Vũ Thanh Thủy
NGƯỜI BÁN NGỰA GIẤY
Sớm xuân thong thả đi dạo phố
Hơi lạnh đâu đây vẫn xoăn lòng
Ngõ ngõ bừng đèn lồng, mứt tết
Trong tôi náo nức bánh chưng xanh
Rặng bàng gặp gió chao từng đợt
Khô rắc đầy đường vênh đỏng đanh
Vô tình chân dẫm lên lá chết
Rộp rộp! vỡ tan khoảng yên lành
- Cô ơi, mua mã về tạ tết
Tôi dừng bước lại phía câu chào
Vàng treo lủng lẳng sau xe đạp
Hình nhân nhún nhẩy trước lời rao
Từng chùm ngựa giấy to cùng nhỏ
Gái gỗ, trai tre nhoẻn nhoe cười
Chị bán, màu da bềnh bệch trắng
Phải chăng họ một cõi về chơi?..
Tôi rút tiền dương mua quà âm
Tạ quan, tạ tướng, tạ thần linh
Cúng mẫu, tổ tiên và dòng tộc
Phân phát chúng sinh, giải phận mình
Và bao nhiêu việc trong năm tới
Dâng lòng tín hóa cầu an tâm?
Giàu sang có lẽ do hay gửi
Mũ lọng ngựa xe xuống cõi âm.
Tôi tự cười mình nghĩ ẩm ương
Rời khỏi gian hàng thiếu khí dương
Chị bán mã dong, mặt bớt trắng
Thủng thẳng dắt ma hút cuối đường...
V.T.T
Lời bình của nhà văn Tống Ngọc Hân
Đọc hai tập thơ của Vũ Thanh Thủy, cảm giác thật khác nhau. Tình núi (2006) rùng rùng, đẫm đìa nỗi niềm. Khi ấy Thủy hai mươi chín tuổi, cái độ tuổi bộn bề cảm xúc. Vừa phơi trải, giãi bày, vừa tự an ủi khuây khỏa, tự gặm nhấm buồn thương.
Còn tập này, Tiếng gọi từ phía núi (2019), cho ta sự thú vị khi gặp một người đàn bà từng trải, chững chạc. Cảm xúc không còn miên man, lai láng nữa mà khu bó trong từng mảng tự sự và âm thầm triết lý. Ba mươi tám bài thơ nhỏ xinh đứng cạnh nhau phô diễn một lối viết thiên về sự giản dị, tự nhiên, khiêm nhường, ít tu từ. Giản dị đến mức giống như người đã chán chê với hoa mỹ, bóng gió và trau chuốt. Như bàn tiệc không dọn cao lương mĩ vị mà thay vào đó là dưa cà, mắm, muống…
Người đọc muốn ghi lại cảm xúc gì đó về tập thơ này, thú thực, là thấy không cần thiết phải xâu chuổi cảm hứng từ mạch nguồn bộc bạch ấy. Bởi vì, bất chợt thấy thích cái cảm giác như có gì đó cứ cộm lên trong lòng, lại như lởn vởn trước mặt. Tạm gọi là ám ảnh. Thơ ám ảnh có nhiều dạng nhưng đều do hình ảnh thơ đem lại. Hình ảnh có thể là thực, siêu thực, có thể là do nhà thơ hư cấu, tạo nên.
Bài thơ của Thủy ám ảnh mình từ những hình ảnh thơ mà mình cho là thực, rất thực.
“- Cô ơi, mua mã về tạ tết
Tôi dừng bước lại phía câu chào
Vàng treo lủng lẳng sau xe đạp
Hình nhân nhún nhẩy trước lời rao”
Bạn đã bao giờ dạo phố và bắt gặp cảnh này chưa? Mình thì chưa gặp. Dù từng gặp ngàn vạn món hàng bán rong ở cái xứ sở hàng rong này. Có tiếng rao tha thiết trìu mến của bà hàng xôi khúc, bánh cuốn, bánh tai mỗi sáng mai. Có tiếng rao lanh lảnh của cô hàng nồi, mâm, ấm ủ. Có tiếng rao trầm đục của anh hàng thớt, hàng cối. Có tiếng rao như giễu của cậu chổi lông. Tiếng rao cấp thiết, trịnh trọng của bác bán thuốc xịt côn trùng hay anh hàng vôi dạo. Tiếng rao của người bán nhiều, tiếng rao của người mua cũng lắm. Ai nhôm đồng, sắt vụn, ti vi quạt điện, tủ lạnh, máy bơm, điện thoại…hỏng bán đê… Ai tóc rối, tóc dài bán đê. Ai bán chó, bán mèo đê…
Nhưng quả thật, mình chưa từng gặp hàng mã rong với những cái hình nhân nhún nhẩy theo lời chào mời.
“Từng chùm ngựa giấy to cùng nhỏ
Gái gỗ, trai tre nhoẻn nhoe cười
Chị bán, màu da bềnh bệch trắng
Phải chăng họ một cõi về chơi?”
Ôi giời! Giữa thanh thiên bạch nhật. Xe hàng rong của chị hàng mã xuất hiện. Ngựa từng chùm và trai gái từng đôi. Cái nhoẻn miệng cười của đôi trai gái làm mình ớn lạnh. Và ngay trong suy nghĩ của tác giả bật lên một giả định.
Phải chăng họ một cõi về chơi?
Cõi nào vậy? Còn cõi nào nữa ngoài cõi tâm linh, khi những hình nhân kia hiện hữu trong vai trò thế mạng con người để hóa giải những tai tật, kiếp nạn vốn nằm trong chữ “duy tâm” đậm đặc Á Đông? “Họ” là ai? Là hình nhân trai gái, hay còn có thêm cả người bán hàng mặt bềnh bệch trắng? Cái xe hàng rong có thật không? Mà nếu có thật, thì trong chừng mực của trí tưởng tượng họ cũng chỉ về chơi thôi. Là chốc nhát thôi… May quá!
