bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC VỀ BÀI VIẾT CÔNG PHU, THÚ VỊ!CHÚC BÁC VUI KHỎE!TRÂN TRỌNG!VŨ NHO

 

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 16
Trong ngày: 45
Trong tuần: 1066
Lượt truy cập: 723894

NÉN NHANG MUỘN CHO NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC TRƯƠNG

NHÀ VĂN NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG,
TRONG NỖI CÔ ĐƠN NHÌN VÀO CÕI ĐỜI SÂU THẲM…

Sương Nguyệt Minh

Tôi biết bút danh Nguyễn Khắc Trường đầu tiên gắn trên trang bìa tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”.
Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm này vừa được trao Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991 cùng với “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài. Đọc suốt đêm, trắng đêm, đọc cả ngày chủ nhật hôm sau, nhà văn Nguyễn Khắc Trường dẫn dắt tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lúc thì chìm đắm vào mối tình của bà Son yêu một người, phải lấy một người khác, cả đời đàn bà sống như cái bóng. Khi thì thấy lão Quềnh như bằng xương bằng thịt đi lại ở làng, rồi thoắt cái lại thấy cô Thống Biệu dẫn tôi đi gặp ma... Buông sách, người thẫn thờ như vừa can dự một cuộc “nồi da xáo thịt” giữa hai dòng họ ở chính quê hương mình, chứ không phải xứ Thái Nguyên quê ông Nguyễn Khắc Trường. Lòng cảm phục vô cùng, và ước ao được gặp tác giả của “Mảnh đất lắm người nhiều ma” để kể cho ông nghe những lúc thót tim, những khi ngộp thở vì đọc tác phẩm của ông.
Dạo ấy, tôi còn trẻ và đang sục sôi những bước đầu tiên trên con đường văn chương nên chỉ cảm nhận được mà chưa nhận biết và phân tích rạch ròi những cái hay, cái đẹp, và sự hấp dẫn của tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Phải nhiều năm sau, tôi trưởng thành dần theo thời gian, đọc, quan sát và nghĩ ngợi, có một chút nghề, được gặp gỡ ông, tôi mới nhận ra cái cách nhà văn Nguyễn Khắc Trường dựng truyện rất khôn khéo, tài tình. Ông cho rằng truyện ngắn, tiểu thuyết phải có truyện, cho nên ông rất chú ý đến cốt truyện, đến chi tiết. Có lẽ vì thế mà người đọc hồi hộp, đôi khi ngộp đến ngạt thở bởi ông dẫn dắt đi hết tình huống này đến trường đoạn kia theo những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc đấu giữa hai dòng họ Vũ Đình - Trịnh Bá. Thạo nghề là lẽ đường nhiên, nhưng ông đột sáng khi dựng cá tính, và tính cách nhân vật đối lập trong hoàn cảnh đối nghịch khắc họa rõ nét thân phận nhân vật. Trong hệ thống nhân vật của Nguyễn Khắc Trường như: Trịnh Bá Hàm thọt chân, Trịnh Bá Thủ, Vũ Đình Đại, Vũ Đình Phúc, cô Thống Bượu, ông Sửu, ông Cao, bà Son, bà Cả, ông Khừu, Gái, Chỉnh, Quản Ngư, Đồ Ngật, Tùng, Đào…vv, thì nổi bật nhất, có lẽ “sống” lâu nhất là… lão Quềnh. Có thể nói: văn chương Việt Nam, có những nhân vật để đời như Chí Phèo của Nam Cao, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, chị Dậu của Ngô Tất Tố, anh Pha của Nguyễn Công Hoan, Giang Minh Sài của Lê Lựu, lão Khúng của Nguyễn Minh Châu…, thì cũng phải nói đến lão Quềnh của Nguyễn Khắc Trường.
Để “viết được một cái gì đó cho ra hồn” thì phải có bản lĩnh và dấn thân, phải không muốn đi mãi con đường đã đi. Năm 1988, Nguyễn Khắc Trường xin nghỉ trực văn xuôi, để dành thời gian đi thực tế ở các vùng nông thôn bắc bộ, ủ mưu viết lớn viết khác. Ông bảo với tôi: “Dạo ấy, không khí văn chương sôi động, nóng bỏng lắm, mọi người muốn thay đổi, nghĩ khác, viết khác. Tớ cũng còn trẻ, rất muốn đi khỏi Hà Nội để viết một cái gì đó cho ra tấm ra món”. Ông trở về Thái Nguyên quê hương, ông sang Hưng Yên, Hải Dương, ông vào Thanh Hóa và cắm sâu nhất ở các làng của huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân và Nga Sơn… Ông nằm vùng, cùng ăn cùng ở cùng làm với dân như một người người nông dân thực thụ để cảm, để nhận ra cái mùi, cái vị, cái hồn của làng quê. Dạo ấy, nông thôn đang “vỡ ra”, cái cũ chưa qua mà cái mới còn manh nha. Câu chuyện mâu thuẫn các dòng họ vốn sẵn hàng năm ở nông thôn lúc lắng xuống, lúc trồi lên thì đang có cơ hội mới bùng lên sục sôi. Người nông dân dân dã, mộc mạc, bình dị và lương thiện bị cuốn vào những mâu thuẫn nội tại của các dòng họ, và lũ cường hào mới đã nổi lên như rươi. Những