bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 385
Trong tuần: 1348
Lượt truy cập: 649786

ĐẾM GIÂY

Lê Thanh Kỳ

ĐẾM GIÂY
…mừng xuân Kỷ Sửu, 2009

   Đi cả rồi.
   Tiếng xe đưa vợ hắn và đứa cháu nội ba tuổi xa dần. Họ theo hắn về quê ăn Tết mà vẫn không quên được không khí thị thành. Nơi đô hội ấy quyến rũ và cuốn họ đi. Ừ, thì cũng như bao kẻ khác vậy thôi, đời thường và cũng là cuộc chơi. Dưới chợ tỉnh Phủ Lý có bắn pháo hoa mừng xuân Kỷ Sửu.
Năm con trâu, cày sâu cuốc bẫm.
     Chắc là vui lắm!
    Hàng ngàn người tập trung trong vườn hoa Nam Cao, ngửa mặt lên mà nhìn những tia sáng kết thành muôn chùm hoa đủ sắc, mang theo những tiếng nổ râm ran khích động lòng người.
Mưa phùn ướt sậm mái đầu. Gió mùa đông bắc lạnh buốt thổi về đêm nay, đêm ba mươi Tết để kết thúc cuộc chơi của cả năm. Mỗi một loạt pháo bay lên, cả ngàn người hò reo, vỡ òa cùng tiếng nổ râm ran. Họ quên đi tất cả, cứ ngửa cổ lên mà tận hưởng những phút giây sung sướng đến kinh hoàng! Hàng ngàn bông hoa nở rực giữa trời ba mươi, đưa tiễn năm cũ đi qua, đón chào mùa xuân của một năm mới.
nhungmautranhvedetaingaytetdepnhat_112537589
   Mấy hôm trước tết, đứa cháu nội cứ bám vào chân hắn, ngước cặp mắt ngây thơ mà hỏi:
- Bao giờ về quê ăn tết hả ông?
- Ba mươi sẽ về cháu ạ.
- Bao giờ thì đến ba mươi?
- Vài hôm nữa thì đến ba mươi.
- Vài hôm lâu lắm ông nhỉ?
- Ừ,…
- Ôi, chán thật?
Mày đã biết chán sao? Oắt con ba tuổi mà đã biết chán rồi. Lớn lên còn chán cả đời đấy con ạ. Như ông mày đây thì còn chán đến tận trời nữa ấy! Biết chán mà vẫn sống, vẫn toác mồm cười hềnh hệch. Miệng hắn lúc ấy cũng ngoác ra hềnh hệch. Thì ra cái kiếp người này, cười vẫn cười mà chán vẫn chán.
Hắn ừ hữ, không giải thích. Một đứa trẻ lên ba đã làm gì có khái niệm thời gian ở ba thì hiện tại, quá khứ, tương lai? Nó háo hức đón chờ tết đến. Nó đang tò mò bước vào con đường khám phá tương lai, còn hắn thì đang lùi dần về quá khứ. Tương lai ư? Với hắn giờ đây chả có nghĩa lý gì. Vinh quang ư? Hào quang ư? Hão huyền ráo cả. Mây khói giăng giăng, mù sương phía trước. Con đường hắn đã đi qua gần hết đời người lại dần hiện ra. Con đường gồ ghề chẳng có đoạn nào phẳng phiu. Không hoa thơm, cỏ lạ, dát đầy bùn nhão, lầy lội, trồi sụt, nham nhở như đời người thợ. Bây giờ…bây giờ hắn đang chế ngự tình cảm lại. Con đường phía trước hắn đang bước nốt những bước chân hững hờ mà mọi suy nghĩ lại đổ dồn về quá khứ. Hắn phải ru cho tâm trạng yên bình lại.
