ÔNG CÂM
Truyện ngắn Hồ Bá Thâm
Bên kia phố Phan Đình Phùng, bên này cách một bức tường cổ là Hoàng thành Thăng Long. Thoạt nhìn, chẳng thấy đền đài, cung điện của vua chúa, nhưng phảng phất di tích xa xưa vẫn còn trong tâm trí mọi người. Minh chứng cho sự “đổi ngôi” này là doanh trại Quân đội đã “chia năm, xẻ bảy” Hoàng thành, xây dựng nhiều khu nhà thấp tầng và cao tầng, vừa uy nghiêm, vừa cách biệt.
Cổng vừa mở, một cỗ xe ngựa đang tiến vào Hoàng thành. Đến gần, mới nhận ra ông Câm, cùng cỗ xe ngựa quen thuộc. Ông đội chiếc mũ phớt bằng nỉ, khoác áo Ba-đờ-xuy màu cứt ngựa, hai hàng khuy đồng bóng loáng. Dưới áo khoác, màu quần tương đồng với màu áo, mỗi bên lộ ba nẹp đỏ chạy dọc đến tận gót chân. Rất nhiều sĩ quan trong thành, mất khá nhiều thời gian ngắm nghía bộ trang phục của ông, không phân biệt được trang bị của nhà binh, hay của giới thượng lưu? Khác hẳn màu trang phục xanh cỏ úa, mặt ông hồng hào, ánh lên một vết thương thành sẹo dài từ dưới cổ lém lên má trái, chứng tỏ ông đã qua thời trận mạc?
Trong công việc, giao tiếp, ông là người nghiêm túc, cương nghị giống như một vị tướng, có đủ phẩm chất lính. Trên ve áo, không thấy gắn quân hàm, quân hiệu, đích thị ông không phải quân nhân rồi.
Ông ngồi trên cỗ xe ngựa, dáng điệu rất oai vệ, pha chút kiêu kỳ, khiến người ta liên tưởng đến một “bá tước”, dương dương tự đắc, phớt đời. Nhưng, nếu chỉ nghĩ ông là “bá tước” không thôi, e rằng chưa đủ, bởi trong một ngày đêm, ông làm rất nhiều việc khác nhau. Mỗi việc, ông có cách hành xử riêng, đến nỗi nhiều người rất ngạc nhiên thấy sắc mặt, và tính cách của ông thay đổi đến chóng mặt. Vì vậy, mọi người đoán ông còn sắm vai trò “Tổng quản” của đơn vị hậu cần, nhiều hơn một “bá tước” diệu vợi. Nhưng thôi, chuyện đó sẽ bàn sau. Bây giờ, khi đã ngồi trên xe ngựa, đang tiến vào Hoàng thành, với một phong thái quyền quí, tạm cho ông là người, ngồi trên “cỗ xe bá tước” sang trọng.
- Ê, ê, ê… Ê, ê, ê…
Đó là lúc cỗ xe băng băng trên đường Nguyễn Tri Phương. Miệng kêu, tay gò cương, tay roi quất vào mông ngựa. Chiếc xe đang chạy khá nhanh, bỗng đột ngột quay ngoắt vào khu vực nhà ăn. Người và xe mất hút, trong hàng cây cổ thụ.
Đã thành thông lệ, mùa đông cũng như mùa hè, vào bốn giờ sáng, người ta nghe tiếng vó ngựa lóc cóc từ nhà ăn Hậu cần, rồi chìm dần về phía bốt Hàng Đậu. Đến tám giờ sáng, cũng chiếc xe ngựa ấy, từ bên kia cầu Long Biên phóng về. Phía sau thùng xe, xếp đầy các loại rau xanh mới hái, vẫn còn dính sương. Ngựa, xe hòa vào dòng người, hối hả ngược xuôi. Đó là xe rau của Hậu cần, lấy từ trại tăng gia sản xuất, phục vụ ba bếp ăn đại táo, trung táo, tiểu táo cải thiện bữa ăn cho bộ đội trong thành.
