HÔM NAY TẠI SỐ 9 NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU, MỌI NGƯỜI NHỚ NGƯỜI VÀ VĂN CỦA NHÀ THƠ, NHÀ NGHIÊN CỨU VŨ TỪ TRANG. TÔI KHÔNG ĐĂNG ĐÀN VÌ MUỘN. ĐĂNG BÀI NÀY ĐỂ NHỚ ANH VŨ TỪ TRANG!
NHÀ VĂN TRONG CON MẮT LIÊN TÀI CỦA MỘT NHÀ VĂN
Đọc “Vì ai ta mãi phong trần” của Vũ Từ Trang, nxb Phụ Nữ, 2017
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO
Bạn đọc luôn luôn náo nức chào đón những tác phẩm văn chương của các nhà văn. Và tất nhiên, họ cũng rất muốn biết những con người làm ra những áng văn chương đó đã sống ra sao, ứng xử thế nào. Bởi rất khó cho mọi người có cơ may gặp gỡ, quen biết hay tiếp xúc với các nhà văn trong đời thực. Vì vậy những cuốn sách viết về cuộc sống đời thường và bếp núc sáng tạo của các nhà văn, nhất là các nhà văn nổi tiếng, với tên gọi thông thường “chân dung nhà văn”, bao giờ cũng được hoan nghênh. Viết dưới dạng thơ ca, có “Thương nhớ tài hoa” của Nguyễn Vũ Tiềm, một số bài thơ về các nhà thơ của Vũ Quần Phương, “Chân dung nhà văn” của Xuân Sách, “Kí thác chân dung” của Trần Ninh Hồ, “Chân dung 99 nhà văn Việt Nam đương đại” của Nguyễn Khôi, “Khúc khích với văn nhân” của Trần Nhương, “Chân dung nhà văn” của Đỗ Hoàng,…
Về văn xuôi, có thể kể “Cát bụi chân ai” của Tô Hoài, “Những gương mặt - Những trang đời”, “Những người “rót biển vào chai”” của Vân Long, “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa, “Những người thơ tôi yêu” của Nguyễn Ngọc Quế, “Chân dung chân tướng nhà văn” của Nhật Tuấn. Một số chân dung nhà văn của Vương Trí Nhàn,…
Vũ Từ Trang là một ngòi bút có duyên với mảng chân dung này. Anh đã có “Phía sau con chữ” (2007), “Nhà văn độc hành độc bộ” ( 2013) và bây giờ là “Vì ai ta mãi phong trần” ( 2017).
Đối với Vũ Từ Trang, các nhà văn với khát vọng sáng tạo cùng với thăng trầm của cuộc đời riêng và tác phẩm của họ là đối tượng quan trọng trong sáng tác. Có lẽ nếu nói không quá lời, mỗi cuộc đời của một nhà văn cũng đã là một tác phẩm độc đáo của tạo hóa rồi. Vấn đề là khám phá và dựng lại nó, cung cấp cho bạn đọc mà thôi. Cái cách viết và sáng tạo, dựng chân dung của Vũ Từ Trang cũng có vẻ khác người. Nhà thơ không quan tâm lắm đến chân dung các nhà văn nổi tiếng hoặc giữ trọng trách trong đời sống văn chương nghệ thuật và xã hội. Tác giả ưu tiên viết về “những bạn văn tôi thân thuộc”. Trong đó “Có những người nổi tiếng, có người chìm khuất, nhưng tôi muốn viết về niềm khát khao đắm say, xả thân theo đuổi cái đẹp của họ trong sáng tác”. Viết như thế “Người viết gửi gắm được nhiều nỗi niềm với những người thân quen, với thời cuộc mình đã từng sống” ( Lời nhỏ đầu sách).
