bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 7
Trong ngày: 89
Trong tuần: 1138
Lượt truy cập: 631784

SÁCH ĐỌC Ở ĐÌNH LÀNG

SÁCH ĐỌC Ở ĐÌNH LÀNG

              ĐĂNG BẨY

dang_bay

 Trong đời một con người tuổi đà đứng bóng, có nhiều quyển sách đáng nhớ, nhưng có một quyển sách tôi “đọc” từ rất sớm... Nhớ lại những kỷ niệm về nó, tôi xin phép kể dông dài một chút về thuở ấu thơ của mình...

Làng tôi có tên là Thổ Tang - tên này được dùng chung để gọi thị trấn bây giờ, vì trong cùng thị trấn còn làng Phương Viên cũng có một ngôi đình nổi tiếng ngang đình làng tôi. Đình Thổ Tang là to nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc và sớm được xếp vào hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc Quốc gia Đặc biệt. Lúc tôi vào cấp tiểu học, có lớp còn trú trong đình và ngoài sân đã thấy gắn biển Di tích rồi... 

Thuở nhỏ tôi còn được chứng kiến bên cạnh ngôi đình nức tiếng vốn có một ngôi đình nữa – đình Cớ. Nghe nói hồi thế kỷ XIII, theo tín ngưỡng hay để tập dượt gì đó, các mọ (từ dân quê tôi dùng để gọi thay từ “cụ”) phải làm đình Cớ trước để lấy cớ, làm thật tươm tất rồi mới bắt tay vào làm ngôi đình chính. Có lẽ vì đã được dượt kỹ nên đình làng Thổ Tang có những chạm trổ công phu điêu luyện, nhiều tác phẩm từ đó được đưa về trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Bây giờ không còn thấy đình Cớ vì sứ mệnh lịch sử của nó đã được hoàn tất, phải dỡ đi để nhường chỗ cho dân làng làm sân vui chơi hàng ngày.

Đình Thổ Tang hồi tôi còn nhỏ nom uy nghi cao ráo, tôi phải ngửa cổ ngước mắt nhìn lên mới thấy mái đình uốn cong cong uyển chuyển và đôi rồng chầu mặt nguyệt uy nghi trên nóc. Khu hậu cung thì tuyệt đối thâm nghiêm, không đứa trẻ nào dám mò vào. Nơi đây có hai điều đặc biệt: một là sân đình xây rộng rãi hàng chục chiếu ngồi, hai bên có hai cây bàng như hai cây lọng đại che mát; hai là ngôi đình nguyên gốc vốn có sàn gỗ cách nền non một mét. Quanh năm suốt tháng, đình là nơi tụ họp của bọn trẻ con, nhất là ngày hè đến, ra đình chơi mát không cần phải mang theo chiếu. Đợt trung tu vừa rồi, có lẽ do gỗ đã khan hiếm nên chỉ trùng tu được vỏ đình, sàn gỗ chỉ còn trong ký ức. Nghe nói sắp tới, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch sẽ cấp kinh phí mấy chục tỷ đồng cho đình Thổ Tang, chẳng biết có đủ cho sàn gỗ hay không…

Tôi thường được theo chị ra đình chơi cùng các chị khác. Chị tôi có một nhóm bạn gái tuổi sàn sàn thanh nữ như nhau và sớm tập tành thương nghiệp ở chợ Giang. Tối tối các chị luộc ngô bắp, luộc lạc xâu thành từng xâu để mai ra chợ sáng bán làm quà... Thời gian còn lại các chị thường tụ tập ở sân đình, đập hạt bàng lấy nhân ăn bùi bùi vui miệng, hoặc cắt lát những quả khế chua thành hình những ngôi sao, rắc chút muối phơi khô làm ô mai ăn dần. Và xong tất cả các việc, các chị lại thảnh thơi tụ tập trên sàn gỗ dưới mái đình để đọc sách cho nhau nghe.

