bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 17
Trong ngày: 348
Trong tuần: 1324
Lượt truy cập: 649685

NGƯỜI THƠ GẢY KHÚC TRĂNG VÀNG

 
 
NGƯỜI THƠ GẢY KHÚC TRĂNG VÀNG
                           Vũ Nho
Phạm Công Trứ khi trình làng “Lời thề cỏ may”  năm 1990 là một thầy giáo chuyển nghệ, làm báo Pháp Luật, mới có dăm bài thơ đăng. Chẳng có một giải thưởng văn chương nào, cũng chẳng có ai đỡ đầu đỡ chân. Vậy mà sau khi tập thơ được in, nó đã tạo cho anh một vị trí, một gương mặt khác hẳn bạn bè đồng trang lứa. Người ta bảo anh thành công vì đã khôn ngoan tìm và chọn một lối đi khác người, khác đời:
  • Người như nước chảy vào thành phố
Ta nắm tay mình ngược ngoại ô
                   (Chiều)
           - Tích tình tang! Tịch tình tang
           Người đi kiếm cái giàu sang
          Ta về gảy khúc trăng vàng ngõ quê
                            (Độc huyền tự khúc)
Nhưng nghĩ cho cùng, đâu cứ khác đời, cứ ngược đời hay đối lập mình với mọi người là có thể gây ấn tượng, có thể dễ dàng nhận cái danh hiệu thi sĩ? (Đâu riêng gì một mình Phạm Công Trứ có thể trù liệu được điều này?). Muốn khác lạ, muốn “ngông nghênh” và “chơi trội” được, trước hết anh phải là người thơ đã. Mà phải là người có tài thì sự  khác đời ấy mới không bị coi là… dở hơi. Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tú Xương, Tản Đà và Nguyễn Bính nữa đều là những người tài cả. Phạm Công Trứ có tài được như họ không còn phải đợi đã. Nhưng có thể đoan rằng nếu không có tài năng mà vào làng thơ muộn “dở tỉnh dở quê”, lại gảy khúc trăng vàng ngõ quê trên cái đàn cũ kĩ một dây thì đến…mùng thất cũng chẳng khiến được ai để ý.
  1. Nhà thơ duy tình
        Khi Phạm Công Trứ in “Lời thề cỏ may” đang thịnh mốt tuyên ngôn. Anh thi sĩ nào cũng đăng đàn lên trang đầu, lên phần lề bìa trước, bìa sau những câu được coi là những cái đinh, cái đích, cái kim chỉ nam của tập thơ, đời thơ. Họ Phạm cũng không bỏ qua lệ ấy. Nhưng nói gì thì nói, người đọc vẫn tin vào những điều mắt thấy, tay sờ hơn là những lời tuyên ngôn. Phạm Công Trứ không tuyên  bố rằng anh “duy tình” nhưng thơ anh tuyên ngôn như vậy :
  • Dạ anh là dạ đa tình
                   (Ngõ quê)
Anh thú nhận thế. Và anh có lúc bô bô:
  • Người ta duy vật khắp nơi
          Em thì duy lý còn tôi duy tình
Cao hứng lên, anh coi thiên hạ đều là nòi tình của những ông bà si tình trong ca dao ngày trước:
          Mẹ cha tát nước đầu đình
          Đẻ ra một lũ đa tình hay quên
                               (Quên)
Duy tình còn cực đoan hơn đa tình một bậc. Nhưng ngay cái bậc thấp đa tình, làm được một thi sĩ đa tình chính hiệu đâu có dễ? Không phải cứ yêu vung lên, gặp ai cũng cảm, tim đập loạn, hồn vía mất là thành một  tình nhân thi sĩ. Đã có bao nhiêu là thơ tình để rồi người sản xuất trở thành một kẻ…dại gái đáng thương hại, thậm chí đáng …khinh.
          Phạm Công Trứ vẽ chân dung tự họa :
          Ngơ ngơ ngẩn ngẩn như ma bắt hồn
                          (Trách)
Chàng thi sĩ từng nặng lời thề thốt:
          Suốt đời tôi chỉ viết dâng em
                             (Mười chín tuổi)
Trong cái trường tình bể ái ấy ai mà tránh được những vụng dại, những ngớ ngẩn? Bởi thế mà Phạm Công cũng có lúc “ngố” như mọi kẻ tình si. Anh tự hỏi, tự mắng mỏ, tự hờn giận mình :
  • Sao mà ngốc thế hả tôi?
