Tôi có chị bạn khá giỏi nội trợ, sành ăn những món ăn dân dã vùng miền, một hôm đột ngột điện hỏi tôi:
- Này, Thái Bình nhà bà có món đặc sản nộm rau muống tép, đúng không ?
- Sở trường của làng Rãng Thông nhà mình đấy, này nhé...
Chưa đợi tôi ba hoa, khoe khoang, bạn tôi đã cắt lời, tuôn ra một tràng:
- Mình đang háo hức về Thái Bình, để chiêm ngưỡng miền biển hoang sơ có tên gọi dân gian hấp dẫn: Cồn Nhất, Cồn Nhì, Cồn Vành, Cồn Đen và lại còn cả Cồn Lờ nữa. Và nhất định phải tạt vào quán xá nào đó để "làm" món nộm rau muống tép Thái Bình, xem sao!
Không chờ lâu, ba ngày sau, nhóm chúng tôi lên đường về tham quan khu du lịch sinh thái Cồn Đen - Một miền biển nổi tiếng với những cây cầu tre huyền thoại. Về đến thành phố Thái Bình, trời cũng đã gần trưa, nhân tiện chúng tôi rẽ vào thăm nhà một chị bạn thân, và được Nàng Thơ xinh đẹp kéo tuột ra một nhà hàng đặc sản cơm quê rất chi là lãng mạn ven bờ sông Trà Lý. Thực đơn khá hấp dẫn với món cá bống kho tiêu, gà ri rang muối, canh cua cà muối... nhưng đen đủi cho chúng tôi, không hiểu vì lý do gì, hôm nay nhà hàng lại không có món "át chủ bài": nộm rau muống tép.
Thấy bạn tôi tỏ vẻ tiếc nuối, tôi bèn đặt vấn đề:
-Thay vì về nghỉ đêm, nằm nghe sóng biển và chim rừng ngập mặn hoà tấu, ở biển Cồn Đen, nhóm "tinh thần ăn uống" chúng ta chuồn về quê nhà tớ, để thực hành và thưởng thức ngay tắp lự món nộm rau muống tép Làng Rãng.
Trên đường đi, tôi tranh thủ điện cho cô em dâu ngoan, hiền và đảm đang của mình chuẩn bị sẵn sàng nguyên liệu.
Trời chiều mùa hè, quê tôi đẹp mê hồn với dòng Sông Sứ hiền lành trong vắt, đôi mảnh lục bình miên miết trôi. Bên vạt rau muống, vài em bé đang mải mê thả thuyền giấy... Trong lúc mọi người đang say sưa chụp ảnh, tạo dáng bên cây si, cây sung...Tôi như bị tách ra khỏi nhóm bạn. Ký ức gọi tôi về với tuổi thơ, với những mảnh diều và những con thuyền giấy. Tôi chợt vô thức, nhẩm đọc bài thơ của Thường Dân viết về những con thuyền giấy, và có thể là cả chuyện tình thuở chăn trâu dang dở của em:
"Chiều chiều thơ thẩn ven sông
Gặp con thuyền giấy bềnh bồng trôi xuôi
Bời bời một thuở thơ tôi
Vẫn con thuyền giấy thả trôi theo dòng
Có người con gái ven sông
Mơ con thuyền ấy mà không nói gì...
Thất tình tôi bỏ cả quê
Và cô gái ấy cũng đi theo chồng
Lại thuyền giấy... lại dòng sông...
Lại có người bỏ quê không muốn về...!"
Đang ngơ ngẩn với cảm xúc xửa xưa, cùng sự buồn vui lẫn lộn thì nghe tiếng em dâu gọi. Em xắn quần bên bãi hái rau. Hội bạn tôi đã quay trở lại. Họ bỏ cả máy ảnh, ai cũng thích mê vườn rau muống, lá xanh rười rượi, ngọn vươn tua tủa, mỡ màng, như tranh. Chị bạn tôi vội vã tháo giày, chị cứ làm như không nhanh chân, nhanh tay thì ai đó... tranh mất phần hái rau của chị không bằng!
Em dâu tôi lựa những ngọn rau nhỏ, đặc và hơi cứng: "loại rau này làm nộm mới đỉnh"!