Cũng cần phải nói là thời ấu thơ của tôi, trước sau ngày mới hòa bình, quê tôi nửa phố nửa làng, nên chỉ gia đình nào có người nhà nhân công việc đi thị xã Vĩnh Yên, thị xã Sơn Tây hoặc Thủ đô Hà Nội mới có thể mua được sách. Không hiểu bằng con đường nào, do thầy tôi hay anh tôi ra tỉnh hoặc xuống Thủ đô đem về, nhà có cuốn Đồi thông hai mộ. Trong những ngày hè, tôi nằm khểnh trên sàn gỗ, chưa đặt chân đến lớp mà nghe chị nào đó đọc to lên và thuộc lòng ngay câu mở đầu:

Anh Đinh Lăng! giờ đây đâu nhỉ?

Anh của em yêu quý nhất đời,

Anh đi, mù mịt xa khơi,

Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay.

Nhưng đến hồi ông anh Nguyễn Đăng Sinh - con bác ruột tôi - về Thổ Tang mở hiệu sách, chủ yếu là loại “chữ to có tranh” của Nhà xuất bản Phổ thông, thì tôi không thấy Đồi thông hai mộ đâu. Miền Bắc vừa được giải phóng, vừa thu dọn chiến tranh, ổn định trật tự, vừa diệt giặc dốt giặc đói và gây dựng cuộc sống mới nên nó đã bị lui vào dĩ vãng. Nó chịu chung số phận của những bài ca thời tiền chiến mà ta thuận miệng liệt vào loại “nhạc vàng” ... Tuy nhiên, những công việc của thời cuộc lôi cuốn đi, đôi khi tôi vẫn nhớ về cuốn sách ấy.

Đến khi đã đi làm, tôi mới mạnh dạn bước vào Thư viện Quốc gia bên phố Tràng Thi, Hà Nội, dùng thẻ nhà báo để “nghiên cứu” thì mới được mượn đọc cuốn sách mà mình còn nhớ loáng thoáng mơ hồ. Câu mở đầu như là kim chỉ nam để dẫn theo một cốt truyện khá là dàn trải. Chuyện tình của đôi trai gái – nam họ Đinh, nữ họ Quách (thế này thì ắt là thuộc dân tộc Mường rồi) – với lối dẫn dắt của tác giả đi qua lắm nỗi đoạn trường. Người trai hứa hôn rồi số phận đưa đẩy được đi du học ngành Y ở Nhật Bản, bên đó có người bạn gái bản xứ đơn phương yêu chàng, còn chàng thì vẫn đinh ninh lời nguyền với Mỵ Nương, không nỡ yêu lại, và kết cục là người con gái Nhật Bản vì thất tình nên tự vẫn, để lại nỗi oan khiến chàng bị đưa ra tòa kết án chung thân...

Cái chết của Quách Mỵ Nương có nguyên do của nó: Trong thời gian Đinh Lăng bặt vô âm tín, ở quê, nàng bị nhiều lần ép duyên theo một cổ tục mà bây giờ người Việt Nam hiếm khi áp dụng: 

Mới lọt lòng đã thành phu – phụ

Tuổi sơ sinh sử vụ biết gì?

Nhớn lên “tuân lệnh vu quy”

Quyền cha mẹ định “em đi lấy chồng”.

Và qua những lần suýt phải thành cô dâu trong đám cưới, nàng vẫn một dạ chung tình với Đinh Lăng:

Thân dù đá nát vàng phai

Lòng son dạ sắt không thay đổi lòng.

Để rồi, nàng thủ tiết với người yêu bằng cách quyên sinh.