câu chuyện, nhân vật ngoài đời và hiện thực xã hội xứ Thanh gây cảm hứng nghệ thuật cho ông mạnh mẽ nhất. Nhưng, với người non tay và nệ thực, thì không gian nghệ thuật sẽ là xứ Thanh, cụ thể là nông thôn đồng bằng bắc trung bộ mà Thanh Hóa là chốn phát lộ nhất. Nhưng Nguyễn Khắc Trường khi ấy đã qua Trường Viết văn Nguyễn Du, đã có thâm niên biên tập văn xuôi ở một tờ tạp chí lớn, và đặc biệt là đang nóng bỏng khao khát đổi mới, khao khát “viết một cái gì đó cho ra hồn”. Chuyện thực nóng bỏng, ngồn ngộn, nếu cứ viết về nơi nó xảy ra sẽ bại ngay, vì văn hóa, ngôn ngữ xứ Thanh thì ông hiểu lơ mơ. Nguyễn Khắc Trường mang luôn hiện thực ấy về không gian đất và người quê mình bên sông Công, Thái Nguyên, nơi ông thạo từ lời ăn, tiếng nói, phong tục, tập quán vào tiểu thuyết, cho nhân vật nó hoạt động trong trường không gian văn hóa ấy… là một khôn ngoan, sáng suốt và tài tình của người sáng tác. Bởi xét cho đến cùng, nhà văn phải viết những gì mình thuộc nhất, hiểu nhất, và biết nhất.
Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có một bút danh một thời đậm mùi lính tráng là… Thao Trường. Cái bút danh ấy dường như khẳng định ông rất yêu đời lính và đời lính tác động sâu sắc đến những năm tháng tuổi trẻ cầm bút. Các tác phẩm sinh ra từ cái bút danh này như: truyện vừa “Cửa khẩu” năm 1972; cùng 2 tập truyện “Thác rừng năm 1976 và “Miền đất mặt trời” năm 1982 đã đi vào di sản văn chương Nguyễn Khắc Trường, chứ không mấy người biết, đời văn chỉ cần bạn đọc nhớ đến “Mảnh đất lắm người nhiều ma” và cái tên Nguyễn Khắc Trường là đã đủ lắm rồi. Bút danh Thao Trường và các tác phẩm khác của ông đến bây giờ chỉ dành cho những người nghiên cứu văn học, học viên cao học…, thế cũng tròn đầy cho một đời văn.
Năm 2006, tôi tham gia ban biên soạn tập sách bìa cứng, khổ to, dày cộp gần 1000 trang “Nửa thế kỉ truyện ngắn VNQĐ”, và chọn truyện ngắn “Chuyện chép trên đầu nguồn sông Hồng” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Những dòng đầu tiên của truyện ngắn thu hút tôi không phải một cái mở đầu bất ngờ, hay mới lạ, mà là… ngôn ngữ và giọng văn: “Nhỏ bé và cheo leo, làng như một chiếc tem dán nghiêng vào vai núi. Ruộng bậc thang xếp dọc theo làng như đấy là bậc lên xuống của những bàn chân khổng lồ trong chuyện xưa. Làng vốn quen với không khí thanh bạch, ẩn mình vào thiên nhiên pha đậm màu sắc cổ tích, giờ bỗng đùng đùng bốc cháy! Tiếng lửa reo ù ù, tiếng nứa nổ toác ra chói đanh làm anh tỉnh cơn mê. Anh đã ngất bao lâu? Trung đội dân quân của anh đâu cả rồi?”. Ví von “làng” giống “cái tem”, mà cái tem ấy lại “dán nghiêng vào vai núi”. Núi có chân, có sườn, có đỉnh, có vách là chuyện thường, nhưng núi của Nguyễn Khắc Trường có vai thì lạ quá. Truyện ngắn này kể về một anh bộ đội thời chống Mỹ bị thương, xuất ngũ, về bản làm trung đội trưởng dân quân, phụ trách đội ươm cá đẻ. Cô gái bản tên Miêng thầm yêu anh nhưng anh không để ý chỉ tập trung vào công việc. Thế rồi giữa lúc cá con sắp nở “như mưa sao” thì cô gái Hoa Sinh học trung cấp thủy sản trở về. Hàng ngày phải nhìn anh và cô gái Hoa kiều béo trắng, “đường nét cựa quậy, núng nính” làm việc với nhau thân mật, tâm đầu ý hợp, và thường xuyên bên nhau, Miêng “bất ngờ đến váng vất”. Cô mặc cảm mình xấu hơn, trình độ văn hóa thấp hơn cô Hoa kiều mới về, nhưng cô cũng nhận ra họ vừa đôi phải lứa. Vốn quen nhường nhịn, bao dung, hiền hậu đến mức khi có chuyện người Hoa bỏ về bên kia biên giới, cô còn lo lắng cho Hoa Sinh. Chiến tranh biên giới phía bắc xảy ra, anh bị thương, lạc vào rừng. Miêng đi tìm, và tìm được anh, nhưng bất ngờ gặp Hoa Sinh cùng một toán quân địch. Cũng may viên đạn từ nòng súng của Hoa Sinh không trúng anh và Miêng. Hoa Sinh hiện ra gương mặt thật “nội gián”, dẫn quân xâm lược về bản, và ông bố nuôi Hoa Sinh cũng cùng một duộc. Quân chủ lực tràn lên cứu viện. Địch rút. Cô gái Hoa Sinh chạy vào đúng ổ phục kích của lính Tầu, và bị chết bởi chính viên đạn của lính Tầu. Anh trung đội trưởng dân quân nằm trạm xá “thắc thỏm mong Miêng đến” và anh chợt nhận ra cô là một cái gì đó vô giá ở bên mà anh bây giờ mới biết. ( CÒN TIẾP)

hoa_sung_1
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)