bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 50
Trong ngày: 269
Trong tuần: 1067
Lượt truy cập: 773592

ĐÊM XUÂN MAY MẮN

ĐÊM XUÂN MAY MẮN
Truyện ngắn của Lê Hoài Nam
 
le-hoai-nam-vanvn3
                                                      NHÀ VĂN LÊ HOÀI NAM
 
Sau trận đánh tan căn cứ Lộc Hòa, để chuẩn bị cho trận đánh mới, chỉ huy tiểu đoàn phân công đại đội trưởng Căn, trung đội phó Hàm và tôi, chiến sĩ liên lạc của đại đội, đi tìm nơi trú quân dự bị. Bộ đội đặc công chúng tôi thường cứ sau một trận đánh dù thắng hay bại cũng phải tìm một nơi trú quân mới, phòng khi nơi trú quân cũ bị lộ. Làm xong nhiệm vụ, chúng tôi quay về lối tắt. Đến ngã ba đường đi Lộc Tân, đại đội trưởng Căn bảo: “Mọi người đi cẩn thận kẻo vướng mìn” . Vì nghi ngờ quãng đường mòn phía trước có mìn, Căn dẫn chúng tôi đi vòng phía bờ suối, nơi có rất nhiều hố bom mà B52 mới trải thảm đêm qua, đất bên trên miệng hố vẫn còn ám khói đen xì. Anh Căn bảo “Đi lối này nếu địch có gài mìn thì đêm bom nổ trỉa thảm mìn đã nổ theo, an toàn hơn”. Nhưng Căn vừa dứt lời thì dưới chân anh phát một tiếng nổ, tiếng nổ không to, quầng khói đen bốc lên cũng không lớn. Căn ngã khụy xuống, miệng kêu: “Các cậu mang băng đến giúp, tớ bị dính mìn lá rồi”. Trường hợp này, dù kinh nghiệm chiến trường đầy mình như anh Căn cũng gặp những sai số. Đúng là quả mìn “xin một chân” đã làm nát một bên bàn chân của anh Căn. Tôi nhìn sang Hàm, thấy anh đưa hai bàn tay bưng lấy một bên mắt, miệng nói: “Tao bị mảnh mìn văng vào chắc nó “xin một mắt” rồi”. Tôi lật tay anh ra thấy bên mắt trái của anh chỉ còn như một hố máu, máu đang tuôn chảy đầm đìa ra mặt. Tôi đỡ anh Hàm ngồi xuống cạnh nơi anh Căn nằm, lấy băng cuốn kín bàn chân bị giập của anh Căn, dùng một cuộn băng khác cuốn quanh đầu cầm máu nơi con mắt của Hàm. Tôi nói: “Hai anh ngồi đây chờ, gắng chịu đau, em đi tìm đội cáng thương đưa hai anh về trạm phẫu”. Tôi đi qua Lộc Tân lên Gò Dài vào đường Quán Canh, lên khe Dèn thì trời xẩm tối. Đến trạm trung chuyển của trung đoàn, tôi gặp bộ phận vận tải xin được bốn người với hai cáng thương. Trở lại chỗ anh Căn và anh Hàm đang nằm. Hai người khiêng anh Căn, hai người khiêng anh Hàm. Tôi đi phía sau mang ba lô súng đạn cho hai anh. Chúng tôi đến khe Dốc Gió, vòng quanh sườn núi Bàn Cờ đến bãi Văn Công thì ngược dốc leo lên lưng chừng đồi. Đời lính chiến không gì cực khổ bằng hành quân và cáng thương trong rừng ban đêm, nhất là con đường rừng lắm dốc nhiều khe thế này. Trượt chân một cái là cả người cáng và thương binh sẽ lăn kềnh, có khi rơi xuống vực. Bàn chân anh Căn vẫn rỉ máu ra võng. Võng quệt vào lá cây rồi lại quệt vào quần áo tôi sặc mùi tanh. Nhưng lúc này tôi nghĩ đến số phận cái bàn chân trái của anh nhiều hơn. Đại đội tôi từng có mấy người dính mìn lá đều phải cắt bỏ một bàn chân. Anh Căn chắc không phải ngoại lệ.
