man, không biết phải làm gì, nói gì. Nhưng khi người khách bất chợt ngước nhìn lên bàn thờ, ánh mắt từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng thì mặt Dung tái mét, người run lên, đất dưới chân muốn sụp xuống. Cô giáo nhìn Thọ như van lơn, khẩn cầu:

      - Em biết anh, đồng đội đã sống với nhà em. Anh nói đi, chồng em hiện đang ở đâu, anh ấy có mệnh hệ gì?

       Chuyện trở nên bất ngờ, khó xử. Dự định của anh, đã không được như ý muốn. Từ ngày Nam mất đi, anh đau đáu với di vật của đồng đội, nó phải được về với người thân sớm nhất. Vậy mà năm năm nay, di vật ấy vẫn còn đây? Anh biết thưa gửi với mẹ, vợ con Nam thế nào? Trên khuôn mặt chai sạn của người lính trận, bao sương gió phũ phàng, bao lần khóc đồng đội, nước mắt chảy vào trong. Nhưng trước người góa phụ này, anh không chịu nổi, gục xuống, gào lên trong nước mắt:

      - Mẹ ơi, các em ơi, các cháu ơi! Nam đã hy sinh rồi!

        Mọi người bàng hoàng, lặng im. Không gian thật đáng sợ. Còn đáng sợ hơn, cách đây nhiều năm, ông của Nam, bố của Nam hi sinh từ mặt trận, cũng được hung tin trong hoàn cảnh như thế này. Mẹ nằm trên giường lăn xuống đất, Dung đến vực mẹ dậy, rồi ôm mẹ khóc lóc vật vã. Hàng xóm xung quanh biết tin nhào sang, không ai cầm được nước mắt. Căn nhà như muốn vỡ ra từng mảnh, náo loạn.

       Chiều hôm ấy, Thọ lập riêng chiếc bàn thờ, bộ quân phục còn mới cùng với ảnh thời học sinh đặt trang trọng gần với bài vị của bố Nam. Tối hôm ấy, hàng xóm đến chia buồn đã về hết, mẹ gọi Thọ đến, rồi lựa lời với con dâu:

     - Nhà ta từ đời cụ kỵ đến thằng Nam đều độc đinh. Không biết vì duyên nợ gì, gia tộc ta, mỗi thế hệ chỉ có một người con trai nối dõi. Ba đời liệt sĩ. Thân phận đàn bà nhà mình đau đớn, cô đơn lắm. Mẹ và con đều chung số phận, cay đắng như nhau. Mẹ không giữ được chồng cho con, là lỗi của mẹ. Bây giờ dòng dõi nhà ta chỉ còn trông mong vào thằng Thắng. Con hãy nuôi con khôn lớn để nối dõi tông đường, tiếp bước cụ, ông, cha để phụng sự Tổ quốc. Mẹ cũng nói với anh Thọ vài lời:

      - Các con đã sống bên nhau chí ít nửa năm, nhiều nhất năm năm trời. Đồng chí coi nhau như anh em ruột. No đói, ốm đau, thương tật, chết chóc không rời nhau. Sống đã vậy, chết cũng vậy, đều là con cháu một nhà. Mẹ muốn…

        Mẹ nói chưa dứt lời, Thọ vội vàng quì xuống chân mẹ:

     - Bố mẹ con đã mất, con còn vợ và hai con ở Yên Bình. Nếu mẹ không chê, chúng con xin làm con của mẹ, làm anh của các em và nhận Thắng là con của con. Con lạy mẹ, mẹ cho phép con…

      Mẹ đến ban thờ thắp nén hương, khấn:

    - Ông ơi! Hôm nay nhà ta mới nhận được tin con trai ông đã hy sinh ngoài chiến trận. Cả nhà thương nó lắm. Năm năm oan nghiệt, cô đơn, không biết nó phiêu diêu, trôi dạt đến những đâu? Ông cố tìm đưa con về với gia đình, ông nhé. Còn nữa, ông bằng lòng nhận thằng Thọ làm con trai ông để cho gia đình ta sum họp một nhà. Nếu được ông đồng ý, chắc thằng Nam mãn nguyện như lúc nó còn sống.

       Hôm sau, Thọ vào làm việc với địa phương, họ trả hồ sơ liệt sĩ cho gia đình sau mấy năm bưng bít. Từ ngày đó, hai vợ chồng Thọ cùng con cháu ở Yên Bái thường xuyên về Liễu Đôi. Thọ cũng đưa bà cháu về An Bình nghỉ ngơi dưỡng sức. Mẹ giục em Dung xây dựng gia đình mới, nhưng Dung không muốn xa mẹ chồng. Dung coi mẹ chồng như mẹ ruột của mình, một mực nuôi dạy con ăn học. Thắng học xong đại học rồi đi làm kỹ sư nông nghiệp… Bao năm rồi nhỉ? Bất giác ông nhìn qua cửa sổ con tàu, trời tối đen như mực. Ông thở dài, lau mắt.

      Về Liễu Đôi lần này, ông không nhớ bao nhiêu lần rồi. Nhưng mỗi lần xuôi tàu Nam như vậy, ông chỉ về Liễu Đôi thôi. Cảm giác của ông như trẻ lại đến hàng chục tuổi, bởi sự hồi hộp, háo hức giống hệt như một đứa trẻ. Còn lần này, không những thế, ông mừng nhiều hơn vì nhà ta đã có người nối dõi tông đường rồi. Cháu nội của Nam cũng là cháu nội của ông…

        Con tàu lầm lũi chạy, gió đêm siết vào toa sàn sạt, ông thấy hơi lạnh, rùng mình. Khách xung quanh ngủ gà, ngủ gật từ lâu, ông không sao chợp được mắt. Bao chuyện đau buồn đáng phải quên đi, nhưng bây giờ như mũi kim chích vào, khiến lòng ông đau nhói. Mấy lần ông ôm mặt tức tưởi, nhưng cũng may, không ai hay biết điều thầm kín đang lay lắt trong ông. Bỗng nhiên, dưới gầm ghế ông ngồi, đôi gà bắt đầu nhộn nhạo, đập cánh gáy ọ ọ. Sao tiếng gáy lại không giống với tiếng gà gáy bình thường? Chợt nhớ, khi lên tàu ông đắp thêm chiếc bao tải lên giỏ tre nhốt hai con gà. Ông không muốn để nhân viên nhà tàu trông thấy, sợ họ kỳ kèo khó chịu.

