ĐƯỜNG ĐẾN BẾN THƠ
Nhà văn Bùi Việt Thắng
“Đến với Chúa và thơ ca sẽ không bao giờ là muộn” (Danh ngôn)
NGÔ THÁI - ĐỜI VÀ THƠ
Nhà phê bình Nga vĩ đại thế kỷ XIX Bielinxiki đã viết: “Thơ trước hết là cuộc đời sau mới đến nghệ thuật”. Áp vào trường hợp thơ Ngô Thái, tôi thấy sát hợp, hiển thị rõ ràng như dưới thanh thiên bạch nhật. Tám mươi lăm năm tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, hơn 10 năm tham gia Thanh niên xung phong ( TNXP) trong chiến tranh ác liệt ở mặt trận Lào, có thời gian lâm trọng bệnh tưởng không kịp viết di chúc, nhưng đã vượt qua tất cả thử thách cam go của cuộc đời, của số phận. Trong sự tự tin, bền bỉ sống này có một phần sức mạnh của thơ ca, vì thi nhân đã biết cách vịn câu thơ đứng dậy, nhờ thơ mà không ngã lòng, nhờ thơ mà luôn luôn lạc quan yêu đời, trào ra sức sống, vui sống với niềm tin mãnh liệt: “Sự sống không bao giờ chán nản!”.
Nếu có thể viết ngắn gọn về thơ Ngô Thái, tôi nghĩ, thì chỉ cần khuôn vào hai chữ “duy tình”. Đặc điểm này phù hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng là “quy luật tình cảm”, quy luật “từ trái tim đến trái tim”.
Dân gian có cách nói: “Một vạn cái lý không bằng một tý cái tình” là có cái thâm hậu và thấm nhuần tận chân tơ kẽ tóc của nó. Văn sản thơ Ngô Thái không có cái đồ sộ về số lượng nhưng hợp với quy luật sáng tạo nghệ thuật: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Thơ của thi nhân cũng chỉ mới đủ đếm bằng năm ngón tay của một bàn tay: Tình yêu và cuộc sống (Thơ - Xuất bản năm 2010); Con Lạc cháu Hồng trên đỉnh Pa Pong (Trường ca xuất bản năm 2010, tái bản 2015 và 2022); Nẻo đường thi (Thơ Đường xuất bản năm 2011); Vớt trăng (Thơ xuất bản năm 2016); Bến thơ tròn nghĩa vuông tình (Tuyển tập thơ năm 2024), chưa tính đến Ngô Thái - Thơ và bầu bạn (2012) dạng “Tác phẩm và dư luận” thường thấy hiện nay trên văn đàn khi bạn văn nói, kể về bạn văn.
Năm 2016, nhà thơ Ngô Thái in tập thơ
Vớt trăng và quyết định chọn Thủ đô làm không gian ra sách. Lần ấy tôi có tham dự sự kiện và có viết tặng bạn văn một bài:
Những khúc dâng, tặng trong thơ Ngô Thái, còn nhớ đó là vào dịp cuối xuân 2017. Từ bấy đến nay cũng đã hơn hai nghìn ngày, nay mới gặp lại thi nhân miền Đất Tổ qua tập bản thảo
Bến thơ trọn nghĩa vuông tình (Tuyển tập thơ Ngô Thái), với 153 bài thơ được đánh số thứ tự từ 1 đến 153. Sẽ có độc giả vân vi “vì sao 153?”. Thật khó có câu trả lời thuyết phục nếu không phải từ phía tác giả vốn là
“người cha tinh thần” của tác phẩm vốn từng đã ấp ủ, thai nghén, sinh nở nó trong nhọc nhằn như thế nào. Người bình thơ, thì dù tinh tế đến đâu cũng chỉ là phỏng đoán mà thôi. Đã là phỏng đoán thì dễ
“thăng thiên”.Đọc xong tập bản thảo, trước khi đặt bút viết LỜI GIỚI THIỆU, tôi đã nung nấu nghĩ về “sức bền của ngòi bút thơ”, nghĩ về “cái tình của ngòi bút thơ”, nghĩ về câu chuyện “văn chương, thơ ca liệu có lâm nguy?” và cuối cùng là nghĩ về “thơ đến từ đâu?”, và rốt cuộc “thơ đi về đâu?”. Đây là cách, xét theo phương pháp, chỉ qua một giọt sương nhìn thấy lấp lánh ánh hào quang mặt trời, qua một giọt nước biển ngấm nghía cả vị mặn mòi của đại dương bao la.