Quả thật công việc làm báo, lại sớm được tiếp xúc với các nhà văn bậc thầy, các nhà văn cùng trang lứa trong lớp bồi dưỡng viết văn khóa 6 là một thuận lợi vô cùng lớn để tác giả Vũ Từ Trang thân quen với các nhân vật của mình. Nhưng có phải ai cùng học khóa 6 với tác giả cũng viết chân dung văn học của nhà văn đâu? Vậy thì “thân quen” - đó chỉ mới là một trong các điều kiện cần thôi. Còn hai điều nữa đảm bảo cho thành công của thể loại này. Thứ nhất, đó chính là sự “liên tài” của người viết. Nhân vật trong sách đều là những người mê văn chương nghệ thuật với tấm lòng cao đẹp. Nghiệp chữ nghĩa đã đem lại niềm vinh quang, cũng nhiều khi là cay đắng, thậm chí là tai họa. Xúc cảm, động lòng, trước những “xả thân” của bạn viết đã thôi thúc Vũ Từ Trang cầm bút viết chân dung. Một yếu tố quan trọng khác khiến cho các bức chân dung thành công, chính là sự quan sát, lựa chọn các chi tiết đời thường “khuất lấp” nhưng có ý nghĩa, có giá trị soi chiếu vào tác phẩm. Đồng thời, bản thân người viết cũng là nhà văn, cho nên những lời bình, những phân tích, đánh giá hoặc chỉ đơn thuần là các câu thơ, bài thơ được dẫn ra đúng lúc, đúng chỗ cũng làm cho những trang viết lấp lánh, cuốn hút. Nếu chỉ toàn những chi tiết đời thường dù sinh động đến mấy cũng mới chỉ là một phần của đời sống sáng tạo của người cầm bút. Vì vậy Vũ Từ Trang đã chú ý nhiều đến bình luận, phân tích tác phẩm của họ. Đâu là động lực viết? Vì sao viết như vậy? Ấn tượng về những trang viết của bè bạn, của bạn đọc như thế nào? Khi viết về các nhà thơ, vì bản thân là một nhà thơ, nên Vũ Từ Trang viết tung tẩy. Có nhiều đất cho nhà phê bình, phân tích thơ sành điệu dụng võ.Thơ của Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ, Tạ Vũ, Chử Văn Long, Tô Hà, Vương Tùng Cương,… được bình khá tinh tế, thuyết phục. Những lí do đó đã làm cho các trang viết chân dung của Vũ Từ Trang hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.
Mười bảy nhân vật có chân dung trong tập sách này, hầu như tôi đều quen biết ở mức độ khác nhau, ít nhất thì đã từng chào hỏi, bắt tay, cùng nhau ngồi một mâm trong hội nghị,…nhiều hơn thì đã từng đến thăm nhà nhau, động bút viết về tác phẩm một hai lần, có người đến 7, 8 lần. Điều đó có nghĩa tôi cũng có thể coi như là người quen. Nhưng chỉ là quen theo nghĩa thông thường nhất của từ này. Từ quen đến biết, đến quen biết và đến thân quen là một khoảng cách rất xa. Nhờ đọc sách của Vũ Từ Trang, tôi mới biết thêm nhiều điều trong và ngoài văn chương của họ.
Với nhà thơ Vũ Quần Phương, tôi từng viết nhiều bài, từng đến nhà anh ở Định Công, và cả khi anh chuyển về Times City, lại cùng làm việc trong Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn chương của Hội nhà Văn, nhưng phải đọc Vũ Từ Trang, tôi mới biết nhà thơ mồ côi cha khi sáu tuổi, ở với bà nội. Và năm lên tám cậu bé “ lẫm chẫm đội cái nồi đồng từ làng qua sông, để bán cho người nhà hai bà cháu lấy tiền sinh sống. Cái nồi to và nặng, đội sùm sụp trên đầu. Cậu bé tám tuổi gầy yếu, hễ muốn nhìn rõ đường đi, lại phải dùng hai tay nâng lên khỏi tầm mắt” ( tr. 11). Cái chi tiết này không chỉ cung cấp về tuổi thơ vất vả của nhà thơ, mà còn giúp người viết lí giải vì sao đời sống vật chất có thể nói là sung túc, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn giữ nếp “căn cơ, tiết kiệm”.
Người thứ hai là nhà thơ Trần Ninh Hồ. Từng được biết tên anh với truyện ngắn được giải báo Văn Nghệ “Trong những món ăn truyền lại”; từng viết lời bình cho bài thơ “Đêm chợt thức”; từng theo dõi anh như một nhà thơ có những tìm tòi khác lạ trong một số bài thơ như “ Phía này, phía kia”, “Viếng chồng”, “Hồi ức du xuân”, “Chợ hoa”... Và được anh ưu ái tặng tuyển tập “Trần Ninh Hồ thơ tuyển” gần 700 trang. Đi Nam Ninh trong Đoàn nhà văn Hà Nội với anh. Rồi gặp gỡ các nhà văn nhân dịp trao thưởng, kết nạp hội viên. Đỗ Trung Lai, Văn Giá, Sương Nguyệt Minh, chúng tôi ngồi với anh ở phòng của Lê Quang Sinh. Tranh luận văn thơ sôi nổi một hồi, anh ngồi ngủ ngon lành như câu thơ anh viết “ ngủ như thể trẻ nằm trong nôi”. Có mặt anh ở chỗ nào là y như vui ồn ào ở chỗ đó. Nào đâu tôi biết được anh đã từng chịu tổn thất tinh thần to lớn trong chiến tranh, nói như Vũ Từ Trang là anh đã “chịu những viên đạn bắn thẳng vào số phận” . Thật thấm thía và sâu sắc khi Vũ Từ Trang nhận xét “ Chuyện mua bán nhà cửa, sắm ô tô, rồi cả phi vụ mánh mung làm ăn này nọ, thực ra anh chả thạo gì. Anh như cố gồng mình để gánh vác, che lấp bao nỗi đoạn trường đã qua” ( tr. 165).
