bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 44
Trong ngày: 225
Trong tuần: 1031
Lượt truy cập: 773537

NỮ SĨ PHAN THỊ THANH NHÀN

NỮ SĨ PHAN THỊ THANH NHÀN

                         BÙI MINH TRÍ

0.0.20._phan_th_thanh_nhn

Phan Thị Thanh Nhàn sinh 9/8/1943 tại phường Tứ Liênquận Tây HồHà Nội - là một nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam. Chị kết hôn với nhà thơ Thi Nhị, đã mất năm 1979. Hiện nay, chị đang sống cùng con gái duy nhất tại Hà Nội.

Phan Thị Thanh Nhàn nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Thành phố Hà Nội. Chi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Hội trong giai đoạn 2001-2005. Ngoài làm thơ, chị còn viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi.

 Chị đã có 13  tác phẩm in ở các Nhà xuất bản.


Từ năm 2000 đến nay, Phan Thị Thanh Nhàn đã tham gia làm giám khảo nhiều cuộc thi, mà nổi bật nhất là cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU dành cho Thiếu nhi. Chị  là một trong 10 Giám khảo Chung kết có công lao lớn nhất trong việc chọn lựa những tác phẩm văn học có chất lượng nhất, đại diện Việt Nam dự thi Quốc tế và đoạt nhiều giải thưởng danh giá. Qua hơn 15 năm liên tục tham gia cuộc thi với cương vị là Giám khảo, Phan Thị Thanh Nhàn cùng một số nhà văn nổi tiếng khác như Tạ Duy AnhLê Phương LiênPhong Điệp, v.v... đã góp phần không nhỏ trong việc giúp học sinh Việt Nam thể hiện tài năng, bản lĩnh của mình trên trường Quốc tế với 11 giải Quốc tế do UPU và UNESCO trao tặng (trong hơn 25 năm Việt Nam tham gia).


Chị được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.

 

Bây giờ tôi đi vào giới thiệu và cảm nhận  thơ của Phan Thị Thanh Nhàn

 

Chị làm thơ từ sớm, đầu thập niên 1960 đã có thơ đăng báo. Phan Thị Thanh Nhàn viết nhiều thơ tình, theo năm tháng, những bài thơ tình của chị từ nhẹ nhàng, tươi tắn chuyển sang giàu trải nghiệm, trăn trở,  độ lượng …. Dù thế nào, thơ của chị vẫn rất chân thành, gần gũi và vì thế chiếm được chỗ đứng trong lòng người đọc. Một số bài thơ tiêu biểu của chị là : Hương thầm, Con đường, Trời và đất, Yêu đời, Bất ngờ, Làm anh… Trong khuôn khổ có hạn, không thể nói hết về các tập thơ của chị, nên tôi nêu cảm nhận về các bài thơ hay này.

 

*Năm 1969, bài thơ “HƯƠNG THẦM của chị đoạt giải nhì cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Bài thơ này đã được nhạc sĩ  Vũ Hoàng phổ nhạc năm 1984 và cũng trở nên nổi tiếng. Chị đã kể xuất xứ của bài thơ như sau: Ngày ấy nhà chị ở khu Yên Phụ, vùng quê trù phú ven sông Hồng, trong vườn có cây bưởi ngát hương mỗi độ tháng ba về. Em trai chị là Phan Hữu Khải nhập ngũ. Chị đã viết bài thơ này để tặng em. Từ chiến trường, khi tình cờ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, Khải viết thư về kể cho chị gái. Nhưng Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm lá thư ấy để nói rằng bài thơ chị làm là từ câu chuyện của em thì đã nghe tin người em hy sinh.

Để diễn tả tình yêu chớm nở giữa hai người bạn học, tác giả đã xây dựng tứ thơ hương bưởi với khung cảnh:

 “Cửa sổ hai nhà cuối phố

Không hiểu vì sao không khép bao giờ”

 để hai người bạn thầm trao tín hiệu cho nhau qua “ ngan ngát hương đưa”.

Cô gái sang nhà bạn “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay”, sang tiễn bạn “ngày mai ra trận”.