                (Trước em)
  • Ta giận sao mình chưa chết đi
               (Đối thoại)
Tuy nhiên, may mắn thay, sự đa tình và duy tình của Phạm Công Trứ làm sang trọng cho anh, tôn vinh anh. Qua cái tình trong trẻo, quyết liệt “như một mũi tên/ Đã ra khỏi nỏ là quên đường về” anh dâng cho phái đẹp, anh cũng dâng cho đời những câu thơ tình có vẻ đẹp lung linh mà bình dị “đẹp như là không đâu vào đâu” (Nguyễn Duy):
          Trên đò các cụ tụng kinh
          Chúng mình trẻ quá chúng mình tụng nhau
                   (Đường vào chùa Hương)
Hoặc:
          Lá tre đã thả một mùa heo may
          Con sông không ốm mà gầy
          Mắt em chưa tối đã đầy hoàng hôn
                             (Ba đoạn thơ thu)
Em trong thơ Phạm Công Trứ là một Phương L., một Hồng hay một Loan cụ thể nào đó, nhưng còn có một em trừu tượng khác là “nàng”, là em của chàng thi sĩ nhưng cũng là em của tôi, của bạn, của tất cả mọi người. “Em mười chín tuổi xinh tươi/ Môi mọng trái nhót mắt ngời dao cau” (Đắn đo – Gặp em). Em là nguồn cảm hứng thi ca mà em cũng chính là nàng thơ. Bởi thế nên sự “duy tình” mới không bị rơi vào tình trạng nhỏ nhoi, lòng thòng hay nhăng nhít.
          Cố nhiên “duy tình” không thể và không nên chỉ  hiểu gói gọn trong tình yêu trai gái. Cái tình ấy còn là tình cảm quê hương đất nước, tình cảm dân tộc, tình đời mà thi sĩ đeo đẳng, vấn vương:
Bây giờ thời buổi nhiễu nhương
Bây giờ ngồi nghĩ mà thương bây giờ
                             (Bây giờ)
Cái tình ấy, anh trân trọng nâng niu trao cho mọi người, thậm chí trân trọng và hào phóng đến mức thái quá mà chỉ có những thi nhân mới làm như thế:
          Không ai nhận tôi vẫn trao
          Tình tôi hương cốm xanh vào trời thu
                             (Ba đoạn thơ thu)
Không có cái tình lớn ấy làm xương cốt, làm hồn vía thì giỏi giang lắm, thơ tình cũng chỉ làm cho thi nhân thành kẻ tình si, thành ĐôngJuăng thời mới.
  1. Người của quê hương
Dù muốn, dù không, bóng dáng của nơi sinh thành, nơi sống những tháng năm thơ ấu thế nào cũng thấp thoáng trong thơ. Nhưng phải đến một mức độ nào đó nó mới gây ấn tượng. Gây được ấn tượng, đó là sự thành công. Không phải ở thi sĩ nào, quê hương cũng ngời ngời lên trong thơ và tình quê cũng vấn vương, réo rắt. Thơ của Phạm Công Trứ ngay ở tập đầu đã in đậm cảnh sắc chợ Cồn đồng quê Văn Lý. Ngày xưa, viết được như thế về quê có nhẽ cũng chỉ có Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ và Tế Hanh. Quê trong thơ Phạm Công Trứ không phải những nét tranh tô lại bậc đàn anh Nguyễn Bính dù rằng hai thi sĩ đồng hương. Ví thử có muốn tô thì cái làng bây giờ sao còn y nguyên như bốn năm chục năm về trước? Làm sao ta có thể tìm thấy chuồn ớt, mắt thỏ với trưa cánh bìm thiu thiu trong những câu thơ lẫn cả câu hát với tiếng cười khúc khích trẻ em trong thơ của người xưa?
          Chuồn chuồn có cánh thì bay
          Tiếng cười khúc khích lung lay bờ rào
          Cánh chuồn lặn xuống đáy ao
          Quả chuông tím phía bờ rào còn run
                             (Nhặt ở bờ rào)
Cái khung cảnh này quen thuộc lắm, nhưng cũng phải có “một thằng trẻ con” ( Trong mỗi chàng thi sĩ/Có một thằng trẻ con) chân đất, đầu trần rình đom đóm, đóng bè chuối, khoét sáo, thả diều dưới trời quê, mấy lần “khóc với cỏ may” mới có thể phổ thành thơ được :
          Kìa ngọn lửa tím
          Cháy trong ao bèo
          Kìa làn khói biếc
          Lên xanh vườn chiều
          Kìa con diều giấy
          Thả vào trong veo
                          (Khúc mùa thu)
Dù ai đã từng ở nhà quê hay có gốc gác nhà quê, thậm chí đã là dân thành thị mấy chục đời thì cũng đều thấy thân mến ngay với những đường làng, ngõ quê, giếng đá, cây gạo, bờ đê, dậu cúc tần trong thơ anh. Đó là hồn vía của làng.