- Chiếc xe ngựa mọi người vẫn gọi đùa “cỗ xe bá tước” chỉ là một chiếc xe ngựa kéo, hết sức bình thường. Chủ nhiệm nhà ăn nói.
Lẽ ra, nó phải được “sơn son thiếp vàng”, cho xứng với tên gọi của nó. Nhưng, là phương tiện vận chuyển gà vịt, rau dưa, cơm canh thừa từ nhà ăn sang trại chăn nuôi… nên bề ngoài, trông hơi xấu xí một chút. Về ý tưởng xuất xứ chiếc xe, không rõ ai là người đầu tiên đề xuất, nhưng trải qua mấy đời Chủ nhiệm nhà ăn, mọi người đều thấy hợp lý. Vả lại, ông Câm phụ trách xe, không ai thích hợp hơn. Thật ra, tôi cũng không biết tên thật của ông - Chủ nhiệm nhà ăn phân trần - Thấy mọi người gọi thế, tôi cũng đành gọi theo. Đến nỗi trong sổ lương hàng tháng cũng không ghi chính xác tên ông mà chỉ ghi ông Câm. Hỏi, ông không nói. Nghe, cũng không. Tóm lại ông câm, kiêm luôn cả điếc. Ngôn ngữ duy nhất bằng động tác tay, chân kết hợp mắt, miệng. Còn hiểu được hay không, tùy thuộc đối tượng giao tiếp. Nhưng nhìn chung, không vì thế làm ảnh hưởng đến vai trò “Tổng quản” của ông - Chủ Nhiệm nhà ăn kết luận.
Người ta “nhặt” được ông ở sườn đồi Pú Chạng, trong chiến dịch đợt 3 Tây Bắc, vào tháng 12 năm 1952, lúc ông bị thương rất nặng. Viên đạn từ dưới cổ xuyên lên má trái. Sau thời gian điều trị, vết thương của ông dần hồi phục. Vì chạm vào hệ thần kinh, ông trở thành người câm, điếc. Đơn vị quân y không biết trả ông về đơn vị nào, đành cho ở lại phục vụ hậu cần. Lâu dần, ông trở thành người của nhà ăn tập thể. Có người bảo ông là dân công hỏa tuyến, có người lại bảo ông là bộ đội địa phương. Cơ quan tổ chức hỏi, ông chỉ biết ú ớ. Viết ra giấy, chỉ thấy ông lắc đầu. Còn quê hương, bản quán, vợ con ra sao, “mò kim đáy bể,” còn dễ hơn.
Làm việc với ông rất khó. “Nói”, “bảo” ông không nghe. Phải cầm tay đưa đến tận nơi, ông mới chịu “hiểu”. Còn một khi ông đã hiểu, và biết việc, lập tức quên thân, làm hăng say. Làm cho đến kỳ cùng, dù trong hay ngoài giờ. Ông là người trung thực, chịu thương, chịu khó, và không từ chối bất cứ một công việc gì. Bởi vậy cơ quan sử dụng ông như một “rôbôt”. Đôi khi, cũng có người muốn cho ông Câm nghỉ việc, đưa về quê. Nhưng biết đưa ông về đâu, ngoài bếp ăn tập thể? Còn chưa tính tới khi ông ốm đau, bệnh tật!
Ngày chủ nhật hay lễ Tết, các sĩ quan, quân nhân nháo nhào thu vén, mua sắm, chuẩn bị xe cộ… để về nhà vui thú với vợ con. Còn ông, ông mặc kệ. Tuy nhiên, ông vẫn cảnh giác, quan sát xung quanh, không bỏ sót bất kỳ hành động nào có thể xâm hại đến lợi ích của tập thể. Vẫn áo khoác Bađờxi, chiếc mũ phớt trứ danh, và thêm một gậy batoong mới sắm. Ông đi đi, lại lại, giống một vị tướng đang duyệt đội ngũ, trước hàng quân láo nháo.
