bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 33
Trong ngày: 680
Trong tuần: 1393
Lượt truy cập: 774519

SỐNG VỀ MỒ VỀ MẢ

SỐNG VỀ MỒ VỀ MẢ

          TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI


Tôi dừng chân trước một cánh đồng ngợp ánh hoàng hôn phủ vàng những chân ruộng rạ đả ngả mầu bạc phếch. Phía chân trời xam xám chạy một đường viền rõ nét. Tôi ngờ đấy là con đê của một dòng sông nào đó. Thầm mong nó chính là sông Nguồn, cái đích cả tuần nay tôi hăm hở tìm về để được một lần thỏa sức tắm gội giữa lòng nước linh thiêng tinh khiết ngày xưa các thế hệ ông cha tôi hằng tắm gội.

Chỗ tôi đang đứng cạnh một bờ ao nhỏ giáp con đường nhỏ dẫn vào một xóm nhỏ chừng vài chục nóc nhà. Đang vân vân nửa muốn vượt cánh đồng để ngược lên mặt đê rồi nhẩn nha dẫn bộ dưới trời sao, nửa định tá túc qua đêm ở cái xóm quạnh hiu này, thì tôi gặp môt cụ già thong thả tới gần. Tóc trắng, râu bạc và đôi mắt hấp háy niềm vui, vận trên người bộ quần áo nâu may theo kiểu cổ có hàng nút vải kết tròn như hạt bắp. Trông cụ y hệt một tiên ông đột nhiên xuất hiện. Hình như cụ đang trở về sau một công chuyện thành công thì phải. Tôi lễ phép chắp tay chào. Cụ nhìn lướt chiếc ba lô to đùng cùng bộ dạng mệt mỏi lấm láp bụi đường của tôi rồi cất tiếng: Cậu đi phượt? Tôi kính cẩn thưa: Dạ không, cháu đang tìm về bản quán nơi ngọn sông Nguồn. Cụ a lên một tiếng, nói tiếp: Một công tử thời @ chính hiệu lặn lội tìm kiếm sông Nguồn? Thú vị thật. Tôi chưa biết giải thích ra sao, cụ đã thân mật bảo: Sắp tối mất rồi. Cậu có muốn nghỉ đêm nay ở nhà lão không? Dạ! Được vậy thì cháu hân hạnh quá. Nói rồi cụ đi trước dẫn tôi qua vòm cổng thâm u xây bằng gạch cổ màu đỏ tía. Cái cổng trông lùn tịt tưởng chạm đầu vậy mà tôi với hết tầm tay vẫn không động tới đỉnh  vòm. Vừa giúp tôi cởi ba lô đặt xuống đầu hè, cụ vừa thủng thẳng: Thoáng nhìn tôi biết cậu là người được học hành tử tế. Không thì ai dễ cả tin. Bây giờ dăm trăm nghìn cũng đủ cho bọn bất lương hạ thủ một mạng sống rồi. Hãi lắm. Cụ chỉ tôi ra ngoài sân giếng tắm giặt, còn cụ lui cui quạt than đun siêu nước pha trà. Ở nhà tôi vẫn được thưởng trà cùng cha tôi theo cung cách này. Không khí thật là ấm cúng và quen thuộc. Lát sau cụ bà bưng mâm cơm đặt lên mặt chiếc bàn tre kê giữa hai tràng kỷ được chế tác rất mỹ thuật bằng những lóng tre tròn vàng óng. Bữa cơm chỉ có hai cụ cháu ngồi cùng mâm. Canh rau dền và cá bống kho tiêu cực ngon. Đang đói bụng, tôi ăn rất thực lòng. Cụ ăn ít, chốc chốc cầm chiếc quạt mo ve vẩy gió về phía tôi.

