Tôi chưa được đi nhiều nơi nên không dám nói rộng. Chỉ biết trong phạm vi dải đất hình chữ S, ngay cả những nơi không có mùa Đông hay đúng hơn là không có cái lạnh của mùa Đông thì người VN vẫn luôn cho rằng mùa Đông là giá rét, là khắc nghiệt
Vì lẽ ấy khi lướt qua đầu đề bài thơ “Mùa đông không lạnh” của tác giả Tâm Dung, tôi thấy có cái gì lạ lạ. Thói quen trong tôi càng thấy lạ, càng phải đọc kỹ. Và...tôi đọc đến thuộc lòng bài thơ
Bài thơ có 4 khổ (tôi tạm chưa nói đến câu kết), mỗi khổ như được chia thành 2 phần không cân đối hay chính xác hơn là theo tỉ lệ 1/3. Câu đầu của mỗi khổ tuy chiếm phần ít nhưng được lặp lại nguyên vẹn “Ai bảo mùa Đông không lạnh”, vì thế nó có sức nặng và là điểm nhấn cơ bản hình thành cái tứ của bài thơ. “Ai bảo” vừa như giả định, vừa như câu hỏi. Nếu là giả định thì 4 từ tiếp theo ‘mùa Đông không lạnh” lại mang tính nghi vấn. Nếu là câu hỏi thì tính nghi vấn ấy rõ hơn. Sở dĩ tôi phải nêu ra hai giả thiết như vậy bởi cuối câu tác giả không hề đặt dấu (?)
3 câu sau của mỗi khổ đều thuộc phần nhiều, mỗi khổ lại đề cập đến số phận những con người riêng biệt
khổ 1 nói đến mẹ già
Mẹ già còn một nhúm xương
Con xa - chân trời góc bể
Cơn ho thắt nghẹn chiếu giường
Cái cao tay của người làm thơ là chỉ có 3 câu nói về mẹ, tuy kiệm lời nhưng lại diễn tả khá đầy đủ 3 trạng thái khác nhau. Đầu tiên là hình dáng “nhúm xương”, sau nữa là tâm trạng “con xa”, muốn gián tiếp ám chỉ sự mong đợi và cuối cùng là hậu quả “Cơn ho”!
Khổ 2
Gió về tê buốt thịt da
Bản sâu có em gái nhỏ
Mình trần ngong ngóng mẹ cha
Một sự hiển hiện quá rõ của cả 2 thế hệ “em gái nhỏ”, “ngong ngóng mẹ cha”
Nếu mẹ ở khổ thứ nhất là hiện thân của tuổi già, thì mẹ cha ở khổ thứ hai lại là hiện thân của những người lo toan cho cuộc sống hiện tại và hình ảnh “em gái nhỏ”, “Mình trần” kia là một đứa trẻ nghèo. Như vậy cả 3 thế hệ đều bị tác động bởi cái giả định “Ai bảo mùa Đông không lạnh”
Đến khổ 3 và khổ 4
Bao người yêu cách xa nhau
Đệm chăn càng nêm càng lỏng
Giọt buồn thấm đẫm tim thâu
Trọn đời những kẻ xa quê
Bước đi khó bề trở lại
Trong mơ tìm lối đi về ...
Tác giả lại kéo người đọc sang một mảng tư duy khác. Từ những lứa đôi xa nhau “Đệm chăn càng nêm càng lỏng”, đến người xa xứ “Bước đi khó bề trở lại” đều như mũi kim nhói vào từng khúc ruột!
Cho dù mùa Đông có lạnh bao nhiêu chăng nữa, thì sự cách xa còn lạnh gấp trăm lần. Cả 4 khổ thơ tuy những nhân vật mà tác giả đề cập có khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là sự xa cách, chính vì lẽ đó mà nếu như tác giả nói một cách khẳng định là mùa Đông lạnh lắm thì tất cả những sự việc tiếp theo của 4 khổ lại giảm đi sức thuyết phục rất nhiều.
Có người cho rằng thơ hay là phải bay bổng, ngôn từ phải được đánh bóng công phu. Cũng có người cho rằng thơ hay phải có tứ vững, ý sâu và lời lẽ chắc.
Cái tứ bài thơ “Mùa Đông không lạnh” của tác giả Tâm Dung đã được khẳng định khá rõ, từ ngữ tuy không được đánh bóng nhưng lại khá chặt chẽ, nó xoáy ngay vào tâm can người đọc, vì thế nó có sức đọng rất lâu. Đôi câu tôi cho cách dùng từ của tác giả đã đạt đến mức tài ba; “ Cơn ho thắt nghẹn chiếu giường” “ Mình trần ngong ngóng mẹ cha” “ Đệm chăn càng nêm càng lỏng”. và đặc biệt câu kết “Ai bảo mùa Đông không lạnh” được tác giả cho đứng riêng thành một khổ độc lập càng khẳng định thêm cái tứ rất vững của bài thơ. Nếu chẻ từ ngữ (đã dẫn) ra mà phân tích, tôi dám chắc sẽ còn tốn nhiều giấy mực và có lẽ cũng quá khả năng của mình. Chỉ xin được chúc mừng nhà thơ đã đem đến cho người đọc những điều đáng suy ngẫm