Vũ Nho
MÀU ĐỎ ÁO TRONG THƠ
Áo đỏ vào thơ chắc đã từ lâu lắm. Trong “Nhị thập tứ hiếu diễn ca” đã thấy cái áo đỏ xúng xính của Lão Lai tử ngoại bảy mươi múa hát làm vui lòng cha mẹ:
Đỏ hoe màu áo bạc phơ mái đầu
Rồi trong “Nắng mới “ của Lưu Trọng Lư ta gặp chiếc áo đỏ người mẹ phơi trước dậu thưa. Những bài thơ của Đoàn Văn Cừ cũng ánh lên sắc áo đỏ:
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm
Cũng có thể ngược lên xa hơn nữa để thấy màu áo “đỏ tựa ráng pha”, chiếc áo bào hào hoa của “chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt” (Chinh phụ ngâm). Nhưng tất cả không phải là áo mà bài viết này muốn nói đến – áo đỏ của người phụ nữ cháy như ngọn lửa.
Có lẽ cái áo đỏ đầu tiên cháy lên trong thơ gây một ấn tượng và một hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ là chiếc áo của người vợ trong “Cuộc chia li màu đỏ” của Nguyễn Mỹ:
- Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
- Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trong buổi chia li
Vườn cây xanh và chiếc nón kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Cái áo đỏ ấy cứ ngời lên, cứ hừng lên, cứ cháy lên làm cho cuộc chia li trở thành cuộc chia li màu đỏ. Và hình như cũng từ vết cháy ấy, màu đỏ áo bừng lên trên nhiều nẻo đường thơ.
Nguyễn Duy là nhà thơ viết nhiều về áo. Màu áo cô gái trong thơ anh là màu trắng:
- Áo em trắng đi từ xa vẳng lại
- Em ơi áo trắng bây giờ về đâu
Cũng dễ hiểu thôi, đó là màu áo trong hai bài thơ gắn liền với Huế. Phần lớn những tấm áo khác đều không rõ sắc màu, nhưng không phải vì thế mà không giàu sức gợi :
Tóc em dài cho ta nhìn thấy gió
Áo em bay cho mờ tỏ thân hình
(Một góc chiều Hà Nội)
Khi thì đó là chiếc áo ướt mỏng tang:
Áo em ướt lẫn vào da, tóc lẫn vào gió
(Mưa trong nắng, nắng trong mưa)
Khi thì chiếc áo nóng bỏng:
Áo em bốc khói dưới trời mưa tuôn
(Đám mây dừng lại trên trời)
Cũng có khi lại rất mơ hồ:
Người con gái chợt qua đường
Áo em mong mỏng màn sương núi đồi
(Bất chợt)
Trong thơ Nguyễn Duy không có cái áo đỏ của một cô áo đỏ cụ thể nào. Áo đỏ chỉ là một cái cớ để gợi nhớ màu hoa gạo quê hương:
Tương tư hoa gạo quê nhà
Tự nhiên áo đỏ làm ta giật mình
(Hoa gạo)
Với Nguyễn Trọng Tạo, “áo đỏ” là phương tiện thể hiện bản lĩnh của cô gái. Cô không muốn dễ dãi, vâng lời người mình yêu, sợ rằng trở thành cái bóng của anh:
Biết anh thích màu xanh
Em mặc màu áo đỏ
- Đừng trách em anh nhé
Em không muốn dối mình
(Đôi lời với anh)
Tô Hà nhìn thấy áo đỏ trong công viên mà thấy cả thiên nhiên đất trời cũng xôn xao bừng sáng (Và dĩ nhiên ai dám bảo trong anh không bừng sáng xôn xao!):
Người là hoa đấy hỡi yêu thương
Áo ai đỏ quá xôn xao nắng
Như lửa cây xanh thắp sáng vườn
(Vườn Thống Nhất)
Phạm Tiến Duật say mê ngắm người áo đỏ, nhưng đó là “Cô áo đỏ trong tranh”. Chính cô đã làm cho anh viết được cả một bài thơ độc đáo. Vốn là người nhạy cảm với màu sắc ( cứ xem lời bình bài “Bên kia sông Đuống” thì biết), Phạm Tiến Duật bình luận về màu đỏ khá tự tin:
Áo đỏ như cờ đột ngột hiện ra
Không phải đỏ như màu đỏ của son thoa
Đỏ như lửa đỏ hắt hồng lên má
Màu đỏ cháy lên làm tôi hồi hộp quá
Áo đỏ như cờ chắc không chỉ là sự giống nhau bề ngoài, mà hình như tác giả đã thấy sự thiêng liêng bên trong của màu sắc trên thân thể thanh xuân. Vì thế mà màu đỏ :
Đánh bạt hết bao nhiêu là cực nhọc
Những rác rưởi bùng nhùng mưa phùn và gió bấc
Bài thơ có thể kết bằng suy tưởng khái quát:
Bao nhiêu ngôi nhà khuất trong tường, trong bếp
Như đều có một cô áo đỏ ở bên trong
Nhưng tác giả đâu chỉ khen người áo đỏ của tranh. Đột ngột anh tiết lộ:
Tôi cũng có một cô áo đỏ hừng như thế
Chỉ có điều không muốn vẽ ra thôi
Đến đây thì ta hiểu vì sao anh viết nhiều, khen nhiều về cô áo đỏ trong tranh như vậy.