Vào ngày thứ 7, hãy theo chân ông Câm, mới thấy sự hỗn loạn, không còn giới hạn trật tự nữa. Các gốc cây, góc tường, dưới gầm xe, thậm chí trong phòng ngủ bắt đầu “nổi lửa lên em” để phục vụ các bữa: ăn thêm, ăn liên hoan, ăn tổng kết, ăn lên quân hàm, hoặc sinh nhật một ai đó…
Nguồn lương thực, thực phẩm từ các chợ xung quanh Hoàng thành đổ về. Kết hợp nguồn thực phẩm dư thừa của nhà bếp, thậm chí tiêu chuẩn suất ăn, cũng được đưa về phòng ốc, chè chén, nâng ly.
Sự ồn ào không kiểm soát được, đã khiến ông Câm, từ chỗ ngồi trên xe “bá tước”, buộc lòng phải xuống xe, đóng vai trò kiểm soát viên. Ông vác một bao tải lớn, dạo qua các bếp tự phát, không quên chiếc ba toong nổi tiếng - một công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ. Đôi khi hứng lên, ông chụp luôn chiếc mũ phớt sứt cả chỉ vành. Một đôi kính đen, choán gần hết nửa mặt. Nhìn ông lúc ấy, không giống tướng mạo nhà binh, càng không giống “bá tước,” ngồi trên xe ngựa quen thuộc. Quả thực, ông rất giống một viên cảnh sát hóa trang, hoặc đại thể giống điệp viên nổi tiếng 007 bên châu Âu. Ông không đi dẹp các bếp nấu ăn tự phát, vì không phải chức trách của mình, nhưng chú ý đến các xoong nồi đang xào nấu. Ông phát hiện ngay, những xoong nồi nào của nhà bếp hoặc hao hao giống. Lập tức ông chỉ tay vào bếp, miệng kêu lên:
- A, a, a… A, a, a…
Đối với ông, nói thế là đủ. Đồng nghiệp phải hiểu rằng, chiếc nồi này là của nhà bếp, phải đem trả ngay. Còn ở ngoài đường phố, ông kêu:
- Ê, ê, ê… Ê, ê, ê…
Đó là tín hiệu bằng mồm, báo cho dân chúng biết tránh xa cho xe ngựa chạy. Đấy, ngôn ngữ của ông ở trong thành và ngoài đường phố chỉ có vậy thôi. Có lẽ trên thế gian này, ông là người nghèo nhất về khoản âm từ. Các sĩ quan trong Hoàng thành, rất có ý thức chấp hành mệnh lệnh. Với cấp trên nào không biết, nhưng với ông Câm, trong cương vị “Tổng quản”, các sĩ quan thực thi ngay mệnh lệnh là khôn ngoan hơn cả. Họ sang nồi đang nấu, rồi lặng lẽ mang xuống trả nhà bếp. Còn nếu cự cãi hoặc thanh minh lằng nhằng, lập tức ông xử theo luật rừng: cả nồi thức ăn đổ ụp vào bếp, than gio bay mù mịt.
Bây giờ ta mới hiểu được, tại sao đi kiểm tra, ông mang theo gậy batoong, không phải để khoe “trưởng giả học làm sang” như nhiều người khác vẫn hay làm. Còn với ông, nó là trợ thủ đắc lực. Ông chỉ cần quay đầu gậy, dùng móc kéo đổ nồi thức ăn và cũng cái móc ấy, móc quai đưa nồi vào bao tải, không phải bẩn tay. Mọi công đoạn chỉ diễn ra trong giây lát, rồi ông đi sang “bếp” khác. Ông là người thực dụng.
Tranh thủ chút thời gian còn lại buổi sáng, ông đi kiểm tra cống rãnh, mấy đống rác, cành cây khô từ trên cây cao rơi xuống, thậm chí xe ô tô đỗ không đúng nơi qui định, can thiệp ngay. Thật ra những phần việc này, các bộ phận đã có người chuyên trách, nhưng với vai trò “Tổng quản tự phong”, ông cảm thấy phải có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở.