Bến thơ Tròn nghĩa vuông tình - Ngoảnh lại sự nghiệp thơ Ngô Thái.
Thơ Ngô Thái, xét về góc độ thơ trữ tình, riêng tôi nhận thấy có sự hài hòa giữa “trữ tình công dân” và “trữ tình riêng tư”. Nói cách khác “riêng - chung” trong thơ Ngô Thái rất hài hòa, quấn quýt, phát rạng, tôn tạo nhau. Đặc tính này của thơ Ngô Thái thể hiện rõ nhất trong cấu trúc tác phẩm gồm 5 phần:
Phần I: Tình đất tình người Phần II: Lạc quan và lãng mạn Phần III: Viết trên giường bệnh Phần IV: Thơ Đường luật
Phần V: Trích đoạn Trường ca và những bản nhạc phổ thơ Ngô Thái
Ở mỗi phần chất liệu thơ, hơi thơ, sinh khí thơ, nhịp điệu thơ, hình ảnh thơ, ngôn từ thơ đều có sắc thái riêng, khi được cố kết lại bằng một chất keo đặc biệt: “keo đời”, làm nên bảng tổng sắp đa màu, đa thanh của thơ Ngô Thái.
Cái “lõi” của từng phần, từng bài, từng câu thơ của Ngô Thái trước sau vẫn như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt là cái tình, cái nghĩa với quê hương đất nước, Lãnh tụ, Đảng, nhân dân, đồng bào, đồng chí. Vì thế thơ Ngô Thái có sự trải lòng “phổ” thơ rộng dài mênh mang, rộng khắp như thể muốn ôm trùm vạn vật tạo hóa và đông đảo nhân gian. Thi nhân không có tâm thế tự mình chui vào những “tháp ngà” nghệ thuật, chỉ để “nhắm rớt” hay “ngắm rớt” (từ dùng của Hoài Thanh trong sách Nói chuyện thơ kháng chiến, 1951) thế giới khách quan cũng như thế giới nội quan với đường hướng “tự ngã trung tâm”.
Trong phần thơ viết theo tinh thần đại nghĩa, đại khí về cái chung thì: Nguyên tiêu nhớ Bác là một dấu chỉ, khắc cốt ghi tâm của thi nhân với lãnh tụ anh minh - Bác Hồ:
Nguyên tiêu trăng sáng vô ngần
Vẳng câu thơ Bác “Trăng ngân đầy thuyền”
Viết như thế là cách thi nhân tưởng nhớ thi nhân, là cách “Học Bác mỗi ngày”. Người ta nói “ý tại ngôn ngoại” của thơ ca là vì thế. Cái hay của những vần thơ viết về Lãnh tụ, Đảng, nhân dân, đất nước, đồng bào và đồng chí trong thơ Ngô Thái là ở chỗ thi nhân không hề phải “rướn lên” hay “cao giọng”. Tất cả rất hồn nhiên, nói tự đáy lòng, nên thơ có sức thuyết phục của sự thật tiến gần đến chân lý và tiệm tiến văn hóa, hợp với quy luật “Thi dĩ ngôn chí”.
Thơ Ngô Thái được viết từ trải nghiệm sống trước tiên. Tất nhiên và đã rõ ràng như một nét ưu trội. Nhưng khi thơ được viết từ trải nghiệm văn hóa thì nó sẽ cất cánh bay cao hơn, xa hơn.