 Hình như nóng ruột chuyện gì đấy, cụ bà bước ra hỏi cụ ông: Chuyện ấy dàn xếp ổn thoả chưa ông? Ổn cả rồi bà ạ. Quay qua phía tôi, cụ ông hồ hởi: Tiện thể kể luôn cho cậu nghe, chú em họ tôi chết đã vài năm. Ngày đưa chú ấy ra đồng, thằng Đơm và thằng Đó con chú ấy còn ngồi trong trại giam. Nói ra thì xấu hổ lắm. Chúng nó bị án phạt ba năm tù vì một tội thất nhân tâm đến mức Trời Phật cũng chẳng thể tha. Hai anh em nó quen chơi bời lêu lổng, đàn đúm trộm chó bắt gà, chả từ thủ đoạn nào. Năm ấy đánh hơi thấy nhà kia sắp sang cát cho ông thân sinh, chúng bàn trước với lão thày cúng lưu manh chọn cho gia chủ ngày ấy, giờ nọ thì đào mộ hốt xương xếp vào tiểu sành. Lại không cho chôn ngay, muốn con cháu giầu có phát đạt phải canh đúng ba bữa nữa, vào giờ ấy mới được giờ hạ huyệt. Vậy là ba đêm liền, chúng chờ cơ hội đám con cháu nhà kia mỏi mệt, lơ là việc trông coi, liền dở trò ăn trộm một rẻ xương đùi ông cụ. Để cho anh em họ bối rối tìm kiếm vô vọng vài ngày, chúng mới cho người đánh tiếng đòi nộp năm chục triệu sẽ trả lại, bằng không chúng quẳng cho chó gặm. Chuyện bại lộ, vậy là tù. Cậu tính chúng bất nhân ác đức không? anh em nó vừa mãn tù vài tháng nay, được tự do chưa nóng chỗ đã muốn gây sự. Hôm nay tôi không lấy quyền tộc trưởng răn đe hoà giải thì công an còng tay chúng rồi.

Trưa nay nghỉ chân ở một hàng nước ven đường, tôi đã nghe xôn xao đồn thổi chuyện này. Bà quảy đôi thúng không, chưa đặt đít đã đặt mồm: Các bá biết gì không? Bên thôn Ba vừa có sự bốc mả nhầm đấy. Lại đụng đúng vào mả bố anh em thằng Đơm thằng Đó chí phèo mới khổ người ta chứ. Bác xe ôm oang oang: Đến mộ bố mình còn không nhận ra thì nhà ấy cũng đểnh đoảng quá. Một cụ ông khẽ khàng thông nõ điếu cày, nhỏ nhẹ góp lời: Kể cũng đáng trách thật, nhưng nghĩ lại cũng tại cái dân làng mình nó thế, có một xẻo đất tí hin cũng khống đại lên thành Ải Quan, rồi truyền tụng Ải Quan có lỗ đồng tiền, ai mà xỏ được đậu liền tướng quân. Nên mới tranh nhau để mả ông mả cha vào đấy. Huyệt đào xiên xẹo, hễ hở chút đất là đào. Có khi đào nửa chừng gặp quan tài nằm đấy tự thuở nào. Do vậy mà hình thế đổi thay liên tục. Đến như tôi năm mấy bận thăm mộ tổ còn ngơ ngác nữa là. Lại một ông chở xe rau xanh ngồn ngộn ghé vào quán: Tôi vừa ở đám ấy về. Suýt đánh nhau to các bá ạ. Anh em thằng Đơm đòi chi phí an táng, bồi thường thiệt hại động mồ động mả nhà chúng tất tật năm chục triệu. Nhà kia nghèo quá lấy đâu ra, cả nhà quì lạy xin lo mấy triệu bốc hốt, thế là xẻng quốc giơ lên, không có cụ giáo Thiềng với công an xã tới kịp thời thì án mạng, án mạng to.