Đến giờ ăn, ông đứng trước cổng kiểm tra các sĩ quan lấy cơm mang về phòng ngủ, có dùng dụng cụ bếp ăn hay không? Nếu phát hiện, ông bắt quay trở lại. Nếu chần chừ, ông xử lý nhanh tình huống Đổ luôn xoong cơm canh vào thùng chứa đã được chuẩn bị sẵn từ trước. Đó là thức ăn chế biến sẵn, giầu chất dinh dưỡng. Sáng mai đưa sang trại lợn bên Gia Lâm… Chủ nhiệm nhà ăn thấy ông Câm xử mạnh tay quá, không biết can thiệp bằng cách nào, đành giẫm chân, lắc đầu. Còn các sĩ quan phải chịu nhịn đói, không muốn cảnh này tái diễn nữa, lần sau xin chừa…
Một dạo nhà ăn hạn chế được thất thoát xoong nồi đựng cơm, nhưng bát đĩa vẫn bị hao hụt đáng kể. Người ta qui trách nhiệm cho nhiều bộ phận, trong đó công tác bảo vệ phải chịu trách nhiệm, không ai khác ngoài ông Câm.
Lần này ông Câm xử quyết liệt và mạnh tay hơn: Ông sắm cho mình một đôi đũa thật dài, đó là thứ vũ khí tự tạo, có thể sánh ngang với súng Bazôka hoặc đại thể như bom ba càng ngày xưa… Bất kể xoong cơm nào đi qua, nghi ngờ liền bị đôi đũa dài chĩa vào, chọc ngoáy rất tàn bạo. Xem chừng, dưới chậu cơm có giấu bát, đĩa hay không? Xem ra cách này kém hiệu quả, chỉ thu lại được các vật dụng nhỏ nhoi như môi, thìa, dĩa… thật không xứng với công sức chế tạo của ông bỏ ra.
Để bắt quả tang, và công khai giảm thiểu các vụ mang dụng cụ nhà bếp về nhà, ông dùng chiến thuật mới: đến giờ mở cửa nhà ăn, ông trốn biệt tăm, cổng không có bảo vệ canh chừng. Mọi người cho là ông Câm bị ốm hoặc có việc riêng, nên không có mặt như mọi hôm. Đó là cơ hội cho các sĩ quan, mang cơm về phòng ngủ bằng xoong nồi nhà bếp. Đùng một cái, ông Câm xuất hiện, bắt quả tang, không chối cãi được. Chiến thuật “anh hùng núp” của ông rất hiệu quả, nhiều người phải kiềng sợ. Ở trong Hoàng thành “kín cổng, cao tường” là vậy, tại sao chiến thuật “núp” của ông đã nhanh chóng loang ra khắp đường phố? Hình như, bây giờ rất nhiều người, nhiều nơi, nhiều ngành đang áp dụng “núp”, phát huy chiến thuật này?
Có điều, làm ông Câm trăn trở? Tại sao, bát đĩa nhà bếp vẫn thất thoát, trong khi đã dùng hết mọi cách? Đương nhiên, ông không thể nói rõ ý định của mình cho Sếp nhà ăn hiểu được. Không lẽ dùng động tác “sờ sờ, bóp bóp” ra hiệu, khiến Sếp hiểu lầm, ông đang làm điều gì đó xấu xa. Đối tượng không ai khác, ngoài phụ nữ? Nếu đúng vậy, điều ấy thật tồi tệ. Hơn nữa trong doanh trại quân đội, không thể có chuyện “quấy rối” phụ nữ xảy ra được!
Nghĩ, làm, không ai ngăn cản được, đó là tính cách mạnh mẽ của ông. Thế là, ông tự ra “chiêu” thực hiện. Ông chọn thời gian sau giờ làm việc của nhà bếp, đứng trước cửa phòng ăn, để tránh cặp mắt đám đông từ ngoài cổng xoi mói chĩa vào. Ông chờ đợi các bà, các cô nuôi quân đi qua trước mặt. Ông lên tiếng:
- A, a, a… A, a, a…
Dù là ngôn từ nghèo nàn nhất, vô nghĩa nhất, nhưng các bà, các cô đã quen thuộc cách nói của ông, biết phải làm gì. Họ dừng lại, và ông Câm bắt đầu lần lượt nắn, bóp… từng cái túi xách, mà họ đang cầm trên tay, hoặc đeo bên hông. Chị em hết sức ngỡ ngàng, vì đây là lần đầu tiên mới có vụ khám xét kiểu này. Thái độ của mỗi người rất khác nhau, nhưng nói chung họ không mấy vui vẻ gì. Các mẹ “nạ dòng”, mặt câng câng, dúi ngay cái túi xách, sát tận mũi ông.
