bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU, THÚ VỊ!CHÚC BÁC VUI KHỎE!TRÂN TRỌNG!VŨ NHO

 

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 51
Trong ngày: 80
Trong tuần: 1096
Lượt truy cập: 723939

KÍ CỦA BÙI QUANG THANH

Phần hai
HẮT HIU NHỮNG SỐ PHẬN BUỒN

bui_quang_thanh

NHÀ THƠ BÙI QUANG THANH


1. Người đàn bà gánh chặng đường khó nhọc
Trong căn nhà cũ kỹ, tuềnh toàng, nhờ nhợ vì ánh điện
tù mù đến nhức mắt, chị Trần Thị Luận kể cho chúng tôi
nghe về gia cảnh của mẹ con chị. Chị Luận vốn dân gốc
Đồng Lộc, những năm bom đạn chị tham gia dân quân
ở địa phương và quen “chú Nhỏ phá bom” trên chiến
địa này. Mặc dầu anh Nhỏ đã lớn tuổi, gầy đét và đen
nhẻm vì suốt ngày lăn lộn với nắng lửa và khói bom, mặc
dầu biết anh đã có vợ có 2 con và vợ chồng đã ly dị nhau
nhưng tình thương và lòng cảm phục đức tính thật thà,
dũng cảm của anh đã giúp cô vượt qua mọi trở ngại. Họ
cưới nhau năm 1969 và dựng lán ở ngay bên trọng điểm
để anh Nhỏ tiện tham gia công tác. Năm 1972, địch đánh
phá trở lại và những trận bom dữ dội lại trút xuống Đồng
Lộc, cả mạn phà Linh Cảm và nhiều nơi khác. Anh Nhỏ
lên trọng điểm cả ngày lẫn đêm. Thời kỳ này địch dùng
nhiều loại vũ khí mới, đánh đêm vẫn chính xác nên anh
Nhỏ phải dùng mẹo nhử địch để chia lửa cho xe, cho cầu.
Mẹo của anh là dùng bình ắc quy ô tô bắt mấy ngọn đèn
rồi đặt ở những vị trí “vô hại” nhất. Khi có máy bay Mỹ,
anh bật đèn sáng lên nhử địch. Nhiều lần vừa đấu xong
đèn chưa kịp chạy xa “mục tiêu” thì bom đã tới, đạn 20 ly
đã xé đất xé đai. Anh Nhỏ bị sức ép, bị bom vùi, bị thương
mà vẫn bám trụ. Mẹ con chị (lúc này anh chị đã có 2 cháu
gái) ngồi trong căn hầm chữ A cách Ngã ba Đồng Lộc vài
trăm mét, nghe bom réo mà lòng như lửa đốt.

Chiến tranh đi qua, anh Nhỏ chuyển về Đoạn quản
lý đường bộ cạnh nhà nhưng đồng lương quá thấp, con
dại một đàn 6 đứa, chị nai lưng cày cuốc trồng trỉa nuôi
con. Sau khi anh Nhỏ mất, nỗi đau mất mát và gánh nặng
gia đình đổ ập lên lưng chị. Các con chị đều phải tập lao
động từ rất sớm để giúp gia đình. Cũng vì vậy mà 6 đứa
con chỉ duy nhất út Thương được học hết phổ thông và đi
học Trung cấp du lịch, còn 5 đứa lớn không đứa nào qua
hết lớp 7/12.
Sức khoẻ chị Luận từ lâu đã bị suy sụp. Chị bị thoái
hóa cột sống, lại bị căn bệnh gút hành hạ, chân cứ nổi
lên từng cục ở các khớp xương, đau buốt như kim châm.
Thật lạ, cái bệnh của “nhà giàu” tự đâu lại mò đến đeo
bám lấy người nông dân bần cùng, thiếu thốn ấy. Không
có bất cứ chế độ khám bệnh nào, kể cả sổ khám bệnh của
người nghèo; đường đi đến các trung tâm y tế lại cách trở
nên chị không được điều trị tử tế. Nghe bảo thân nhân các
“Anh hùng” cũng được hưởng chế độ người có công với
cách mạng, đã nhiều lần chị nhờ ông Nguyễn Thạch Chắt
là người chuyên làm các chế độ hưu trí của xã liên hệ xin
làm sổ khám bệnh thì được trả lời là “Không làm được!”
Chị phải chờ các con lặn lội vô Quảng Bình cắt thuốc nam
của thầy lang về tự điều trị. Hỏi chị thế từ khi anh Nhỏ
được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang
nhân dân, gia đình chị có được giúp đỡ gì không? Chị
cho biết khi đón danh hiệu Anh hùng cho anh Nhỏ, gia
đình có được nhận 5 triệu đồng, nghe nói của cấp trên (Bộ
và Sở Giao thông cho). Từ ấy lại nay ít người qua lại, cả
những lúc có việc lớn ở bên Khu Di tích Ngã ba chị cũng
chẳng bao giờ biết đến. Bàn thờ anh Nhỏ, ngoài người
thân, chẳng thấy ai đến thắp hương, kể cả những ngày lễ
Tết. Tôi chợt liên tưởng đến bài thơ “Lời thỉnh cầu ở ngã