Vậy là tôi có duyên đang được hầu chuyện cụ giáo Thiềng tôn kính. Cụ hỏi gia thế, tôi cứ sự thực thưa trình. Cụ bảo: Một dòng họ thật đáng nể trọng. Tôi có nghe về ngôi miếu Trung Liệt trên Nguồn. Cũng biết nẻo ấy có sông Nguồn nhưng thú thực cả đời chưa một lần được vinh hạnh thăm viếng. Cậu cứ kiên trì tìm về cho biết. Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nhước trong Nguồn chảy ra. Không tự nhiên mà dân ta truyền tụng câu ấy đâu. Trong Nguồn ắt hẳn là sông Nguồn đấy. Bà nội đáng kính của cậu không phải mê sảng mà nhắn nhủ cháu trai đâu cậu ạ.

Khuya ấy, tôi mơ hồ thấy bà nội thoáng lẹp xẹp đi qua ngoài cửa. Lại nghe rõ như tiếng bà tôi kể lể thuở nào. Cái thời còn mồ ma giặc Tây ấy, làng ta có hai cánh kình nhau. Cánh Hai Hoạnh cậy quen thân với quan phủ quan huyện, lại giầu có nên chẳng coi ai ra gì. Cánh anh em Binh Ngang cậy nhà mình đông trai tráng, đứa mạnh như gấu, đứa bạo như hùm, trong mắt chúng, đám Hai Hoạnh không hơn gì con thỏ. Oan gia gặp đường hẹp. Năm ấy, làng khuyết chân lý trưởng, hai cánh kình nhau ấy cùng ra tranh cử. Cánh Binh Ngang biết thân phận bạc tiền chẳng có, cứ đương đường tranh giành với cánh Hai Hoạnh vừa tiền bồ thóc đống, vừa đi lại thân tình với quan trên thì thua trắng là cái chắc. Bọn chúng bèn chơi luật rừng, nửa đêm đào trộm mả bố Hai Hoạnh giấu biệt một chỗ kín đáo, rồi đánh tiếng nếu Hai Hoạnh không tự rút lui thì ra sông Nguồn mà mò mả bố. Xem ra ngay từ ngày xưa, đã từng có những chuyện liên quan đến mồ mả táng tận lương tâm như vậy.

Lại cũng bà tôi kể: Mộ cụ cố anh cũng phải di cốt tới ba lần. Lần đầu chả biết ông nội anh nghe ai, rước ông thày Tầu về nhà khoản đãi cơm rượu mấy ngày, suốt mấy ngày họ dắt nhau đi coi thế đất khắp vùng mới chọn được một huyệt đẹp lắm trên gồ Miễu. Nghe các ông ấy thì thào bí mật, chỗ ấy chính là cái cuống sợi râu rồng. Khổ nỗi, cái gồ Miễu ấy thuộc địa phận làng Tung Nha cai quản. Cánh hào lý làng ấy vẫn kình nhau với cánh anh em ông nội anh nên chẳng thể nào chúng cho hạ huyệt. Đành phải đợi buổi tối trời, lại mưa phùn gió bấc rét chun dái mới hè nhau âm thầm để mộ trộm. Đến thời hợp tác hợp te, làng Tung Nha qui hoạch cánh đồng lớn cho tiện máy cày máy bừa thao tác mới phá gồ Miễu, lúc ấy bố anh còn học mãi tận bên Liên Xô, các chú em họ bố anh lại phải đào mộ cụ về táng ở gồ Thị làng mình. Yên ổn được dăm năm, làng mình đào con ngòi chạy qua gồ Thị, mộ cụ lại phải dời đi chỗ khác. Biết mộ phần chẳng nhà ai có bia đá đề tên nên lần ấy bà đã cẩn thận bảo khắc tên cụ vào viên gạch cổ rồi chôn cùng với cỗ tiểu sành. Cẩn thận vậy mà vẫn xẩy ra tranh chấp. Chả là hôm họ ta đào mộ cụ, nhà ông Thanh cùng xóm cũng mai cuốc nhăm nhăm ra đào chính ngôi mộ ấy. Ai cũng nhận mộ nhà mình vẫn hương khói mỗi kỳ giỗ tết. Bà phải trưng ra bằng chứng, nếu đào lên có viên gạch khắc tên cụ cố thì đích thị mộ của nhà mình. Khi đào chạm tiểu sành thì thấy y như vậy. Khốn khổ ông Thanh lúc nhận ra tình cảnh mình lâu nay mồ cha không khóc, khóc đống mối, nổi cơn điên dại  mếu máo vô cùng thiểu não: Thế tôi mất mộ bố tôi rồi à? Ai, ai lấy trộm mộ bố tôi? Từ đấy ông ra ngơ ra ngẩn, ngày ngày thơ thẩn ngoài đồng với cái cuốc cùn trên vai đi tìm mộ bố. Đến nỗi mấy năm sau, ông mất, phút lâm chung lời nói cuối cùng của ông vẫn một câu thảng thốt đớn đau: Ai, ai đào mất mộ bố tôi?