      Ký ức về đôi gà dưới chân cao điểm 468 Vị Xuyên năm xưa lại ùa về. Đáng lẽ, gà của ông phải đứng trên mỏm đá cao. Chân trước, chân sau vững vàng, vươn cao cổ trước bình minh, gáy vang bản tình ca hữu nghị tráng lệ. Nhưng đau đớn thay, đôi gà bị giam hãm hơn mấy tháng trời trong một cái hang nhỏ, tối tăm cùng với tám người lính trận. Ở trong hang, con gà mỗi ngày một lớn, phổng phao, cứng cáp như mọi thành viên trong tiểu đội. Chỉ có điều trên cục U, gà không gáy được to vì suốt ngày nằm sâu trong hang, chỉ ọ ẹ được đôi tiếng giống như đôi gà nhốt dưới gầm ghế ông đang ngồi.

       Chỉ huy tiểu đoàn 7, giao cho Thọ ba chiến sĩ thuộc Trung đoàn 149, Sư đoàn 356 từ Lào Cai điều sang. Các cậu là tân binh mới nhập ngũ sau Tết, nhưng đã được huấn luyện cơ bản, sức khỏe tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Cùng nhận chiến sĩ mới, cậu Cường rụt rè đưa tận tay Thọ đôi gà, mỗi con chừng tám chín lạng. Hắn bảo, vợ bắt phải mang gà đến đơn vị chiêu đãi anh em. Các bạn bàn với nhau để gây giống, anh đồng ý không? Cậu Yên nhỏ tuổi nhất, nhìn đôi gà mắt sáng long lanh, nhận trách nhiệm nuôi. Thọ dặn Yên: “Cẩn thận, đừng để trung đội biết đấy”. Hắn lém lỉnh gật đầu, cười.

       Hôm sau Thọ nhận thêm bốn tân binh nữa từ dưới Hà Giang đưa lên, tiểu đội đúng mười người theo biên chế (ấy là thêm hai chú gà “binh nhì”). Mọi người đặt tên Út, Ít . Do chưa rõ giới tính, tạm đặt tên như thế là được. Thọ tặc lưỡi ước ao: “Giá như có một “cô” gà mái, đẹp biết mấy”.

        Đêm đầu tiên ngày 1/4/1984, tiểu đội nằm vòng quanh cây đa làng Lo. Mọi người đang lơ mơ sau mấy ngày hành quân cấp tốc, cậu Cường bỗng nhiên ngồi dậy, giọng điệu trang trọng, đầy kiêu hãnh:

     - Tôi là Cường, Hoàng Văn Cường quê Lào Cai, 24 tuổi. Vợ tên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, y tá đang làm ở Cam Đường, có một con gái 7 tháng tuổi rất xinh. Sau này có ai làm thông gia với tôi không?

     Cậu Nam vùng dậy ngay:

     - Em Đỗ Văn Nam, quê Liễu Đôi, 23 tuổi, ít hơn anh một tuổi. Nhà em sắp sinh thằng cu rồi. Em sẽ làm thông gia với anh nhé?

     - Thế còn em thì sao? - Cậu Yên, quê Tam Sơn vừa dụi mắt, vừa phụng phịu.

     - Mày bé như cái kẹo, vội gì vợ con cơ chứ.

       Yên không chịu, phản đòn luôn:

      - Vợ anh Nam mới chửa, sao lại biết có thằng cu?

      - Nói thật, từ đời cụ kỵ nhà tôi đến giờ không biết có lời nguyền độc địa nào không, nhưng mỗi đời
chỉ có một con trai nối dõi thôi. Có lẽ đến đời tôi
cũng vậy.

        Tiểu đội trưởng nói:

     -  Trong cuộc chiến đấu giữa ta với giặc, đôi bên đều có thắng, có bại, có hy sinh, có mất mát. Đó là qui luật chiến tranh. Nếu sau này, ai còn sống trở về, hãy chung tay giúp đỡ gia đình đồng đội như con cháu trong nhà. Mỗi người ghi cho tôi mảnh giấy địa chỉ, hoàn cảnh cụ thể, kỷ vật cho gia đình làm tin. Tôi thay mặt anh em lo giữ. Nếu tôi mất trước, người thay thế sẽ là…

       Nói chưa dứt lời, hỏa tiễn, đạn pháo, súng cối bên kia biên giới ào ạt đổ sang. Cao điểm 1509 và 1250 như bị nung đỏ. Cuộc xâm lăng lớn nhất của địch từ sau năm 1979 bắt đầu.

       Gần một tháng trời, giành đi, giật lại nhiều lần. Cuộc chiến đấu bi hùng nơi tử huyệt đã cướp đi nhiều cán bộ và chiến sỹ. Cao điểm 468 trước mặt của ta đều bị hai cao điểm 1509 và 1250 trên cao khống chế, Địch gần như hoàn toàn kiểm soát hai cao điểm quan trọng bậc nhất này. Vậy là, mới gần hai tháng trời, Sư đoàn của Thọ và các đơn vị khác đã trải qua nhiều đợt chiến đấu trên hai cao điểm 468 - 772. Thế trận giằng co, đánh phản công, vu hồi, chiếm lĩnh, tiến quân rồi lui quân… Cái vòng quay cuộc chiến cứ quay đi, quẩn lại đến phát chán. Có người đã phát bẳn kêu lên:

       - Đây là “Đồi băm thịt”, đây là “Lò vôi thế kỷ”…

       Ừ thôi, ai muốn gọi sao thì gọi, muốn thế nào cũng được. Họ là nhà quân sự, nhà ngoại giao, từ tướng lĩnh đến chính khách. Từ nhà văn đến nhà báo, từ trong nước ra ngoài nước… Họ có cách gọi của họ… Tiểu đội của tôi gọi các cao điểm ấy là Cục u to, Cục u nhỏ, ngắn gọn là cục U, vừa dễ gọi, vừa dễ chỉ huy, vừa dễ sai khiến, và cũng để trút hận lên cục U.