Có thể các bạn cùng trang lứa của chị tôi thích câu chuyện này vì tính lâm ly ủy mị, vì cái chết của Mỵ Dung đã là một lời lên án gay gắt một hủ tục. Ở thời của các chị tôi, khi miền Bắc mới bước vào thời kỳ hòa bình, ở các thôn xóm, chuyện người lớn nhằm sẵn đối tượng từ bé, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đang còn và Đồi thông hai mộ mang ý nghĩa tích cực phản phong rất phù hợp với trào lưu giải phóng phụ nữ, hôn nhân tự do đang bắt đầu được phổ biến.

Còn Đinh Lăng, thụ án chung thân bên nước Nhật được một thời gian, chàng được ân xá, về nước đầu quân.

Trên đường chính nghĩa tối cao

Trên đường “bờ cõi giữ sao vẹn toàn...

Diệt xâm lăng quy hàng cởi giáp,

Đem vinh quang đền đáp non sông…

Về cuối cuốn truyện, Đồi thông hai mộ kể chuyện cuộc đời của chàng Đinh Lăng là chính. Chàng đã lập những chiến tích vẻ vang, được thăng từ binh sĩ lên chức Trưởng vệ. Nhưng, về binh nghiệp của chàng, tác giả cũng mạnh dạn kể về cả những mưu mẹo lắt léo nhiều lẽ như trong đời thường ta vẫn gặp. Ở chốn biên cương, trên đường thắng trận trở về, một người bạn đem lòng đố kỵ (để tranh công trạng và nhân thể độc quyền người con gái xinh đẹp của Châu úy) đã bắn lén Đinh Lăng. Trong lúc hấp hối, Đinh Lăng vẫn chỉ một niềm nguyện ước: được chôn cất tại đồi thông quê nhà, bên mồ Mỵ Nương...

Nhưng chết đâu phải đã hết chuyện? Khi kể về mối tình trọn đời thủy chung và những lẽ đời, bên cạnh những trang yêu đương đắm say, nhớ thương thống thiết, Đồi thông hai mộ còn có nhiều câu thơ hào sảng của chí làm trai, của đấng anh hùng. Thiết nghĩ, những câu thơ đầy hào khí như trong Đồi thông hai mộ sẽ không bao giờ cũ và cũng là một yếu tố để cho nhiều bậc nam nhi yêu thích.

Đặc biệt, tác giả kể câu chuyện dài ngót trăm trang in bằng thể thơ độc đáo của Việt Nam là song thất lục bát. Trong văn học nước ta, thể thơ này là dòng chủ đạo để diễn tả tâm trạng bi thương. Những Chinh phụ ngâm - Đoàn Thị Điểm, Ai tư vãn - Lê Ngọc Hân, Văn tế thập loại chúng sinh - Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều cho đến Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến, Hải Ngoại huyết thư - Phan Bội Châu... ngay từ nhan đề cho đến giọng điệu đều mang âm hưởng than khóc. Tác giả Tùng Giang – Vũ Đình Trung (1905-1985, người con của dòng họ Vũ định cư ở làng Văn Quán, Hà Đông – Hà Nội khoảng vài ba trăm năm nay, mộ hiện đặt tại nghĩa trang quê làng, từng tản cư đến vùng Mường Khả, nay thuộc xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình trong những năm 1947-1949 kháng chiến chống thực dân Pháp) đã gặp cốt truyện hay ở đây và chọn song thất lục bát, thừa kế các bậc tiền nhân để khóc cho một tình yêu dang dở. Nhưng ông đã viết nên truyện thơ Đồi thông hai mộ vừa là bản tình ca lãng mạn, lại vừa dung chứa chất tráng ca.

Tôi vẫn thường về Thổ Tang, nơi có mái đình và tình cảm quê hương không thay đổi. Nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu với những chị Huệ, chị Sỏi, chị Xuân, chị Vải... – lứa thanh nữ ngày ấy dẫu nay đã kẻ mất người còn – tôi vẫn biết ơn cuốn truyện thơ đầu tiên mà mình được “đọc” qua bà chị gái từ khi chưa vỡ mặt chữ.

 product2531506759683

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)