Có hàng trăm định nghĩa về VĂN HÓA. Nhưng định nghĩa ngắn gọn nhất, súc tích nhất, thuyết phục nhất có thể “VĂN HÓA LÀ CÁCH SỐNG CÙNG NHAU” (hiểu là ứng xử). Nên khi nói thơ Ngô Thái có cái “căn cước” văn hóa chính vì một chữ TÌNH hiển hiện, lan tỏa, thấm đượm trong tuyển tập thơ gồm 153 bài: Tình Bác, Tình quê, Tình cha, Tình đồng đội, Tình thơ lãng mạn, Hương tình, Bốn mùa tình yêu, Tình anh, Tình bạn,...Chữ “tình” khi thì như là một chủ đề lớn, khi thì như một quan hệ cụ thể tràn ngập trong thơ Ngô Thái, làm nên diện mạo và tính chất thẩm mỹ của nghệ thuật ngôn từ. Cũng là thơ duy tình nhưng riêng tôi thấy “tình sông núi” trong thơ Ngô Thái thật hào sảng, tràn trề nhịp sống khi dấu chân của thi nhân đã đặt được đến nhiều miền đất Tổ quốc trong tâm thức “Đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh” (Cảm xúc Hồ Tây, Lễ hội ruộng bậc thang, Tam Đảo mờ sương, Trời mây Sa Pa, Nhật Tân cảm, Bán đảo Sơn Trà, Sông Thu Bồn, Du thuyền sông Hàn, Cảnh ngộ miền Trung, Một thoáng Ban Mê,..). Viết nhiều về vẻ đẹp của non sông đất nước là cách thi nhân “Cứ đi cứ đi trời xanh thêm”, như câu thơ của thi sỹ Phạm Tiến Duật trong thi phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính.
Nhưng thử hình dung nếu thuần túy chỉ có “tình sông núi” mà thiếu đi “tình lứa đôi”, “anh anh em em” thì sự thể sẽ thế nào, khi cái chung dẫu có rộng lớn, bao trùm, thiết tha đến bao nhiêu thì cái cốt lõi của thơ trữ tình - cái riêng tây, nếu thiếu hụt, liệu có thuyết phục độc giả?! Nên phải có những bài thơ tình đúng nghĩa với tâm cảm “Bên em” (cũng là nhan đề bài thơ số 68). Đi bên em mà vẫn lắng nghe “Lời của sóng” (nhan đề bài thơ số 74) và “Đi bên em” giữa “nồng nàn hoa bưởi” (nhan đề bài thơ số 79), thậm chí “đi bên em” mà cảm thấu được “em một bên và thu một bên” (nhan đề bài thơ số 89 - Thu và em), lại cũng vì có em mà hình dung ra cảnh “Đáy hồ có mảnh trăng rơi/ Với tay khỏa nước em ngồi vớt trăng/ Vớt lên những tháng những năm/ Lung linh giát bạc ánh trăng đáy hồ/ Chòng chành trăng lặn trong mơ/ Vớt bao nhiêu nỗi đợi chờ... không anh” (bài thơ số 90 - Vớt trăng).
NGÔ THÁI VÀ THI PHÁP THƠ CHÂN THÀNH
Nói “thi pháp” là nói lý thuyết. Nói giản dị thì bản sắc thơ Ngô Thái là gì so với đồng nghiệp thơ trên văn đàn hiện nay? Nói đến một phong cách nghệ thuật thơ Ngô Thái liệu có quá chăng? Hay là nên nói về những sắc thái/ màu sắc thơ Ngô Thái thì đúng hơn, vì nó trúng và đúng với văn bản thơ. Nổi trội thơ Ngô Thái là “điệu nói” (trong khái niệm “giọng điệu” như là hạt nhân của cá tính sáng tạo, của phong cách nghệ thuật). Điệu nói trong thơ Ngô Thái có hai sắc màu: Nói như là tường thuật sự kiện, tình huống tâm trạng, cảm xúc khi hồi cố lịch sử, kiểu như:
Quảng trường Ba Đình, ngập tràn sắc đỏ Đã vang lên lời Bác đọc Tuyên ngôn Giây phút thiêng liêng nhớ lại bây giờ Xúc động lắm với niềm tin kiêu hãnh
(bài thơ số 4 - Niềm tin tỏa sáng).
Thậm chí, khi dùng thơ viết về thơ tác giả vẫn thích nói:
Có phải hồn thơ bắt nguồn từ lời ru của Mẹ Tiếng ầu ơ vang vọng giữa trưa hè
Bên cánh võng đưa ta vào giấc ngủ Mơ cánh cò bay lả... bờ tre?”