       Khi tôi tìm được một hang đá có chiều sâu 1,5m lưng quay về hai cao điểm trước mặt, tôi bảo các chiến sĩ: “Đây sẽ là chốt tử thủ của ta”. Phải đào ngay giao thông hào vòng quanh hang đá, lát tấm bê tông chống địch đánh vỗ mặt phía trước, chống địch thọc sườn hai bên, đánh địch vu hồi sau lưng… Không biết tôi đã học được nghệ thuật quân sự ở đâu, trường lớp nào, mà chỉ huy được mười chiến sĩ trong cuộc chiến tranh hiện đại bậc nhất hành tinh? Tôi không nhớ ra trường ấy ở đâu, học vào thời gian nào? Nhưng chắc chắn tôi đã đọc “Binh pháp Tôn Tử ”, sau đó tôi lại đọc thêm cuốn “Tôn Tẫn binh pháp”, hai pho sách quí bố tôi mượn của bạn để đọc trong những ngày ông thất nghiệp ở ga xép hẻo lánh. Thật ra tôi chỉ cầm lên xem nặng, nhẹ ra sao thôi, chứ trình độ học lớp ba, làm sao tôi đọc nổi hai tác phẩm quân sự nổi tiếng thế giới, trở thành nhà quân sự tài ba? Ngoài những thứ tôi tưởng tượng về tri thức quân sự, thú thật cả đời tôi chỉ loanh quanh khu ga Trái Hút buồn tẻ, vì bố mẹ tôi làm công nhân đường sắt ở đó. Bố mẹ chết do bom Mĩ đánh vào ga, tôi đi làm công nhân Lâm trường, được họ cấp cho một héc ta rừng thay cho lương hàng tháng để làm kế sinh nhai. Rồi vợ, rồi con, rồi giặc kéo sang đánh biên giới…

        Hôm cán bộ gọi lên tiểu đoàn giao tôi phụ trách tiểu đội trưởng… Vì ở Lâm trường tôi đã được huấn luyện quân sự ba ngày tập đội ngũ, suốt ngày rầm rập hô vang: “Mốt hai, mốt hai” rất hùng tráng… Nhưng, tôi nhanh chóng nghi ngờ đợt tập huấn quân sự “mốt hai” ấy, chẳng đem lại chút kiến thức quân sự nào! Nếu trước đó, không được học binh pháp Tàu trong sách, cũng không học được nhiều qua ba ngày huấn luyện quân sự ở lâm trường. Vậy tố chất quân sự nào, đã giúp tôi chỉ huy mười chiến sỹ chống lại quân giặc trên các cục U?

        Khoảng 4 giờ sáng mồng 2 tháng 6, tôi cho bốn chiến sĩ sửa lại đoạn hào phía trước bị pháo địch phá hỏng hồi chiều. Vừa được mươi phút, đạn pháo trên cục U to, đổ xuống như trút. Tôi lệnh cho anh em vào hang, nhưng không thấy ai trả lời. Ra ngoài kiểm tra thấy bốn chiến sỹ đã tử vong. Sau loạt pháo, đội thu gom thương binh lên chốt, đưa bộ đội về tuyến sau. Tôi cùng với Cường, Nam, Yên ra khỏi hang làm tiếp. Nhưng thật lạ, xẻng bộ binh xúc lên, đất dính lưỡi, phải lấy tay gạt đi, đất mới rời ra được. Tôi phân vân mãi: “Tại sao trời không mưa, không sương mù, đất lại ướt nhoẹt”? Đưa lưỡi thử thấy mặn, lại có mùi tanh tanh. Tôi hét lên: “Máu, máu đồng đội”. Thằng Yên lủi vào hang mang ra hai chiếc bát ăn cơm, vừa múc từng bát máu, vừa gào khóc gọi tên từng đứa một.

        Thằng Yên bị bệnh đường ruột, do không có cơm canh nên mặt lúc nào cũng nhăn nhó. Tuy vậy, một tay ôm bụng, một tay ôm súng, sẵn sàng chiến đấu. Nhưng đến lúc chăm sóc cho hai chú gà Út Ít, hắn quên hết mọi bệnh tật. Cứ chạm vào con gà, mắt nó sáng long lanh. Hắn chăm gà như chăm con trẻ. Nếu bóp vụn lương khô, con gà trong hốc tối om, không biết đường mổ thức ăn. Hắn đành nhai trong mồm bánh lương khô cho nhuyễn ra rồi ôm mồm gà mớm vào. Cách cho ăn này, hắn học được các bà bán gà ở chợ Tam Sơn tăng trọng kiếm lời. Yên khoe với mọi người như vậy. Sự mong ước của tôi về “cô gà” ngày mới nuôi, có lẽ không thành. Hay, chúng đực dựa như bốn anh em trong tiểu đội? Bỗng,  một hôm trời vừa hé sáng, trong hang thấy gà đập cánh rồi cất tiếng gáy ọ ọ. Mọi người reo lên:

       - Ôi! Gà trống, đúng là thằng Út hay Ít rồi. Thực ra không ai phân biệt một hay hai con cùng gáy. Pháo đạn chát chúa không ai nghe rõ được. Hơn nữa mỗi lần pháo bắn, gà bị sức ép rất mạnh, lấy đâu ra hơi mà gáy, lại còn ở sâu trong lòng đất? Như thường lệ, thằng Yên xục tay bắt gà ra cho ăn. Hôm nay vô tình, vớ được một cục tròn tròn, trăng trắng, liền hô to đến nỗi lạc cả giọng:

     - Bớ làng nước ôi, gà đẻ trứng rồi.