Đến trạm phẫu, thấy tôi cứ dùng dằng muốn ở lại vì lo lắng cho hai anh, anh Căn vẫn gượng dậy nói với tôi: “Bây giờ chỉ còn mình em là lành lặn, em phải về vùng chiến báo cáo với tiểu đoàn rằng đã tìm được nơi trú quân dự bị cho mọi người yên tâm đón tết. Đêm mai đã là đêm giao thừa rồi”. Tôi đành chia tay anh Căn, anh Hàm và bốn người lính tải thương. Ra khỏi trạm phẫu, theo con đường mòn dưới chân đồi, chân bước mà mắt căng ra nghiêng ngó trong màn đêm đề phòng biết kích, thám báo.
Tôi đi mỏi nhừ chân thì đến Đại Cường. Đây là vùng giáp ranh giữa núi rừng và đồng bằng, mặt đất hầu như bị cày xới nát ra vì bom đạn. Đèn dù pháo sáng của địch treo lơ lứng ngay trên đỉnh đầu. Cứ mỗi lần chiếc máy bay trinh sát ban đêm lượn đến gần tôi lại nằm rạp xuống chờ khi nào nó bay qua mới đứng dậy đi tiếp. Đến Thôn 9 thì chân tôi muốn khụy xuống vì mệt mỏi, bụng đói cồn cào. Lúc đến trạm phẫu trong ba lô còn hai bánh lương khô 702, tôi đã để lại cho anh Căn và anh Hàm hết. Bây giờ tôi sắp lả đi vì đói. Tôi vạch tay áo nhìn đồng hồ xem giờ. Đây là chiếc đồng hồ Pônjôt mặt đen có dạ quang của Liên Xô, không cần đèn soi cũng vẫn nhìn rõ lúc này là 1 giờ 20 phút. Chiếc đồng hồ này mẹ tôi mua tặng tôi. Nhìn ánh dạ quang trên mặt chiếc đồng hồ sáng xanh, tôi nôn nao nhớ nhà, nhớ quê. Cái hôm nhận được giấy gọi nhập ngũ, tôi mừng quá cứ ra ra vào vào đứng ngồi không yên ngóng đợi mẹ. Khi mẹ tôi quảy đôi quang sọt về đến đầu ngõ tôi đã chạy ra bá vai mẹ khoe: “Mẹ ơi con được vào đơn vị đặc công. Con gặp anh thủ trưởng tên là Hoàn, về tuyển quân, con hỏi anh ấy, ngoài súng đạn thì cái gì cần thiết nhất cho người lính đặc công, anh ấy bảo, bộ đôi đặc công thường đi đánh giặc ban đêm, em nên mua một cái đồng hồ Pônjôt mặt đen, bơi sông không ngấm nước vào máy, lại có dạ quang để xem giờ ban đêm mà không cần soi đèn, giống như chiếc đồng hồ của anh áy”. Từ hai khóe mắt mẹ tôi ứa ra hai dòng lệ. Mẹ vừa sụt sùi khóc vừa nói: “Còn hai năm nữa con mới đủ tuổi đi bộ đội. Nên nhớ con vẫn đang còn là một đứa trẻ con. Con năn nỉ xin đi chứ có ai bắt con đi đâu. Chính vì con vào cái đơn vị thường phải đi đánh trận ban đêm như thế mẹ mới càng lo”. Dĩ nhiên là tôi tìm mọi lời lẽ hay ho của một học sinh giỏi văn để an ủi thuyết phục mẹ. Hôm tiễn tôi đến địa điểm bàn giao quân, mẹ tôi móc từ trong túi áo ra một cái khăn mù xoa, bên trong gói chiếc đồng hồ mặt đen có dạ quang cùng với mấy thứ linh tinh khác trao cho tôi và dặn tôi đủ điều. Sau khóa huấn luyện, trước ngày lên đường đi B, nhận được thư đứa em gái, nó “bật mí” cho tôi biết bố mẹ tôi đã lặng lẽ gọi người hàng xáo đến nhà bán đi hơn một tạ thóc mới đủ tiền mua chiếc đồng hồ cho tôi. Ít ngày sau đến dịp giáp hạt bố mẹ và các em tôi lâm vào cảnh đói, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa cơm trưa độn khoai tía riềng, còn bữa chiều mẹ tôi ra đồng lần mò tìm kiếm những củ khoai lang mộng, mò một mớ ốc rạ đem về luộc lên ăn cầm hơi. Giờ đây tôi thấy thương mẹ và ân hận vô cùng.
