bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 38
Trong ngày: 379
Trong tuần: 1162
Lượt truy cập: 773793

NHÀ THƠ PHẠM THỊ PHƯƠNG THẢO - NGƯỜI MƠ MỘNG

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo: “Người đàn bà mơ mộng”

 

Vanvn- Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo kể: “Hồi còn nhỏ tôi cũng mơ mộng lắm”. Cái mơ mộng mà Phạm Thị Phương Thảo nói tới là chuyện từ hồi học cấp 2 cô đã làm thơ, đó là những bài thơ đầu tiên mà cô học trò nhỏ viết để tham gia phong trào làm báo tường của trường và của Liên Đội Thiếu niên Tiền phong.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo đã nhận được 9 Giải thưởng về VHNT của Trung ương và địa phương. Đáng chú ý là Giải Quán quân Slam năm 2018 do Sứ quán Pháp và Học viện Pháp ngữ đồng tổ chức. 

Phạm Thị Phương Thảo giỏi thơ văn từ bé chắc cũng bởi ngay từ hồi ấy cô đã được ảnh hưởng từ người cha yêu văn chương. Cô được đọc rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển trong nước và thế giới. Cô bảo: “Thế giới tuổi thơ và thế giới văn học của tôi chính là tủ sách của cha tôi. Cha tôi là nhà giáo dục, có rất nhiều sách, ông luôn khích lệ tôi đọc nhưng cũng hay nhắc nhở tôi đừng vì ham đọc sách quá mà quên “nhiệm vụ” học cho tốt ở trên lớp”.

Cha cô, ông Phạm Hồng Phúc, quê ở huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định nhưng xung phong lên Lào Cai công tác từ ngày Lào Cai chưa giải phóng. Ông công tác nhiều năm trong ngành giáo dục (ông nguyên là Trưởng ty Giáo dục tỉnh Lào Cai). Ở trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc này ông đã gặp mẹ cô, một nữ y tá Trung đoàn 44 lên Lào Cai phục vụ kháng chiến (sau này bà là bác sĩ, Phó giám đốc Bệnh viện Lào Cai và Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Liên Sơn).

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo kể rằng: “Bố mẹ tôi có 4 cô con gái, đều sinh trưởng trên mảnh đất Lào Cai gian khó, nhưng bù lại mấy chị em tôi đều kính trọng, thương yêu bố mẹ và luôn quấn quýt với nhau. Tôi là con thứ 3 chứ chưa phải là con út nhưng cũng được bố chiều lắm và luôn động viên, khen ngợi về thành tích học tập”.

Ngày ấy, ngôi nhà tranh của bố mẹ và mấy chị em cô ở thị xã Lào Cai heo hút thường xuyên có khách đến chơi vào những ngày chủ nhật, phần vì cha cô là cấp trên và quan trọng hơn là cha cô rất yêu văn học. Trong tâm trí của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo còn nhớ như in những người khách là các thầy cô giáo thường đến chơi nhà mình. Họ đều là thầy giáo và đều đam mê văn chương. Cô bảo: “Từ nhỏ, tôi may mắn đã được đọc những “ông thầy” ấy. Sau này, họ đều trở thành những nhà văn nổi tiếng, như các thầy giáo: Ma Văn Kháng; Pờ Sảo Mìn; Bùi Nguyên Khiết (nhà văn, nhà báo, liệt sĩ, AHLLVT trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tháng 2 năm 1979) và đặc biệt là cha tôi hay nhắc tới một thầy giáo giỏi người Mông là Mã A Lềnh”.

Ham đọc sách, thích làm thơ từ nhỏ, nhưng lớn lên, năm 1977, thì Phạm Thị Phương Thảo lại học Trường Đại học Kinh tế – Tài chính. Cô ra trường năm 1981 và lập nghiệp ở Hà Nội. Ban đầu là ở Viện Y học cổ truyền Việt Nam, rồi sau được mời lên làm công tác quản lý Tài chính và Dự án ở Bộ Y tế. Năm 2009, Chính phủ thành lập Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thuộc Bộ Y tế, thì “nhà quản lý tài chính” thạc sĩ Phạm Thị Phương Thảo được giao nhiệm vụ là Viện phó của Viện; dĩ nhiên là cô phụ trách công tác Kế hoạch – Tài chính – Hậu cần của Viện.