      Thằng Cường, thằng Nam ngơ ngác rồi cũng reo lên. Tôi bảo Yên:

     - Có bốn anh em trong hầm, mà ới cả làng, cả nước, không chừng họ tưởng ta đã lấy lại được cục U rồi. Thằng Yên không phải tay vừa, dí quả trứng vào sát mũi tôi, nói rõ to:

     - Còn hơn cả cục U, thủ trưởng ạ.

      Tôi lại chợt đăm chiêu: “Các chú gà này có nghĩa khí thật. Cùng chung chiến hào, sống chết có nhau, cho ra trứng vàng, còn quí hơn cả vàng, khiến mọi người vui sướng”. Gà đẻ được ba trứng rồi dừng luôn. Yên lấy quần làm ổ cho “bà mẹ” ấp trứng.

        Một hôm trời rất đẹp, nắng trong xanh. Nếu không có tiếng súng, hôm nay ngày thanh bình, hiếm có. Tuy nhiên tôi cảnh giác lia ống nhòm qua U nhỏ, thấy lố nhố mấy cái đầu trên cây cao. Tôi nói với Nam:

       - Có lẽ mấy con khỉ ra hóng nắng, đang trèo lên cây bên kia thung lũng đồi chè Thanh Hương kia kìa.

Bao giờ cũng thế, tôi coi Nam là “quân sư” của mình. Hắn có cái đầu tư duy tốt, cân nhắc, chín chắn trong từng câu nói, hành động. Tôi thường nghĩ Nam có “gen” quân sự từ ông, bố. Nếu có quyết định việc gì hệ trọng từ tiểu đội, tôi đều tranh thủ ý kiến của Nam. Nam với ống nhòm từ tay tôi, lia sang đồi chè quan sát,  rồi trả lại ngay:

      - Không phải đâu anh. Đây có thể là bọn thám báo hoặc sang hái trộm chè Thanh Hương.

        Tôi quyết định cùng với Cường sang đồi chè, có thể lâm trận luôn. Về chiến đấu và kinh nghiệm, tôi coi Cường là một sát thủ, có bản năng săn mồi lão luyện và tay súng cừ khôi. Cường mang khẩu B40, tôi khẩu tiểu liên. Vậy là yên tâm rồi. Khi tiếp cận kẻ thù còn khoảng hơn trăm mét, nghe bọn trộm nói chuyện luyên thuyên. Trên cây cổ thụ, có ba thằng đang tuốt nõn chè, động tác rất nhanh nhẹn, thành thạo. Té ra, chúng mày đã quen, nghiện chè tuyết Việt Nam chúng tao rồi. Cường đặt ngón tay vào cò súng, tôi vỗ vai lắc đầu, rồi kéo Cường rút nhẹ, trở về chốt. Mọi người nhao nhao:

     - Tại sao anh không cho bắn hạ? Chỉ một quả là ba thằng kia đi rồi.

     - Các chú không biết đâu, xung quanh đã có phục kích rồi. Trên cây có thể hình nhân giả hoặc bố trí có tầm khuất, đạn bắn khó trúng. Mọi người gật đầu tán đồng với nhận định của tôi. Tôi thở dài, bộc bệch như một thầy giáo làng:

     - Bắn chết một kẻ thù không được bảo vệ, cái chết ấy không có giá trị gì, giống như loài sâu bọ. Nếu căm giận, đứng lên hạ được kẻ thù cũng có quyết tâm như mình, hành động đó xứng đáng anh hùng. Mình là người lính, chúng nó cũng người lính, đều có nỗi đam mê riêng, sở thích riêng. Một ly trà nơi trận mạc, quả điều hiếm. Vậy hãy đừng giết chết những sở thích ấy của nhau? Không biết suy luận như thế có đúng không, nhưng tôi thấy thanh thản. Thôi được, khi đối mặt nhau, chắc chắn tôi sẽ không tha đâu…

         Con tàu chợ mải miết xuyên vào quá khứ. Nó chạy mãi, không muốn dừng bất cứ một ga lẻ nào cả. Bất chợt, chuông điện thoại réo lên:

       - Anh Thọ à, tàu chạy đến ga nào rồi? Anh mệt không? Viên bi trong chân có nằm im một chỗ hay lại chạy nháo nhác làm khổ thân anh?

     - Thôi, đã 4 giờ sáng rồi, Yên, Nguyệt, hai vợ chồng ngủ đi cho khỏe. Anh ổn mà. Gớm, một người đi trên tàu, mấy gia đình thao thức ngóng theo. Lần sau anh đi bí mật, không cho ai biết đâu!

      Ngừng nói chuyện điện thoại, Thọ nghĩ miên man về Cường. Thật cũng tội cho nó. Là dân thành phố Lào Cai, chạy giặc về Cam Đường. Gặp cô y tá, cảm nhau, yêu nhau rồi lấy nhau luôn, tưởng như mối nhân duyên sắp đặt từ trước. Cuối năm 1983, vợ đẻ cô con gái đầu lòng, Cường mê mẩn hai mẹ con như điếu đổ. Đang hạnh phúc là vậy, bỗng nhiên Cường quyết tâm nhập ngũ, ai can ngăn cũng không được, đến mức Nguyệt nghi ngờ chồng, thay lòng đổi dạ. Nhưng rồi, Nguyệt cũng thay đổi suy nghĩ của mình vì thời gian này, Cường dành hết tâm sức cho hai mẹ con, không muốn xa một bước. Thế là hàng giờ, hàng ngày, Cường bám vào Nguyệt như đỉa đói… Ngược lại, Nguyệt cũng đam mê yêu chồng điên cuồng, như hồi mới cưới.

