bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 14
Trong ngày: 72
Trong tuần: 844
Lượt truy cập: 756539

NGƯỜI THỔ MỘ

NGƯỜI THỔ MỘ

 

Truyện ngắn của HỒ BÁ THƯỢC

 hoa_sung_1

           Không biết cha mẹ, hay ai đó đặt, mà hắn có cái tên Cu Tướng? Đối với nhiều người, tên tuổi rất quan trọng, nhưng với hắn thì không. Hàng ngày, có ai gọi đến hắn đâu, và hắn cũng không gọi đến ai bao giờ. Hắn tự ăn, tự uống, tự làm... Đố ai sai bảo hắn về bất cứ điều gì. Hắn không câm, không điếc, nhưng hắn không nói với ai một lời. Dù vậy, hắn không oán giận ai, không thù ghét ai, không làm hại ai bao giờ.

Bình thường, đám đàn ông quen mồm gọi cu này, hay cu kia quen tai, chẳng làm sao cả, nhưng các bà, các cô nhỡ mồm gọi:

- Cu Tướng ơi!

 Chợt nghĩ lại, đã gọi Cu, lại còn Tướng nữa, thô thiển quá. Hơn nữa, đàn bà, con gái, chạm đến giới tính đàn ông, quả xấu hổ thật. Ngược lại, với Cu Tướng, ai gọi cũng thế thôi, hắn không mảy may phản ứng, mặt trơ trơ với đôi mắt vô hồn.

Việc Cu Tướng bỗng xuất hiện ở làng Màu, trở thành câu chuyện hết sức kỳ bí. Với làng xã nào không biết, nhưng người làng Màu, vốn thừa thãi thời gian. Chuyện Cu Tướng bỗng “trồi” lên giữa làng, là đề tài giật gân, người nọ truyền tai người kia, thêm mắm, thêm muối, thành ra li kỳ, lan đi khắp làng.

Vào một buổi sáng sớm, sương mù mờ ảo. Cách vài ba mét trước mặt, không nhận ra mọi vật xung quanh. Không gian đặc sệt như thứ bùn trắng, bị khuấy lên bởi tiếng kèn trống, cùng tiếng khóc hờ, khản đặc, của một đám ma từ xóm Thiện đưa lại. Đám người đi đào huyệt, lầm lũi, chẳng ai nói với ai lời nào. Gần đến Gò Nhồi, đám người bỗng khực lại, bởi trước mặt lù lù một khối đen sì. Một cánh tay vươn ra, vẫy đoàn người sát lại rồi quầy quả bước đi. Mọi người hồn bay phách lạc, không biết điều gì xảy ra trước mặt? Người hay ma?

Họ như bị thôi miên, theo chân người lạ đi vào giữa gò. Thấy hiện ra một cái huyệt mới đào xong. Người ấy không nói gì, lấy tay hướng về nơi tiếng kèn đám, rồi chỉ xuống huyệt, ra điều người chết kia sẽ được chôn tại hố này. Ra hiệu xong, bóng đen lặng lẽ đi về cuối bãi tha ma. Mấy bác đào huyệt hoảng loạn, nhưng cũng dọn dẹp qua loa, rồi ngồi chờ trời sáng mới ra về, mang theo những sự việc lạ lùng, chưa từng xảy ra bao giờ.

Trưa hôm ấy, nhà “đám” đang ăn uống, sự việc kinh dị sáng nay mới được sáng tỏ. Đó là một người đàn ông bằng da, bằng thịt, không còn trẻ nữa. Gương mặt bì bì, tàn tã bởi nắng mưa phong trần. Hắn có dáng người cao lớn, da vàng ệch, bụng trướng lên như người bị báng nước. Trên người, khoác một chiếc chăn rộng, nhầu nhĩ. Mấy mẩu rách còn dính lại như tua cờ. Hồi nãy, mọi người cho là khối đen kinh dị. Còn gậy trong tay, các bác đào huyệt tưởng hung khí. Nhìn kỹ, hóa ra chiếc que gỗ đã mục, rút từ hàng rào nhà ai đó.

Hắn đứng chơ vơ đầu ngõ, mắt nhìn vào đám đông đang ăn uống trong nhà. Chờ lúc mấy chị mang mâm bát ra giếng rửa, hắn mới nhảy xổ vào (đương nhiên hắn ý tứ, đứng một chỗ với khoảng cách vừa phải). Một tay nâng ngang miệng, một tay và, như thể người ta và cơm vào mồm. Cách xin ăn của hắn, bằng động tác người câm.

Nếu không có tin đồn khắp làng, về con người này, có lẽ chị chủ nhà quăng hết mâm bát, chạy tháo thân. Nhưng vì, tin đồn nhiều quá, làm chai sạn nỗi khiếp đảm, khiến chị rất bình thản, thậm chí suýt mỉm cười với hắn. Chị vội vàng chạy vào bếp, mang một tô cơm lớn, mọi thức ăn bầy sẵn trên đó. Hắn tự nhiên lùa vài nhát là hết nhẵn, đến nỗi, chị chủ nhà chưa kịp chớp mắt. Thay vì chớp, mắt chị lồi to như đồng xu, nhìn chằm chặp vào mặt Cu Tướng. Lúc ấy, chị mới nhận ra, miệng hắn rất rộng, ngoác ra tận mang tai. Hai răng trước như chiếc bồ cào, chìa ra ngoài “hành lang”. Răng hắn màu vàng sạm, giống màu xương người, mới đào từ dưới mồ lên. Đúng bộ răng cải mả. Ăn xong, hắn phấn khích, đi về vương quốc của mình - bãi tha ma Gò Nhồi.

Nếu chừng ấy sự việc, dân làng Màu không thỏa mãn tính tò mò cố hữu của mình. Họ bắt đầu săn tìm, điều tra, thân phận của hắn. Khổ nỗi, hắn cứ trơ trơ như hòn đá. Hỏi gì, hắn đều lặng ngắt, phớt đời. Miệng hắn, vốn cấu tạo hở, dành riêng cho ruồi muỗi, và gió máy lùa vào, nhưng lời ra thì không. Vì thế, bí mật đời tư Cu Tướng, mãi mãi là điều bí mật.

Mấy ngày sau đó, người ta phát hiện nơi ở của hắn, chiếm một góc bãi tha ma Gò Nhồi, nơi không ai tranh chấp, thậm chí vương quốc của hắn, muốn vươn tới đâu, là do sở thích của hắn, và phụ thuộc vào chiến lợi phẩm có được, sau khi khai quật mồ mả. Những cuộc xâm lấn lãnh thổ như thế, không xảy ra cuộc chiến tranh nào, đều diễn ra trong lặng lẽ, hòa bình. Một cuộc chiến, chỉ có một mình, không thể coi là cuộc chiến tranh được.