Ngày xuân, mà người cõi ấy về chơi một cách hiển nhiên, ung dung dạo khắp mọi hang cùng ngõ hẻm trong thành phố, ngay trong dòng người tấp nập thì còn sinh động nào bằng.
“Tôi rút tiền dương mua quà âm
Tạ quan, tạ tướng, tạ thần linh
Cúng mẫu, tổ tiên và dòng tộc
Phân phát chúng sinh, giải phận mình…”
Bán hàng rong thì nhắm đến khách hàng là những người cố định, lười di chuyển, đợi hàng rong đến phục vụ hoặc ngẫu nhiên mua những món hàng không thực sự cần thiết lắm nhưng không cưỡng được sự chào mời.
Còn người đi trên đường mà mua hàng rong thì ắt bởi sự bất chợt nảy sinh như cầu hoặc bất chợt nảy sinh trắc ẩn trước tiếng rao. Ở đây, người mua chợt thấy mình có nhu cầu mua quà âm. Vì nói thấy bán mà tiện mua thì thật là không phải với tín ngưỡng. Dù thế, cái sự suy nghĩ cứ chua chát dậy lên. Không hẳn là những tính đếm thiệt thòi “tiền dương” mua “quà âm” theo kiểu “thừa tiền mua pháo đốt chơi, pháo nổ lên giời, tiền vứt xuống sông”. Mà sự tính toán, định mức tín ngưỡng và mê tín trong mình, xem mình đang ở mức độ nào, giới hạn nào. Hay nói cách khác là suy nghĩ có sự phân vân về cái ranh giới ấy. Nghĩ thế thôi. Nhưng không khẳng định gì cả.
Chỉ hoang mang tự hỏi vu vơ.
“Và bao nhiêu việc trong năm tới
Dâng lòng tín hóa cầu an tâm
Giàu sang có lẽ do hay gửi
Mũ lọng ngựa xe xuống cõi âm?”
Hỏi xong thì cũng tự mỉm cười. Thấy mình cũng có vẻ như “tham sân si” giống ai đó khi làm khách của chị hàng mã rong ấy thôi. Chỉ có điều, cái nhu cầu của mình không giống họ. Và mỗi người lại có chút khác biệt, không ai giống ai trong cái bể trăm niềm ngàn nỗi khó nói thành lời. Mua để giải tỏa cái tâm trạng của mình thôi. Rằng mình đang thực hiện một sự quan tâm tới người âm nhân dịp tết đến xuân về trong cái quan điểm nôm na và gụi gần “trần sao âm vậy”. Chứ không dám cầu gì, xin xỏ gì.
“Tôi tự cười mình nghĩ ẩm ương
Rời khỏi gian hàng thiếu khí dương
Chị bán mã rong, mặt bớt trắng
Thủng thẳng dắt ma hút cuối đường…”
Cái sự bán mua kết thúc trong cảnh không thể tưng hửng hơn. Người mua thì tự cười. Hời quá, sao chả cười. Bỏ ra chút tiền dương mùa được nào ngựa nào người, nào xe cộ, áo quần, tiện nghi làm quà cho người cõi khác. Rời khỏi cái gian hàng ngùn ngụt âm khí trở về mặt đất đang tươi tốt ấy sao chả cười. Còn chị hàng rong thì mặt “bớt trắng” sau khi bán mua suôn sẻ thu về một món lợi nhuận tính bằng tiền dương. Đôi bên cùng mãn nguyện. Kẻ mua đứng ngây nhìn chị bán hàng thủng thẳng khuất dạng… thấy đời thật hài hước.
“Chị bán mã rong mặt bớt trắng
Thủng thẳng dắt ma hút cuối đường…”
Cảnh ấy, thật là ám ảnh. Mình với Thủy đồng trang lứa. Lứa tuổi đàn bà ngoại tứ tuần nếu có làm thơ hay viết văn thì cũng thiên về cảm xúc thật, đi thẳng vào lõi vấn đề mà không muốn rào đón nữa. Độ tuổi mà không ít người đàn bà tự thấy mình phân thân, sống ở hai cõi, nửa người nửa ma. Sống với người mà như nhìn thấy ma hoặc những mưu ma chước quỷ. Cư xử với ma như cư xử với người khi cố gắng sẻ chia những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt hi vọng người cõi khác cũng ấm áp đủ đầy. Những câu thơ tự sự luôn được kê kích bằng biện trong sự chủ động cả về vốn sống lẫn vốn ngôn từ, vốn văn hóa. Thơ tuổi ngoài bốn mươi chẳng còn tung tảy, bỏng giãy, thiết tha đến mức làm người đọc cuộn trào cảm hứng nữa. Nhưng lại luôn khiến người đọc yên tâm với những xử lý gọn gàng và tình người.
Ba mươi tám bài thơ ngắn không bỏ sót một chữ cho mình gặp lại mình ở muôn cung bậc đời thường thân thuộc. Nhưng “Người bán ngựa giấy” là một trải nghiệm mới. Hẳn nhiên là mình thích những gì mới. Tâm hồn mình vẫn luôn xao động trước cái mới. Cảm ơn bạn. Vũ Thanh Thủy! Cô bạn đồng hương, thơ và người song hành bước vào đời. Một cuộc đời trải qua nhiều sóng gió, ghềnh thác đang tới lúc được lướt trên những khúc êm ả bình yên.
T.N.H
Người gửi / điện thoại |
Người gửi / điện thoại