     Ở chốt cao điểm Yên quí gà bao nhiêu, Cường càng quí hơn bấy nhiêu. Cường coi đôi gà là hiện thân của vợ con hắn. Đi ngủ, hắn ôm một con. Hắn lấp liếm nói với mọi người không muốn gà giật mình khi có pháo giặc nổ bên ngoài cửa hang. Nhưng kỳ thực thằng Yên biết ông anh nhớ vợ con quá, mà làm vậy thôi. Nghĩ vậy, thằng Yên dù chưa vợ con gì, thấy ông anh làm được hắn thích, rồi làm theo.

       Chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa 6 giờ 30 ngày 12/7/1984, chiến dịch MB84, trận huyết chiến khủng khiếp bắt đầu… Khi tôi tỉnh lại đã sang buổi chiều.

        Chốt “tử thủ” đạn pháo của địch san phẳng, mọi thứ trong hang văng ra tứ phía. Thân thể Cường bị bằm nát, nằm úp mặt xuống sỏi đá. Nam còn nguyên lành thi thể, gọn gàng như thầy giáo đang nghiêng nghiêng bên bảng đen. Máu người vung vãi khắp nơi, đã khô quyện thành màu đen, có nơi đọng thành từng vũng. Hai chú gà đen chỉ còn lại nhúm ruột lèo nhèo cùng ba quả trứng vỡ nát, còn ướt. Rải rác vùng đồi bộ đội, dân công đang đi thu gom thương binh trong khói chiều mờ mờ. Họ khẩn trương đưa người về phía sau, nhưng các chiến sĩ tử vong chưa có người đưa xuống, nằm kín cả cục U. Thấy tôi tỉnh lại, thằng Yên khóc òa lên:

     - Nghe lệnh anh, em lui về báo cáo quyết tâm của tiểu đội lên trung đội, chưa kịp quay lên thì pháo bên kia dập. Anh bị thương ngất đi. Anh Cường, anh Nam hi sinh tại chỗ cùng với Út, Ít. Mất điểm chốt, em chỉ biết kê súng lên người các anh để bắn. Khi có lệnh xung phong đánh giáp lá cà, em theo mọi người tiến lên. Cũng không biết làm sao, em còn sống được. Khi có lệnh cấp trên cho bộ đội rút, em bò về với các anh?…

         Tiểu đội cũng chỉ còn lại tôi với Yên. Nhiều lần bổ sung chiến sĩ mới, người hi sinh, người chuyển đơn vị mới cho đến cuối năm 1989 Sư đoàn giải thể.

        Mấy ngày đi bộ, xin đi nhờ xe về đến Phùng Xá, hai anh em chia tay. Mỗi người đi một phía. Tôi cứ đinh ninh mãi như vậy. Nào ngờ, Yên không về ngay nhà, cậu ngược đường lên Lào Cai. Thì ra, nó cũng như mình, chăm lo cho bạn trước, còn mình về sau cũng được. Lính tráng thế có liều không? Còn tôi sau khi về nhà Nam ở Liễu Đôi giải quyết mọi việc xong xuôi, mới về An Bình. Khỏi nói sau năm năm đi bộ đội, vợ con thấy tôi lành lặn trở về, đáng lẽ mừng rỡ thì họ lại khóc tướng lên, ầm ầm một hồi lâu, đến nỗi tôi phải quát lên mấy lần mới chịu nín. Thằng con vừa lau nước mắt vừa dở ba lô xẹp lép xem xét đồ tư trang của bố. Khi nhìn được tờ quyết định ra quân của tôi, hắn mới nói:

      - Nếu bố đào ngũ là giết chết cả nhà ta đấy bố ạ. Chính quyền họ cắt hết mọi thứ tem phiếu lương thực, thực phẩm. Nhục nhã lắm bố ạ. Tôi ngẩn mặt ra chẳng biết nói gì, thằng con lại hỏi:

       - Trong quyết định ra quân, họ ghi cấp bậc của bố là H2. Vậy H2 là cấp bậc gì hở bố?

       - Bố cũng không biết nữa. Suốt ngày, súng kè kè bên mình, luôn chĩa về cục U sẵn sàng chiến đấu. Có lệnh là bắn lấn chiếm, bắn tỉa. Đôi khi đánh giáp lá cà. Còn hơi sức đâu mà H1 với H2. Nếu họ ghi H2 đương nhiên cấp bậc của bố là H2, thế thôi.

         Ông xã đội trưởng, thấy tôi về địa phương đến thăm, nhân thể muốn tìm hiểu tình hình Vị Xuyên. Thằng con tôi mau mồm khoe:

      - Bố cháu cấp bậc H2 đấy bác ạ.

      - H2 là cấp bậc gì đấy cháu? - Ông hỏi.

      - Dạ H2 là cấp bậc H2, thế mà bác không biết à?

      Tôi thầm trách thằng con, sao không bảo bố nó là tướng, là tá khỏi giải thích lằng nhằng! Trở lại câu chuyện của Yên Nguyệt, họ đã thành vợ, thành chồng, Yên kể với tôi:

      - Chia tay anh, em lên Cam Đường vào nhà chị Nguyệt. Đến nhà nhưng không gặp, hàng xóm bảo chị đưa con đến lớp. Thoáng nhìn gian nhà chật hẹp, em thấy ngay cuộc sống của hai mẹ con hết sức khó khăn. Mọi thứ đơn sơ đến mức chẳng có gì đáng giá. Đến một chiếc ti vi đen trắng, cũng không có mà dùng. Trên ban thờ, ảnh của anh Cường đã úa vàng, một góc đen kịt không biết Nguyệt thắp hương nhiều quá hay vì gian nhà thấp lè tè nên hương khói bám vào không thương tiếc. Vậy là, Nguyệt đã nhận được giấy báo tin chồng hy sinh…

        Em đang mải mê với bao ý nghĩ lộn xộn trong đầu thì chị Nguyệt về. Đương nhiên chị rất ngạc nhiên vì trong nhà có một anh bộ đội xuất hiện. Còn em thấy chị Nguyệt không chỉ trẻ trung, chị còn đẹp nữa. Có lẽ tuổi chị Nguyệt cũng xấp xỉ với tuổi em. Em chạy ào ra chợ mua mấy thứ về, thắp hương cho anh Cường, rồi cùng mẹ con chị Nguyệt ăn bữa cơm đầu tiên. Em không ngờ bữa cơm ấy thành định mệnh cuộc đời em. Thực tình, Nguyệt cũng không quá đau buồn vì thời gian đã phôi pha, chấp nhận sự thật phũ phàng, chịu khép mình đã mấy năm trời. Mặc dù cũng có đôi người muốn đến với Nguyệt, nhưng cô ấy từ chối vì nhiều lý do. 