Tôi gắng lê chân bước dệu dạo thêm một đoạn nữa, đến đầu một ngôi làng thì cái bụng xẹp lép không điều khiển nổi đôi chân nữa. Giá như ở trên rừng, tôi sẽ cố lết đi tìm kiếm củ sắn, củ mài, củ móng ngựa hay củ khoai bông mọc ven suối, ăn sống cũng vẫn có năng lượng giúp tôi đứng dậy bước tiếp; nhưng đây là vùng giáp ranh, đêm đêm lính đặc công chúng tôi thường hành quân chiến thuật từ rừng xuống đồng bằng nhổ các cứ điểm của đối phương bằng cách đánh “nở hoa trong lòng địch”, cho nên đêm nào chúng cũng cho máy bay quần đảo, đánh phá. Máy bay C130 thả đèn dù, bắn pháo sáng, gọi loa lè nhè kêu việt cộng chiêu hồi thâu đêm. Những chiếc máy bay trinh sát OV10 trông như cái bừa bay vè vè lượn lờ dai như đỉa, phát hiện ra chỗ nào khả nghi có bộ đội là bắn đạn khói làm ám hiệu cho những những chiếc F18 và F86 bay đến ném bom. Những con đường mòn nào dự đoán bộ đội sẽ hành quân qua, chúng gài đủ các loại mìn, nhưng nhiều nhất vẫn là loại “xin một chân”. Cả một vùng đất rộng lớn bị cày đi xới lại, đến cây cỏ cũng không sống nổi.
Tôi lại dơ tay xem đồng hồ, ánh sáng dạ quang trên mặt đồng hồ đã báo cho tôi biết lúc này đã hơn 2 giờ sáng. Một cảm giác bất lực thoáng qua. Không, mình không thể chết đói ở đấy. Nhìn thấy một ngôi nhà đầu làng, gần bờ sông, tôi bò lê lết đến gần, nép bên dưới cửa sổ phía sau nghe ngóng, không thấy động tĩnh gì, nhưng có một ngọn đèn dầu vặn nhỏ le lói. Tôi bò về trước nhà lấy can đảm gượng dậy gõ cửa. Sau hai lần gõ, ngọn đèn trong nhà được vặn to lên. Tiếng một người đàn bà hỏi vọng ra: “Ai gọi vào giờ ni?”. Tôi nói: “Má ơi cho con vô xin miếng nước”. Cửa mở, một người đàn bà tầm tuổi mẹ tôi cầm cây đèn dầu bước ra. Bà đưa cây đèn gần vào tôi nhìn săm soi một thoáng như để nhận diện thần thái gương mặt tôi là người ngay hay kẻ gian. Khi đã tạm yên tâm tôi không phải kẻ xấu, má hỏi : “Chú là bộ đội miền Bắc phải hôn?”. Tôi nói: “Vâng thưa má. Con về xã trên. Nhưng hôm nay đi nhiều, bụng đói quá không lê bước được nữa má à”. “Vậy chớ, chú vô đây hỏi kiếm đồ ăn phải hôn?”. “Dạ, má có cái gì cho con ăn tạm, và nếu được má cho con nghỉ nhờ, sớm mai con đi tiếp”. “Không xong rồi. Làng ni phần nhiều gia đình có con em đi lính bên ông Thiệu. Bộ đội Bắc kỳ khi đi qua đây thường bị theo dõi, bắt bớ. Mới tối qua có một tốp bộ đội bơi qua sông sang xã bển, bị quân ông Thiệu phục bắn chết đó nghe”. Tôi nói: “Vậy thì má cho con một thứ gì ăn tạm”. Má nói: “Chú vô nhà đi rồi sẽ tính”. Tôi vào nhà, ngồi xuống cái sập gỗ. Má đóng cửa, nhấc cái ấm tích rót cho tôi cốc nước. Loại nước chè rừng hơi đắng, nhưng tôi vẫn thấy ngon. Má đến bàn thờ thắp cây nến nhỏ. Ánh lửa từ cây nến cho tôi nhận diện đó là bàn thờ Phật. Má thắp nén hương, lầm rầm khấn vái. Khấn xong, má đi xuống bếp. Trong lúc ấy tôi nghe thấy từ trong màn trên chiếc giường ở gian bên có tiếng lục sục, cựa quậy và tiếng trẻ con ọ ọe. Một lát sau má đem lên một tô bún mầu vàng chan nước nóng, bảo: “Chú bộ đội nhậu nhanh mà đi”. Tôi ăn xì xụp, hỏi má: “Bún gì mà ngon thế hả má?”. “Mì tôm đó chú. Là thứ rẻ tiền chớ sao mà ngon. Ngoài Bắc không có sao? Đêm khuya không có thức nhậu gì, ăn tạm vậy nghen! Sáng mai tui mới đi sắm đồ tết. Để gọi là giữ phong tục, nếp nhà, chớ chiến tranh loạn lạc thế ni, bày vẽ chi mô”.
