Thu Viễn
TẬP THƠ "GỬI QUÊ" MỘT TẤM LÒNG VỚI QUÊ HƯƠNG
Sau hai tập thơ “ Gọi trăng” ; “ Giấc mơ quê”, cuối năm ngoái, Lê Đức Nghinh lại cho ra mắt bạn đọc tập thơ “ Gửi quê” vẫn mang âm hưởng chủ đạo về tình quê hương thương mến. Những vần thơ thay cho tấm lòng vời vợi đã “giải mã” giấc mơ đau đáu với quê nhà của anh.
Cổ nhân từng nói “ Văn là người”. Cứ men vào nhận xét ấy, với Lê Đức Nghinh, cấu tứ thơ và giọng điệu lục bát quen thuộc đã phác họa chân dung con người thơ anh. Chân tình và mộc mạc như hạt lúa củ khoai đã nuôi sống bao người trên quê lúa Thái Bình, anh mượn lời “ Sông quê” như một dòng tự sự về nguồn gốc quê hương và đôi nét khái quát về mình:
“ Tôi lớn lên bên một dòng sông
Cuộn đỏ phù sa nghiêng con đò nhỏ
Đạn giật bom rung nhớ về một thuở
Đưa bạn tôi đi mỗi đứa một phương trời”.
Đằng sau những câu chữ giản dị ấy là ngổn ngang tâm tình của người thơ từng tham gia chiến đấu ở miền Nam và gắn bó nhiều năm với nước mặn phèn chua Đồng Tháp Mười làm kinh tế quân đội. Những năm bôn ba ở xứ sở tuyết trắng, Lê Đức Nghinh càng dày thêm nỗi nhớ làng quê, những người thân yêu. Và những thôi thúc tình cảm ấy khiến tâm hồn anh bật lên những câu thơ đầy nỗi niềm. Anh viết về cảnh quê, người quê bằng tất cả ký ức tình cảm và biết bao kỷ niệm vui buồn không thể phai nhạt. Anh tôn sùng và quý trọng nhà thơ chân quê Nguyễn Bính để rồi tự nhủ lòng tìm đến thể thơ lục bát chân mộc mà đầy tình ý. Nằm sâu trong ký ức người thơ là hình ảnh người mẹ thảo hiền, tần tảo gắn liền những ngày thương khó:
“ Con ngồi thảng thốt dưới mưa
Nhớ thời khờ dại còn chưa biết gì
Ngày lụt về trắng ngọn đê
Là lòng mẹ lại bốn bề bão giông”.
Những giọt mưa tầm tã hay nước mắt đứa con đã chan hòa, ngẹn ngào trong câu thơ kết bài:
“ Hương cong vào cõi hư vô
Vẳng nghe tiếng mẹ năm xưa vọng về”.
Ký ức về ngôi làng nghèo khó ven sông đeo đẳng suốt thời ấu thơ khiến tâm trạng người thơ luôn thao thức với tiếng mưa rơi tầm tã não lòng. Và thật tự nhiên, hình ảnh cơn mưa trắng trời cứ trở đi trở lại trong những bài thơ in đẫm kỷ niệm của Lê Đức Nghinh. Viết về người em trai liệt sĩ đã hy sinh, anh cũng mượn dòng nước mắt trời mà khóc thương em trong tình cảm “gà cùng một mẹ”:
“ Ngổn ngang anh với mưa rơi
Vẳng nghe mẹ gọi Vận ơi ngày nào”.
Phải gắn bó máu thịt với quê hương nhiều lắm, Lê Đức Nghinh cứ tự nhiên đưa hình ảnh nhiều số phận khốn khó, những con người bị lãng quên vào tâm trạng thơ của mình. Đấy là những “ Anh cu khóa”, “ ông lão điếc”, “ anh hát xẩm”, “ lão hành khất”…neo dấu vào tuổi thơ anh để rồi đồng cảm và chia sẻ.
Lê Đức Nghinh không cầu kỳ xáo trộn trong cách sử dụng từ ngữ mà vẫn cứ thủy chung cùng dòng lục bát truyền thống. Tình quê hương luôn âm thầm thương nhớ trong anh nên một điều thật dễ hiểu khi Lê Đức Nghinh khái quát nét dáng và phẩm chất người quê bằng sự chắt lọc, cảm nhận từ giản dị mà chân thành:
“ Người nhà quê có gì đâu
Bát chè xanh với miếng trầu mời nhau
Cháu, con như đũa có đầu
Tình làng nghĩa xóm từ lâu đã bền”.