“Vương quốc” Gò Nhồi, nhìn từ xa, ai cũng tưởng một tòa lâu đài thật sự. Bao quanh lâu đài, được hàng rào mồ mả bảo vệ chắc chắn. Đến gần, mọi người sửng sốt, trước công trình kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ… ván thiên, sản phẩm mồ mả sau khi sang, bốc.

Bên trong hàng rào, ngôi nhà hơn sáu mét vuông, dựng ván thiên bằng gỗ vàng tâm, loại gỗ tốt nhất, dành riêng cho những ngôi mộ của gia đình nhà giàu. Cu Tướng lựa chọn loại gỗ ấy, dành riêng cho sự sang trọng của mình. Mái lợp không kể xiết, vớ được thứ gì hắn treo lên, đến nỗi trời mưa trong nhà còn ướt nhiều hơn bên ngoài. Mặc kệ, vị chủ nhà, sau một ngày vất vả kiếm ăn, đêm nằm gối đầu lên hòn đá quen thuộc, ngắm nhìn trăng sao, gió mưa phũ phàng, qua mái nhà trống hoắc, là cách ưa thích, không thể chối bỏ được. Tóm lại, Cu Tướng có tâm hồn rất lãng mạn.

Cũng không ngạc nhiên, khi đồ đạc nội thất trong nhà Cu Tướng, hết sức khiêm tốn. Ngoài hai tấm ván thiên, ghép thành giường nằm. Hòn đá cuội gối đầu, nhẵn thín. Lối cửa ra vào, được che chắn bằng một tấm ván thiên, có thể nhấc ra, lắp vào, khi cần để mở lối đi. Đó là cách, đề phòng bọn xấu vào nhà, lấy trộm đồ. Một bên cuốc, một bên xẻng, dựng sát lối cửa giống như hai chú lính ngự lâm đứng gác. Trong nhà chẳng có gì sứt. Cu Tướng thực hiện “nhà không, vườn trống”, chỉ giữ lại nhu cầu thiết yếu cho giấc ngủ, còn toàn bộ “tài sản” của mình gửi gắm đâu đó trong làng Màu?

Một người như Cu Tướng không dám nói đã hưởng nhiều vinh hoa phú quí, nhưng chí ít cũng có thời, được cha mẹ cho ăn no, mặc ấm. Còn bây giờ, Cu Tướng ra ở Gò Nhồi, đứng đầu một “vương quốc”, trải nghiệm một chút khó khăn, có gì đáng kể?

 Đừng nói xua đuổi Cu Tướng như một kẻ ngụ cư. Không chừng, phải hết lòng cảm ơn hắn. Lo cho người chết, khác gì lo cho người sống? Một mình Cu Tướng, gánh vác hết âm phần cho làng, thử hỏi có đáng nể không? Không nói ra, nhưng làng Màu có sự thỏa thuận ngầm với Cu Tướng. Một hiệp định không ghi trong văn bản nào, không lời tuyên bố nào, nhưng đôi bên hiểu ý nhau. Tất cả phó thác cho Cu Tướng lo về mộ phần của làng, và giao luôn “vương quốc” Gò Nhồi cho hắn quản lý.

Từ ngày đó, Cu Tướng cần mẫn, chăm lo cho “vương quốc” của mình, ngày một tốt hơn. Mồ yên, mả đẹp, không chỉ những gia đình có người xấu số được an ủi, mà Cu Tướng cũng thấy hài lòng với chính mình. Nhiều đêm, Cu Tướng không ngủ, hắn đi đi, lại lại, tai dỏng lên như tai chó, lắng nghe, chắt lọc, những âm thanh hỗn độn. Bất chợt hắn nghe tiếng kèn trống ai oán, tiếng khóc vật vờ, của một đám ma theo gió vọng về. Hắn liền nghĩ tới việc đào huyệt theo hướng nào, cho thuận tiện khi làng đưa người chết đi chôn. Không thể người chết ở hướng bắc, phải trèo qua mồ mả, chôn ở phía nam. Chết ở hướng tây, lại chôn ở hướng đông… Có điều, hắn cứ phân vân mãi, nếu chôn ở phía đông, nghĩa là giáp với Đền Chính, hắn chẳng muốn tí nào. Nếu phơi mặt ra, để hai lão tướng hàng xóm trông thấy, thì chẳng ra làm sao cả. Ngược lại, hắn rất ghét hai gã bên ấy với bộ mặt câng câng, chỉ dọa được dân làng Màu, đố dọa được hắn. Còn ở phía nam, giáp với nhà chị Đỏ*, chẳng còn tí đất trống nào, mồ mả san sát cả rồi, không thể đào huyệt ở hướng ấy được nữa. Dù chị Đỏ đã đi xa, nhưng ngôi nhà của chị vẫn còn đó. Mấy lần hắn đứng trên ngôi mộ cao nhất bên này, ghé mắt nhìn sang, thấy mái nhà của chị đã được sửa lại, không còn lỗ thủng khi xưa nữa. Giá như chị Đỏ còn sống, “nằm vạ” trong buồng kín ấy, chắc gì đã thấy chú chuột với mấy mẩu khoai trăng trắng? Nghĩ tới đó, hắn bỗng cười “híc, híc”, liên tưởng mái nhà của mình, trống hơ, trống hoắc, gió vào rồi gió lại ra, thỏa thích! Lòng Cu Tướng nhẹ tênh.

 Khi đã xong việc chôn lấp, nhiều gia chủ không biết trả thù lao thế nào, liền dúi cho Cu Tướng một nắm tiền để trả công. Hắn bần thần không nhận. Gia chủ tưởng hắn chê ít, lại dúi thêm một ít tiền nữa, rồi vội vàng chạy đi, sợ hắn kịp trả lại tiền thì biết ăn nói ra sao với mọi người? Khổ thân Cu Tướng, mặt hắn nhăn nhó, khổ sở. Hai chiếc răng cửa có dịp nhô ra, trông đến khủng khiếp. Người ta có tiền, thì sướng như điên, nhưng hắn cầm tiền, như thể tay cầm nắm xương khô, tội nghiệp quá. Không biết để tiền vào đâu, hắn đành vò nhàu trong hai bàn tay hộ pháp, rồi đi về “vương quốc” của mình. Hắn rải các đồng tiền vô hồn lên ngôi mộ đầu tiên, cho đến ngôi mộ tận hàng rào - đồng tiền cuối cùng.