Thời gian là vàng, nhưng đôi bạn còn thẹn thùng e ấp ngồi lặng im, nhìn nhau chỉ thoáng qua như ánh chớp:

“Họ ngồi im chẳng biết nói chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”
Vì “Nào ai đã một lần dám nói”, chỉ có “ Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối”

 Anh thì “không dám xin”, em thì “chẳng dám trao”. Hình như đất trời cũng cảm thông nên để mùi hương đầm ấm, thanh tao dịu bay trong không gian liên kết hai người:

“Chỉ mùi hương đầm ấm, thanh tao
Không giấu được cứ bay dịu nhẹ”

Cái khéo ở đây là:

“Cô gái như chùm hoa lặng lẽ

 Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”

Chúng ta rất xúc động, cảm thông với họ khi đọc tới hai câu kết:

“Họ chia tay vẫn chẳng nói năng gì

Mà hương thầm thơm mãi bước người đi”

Sự hò hẹn không nói thành lời mà sao tha thiết và hẳn là được người lính trân trọng mãi như hương thầm giữ kín trong lòng trên đường hành quân, không bao giờ phai. 

 

*Tiếp theo ta cùng phân tích  bài thơ “CON ĐƯỜNG”. Ý tứ của bài thơ được nêu ngay ở 4 câu đầu. Tác giả nói với nhân vật “anh” (người yêu cũ?), rằng anh có thể đi với người yêu mới, nhưng đừng đi qua “Con đường ta đã dạo chơi”, đừng phá vỡ sự thiêng liêng trong lòng em hằng cất giữ. Nghĩa là tác giả ghen với cả con đường và hàng cây đã ghi lại mối tình xưa  của mình. Có yêu lắm thì mới có nghĩ suy như vậy:

“Nếu anh đi với người yêu
Chỉ mong anh nhớ một điều nhỏ thôi
Con đường ta đã dạo chơi
Xin đừng đi với một người khác em”

Cái hàng cây ngày xưa ấy nay đã lớn lên. Giá mà tình yêu “đôi ta “ cũng lớn lên như vậy “Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau”. Ở đây phép tu từ nhân cách hóa và ẩn dụ thật là đắt, ta cứ hình dung như tác giả diễn tả “anh” và “em” giơ đôi tay để chạm vào nhau và xoa vào nhau êm đềm!

Nhưng thật đáng tiếc điều ấy không xảy ra, mà đến nay em vẫn không hiểu lý do vì đâu chúng ta xa nhau như “Hai con đường rẽ ra xa” (vẫn là nghệ thuật ẩn dụ):

“Hàng cây nay đã lớn lên
Vươn cành để lá êm đềm chạm nhau
Hai ta không biết vì đâu
Hai con đường rẽ ra xa nhau hoài”

Và tác giả nhắc lại, van xin mà còn hơn là một yêu cầu:

“Nếu cùng người mới dạo chơi
Xin anh tránh nẻo đường vui ban đầu.”

 

*Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vốn là người phụ nữ giàu tình cảm, tinh tế  và giàu lòng trắc ẩn, nên chị đã hoang mang trước những sự thật đau lòng của cuộc đời. Đó là cảnh thế thái nhân tình, đạo đức bị đảo lộn“bè bạn bon chen”, “cơ quan đấu đá”, “người yêu thành người lạ”. Cuộc sống thì  khó khăn cùng cực “lương ba cọc ba đồng”, “viết báo làm thơ kiếm từng xu”. Mọi thần tượng đều xụp đổ, đến “người ta tin yêu lại hoá tầm thường”.  Vì vậy chị đã rất buồn và xót xa, thậm chí muốn quyên sinh để giải thoát. Trong bài “YÊU ĐỜI” chị đã viết:

“Có đôi lúc buồn
Tôi đã định tự tử
Sống làm chi khi bè bạn bon chen
Cơ quan quanh năm đấu đá
Sống làm chi khi người yêu thành người lạ
ngày như đêm một mình
Sống làm chi lương ba cọc ba đồng
viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ
Sống làm chi khi mọi tượng thần đều sụp đổ
người ta tin yêu lại hoá tầm thường”

