BASHO – MÙA THU
(1644-1694)
*Haikư Cổ Điển Nhật Bản*
Đinh Nhật Hạnh dịch và giới thiệu
Bài 1-Sáng tác 1686
Sang Đông hay Tây,
mênh mông sầu một nỗi-
Gió đầu thu lạnh rồi
Bài 2-ST 1680
Cành khô *
quạ đậu-
Hoàng hôn thu
*Có dị bản ghi là: Cành trụi lá /quạ đậu /Chiều thu
Bài 3-ST 1686
Chỉ độc một của riêng,
đời tôi sao mà nhẹ -
Nhẹ như bầu rượu này!
Bài 3-ST 1685
Chợp mắt trên lưng ngựa
vô tận những giấc mơ
… vầng trăng xa, khói bếp pha trà
Bài 4-ST 1689
Dưới một mái nhà chung
- ngủ bên cô gái điếm
bụi chua me và trăng đêm
Bài 5-
Nhìn về phía kia kìa!
-Ta cũng cô đơn,
sương mùa thu ơi!
Bài 6-ST 1692
Trăng trung thu,
cuộn lên cửa sông
ngọn triều dâng sóng
Bài 7-ST 1679
Khi tôi quan sát, lúc ngó ra ngoài
mùa thu đây rồi
- Ôi Suma* !
Bài 8
- Sóng biển lùi xa
đám ốc bé xíu
cánh hoa chua me
Bài 9-
Nơi này cô quạnh
phía trên đền Suma*
bãi biển mùa thu
*Suma một địa danh lịch sử nổi tiếng ở Nhật Bản nơi xa xưa đã
xẩy ra trận chiến sinh tử cuối cùng khốc liệt giữa 2 bộ tộc thù địch.
Bài 10-
Trên cánh đồng gặt dở
chim hạc từng đàn-
Thu về trên quê hương
Bài 11-ST 1688
Căn nhà tuyệt quá
lũ sẻ mừng rơn
vườn kê sau ngõ
Bài 12-ST 1690
Con ngỗng trời ốm , đáp xuống đất
giá buốt
tìm hơi ấm, nghỉ qua đêm
Bài 13-
Chớp lóe
vẳng từ thẳm đêm
tiếng vạc
Bài 14- ST 1694
Thế là đã thu
mưa phùn dăng dăng-
Lộ hình chị Nguyệt
Bài 15-
Mây
bỗng kéo che mặt trời chốc lát -
Đàn chim di cư
Bài 16-
Trăng vằng vặc sáng –
Sợ bầy cáo
chú bé có người lớn đi theo
Bài 17-
Làng xưa
chẳng có nhà nào
không trồng hồng ăn quả
Bài 18-St 1694
Mất trắng
cả một đêm thu –
Tâm sự
Bài 19-
Họ sống sao đây
trong căn nhà bé nhỏ
sau gốc liễu mùa thu!
Bài 20-
Trên bãi cỏ ba lá
hãy cho họ nghỉ một đêm
-Hỡi bầy chó dữ!
Bài 21-
Trăng rằm
cánh đồng bông
như đồng hoa nở
Bài 22-
Bụi hoa cúc
lại vươn thẳng dậy-
Dấu vết sau cơn mưa
Bài 23-ST 1689
Này bụi chua me bé bỏng
hãy thả cánh hoa mình
vào con sò đỏ, vào chén sakê này
Bài 24-
Hoa bìm bìm
chăng kín hàng rào lối cổng
im ỉm khóa suốt ngày
Bài 25-
Hoa cúc nở ngang nhiên
giữa đống đá ngổn ngang
trước cửa hàng xẻ đá
Bài 26-
Màu hoa cúc bạch
dẫu mắt rất tinh
đố tìm ra vết bụi
Bài 27-
Vẫn sót lại chút gì
mà ngắm nghía sau cơn bão mùa thu
-Hoa cúc
Bài 28-
Mùa thu đang qua
vẽ những nét ngày cuối
tự giấu mình trong hạt cây anh túc
Bài 29-
Vẫn đỏ, rực rỡ
mặt trời không thương xót
nhưng thoảng gió thu rồi
Bài 30-ST 1688
Nhìn sau lưng người mình vừa tiễn biệt
nỗi cô đơn
lành lạnh gió mùa thu
Bài 31-
Nguệch ngoạc mấy chữ,
tôi xé chiếc quạt cũ
Cuộc chia ly não nề
Bài 32-
Lá khoai lang
chờ mùa trăng
Ngôi làng này mùa khô hạn
Bài 33-
Vỏ trai sò mở ra phải cạy
như đôi ta
bên thác qua đường
Bài 34-
Từng đi đó đi đây
đến kiệt sức rồi
chỉ đất miền Kisô hoa nở đón
Bài 35 ST 1693
-Giữa dòng sông, trong cuộc lữ hành
đến ngôi sao cũng tạm nghỉ,
trên mỏm đá nhấp nhô
Bài 36-
Con đường này
không ai qua -
Chỉ mình sương thu buông
Bài 37-ST 1681
Bụi chuối trước cơn giông
giọt mưa rơi trong chậu
–Đêm nay, lặng nằm nghe
Bài 38
Mời đi một chuyến lữ hành
đọc haikư tôi viết-
Gió thu
Bài 39-
Gió thu đã thổi
mà xanh,
quả dẻ gai vẫn còn xanh
Bài 40-
Giọt sương
long lanh trên lá cỏ
đu đưa trước gió mùa thu
Bài 41-ST 1684
Đêm 13 không trăng
cây tuyết tùng ngàn tuổi
giông tố quật đổ rồi
Bài 42-
Một dây thường xuân
cùng 4,5 cây tre
bị cơn bão cuốn
Bài 43-
Hoa mào gà
khi ngỗng trời xúm xít
đã đỏ, càng rực hơn
Bài 44 ST 1684
-Nhụy hương lan
xức thơm
đôi cánh bướm
Bài 45-
Cô Yamanaka
không hái hoa cúc vườn
mà chọn bụi hoa trên bờ suối khoáng
Bài 46-
Mùi hoa cúc
ở Nara
Nhiều pho tượng cổ
Bài 47-
Hương lúa chín-
Tản bộ giữa hàng cây
biển Ariso bên phải
Bài 48-
- Nhện à!