Tiền là cái gì, hắn không biết. Chưa bao giờ hắn cần đến tiền, thậm chí hắn không thể phân biệt được tiền âm, hay tiền dương. Ngược lại, Cu Tướng rất cần ăn. Nếu không ăn, Cu Tướng chết từ thời “tám hoánh” nào rồi. Hãy thử tưởng tượng xem, có ai trên đời, lại không có nhu cầu ăn? Đương nhiên, ai cũng cần ăn. Với hắn, ngoài việc ăn ra, mọi thứ khác còn lại đều phù phiếm tuốt. Ngày ngày đi đào mộ, việc ăn của Cu Tướng là đương nhiên. Thời điểm ăn của Cu Tướng, vào lúc gia chủ và khách khứa ăn xong, Cu Tướng mới xuất hiện.

Hắn rất ghét ngồi chung với mọi người, vì không được tự nhiên lắm, nhưng buộc lòng phải ngồi với con chó của gia chủ. Thôi, ngồi với chó cũng được, nhưng cái tệ, lũ chó không mấy khi nể trọng Cu Tướng. Chúng luôn gầm ghè, tranh ăn với hắn. Nhưng bao giờ hắn, cũng thắng cuộc. Vì thế, mối quan hệ giữa chó với Cu Tướng, mỗi ngày một tệ hơn.

 Bất kể con chó nào, cũng đều kẻ thù của hắn. Đi đến nhà nào, cũng có vài con lẵng nhẵng bám theo. Nhưng không vì thế, hắn thua lũ chó, nhờ có gậy rút từ hàng rào để phòng thân. Có lần, hắn rất hả lòng, hả dạ vì đánh trả được kẻ thù truyền kiếp của mình, bằng mấy gậy quật vào mông, kết hợp với vũ khí “tự có” của mình. Bộ răng “cải mả” nổi tiếng, sẵn sàng chìa ra, sắc nhọn hơn cả răng đối thủ. Trông thấy bộ dạng ấy, nhiều người ngây mặt ra đứng nhìn, tự hỏi không biết ai cắn ai đây?

Việc ăn của Cu Tướng là đi ăn, chứ không phải đi ăn xin. Hắn không tự tiện vào nhà, chỉ đứng đầu ngõ, quá lắm đứng lui vào chỗ khuất cho dễ coi. Hắn nhẫn nại chờ. Lâu lâu không thấy gia chủ ra, hắn biết trong nhà không còn gì ăn, đành rời đi, gương mặt không biểu lộ gì. Cùng lắm sang nhà khác vì trước đó hắn đã định liệu, còn không ôm bụng đói ra về.

Vô phúc cho nhà ai đó, họ mang bát cơm ra, Cu Tướng lướt qua, chỉ thấy xương xẩu, đến chó cũng không xơi được. Hắn từ tốn đặt bát trả lại, đi giật lùi ra ngõ. Cách đi như thế, hình như hắn muốn có thêm thời gian, ngắm kỹ hơn người chủ nhà tồi tệ.

Cu Tướng không có kẻ thù đất nước, kẻ thù dân tộc cũng không. Vì không ai muốn gây hấn với “vương quốc” Gò Nhồi của hắn. Nhưng, hắn cũng có kẻ thù riêng của mình, gồm những gia chủ, đối xử với hắn tồi tệ hơn cả chó, không xem hắn là con người. Cách trả thù của hắn, không “đao to, búa lớn”, không chìa thêm bộ răng cải mả của mình cho kẻ thù khiếp sợ, mà bằng cách… không bao giờ đến ăn ở nhà đó nữa! Tuy nhiên, Cu Tướng không bao giờ lạm dụng lòng tốt của một gia đình nào đó. Hắn không đến nhiều, một tháng đôi lần là quá thể. Thế mới biết, Cu Tướng người tự trọng cao. Nếu xã hội muốn công bằng, lịch lãm hãy đến Cu Tướng mà học.

Đến bây giờ, dân làng Màu mới thấy “sợ” Cu Tướng, vì hắn có vẻ thông minh, trí nhớ siêu phàm, được ẩn giấu bên trong? Hắn nhớ hết ngày, tháng ma chay, cưới xin, lễ lạt của từng nhà và của làng. Đến nỗi có mấy gia chủ nhỡ quên ngày kỵ của gia đình, đành phải đến hỏi Cu Tướng cặn kẽ. Hắn không nói, chỉ gật, hoặc lắc. Trước hiện tượng ấy, các “nhà khoa học” của làng Màu, đã thử tính chỉ số thông minh của Cu Tướng bao nhiêu (IQ)? Nhưng, làng có nhiều người thông tuệ quá, nên mỗi người nói một phách, chẳng biết tin ai? Cuối cùng, họ đưa ra giả thiết, hắn là con một gia đình quyền quí, nhưng bị phá sản, phải đày đọa, trôi dạt. Cũng có thể do bộ dạng xấu xí, bị gia đình hắt hủi, xa lánh?… Hỏi, Cu Tướng không nói. Hắn nín nhịn đến mức lười biếng, dân làng phát cáu. Nhiều khi người ta muốn quên hắn, coi hắn không có trên đời này nữa. Nhưng thật lạ, càng cố quên, hắn lại càng hiện ra. Nếu có đám ma, sang cất mồ mả, mà không có Cu Tướng, biết tính sao đây? Làng đã dựa vào hắn quá nhiều, thậm chí đến mức mọi người trở nên lười biếng, làm sao quên được hắn?

Làng Màu, có một ngôi đền, thường gọi Đền Chính vọng thờ Tứ vị thánh nương. Trước đền, tượng hai ông tướng to như hai ông hộ pháp, đứng trước cửa coi đền, tựa lưng voi, một tay chống trượng xuống đất, một tay vung kiếm lên trời, trông rất uy nghi, lộng lẫy.

Đi qua trước cổng đền, dân làng cúi đầu không dám nhìn, cắm mặt xuống đất. Sát cạnh đền là “Vương quốc” Gò Nhồi do Cu Tướng trấn thủ. Hàng ngày đến bữa ăn, Cu Tướng đi qua trước cửa đền, tất nhiên phải qua mặt hai ông tướng gác cửa. Hắn nghĩ, người ta là tướng, mình cũng là tướng, sao phải cúi đầu trước người ta? Nghĩ sao làm vậy, Cu Tưởng ngẩng cao đầu đi qua hai ông tướng, gươm giáo tuốt trần. Cu Tướng không thèm nhìn, thậm chí không cúi đầu, quỵ lụy. Trong cuộc đối đầu âm thầm này, cu Tướng hơn nửa đời người sống với cõi âm, nhiều hơn cõi dương, nên không sợ chết? Thế là, hàng ngày hắn bỡn cợt, ngang nhiên đi qua hai ông tướng láng giềng.