Người thứ ba tôi muốn nói đến là nhà thơ Vương Tùng Cương. Không so về sự thành đạt và nổi tiếng với nhà thơ họ Vũ, họ Trần. Nhưng số phận của Vương Tùng Cương thì quả là vô cùng bi đát “ Số phận giáng những đòn chí mạng lên đầu anh”. Và nhà thơ hiền lành nọ biến thành người “hoang mang, càng dữ dằn, đa chiều, phức tạp” (tr.134). Rồi tai họa chưa buông tha, “ Anh ( Vương Tùng Cương) thêm điên. Bất cần, Nói năng văng mạng. Anh như con thú tật nguyền” ( tr. 135). Dù thế nào, bằng con mắt “liên tài” Vũ Từ Trang đã viết về bạn với sự cảm thông, ngậm ngùi, độ lượng. Tác giả không chỉ nói riêng cho trường hợp Vương Tùng Cương, mà đưa ra một nhận xét khái quát : “những người làm thơ, tính khí có thất thường mấy, thì cơ bản, họ vẫn là người tử tế” ( tr.139).
Có thể nói với mỗi nhà thơ, nhà văn được viết trong sách, Vũ Từ Trang đã quen thân và thuộc họ hơn mọi người. Về nhà thơ Tô Hà, chúng ta có thể kiểm chứng nhận xét của Vũ Từ Trang “ Thế hệ anh em cầm bút ở Hà Nội, giai đoạn chống Mĩ cứu nước, thì ai cũng biết Tô Hà. Anh là người nồng nhiệt với bạn bè với các cộng tác viên của báo. Và đặc biệt niềm say mê thơ thì ít ai sánh bằng” ( tr. 45). Viết về Tô Hà như dưới đây, chứng tỏ Vũ Từ Trang rất hiểu anh “Bình thường, Tô Hà là người hiền lành, dễ tính. Nhưng hễ tranh luận về thơ, anh như biến thành người hào sảng và khắt khe vô chừng. Tô Hà là người không chấp nhận sự dễ dãi trong thơ” ( tr. 49). Tôi cũng được gặp anh Tô Hà nhiều lần, và cũng đã từng viết về anh như thế này “Bất cứ lần gặp gỡ nào ở Hàng Buồm, anh nói, anh bình, anh đọc, đều đầy cảm hứng, say sưa. Say sưa không dứt ra được. Tác giả trẻ Phạm Công Trứ sau lần kiến diện anh đã thốt lên : “Ai đó phải rượu, phải bia, phải có chất kích thích thì mới say, mới bốc lên được. Còn anh Tô Hà thì cứ tự nhiên mà say, cứ tự nhiên mà bốc lên. Thế mới lạ, thế mới sướng” ( Anh mãi mãi còn trong trí nhớ - trong tập “Đi giữa miền thơ”, nxb Văn học 1999). Viết về Nhật Tuấn, Vũ Từ Trang nói ngắn gọn, tất cả khái quát trong một câu văn “Anh chỉ có niềm vui duy nhất, thánh thần nhất là viết, là dốc hết niềm vui, nỗi buồn vào từng con chữ” (tr.41).
Về Pờ Sào Mìn hay Nguyễn Phan Hách, về Nguyễn Văn Chương hay Lê Minh Khuê, về Tạ Vũ hay Nguyễn Thanh Kim, về Anh Vũ hay Thúy Toàn, về Chử Văn Long hay Tạ Hữu Yên, về Xuân Diệu hay Phạm Ngọc Luật, hay chỉ lướt điểm qua những người bạn thơ văn học khóa sáu như Nguyễn Ngọc Liễn, Vũ Châu Phối, Hoàng Trung Thủy, Vũ Ngọc Phác, Chu Hồng Hải, Đoàn Thị Kí,…bao giờ ngòi bút của Vũ Từ Trang cũng tìm được hoặc là những điều “khuất lấp”, hoặc là những nét cá tính, những điều khác lạ, những điều đẹp đẽ để ghi nhận, ngợi ca. Và bao giờ cũng với tình cảm “liên tài”, hay nói cụ thể hơn như tác giả bộc bạch là “ viết bằng tấm lòng chân tình, quý trọng và biết ơn” ( Lời nhỏ đầu sách).
Chính vì những lí do đó, tập sách chân dung văn học thứ ba của Vũ Từ Trang là một tập sách hay và có nhiều đóng góp. Tập sách chính là “ kho hiện vật, kho tư liệu tâm hồn làm chứng tích cho một thời gian khổ” ( Vũ Quần Phương). Bạn đọc, các nhà nghiên cứu văn học muốn tìm hiểu thêm về nhà văn, tác phẩm, hay muốn dựng lại bức tranh văn học sử của thời đại, chắc chắn sẽ tìm thấy nhiều điều bổ ích trong bộ sách chân dung văn học mà Vũ Từ Trang đã viết bằng tâm huyết.
Hà Nội, Rằm tháng 8 năm Đinh Dậu 2017
Người gửi / điện thoại