Cả quãng thời gian bận rộn với những con số và sổ sách kế hoạch, tài chính kế toán, những tưởng cô học trò giỏi văn ngày nào đã “quên” chuyện thơ phú. Vậy mà không, những lúc được rảnh rỗi là Phạm Phương Thảo lại làm thơ, những lần đi công tác địa phương là Phạm Thị Phương Thảo tranh thủ ghi chép điều mắt thấy tai nghe bằng thơ, bằng bút ký hoặc miệt mài viết tản văn. Cô cứ “âm thầm nuôi” thơ văn bằng cách như vậy rồi cho đến một ngày.

Nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo kể: “Có lần tôi bị ngã tại Đà Lạt do vấp vào tà váy của chính mình. Cú ngã ấy tôi gọi là “cú ngã Đà Lạt”. Khi thấy tôi ngã sóng soài ngay trên con đường nhỏ, kề nơi triền đồi thì có hai cụ già là người dân Đà Lạt đang đi dạo, họ vội chạy tới nâng tôi dậy và bôi dầu, hỏi han, chăm sóc rất ân cần. Đó là đêm Lễ hội Festival hoa Đà Lạt năm 2013.Thế là tôi thấy rất có cảm tình với con người và mảnh đất cao nguyên Lâm Viên xinh đẹp này”. Sau cú ngã Đà Lạt ấy, Phạm Thị Phương Thảo quyết định không vào tham dự đêm lễ hội hoa theo giấy mời nữa, cô tập tễnh vừa đi, vừa kéo vali lang thang quanh khắp phố đêm. Ánh sáng phố hoa huyền ảo như nhập vào tâm hồn của cô. Những ngôn từ về Đà Lạt như ào ạt kéo về.

Thế là từ một bài thơ về Đà Lạt được cô viết từ 10 năm trước trong cảm xúc dâng trào đã được Phạm Thị Phương Thảo nhanh chóng hoàn thành. Mà lại là một sự hoàn thành thăng hoa còn hơn cả dự định. Trường ca “Người bước ra từ bức tranh Đà Lạt” sau này được bắt đầu và ra đời như thế: “Đà Lạt choàng lên giấc mơ/ Em duỗi dài trong mùa sương trắng/ Đầu gối lên trầm mặc/ Cao vút một chiều Langbian..”.

Phạm Thị Phương Thảo thường viết khá nhanh khi cảm xúc ùa vào tâm hồn trước cảm nhận nhân thế. Những bài thơ đầu tiên mà cô đăng báo là từ những năm chín mươi. Thơ Phạm Thị Phương Thảo đã được đăng ban đầu trên Báo Lào Cai, niềm vui ấy đã khích lệ cô viết và khích lệ cô gửi đi đăng các báo ở Hà Nội như các báo: Văn Nghệ; Văn Nghệ Quân Đội; Văn Nghệ Công An; Phụ Nữ Thủ Đô và Người Hà Nội.

Cứ đều đều làm thơ, viết tản văn, bút ký và cứ đều đều in thơ đã hình thành nên một giọng thơ Phạm Thị Phương Thảo đầy nữ tính. Cô đã in 12 tập thơ, 1 tập thơ tình song ngữ Anh Việt, 3 tập trường ca cùng những tập ký và cả thơ cho thiếu nhi nữa.