Từ ngày Cu Tướng về làng, bọn trẻ con cũng được “ăn theo”. Việc học theo, làm theo là bản năng vốn dĩ dồi dào của bọn trẻ. Thấy Cu Tướng hiên ngang đi qua cửa đền, không cúi đầu là hành động dũng cảm, phải nhanh chóng làm theo. Lúc đầu, mấy đứa lớn dám làm, nhưng sau đó cả bọn thấy hay liền ùa theo, không phải cúi đầu nhắm mắt mà chạy nữa. Ôi, sung sướng quá!

Đang ngồi học, thoáng thấy Cu Tướng đi qua, cả bọn nhốn nháo cả lên, chỉ mong sao thầy giáo cho tan lớp. Khi được nghỉ học không về nhà ngay, cả bọn theo chân Cu Tướng, nghênh ngang trên đường. Vừa đi, vừa đồng điệu hô vang:

- Êu, Cu Tướng! Êu Cu Tướng! 

Mấy đứa con gái còn nhỏ, cởi truồng đứng trong ngõ, cũng thốt lên “Eo ôi, Cu Tướng! ” rồi chết khiếp, chạy vào nhà.

Bọn trẻ tham gia rồng rắn lúc đầu còn đông, về đến ngõ nhà mình giảm dần, vì Cu Tướng sắp đến chỗ ăn. Cuối cùng, đến lượt con chó của gia chủ tiếp đón Cu Tướng, bằng mấy tràng sủa:

- Gầu, Gầu, Gầu.

- Gầu, Gầu, Gầu.

Đúng là chó nhà giàu mới có kiểu sủa như vậy. Đương nhiên, Cu Tướng chẳng sợ, vì ngoài cái gậy thường trực, hắn đã lờn thuốc chó má rồi.

Về khoản tư trang, quần áo, là nỗi khổ riêng của Cu Tướng, ít ai hiểu hết tâm tư của hắn. Nếu vắn tắt, hai mùa nóng, lạnh, cả hai mùa nỗi khổ đều như nhau. Mùa nắng, quần áo tả tơi, da thịt lòi ra cháy xém. Mùa đông, cũng quần áo ấy, nhưng có thêm chiếc chăn rách để quàng. Thiếu hẳn trang bị ngựa ngẽo, mũ mão, dày dép, gươm giáo, giống như kiểu hiệp sĩ Đông Ky Sốt ở bên Tây. Do vậy, không ngăn được cái rét thấu da, thấu thịt.

Một kẻ đáng ghét nữa, làm Cu Tướng đã rách rưới, lại càng rách rưới thêm. Đó là đàn chó làng Màu. Cu Tướng chỉ bảo vệ được phần da thịt của mình, chứ không bảo vệ được quần áo đang mặc trên người. Với bộ răng nhọn hoắc, chỉ mình con chó đầu đàn, ngoạm một miếng, là quần Cu Tướng toạc đến tận mông. Cũng nhờ cánh tay dài, Cu Tướng giằng lại được một phần quần bị rách, để sau đó lấy dây buộc túm lại. Thế cũng tạm ổn về quần áo, yên tâm giải quyết cho xong bữa, còn phải về nhà. Nhưng cũng có lần, Cu Tướng không dám về sớm, vì trời chưa tối hẳn, sợ gặp đàn bà. Nhỡ có bà nào, trông thấy bộ dạng của hắn sau cuộc tranh hùng với mấy con chó, quần áo tả tơi như thế, ắt hẳn các bà, không dám hé mắt nhìn “hàng”, chứ đừng nói đến nhìn thẳng, hay nhìn nghiêng.

Trong lúc ngồi chờ trời tối, hắn thong thả làm vệ sinh răng miệng. Các ngón tay, ban ngày làm lụng nơi mồ mả, bây giờ có dịp chùi qua loa vào quần áo đang mặc, là đưa tay vào mồm móc máy. Vốn dĩ răng thưa, chìa hết ra ngoài, nên đám cơm thừa và xương xẩu khu trú trong các kẽ răng, có dịp được lôi ra dễ dàng.

Liếc mắt, thấy chủ đi vào nhà, hắn ranh ma mò đến chum nước, vục mấy gáo dừa căng đầy bụng cho thỏa cơn khát. Và cũng để dự trữ nước trong dạ dày qua đêm. Chưa dừng lại, hắn tham lam đổ thêm vài gáo nữa vào ngực áo. Những mảnh áo rách, tướp như xơ dừa thấm nước rất nhanh, Cu Tướng thấy mát cả bụng, tưởng như đang tắm, thoải mái quá. Quả thật, khó tìm ra một con người nào hoàn hảo như Cu Tướng nhà ta, chỉ trong thời gian chớp nhoáng, hắn làm được khối việc: Chiến đấu với bọn chó má; Vá quần rách; Ăn thức ăn nhanh; Làm vệ sinh răng miệng; Tắm táp và mang nước về nhà… Cộng tất cả những người đàn bà nội trợ làng Màu, chắc gì đã nhanh hơn Cu Tướng?

Thực ra, dân làng Màu không quá thờ ơ về chuyện quần áo của Cu Tướng. Không nói ra, nhưng Cu Tướng là bộ mặt thật trần trụi của làng. Nếu Cu Tướng ăn mặc, lôi thôi, xấu xí, cả làng mang tiếng. Vì vậy ai cũng lo nghĩ, nhất là cánh đàn ông với nhau. Đương nhiên các bà, các cô vì tế nhị, nên phó mặc cho đàn ông. Về khoản này, Cu Tướng thiếu hẳn bàn tay dịu dàng của phái đẹp.

Duy nhất hắn chỉ có một bộ quần áo. Hắn ưa thích bộ vải thô, nhấn nâu bền chắc của làng Màu, một sản phẩm nổi tiếng trong vùng. Với độ bền chắc như thế, phòng khi đàn chó xâu xé, không bị rách quá sớm. Tốt nhất chỉ một bộ gọn nhẹ trên người vào mùa hè, thêm chiếc chăn khoác vào mùa đông là lựa chọn hữu dụng nhất. Đã vậy Cu Tướng tự mình sắm lấy quần áo, là cách ưa thích truyền thống xưa nay hắn vẫn làm. Hắn nhắm tới những người lao động đang phơi quần áo bên bờ dậu. Chờ vắng người, hắn trút bỏ đồ rách rưới của mình, nhanh chóng khoác bộ cánh của gia chủ rồi xúng xính đi ra. Cu Tướng bây giờ không chỉ trơ trẽn, còn láu cá nữa.