*
   Hắn đang ở giữa làng mình, giữa làng Giáp Nhị, giữa vợ con mà sao vẫn thấy mình cô đơn quá. Hắn nhìn đứa cháu nội bé bỏng giống hệt như hắn cách đây nửa thế kỷ. Năm mươi ba tuổi mà còn chưa chết. Các cụ thường bảo bốn chín chưa qua, năm ba đã đến. Độc lắm! Năm bốn chín tuổi, độc hắn cũng không chết. Chả làm sao cả. Chỉ thấy chán thôi. Sống là phúc là may hay đọa đày? Lâu quá nhỉ? Chưa tới thì chậm, tới rồi thì nhanh, ôi sao mà nhanh thế! Chết đến đít rồi còn gì! Hoang mang quá! Lúc vợ con hắn cuốn nhau đi chỉ còn bốn mươi lăm phút, chỉ cách có 2.700 giây là tới năm mới.
   Họ đi một lúc rồi, chỉ còn 1.700 giây nữa thôi, mất béng 1.000 giây chả được tích sự gì. Cả làng hắn cũng đang náo nức quá, họ đang tóe ra đường làng cười nói râm ran. Năm nay có gì mới không? Hắn lắng nghe những âm thanh từ xưa cũ vọng về. Hắn như thấy lại những bước chân rậm rịch, những lời thầm thì, nhỏ to ở đâu tận cùng ngõ xóm. Họ than phiền với nhau về giá cả. Giáp tết, cái gì cũng đắt. Có cả những tiếng cười rúc rích khi họ đọc thơ chế đã cũ rích cho nhau nghe: “Năm rồi Nghị quyết bung ra/ Năm nay Hợp tác chắc là phất to/ Vì bồ thóc, vì củ khoai/ Có no cái bụng mới vui cái đầu”. Hắn bỗng chạnh lòng nhớ tết. Năm nào cũng thế, từ ngày Hắn lớn lên đã thế. Hắn mỗi năm một khác mà cái làng vẫn thế, không gì đổi khác. Từ lúc chào đời hắn đã ăn bột khoai Hợp tác xã “cân đối nhân khẩu”. Bé ti ti đã nhìn thấy cái sân kho Hợp tác xã. Cửa hàng Hợp tác xã, cánh đồng Hợp tác xã, lúa Hợp tác xã, khoai Hợp tác xã, trại chăn nuôi Hợp tác xã, cân đối Hợp tác xã, thuế Hợp tác xã. Xã viên Hợp tác xã. Lợn Hợp tác xã. Đài tiếng nói Hợp tác xã, Tết Hợp tác xã. Pháo Hợp tác xã… Bánh pháo đùng và hai bánh pháo tép, cái âm thanh mà Hợp tác xã ban cho ngày tết, chia chút hương hoa tinh thần đến các xã viên. Đó là một thời không dễ quên nhưng không thể nói. Hắn cùng lũ anh em tám đứa trong nhà xúng xính trong chiếc quần xanh chéo xắn lên hai gấu, cái đũng quần mậu dịch ăn bớt vải bó chặt lấy mông, kiểu gì sáng mồng một thế nào cũng rách. Chiếc áo xanh màu trứng sáo bỏ trong thùng vẫn còn nguyên vạch phấn màu tím của thợ may, và…, cả những đứa em gái hắn cũng được diện áo mới, những cái áo bằng vải thô in hoa chấm li ti. Chúng cũng xúm vào chia vui, ngước những cặp mắt trong veo để nhìn lên chiếc dây phơi, nơi treo ba bánh pháo chực chờ phát hỏa. Trong khi tiếng pháo trong xóm ngoài làng đã nổ râm ran, đến lượt những tiếng tành tạch của nhà bên hòa lẫn tiếng đì đùng của nhà kế tiếp. Anh em nhà hắn thì sốt ruột quá trời. Đốt thì cho đốt mẹ nó đi! Mót lắm rồi! Đằng này bố hắn nguyên tắc “o lo zin”. Cái thứ nguyên tắc của một công chức quèn, suốt đời vâng ạ bề trên. Thế mà cứ nghĩ mình gương mẫu, trong veo. Về nhà lấy tính gia trưởng để phục hận tôi hèn.
Đợi mãi rồi cũng đến lúc phải đốt thôi.