Đặc biệt là mảng trường ca, Phạm Phương Thảo yêu thích viết trường ca và viết cũng khá ấn tượng. Trường ca “Tiếng vọng nơi cửa sông”. Tiếp theo là “Sự sống và lòng biết ơn” – Trường ca viết về đại dịch COVID-19 nóng bỏng, đã có nhiều nhà văn, nhà phê bình quan tâm. Đọc trường ca của cô, cảm giác có khúc như đến bất chợt mà lại sâu lắng như đã được cô ấp ủ và “ẩn” rất lâu trong tâm hồn thơ của cô từ bao giờ. Cô cho biết: “Tháng 10 này, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, tôi sẽ ra mắt trường ca thứ tư. Còn bản thảo trường ca thứ năm tôi đã viết về biên cương, biển đảo từ nhiều năm trước vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh”.

Tác phẩm của nhà thơ Phạm Thị Phương Thảo.

Với đa dạng lối viết, thơ Phạm Thị Phương Thảo thường nghiêng về vẻ đẹp núi rừng cùng những tình người tình đất của rừng núi. Đọc những bài thơ của Phạm Thị Phương Thảo tôi có cảm tưởng như ở cô, ký ức những năm tuổi thơ sống nơi rừng núi Tây Bắc đã ăn sâu vào tâm hồn. “Tỏa hương vào giấc ngủ/ Chỉ có bóng đêm nhìn thấy/ Khi những cánh hoa rung ngân/ Thứ ngôn ngữ câm/ Bình minh hửng sáng”. Đúng là người tinh tế lắm mới nhận ra “Những bông hoa mở đêm” như thế.

Và cũng là người nhạy cảm lắm thì mới có được “cái nhìn” dự báo “Bình minh hửng sáng” từ những bông hoa nở thầm nở kín đáo và mở ra đêm đen khuya khoắt. Hay như như những câu thơ: “Mắt núi chìm sâu, trập trùng đèo dốc/ Giăng mắc Cao Bằng/ Anh uống em say” (Mắt Cao Bằng). Hay: “Nồng nàn thơm hương ngô/ Chảy từ xa xưa, trập trùng nương rẫy” (Rượu Bắc Hà). Hoặc: “Người đàn bà Chăm hằng đêm ngồi vẽ/ Trong dịu dàng ánh sáng hoan ca/ Tháp Chăm hiện về bên Chiêm Thành/ Những chiếc lu gốm ngân vang/ Chị đang vẽ giấc mơ dân tộc mình” (Người vẽ Tháp Chăm).

Phạm Thị Phương Thảo đúng là phụ nữ có khác nên cô hay viết về hoa? Tập thơ “Những cánh hoa mở đêm” mà cô tặng tôi chỉ riêng cái tên đã hàm chứa điều đó. Tập thơ có tất cả 90 bài thì lướt qua đã thấy có tới hơn một nửa bài viết về hoa.

Và Tây Bắc, nơi sinh thành và nuôi “mơ mộng” đã cho Phạm Thị Phương Thảo với những cảm nhận về dòng sông Cái, dòng sông Mẹ. Ngay từ khi còn ấu thơ, Phạm Thị Phương Thảo đã được “tắm mình” trên sông thơ – sông Hồng, đã từng có những giây phút đứng bên bờ sông lắng nghe cồn cào dòng nước đỏ thắm phù sa chảy qua thị xã Lào Cai. Và trong cô đã ấp ủ một cảm thức sông Hồng.

Cô cũng đã tâm sự: “Những tháng năm sống và lớn lên ở miền biên cương Tổ quốc, ở “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” đã khắc sâu vào tâm trí tôi. Tôi đã luôn tâm niệm phải viết gì đó cho thật xứng đáng với mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội”.

Cũng phải đợi chừng hai tháng nữa thì tôi mới được cầm trên tay Trường ca “Giọt giọt đêm Hà Nội” của cô. Nhưng ngay từ bây giờ tôi đã thấy háo hức, như cô đã viết: “Văng vẳng tiếng nước reo/ Và sớm nay, cây tự mình thay lá/ Sóng vẫn ngàn năm khắc khoải tự ru” (Tây Hồ).

NGUYỄN TRỌNG VĂN/ VNCA

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)