Cửa màn mở, một thiếu phụ trên tay ẵm đứa trẻ bước xuống. Nàng nói với má “Con cho đứa nhỏ đi tè má à”. Nàng dừng lại một thoáng hướng mắt về phía tôi quan sát dung nhan, nói với má: “Má biểu ảnh ăn nhanh còn đi vô, kẻo anh hai về là không giữ được mạng sống mô”. Má nói với thiếu phụ: “Chuyện này đã có má lo”, rồi má quay sang tôi nói: “Thằng hai con trai tui là trung úy, quân cộng hòa của ông Thiệu, đồn trú bên Hòa Nha. Còn con ni là Dịu, vợ nó, đứa bé là con nó. Nhưng chú khỏi lo. Thằng hai về tui không cho phép là nó không dám bắn mô”. Dịu bế đứa con trở lại giường. Lúc ấy tôi nhìn mới nhìn kỹ nàng. Nàng chỉ khoảng hai mươi tuổi, mặt trái xoan, tròng mắt đen huyền và rất sáng. Còn đứa bé khoảng dăm bảy tháng tuổi. Tôi bảo: “Sao má và em không sang bên Hòa Nha ở để đoàn tụ gia đình?”. Má nói: “Ở bển toàn đồn với bốt, bộ đội tiến đánh hoài, mần răng thoát chết. Ở đây với dân khỏe hơn, đằng cách mạng có hại dân mô mà sợ”. Tôi đánh bạo hỏi: “Má à, sao má không cho anh hai vào quân giải phóng?”. Má nói: “Làng ni chính quyền ông Thiệu giám sát kĩ lắm. Họ phát hiện nhà mô có người theo cộng sản là tìm cách ám hại liền à”. Bỗng ngoài ngõ có tiếng bước chân, rồi tiếng đàn ông: “Nè bà già, làm chi đốt đèn khuya dậy? Mở cửa cho tui ghé nhờ hớp nước”. Tôi bỏ bát mì, vơ vội cây AK báng gấp, nhưng chưa biết trốn vào đâu thì má bước đến túm lấy vai tôi đẩy lên giường nằm cạnh cô con dâu. Má nói nhỏ: “Dịu à, con ôm chặt chú ni như ôm thằng hai chồng con nghe”. Cô gái hiểu ý mẹ chồng liền đẩy tôi vào trong cùng, nàng nằm giữa tôi và đứa bé. Khi tiếng giầy của bọn người bên ngoài lộp cộp vào đến cửa, nàng kéo tôi úp mặt vào mặt nàng. Một tay nàng ôm chặt lấy tôi, một tay kéo tấm mền phủ lên người. Cửa mở, hai tên lính sách súng AR15 bước vào ngồi xuống chiếc sập gỗ tự rót nước uống. Ngoài vườn, trong sân tiếng chân người đi lại rậm rịch. Tôi nín thở nghe ngóng. Một trong hai tên lính ngồi trên sập gỗ hỏi: “Có ai vô ăn mì khuya vậy bà già?”. “Còn ai nữa, thằng hai chồng con Dịu về hồi hôm, chắc bển ấy thức đêm nhiều nên nó ăn vội tô mì rồi ôm vợ con ngủ hoài. Sáng mai nó vô bên nớ”. Một tên lên đạn đánh roạt một cái, bước lại cạnh giường vén màn lên. Y nhìn thấy hai người lớn ôm nhau, chiếc mền đắp kín chỉ để hở hai nửa cái đầu. Tên lính lui ra kêu lên: “Chu cha, sếp hai sướng hè”, rồi quay sang nói với bà má: “Vì công chuyện mà đêm hôm cảm phiền gia đình. Bà già ở lại tụi tôi về!”. Chúng đi hết, khu xóm vắng tanh. Cái vắng trong đêm thời loạn chỉ có tiếng chó cắn ma nghe hoang hoải, rùng rợn. Tiếng bà má nói: “Chú bộ đội Bắc kỳ nằm im lát nữa nghe, ra bây giờ là ăn đạn liền đó. Nếu chú có bị mần răng má con tui mắc tội với cách mạng, tiếng nhơ rửa không sạch mô. Chúng còn vờ vịt phục đâu đó, để tui ra ngoài nghe ngóng thử coi”.
