NGUYỄN THỊ BÌNH
( TIẾP)

Với nhà thơ Lê Nhuệ Giang, thơ lục bát của ông khá ấn tượng, giàu suy ngẫm. Bài “Cát”:“Bao năm thì cát già, non/ Khi góc cạnh, lúc lăn tròn đó đây/ Ngắn dài đời cát ai hay/ Chặt thì vuột mất, lỏng tay ...thì còn”. Từ hình ảnh hạt cát, tác giả ẩn dụ về cuộc đời con người với bao thăng trầm, biến đổi. Bài thơ nhắc nhở chúng ta về giá trị của cuộc sống, về sự vô thường của thời gian và hãy sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Nhà thơ Trần Duy Đới cũng có nhiều câu lục bát sâu sắc và thâm thúy. Bài “Về quê” của ông, có đoạn: “Tờ rơi gấp một con diều/ Trẻ con thả nốt mảnh nghèo lên không/ Đường làng vãn buổi chợ đông/ Nhẹ tênh cái bán trĩu gồng cái mua”. Với trái tim nhạy cảm cùng sự quan sát khá tinh tế, cuộc sống, con người thôn quê qua thơ ông hiện lên thật gần gũi đáng yêu: nghèo nhưng tình người trĩu nặng.
Bằng cách dùng từ khá tài hoa, độc đáo nhà thơ Vũ Hùng cũng để lại trong lòng người đọc những câu lục bát khó quên:“Trong mơ còn ngỡ dầm mưa/ Giật mình tưởng sóng gió lùa chân đê”. Hoặc: “Ai xui em thả bùa mê/ Để ta lạc bước nẻo về cố hương! Sao em bỏ nhớ vào thương/ Để ta gói dở mùi hương tóc người.”Thơ lục bát của ông khá điêu luyện trong thi ngôn, thi ảnh, nên tạo được sự gần gũi, chân thực với độc giả.
Thơ lục bát Ninh Bình mỗi người một giọng điệu, một nét riêng, hợp thành Miền lục bát Cố đô. Thơ Ninh Đức Hậu cũng là một giọng điệu đáng nhớ. Ông đã rất khéo trong cách lập tứ tìm câu, nên câu thơ lục bát của ông đã bắc cầu vào trái tim người đọc: “Chị ơi đã lại tháng mười/ Tái tê em dưới gầm trời mây bay/ Tháng mười này nữa …bấm tay/ Giá mà… chị nhỉ nhà đầy trẻ con”.Hoặc: “Giữa làn khói trắng mong manh/ Một em hóa đá để thành vọng phu”. Lục bát là thế mạnh của nhà thơ Ninh Đức Hậu, nhất là khi viết về tâm linh. Vì thế, nhiều bài thơ của ông đem đến cho người đọc những trăn trở nghĩ suy cùng nỗi xúc động nghẹn ngào.
Nhà thơ Thanh Thản cũng khá nặng lòng với thơ lục bát: Đây là những câu thơ ông viết về sự thiệt thòi, mất mát của mẹ (rong chiến tranh), bằng những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, ấn tượng: “Mẹ ngồi phơi đến bạc đầu/ Vẫn không khô được giọt sầu nhớ thương”. Ông cũng làm mới lục bát bằng cách ngắt câu xuống dòng: “Chiều vàng/ sợi nắng/ ngẩn ngơ/ Lá trầu/ liệm quả cau khô/ cuối vườn”, làm cho sự ngậm ngùi càng ngậm ngùi hơn, tiếc nuối càng tiếc nuối hơn.
Nhà thơ Đinh Ngọc Lâm cũng làm xúc động lòng người bằng những câu thơ lục bát khá hay viết về cha: “Cha ơi trời nỡ tàn thu/ Từng cơn gió bấc cay từ mắt con/ Âm dương thấu nỗi mất còn/ Cứ chơi vơi giữa trời tròn đất vuông..”. Trong bài “Uống rượu trên sông” ông viết: “Thi nhân lòng dạ trắng phau/ Lần từng câu chữ mà đau đoạn trường. Thơ lục bát của Đinh Ngọc Lâm không cầu kỳ, kiểu cách, rất chân thành, gần gũi, dung dị, nên dễ được độc giả yêu mến, khắc sâu.
