HƯƠNG THẦM THƠM MÃI
Vũ Nho
VŨ NHO - ẢNH PHẠM VĂN SƠN
Giữa khi các nhà thơ nữ còn đang thưa thớt như sao buổi sớm, vắng vẻ như lá mùa thu thì bỗng xuất hiện Phan Thị Thanh Nhàn với chùm thơ được giải báo Văn Nghệ, trong đó có bài thơ nổi tiếng Hương thầm. Hương Thầm thành tên riêng của chị. Nhà thơ Hương Thầm là cách gọi thân mật, thương mến của bạn bè và những người mến mộ Phan Thị Thanh Nhàn. Hương Thầm trở thành thương hiệu nổi tiếng của tác giả trong làng thơ Việt. Gần nửa thế kỉ, người con gái Hà Nội vẫn miệt mài với thơ, bền bỉ và lặng lẽ toả hương.
Phan Thị Thanh Nhàn xuất hiện trong thời kì cuộc chiến tranh chống Mĩ. Ngày ấy, cả dân tộc dành những người con ưu tú nhất cho chiến trường. Có bao nhiêu là cuộc tiễn người ra trận. Nhưng một cuộc tiễn đưa đã đi vào lịch sử cùng với hương bưởi và người con gái rụt rè, e lệ của hậu phương:
Anh lên đường hương sẽ theo đi khắp
Họ chia tay vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi
Hương thầm
Một thế hệ những người ra trận đã mang hương thầm của quê hương đi khắp chiến trường. Họ chiến đấu bằng tình yêu Tổ quốc thiêng liêng và tình yêu trinh nguyên chưa nói được thành lời. Có rất nhiều người đã được hương thầm của hậu phương nâng bước chân đi để rồi trở thành những anh hùng, dũng sĩ, làm nên chiến thắng thần kì 30 tháng Tư lịch sử.
Một bài thơ kiệt tác của Phan Thị Thanh Nhàn lại cũng viết về những người lính và tình yêu, hạnh phúc trong chiến tranh. Rất thời sự, rất công dân nhưng cũng tràn đầy tinh thần nhân văn của thời đại.
Chú rể là bộ đội
Về phép rồi đi xa
Cô dâu bằng lòng cưới
Má ửng lên thẹn thò
Có bao nhiêu là đám cưới của người lính diễn ra trong kì phép ngắn ngủi, trong sự bận rộn, khẩn trương của mùa thu hoạch. Gọi là kì phép cho sang, chứ thời ấy tàu xe đi lại khó khăn, có khi về đến quê hương, người lính chỉ còn một đôi ngày. Như trường hợp chính uỷ trong thơ Hữu Thỉnh: Tối ăn một bữa ở nhà/Sáng bên ngoại…thế là xa một lèo/ Một ngày vừa biết vừa yêu/ Vừa xin vừa cưới ( Đường tới thành phố). Với tất cả lòng yêu đời và tình yêu dành cho bạn trẻ, nhà thơ đã quan sát và khái quát rất thành công tâm trạng của những thành viên dự cưới:
Các cụ ông say thuốc
Các cụ bà say trầu
Còn con trai con gái
Chỉ nhìn mà say nhau
Một đồng nghiệp bình thơ đã nói với tôi : Chỉ cần hai bài thơ Hương thầm và Đám cưới ngày mùa, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng đã xứng đáng là nhà thơ tình yêu của tuổi trẻ.
Nhưng con đường thơ của nhà thơ Hương thầm còn dài. Chị đâu chỉ làm thơ về mọi người. Là một cô gái Hà Nội, một người đa cảm và hồn nhiên, Phan Thị Thanh Nhàn còn làm thơ về xóm đê, về thành phố, về cuộc đời mình, về tình yêu của riêng mình.