    Cả ba bánh pháo nổ giãy lên xé tan xác giấy, khói thuốc um thùm đuổi theo lũ trẻ con, đứa ôm đầu, đứa bịt tai tá lả chạy quanh sân. Bây giờ những anh em nhà hắn đã trưởng thành. Người anh cả hắn cũng đã là cán bộ cho một công ty xây dựng, cái mẫu cán bộ giống nhau ở khắp nơi, khệnh khạng như nhau, quan trọng như nhau. Nếu còn được đốt pháo như ngày nào chắc anh ấy sẽ thi bắn đại bác với các cán bộ khác. Còn thằng em út nhà hắn, cầm tinh con đỉa nhưng cứ cãi là rồng vì rồng có cái mõm như mõm cá sấu, muốn làm gì thì làm, muốn đớp ai thì đớp, muốn chửi ai trong nhà thì chửi. Hắn đốt một điếu thuốc, liếc nhìn đồng hồ. Còn 1.000 giây. 1000 giây dành cho sự khấp khởi, phập phồng lại càng làm cho hắn thêm phần nao núng!

*
   Hắn trôi dần về quá khứ nhưng hiện tại cứ sừng sững hiện ra. Còn 900 giây nữa là tới thời khắc giao thừa. Hắn cứ đứng thổn thức ở sân. Mùi hương trầm thoang thoảng giữa trời xuân, giữa vô vàn những li ti hạt nước. Thời tiết mới ấm áp làm sao! Hắn cúi xuống nhìn luống rau cuối vườn, cúi sát xuống để nghe rất rõ tiếng thở dài của đất. Nghe tiếng nổ lách tách từ đám hạt mùi, tiếng lép bép đáp lại của những cây dền cơm lạc loài quanh dậu mồng tơi. Ồ, thì ra chúng đang trở dạ! Chúng nó lại sắp bắt đầu một cuộc sống mới, lặp lại cái vòng tiêu trưởng của muôn loài. Thế đấy! Chúng quay vòng và trẻ lại, còn hắn? Hắn đang tàn tạ trước mỗi xuân về, đang xuôi dần về cõi hư vô. Hắn đau đớn nghĩ tới cái mùa xuân mà hắn đang chờ đón. Nó thì mới, hắn cũ đi. Hắn hoảng hồn nhìn ra phía trước. Ở đó có gì? Chắc chắn chỉ làm tóc hắn ngày bạc thêm ra và làn vỏ thịt mỏng tang, ngăm ngăm, tai tái dần, co dúm lại thành những luống, rãnh của thời gian. Hắn đang trở lại quá khứ.
*
   Hắn đang trôi trong quá khứ. Còn 700 giây nữa, đất nước này sẽ đón con trâu vàng về nhà. Người ta vẫn bàn tán với nhau rôm rả thế. Hình ảnh con trâu kéo cầy lấm láp với bác nông dân quần vải, áo nâu mới đẹp và giản dị làm sao. Đẹp thật, không vẽ vời thêm thắt bởi mộc mạc đã quá đẹp rồi. Những kẻ hàn lâm rồi nghề ngồi nghĩ ra lắm trò tiêu khiển và lừa dối nhân gian. Trâu vàng? Con trâu không phải đi cày nữa sao? Chỉ con trâu bị thui rơm mới có cái màu vàng khét ấy. Ôi chao! Kỷ Sửu - Hành hỏa mà lại là Tích lịch hỏa. Hỡi các bạn nhà nông, chăn trâu, cắt cỏ nhớ đừng cột trâu dưới gốc cây to! Lửa sấm sét sẽ làm đổi màu con trâu. Rồi đây cơ nghiệp dở dang, gia cảnh tan hoang, nào biết kêu ai? Hắn rất lo cho con trâu. Hắn lầm rầm nhắc nó hãy cẩn thận, đừng nhai lại. Đổi chủ chứ không đổi trâu. Trâu là mặc định.