(bài thơ số 9 - Hồn thơ).
Nhưng đọc chậm và nghĩ kỹ, tĩnh trí lại riêng tôi nhận ra đa số trường hợp “điệu nói” của Ngô Thái trong thơ, là dựa vào điệu nói của lục bát, một thể thơ chủ lực của trữ tình dân gian - ca dao
- thuộc phạm trù Folklore (văn hóa dân gian). Lối nói dựa vào lục bát có tác dụng để người đọc thơ, nghe thơ dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng, kiểu như:
Minh Nông... Mùa gặt tôi về
Đường làng, ngõ xóm bộn bề rạ rơm
Thoảng mùi gạo mới... cơm thơm
Dẻo săn giống lúa Nàng Hương quê nhà Bát canh cua, đĩa dưa cà
Vị quê đau đáu đậm đà xiết bao Bước đi dù ở phương nào
Minh Nông mùa cấy hanh hao hẹn về.
(Bài thơ số 10 - Hương quê). Mới thấy hai chữ “xiết bao” rất khó đưa vào thơ bất luận ở đâu, khi nào. Nhưng khi “nói thơ” thì tự nhiên trở nên thuần thục, nhuần nhuyễn, hồn nhiên. Tuy nhiên Tuyển tập thơ Ngô Thái cũng chưa phải là một cái gì toàn bích, trong vài ba trường hợp hy hữu, điệu nói thơ tỏ ra không đắc dụng và hữu hiệu khi nó gần và lẫn với thông tấn báo chí (bài thơ số 65 - Đại án chuyến bay giải cứu, bài thơ số 66 - Bao giờ mới hết quan tham,...) Nhưng thật may mắn, những “hạt sạn” như thế rất ít trong tổng số 153 bài của Tuyển tập thơ Ngô Thái.
VĨ THANH
Khi đọc Tuyển tập thơ Ngô Thái, muốn viết một nhận định có tính tổng quan, đang cân nhắc kỹ lưỡng thì bỗng nhiên tôi nhớ tới nhận xét của nhà văn Nguyễn Minh Châu về văn Đỗ Chu, đại ý: Văn Đỗ Chu như cây quế, thơm từ ngoài vỏ thơm vào. Có một số người thiếu thiện ý thì “xuyên tạc” cho rằng Nguyễn Minh Châu “khen mà chê đấy” Đỗ Chu (!?). Riêng tôi không nghĩ theo hướng ấy, trái lại khâm phục nhà văn đàn anh đã nói trúng khẩu khí, thần thái văn Đỗ Chu, theo lối nói bây giờ là “đọc vị” chuẩn!?
Với thơ Ngô Thái, tôi cũng muốn “đọc vị” trúng và đúng: Thơ Ngô Thái như mỏ kim loại quý hiếm và lộ thiên. Vì lộ thiên nên dễ tìm kiếm, phát hiện, dễ khai thác, dễ vận chuyển và phát huy tác dụng. Tôi đồ rằng, có người đọc đến đây sẽ chụp mũ cho rằng: “Mọi sự so sánh đều khập khiễng” (!?). Nhưng tìm được hình ảnh tương thích để so sánh đâu phải dễ. Ở đây không khác gì trò chơi cờ DOMINO (chỉ cần tác động vào quân cờ số 1, tất cả sẽ chuyển động theo một quán tính, cao hơn là quy luật: Vận động tạo vận động). Viết thơ, thi nhân không bị ràng buộc bởi các chủ nghĩa (ism), hay các phương pháp (method) tân kỳ, thời thượng. Dường như “lối cũ ta về” là con đường đến bến thơ của thi nhân. Bởi “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân” (Ca dao). Đó cũng là cách, nói theo lý thuyết: “Đến hiện đại từ truyền thống”.
Không có một lời bình nào về thơ, dẫu hay, thay thế được việc đọc thơ trực tiếp. Tôi tin tưởng rằng, Quý vị độc giả sẽ không tiếc công sức và thời gian mình bỏ ra đọc Tuyển tập thơ Ngô Thái. Tin tưởng, tại sao không?!
Hà Nội, tháng 5-2024
B.V.T