Nhưng rồi chị như sực tình, ý thức được rằng đời người ngắn ngủi mà cứ chìm đắm trong cô đơn, buồn tủi thì không thể được, nghĩa là phải sống khác đi, phải lạc quan, “vẫn sống nhơn nhơn, vẫn cười nói họp hành trưng diện” , thậm chí “vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến”; tóm lại phải “ yêu lấy cuộc đời này”(cái đáng quý ở chị là rất thật thà):

“Vậy mà tôi vẫn sống nhơn nhơn
vẫn cười nói họp hành trưng diện
vẫn hy vọng kiếm được một ông chồng đáng mến
(một người đã thông minh lại giàu)
Và tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau
Tôi vẫn còn yêu đời quá.

 

*Nếu như người bạn thân của chị, nữ sĩ Xuân Quỳnh, để diễn tả mối tình - mối quan hệ tương hỗ giữa chàng và nàng (giữa anh và em), đã dùng tứ thơ (hình tượng) THUYỀN VÀ BIỂN, thì nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn dùng hình tượng TRỜI VÀ ĐẤT để diễn tả mối quan hệ đó.  Bài thơ  Trời và Đất  cũng đem đến cho người đọc những liên tưởng và so sánh thú vị.

Thật ra ở đây, anh  giận  em  nên triết lý lung tung, cho rằng hai người xung khắc như trời với đất :

“Chiều nay chắc giận em ghê lắm
Anh bực mình triết lý lung tung
Hai đứa ta như trời với đất
Tính tình sao xung khắc vô cùng”

Như là anh với em mỗi người một vẻ Trời (Anh)thì ồn ào lộ liễu, Đất (em) thi trầm tư suy nghĩ :

Vâng, trời đất chẳng hề thân thiết

 Và tính tình có giống nhau đâu

 Trời vui buồn ồn ào lộ liễu 

Đất trầm tư suy nghĩ trước sau 

Và tác giả rất thực tế, nên rồi không muốn ví von cao xa như vậy, quan trọng là em được ở gần với anh, bởi vì Trời đất Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau”: 

“Anh ơi! Nếu ví được cao xa như thế

 Em cũng chẳng là trời đất gì đâu

 Nhưng anh có biết không? trời đất 

Sẽ chẳng là gì nếu thiếu nhau”

Thế rồi mỗi người nhường nhau một tý, khi cơn giận qua đi, thì trời và đất lại gắn kết với nhau trong cuộc sống bằng mối tâm tình êm đẹp (giống như ca dao: “Chồng giận thì vợ làm lành/ Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì”):

“Nhưng trời đất dẫu cao xa lồng lộng
Tính vẫn thường bồng bột đổi thay
Khi giận dữ bão nghiêng đất lở
Bão tan rồi trời xanh ngây thơ

Đất khiêm nhường màu xanh lay động
Và thẳm sâu lặng lẽ sinh sôi
Trên mặt đất chính là cuộc sống
Có cần chi biện bạch nhiều lời.”

Ở đây nghệ thuật ẩn dụ được tiếp tục sử dụng.

 

*Chồng mất sớm, chị góa bụa ở tuổi 36. Đó là một nỗi kinh hoàng. Cho nên qua mấy năm, chị cũng  có đôi chút toan tính tơ vương và sung sướng khi được ai gọi bằng “em” ở tuổi 40: 

“Bất ngờ ai bỗng gọi “em’’
Cho tôi bối rối lặng im mỉm cười
Bất ngờ ở tuổi bốn mươi
Băn khoăn bỡ ngỡ như hồi mười lăm”

Tuổi 40 trở về tuổi thơ ngây 15, thật là lạ!
(bài thơ “BẤT NGỜ”)

Vẫn là mong muốn tưởng tượng rằng  bất ngờ lại được  làm vợ, chăm sóc lo toan cho bữa cơm gia đình, đầm ấm cửa nhà, giặt áo đàn ông. Vất vả mà cũng thích:

“Bất ngờ từng bữa cơm ăn
Tiếng cười đầm ấm nếp nhăn bỗng nhòa
Bất ngờ bề bộn cửa nhà
Áo đàn ông giặt sao mà thương thương


Muốn quăng trăm việc đời thường
Một mình thôi, với yêu thương bất ngờ”

Ngược lại, trong thực tế, có những người phụ nữ được sống một cuộc đời đầy đủ vật chất, bên một người chồng luôn yêu thương chăm sóc thì lại đỏng đảnh, không biết quý trọng!