ba Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng khi thay lời Mười
cô thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba này:
Mười chị em hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa xin dành cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp
Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi...
Để có một Đồng Lộc anh hùng gan vàng dạ sắt mà
hôm nay khắp nơi hướng trông về, hàng ngàn, hàng vạn
người con thân yêu của Tổ quốc đã dâng hiến tuổi thanh
xuân để giữ vững huyết mạch ra tiền tuyến. Đây là khu
mộ Mười liệt nữ đã ngã xuống cùng giờ, cùng tháng, cùng
năm. Kia là đồi liệt sĩ của hơn 600 cán bộ công nhân viên
ngành Giao thông Vận tải Hà Tĩnh dù nằm sát ven đường
mà vẫn lạnh vắng khói nhang. Còn đâu là nơi tưởng niệm
các chiến sĩ phòng không? Đâu của các chiến sĩ công binh,
lái xe, dân công hỏa tuyến? Đâu nữa là những chiến sĩ
trên đường hành quân ra trận đã không qua nổi tọa độ
lửa này? Và đâu là tượng đài của lòng dân Đồng Lộc và
những vùng phụ cận đã ngày đêm sát cánh chung lưng
cùng lực lượng đảm bảo giao thông... Tôi cũng chợt nhớ
rằng, không hiểu từ bao giờ, khu mộ 10 thanh niên xung
phong dù khá chật hẹp và phải thực hiện nhiều ý tưởng
xây dựng tập trung nhưng có quá nhiều cây đa cây đề của
các vị quan chức trồng lưu niệm chen chúc nhau, mỗi cây
cõng trên thân mình một tấm thẻ ghi tên tuổi chức danh
các vị. Tấm thẻ nào cũng lớn hơn nhiều lần kích thước
những cây con ấy. Giá như những cây đó, tự tay họ trồng

trên các khu đất trống ở Đồng Lộc như mong muốn của
các liệt nữ đã nhờ nhà thơ nói hộ thì thực tế hơn nhiều.
“Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp”. Vâng! Với những
người đã hiến thân cho đất nước, chúng ta không được
phép quên ai, nếu đã trót quên thì phải mau nhớ lại...
Như hiểu suy nghĩ của tôi và để an ủi, sẻ chia, chị Luận
đưa chúng tôi sang một ngôi nhà xây khá xinh xắn cách
căn nhà tồi tàn chị đang ở không xa. Căn nhà này có bàn
thờ anh Nhỏ, treo nhiều Huân, Huy chương và Bằng chứng
nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Chị bảo cách
đây chưa lâu, Bộ Tư lệnh Công binh đã về tài trợ cho gia
đình hơn ba chục triệu. Bộ Tư lệnh Công binh không phải
là đơn vị anh Nhỏ công tác nhưng chiến công của anh gắn
liền với sự nghiệp và vinh quang của người chiến sĩ công
binh, vì vậy món quà bất ngờ này là món quà lớn nhất
của gia đình Anh hùng Vương Đình Nhỏ từ xưa tới nay
nhận được, cộng thêm 10 triệu đồng của một cơ quan báo
công an ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ đã giúp chị có
căn nhà này làm nơi hương khói cho anh, cũng là chỗ ở
cho cậu con trai thứ 5 là Vương Đình Nhàn và cô út tên
Thương. Ba cô gái đầu của anh Nhỏ và chị Luận, nhờ trời
khá xinh gái nên dù học hành không qua nổi lớp 6, không
có việc làm vẫn lấy được những người chồng tử tế. Riêng
hoàn cảnh 2 cậu con trai của anh Nhỏ thì thật se lòng.
2. Nhân mà chưa gặp “ái”
Vương Đình Nhân, người con trai lớn của Anh hùng
Vương Đình Nhỏ sinh năm 1974. Vì nhà nghèo mà chỉ học
qua mù chữ là Nhân đã phải về lao động cùng bố mẹ. Bố
mất lúc Nhân vừa 16 tuổi, cậu phải đi khai thác đá thuê
trên núi để kiếm sống. Nhân đã có vợ và một đứa con.
Một lần Nhân bị đá đè nát toàn bộ chân phải tại công