- Này, tha hồ mà khám!
Các cô gái trẻ hơn ngượng ngùng, mặt đỏ lừ, lánh ra phía sau, không dám nhìn vào tay ông. Đương nhiên, ông không dám đụng vào người, vì ông rất sợ đàn bà, con gái.
Rất nhiều sĩ quan đã đến làm việc lâu năm trong thành rồi đi. Nhưng ông Câm chẳng thấy đi đâu cả. Thậm chí, có những người đi khỏi cơ quan, sau ba bốn năm quay trở lại Hoàng thành, vẫn thấy ông ở đó. Đối với ông, nhà ăn tập thể tựa như gia đình mình vậy. Cơ quan đã đi tìm gia đình, vợ con của ông, nhưng đều thất bại. Có thể vấn đề đặt ra, chưa phải bức thiết lắm, hoặc giả, cơ quan thiếu người tâm huyết về chuyện riêng tư của ông, nên chuyện gia đình riêng của ông không ai biết, mãi mãi vẫn là điều bí mật.
Có lúc đông người ngồi chờ đến giờ mở cổng nhà ăn, họ đứng túm tụm nơi ông Câm làm việc, tếu táo bàn chuyện đàn bà, con gái. Ở cơ quan, có rất nhiều nữ quân nhân, công nhân viên, hầu hết trẻ, đẹp. Trong số đó, nổi trội hơn cả là cô Nguyễn Thanh H. phòng CY. Nếu mô tả vẻ bên ngoài của cô, chỉ cần 3 điểm nhấn: mặt, ngực, và mông là nói lên tất cả. Thấy cô đi qua, bất kể là ai, từ sĩ quan đến binh sĩ, đều ngoái cổ nhìn lại. Mặt thì khỏi phải nói, vì lúc bé cô mắc bệnh đậu mùa, để lại nhiều vết sẹo chìm sâu trên khuôn mặt khá xinh. Còn nhìn tổng thể, không thấy người cô ở đâu, chỉ thấy bộ ngực đồ sộ, nhô về phía trước. Còn từ phía sau, thấy bộ mông to tướng đang quầy quả, nhấp nhô. Nếu nói theo thuật ngữ quân sự: “ngực tấn công, mông phòng thủ” thì quả thực cô xứng đáng, là một thành phần chủ yếu trong chiến thuật quân sự “vừa tấn công, vừa phòng thủ”!
Thấy cô H. đi qua, cả đám đông láo nháo, túm lấy tay ông Câm, chỉ trỏ vào cô gái, kết hợp làm động tác tựa như bóp vú, sờ mông hết sức tục tĩu. Thật bất ngờ, ông Câm không phụ họa theo, nghiêm sắc mặt, mắt trợn lên. Một tay túm tóc của mình trên đầu, một tay lướt qua cổ họng, tựa như làm thế, là bị mất đầu.
Trời ạ! Nếu theo “luật” của ông Câm vừa mô tả, hễ có chuyện “quấy rối” tình dục là bị chém đầu ngay. Ôi! Nếu vậy, thế giới đàn ông chúng ta, liệu còn lại mấy người?
Từ hôm ấy, mọi người mới ngỡ ra ông Câm rất sợ bị chém đầu, nếu làm những việc nhố nhăng liên quan đến đàn bà. Bởi vậy ông xa lánh, thậm chí còn ghét họ nữa? Điều mọi người quan tâm muốn biết “một nửa” của ông nó như thế nào, nhưng thật khó, có lẽ chỉ mình ông, biết mình mà thôi.