          Nói cho công bằng, “quê” trong thơ Phạm Công Trứ vẫn là hồn quê, hay những nét đẹp, nét thơ mộng của  cảnh quê, tục quê, tình quê mà mỗi khi phải xa, người ta thường cất giữ như vật kỉ niệm thiêng liêng, quý giá. Ta thử so sánh hai bà mẹ trong thơ của hai thi sĩ đồng quê:
  • Mẹ quá sức vẫn đồng sâu lọm khọm
                   (Vũ Xuân Hoát)
  • Thúng cắp nách, nón đội đầu
Mẹ tôi đi chợ môi trầu đỏ tươi
(Phạm Công Trứ - Đường làng)
Tấm lòng của người con với mẹ chỉ một, nhưng cách phản ánh, cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau nên ta mới thấy hai bà mẹ khác nhau đến thế, mặc dù đều là người của ruộng đồng.
          Phạm Công Trứ rời khỏi làng quê khá sớm, vào bộ đội, làm thầy giáo, làm báo rồi sang cả tây ( Nặng lòng một chuyến ra đi/ Nửa vì bệnh sĩ, nửa vì áo cơm). Anh luôn luôn phải lo công tác nên “thường xa quê”. Có lẽ cũng nhờ xa cách quê mà thành một ám ảnh, thành nỗi khát khao, da diết…
          Với một nước Việt Nam nông nghiệp, quá trình đô thị hóa dềnh dàng, chậm chạp (Thành phố Hà Nội bây giờ vẫn còn nhiều làng trong phố), vì thế mà cái làng vẫn luôn luôn là điểm sáng trong tâm linh mọi người. Đó cũng là lí do khiến những khúc “tư hương” của những chân thi sĩ lúc nào cũng được sự hưởng ứng đón chào nồng nhiệt.
  1. Người gảy khúc trăng vàng
Trong âm nhạc, cái đàn bầu một dây là nhạc cụ độc đáo Việt Nam. Trong thơ ca, thể lục bát là thể thơ đặc sản Việt Nam, một loại quốc hồn Việt Nam. Nó cũ như chiếc bánh chưng nhưng vẫn vô cùng quý giá, thiêng liêng. Nó ra đời từ  thuở khai sinh văn chương bình dân của người Việt rồi đăng quang rực rỡ, vẻ vang trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Thời nào, ở đâu, lục bát cũng chiếm vị trí đặc biệt trong điệu tâm hồn Việt.
          Bước vào làng thơ, Phạm Công Trứ như người đã có duyên nợ từ lâu với thể tài lục bát. Nói về thành tựu của mình, anh kể:
          Gia tài có mấy câu thơ
                             (Tự sự)
Cụ thể hơn:
          Gia tài tôi? Đôi hàng lục bát
                             ( Mười chín tuổi)
 Từng có lần  ví von cây đàn thơ anh là một cây phi lao, nhưng hơn một lần anh tự nhận là cây đàn độc huyền, đàn một dây ca những cung bậc cũ, quyết không chạy theo thời thượng để “Tây cả làng”.
          Nhà thơ Trần Đăng Khoa coi Phạm Công Trứ là một thi sĩ có tài, anh ngồi riêng một chiếu thơ bây giờ. Chỉ tiếc là bị khuất lấp bởi cái bóng sừng sững của người đồng hương Nguyễn Bính.
          Mới đọc qua Phạm Công Trứ, thấy khá rõ chất Nguyễn Bính ở trong anh. Những thi đề, thi tứ, cách xưng hô, phô diễn quả là đậm dấu in Nguyễn Bính.
          “Mùa xuân nói gì trên má em” là nhánh mới, nảy trên cành thơ cũ :
          Đã thấy xuân về với gió đông
          Và trên màu má gái chưa chồng
                             (Nguyễn Bính – Xuân về)
Dịu dàng những ngón tay mưa” là sản phẩm mới phỏng theo khuôn đúc cũ:
          Dịu dàng những ngón tay tiên
          Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường
                             (Nguyễn Bính – Tựu trường)
Đến cả câu thơ tuyên ngôn “Người đi kiếm cái giàu sang” thì cũng là câu Nguyễn Bính có những hai lần nói :
  • Người ta đi kiếm giàu sang cả
              (Xuân tha hương)
  • Người ta đi lấy cái giàu sang
(Khăn hồng)
Nhưng chỉ căn cứ vào đó mà quả quyết rằng thơ Phạm Công Trứ cớm dưới bóng cây đại thụ Nguyễn Bính thì có nhẽ chưa thật phải. Phạm Công Trứ rất cổ xưa, Nhưng Phạm Công Trứ không chỉ  cổ xưa mà còn rất là hiện đại. Hãy thử so sánh tiếng đàn cụ thể của anh. Đàn kêu “tích tịch tình tang” ấy là tiếng đàn trong thơ Nôm nói chuyện Thạch Sanh mà ai cũng nhớ. Vẫn cung đàn ấy, trong câu lục của thơ Phạm Công Trứ thì lại thành “Tích tình tang Tịch tình tang”. Nghe tiêu tao hơn, nhưng cũng vật vã, dữ dội, réo rắt hơn. Nó là âm hưởng của nhạc hiện đại. Bây giờ chúng ta thử xem xét, đối sánh một vài phương diện khác.
