Phạm Trọng Thanh
“LẤY CỦI” – Phẩm cách cao đẹp của người
chiến sĩ cách mạng chốn lao tù đế quốc
LẤY CỦI
Sóng Hồng
Rủ nhau lấy củi sườn non,
Chim kêu vượn hót bồn chồn ruột gan.
Đồng bào đau xót lầm than,
Mà ai nắng xế sương tan qua ngày!
Đốt cho tiêu kiếp tù đày,
Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng.
Có về không, có về không?
Bước mau, mau bước non sông đợi chờ.
Nhà tù Sơn La, 1935
(Rút trong tập Thơ Sóng Hồng
Nxb Văn học, Hà Nội -1967)
Lời bình của Phạm Trọng Thanh:
Bài thơ được sáng tác năm 1935 tại nhà tù Sơn La, ngày tác giả giả bị thực dân Pháp bắt giam cùng với các chiến sĩ cách mạng khác khi chính quyền thực dân thi hành chính sách “khủng bố trắng”, nhiều cơ sở Đảng bị vây ráp, phong trào đấu tranh của quần chúng trên khắp ba miền Trung, Nam, Bắc bị đàn áp.
Áp đặt chế độ nhà tù hà khắc trên xứ Đông Dương thuộc địa, thực dân Pháp mưu toan thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Nhà tù Sơn La, cùng với cực hình tàn khốc là sơn lam, chướng khí, nước độc ghê người: “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”. Bọn cai ngục hành hạ những người tù ăn uống kham khổ, sốt rét vàng da vẫn phải cắt “tua” thay phiên vào rừng lấy củi, chở nước suối về dùng trong sự giám sát của bọn lính canh, mật thám.
“Lấy củi”, dòng thơ đầu mở ra một lời rủ rê, giao kết thân tình, đậm đà phong vị ca dao:
Rủ nhau lấy củi sườn non...
Nhưng đến dòng thơ thứ hai, cảnh huống đã hoàn toàn khác. Tâm thế người “Lấy củi” bừng dậy bao nỗi niềm, dẫu chỉ nghe “Chim kêu vượn hót” cũng đủ “bồn chồn ruột gan”. Những lời tâm huyết yêu nước, thương dân cần được giãi bày, chia sẻ:
Đồng bào đau xót lầm than
Mà ai nắng xế sương tan qua ngày!
Dã tâm của thực dân Pháp là chính sách “khai thác thuộc địa” đến tận hang cùng ngõ hẻm. Kèm theo đó là sự sách nhiễu của bọn phong kiến bản địa với sưu cao, thuế nặng, lao dịch, tù đày hoành hành tàn hại lương dân. Người dân một cổ hai tròng, xiêu tán, đi phu, ở đợ, sống lay lắt với thân phận nô lệ điêu đứng, lầm than ngay trên quê hương đất nước tổ tiên ông bà:
Đồng bào đau xót lầm than...
Câu thơ đau xót, máu trào lên ngọn bút trong nghịch cảnh người chiến sĩ cách mạng bị kẻ địch cầm tù:
Mà ai nắng xế sương tan qua ngày!
Bao nhiêu việc cần kíp phải làm mà chưa thể làm, bao nhiêu dự định xoay chuyển tình thế mà chưa thể thực thi...Tình đồng chí, nghiã đồng bào sâu nặng, hun đúc ý chí quật cường, bản lĩnh chiến đấu không gì ngăn cản được:
Đốt cho tiêu kiếp tù đày
Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng.
Bài thơ kết với một câu hỏi ân tình, sử dụng điệp ngữ đúng chỗ thành lời trao gửi thiết tha:
Có về không, có về không?
Tiếp theo một lời giục giã khẩn thiết, tràn đầy tin tưởng với một đảo ngữ uyển chuyển làm nức lòng người:
Bước mau, mau bước non sông đợi chờ.
“Lấy củi” – 8 dòng thơ lục bát nhuần nhuyễn, diễn tả cảnh huống, tâm trạng, tình cảm và ý chí của người chiến sĩ cách mạng giữa chốn lao lung, không khuất phục kẻ thù. Bài thơ có sức lay động, thức tỉnh lương tâm và dũng khí, toát lên vẻ đẹp người Cộng sản kiên trung những năm Ba mươi thế kỷ XX, trong nền thi ca Cách mạng Việt Nam.