Sau lần bị thương, ông mất khả năng trí nhớ, kiêm luôn câm điếc, không còn nhớ quê hương bản quán đã đành. Nhưng, tại sao gia đình lại không đi tìm ông. Điều đó, khiến ông khổ tâm nhất? Hơn hai mươi năm, xa gia đình, ông trở thành người vô cảm. Không chỉ câm điếc với chính mình, còn câm điếc với nửa thế giới đàn bà? Vì thế, ông không thích đàn bà chăng? Việc ông sờ nắn túi đựng đồ người khác giới, là việc bất đắc dĩ, không mong muốn. Nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của tập thể, ông phải làm một việc không hay ho gì. Điều ấy làm ông day dứt mãi.
Nhưng với cánh đàn ông, hình như họ hiểu ông hơn, thậm chí cảm ơn ông rất nhiều. Hàng ngày, ông đều đặn chở bia hơi từ nhà máy bia Hoàng Hoa Thám về Hoàng thành, phục vụ cho đám sĩ quan say bia, còn hơn say đàn bà? Dù chưa đến giờ tan tầm buổi trưa, nhưng đã thấy sĩ quan, binh sĩ xếp hai hàng ngay ngắn, sao mũ lấp lánh, pha lẫn giọt mồ hôi, chờ đợi. Bia chưa về, người phục vụ chưa tới, nhưng hàng quân, cứ ngóng mãi về quầy bia phục vụ, như thể ngắm thượng đài, sắp diễn ra các sự kiện.
Không sai một phút, “cỗ xe bá tước” từ từ tiến vào. Trên xe, ông Câm ngồi thẳng lưng, ngực hơi ưỡn về phía trước, vẻ mặt hân hoan, oai hùng. Con ngựa xám, chạy nước kiệu rất đẹp. Nhìn cảnh tượng ấy, ai cũng nghĩ, đây là vị tướng đang duyệt đội ngũ, chỉ thiếu súng ống, gươm giáo tuốt trần mà thôi.
Quầy bia bắt đầu bán, không khí sôi nổi hẳn lên. Ông Câm vào quầy, tự thưởng cho mình một cốc bia sủi bọt, dốc thẳng vào cổ họng trong nháy mắt. Mấy vị sĩ quan đứng gần nơi ông thưởng ngoạn, cũng thấy thèm, nuốt nước bọt ừng ực. Đó là đặc quyền, đặc lợi, lớn nhất trong “Tử Cấm Thành”, không phải ai cũng có được. Hình như, ông không thuộc tuýp người rượu bia, mới tợp một cốc, mặt ông đã phừng phừng. Sau đặc quyền ấy, ông cắp batoong, dạo bước trước đoàn người xếp hàng ngay ngắn. Đương nhiên, không ai muốn gây phiền hà, trước một con người nghiêm khắc, đầy uy lực. Họ tự giác giam mình trong trật tự vô hình. Chính vì vậy, thời đó duy nhất có một quầy bia hậu cần nổi tiếng trong Hoàng thành về trật tự, ngăn nắp.
Ngoài sự nghiêm khắc với chính mình, thời gian chính xác là mệnh lệnh tối thượng, năm tháng ông luôn thờ phụng nó. Vì thế, không bao giờ ông bị tắc xe trên đường, mặc cho đèn xanh, đèn đỏ ở ngã ba, ngã tư nhấp nháy liên hồi. Ông bỏ ngoài tai, bất cứ loại còi nào, cho dù còi công an, còi xe hơi hay còi tàu. Cảnh sát giao thông, và dân tình sống chung quanh Hoàng thành, quá quen thuộc mỗi khi thấy “cỗ xe bá tước” xuất hiện, đành dạt hai bên đường, để nhường lối. Được đà, ông cho ngựa phi nước đại đến trước cổng thành cửa Bắc, đã được mở sẵn. Hình như, lính canh cổng của Lữ Đoàn, không quá nghiêm khắc, nên ông ra vào thoải mái, tự nhiên như hàng ngũ cấp tướng, mỗi khi ra vào cổng thành. Con ngựa được nuông chiều, như thân chủ của nó, không muốn dừng chân, trước bất cứ trở ngại nào. Tính cách người, và ngựa sao giống nhau quá vậy?