Mến mộ Hương thầm, mến mộ Đám cưới ngày mùa, bạn đọc ưu ái và mến mộ tất cả những gì Phan Thị Thanh Nhàn đã sống, đã yêu, đã viết. Hơn nữa, họ đọc Phan Thị Thanh Nhàn là để thấy bóng dáng của mình, tình cảm của mình, tâm tư thầm kín của mình:
Khi nào tác giả xưng em
Tưởng như thơ viết gửi riêng một người
Khi nhà thơ gọi em ơi
Lòng nao nao muốn thốt lời chào thưa
Thơ tình ai viết
Như bao cô gái trong đời, nhà thơ đã mộng mơ, đã chờ đợi và hồi hộp tìm kiếm tình yêu thật vô cùng bền bỉ:
- Em chờ anh đã từ lâu
- Chờ anh từ rất lâu rồi là em
Tâm hồn Hà Nội
Vì thế, khi người ấy đến, đời ngọt ngào hạnh phúc bao nhiêu. Những lần đi dạo với nhau “giữa phố vui rộn rã” (Những người Hà Nội), những lần đi “không định hướng” / “đôi chân như cánh bướm, giữa màu sắc âm thanh” (Chợ tết vùng cao) để lại trong lòng bao kỉ niệm. Nhưng có lẽ ấn tượng sâu lắng nhất là khi họ đi để chia tay:
Trời vừa mưa vạt cỏ mềm đẫm nước
Đất mịn màng tinh nghịch dấu chân đôi
Lăng im anh nhé lặng im thôi
Với sông Hồng
Cũng như bao cô gái yêu đương trong thời đánh Mĩ, sau giây phút hạnh phúc ngắn ngủi là những ngày tháng dằng dặc chia xa, đầy ắp những nhớ mong chờ đợi. Một nỗi nhớ phổ biến của những người đang yêu nhưng mang dáng vẻ riêng rất Phan Thị Thanh Nhàn:
Mừng vui em gọi vội vàng
Ai ngờ lúc đến gần hơn em nhầm
Một ngày không biết mấy lần
Bâng khuâng em tự cười thầm vẩn vơ
Nhớ
“Nỗi nhớ như khêu” không chỉ làm cho người nhớ nhầm lẫn giữa ban ngày, mà ban đêm còn lan cả vào trong mơ, huyền ảo như hương dạ lan:
Gặp anh trong mơ em tỉnh dậy
Hương nồng nàn thơm suốt đêm xa
Dạ lan ơi chẳng thấy hoa
Sao thơm lạ thế như là cầm tay
Hoa Dạ Lan
Người phụ nữ đã yêu hết mình, đã dành tất cả cho người mình yêu, đặt tất cả niềm hi vọng, tin cậy nơi anh. Anh là ngọn đèn, anh là bàn tay, anh là mặt trời, anh là tia nắng, anh là thực, anh là ước mơ. Thật khó mà nói hết ý nghĩa của anh đối với cuộc đời mình:
Đâu đây trong cuộc đời thường
Của em. Ngày tháng vui buồn có anh
Như niềm hi vọng mong manh
Cầm tay rồi lại hoá thành giấc mơ
Mặt trời đằm thắm thiết tha
Mà tia nắng ấm bên ta vô hình
Nghĩ về anh, nghĩ về anh
Mơ hay thực cũng không đành trong em
Không đề
Nhưng đừng nghĩ rằng cô gái ấy chỉ luôn luôn coi người yêu như một một thần tượng để mà tôn thờ. Tình cảm của cô với anh rất là đa dạng, cũng rất là phụ nữ, cao cả, bao dung:
Em muốn anh bé bỏng làm sao
Để em được chăm thương dịu nhẹ
Để em có bàn tay người chị
Và tấm lòng người mẹ cho anh
Nghĩ về anh
Cô gái ấy đã yêu như thế: một đời tất cả cho người mình yêu.