                                   ***

Một buổi chiều đẹp trời, xuất hiện một người đàn bà. Mặc dù chợ Màu chưa tan hết, nhưng bà cảm thấy như đi vào chỗ không người. Đến cuối chợ, bà đặt đít ngồi vào một phản thịt lợn bỏ không, đảo mắt khắp lượt, rồi chờ cho đến lúc trời tối mịt.

Mấy bà bán hàng trầu cau, đang ngồi nhai trầu, liếc xéo người đàn bà vừa đi qua, thấy chiếc lưng gù gù, và cái mông to tướng, liền phán một câu:

- Mông to, lưng gù, dáng cong cớn thế kia, con Mụ Gù này chắc đẻ khỏe ra phết!

Người làng Màu vốn độc mồm, độc miệng. Hễ nói ra, hoặc gắn tên cho ai thì như keo dính chặt vào mồm. Từ giây phút ấy, bà có tên mới: MỤ GÙ, thôi luôn cái tên trước đó, dân làng dự định phong tặng bà Hoàng Chợ Búa, cho người nào đến với chợ. Quả thật, Mụ Gù xứng đôi với Cu Tướng bên vương quốc Gò Nhồi.

 Sáng hôm sau, những người đi chợ sớm đứng như trời trồng, mắt nổ đom đóm, không nhận ra cái chợ Màu nhếch nhác, bẩn thỉu, nhiều năm nay dân làng phải chịu đựng, bây giờ đã khác. Thật ra, chợ chẳng có gì khác mấy, nhất là thời gian, chỉ xảy ra trong vòng có một đêm? Tất cả đều cũ, duy nhất chợ được quét dọn sạch sẽ. Các hòn đá kê rổ rá được sắp đặt ngay ngắn. Cuối chợ đống rác to đang cháy, khói bốc lên nghi ngút.

Mụ Gù đứng lừng lững trước cổng chợ, như muốn “tự xưng” chủ nhân chợ này. Mặt mụ vênh vênh, chìa hàm răng đen xỉn, có vẻ ăn bã trầu nhiều hơn là ăn trầu. Chốc chốc, lại vén mép khăn quàng lên, lau mồm khi giãi trầu chảy xuống yếm.

Buổi ra mắt đầu tiên của Mụ Gù rất thành công, mụ đột ngột xuất hiện, y chang Cu Tướng bên Gò Nhồi. Mọi trật tự bị xáo trộn, làng Màu sao không tự ái? Thực ra bên ngoài, các vị tự ái vậy thôi, nhưng trong lòng, cũng phải thừa nhận có Mụ Gù vẫn hơn. Một làng nổi tiếng lâu đời về sự giàu có, vẫn tồn tại một lều chợ rách nát, khiến con Mụ Gù phải ra tay!

 Một đặc điểm đáng kính của người làng Màu, khi nói chuyện với nhau, phải nhìn vào mặt nhau. Đó là cách tôn trọng lẫn nhau. Nếu vô tình, quay mặt đi hoặc lấy tay che mặt, liền bị cho là người không lịch thiệp. Còn một lý do nữa, nhưng vì tế nhị, chẳng ai nói với ai, khuôn mặt các bà ở làng Màu dễ coi, và có sức hấp dẫn kỳ lạ. Nhìn vào mặt nhau, âu cũng là cách tôn vinh vẻ đẹp của nhau! Nhưng nhìn vào mặt nhau, không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nhất là lúc người ta đang ăn. Nếu bị người khác cố tình, hay hữu ý nhìn vào mặt, thường xảy ra chuyện. Trong một số trường hợp, sự việc kết thúc rất đau lòng. Họ chấm dứt mối thâm tình, thề rằng không bao giờ nhìn vào mặt nhau nữa! Để ngăn ngừa những chuyện không may ấy xảy ra, bây giờ các bà ăn quà vặt ở chợ thường lấy nón, hay khăn để che mặt! Đấy thử nghĩ xem, đàn bà làng Màu thông minh đến thế là cùng?

Trong thời gian trị vì chợ Màu, Mụ Gù phạm một sai lầm hết sức nghiêm trọng. Mụ dám nhìn vào mặt, khi các bà đang ăn quà vặt ở chợ. Mụ không bị túm tóc, không bị hắt nước vào người. Nhưng được hưởng một cái lườm khinh bỉ, và mẩu bánh người đàn bà đang ăn, bỏ lại. Với mụ, đó là một cơ hội. Chờ cho vị khách ăn, giận dỗi bỏ đi, mụ đợp ngay mẩu bánh. Nhanh đến nỗi, hai chú chó con ngồi chầu bên cạnh, cũng không kịp phản ứng. Bọn hắn, chỉ biết rên ư ử, ve vẩy đuôi nhìn Mụ Gù nịnh bợ. Nhiều người bực bội với Mụ Gù. Bởi cách kiếm ăn của mụ lạ lẫm, chưa thấy xảy ra ở đâu. Nhưng hãy khoan trách mụ, phải đến thăm nơi ăn ở của mụ, rồi mới đưa ra lời phán xét tại phiên tòa chợ búa.

Đó là căn lều rộng hơn bốn mét vuông, chuyên bán thịt lợn của người chủ quán. Ban ngày bán thịt, ban đêm, quán bỏ trống, đó là chỗ tá túc của Mụ Gù. Nếu nghiêm túc khẳng định, căn lều làm bằng vật liệu gì, màu sắc thế nào, khó lòng trả lời được. Chỉ biết rằng, hơn hai trăm sắc màu quốc gia Liên Hợp Quốc, cũng phải cúi mình trước tòa nhà của mụ. Một sự hổ lốn, mang tầm thế giới.

Một thân một mình, không chồng, không con, cũng đủ cho mụ thoải mái ngủ qua đêm, trên phản thịt còn dính lại đầy mỡ lợn. Điều ấy, đối với mụ cũng chẳng sao cả. Chỉ e một điều, đàn bà, con gái ngủ trong lều trống hoắc, che đậy sơ sài, mà gió máy làng Màu nghịch ngợm lắm, nhỡ làm tốc cái “mấn” của mụ lên, biết làm sao đây?

