bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 11
Trong ngày: 75
Trong tuần: 845
Lượt truy cập: 756568

LỘC VƯỜN TAM ĐẢO

LỘC VƯỜN TAM ĐẢO

          KÍ CỦA ĐĂNG BẨY

 

Lộc trời đâu phải vô biên

Người đầu tiên được hưởng lộc vườn Tam Đảo tôi biết là cô bạn ở quê, một Đội trưởng Thiếu niên xuất sắc được Tỉnh Đoàn chọn lên đó dự trại hè. Mấy hôm sau về, thấy cô biết thêm nhiều bài hát mới, nhiều trò chơi mới, đặc biệt là làn da ánh mắt thì quả là… một nàng tiên vừa từ núi xuống! Hồi ấy, ai có tiêu chuẩn được lên Tam Đảo một lần đã được coi là sang lắm, chẳng như bây giờ, hễ muốn là có thể vù lên đó theo diện du lịch cuối tuần.

Rồi tôi cũng được vài lần đến thưởng ngoạn miền đất hứa, giữ lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có cuộc làm quen với một phụ nữ tên Thọ…

Nguời đàn bà ấy sinh ra, lớn lên, lấy chồng, đẻ con trong sương mờ Tam Đảo và sống nhờ rừng Tam Đảo, từ thanh củi cây que đến ngôi nhà tổ ấm của mình. Chị cũng đã từng đi theo phường săn, hồi đó chẳng khó gì vẫn gặp những cá thể gấu, hổ hoặc báo lửa, còn lợn rừng hay khỉ thì cả đàn cả lũ… Cho đến một hôm, khi lẳng lặng chĩa nòng súng vào mục tiêu, thấy đó là con khỉ mẹ đang ve vuốt khỉ con, chị đã rụng rời chân tay và chấp nhận buông súng. Bây giờ, miệng thỉnh thoảng lại kêu ca tật bệnh, “đã hỏng hóc toàn bộ” như lời chị Thọ – nhưng hễ được ai khen là nhan sắc còn mặn mà, chị cười xuê xoa: “Nhờ cây thuốc, nhờ lộc của Tam Đảo đấy”.

Cái cảm giác về một Tam Đảo thánh thiện hằng hiện hữu trong tôi rồi cũng vỡ òa ra ở lần thăm gần đây nhất, vì lần này tôi không ngược lên tới tận Thị trấn Du lịch, nơi đã sẵn những điểm tổ chức hội nghị, trại sáng tác văn học nghệ thuật hoặc nghỉ dưỡng trong mây, mà dừng tại cây số Mười Ba. Chỗ này trước kia luôn luôn có một cây chắn (barie) để kiểm soát những ai lên - xuống núi, vì trên đó đã là rừng cấm. Bây giờ, có thêm ngành “công nghiệp xanh”, theo cung cách dịch vụ thời mở cửa, vật chướng ngại ấy đã lùi vào lịch sử. Cũng vậy, từ 15-5-1996, rừng cấm của tuổi thơ tôi đã chính thức trở thành Vườn Quốc gia Tam Đảo, cái tên nghe thật hiền, nhưng cũng bớt đi sự uy nghiêm của chốn núi cao rừng thẳm.

Càng tìm hiểu sâu công việc của Vườn Quốc gia Tam Đảo, tôi càng thấm thía câu nói cửa miệng người đời “Lộc trời đâu phải vô biên”. Bao cây cổ thụ ở chốn cheo leo đã bị đốn, bị xẻ thành từng súc từng đoạn, rồi bí mật theo khe theo suối tuồn xuống đồng bằng. Đã có không ít người lên tiếng về sự thiếu vắng bóng cây, bóng chim, bóng thú khi đến thăm rừng, và lạ lùng hơn – đến cả bươm bướm, côn trùng cũng ngày một khan hiếm. Đã có một hồi dân địa phương đua nhau đi hái hoa bắt bướm về bán cho những đường dây tuồn tiêu bản ra nước ngoài, mà chẳng ai biết rằng mình đang làm mai một nguồn gen đặc hữu của quê hương đất nước. Một tiến sĩ côn trùng học từng nhiều lần cải trang đi khảo sát Tam Đảo, đã luồn sâu được vào đường dây ma quỷ ấy không chỉ một lần... Phải khảo sát, điều tra, tìm ra phương sách cải thiện tình hình, để đến thời điểm hiện nay, tiến sĩ rất tự tin khẳng định: nếu như trước đây, mở mạng internet ra là thấy nhan nhản những lời rao bán côn trùng có xuất xứ từ Việt Nam, thì bây giờ thông tin loại đó đã vắng hẳn.