 

*Trong vài bài thơ khác lại có những câu như: “Và bây giờ người ấy đã ra đi/ Tôi bỗng thấy đàn ông xa lạ quá/ Hình như họ có chút gì hoang dã/ Có chút gì tàn nhẫn vô tâm”.Tuy nhiên chị đã tâm sự với bạn bè: “Trong tình yêu, tôi thường nói là tôi làm thơ thất tình là chính. Nhưng chính những người mà tôi đã từng yêu và đã từng thất vọng, tôi vẫn giữ những kỷ niệm đẹp khi họ chưa bị lộ những điểm yếu mà sau này mình mới biết, đã khiến mình chán nản và từ bỏ. Nhưng cái gì đẹp thì tôi còn lưu giữ mãi. Tôi cảm ơn tất cả các chàng đã có lúc khiến tôi xúc động làm được thơ ghi lại tình cảm chân thành của tôi dành cho họ. Tôi đã có những bài thơ được bạn bè và người đọc chia sẻ, yêu thích. Đó là nhờ tôi đã... yêu nhầm khi nghĩ là họ đáng yêu. Thế là quá "lãi" với tôi rồi!”…”

 

*Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn sáng tác nhiều thơ văn cho thiếu nhi. Chị đã hòa thân vào các nhân vật trẻ thơ. Bài thơ “Làm anh” của chi được các em đón nhận nhiệt liệt và đã được đưa vào sách giáo khoa (Nguồn: SGK Tiếng Việt 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002). Có nhà thơ đã kể câu chuyện sau : Trong Chuyến tàu kể chuyện đầu tiên của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tham gia “đoàn tàu” đến tỉnh Tuyên Quang. Trong cuộc giao lưu rất hồn nhiên, một em học sinh miền núi đã đứng dậy đọc bài thơ Làm anh: “Làm anh thật khó/ Phải đâu chuyện đùa”… Niềm hạnh phúc đến bất ngờ khiến nhà thơ cảm động chạy đến tặng hoa bạn đọc nhỏ tuổi của mình.

Bài thơ “Làm Anh” của Phan Thị Thanh Nhàn là một bài thơ nói về tình cảm của người anh dành cho em mình khi không có người lớn ở nhà. Người anh trong bài thơ đóng vai trò là một người cha, người mẹ và tình cảm dành cả cho em mình.

Mở đầu bài thơ, tác giả đã diễn tả  sự khó khăn của người anh khi phải chăm sóc em gái mình:

“Làm anh khó đấy/Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé/Phải “người lớn” cơ”.

Dù là người anh còn nhỏ nhưng phải tỏ ra là mình lớn, có thể thấu hiểu được những gì em gái của mình làm và nói. Em khóc, anh phải dỗ, em ngã anh phải nâng:

“Khi em bé khóc/Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã/Anh nâng dịu dàng”

Làm anh thì không được tranh giành với em, trái lại phải nhường nhịn, cho em phần hơn, điều này không phải dễ với nhiều anh chị còn trẻ thơ:

“Mẹ cho quà bánh/Chia em phần hơn
Có đồ chơi đẹp/Cũng nhường em luôn.”

Khổ thơ cuối  tác giả lại khẳng định cái chuyện làm anh thật khó, nhưng khi thương yêu em bé thì người anh làm được tất cả:
“Làm anh thật khó/Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé/Thì làm được thôi.”

 

Quý vị độc giả đã cùng tôi “cưỡi ngựa xem hoa” tìm hiểu về cuộc đời và thơ của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn. Tuy ngắn gọn nhưng có lẽ cũng đủ để chúng ta quý mến và trân trọng chị,  nữ sĩ nổi tiếng của Việt Nam.

 

Bùi Minh Trí



 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)