       Từ lúc biết Nguyệt chưa có người “trao thân, gửi phận”, trong em bắt đầu nổi cơn bão lòng. Bao nhiêu ước muốn, bao dự định cứ như con sóng cuồn cuộn xô đi. Có lẽ em sẽ đưa Nguyệt khỏi nơi đây, về quê em đất đai rộng rãi, kinh tế khá giả, xây dựng tương lai mới. Em không quan tâm đến bất kỳ trở ngại nào. Thậm chí nếu Nguyệt từ chối tình cảm của em, em sẽ bằng mọi cách làm cho Nguyệt phải xiêu lòng.

       Đó là lúc chỉ một mình em trên đường về Phú Thọ thể hiện ý chí quyết tâm của mình. Còn lúc ngồi trước Nguyệt, hồn phách em bay đi đâu mất, nói năng ấp a ấp úng, câu được câu mất. Thế đấy, trước phong ba cuộc đời, trước kẻ thù ngạo nghễ, em đâu có sợ. Nhưng trước người đàn bà đẹp, vợ bạn chiến đấu, em chỉ là thằng nhãi ranh, gần ba mươi tuổi đầu, chưa biết ái tình vuông tròn ra sao?

      Trước khi chia tay hai mẹ con cô ấy để về Phú Thọ, em đưa cho Nguyệt một lá thư bọc trong ni lông rất kỹ. Em nói với chị Nguyệt đây là thư anh Cường viết trước khi lâm trận, dặn phải đưa đến tận tay. Năm năm chưa gặp chị, nên vẫn giữ bên mình.

      - Thế Cường viết gì trong lá thư ấy? - Tôi hỏi.

      - Em không biết anh ạ. Phải mười năm sau em mới biết nội dung bức thư đó. Nguyệt giấu kỹ lắm. Vô tình em lục hồ sơ đất đai, mới thấy lá thư. Còn lúc ấy, em đưa thư cho Nguyệt, mặt cô ấy tái mét, tay run lẩy bẩy, mãi mới mở được phong bì. Hình như chưa đọc hết bức thư, mặt Nguyệt đỏ rực lên, gấp vội thư rồi đút ngay vào túi áo. Cô nhìn quanh quẩn, bâng quơ không biết phải làm gì nữa. Có thể, Nguyệt giấu em điều gì đó, hoặc lá thư không có điều gì đặc biệt nên Nguyệt không muốn xem hết bức thư.

      - Có sao không? Em thấy chị làm sao ấy?

      - Không có gì đâu anh.

         Em đã đọc trộm lá thư ấy sau mười năm, khi đã thành vợ chồng. Em không còn nhớ nguyên văn bức thư nhưng đại thể anh Cường viết: “Cuộc chiến đấu không cân sức này, phần thiệt là của ta. Anh có thể không còn nữa, nhưng em và con phải tiếp tục sống. Nếu bạn anh trở về, em chưa có nơi nương tựa, thì xây dựng hạnh phúc với người cầm lá thư này. Đây là con người chân chính, ngay thẳng, chỗ dựa đáng tin cậy, anh ấy là người bạn duy nhất của anh…”

        Sau này em hỏi Nguyệt: “Tại sao em giấu anh bức thư ấy”. Nguyệt nói: “Em muốn biết anh đến với mẹ con em như thế nào, bằng trái tim anh chứ không vì lá thư của chồng em. Nhưng thực lòng, phải cảm ơn chồng em rất nhiều. Anh ấy “biết” người và trao số phận mẹ con em cho anh. Giá như lúc bấy giờ anh biết được nội dung bức thư của chồng em viết, em xấu hổ lắm, sẽ không dám gặp anh nữa, em phải chạy trốn thôi, vĩnh viễn không gặp lại anh…”.

        Sau đó, đưa em ra tận đường ô tô, lần nữa mãi, Nguyệt mới thả cho em cái phao hạnh phúc lớn nhất giữa mênh mông cuộc đời:  

       - Anh có quay lại Lào Cai nữa không?

        Đáng lẽ em phải hét thật to, nhảy cẫng lên với câu hỏi bất ngờ ấy, thì em lại lặng lẽ chia tay Nguyệt… để rồi, sau đó cứ mỗi tuần em lại lên với mẹ con Nguyệt một lần.

     - Anh còn nhớ cái hôm làm đám cưới ấy không? Mẹ con chị Dung và cả gia đình anh Nam dưới Liễu Đôi kéo lên. Cả nội ngoại anh Cường, Nguyệt trên Lào Cai xuống. Gia đình anh bên Yên Bái tràn sang. Chao ôi, đây là cuộc hội quân chuẩn bị tấn công cục U trên Vị Xuyên chứ đâu phải làm đám cưới. Người em cứ lâng lâng bay bổng. Giá như có Cường, Nam, Út, Ít về chung vui thì thích quá…

       Bỗng ai đó dắt một con trâu mẹ, da đen nhánh, một con nghé con xinh đẹp như mẹ. Con trâu mẹ được quàng bông hoa vải đỏ thắm, đủng đỉnh đi vào hôn trường. Có người hô to.

     - Chú rể được trâu lẫn nghé!

     - Chú rể được trâu lẫn nghé!