Điệu hồn lục bát trong thơ anh gần gụi với hát ru nên nhịp thơ dìu dặt êm ả gợi nỗi nhớ thương trong tâm hồn bao người. Bên cạnh những vần thơ về cách ứng xử mộc mạc, chân chất của người quê như nếp làng đã ăn sâu vào đời sống, người thơ còn bày tỏ nỗi thao thức, ngóng chờ mùa sang cùng người nông dân. Đói no, ấm lạnh cùng quê hương cũng được anh đưa vào dòng thơ phấp phỏng, thảng thốt:
“ Mất mùa- nước nổi trắng đồng
Người quê thấp thỏm, đêm trông võ vàng
Tựa lưng về phía mùa màng
Mưa rơi, hay nước mắt làng đang rơi ? ”
Mang bóng hình quê nhà trong ký ức, tâm tưởng người thơ tới miền đất nào cũng như thấy dáng nét thân quen, thương mến. Lên biên giới hay về miền biển, hay nhớ về những năm tháng lặn lội ở xứ người, tình cảm người thơ vẫn thủy chung, son sắt với quê hương, với đồng đội đã từng chung chiêng, đồng điệu trong nỗi nhớ thật chân tình:
“ Tôi mơ một giấc mơ dài
Về nơi đồng đội một thời tuổi xuân…
Xuồng lênh đênh giữa bến xưa
Giật mình trăng rụng tưởng mơ giữa đồng”.
Sau ba tập thơ của Lê Đức Nghinh được khơi dậy từ mạch nguồn quê hương, chúng ta cùng hy vọng giấc mơ đầy nỗi niềm trắc ẩn của anh còn được nối dài trong cảm thức thi ca sau này./.
T.V
SÔNG QUÊ
Tôi lớn lên bên một dòng sông
Cuộn đỏ phù sa nghiêng con đò nhỏ
Đạn giật bom rung nhớ về một thuở
Đưa bạn tôi đi mỗi đứa một phương trời.
Tôi đi qua những tháng năm dài
Tiếng sóng vỗ chợp chờn trong giấc ngủ
Con sông quê níu gọi về quá khứ
Thương những chiều sấp ngửa cánh buồm nâu.
Sông quê ơi bến đợi tuổi thơ đâu
Neo giữ mãi tuổi ta chiều xế bóng
Không thấy vỗ xa xôi lời con sóng
Văng vẳng đâu đây tiếng gọi đò ơi !...
Về sông quê tắm lại tuổi thơ tôi…
LÊN TÚ SƠN
Chín tầng thác bạc gieo suối nhạc
Tiên sà xuống tắm núi vây quanh
Dưới lầu vọng cảnh mây che lối
Cổng trời hé mở ngát hương lành.
Bút thần tạo hóa nên tiên cảnh
Róc rách suối reo khúc nhạc tình
Ý trời ban tặng cho rừng biếc
Chẳng kém bồng lai chốn thiên đình.
Dưới thung đỏ lửa cồng lên tiếng
Theo nhạc em xòe ngỡ đang bay
Rượu cần cứ viết trời nghiêng ngả
Lại tưởng hằng nga xuống xứ này…
MƯA TRONG NGHĨA TRANG LIỆT SỸ
Tưởng nhớ liệt sỹ: Lê Đức Vận
Anh lại về thăm em đây
Gió buồn xơ xác, cỏ cây bồn chồn
Trời hôm nay trĩu thấp hơn
Mây đen cuồn cuộn đang vờn bên sông
Nằm đây em có lạnh không
Mưa gieo lay lắt mà lòng tả tơi
Ngổn ngang anh với mưa rơi
Vẳng nghe mẹ gọi Vận ơi ngày nào…
TIẾNG THỞ DÀI
Đất phèn nắng bỏng chân trần
Áo thầy chằng đụp mấy lần vá vai
Lưng cơm chan tiếng thở dài
Nghe trong gió quẩn mưa dai rát lòng
Đêm nay sông lại đỏ dòng
Thầy tôi thức với cánh đồng đang xanh
Mưa dầm sũng mái nhà tranh
Bên thềm rêu phủ phong phanh gió lùa
Mưa tràn tháng tám ngày xưa
Hoa đèn may rủi thầy vừa kịp khêu
Đất quê mặn cả xứ nghèo
Mưa như lệ chảy bao nhiêu kiếp người
Cội nguồn neo chặt quê ơi !..
Còn văng vẳng tiếng thầy tôi thở dài…
TẢN MẠN THÁNG BẨY
Giọt đêm buông nhẹ bên thềm
Đã nghe xào xạc nỗi niềm của thu
Lẫn trong bốn bể sương mù
Chuông chùa dìu tiếng người xưa vộng về…
TIẾNG TRONG SÁCH
Kính viếng nhà thơ Tạ Vũ
Mấy năm nằm bất tỉnh
Gía sách xưa mơ màng
Nồng về mùi, ẩm mốc
Mặc đời, tơ nhện giăng.
Rượu không bao giờ cạn
Tình thơ cứ nồng nàn
Ông không say, nằm đó
Đến giờ thưa khách văn.
Ngày rút ruột, nhả tơ
Thêu nên từng con chữ
Bỗng nhiên đến bây giờ
Tên mình không nhớ nữa.
Ôi ! nhà thơ Tạ Vũ
“Cánh chim” đã mỏi rồi
Nhưng chữ còn chưa cũ
Thơ treo vần chơi vơi…
Lê Đức Nghinh
Người gửi / điện thoại