 

Tài nguyên – Cần kịp vãn hồi

Sự đời, nhiều thứ hầu như sẵn có bên mình, nhưng do lơ đãng, hoặc do lạm dụng, ta bất giác hốt hoảng vì thứ gì cần tìm lúc này cũng rất hiếm. Có nhiều chuyện về những cuộc truy tìm kiên nhẫn và ly kỳ để cứu vãn tài nguyên.

Tam Đảo có 6 loại hoa đỗ quyên mọc từng chùm, thay nhau nở vào tất cả các tháng trong năm, mỗi loại hoa một màu sắc riêng - đỏ, trắng, vàng, tím nhạt, đỏ nhạt, trắng hồng…- và tỏa mùi thơm dìu dịu. Tuy nhiên, những năm gần đây hoa đỗ quyên hầu như không còn trên dãy núi Tam Đảo, do người dân khai thác quá nhiều để bán làm cảnh và làm thuốc chữa ho. Bằng phương pháp giâm hom, gieo hạt, chiết cành, đồng thời ứng dụng cách bón phân, phun thuốc, xử lý nhiệt độ, ánh sáng hợp lý, các nhà nghiên cứu của Vườn Quốc gia Tam Đảo đã thuần dưỡng, bảo tồn thành công, dù nhân giống trong môi trường nhân tạo nhưng vẫn đảm bảo màu sắc, hương thơm như sống trong môi trường tự nhiên, mỗi chậu hoa cảnh có giá trị từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng... Phát hiện mới nhất được ghi ngày 13-10-2008: Các nhà nghiên cứu động vật khám phá tại Suối Bạc, ở độ cao 750 mét so với mực nước biển, thuộc Vườn quốc gia Tam Đảo, loài rắn Má Dài - một trong 19-20 loài rắn Má Opisthotropis thuộc họ rắn Nước Colubrid còn lại trên thế giới, nhưng ở Việt Nam chỉ còn 6 loài thôi. Khám phá này là một trong những minh chứng về tầm quan trọng của Vườn Quốc gia Tam Đảo trong sự nghiệp bảo tồn các loài động vật đặc hữu của nước nhà và thế giới. Chắc chắn rồi rắn Má Dài sẽ phải được hưởng số phận như của loài Chàng Xanh Đốm (ếch cây, tên khoa học là Polypedates dennysii) chỉ thấy ở vùng núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Bình, còn trên thế giới, chỉ xuất hiện ở Myanmar và Trung Quốc. Từ hai cá thể thu được năm 2005 tại Vườn Quốc gia Tam Đảo, Trại nghiên cứu thực nghiệm các loài bò sát, ếch nhái thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã gây nuôi sinh sản thành công được 300 cá thể Chàng Xanh Đốm và ngày 15-6-2008 đã tiến hành tái thả về Vườn Quốc gia Tam Đảo. Chương trình nghiên cứu này hết sức có ý nghĩa đối với việc duy trì loài ếch cây ngoài tự nhiên - một loài vật tưởng chừng chẳng là gì trong lẽ sinh - tồn của trái đất. Còn có một sự thật nổi cộm hơn: Tổ chức Động vật châu Á đã cảnh báo rằng hiện Việt Nam chỉ còn chưa đầy 100 con gấu đang sống ngoài tự nhiên, hơn 4.400 con đang được nuôi nhốt trong các trang trại, chủ yếu để hút mật kinh doanh. Thực trạng này khiến Tam Đảo xúc tiến thành lập Trung tâm Cách ly - Cứu hộ Gấu đầu tiên của Việt Nam. Trung tâm được đầu tư với số tiền trên 3,3 triệu USD, hoạt động từ tháng 4-2008, với những thiết bị vào loại hiện đại nhất châu Á, có thể nuôi dưỡng 200 cá thể gấu cùng một lúc… Khu cách ly được vận hành khoa học, khách vào khu cách ly phải qua khử trùng, không được phép vào các buồng gấu nhằm đảm bảo cho chúng khỏi nhiễm mầm bệnh. 22 con gấu hiện đã nhập Trung tâm, chúng được nữ chuyên gia Hà Lan Anne Marie cùng các chăm sóc viên đánh giá tình trạng sức khỏe, tính cách và các hành vi, sau đó được chuyển sang khu nhà phục hồi sức khoẻ, sang khu quây nuôi gấu bán tự nhiên. Ông Lê Văn Xứng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Hợp tác quốc tế của Vườn cho biết: Tổ chức Động vật châu Á đã tài trợ cho Trung tâm này, và nếu có hiệu quả, sẽ tài trợ tiếp; cũng như thế, Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức đã tài trợ 1,8 triệu euro cho Dự án Quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo và vùng đệm giai đoạn I (2003-2006), thấy thành công, bèn tài trợ tiếp 2 triệu euro cho giai đoạn II.