trường. Tai nạn xảy ra với cậu lúc 8 giờ sáng, xương ống
chân phải bị dập nát nhiều chỗ, máu chảy triền miên đến
chập tối mới cầm được. Mẹ con chạy khắp nơi mà không
chữa nổi cái chân dập nát, cô vợ của Nhân đành rứt áo ra
đi để lại đứa con 18 tháng cho Nhân và bà nội nuôi. Đứa
trẻ giờ đây đã học lớp 8 rồi. Thương bà và cha, ngày ngày
nó phải lên đồi bứt cây rành rành về bán cho người ta làm
chổi để mua thuốc men cho cha và góp sức giúp bà. Gần
17 năm nay Nhân mang chiếc chân què khập khà khập
khễnh đi lao động kiếm sống. Đến nay cái bánh chè nơi
đầu gối bị tụt xuống, nước từ ống tuỷ vàng vàng đục đục
chảy ra mà không có tiền để chữa trị. Thấy Nhân quá vất
vả và bế tắc, một vài người bạn cùng tuổi, cùng quê đã
đưa Nhân vào Đà Lạt xin phụ việc ở một lò mổ gia súc
để nhận phần lương mỗi tháng 1 triệu đồng. Một triệu
đồng chi phí cho ăn ở sinh hoạt nơi xứ “hoa đào” đắt đỏ
ấy, Nhân chẳng tích góp được bao lăm. Dù sao cũng có
công việc và có thu nhập. Nhưng nỗi mừng chưa kịp lan
hết người thân thì cái chân què giở chứng. Do tiếp xúc với
môi trường nhiều xú khí của công việc tể lô, vết thương
cũ nhiễm trùng, sưng nhức và rò tủy từ những chỗ xương
bị vỡ không liền được. Đã mấy lần Nhân điện về cho mẹ,
các chị về hoàn cảnh của mình, Nhân chỉ ước được ai đó
mở lòng nhân ái giúp cho anh có tiền đi phẫu thuật lại cái
chân đang dần tự hủy hoại cơ thể và sự sống của mình.
3. Vương Nhàn và cuộc đời tầm nhạ
Vương Đình Nhàn, đứa con thứ 5 và là con trai thứ 2
của Anh hùng Vương Đình Nhỏ sinh năm 1982. Cao to,
đẹp trai nhưng cũng chỉ học đến lớp 6 như các chị và anh
rồi về nhà đi rú (rừng). Nghề đi rú của Nhàn hơi lạ: tầm
nhạ. Đã lâu lắm, có lẽ từ thuở hồng hoang, một số rất ít