          Về mặt thể tài thơ lục bát, Phạm Công Trứ đúng là một nhà thơ lục bát. Quả không sai khi anh coi lục bát là cả “gia tài”. Lời thề cỏ may (1) 25 bài lục bát trong số  38 bài thơ. Lời thề cỏ may (2) là  24 trong số 40. Trong khi đó, tập Chân quê của Nguyễn Bính  con số đó là 15 trong 41 bài thơ tuyển.
          Về nhân vật trữ tình. Có hai cặp con trẻ trong hai trò chơi “tập tầm vông” và “cất nước hoa” ở hai bài thơ “Khoảng trời tuổi thơ” ( Phạm Công Trứ) và “Hoa và rượu” (Nguyễn Bính). Họ khác nhau, khác nhau lắm. Và đây nữa “Chân quê” đem sánh “Lời thề cỏ may”. Người thi sĩ đàn anh cố van nài, níu kéo “van em em hãy giữ nguyên quê mùa” mà đâu có được. Trong khi đó Phạm Công Trứ thấy chuyện “ Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò” là tự nhiên, thậm chí lại đẹp nữa. Anh chấp nhận những kiểu Tây:
          Em ốp đầu Nhật
          Em đánh móng Tây
          Mới đầu thấy chướng
          Lâu dần thấy hay
                             (Nghịch lí em)
Trong thơ Nguyễn Bính, không thấy nét hóm hỉnh, tinh nghịch và cái giọng tự trào theo kiểu Tú Xương. Phạm Công Trứ thì trái lại rất rõ. Anh tự họa mình bằng ngòi bút biếm họa. Từ hình dáng bề ngoài (Dáng đi có lỗi với đời/Cái đầu cúi xuống thay lời chào duyên) đến khát khao sáng tạo ( Gia tài có mấy câu thơ/ Qua bao tòa soạn vẫn mơ được dùng). Cả những phút thăng hoa phấn chấn ( Đứng nhìn trời hát huyên thiên) đến những khi giận hờn cáu kỉnh (Giận thân những muốn chửi đời/ Đến khi ngửa mặt lên rồi lại im). Cái việc thất tình, muộn vợ cũng vậy:
          Nồi tròn thì úp vung tròn
          Riêng mình nồi méo nên còn kén vung
          Nồi méo méo lạ méo lùng
Nguyễn Bính thường hay mơ về thời xưa, nói những chuyện xưa. Phạm Công Trứ luôn nói chuyện hôm nay, chuyện của bây giờ. Anh không hề né tránh chuyện thế sự, mơ lại giấc mơ người lái đò xưa cũ. Thơ tình của Phạm Công Trứ cũng là thơ tình thế sự. Sự biến đổi to lớn của những năm tháng chuyển mình, mở cửa được khái quát độc đáo:
          Bây giờ lạ lắm người ta
          Hiền lành rồi cũng hóa ra lắm lời
          Bây giờ lạ nữa cả tôi
                   (Tự sự)
Được thừa nhận là người thừa tự Nguyễn Bính cũng đã  là khó và cũng vẻ vang chán. Nhưng chắc Phạm Công Trứ không chỉ mong như thế. Anh đi cùng hướng với nhà thơ đồng hương. Song le “ngược ngoại ô” cũng rất lắm đường. Đâu phải chỉ có mỗi con đường “Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh” để cho anh phóng Dream một trăm phân khối?
          Có lần Phạm Công Trứ tuyên bố xanh rờn trước cô bạn gái :
          …thơ vẫn cứ là thơ
          Và tôi dẫu đến bao giờ vẫn tôi
                   (Dẫu em)
Một bản lĩnh như vậy không dễ gì chịu nhòa lẫn, dù là lẫn vào, nhập vào bậc tiền nhân đáng kính./.
                             Hà Nội, mùa xuân 1996
                   Trong sách Vũ Nho – Đi giữa miền thơ tập 1, Nxb Văn Học, 1999
 
           
 
 
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)