 

Vệ sĩ rừng xanh

Hơn bảy chục con người ở Vườn Quốc gia Tam Đảo trong suốt 12 năm qua đã bám đất, bám rừng, bám dân một cách bền bỉ để thực thi trách nhiệm của những vệ sĩ rừng xanh. Họ đã lập được mối quan hệ gắn bó với dân cư 27 xã của 4 huyện thuộc 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang trong tất cả các việc, từ hiếu hỉ của từng gia đình, đắp đập qua suối đến trang bị thông tin, kiến thức…cho người dân trong vùng. Trong những năm gần đây, Ban Quản lý Vườn đã phối hợp với các địa phương, từ chính quyền đến các tổ chức xã hội (Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, trường học…) làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Vườn Quốc gia Tam Đảo thành lập 24 Ban chỉ huy và 126 tổ xung kích chữa cháy rừng được trang bị những phương tiện chữa cháy cần thiết, được tập huấn chi tiết để phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng ứng cứu. Các chiến sĩ Kiểm lâm được bố trí canh gác các trạm, chốt bảo vệ rừng xung quanh núi Tam Đảo, phối hợp với Hạt Kiểm lâm các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sơn Dương (Tuyên Quang), Đại Từ (Thái Nguyên) và các hộ nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra, bắt và xử lý đối tượng vi phạm lâm luật. Biến hình ảnh người chiến sĩ Kiểm lâm “thét ra lửa” thành người đồng tâm đồng chí với dân, Vườn Quốc gia Tam Đảo là đơn vị đã khước từ khoản kinh phí hàng chục triệu đồng cho việc mua chó nghiệp vụ và trao trả vũ khí quân dụng được nhà nước trang bị. Tránh dùng vũ lực, chỉ dùng sức thuyết phục để dân trong vùng tự giác ngăn chặn lâm tặc, bảo vệ và phát triển diện tích rừng – đó là điều tâm đắc của Thạc sĩ – Giám đốc Đỗ Đình Tiến. Sau 10 năm đầu, Ban Quản lý Vườn đã giao khoán rừng cho các hộ dân xung quanh núi Tam Đảo chăm sóc và ký cam kết bảo vệ rừng với 3.161 hộ ở các xã vùng đệm, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ nhận khoán thực hiện quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng đặc dụng đúng mùa vụ. Mỗi năm Vườn Quốc gia Tam Đảo trồng thêm 300-400 ha, riêng năm 2006, trồng cả 900 ha đều sống. Nếu tính sau 10 năm đã có thêm 5.000 ha, cộng với 20.000 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ, thì độ che phủ của rừng đã từ 60-61% lên 83-85%. Những người gắn bó với rừng Tam Đảo đều tự hào vì mỏm Mũi Cày mãi tít trên cao vốn trơ trọi, chỉ loi thoi lau lách, nay đã trùm dưới một tấm chăn óng biếc của rừng thông đuôi ngựa và cây bản địa… Có thêm một vạt cây rừng trên cao là có thêm một nguồn nước sạch dưới đất: hồi cuối thập niên 80, dân làng Bả xã Hồ Sơn thường phải đi xa hơn cây số lấy nước về, nhưng nay, nước trồng lúa ở vùng này còn thuận lợi hơn ở dưới xuôi rất nhiều. Các loài thú như hươu, nai, hoẵng, mang, lợn lòi, gấu, mèo rừng, sóc, chồn, cáo vắng bóng từ hàng chục năm trước thì nay đã xuất hiện trở lại. Khu hồ Thanh Lanh lại có từng đàn hươu nai xuống uống nước, từ độ cao 200 trở lên đã xuất hiện dấu vết dũi của nhiều đàn lợn lòi. Đêm đêm, tiếng nai, hoẵng, mang giác vang rừng. Nhiều bộng ong, hang đá có dấu hiệu của các loài gấu ngựa, gấu chó sinh sống, kiếm ăn. Rõ nhất là những đàn chim như vẹt, khướu, tu hú, sáo sậu, mỏ cày, vòi voi, cò, vạc, sâm cầm, những loài chim sống dưới đất như đa đa, gà rừng, chim dẽ đều đã xuất hiện trở lại, điều mà từ hàng chục năm nay không hề thấy...