       Mọi người hô hoán đến chán rồi cười reo ầm ầm. Mấy tràng pháo nổ ran ran, những mảnh giấy hồng bay lả tả đậu trên váy cô dâu…

        Ông lại nghĩ đến việc Yên xin bát nhang của chồng Nguyệt, về thờ cúng bên cạnh bàn thờ tổ tiên của mình. Nghĩ tới hai mẹ con con trâu xuất hiện, ngộ nghĩnh trong lễ cưới, ông cất tiếng cười khùng khục. Dễ chừng, hơn ba mươi năm rồi còn gì. Con gái Nguyệt bây giờ làm Giám đốc Công ty Công nghệ cao các giống cây ăn quả nổi tiếng ở Tam Sơn. Hai đứa em ra đời sau nó, chúng cũng đều là kỹ sư, làm việc tại trung tâm với chị, một mô hình doanh nghiệp “gia đình trị”. Con cái, cháu chắt cả mấy gia đình gộp lại, ông không nhớ mặt, nhớ hết tên từng đứa. Chúng cứ rung rinh, nhảy nhót trong giọt nước mắt sung sướng của ông, thế là đủ rồi. Sau này, chuyện Cường và Nam nhận thông gia ở làng Lo vào đêm trước trận đánh, ông không tán thành, vì chúng nó trở thành chị em kết nghĩa của nhau trong gia đình.

       Từ lúc lên tàu đến giờ, ông không nói với ai một lời. Mọi chuyện diễn ra trong đầu, cũng chỉ mình ông biết thôi. Hai ống tay áo của ông đã khô, không còn thấm đẫm nước mắt như lúc ông xúc động, không kìm nén được. Bây giờ ông cười, cố lấy một nụ cười thật tươi, để thân thiện với mọi người xung quanh. Nhưng nụ cười của ông, cũng không hơn gì lúc ông mếu máo. Cả đời ông, có được sung sướng chút nào đâu, mà nụ cười của ông, giống như nụ cười của bao người khác? Mang tiếng gia đình ông, gia đình bạn bè, thời chiến đấu ở U, bây giờ, con cháu phương trưởng cả rồi, đều có “của ăn, của để”, sao ông ăn mặc như người nghèo khó? Đi đâu, ông cũng thích một cái túi vải khoác vai thô thiển? Người ta sướng quen rồi, mình khổ cũng quen rồi. Nếu cứ khổ mãi thế này, đời ông có khi khổ còn hơn sướng? Nghĩ vậy, ông muốn nở một nụ cười thật tươi, nhưng chưa kịp, miệng ông lại méo xệch, người gồng lên, hai chân thẳng đơ, đưa ra phía trước, mồ hôi vã ra như tắm.

      - Thôi chết, ngồi lâu quá, viên bi có dịp chạy xuống bắp chân rồi đây mà, đau quá. - Ông thầm rên, ngả người xuống ghế nửa nằm, nửa ngồi, hai chân gác lên cửa sổ toa tàu, như người treo ngược. Chỉ nửa tiếng đồng hồ, viên bi lại chạy về chỗ cũ, mọi việc đâu lại vào đấy thôi mà - ông tự nhủ. Cơn đau vật vã trôi nhanh, người ông lắc lư theo nhịp tàu, rồi thiu thiu, chìm vào giấc ngủ.

     …Tiếng súng đã im bặt, những người còn sống sót, được lệnh rút khỏi cục U. Phải đưa người bị thương trước, xuống điểm tập kết. Thằng Yên thấy tôi tỉnh lại, vừa mừng, vừa khóc. Hắn kể lể đủ thứ chuyện, nhưng tôi chỉ muốn biết, tại sao mình lại nằm đây?

       Về đến trạm Quân y mặt trận, tôi mới biết chiến dịch MB 84 đã kết thúc, và thất bại về ta. Tôi chỉ trách mình, vì một vết thương nhỏ, rồi ngất đi một cách ngu xuẩn. Tại sao mình lại ngất, mà không tỉnh lại, để cùng đồng đội xông lên giáp mặt với kẻ thù, tôi lại nằm bẹp như một con gián, rồi rên la, giãy giụa.

        Lúc trước, chúng sang hái chè trộm. Bây giờ đôi bên đã có lằn ranh, chúng ngang nhiên sang hái chè, phá nát đồi chè Thanh Hương của ta. Bọn chúng lấy nguyên liệu quí hiếm, làm ra thứ chè tuyết ngon tuyệt hảo cho bọn lính uống, kích thích thần kinh, để thức trắng đêm canh phòng “chuột dũi”, đón lõng tiêu diệt sinh lực của ta. Không chừng, số chè lấy được,  dùng không hết, đem chế biến chè shan tuyết tuyệt hảo, có pha trộn xương máu của bộ đội Việt Nam. Chúng rêu rao rằng, loại chè này có thể sánh ngang với thần dược “cải lão hoàn đồng” được bào chế bằng thai nhi trong nước!?

        Lên tàu, một mình ông một ghế. Có lẽ, họ thấy mình già rồi, cho là bộ đội về hưu (làm gì có suất hưu, thôi mặc kệ họ muốn nghĩ sao cũng được), nên được ưu tiên ngồi một mình? Trong khi các bà, các cô ăn mặc lịch sự, áo quần sang trọng, lại ngồi chen chúc, khiến ông lăn tăn suy nghĩ. Hơn nữa hàng hóa của họ khá nhiều, xếp chồng lên nhau. Có lẽ hàng buôn từ biên giới về? Vì thế, ông rất cảm động, muốn xin được cảm ơn mọi người. Nhưng vì tính kín đáo, ít khi biểu lộ ra bên ngoài, nên không mấy ai để ý. Nếu không biểu lộ một chút tình cảm, liệu các bà, các cô, cho mình là người như thế nào? Thôi được, để vừa lòng và cảm ơn họ, ông hướng về từng người, cố mỉm cười thân thiện với họ.