Nói đến tình yêu, người ta hay nói đến nỗi đau, sự mất mát và những giọt nước mắt cay đắng nhiều hơn là những ngọt ngào hạnh phúc. Nhà thơ Xuân Diệu cũng đã từng đặt câu hỏi:
Hỡi người yêu của muôn xưa
Của muôn sau với bây giờ đang yêu
Những ai lướt sóng cưỡi triều
Biển ân tình có trải nhiều xót xa
Trong thơ tình yêu của Phan Thị Thanh Nhàn, chúng ta gặp chủ yếu là sự nâng niu, chắt chiu vun đắp cho tình yêu, những giây phút hẹn hò, chờ đợi, những sung sướng hạnh phúc được ở bên nhau, chăm thương nhau, những tình cảm bình dị, gần gũi đời thường. Ít có những triết lí về bản chất của tình yêu, ít có những băn khoăn day dứt, ít những nghi ngờ, ghen tuông, ít những ngổn ngang, những tâm trạng bộn bề mâu thuẫn. Song nếu vì thế mà cho rằng thơ tình của chị đơn điệu, một chiều thì không phải. Nói là ít, chứ không phải không có. Mặt khác, mỗi nhà thơ có một sở trường, một “điệu tâm hồn”. Không nhất thiết cứ phức tạp hoá vấn đề, cứ viết bề bộn mâu thuẫn mới là sâu sắc, mới là mãnh liệt, mới là hết mình.
Thái độ sống và yêu của Phan Thị Thanh Nhàn là một thái độ đúng mực, khiêm nhường, trân trọng. Chị hiểu cái giá của hạnh phúc nên luôn luôn chi chút, giữ gìn, che chắn, nâng niu :
Ta như hai đứa trẻ nghèo
Quả ngon chỉ dám nâng niu ngắm nhìn
Đừng bao giờ nhé, chín thêm
Sợ tan mất giấc mơ em một thời
Không đề
Yêu đương, ai mà chả chả ghen. Nhưng thái độ ghen tuông như thế nào cũng là một ứng xử văn hoá.
Hai ta ai biết vì đâu
Hai con đường rẽ xa nhau xa hoài
Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu
Con đường
Việc “xa nhau xa hoài” và thái độ ghen ngọt ngào nhưng cũng quyết liệt kia sẽ có lý do để tồn tại dài lâu trong những trái tim thiếu nữ.
Thái độ cầu xin này là một thái độ đáng khâm phục, vì người đàn bà ấy cũng còn là một thi sĩ biết nén tình cảm của mình để giữ gìn hạnh phúc cho người mình yêu:
Xin đừng bước lại gần hơn
Xin đừng gửi kẹo cho con ở nhà
Xin đừng trò chuyện gần xa
Xin đừng điện thoại, đừng qua trước thềm
Không đề
Đọc thơ Phan Thị Thanh Nhàn, ta như được thấy cuộc sống đời thường của tác giả với những yêu đương, khát vọng, lo toan, sung sướng, mất mát, đắng cay, hy vọng... Ta như được chứng kiến biến thiên tâm lí của một thiếu nữ Hà Nội lần đầu được yêu với bao thẹn thùng nũng nịu (Cửa nhà tôi). Một người đàn bà giản dị với những nỗi vui, buồn của đời thường (Trời và đất, Bàn tay, Hoa dạ lan, Với sông Hồng, Căn phòng và anh, Không đề...) và nỗi xót đau mất mát của người mất người một đời mình quí, mình yêu (Một người). Quả là một biến đổi sâu xa giữa khoảng đời thiếu nữ và thiếu phụ, hơn nữa một góa phụ:
Như chớp mắt như chiêm bao
Vừa thơ ngây đã chớm vào già nua.
Không đề
Hôm nào đó chị còn trẻ trung hăm hở “Đêm ngủ cứ chập chờn, mơ con đường phía trước” ( Trước mỗi chuyến đi) và đầy khát vọng yêu đời “Mỗi ngày sống có bao nhiêu điều đẹp quá” ( Rồi có thể)... Còn sau bao nhiêu năm tháng, chị đã khác nhiều, bởi nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ cái chính là do:
Lời yêu tan giữa bụi đời lấm lem
Những bài thơ cũ
Có phải sự đắng cay mất mát đã làm cho nhà thơ yêu mến của chúng ta mất hết mọi khả năng rung động và xúc cảm hay không? Với người thường thì thường là như vậy, nhưng với các nhà thơ thì không hẳn thế. Những cay đắng nghiệt ngã của số phận có khi lại là yếu tố làm nảy sinh những sáng tạo mới (Nghiệm ra Xuân Quỳnh, Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến đều như thế). Phan Thị Thanh Nhàn cũng vậy. Chị tự vấn:
Sao tôi không xúc động
Sao tôi không vấn vương
Tôi cứ bơ vơ mãi
Giữa cuộc đời mến thương?