Đi đôi với các việc nhằm an sinh xã hội, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam mở lớp tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân ở 3 thôn của xã Đạo Trù, 2 thôn của xã Ninh Lai... Đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ năm 2007 - cùng các trường Đại học ở Hà Nội, Tổ chức Hỗ trợ Kỹ thuật Đức (GTZ) và một số Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên hoạt động tại Việt Nam (WWF Greater Mekong, EVN, IUCN) mở Trường Rừng, đưa du khách trẻ từ Hà Nội và các tỉnh xa lên sống với rừng xanh yêu thương, tiến hành hàng loạt hoạt động bảo tồn, giáo dục môi trường: tham quan hệ thực vật: về đất, về cây bản địa; khảo sát loài linh trưởng; loài chim, loài lưỡng cư, bướm, côn trùng... Trong năm đó, Vườn quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với GTZ, Dự án quản lý Vườn Quốc gia Tam Đảo và vùng đệm tổ chức 15 khóa tập huấn bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho cán bộ công chức về lĩnh vực tin học cơ bản, nâng cao, kỹ năng lập kế hoạch, sử dụng bản đồ tuần tra bảo vệ; sử dụng máy định vị GPS và các kiến thức chuyên môn. Tại đây, ngày 14-9-2008 - cùng Tổng cục Môi trường, Toyota Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp tổ chức mở lớp bồi dưỡng cốt cán của các Vườn Quốc gia trong khuôn khổ Chương trình Hành trình Xanh - Bảo tồn Thiên nhiên (Go Green). Chương trình kéo dài trong 3 năm (từ 2008-2011), nhằm đào tạo và xây dựng mạng lưới cán bộ của các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng như người dân địa phương để việc bảo vệ môi trường ở những nơi này đạt hiệu quả hơn. Trên cơ sở thực tiễn, chương trình sẽ xây dựng chiến lược lâu dài, nhân rộng mô hình giáo dục và áp dụng rộng rãi tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trong cả nước, đồng thời liên kết với các quốc gia khác trong khu vực. Rủ rỉ tâm tình với những vệ sĩ của Tam Đảo xanh, từ chuyên viên khoa học Lê Văn Xứng đến những công nhân đang chọn hạt giống thông đuôi ngựa, tôi thấy tâm hồn các vệ sĩ của rừng cũng đa sầu đa cảm. Họ cũng ấn hành 800 cuốn tập san Rừng xanh đưa đến với khoảng 5.000 lượt học sinh THCS ở ven núi huyện Tam Đảo và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Lục lại ký ức, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng “nàng tiên” của Đội Thiếu niên làng tôi ngày nào rồi cũng gia nhập đội quân trồng rừng, và ông Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo Trương Quang Khiên đã lên tặng các đồng nghiệp tập thơ đầu tay Mầm lửa do Nhà xuất bản Hội Nhà văn khai sinh, trong đó có nhiều bài đã được đăng ở báo chí trung ương Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Trẻ, Nhân dân Cuối tuần… Họ cất lên tiếng lòng để ghi lại niềm tự hào đối với công việc của mình – vãn hồi tài nguyên cho đất nước và tạo dựng cảnh quan thiên nhiên cho vùng du lịch…

Ấy vậy mà cuộc sống đãi ngộ cho họ quả thực quá nghèo nàn so với những giá trị do lao động của họ mang về… Theo cách tính của Thạc sĩ – Giám đốc Đỗ Đình Tiến: mỗi năm, một ha rừng sẽ tăng trưởng đều đều, cho thêm 5 mét khối gỗ, thì trên dưới ba chục nghìn ha rừng của Vườn Quốc gia Tam Đảo mỗi năm mang về cho đất nước khoảng 140.000 mét khối gỗ, trị giá xấp xỉ 70 tỷ đồng. Nguồn thu đó quả là khổng lồ so với ngân sách hàng năm rót cho Vườn Quốc gia Tam Đảo, nhưng đâu đã có thể trích vào quỹ phúc lợi cho cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Vườn. Cũng như vậy - những vệ sĩ của rừng làm nên cảnh quan tươi đẹp được hưởng gì từ những thu hoạch của ngành du lịch tại chính Tam Đảo này?

Lộc vườn Tam Đảo, do người Tam Đảo vun trồng, đã và đang trở thành tài nguyên đất nước… Các vệ sĩ rừng xanh theo câu châm ngôn “lộc bất tận hưởng”, yên dạ để dành cho những thế hệ mai sau…


Vĩnh Phúc, 12-08


vbnhuy

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)