Bên cạnh sự vững vàng của các thế hệ đàn anh, chúng tôi có thể tự hào và hy vọng ở các nhà thơ trẻ (Trần Xuân Trường Nguyễn Quỳnh Anh, Lê Tuấn Nam, Cầm Thị Đào…). Bởi chính họ sẽ là nguồn tiếp nối đầy hứa hẹn, để Ninh Bình mãi xứng danh là Miền lục bát. Đó là Trần Xuân Trường, người chuyên viết thơ lục bát. Thơ anh luôn đem đến cho độc giả những cảm nhận thú vị về cuộc sống và con người. Ta hãy lắng nghe “Nốt trầm mùa xuân” của anh qua những câu lục bát rất có hồn:“Nụ tầm xuân đã xanh chưa/ Mà nghe thao thức hạt mưa nảy mầm/ Giọt xanh bên ngõ thì thầm/ Thả trôi ta giữa nốt trầm mùa xuân; hoặc những kỉ niệm được tái hiện thật da diết: “Tìm em buộc lại câu thề/ Vầng trăng nở dưới chân đê hôm nào/ Tìm hương sả cạnh cầu ao/ Để nghe mùi tóc thơm vào ngõ xa”.
Xuất thân từ vùng quê Yên Khánh, gần đây nhà giáo trẻ Nguyễn Quỳnh Anh nổi lên như một “cây” thơ lục bát khá ấn tượng. “Nhà quê” luôn là đề tài quen thuộc trong thơ anh. Tập thơ lục bát đầu tiên của Quỳnh Anh có tựa đề “Gửi lại nhà quê”. Trong cảm nhận của tác giả thì: “Nhà quê quen nếp cà dưa/ Suốt đời tằn tiện mà chưa hết nghèo” …Chất quê ngấm vào anh và được chưng cất thành những câu lục bát mượt mà: “Gió từ sông Đáy mát lành/ Trầu cau vôi vỏ bà thành ca dao”.
Sẽ là không đầy đủ nếu nói đến lục bát miền Cố đô mà không nhắc đến tên tuổi các nhà thơ nữ (Đặng Diệu Thoa, Phạm Tâm An, Bùi thị Nhài, Nguyễn Thị Bình…). Vẫn là giọng thơ ngọt ngào đằm thắm, đọc thơ lục bát của Đặng Diệu Thoa, ta sẽ bị hấp dẫn ngay bởi sự duyên dáng pha chút điệu đà: “Áo người từng mỏng thế chưa?Để em ướt tự ngày xưa ướt về”. Rồi khi chị viết về những kỷ niệm xưa: “Bập bùng đốm lửa bà nhen/ Củ khoai nướng vụng cháy đen cả chiều/ Bao giờ gặp lại tuổi yêu/ Để cho ai nói nốt điều…dở dang”. Hoặc viết về nỗi đau xót khi tìm mộ cha, bằng những câu thơ lục bát xúc động, giàu sức gợi: “Sương mùa rụng buốt đôi vai/ Cõng thêm thương nhớ ngày mai trở về”…
Phạm Tâm An cũng khá nhuần nhuyễn với thơ lục bát. Chị có khá nhiều câu lục bát ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Đây là mấy câu mở đầu trong bài “Cố đô”: “Một vùng cổ tích ngàn năm/ Trải qua dâu bể thăng trầm nắng mưa/ Bồi hồi nghe chuyện ngày xưa/ Vân vi ngẫm chuyện bây giờ mà thương”. Viết về tình yêu chị cũng có những câu thơ lục bát khá hay: “Về đâu nỗi nhớ ngọt ngào/ Để tim cháy những khát khao vô thường.” và:“Một tình là một mong manh/ Giọt chia ly vỡ, chênh vênh nẻo về”…
Thơ lục bát là một mảng quan trọng của thơ Ninh Bình, khẳng định sự chắt chiu, gom góp, khơi nguồn, tiếp nối từ truyền thống văn học của vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến. Ngày lại ngày, các thế hệ nhà thơ Ninh Bình không ngừng trau dồi, rèn giũa, đổi mới, sáng tạo từ cách dùng từ, ngắt nhịp, chọn lựa hình ảnh… và quan trọng hơn là đã thổi vào hồn thơ lục bát không khí nóng hổi của cuộc sống đương đại thời hội nhập, để ngày càng có những câu, bài thơ lục bát có chất lượng, đáp ứng thị hiếu độc giả và yêu cầu xã hội.
Qua bài viết này, cho dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi cũng không thể bao quát hết những đặc sắc của Ninh Bình- Miền lục bát Cố đô. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn muốn phác thảo một bức tranh lục bát toàn cảnh có diện, có điểm, khắc sâu lòng tự hào về Miền lục bát, để từ đó có thêm động lực sáng tạo và cống hiến.