Tạ lỗi
Câu trả lời có thể tìm thấy ở cuối bài “Mùa xuân”. Lòng chị vẫn còn trẻ lắm “ Lòng bỗng run như lá” đấy thôi. Ai mà chả phải có lúc giã từ tuổi trẻ. Nhưng khát vọng được sống, được yêu đâu có thể rời bỏ con người một cách dễ dàng. Còn sống còn yêu (Ratxpuchin). Chị vẫn còn có những bất ngờ:
Bất ngờ ở tuổi bốn mươi
Băn khoăn bỡ ngỡ như hồi mười lăm.
Bất ngờ
Chị vẫn còn “ Lặng im yêu vụng thương thầm” kia mà. Đau đớn xót xa đấy, nhưng đúng như lời chị tự thú:
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá.
Yêu đời
Yêu đời, yêu người đó là nguồn mạch dào dạt của thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng gần nửa thế kỉ, sau những tháng năm đằng đẵng "bao nhiêu ngày lẻ bóng, tóc chớm bạc trên đầu", liệu nhà thơ có còn bền bỉ ?
Có thể nói dù qua bao nhiêu buồn vui, sướng khổ trước nắng mưa, giông bão cuộc đời, hình như trong chị vẫn vẹn nguyên một niềm khao khát khoẻ khoắn và mãnh liệt, vừa đậm, vừa sâu, vừa dịu dàng vừa nồng ấm:
Vẫn mặn mà như biển
Vẫn sâu đằm như sông
Vẫn dịu dàng như khói
Vẫn nồng ấm như than
Mùa xuân
Dĩ nhiên những non nớt, non tơ, dại khờ đã nhường chỗ cho chín chắn và từng trải. Cuộc sống với bao nhiêu phức tạp và không ít muộn phiền tưởng như có lúc đã làm cho con người trở lên xa lạ, ngỡ ngàng với chính mình. Con người đang toan tính, đang ngổn ngang xuôi ngược này hình như không phải là Phan Thị Thanh Nhàn:
Hay là yêu một chút
Cho đỡ buồn rồi thôi
Hay cưới xin nghiêm túc
Đỡ đần nhau cuối đời
Ngày tháng không yên
Không, đấy cũng chính là chị, là người đàn bà bình thường trong chị, cũng như là người đàn bà của Hồ Xuân Hương trong những khúc tự tình xưa.
Nhìn chung Phan Thị Thanh Nhàn là người đa cảm. Chị hay xúc động, dễ rưng rưng: Lòng rưng rưng muốn khóc. Chưa gặp người lòng đã rưng rưng. Em xinh xắn đến làm tôi muốn khóc. Chị hay ước ao, mơ mộng: Tôi chợt ước có một ngày nào đó… Bước chân thơm trên cỏ mãi còn xanh. Chị dễ hờn dỗi, mủi lòng: Bỗng dưng lạnh nhạt với đời. Soi gương mình ngán mình ghê. Và đêm nước mắt chan hoà. Mặn như nước biển thấm qua môi người. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chị đánh mất niềm hi vọng: Lòng phập phồng hi vọng. Tôi vẫn đợi một ngày anh trở lại. Rồi sẽ có một ngày. Như trái táo. Người dịu dàng rụng xuống giữa tay tôi…
Những biểu hiện tình cảm nhiều khi phức tạp, mâu thuẫn, trái ngược đều có chung một mạch nguồn sâu xa:
Thì ra lòng vẫn còn duyên
Với trời đất với thiên nhiên tuyệt vời
Với mùa thu
Chính niềm khao khát "Yêu như lửa dữ. Yêu dịu hiền như gió mùa xuân" đã làm nên sự đa thanh, đa sắc của thơ Phan Thị Thanh Nhàn."
19/7/2008