   Hắn bắt đầu giao hoan với không gian. Hắn bùi ngùi xuy ngẫm, ngửa mặt lên nhìn bầu trời rộng lớn. Thời gian phũ phàng đẩy hắn đi không cho hắn nhìn không gian bao la. Nó buộc hắn nhớ quá khứ, nhớ kinh khủng. Thỉnh thoảng nó đỗ xịch lại ở thì hiện tại. Hắn không cưỡng lại được. Hắn thấy mình vẫn đứng giữa sân. Giữa mù mịt mưa xuân lắng tai nghe tiếng còi tàu rúc lên từng hồi chào năm mới. Có vui không tàu? Mày cũng là thằng lao động như tao. Làm cật lực quanh năm. Cứ vào vào, ra ra thế mà có được về quê ăn tết đâu. Quê mày đâu vậy? Quê mày chắc ở cái ga trung tâm, mọi đầu mối phải không? Tết này mày vẫn phải đỗ lại ở cái ga Đồng Văn bé nhỏ này để cho hành khách khóc, cười trong toa. Chắc bên trong toàn dân lao động cả, phải không? Tao biết mày cũng đang ân hận lắm vì không phục vụ hành khách. Thằng chủ cưỡi trên lưng mày lúc nào cũng muốn khai thác mày đúng không? Càng nhiều chuyến càng tốt, đúng không? Mày lương thiện, tao biết chứ. Thôi cố gắng lên, tàu! Tàu ơi! Trái tim tao dễ đồng cảm lắm. Trái tim người nghèo mà. Tao nghe trong tiếng còi tầm tã là cả sự mệt mỏi. Đừng tưởng còi to mà tao không nghe thấy tiếng rầu rĩ đâu nhé. Tao còn nghe tiếng lòng hành khách ngồi trong toa cơ. Tâm trạng họ như đang muốn vỡ tan ra. Mất toi tiền mua vé mà con vẫn không kịp gặp cha, vợ không kịp gặp chồng. Đôi môi hồng tuổi trẻ không được khóa với nhau trong bồi hồi tình ái. Hỏi những người đang ở nhà liệu có sung sướng một mình đón xuân không? Mắt hắn bị những hạt mưa li ti xỉa xói vào tận trong lồng tử. Hắn nhớ tới những người đồng đội năm nào vẫn còn đang nằm tắm sương gió chiến trường. Người vợ hiền của họ, giờ là những bà lão. Táo tàu cả rồi. Bao năm vẫn ngồi gói bánh một mình. Những người vợ lính trẻ tiếp tục nối bước cha anh, ngày tiễn chồng ra miền biên ải. Đêm ngồi gói bánh một mình. Trong đêm đông có làn gió lạnh thổi kèn bên kẽ vách.
    Còn bao nhiêu giây nữa? Hắn liếc nhìn đồng hồ. Còn 599 giây. Hắn còn 599 giây nữa. Tại hắn vẫn còn đang rung động. Hắn biết hắn hay thế lắm nhưng chỉ nghĩ trong lòng thế thôi. Hắn cũng rất vui khi nhìn vào những căn hộ tươi đèn. Nhìn mọi người quây quần, ấm áp bên nhau. Nhìn cái cách họ nhìn vào mắt nhau là thấy, ngất ngây hạnh phúc, mặc cho ngoài kia mưa đông ướt lạnh dầm dề. Còn bao nhiêu những căn hộ không đèn? Hắn nhớ đến những nếp nhà cô đơn nép dưới chân đồi giờ này cũng đang chộn rộn giao thừa, những cánh cửa cũng mở toang ra để đón xuân vào. Trong làn gió xuân dìu dịu giá như có bóng đàn ông, tay cầm lá lộc chầm chậm bước vào, để cho người con gái của những cung đường bom đạn năm xưa được tựa vào bộ ngực đó, được nức nở lên dù chỉ một lần. Một lần thôi cũng hạnh phúc lắm đấy xuân ơi?