 Về khoản ăn uống, là vấn đề lớn nhất trong cuộc đời của mụ. Hình như, đấng tối cao không công bằng với mụ? Bề trên đã tước mất quyền “tề gia, nội trợ” của người đàn bà này. Không nồi niêu bát đĩa, không khói lửa chiều hôm, tất cả lạnh tanh đến ngơ ngác. Giá như cả chợ Màu, gom hết tất cả gạo, thịt thà, cá mú… để biếu không cho mụ, mụ cũng chẳng biết làm thế nào để nấu nướng? Nhưng việc ăn, có lẽ làng Màu, không ai sánh được sức ăn của mụ. Thậm chí, nhiều người gộp lại, chắc gì đã thắng? Còn nếu thật sự thương mụ, dân làng Màu, hãy thổi cả núi cơm, kho tất cả cá mú dưới sông Màu, có lẽ cũng không đủ cho cái bụng lúc nào cũng thấy ong óc đói của mụ. Nếu không phải như vậy, tại sao các cụ xưa lại dạy “miệng ăn, núi lở”.

Có thể nói, việc ăn đã choán hết cả thời gian, và tâm trí của mụ. Ban đêm, ngoài việc quét dọn chợ trước khi trời sáng, còn dành riêng cho việc ngủ. Ban ngày, chúa ban phước lành cho mụ trong việc ăn uống. Xin ai đừng quở trách, mắng mỏ, khi mụ đang ăn. Đó là cơ hội, là dịp ngân hàng “dịch vị”, tích tụ lâu ngày trong miệng của mụ túa ra.  “Trời đánh, tránh miếng ăn” mà.

Chiến lược ăn của mụ hết sức đơn giản. Không đa dạng phức tạp, như lão hàng xóm bên kia Gò Nhồi. Dưới con mắt của mụ, chợ Màu không có bất cứ một loại hàng hóa nào hết, ngoại trừ một dãy hàng bán quà vặt. Đó là những mặt hàng quà rất dân dã, mang đậm chất vùng miền: Bún chấm mắm tôm, bánh đúc chấm mắm đâm*, bánh mướt chấm nước mắm ớt chanh. Còn các loại bánh chưng, xôi lạc, xôi vừng, bánh xèo, bánh sung, bánh rau câu, rau cạo… bày tràn lan, hấp dẫn. Một vùng quê nghèo, “chuyên tự cung, tự cấp”, nên không có hàng cơm, hàng phở, tiệm cà phê, hàng giải khát như các nơi khác… Đói khát về nhà đã có vợ con lo, chẳng phải mua bán gì nhiều. Chính vì thế, người làng Màu luôn tự làm cho mình nghèo thêm. Kéo theo sự không may mắn của Mụ Gù, quanh năm suốt tháng, không biết mùi vị của hạt cơm, chưa nói đến hương vị phở.

Chính giữa chợ, là một dãy hàng bánh, lúc nào cũng tấp nập người qua lại. Hình như, đó là lăng kính phản ánh lối sống của người có văn hóa, người có nhiều tiền và người “chán cơm, thèm... bánh”? Đó là, điểm yếu cốt tử của người làng Màu. Mụ biết cách khai thác triệt để, duy trì sự sống của mình. Mụ chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp, có tầm quan sát khách hàng. Nơi vừa kín đáo, vừa phát huy được trí tưởng tượng của một “điệp viên” già dặn kinh nghiệm, không vì một ai đó, làm cho mất sự tập trung.

Ngồi trên vương miện của Bà Hoàng chợ búa, chẳng mấy chốc, mụ ngủ gà ngủ gật, quên mất bữa ăn chính thống của mình. Đây là bài học trả giá, cho mấy lần ngủ quên, phải ôm bụng đói qua đêm trong “hoàng cung” lạnh giá của mình.

Mụ lén sang bên Gò Nhồi, đánh cắp được một hòn đá tròn nhẵn như chú lợn con để làm ghế ngồi. Mụ chật vật mang hòn đá về, trong lúc Cu Tướng vắng nhà. Với cái đít to bè, thượng lên hòn đá tròn tròn, lăn đi, lăn lại. Mụ thấy hơi ngồ ngộ, tê tê dưới mông, không còn thấy buồn ngủ nữa. Khi phát hiện con “mồi”, sà vào một hàng bánh nào đó, mụ rời nơi ngồi, nhẹ nhàng như loài cáo. Đến nỗi, người bán và người ăn không hề hay biết. Việc nhìn vào mặt người ăn, tuy có mất lịch sự một chút, nhưng với Mụ Gù, đó là cách duy nhất, đoạt miếng ăn của người khác.

 Từ ngày Cu Tướng láu cá, biết cách đổi quần áo cũ lấy quần áo mới, hắn như người rửng mỡ. Chân hắn nhảy lò cò, miệng huýt sáo. Nhưng vì răng nhiều hơn da, nên không thể tu môi vào được. Phì hơi qua hàng răng thưa, phát ra âm thanh nghe “toẹt, toẹt”, như lũ ngan ỉa bậy.

Hồi trước, Cu Tướng nhà ta rất ngại gặp đàn bà, nhưng bây giờ đã khác. Quần áo luôn được chỉn chu, không bị lộ “hàng” nữa. Gặp ai, hắn không chào hỏi, giương đôi mắt lợn luộc nhìn chòng chọc vào người ta, tưởng như người từ hành tinh khác, đến khám phá trái đất. Vì vậy, các bà, các cô bây giờ không dám coi thường Cu Tướng như trước nữa. Hễ nhìn thấy hắn từ xa, họ lánh vào ngõ hay chui tọt vào nhà. Không gặp ai, Cu Tướng xông thẳng ra chợ, có thể bắt đầu cho mình một chuyện tình phiêu lưu ở chợ làng Màu?

Có rất nhiều người, kể cả nhà văn, hay không phải nhà văn, họ mô tả cái nhìn đầu tiên, của những đôi “trai tài, gái sắc”, bằng những mỹ từ. Bất kể sách vở nào cũng viết: tình yêu sét đánh. Riêng chuyện tình của Cu Tướng, tình yêu sét đánh xảy ra thế nào?

Xét về góc độ nhà thơ, Cu Tướng nhà ta, có thừa tâm trạng thi sĩ. Ở bên Gò Nhồi với mái nhà trống hoắc, bao nhiêu trăng sao, mưa, gió, ùa vào… Cùng với tiếng ma kêu, quỷ hờn, làm sao Cu Tướng không thể, không rung động? Chỉ có điều, khác biệt với các nhà thơ khác, Cu Tướng vốn sống nội tâm nhiều hơn, không viết ra trên giấy trắng mực đen, mà thỉnh thoảng, mới phát tiết ra ngoài, bằng tiếng sáo mồm quen thuộc. Nếu đi qua Gò Nhồi, nghe tiếng phát ra giống như tiếng ngan ỉa, chính là lúc Cu Tướng đang có cảm xúc với nàng thơ mãnh liệt nhất!