       Thật ra, mọi điều xảy ra xung quanh không như ông tưởng. Mọi suy đoán đều do tính thiện của ông mà thôi. Còn thực tình, các bà, các cô không muốn ngồi chung với ông, một người vừa thô, vừa cổ, lại nghèo kiết xác, biết đâu còn tính xấu thì sao? Giá như, có một người ăn mặc lịch sự, đẹp trai, nói năng lưu loát, ngồi vào chỗ của ông mà xem. Họ sẽ làm cho anh chàng mê mẩn tột cùng, với những chiêu trò, chỉ có những người buôn bán đường dài, như các bà mới biết cách mà thôi.

      Thực tình, trong suốt thời gian chạy tàu, các bà không hề ngủ chút nào. Họ nhắm mắt đấy, nhưng vẫn chăm chú theo dõi đề phòng ông. Thoạt nhìn bên ngoài, ông có bộ mặt hiền khô, nhưng lòng dạ ai biết đâu được? Không biết, ông đang suy tính điều gì, nhưng nét mặt, biểu lộ nhiều cung bậc khác nhau: lúc vui, lúc buồn, lúc ngơ ngác. Khi thấy ông vặn vẹo, mặt mày nhăn nhó, các bà đoán ông đang lên cơn vật thuốc… Họ cố gắng chờ xuống ga cuối cùng, nhưng thấy tình cảnh, có thể xảy ra điều không hay, liền bấm nhau xuống tàu, sớm hơn một ga so với các chuyến buôn thường lệ.

       Cũng như mọi lần ông về đến Liễu Đôi, vào tầm quá ngọ. Đứng trước cổng nhà, thấy hai cánh cửa mở toang, sân vắng ngắt. Vào tận gian trong, thấy mẹ nằm trên giường, đắp chiếu.

      - Mẹ ơi! Mẹ có sao không? Nắng thế này, mẹ lại đắp chiếu?

     - Anh đã về đấy à? Mẹ không sao, chỉ thấy lạnh thôi. Nói xong, mẹ nằm im như trước.

       - Nhà mình mọi người đi đâu hết rồi hở mẹ?

       - Mẹ Dung, vợ chồng cháu Thắng đang ở trên bệnh viện. Nghe nói, ngày mai đưa cháu đi bệnh viện tỉnh hay trung ương gì đấy. Mẹ lo cho cháu lắm.

       - Không sao đâu mẹ, mọi việc rồi sẽ ổn cả thôi. À, mẹ chưa ăn uống gì, con nấu ù bát cháo cho mẹ ăn nhé, con cũng đói lắm.

     - Ừ, con xem trong tủ lạnh có gì không?

       Ông mở tủ, các ngăn chất đầy thực phẩm: “Vợ chồng cháu Thắng chuẩn bị thức ăn dài ngày cho cụ đây”. Ông mở tay nải, ngạc nhiên thấy gói xôi và ba quả trứng. Ông nhớ đã bỏ các thứ ra bàn trên tàu rồi kia mà, sao bây giờ vẫn còn đây? Ông vội vàng bày xôi lên chiếc đĩa lớn, ba quả trứng xếp ngay ngắn trên chiếc đĩa con, để lên ban thờ. Thắp hương, ông khấn thầm:

      - Một quả cúng tổ tiên, một quả cúng bố và một quả cho Nam và Cường, hai đứa tự chia nhau mà ăn.

      Tự nhiên, ông thấy nước mắt chảy giàn giụa khi nghĩ tới ba quả trứng bị pháo bắn dập nát trên cục U năm nào. Thằng Cường chỉ ước ao được ăn một quả, trong khi thằng Yên muốn để ấp lấy gà con… Thế đấy, tuổi già cứ nghĩ tới việc gì là mau nước mắt, khổ thế. Tối hôm ấy, mẹ thấy tôi về cũng nguôi ngoai đôi chút, bước chầm chậm ra ngồi bàn nước. Nghĩ đến chắt nội đang nằm ở bệnh viện, cụ lại mếu máo:

      - Thằng Chắt sinh hôm trước, hôm sau bệnh xá người ta mới phát hiện cháu có cục u ở hậu môn. Cháu không bú mẹ, quặn đau ở bụng, khóc ra rả suốt ngày đêm. Người cháu cứ nhợt ra, không bú mớm gì cả, phải đưa cháu lên bệnh viện huyện cấp cứu.

    - Mẹ nói sao, cháu nhà mình có cục u ư?

    - Ừ, mẹ đau lòng lắm. Không lẽ dòng giống họ Đỗ đến ngày tuyệt tự rồi hay sao? Vợ chồng thằng Thắng tuy còn trẻ, nhưng không vượt qua được lời nguyền các cụ xưa để lại đâu?

      - Mẹ ơi, bây giờ khoa học hiện đại lắm, nhiều thầy thuốc giỏi, nhà nước ta đầu tư… Mẹ, bây giờ đã khuya rồi, xin mẹ đi nghỉ. Con chờ cháu Thắng về nhà, hỏi tình hình rồi tính sau.

     - Không phải chờ bố cháu Thắng. Sáng mai, anh đưa mẹ lên bệnh viện trước khi cháu chuyển lên tuyến trên. Dẫu sao cũng phải cho cụ được bế chắt một chút chứ?

       Sáng hôm sau, Thọ đưa mẹ lên bệnh viện bằng xe máy. Xuống xe, mẹ tất tưởi đi vào phòng khám. Sự già lão bệnh tật mấy ngày qua dường như biến mất. Háo hức, được bế bồng đứa chắt nội của dòng họ Đỗ, khiến đôi chân mẹ cứng cáp hơn. Mẹ ào đến ôm lấy cháu rồi vồ vập, cuống quýt, vò đầu, nắn chân, bóp tay, hôn hít.

      Mẹ sờ đến cục u ở hậu môn cháu, tỉ mẩn, lôi ra một cục tròn tròn như quả sung, rồi mẹ gọi:

   - Bố Thắng đâu, xem cho bà có phải cục u đây không?

 

                                        Hà Nội tháng 7/ 2017

trechantrau

 

 

                          

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)