- “Cũng giống như bàn tay có những ngón dài ngắn, tôi không bao giờ trách về sự không thành công của con, lại càng không để con buồn vì những sự không thành công ấy. Nếu cuộc đời chỉ sống với hai từ “giá như” sẽ rất vất vả”.
Có nói chuyện với nhà thơ Vũ Quần Phương mới thấu rõ tình yêu tuyệt đối mà ông dành cho hai người con trai của mình. Kể từ năm 1970, khi cậu con trai cả Vũ Hà Văn ra đời, ông bắt đầu viết nhiều hơn những bài thơ dành cho con. Cho đến khi cả hai con đã giỏi giang, thành đạt, ông vẫn giữ thói quen ấy như để nhắc nhớ lại những kỷ niệm.
Tác giả của áng thơ “Áo đỏ” có con trai cả là Vũ Hà Văn, Giáo sư Toán học hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Yale (Mỹ). Cậu con trai út là Vũ Thanh Điềm cũng từng là thủ khoa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, hiện là chuyên gia của hãng Google.
Gia đình nhà thơ Vũ Quần Phương. Vợ chồng GS Vũ Hà Văn (trái). |
Ông tích cực tạo bầu không khí thích chữ nghĩa cho con. Trong căn nhà rộng chừng 15m2 của gia đình lúc bấy giờ có tới ba thế hệ cùng sinh sống. Dù chật chội nhưng ông vẫn cố gắng tạo cho con một góc học tập riêng. Và thế là khoảng khe hẹp tạo bởi bức tường nhà và cánh cửa khi mở ra vừa đủ chỗ cho Văn và Điềm học tập.
Nhà thơ Vũ Quần Phương thủ thỉ: “Văn bộc lộ tố chất học toán từ khi còn rất nhỏ. Ví như khi hai mẹ con đang đi trên đường, Văn nhận thấy rằng dù là số bên chẵn hay bên lẻ, cứ cộng hai số nhà cạnh nhau sẽ tạo ra một số chẵn. Những tư duy hợp logic đó xuất hiện từ rất sớm. Sau này, khi Văn lên lớp 1, cô giáo cũng nói rằng, con có tư duy Toán học tốt. Bố mẹ nên đi tìm một trường chuyên cho con theo học”.
“Bố hứa bắt cho con con ve |
Còn chiếc bàn học khi ấy cũng chỉ là một cái thùng giấy úp ngược. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã đặt rất nhiều sách trong đó. Ông bảo, đó là cách rèn cho con thói quen đọc. Đọc sách vừa để giải trí, vừa để tích lũy kiến thức về sau. Từ việc tìm hiểu bất đắc dĩ, lâu dần sẽ gây thích thú và trở thành nền tảng kiến thức ban đầu cho con. Những cuốn sách được ông đặt vào thường là những trang truyện cổ tích bồi đắp tâm hồn dân tộc hay truyện cổ Hi Lạp giúp con biết văn minh thế giới phương Tây,…
Dù rất kì vọng, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương ít khi đặt áp lực cho con. Đích đến cuối cùng, ông bảo, là khiến những đứa trẻ lớn lên luôn cảm thấy hạnh phúc.
“Cũng giống như bàn tay có những ngón dài ngắn, tôi không bao giờ trách về sự không thành công của con, lại càng không để con buồn vì những sự không thành công ấy. Nếu cuộc đời chỉ sống với hai từ “giá như” sẽ rất vất vả”.
Cũng bởi triết lý ấy mà giờ đây, dù đã gần 80 tuổi nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn cảm thấy tự xấu hổ vì đã từng đánh con. “Sau cái lần ấy, tôi không bao giờ làm điều đó nữa. Khi đánh con là do xuất phát từ sự nóng giận, thiếu kiểm soát. Nhìn con đau đớn, tôi thấy mình thật ác. Đòn roi có thể khiến cha mẹ nhanh chóng đạt được mục đích nhưng lại làm đứa trẻ bị tổn thương”.
Ông thừa nhận, dạy con cũng chính là cách dạy mình. Kẻ nóng nảy phải học cách giữ bình tĩnh và làm chủ cảm xúc. Người yêu thương phải học cách khéo léo để không tạo ra sự ỉ lại, vòi vĩnh cho con. Do vậy, dạy con vừa dễ lại vừa khó.
Quan tâm đến việc học của con, cho nên đến tận bây giờ, nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn nhớ như in tên từng người thầy đã dạy con mình. Ông cho rằng, không ai khác, người thầy có vai trò quan trọng nhất trong việc dạy dỗ một đứa trẻ nên người. Cũng chính thầy là người đã tạo ra những tài năng.
“Thời còn đi học, tôi được thầy giáo giao cho một chức vụ quan trọng là mỗi sáng tạt vào nhà ôm giúp thầy cái phích nước ra đình làng. Cái chức đó khiến tôi cảm thấy hãnh diện lắm! Nói vậy để thấy rằng vai trò người thầy khi ấy rất được trọng vọng. Thầy được chúng tôi tôn kính tới mức thần thánh hoá, như thể một thế giới mà mình không thể với tới được.
Đến khi Văn và Điềm đi học, tôi dạy lại hai con như thế! Tôi nhớ, người thầy ảnh hưởng nhất tới Văn là thầy Tôn Thân. Thầy đã đánh thức những khám phá và sự say mê tìm tòi bản chất toán học của trẻ. Cùng với thầy Tôn Thân có thầy Quán, thầy Bình. Tôi đã từng chuyển trường cho con đến Trưng Vương chỉ để con được học những người thầy giỏi đó. Tôi nghĩ rằng, người thầy có vai trò quan trọng nhất trong sự thành công của con”.
Người gửi / điện thoại