Cu Tướng đứng mãi một chân, ngắm Mụ Gù từ phía sau. Bất ngờ bước lại gần, vung chân đá mạnh vào đôi mông to tướng, khiến Mụ Gù chúi người về phía trước, xuýt giập mặt xuống đất. Mụ không nổi cáu, bất ngờ quay lại nhìn Cu Tướng, mắng yêu:

- Nỡm!

Mụ nguýt một cái rõ dài, rồi xòe mồm cười hết cỡ, đám bã trầu ngậm trong miệng không còn bị giữ lại, rơi lả tả xuống yếm nâu. Mặt Cu Tướng lạnh tanh, nhưng khi thấy Mụ cười, hắn cũng bật cười theo. Thế là hai đứa ngẩng mặt lên trời, cười như đười ươi ôm ống!

Tảng sáng hôm sau, những người đi chợ sớm thấy Cu Tướng từ chợ Màu đi ra, không phải từ vương quốc Gò Nhồi như mọi hôm. Điều khác lạ ấy, khiến dân làng Màu đã im ắng chuyện tào lao lâu nay, bây giờ lại một phen bùng lên đồn thổi, nghi vấn. Sự việc được đẩy lên cao, trên mức điên rồ, khi ai đó phát hiện chỗ ở của Mụ Gù được kê thêm một tấm gỗ, vừa đủ cho hai người nằm. Tại sao tấm gỗ chắn rác cuối chợ, lại ở trong lều của mụ? Ai đã nằm trên tấm gỗ kê sát phản thịt trước đây, mụ vẫn nằm một mình? Tại sao, sáng sớm Cu Tướng từ chợ đi ra?

Với những suy luận, đồn thổi kiểu ấy, dân làng Màu quả quyết đêm qua Cu Tướng và Mụ Gù đã “ăn nằm”… với nhau rồi. Sự chú ý của mọi người, bây giờ không vào cái mồm “mỏ khoét” của mụ nữa, mà nhằm vào đôi vú thây lẩy, đôi khi mụ trễ nải, để nó trật ra khỏi yếm. Có người còn quả quyết nói điêu lên rằng, cái bụng của mụ đã lùm lùm hơn trước…

Mỗi người nói một phách, theo trí tưởng tượng riêng của từng người, nên chưa biết kết cục câu chuyện ra sao. Nhưng họ kể tường tận, cứ như người trong cuộc. Chuyện rằng, sau cú “đá yêu”, Cu Tướng ngồi lỳ trên phản gỗ của mụ, cho đến lúc trời tối mịt. Hai đứa ngồi lù lù như hai đống rạ, tưởng ai đó vô tình để quên giữa chợ. Chúng bắt đầu “cuộc yêu”, bằng việc cấu véo, xô đẩy, cười đùa, cho đến lúc cả hai mệt lử, rồi ôm nhau, lăn qua lăn lại trên phản gỗ chặt hẹp.

Con Mụ Gù chợt nhớ ra điều gì, chạy về cuối chợ, lôi ra tấm gỗ chắn rác, đưa về kê sát với “giường” của mình. Dân làng còn kể tỉ mỉ, mô tả đến mức, Cu Tướng với bộ răng cải mả của mình, ngoạp vào vú Mụ Gù một miếng. Không biết mụ có đau không, nhưng yếm bị rách một mảng to, lòi một bên vú ra ngoài. Lần đầu tiên, nhìn thấy vú đàn bà sát sạt đến thế, Cu Tướng bị kích thích đến cao độ. Một tay bóp lấy bóp để, tay kia túm dây yếm giật mạnh. Trong chốc lát, hai vú Mụ Gù tồng ngồng, nhảy nhót trước mặt cu Tướng. Hắn đè nghiến mụ xuống phản thịt, vừa bóp vừa cắn cho đã. Mụ Gù đang lúc hứng tình, không thấy đau, liền ôm chặt lấy Cu Tướng, thở hồng hộc như lúc đang đào mả.

 Nhưng, nếu ôm nhau mãi thế này cũng chán, chúng cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Do không được dạy bảo đến nơi đến chốn, cả hai chẳng biết phải làm gì nữa. Còn tạo hóa, đấng tối cao thiêng liêng, chỉ ban phát “ân huệ” này cho loài người, nhưng lại quên mất hai con người khốn khổ này.

Dục vọng là bản tính con người, đã đi là phải tới cùng. Đột nhiên, Cu Tướng thấy vương vướng ở phía dưới bụng, hắn tưởng cái “gậy” đuổi chó hàng ngày của mình, liền túm lấy định vứt đi. Nhưng kéo mãi không dứt ra được. Chợt nhớ ra “cái” này là của mình, dùng để đái mỗi khi bụng căng tròn. Nhân thể, Cu Tướng tò mò, đưa tay xuống háng mụ Gù, xem có giống cái của hắn không? Nhưng thật lạ, không thấy cái gậy dài như của hắn, mà chỉ có một đống lùm lùm trong bàn tay xòe hết cỡ, lại còn một túm tóc nữa thì phải? Mầy mò một lúc hắn thấy tay mình ướt át, người nổi da gà. Hắn lên cơn điên, liền dập liên hồi xuống người mụ.

Dập mãi như thế chẳng biết để làm gì? Chỉ thấy đau ở phần dưới bụng. Ngược lại, người hắn rừng rực như cơn khát, muốn uống, mà không biết uống như thế nào? May thay, con Mụ Gù biết phải làm gì, khi cơn hứng tình lên đến cực điểm. Mụ luồn tay xuống dưới tấm thân hộ pháp của Cu Tướng, đưa chiếc “gậy” của “tình nhân” vào chỗ của mình. Đến lúc này, Cu Tướng dập mạnh một cái như búa bổ. Cùng lúc, mụ Gù thét lên một tiếng như lợn bị chọc tiết. Từ giờ phút ấy, mụ Gù trở thành người đàn bà.

Thật ra, sau lúc “lâm trận”, Cu Tướng không tài nào ngủ được. Hắn thấy sự việc xảy ra từ chiều đến giờ nhanh, và bất ngờ quá. Bỗng nhiên, hắn có được người đàn bà đang nằm bên cạnh, lại cho hắn khoái cảm tột cùng, thứ mà trước đây hắn không hề biết? Có phải mơ hay ảo giác tức thời? Tóm lại, hắn chẳng hiểu điều gì vừa xảy ra. Hắn trằn trọc, xoay trở trên tấm ván chật hẹp, vô tình chạm tay vào vú mụ Gù. Tại sao, vú mụ không nhô cao như lúc nãy mà tẹt ra, biến đi đâu mất? Hắn suy nghĩ rất mông lung. Nhưng trong đầu hắn, lúc nào cũng đầy ắp xương người, không còn chỗ cho các suy nghĩ khác. Đến nỗi, một tí da vú bèo nhèo của mụ cũng không biết chúng chạy đi đâu? Hắn hốt hoảng, sục tay vào ngực mụ như sục vào trong quan tài. Cuối cùng hắn túm được một bên vú rồi tham lam túm cả vú bên kia. Con mụ Gù sướng như điên, ọ lên rồi ôm đầu hắn, ghì chặt vào ngực mình.