Rau vừa hái, còn thơm nồng mùi nắng, mùi gió, mùi nước Sông Sứ và cả mùi hương hoa cỏ dại mà con bướm đa tình nào vừa bay qua lơ đễnh đánh vương...
Rau được rửa sạch, để ráo nước, đổ nhiều nước, đem luộc bằng bếp ga, vặn lửa to hết cỡ, cho rau chín đều và không được đậy vung.
Khi vớt ra, em tôi ngâm vào một tô đá lạnh, để đảm bảo màu xanh nguyên thủy và độ giòn của rau. Tầm mươi phút, vắt kiệt nước, thái đôi ba cho vừa miếng.
Vừa làm, em vừa chia sẻ:
- Nộm ngon, quan trọng nhất là khâu "làm nhân", các chị à!
Trút một chút nước mắm chắt vào bát tép đồng vỏ mỏng tang, trong suốt, tươi roi rói, xào săn mấy phút với hành phi thơm phức.
Gia vị gồm: Lạc rang, (hai nước mắm chắt, một mắm tôm ngon) chanh, tỏi, ớt, hạt tiêu, mỳ chính, (có nhà nêm thêm một chút đường); các loại rau thơm có sẵn trong vườn: mùi ta, mùi tàu, kinh giới, ngổ, khế chua thái lát thật mỏng, vài lá gừng, nhưng nhất định phải có lá quế nước ( còn có tên gọi là lá mỏ sẻ hay dậu rách).
Chỉ trong vòng vài chục phút, nộm được đơm ra đĩa sứ. Đĩa nộm bắt mắt bởi màu xanh của rau, màu hồng của tép, màu vàng chanh của ớt chỉ thiên, cộng với mùi đậm đà của gia vị, thật không cưỡng nổi sự thèm ăn...
Nào, mời bạn hãy nếm thử một miếng nộm!
Vị thanh của rau muống, hương thơm của tép xào, vị bùi béo của lạc rang cùng đầy đủ sự giòn ngọt, chua cay, thơm tho tinh túy từ cây nhà lá vườn, từ dòng sông, bờ bãi và nhất là từ bàn tay tảo tần, thơm thảo của những người đàn bà áo nâu, chân trần, se lấm quê tôi mà nên.
Bữa cơm tối được dọn ra. Các bạn tôi nhanh tay, mỗi người một việc. Chúng tôi không dùng bàn để ăn, mà dùng một manh chiếu trải ra hiên nhà. Cả chủ và khách quây quần bên mâm cơm có cá chạch om riềng, ốc nhồi nấu chuối đậu và nộm rau muống tép. Chuyện nổ như pháo rang.
Cơm xong, chúng tôi ngồi tán gẫu. Gió mồm nam từ Đồng Gòi thổi vào mát rượi. Mảnh trăng nhu mì, buông từng chùm ánh sáng xanh dịu ma mị, dường bị lép vế trước ánh đèn điện sáng loá. Bạn tôi đề nghị tắt đèn để thưởng trăng. Thay vì chuyện râm ran trên rừng, dưới bể, chúng tôi tự nhiên, không ai muốn nói gì nữa cả. Hình như ai cũng đang trở về với sự sâu thẳm của chính lòng mình...
Và tôi, tôi lại nao nao nhớ bữa cơm một chiều hè có rau muống nộm. Cha tôi ngồi đó, lơ đãng với chén rượu trên tay, mắt nhìn xa xăm về tận phía chân trời nào...
Mẹ tôi trong khi vừa gỡ từng cái xương cá cho đàn con thơ, vừa ý tứ quan sát cha... Đoạn, người đã cẩn trọng, gắp cho cha một đũa rau nộm thật đầy và âu yếm:
- Rau nộm ngon đấy, bố nó nhâm nhi cho vào rượu!
Không hiểu, sự dịu dàng, ân cần của người bạn đời tao khang, hiền thảo hay món rau nộm quê kiểng, thơm tho, hấp dẫn, bùi ngọt hồn quê kia mà kéo được ánh mắt đầm ấm và nụ cười rạng rỡ của người đàn ông từng tung hoành ngang dọc, vào sinh ra tử, chí trai nuôi mãi mà không thành - nơi cha tôi, trở về thực tại!
Tôi nghĩ: Có thể là cả hai!