*

  Hai tay hắn run rẩy nhấc chai rượu, rót tràn cả ly. Còn một trăm giây nữa thôi. Bài hát Hapy New Year ở cái loa đầu ngõ làm hắn bồn chồn, nao núng. Mỗi giây trôi qua, hắn lại già đi một tí. Hắn đã lãng phí quá nhiều thời giờ. Buồn rầu mà chi. Buồn quá thì chết đi! Chết rồi liệu có hết buồn không? Nếu trở thành cát bụi liệu có vui không? Hay nín lặng như đất? Người ta bảo lành như đất. Đạo đức của đất là càng nín chịu, đè nén bao nhiêu càng bền chặt bấy nhiêu. Hãy đứng lên. Hãy đứng thẳng lên từ bên trong, mặc cho cái lưng không còn thẳng đứng như thời trai trẻ. Thời trẻ hắn ghét nhất cái gì thì vẫn còn nguyên cái đó. Phải lật đổ chúng đi. Đó là ý muốn, ý muốn vẫn hoàn ý muốn. Nhiều lúc hắn cũng định bắt tay vào nhưng cái xe đời thường lập tức sa lầy và hắn cũng sa lầy cùng với cỗ xe đời thường ấy. Vậy còn mong muốn gì hơn? Cứ thường thường mà sống. Cứ làm tốt việc của mình đi, hão huyền làm gì. Trong lòng hắn lộn xộn lắm. Hắn nghĩ phải quyết tâm làm một cái gì đó. Bắt đầu từ những gì hắn ghét nhất. Đừng sợ hãi. Người đi làm sợ bị quỵt công, người đi buôn sợ mất vốn. Sợ gì chứ, thôi hãy cho đi, cứ cho đi. Cho đi và đừng bao giờ mong nhận lại. Hắn nghe mọi người nói thế thì nghĩ cứ cho đi thì biết lấy gì cho? Phải biết nhận lại để mà cho đi chứ! Phật cũng nói cho đi nhưng Phật cho những thứ không nhìn thấy. Đất thì nhìn thấy. Cho đi như đất ấy, lặng lẽ cho đi suốt bao đời nay. Đất đã cho đi và nhận lại sự bạc màu. Thế đấy! Phải bắt tay vào cái việc hắn đã từng ao ước. Đừng ngại ngần nữa. Phải thật lòng với nó. Một con trâu không biết cày sẽ sớm bị thui rơm. Đấy cũng là lẽ thường tình. Thôi thì hắn say đây. Dứt mình ra khỏi những mộng mị xa xăm. Hắn phải chấp nhận hắn thôi. Mi sắp tàn đời rồi! Thôi thì uống, thôi thì say…Trong tơ mơ hắn còn thấy hắn đang nhắm rượu với lòng mình. Cắt gan, xẻ ruột, xắt tim ra mà nhắm. Không ăn được người thì ăn mình vậy. Mình ăn thịt mình là cách dùng của bao kẻ đời.
*stthaihuocvengaytet387209
   Bây giờ quá khứ lại trở thành tương lai của hắn. Hắn chẳng còn nhớ gì sau lần đếm giây cuối cùng. Còn một giây nữa là đến giao thừa. Choeng một cái. Nhanh lắm! Hắn già rồi mà chưa làm được gì cả. Cả đời chả làm được cái gì nên hồn. Cả đời cứ loay hoay hai chữ đời thường chưa xong. Hắn nôn nóng mà dỏng tai lên nghe. Đã choeng chưa nhỉ? Trong lúc đợi chờ tiếng choeng cuối cùng hắn lại bồng bềnh trôi dạt đến khắc giây cuối cùng. Hắn bỗng nghĩ trước khi mình già đi sao không ao ước một tí. Chả tội gì mà không ao ước. Lúc nhỏ hắn đã bao lần ước có cái cặp sách. Nách cắp mấy vở tập, đầu thì ao ước. Thế mà cũng sống được tận đến bây giờ! Lạ nhỉ? Chắc sống được là nhờ ao ước hão huyền. Vậy thì ước đi nào. Hắn ước mình làm Thủ tướng. Thủ tướng là gì? Thủ tướng xem như người rắc thóc cho vịt đẻ trứng. Hắn chả muốn làm cái nghề chăn dắt thiên hạ. Hay làm người giàu một nhát xem sao. Giàu và nghèo là hai đường thẳng song song luôn phải gặp nhau. Không vui! Người giàu là