Người hắn bắt đầu rạo rực, căng lên. Hắn muốn trèo lên người mụ như hồi nãy đã làm. Nhưng bất chợt, có tiếng sột soạt dưới gầm phản, làm hắn cụt hứng. Hắn thấy nhói đau ở mấy đầu ngón chân. Đến khi nghe tiếng ăng ẳng, Cu Tướng mới nhớ ra, hai con chó con hàng ngày, vẫn chầu chực bên Mụ Gù. Lúc này, là cơ hội cho hai nhóc đang tranh nhau, gặm vào cái chân thối của hắn! Đang lúc sung sướng, mà “kẻ thù” vẫn không buông tha, điều ấy làm Cu Tướng bực bội. Hắn mấy lần nhổm dậy đuổi chó đi, nhưng bị cánh tay nuột nà của mụ vít xuống, đành chịu. Thử hỏi, trên thế gian này, mấy ai khuất phục được hắn? Vậy mà con Mụ Gù đã làm được điều đó. Thế mới biết, ma lực đàn bà, khủng khiếp đến mức nào?

Sau đêm đó, Cu Tướng bỏ ngoài tai mọi lời dị nghị của làng. Hắn ăn nằm với Mụ Gù như vợ chồng. Mọi người nói rằng, hắn không đi theo lối cũ, là để tránh mặt hai ông tướng gác cửa đền bắt gặp. Hắn đi bằng lối nhỏ, từ Gò Nhồi sang chợ Màu, đưa cơm cho mụ và làm những việc, của người đàn ông, biết phải làm gì với người đàn bà đang yêu? Xong việc, hắn quày quả về “vương quốc” của mình. Thực tình, hắn cũng muốn ở lại với mụ, nhưng vì mấy con chó quấy nhiễu, làm hắn mất ngủ. Với lại, còn việc mồ mả, ma chay của làng, ai lo cho hắn? Thế cũng phải - hắn tự an ủi mình như vậy, nhưng thấy tiếc, nếu được trọn đêm với mụ thì vẫn hơn.

Việc ăn của Mụ Gù, không được suôn sẻ như dạo trước nữa. Người ta đã quen, với cái nhìn của mụ. Việc nhìn vào mồm khách đang ăn, không làm cho người ta mất cảm giác ngon miệng. Mẩu bánh cuối cùng, không mấy khi còn dính lại trên lá. Sự xuất hiện của Cu Tướng rất kịp thời. Hắn không chỉ là người tình trời cho, còn như một anh hung, cứu “mỹ nhân” khỏi cơn chết đói. Hàng ngày đi ăn, hắn mang theo một cái bát sắt gỉ, giấu sau lưng. Đó là phần cơm kiếm được, để chia sẻ với mụ. Chẳng bao lâu Mụ Gù “đỏ da, thắm thịt”, đến nỗi nhiều người không phân biệt được mụ béo lên hay đang mang bầu?

Rồi một sự việc làm cho làng Màu bàng hoàng, sửng sốt: Mụ Gù tự nhiên biến mất??? Cũng như mọi lần, người đi chợ sớm, thường thấy mụ ngồi ở phản thịt đang vấn tóc, mồm nhai trầu, trong khi chợ đã quét dọn sạch sẽ. Nhưng hôm nay thì không. Nắng xiên hông rồi, vẫn không thấy mụ. Lúc ấy, mọi người mới tá hỏa đi tìm. Họ chạy sang Gò Nhồi bên Cu Tướng, nhà trống không. Chạy sang mấy nhà cạnh chợ xem mụ có ngủ quên, cũng không. Rồi họ ngó nghiêng xuống giếng, thậm chí nhìn ra sông Màu đang cạn kiệt thủy triều. Liệu, mụ có dại dột trẫm mình? Mọi suy đoán, đều không có hồi âm. Người làng Màu, cầu trời khấn phật mong cho mụ chỉ phiêu bạt đâu đó, miễn sao được bình yên, đừng xảy ra điều gì xấu nhất. Chợ Màu bắt đầu ngập ngụa rác. Họ nhớ mụ.

Từ ngày vắng Mụ Gù, Cu Tướng như người mất hồn, lang thang tìm khắp nơi. Đi chán rồi lăn ra đất, như người “nằm vạ”. Đây là lần đầu tiên, hắn có tình cảm mãnh liệt với một người đàn bà. Có lẽ bố mẹ sinh ra, cũng không thể có được tình cảm ấy? Cu Tướng quên ăn, quên uống, người gày rộc, đến nỗi dân làng Màu cảm thấy, điều xấu có thể xảy ra.

Làng Màu cận sơn, cận thủy, đất chật người đông. Đất không nảy nở thêm được bao nhiêu, người chết ít đi, người sinh mỗi ngày một đông. Chính quyền địa phương có chủ trương di chuyển, san lấp mồ mả Gò Nhồi lấy đất dãn dân. Họ chia lô, chia khoảnh, mua bán, rồi đào bới, san lấp… “Vương quốc” Gò Nhồi không còn nữa, Cu Tướng mất việc làm.

Một buổi sáng đẹp trời, người ta thấy một bộ quần áo Cu Tướng thường ngày vẫn mặc, được xếp ngay ngắn trên bờ. Cả làng Màu kéo nhau ra bờ sông, nhìn nước thủy triều đang rút xuống, Cu Tướng không còn nữa. Nửa đời Cu Tướng, chôn bao người chết của làng. Còn ông, ông không muốn làng phải chôn, sau khi ông chết. Tự ông làm lấy việc của mình, nhờ dòng sông Màu đưa đi… Không lẽ, làng Màu còn mắc nợ ông?

Ai đó vừa đặt một tô cơm lớn, thức ăn được bày sẵn. Một làn hương thơm trong buổi sáng ban mai, phảng phất bay ra biển.

 

                  Xuân Đinh Dậu, 2/2017

 

* Tác phẩm “Nằm vạ” của nhà văn Bùi Hiển sáng tác vào những năm 1940, được cho là lấy nguyên mẫu làng Phú Nghĩa Hạ (Tiến Thuỷ - Quỳnh Lưu ngày nay) trùng khớp với Người Thổ mộ trong câu chuyện này.

trechantrau

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)