mày sẽ khóc sao đây
khi gió thu đã thổi
Bài 49-
Đêm yên ắng-
Dưới trăng
côn trùng thở than trong hốc cây dẻ
Bài 50-
Tiếng côn trùng than van -
Nào lại đây lắng nghe
trong lều gianh ẩn sĩ
Bài 51-
-Chẳng bao giờ hóa bướm
kiếp sống mùa thu này –
Lời con sâu đo than
Bài 52-
Trắng hơn
đá núi Ishi –
Gió thu
Bài 53-
-Suốt đêm
tiếng gió thở than
đằng sau rặng núi
Bài 54-
Hễ nói điều gì
đôi môi đều ớn lạnh
-Gió thu
Bài 55- ST 1684
Ảo hình xương sọ trắng
thân tàn gió xé tả tơi-
Mặt trời thu tiều tụy
Bài 56-
Trong làn gió thu,
gẫy và buồn bã
chiếc gậy dâu này
Bài 57-
Ồ trăng đây rồi !
chuông ngân sâu thẳm
tận biển mùa thu
Bài 58-
Thê thảm làm sao
châu chấu nỉ non
dưới chiếc mũ trận
Bài 59-ST 1691
Trong chuồng bò
tiếng muỗi kêu, tăm tối
kéo dài mùa hạ nồng
Bài 60-
Sống trong mùa thu
con bướm chỉ nhấp từng giọt sương
đọng trên hoa cúc
Bài 61-
Trăng trung thu
lướt mặt ao
buông đêm theo
Bài 62-
Trăng bay mau ,
các ngọn cây hãy đợi !
Cơn mưa đang đến sau
Bài 63-
Nhiều tảng đá lăn
từ ngọn Asama xuống
Bão về
Bài 64-
Tiết thu mát mẻ
giúp nào,một tay
gọt vỏ bí ngô và nhặt rổ cà !
Bài 65-
Quét vườn-
Khu đền tôi vừa dọn xong
lá liễu lại rụng đầy
Bài 66-
Là nhà tu khổ hạnh
tôi sẽ hái quả cây ,
nhổ sạch cỏ chùa này
Bài 67-
Thu thẳm sâu-
Ông bạn láng giềng
chẳng biết giờ ra sao?
Bài 68-
Tôi ở ngay trong đền
với cách nhìn trân trọng
khi ngắm vầng trăng trong
Bài 69-
Thưởng trà ban mai
Sư ông tĩnh lặng
hoa cúc với mình
Bài 70-
Nào mở khóa ra
cho trăng
lan tỏa vào đền
Bài 71-
Ôi!
giá như được gõ cửa đền Mitsui
vào ngắm trăng đêm nay
Bài 72-
Mây và sương mù
chỉ trong phút chốc
làm mất bao cảnh đẹp
Bài 73
-Mảnh trăng liềm
đất mờ sương
ruộng đại mạch
Bài 74-
Trăng trung thu
sương mù ôm chân núi
Đồng lúa khuất chân mây
Bài 75-
Tia chớp lóe ,
tôi nắm chặt bó đuốc
trong căn phòng tối om
Bài 76
-Trăng trung thu
Thời tiết miền Bắc
không tài nào dự đoán
Bài 77-
Dưới trăng trung thu
biết bao người chiêm ngưỡng
chẳng thấy mỹ nhân nào!
Bài 78- ST 1685
Này mây,mây ơi !
Thi thoảng cho họ nghỉ,
những người mê trăng!
Bài 79- ST 1684
Ta thường cảm thương loài khỉ
thử hỏi mình đã dành gì
cho bao em bé bị bỏ rơi trong gió thu này?
Bài 80- ST 1684
Khi cầm trong tay sương giá thu này
rồi sẽ tan đi-
Lệ tràn nóng hổi
Bài 81-ST 1684
Chết thì chắc… chưa !
Cuộc viễn du sắp hết
hoàng hôn thu…
Bài 82- ST 1684
Mùa thu năm nay, bỗng thấy mình già
một cánh chim trởi
một áng mây xa …
Ngõ bằng lăng
Hà Nội- Trung thu 2018
Đinh Nhật Hạnh
**********************
Tủ sách dịch Haikư Nhật Bản& Thế giới:Đinh Nhật Hạnh-Đinh Trần Phương
Tham khảo : “The Heart of Basho”-Takafumi Saito /William R Nelson-2006.