gì? Người giàu luôn xát muối vào người nghèo như người ta ướp cá ấy. Càng xát nhiều muối càng cứng cá. Không ai trên thế gian này nguyện suốt đời phấn đấu để làm người nghèo. Làm người giàu được xát muối lên người nghèo! Ôi! Hắn làm người nghèo thôi. Hắn bị xát muối quen rồi. Hay làm giới tinh hoa nhỉ? Đúng rồi. Hắn thích thú reo lên thấy mình không còn là kẻ hèn mọn mà thuộc giới tinh hoa. Hắn cười bỉ vào mặt mình một cái. Mặc kệ. Cứ ước. Đã mất công ao ước thì ước nó to to một tý. Tinh hoa là gì nhỉ? Tinh hoa là bông hoa to đẹp, dài hương thơm để mọi người ngửi xong rồi cho vào lọ, đúng không? Hắn ước làm bông hoa dại bé tý xíu, xấu xí chen lẫn bên đám cỏ rối đến rồ dại, dẫm đạp khắp những nẻo đường lầy lội, quê mùa… Được đấy! Nhưng hắn chưa nhìn thấy tinh hoa bao giờ. Tinh hoa đi đâu cả rồi? Có hay không hay đang ẩn dật nơi đâu? Tinh hoa hùa theo số đông thì hắn thấy rồi, sặc mùi giáo điều của kẻ khôn lanh. Tinh hoa bị vùi dập sẽ khép kín, neo lòng tìm nơi rừng thẳm, núi cao tu luyện, dưỡng thương, thay đổi trạng thái, hoàn thiện, hoàn mỹ, quên bẵng nhân gian. Hãy cất tiếng nói lên nào. Ẩn dật cũng chả hay đâu vì cuộc đời của tinh hoa bao giờ chả chịu dẫm đạp, bầm dập. Hãy thăng hoa đi cho mùa xuân nở rộ sắc hồng, cho người người đắm say. Nếu cho hắn một lựa chọn là vua hay tinh hoa, hắn sẽ chọn Tinh hoa. Bán Vua đi đổi lấy Tinh hoa. Điều giản dị: Tinh hoa là linh hồn các nhà Vua. Hắn cứ ao ước thế . Đời mà không ước ao thì đời buồn. Hắn thì thầm như đang nói chuyện với một người trẻ khỏe trong cái xác già dần với thời gian của hắn.
Choeng. Hết.
   Giây cuối cùng vừa nẩy lên. Không còn gì cho hắn đếm nữa. Nhưng hắn vẫn nghi ngờ. Không biết xuân đã về chưa? Thật không? Có vào đây không? Có mùa xuân cho tất cả mọi người hay không? Từ già đến trẻ, từ miền ngược đến miền xuôi, từ người giầu cho chí người nghèo. Họ phải cùng được hưởng thụ mùa xuân chứ! Thôi, xong rồi năm cũ. Xong rồi! Hắn nghe thấy tiếng còi bèm bèm, tiếng máy về hết số mà vẫn còn gừm gừm to giọng ngoài sân. Họ đấy! Họ về rồi đấy à? Họ đi du xuân vui vẻ quá, ồn ào như một góc chợ. Hắn chỉ nghe thấy bước chân lẫm xẫm của lũ trẻ. Vợ hắn có vẻ tiếc rẻ vì tiệc vui ngắn quá. Giá được ao ước thì mụ sẽ ước cho 365 ngày đều bắn pháo hoa! Mụ nhìn vấp phải hắn rồi đâm bực mình, cứ thể như hắn làm cho cuộc vui ngắn lại. Mụ chõe mồm ra dè bỉu: “ Đời vui thế mà ông lại cô độc một mình. Hay có gì vui một mình thế? Thật không thể hiểu nổi!” Lạ lắm phải không? Hắn bỗng cười phì một cái. Hắn cũng thấy lạ. Rất lạ. Không thể giải thích. Trong giây xuân đầu tiên hắn cũng nhận ra điều lạ là điều không thể hiểu nổi!
   Đứa cháu nội ba tuổi chạy vào và nhảy lên người hắn. Nó ôm lấy cổ hắn, ngọng nghịu như một chú nghé con, cất tiếng hỏi câu đầu tiên của một năm mới: “Ông ơi! Vui một mình là vui thế nào?Ông, hả ông?”■
                                                                      L.T.K

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)