“ĐI HỌP” – Thơ “ứng tác” trên đường công tác
ĐI HỌP
Sóng Hồng
Vút ngựa vượt qua đèo,
Rì rầm tiếng suối reo.
Xuống đèo trời mới tối,
Vằng vặc mảnh trăng treo.
Ngựa mỏi đi bước một,
Người suy nghĩ vấn vương.
Nhiều khi ý kiến lớn
Vụt đến lúc đi đường.
Đêm lạnh, cành sương đượm,
Long lanh bóng nguyệt vờn.
Nhà ai bếp vẫn đỏ,
Thấp thoáng ở sườn non?
Đường xa, cơn gió rít,
Xao xác chim cầm canh.
Hội nghị mai họp sớm,
Băm băm bước ngựa nhanh. (1)
Việt Bắc
Mùa đông năm 1953
(Rút trong tập Thơ Sóng Hồng,
Nxb Văn học, Hà Nội-1967)
------
- Nước băm, nước bổ tức là nước kiệu và nước đại.
Lời bình của Phạm Trọng Thanh:
“Đi họp” được sáng tác vào mùa đông năm 1953, giai đoạn cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp của quân và dân ta giành được thắng lợi quan trọng trên các chiến trường Bắc, Trung, Nam.
Tại Việt Bắc, bước vào cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, những quyết sách được Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh hoạch định, thể hiện quyết tâm đưa cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại đến thắng lợi cuối cùng.
Ở khổ thơ đầu, người đọc tiếp cận hình ảnh tác giả bài thơ “một mình một ngựa” lên đường từ chập chiều, buổi chiều mùa đông Việt Bắc, quang cảnh mở ra như một đoạn phim đặc tả:
Vút ngựa vượt qua đèo,
Rì rầm tiếng suối reo.
Xuống đèo trời mới tối,
Vằng vặc mảnh trăng treo.
Người với ngựa vượt đèo cao trong tiếng suối reo, ánh chiều dần nhạt. Bước ngựa len lỏi xuống đèo, trời vừa tối, mảnh trăng đầu tháng lại vượt đỉnh rừng vằng vặc trên khoảng trời cao. Bốn câu thơ trong khổ thơ mở đầu gồm được cả không gian, thời gian, thanh âm... thật sinh động. Mạch thơ chuyển động, vần điệu gối sóng nhịp nhàng.
Xuống hết đường đèo, người buông lỏng dây cương cho ngựa “đi bước một”, thơ chuyển điệu suy tư, hướng nội:
Ngựa mỏi đi bước một,
Người suy nghĩ vấn vương...
Và trên nền cảm hứng - suy tư - minh triết ấy, một tứ thơ xuất thần vụt hiện:
Nhiều khi ý kiến lớn,
Vụt đến lúc đi đường.
Bạn yêu thơ mường tượng quang cảnh hội nghị Trung ương trên 60 năm trước, nơi “Thủ đô gió ngàn” với “Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang/ Nắng trưa rực rỡ sao vàng/ Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công”- (Trích bài Việt Bắc - Thơ Tố Hữu). Trước hội nghị tập trung trí tuệ của Trung ương, “Ý kiến lớn... Vụt đến...” trên đường công tác nhà thơ “Đi họp” làm nức lòng người đọc.
Vượt rừng sâu đêm lạnh, sương dày, bóng trăng ảo huyền lay động, thơ chuyển dần sang bút pháp hội họa để ghi lại cảnh tượng ấm lòng:
Đêm lạnh, cành sương đượm,
Long lanh bóng nguyệt vờn.
Nhà ai bếp vẫn đỏ,
Thấp thoáng ở sườn non.
Khổ thơ cuối, hình ảnh con tuấn mã đưa người “Đi họp” ung dung về đích trong tiếng “gió rít”, tiếng chim “xao xác cầm canh”... Ngựa chuyển nước kiệu nhanh dần đều, sải vó đến hừng đông phía trước:
...Hội nghị mai họp sớm,
Băm băm bước ngựa nhanh.
Bài thơ sử dụng thể năm chữ thật đắc địa, ngôn ngữ thơ bình dị mà nồng hậu. “Đi họp” mang nét riêng của chủ thể sáng tạo, phẩm cách thơ “mã thượng” hiện đại khá độc đáo – một trong những bài thơ hay của nhà thơ Sóng Hồng.
P.T.T