Có một bảo vật, mà ông Câm quí hơn vàng, đó là chiếc đồng hồ cổ lỗ. Rất nhiều người đã xem chiếc đồng hồ của ông, không xác định được nhãn mác của nhà sản xuất, vì vỏ đồng hồ trơn lì, nhẵn thín. Các sĩ quan sành điệu, thừa nhận đây là chiếc đồng hồ Pháp chính hiệu, độ chính xác trên cả tuyệt vời. Người ta muốn biết ông mua, hay quà tặng của ai đó. Có thể vì tế nhị, nên không ai muốn hỏi chủ nhân quá sâu, về bảo vật mà ông có. Vả lại đến chủ nhân chiếc đồng hồ, cũng không biết tại sao mình có nó, vậy mọi người biết để làm gì?!
Cuối cùng, họ suy luận rằng, trước khi nhập ngũ, ông chưa có chiếc đồng hồ này, vì trong vùng Pháp tạm chiếm, không dễ gì một người dân bình thường như ông, lại có được chiếc đồng hồ Pháp quí giá. Còn các bác sĩ ở trạm quân y nói lại, khi đồng đội khiêng ông bị thương đến trạm, tim gần như đã ngừng đập. Nhưng trên tay ông chiếc đồng hồ vẫn chạy đều đều. Người ta đoán, có thể chiến lợi phẩm của đồng đội trước khi di chuyển theo chiến dịch, họ để lại như một lời nhắn nhủ, ông phải sống như chiếc đồng hồ này.
Từ ngày ông “hồi sinh”, kinh qua nhiều bếp ăn, ông coi chiếc đồng hồ, như đứa con cưng của mình. Một nhịp đập nhỏ nhoi thôi, nhưng lay động được trái tim, hơn hai mươi năm trời cô đơn… Hình như ông coi chiếc đồng hồ như Sếp của mình. Người trực tiếp điều hành công việc hàng ngày của ông, chính là chiếc đồng hồ Pháp cổ lỗ. Mỗi lần giơ tay lên xem giờ, là một lần ông làm một việc khác nhau. Sự sắp đặt công việc cho ông không ai khác ngoài chiếc đồng hồ nhỏ nhoi.
Dù chính xác về thời gian là vậy, nhưng trước ngày nhắm mắt, ông không thể biết mình đã sống được bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng, và còn sống được bao nhiêu thời gian nữa? Ngày ông ốm đau, đơn vị đưa ông vào bệnh viện, nhưng vì tuổi cao, vết thương năm xưa hành hạ, các thầy thuốc tận tình cứu chữa, nhưng không qua được định mệnh. Ông mất trong cảnh cô đơn. Một đám tang thật đặc biệt: không khăn tang, không vòng hoa, không phong bao, phong bì. Nhưng đưa tang ông rất nhiều sĩ quan, chiến sĩ đã từng biết ông, một thời ăn, ở trong mái ấm hậu cần. Họ kính trọng vì ông hết lòng với họ, liêm khiết, tận tụy cho đến hơi thở cuối cùng?
Những tướng tá, sỹ quan không may ra đi, ít nhất trước quan tài là những thùng, những hộp huân huy chương lấp lánh… Còn ông chỉ có một áo khoác bađờxuy bạc màu, một mũ phớt sờn mép, một gậy “bá tước” cháy xém và chiếc đồng hồ để lẫn trong mớ tư trang! …
Mọi người ngạc nhiên đến sửng sốt, khi các nhà quản lý, mở khóa hòm tư trang của ông, người ta chỉ thấy một ít quần áo, mấy đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, tuyệt nhiên không thấy tiền!
Vậy ngần ấy năm trời lao động, tiền lương của ông đi đâu, cuộc đời ông, có lẽ mãi mãi bí mật?
Song Phương 17/3/ 2017
Trong tập NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐI DƯỚI NẮNG.
Người gửi / điện thoại