người trong cộng đồng đã tìm ra thứ bẫy “dính” từ nhựa
của một loài cây để bẫy chim trời làm kế mưu sinh. Loài
cây này khá bí hiểm, ở đâu đó trong sâu thẳm đại ngàn,
không có tên riêng nên người ta gọi luôn là “nhạ” (tiếng
Hà Tĩnh là nhựa). Nhàn theo người lớn đi nhạ đã rất lâu
và đây là thu nhập chính của cậu. Hãy nghe chàng trai
“kẻ rú” - con trai người Anh hùng - kể về những cuộc đi
nhạ của mình: từ Đồng Lộc, Nhàn và bạn nghề phải cơm
đùm gạo bị, trèo đèo lội suối tắt qua đất Lào để tìm đến
nơi cây nhạ sống. Việc tìm được cây nhạ không dễ dàng
vì nó mọc lẻ loi, lẫn trong rừng cây rậm rì, hoang vắng.
May mắn gặp được cây nhạ, người ta bóc lấy vỏ, đập dập
thật kỹ rồi tìm một nhánh suối nào đó để ngâm hoặc chôn
xuống nước. Phải ngâm hoặc chôn đến 6 tháng thì vỏ nhạ
mới cho thứ nhựa dẻo quẹo có thể dính bết bất cứ thứ gì nó
bám vào, vì vậy việc “nuôi” đám vỏ nhạ trong rừng, dưới
suối là rất phiêu lưu. Nào mưa lũ cuốn trôi, nào người
khác chiếm đoạt, nào lạc chỗ tìm không ra... Mỗi kỳ đi tìm
nhạ, Nhàn phải đi mất gần chục ngày, mỗi tháng đi 2 lần
mang về được vài chục ký là nhiều lắm rồi. Tuy làm nhạ
vất vả như vậy, rủi may lại bấp bênh nhưng trúng được
nhạ mang về tận nhà, những người nghèo như Nhàn lại
phải nhập giá rẻ cho các ông chủ nhạ. Bởi không có tiền
làm lưng vốn cho chi phí đi rừng, hầu hết họ bán “nhạ
non” cho các đầu nậu trước mùa nhạ. dĩ nhiên giá nhập
phải thấp hơn rất nhiều lần giá thị trường. Nhàn cho biết,
giá như thời điểm hiện nay, dăm yến nhạ chỉ nhập được
khoảng 5 - 6 triệu đồng. Chi phí đi về, ăn ở trong rừng
thì cả tháng, bán máu cho vắt, ngửa mặt cho ruồi vàng,
ăn kham ở khổ cũng chỉ thu nhập dăm trăm ngàn đồng.
Đó là chưa kể tiền xăng và khấu hao xe máy. “Bây giờ đi
qua Lào phía Quảng Bình, bọn em phải vay mượn sắm xe

để chủ động lên gần biên giới. Xe sắp tàn rồi mà vẫn nợ
anh ơi!”. Hỏi ước mơ của Nhàn? Cậu buồn bã: “Ước gì có
cái xe công nông mà chạy quanh làng kiếm sống để giúp
mẹ, giúp anh Nhân”. Nhàn bảo cậu phải bỏ nghề sơn lâm
này thôi, cực khổ đã đành, hiểm họa cũng luôn rình rập.
Mới năm ngoái đây thôi, làng này có đến 3 người đi nhạ
không trở về. Lũ quét rừng Lào đã nuốt mất họ. Tôi xa xót
thầm nghĩ, sao Nhàn không ước lấy một cái ô tô nhỏ của
Trung Quốc luôn. Bây giờ ai ước xe công nông nữa. Mà
giá có cũng không ai cho lưu hành. Một chiếc xe tải nhỏ
của Tàu để giúp cho cuộc sống của cậu và gia đình có lẽ
cũng không khó, nếu những “bà Tiên, ông Bụt” của thời
nay thấu hiểu được hoàn cảnh và mơ ước của cậu mà mở
tấm lòng vàng chia sẻ cùng những số phận bi thương.
4. Phần kết
Như đã nói ở phần trên, trong 6 người con của Anh
hùng Vương Đình Nhỏ, có duy nhất út Thương được
học hết phổ thông bởi sự cố gắng của cả nhà. Tốt nghiệp
Trung cấp hướng dẫn viên du lịch ở một trường ngoài Hà
Nội, với tính nết hiền lành, dễ mến, lại biết hoàn cảnh của
Thương, một vài người bạn của anh Nhỏ ở Bộ Tư lệnh
Công binh gợi ý xin cho em vào làm ở Hà Nội. Thương đã
cám ơn nhưng cô từ chối vì cô phải về gần mẹ. Ước mong
của cô đi học du lịch cũng khá đơn giản và rõ ràng: được
về ngay Ngã ba Đồng Lộc công tác tại khu Di tích. Nhờ sự
giới thiệu của anh Hà Thạch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Hà Tĩnh, Thương được về thử việc ở Ban quản lý Khu
di tích Đồng Lộc. Hà Thạch bảo tôi, nếu cố gắng làm tốt
nhiệm vụ, Thương sẽ được biên chế trong thời gian sớm
nhất. Nếu được vậy, chắc hương hồn Anh hùng Nhỏ nơi
suối vàng cũng bớt nguôi ngoai...
Đồng Lộc, 13 tháng 7 năm 2008

bia_bui_q._thanh

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)