Chờ má bước ra ngoài, Dịu hỏi nhỏ tôi: “Eng bộ đội Bắc kỳ bao nhiêu tuổi?”. Tôi thật thà: “Mười bảy”. Nàng hỏi tiếp: “Đã biết yêu mô?”. Tôi lắc đầu. Dịu liền vòng hai tay ôm chặt tôi, phủ lên mặt tôi những cái hôn vội vã, nóng bỏng. Tôi cảm nhận được làn da của Dịu có một mùi hương nhè nhẹ, nồng nàn và quyến rũ hơn bất cứ một thứ hương thơm nào. Tôi hay đọc tiểu thuyết nên hiểu đó là hương người. Cái mùi hương ấy nó dẫn dắt bàn tay tôi lần xuống bên dưới cạp quần của nàng. Lần đầu tiên trong đời tôi được sờ tay vào cái vùng hấp dẫn nhất của người đàn bà. Người tôi run lên. Nam tính nơi tôi thức dậy mạnh mẽ như chú ngựa hoang. Tôi toan kéo quần Dịu xuống thì nàng khe khẽ nắm lấy cổ tay tôi gỡ ra, miệng nói: “Đừng anh. Không được mô. Em và má sẽ cầu Trời khấn Phật xin cho anh. Sau này được sống trở về, sẽ có một người vợ thật xinh đẹp yêu thương anh”. Nói xong nàng đỡ tôi ngồi dậy đẩy tôi bước ra khỏi giường. Lúc ấy bà má hẳn đã nhận thấy không còn người theo dõi, rình rập, mới yên tâm quay vào nhà bảo: “Chúng đi rồi. Chú bộ đội đi lẹ lên”. Tôi cảm ơn má và Dịu rồi xách cây súng AK báng gấp bước ra khỏi cửa. Đến đầu Thôn 8, con đường đi qua bãi tha ma, chen giữa những bụi dứa dại xác xơ có rất nhiều gò mả mới chôn chưa kịp mọc cỏ, khiến tôi rờn rợn. Do sự nhạy cảm của lính chiến, tự dưng tôi nhảy vọt sang bụi bói bên đường, giáp bờ sông, nằm rạp xuống. Đạn tiểu liên AR15, đạn Trung liên 30, đạn M79 từ các gò mả bắn ra nổ tung tóe trước mặt, sau lưng. Tôi không chạy theo đường trục mà bò sâu vào trong bụi nằm im. Địch không thấy tôi bắn lại, chúng chửi, đù má việt cộng đâu rồi? Ở đâu thì chui ra lẹ lên, nếu không tụi tao ném bom xăng thiêu chúng mày như thiêu chuột đó nghe...
Tôi đứng dậy ném quả lựu đạn chiến lợi phẩm Mỹ, bắn bồi hết băng đạn, nhảy ào xuống bãi bói, luồn lách trong đó một đoạn rồi lặn một hơi ra gần giữa sông mới nhô đầu lên bơi mải miết dưới làn đạn chiu chíu bắn đuổi theo. Tôi về đến Phú Mỹ trời vừa tảng sáng. Chính trị viên Hoàn nghe tôi báo cáo việc tìm được căn cứ trú quân mới, nói về chuyện anh Căn và anh Hàm bị dính mìn lá, chuyện tôi thoát chết trong bãi bói, kể cả chuyện tôi được bà má miền Nam đẩy tôi vào nằm cạnh con dâu như hai vợ chồng để che mắt địch…Anh Hoàn khen: “Thằng bé này khá, có số đỏ”. Tôi nói: “Hồi gặp anh về tuyển quân, em nghe lời anh khuyên mới nói với mẹ mua cho cái đồng hồ Ponjốt mặt đen có dạ quang nên nó mang lại may mắn cho em đấy!”. Anh Hoàn vốn là thầy giáo dạy văn cấp ba, lời nói hơi văn vẻ một chút: “Mùi hương nồng nàn của cô Dịu cũng là nhân tố góp vào sự may mắn cho cậu. Đêm nay mới giao thừa nhưng cô ấy đã ban tặng cho cậu những phút giây huyền diệu, một đêm xuân may mắn.Thôi tắm rửa cho sạch sẽ. Đêm nay dù đơn vị không về đủ mặt, chúng ta cũng phải tổ chức đón giao thừa cho vui vẻ, đầm ấm….
Hà Nội, xuân 2023
9-8-201819-579901461-w680-6002-1533808400
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)