Hải Vân viết thơ “Gửi người áo đỏ”. Cô gái áo đỏ bỗng được sánh với trời xanh:
Em mặc áo đỏ
Trời mặc áo xanh
Mắt em đọng giọt
Sao trời khô hanh
Viết riêng về áo đỏ khá thành công phải kể đến bài tứ tuyệt của nhà thơ Vũ Quần Phương:
Áo đỏ em đi giữa phố đông
Cây xanh như cũng ánh theo hồng
Em đi lửa cháy trong bao mắt
Anh đứng thành tro em biết không
Câu thơ thứ ba viết đã giỏi vì không chỉ có lửa của áo cháy mà lửa còn cháy lên trong mắt những ai nhìn. Nhưng câu thơ kết lại càng đột ngột và thú vị. Hóa ra sự “cộng hưởng” lửa mãnh liệt đã không chỉ cháy trong mắt mà còn thiêu thành tro toàn bộ thi sĩ đa tình.
Nhà thơ Phan Xuân Hạt viết về màu áo đỏ nhưng lại gắn với lời thơ “Màu áo câu thơ day trở khôn cùng” và “áo đỏ” bỗng làm cho người trần anh yêu trở nên thần thánh:
Màu đỏ áo em chiều hôm cháy rực
Chia tay anh lửa đốt sôi lòng
Lộng lẫy em hay nữ thần nhan sắc
Cho anh về không ngủ trắng đêm mong
Ánh lửa ấy cứ cháy mãi trong lòng anh trong thơ anh:
Ánh lửa tình ta, thơ anh nỗi nhớ
Màu áo câu thơ cháy mãi bập bùng
Phải chăng đó cũng là năng lượng làm cho những bài thơ tình của Phan Xuân Hạt vẫn có được sự cuồng nhiệt, say sưa, trai trẻ.
Hoàng Thế Sinh cũng viết về màu áo đỏ. Những câu thơ vừa trẻ trung vừa đầy khao khát, mơ mộng như tuổi trẻ của anh:
Em đời thường với mái tóc xanh
Dáng nhỏ giữa bộn bề sách vở
Màu áo đỏ em đi về như lửa
Con đường xanh riêng một mặt trời
Con đường xanh mưa gió nắng nôi
Năm tháng mở những chân trời khao khát
Còn bao nhiêu bài thơ viết về áo đỏ mà ta chưa được biết. Chắc là nhiều lắm. Chẳng thế mà Châu Hồng Thủy đã phải thốt lên (lại cũng trong một bài thơ viết về áo đỏ) :
Đã quá nhiều thơ viết về áo đỏ
Người viết hoài nghi nghĩ tới tính chất “nước đổ lá khoai” của những bài tụng ca áo đỏ kia:
Biết bao người áo đỏ chẳng đọc thơ
Chẳng biết mình đã gây nhiều đám cháy
Ở trong lòng của những kẻ si mê
Nếu quả như thế thì cũng đáng buồn thật. Nhưng nghĩ lại, cũng chẳng sao. Những bài thơ áo đỏ viết ra đâu chỉ dành riêng cho những người áo đỏ đọc và xem. Các nhà thơ khám phá sắc đỏ còn để tặng mọi người những sắc màu muôn vẻ của cuộc sống trong sự cảm nhận và trong tâm trạng của riêng mình. Vì vậy màu đỏ áo vẫn là một sự chào mời, sự thách thức những người viết. Chắc chắn có không ít những câu thơ tuyệt hay đang chờ xuất hiện hoặc đã cháy lên rồi./.
V.N
In trong cuốn : Vũ Nho- Đi giữa miền thơ, Nxb Văn Học, 1999
Người gửi / điện thoại