Năm ấy, bà tôi yếu lắm rồi, chắc linh tính ngày đi theo các cụ chẳng còn mấy nữa, một bữa bà vẫy tôi lại gần rồi nói:

- Chuyện này cháu phải giữ kín trong lòng. Bố cháu đã dặn bà đừng nói cho ai biết, ngay cả với cháu. Bởi vì nó quan trọng lắm, nếu hở ra, anh em họ ta ngoài quê biết được thì xẩy ra án mạng không chừng. Đấy là cái lần bố cháu về quê đưa bà vào ở hẳn trong này, Trước ngày khởi hành đâu vài ngày, nửa đêm nghe tiếng rụt rè gõ cửa, bố mày soi đèn đã thấy hai anh em thằng Đơm thằng Đó con lão Hiếng thọt quì mọp giữa sân. Hỏi duyên cớ gì, thằng anh chắp hai tay van lạy như tế sao, thằng em mếu máo cầu xin bà và bố mày tha tội. Nghe chúng kể lể mới vỡ ra một chuyện tày đình.

Thuở trước, hai cụ tổ nhà ta và nhà Hiếng thọt cùng đến đây lập nghiệp. Gặp khu đất nằm giữa vòng cung con sông nhỏ chảy song song với sông Nguồn, nửa phía hạ lưu thấp trũng, nửa phía thượng lưu nổi lên một cái gò đều còn hoang hoá chưa có ai làm chủ. Cụ tổ nhà Hiếng thọt vốn là nông dân xí phần khu đất trũng để trồng lúa nước. Cụ tổ nhà ta xuất thân thày đồ tinh thông lý số, nhận ra thế đất lưỡng long chầu nguyệt, nhận phần gò cao. Khi hai cụ qua đời, mộ phần hai cụ tổ táng ở hai phần đất nhà mình sở hữu. Đến đời bố ông Hiếng thọt, cắc cớ thế nào lão chợt nhận ra mấy đời nhà lão toàn sinh ra một lũ lĩ những cái tên hết súc quê mùa, nào Đó, nào Lờ, hết Nơm đến Vó, đời nào cũng chỉ quanh quẩn bốc bùn vọc nước kiếm ăn, thằng cha là dân khố ngắn, thằng con đầu trần đít khố một gang. Còn nhà ta con cháu cứ nối đời dạy học, nối đời gánh vác việc làng không to thì nhỏ, không giầu có nhưng cũng chưa bao giờ đói rách. Lão ấy mới cho là tại mồ tại mả, bèn nảy ra ý định hoán đổi hai ngôi mộ tổ. Nghĩ là làm, một đêm nọ, hai bố con lão bí mật hành sự gon ghẽ đến độ cả họ ta chẳng ai nhận ra một dấu vết khả nghi. Thành ra nhà ta lâu nay mồ cha không khóc, khóc đống mối, giỗ tết con cháu thắp hương lễ mộ toàn cúng ông tổ nhà Hiếng thọt.

Chẳng dè thiên bất dung gian, sau đấy nhà Hiếng thọt gặp toàn chuyện xúi quẩy. Nào Hiếng thọt bị ngựa vật gẫy chân, thằng Đơm con lão thò tay bắt cua bị rắn độc cắn, không chặt vội bàn tay thì toi mạng. Đến lần thằng Đó cháu đích tôn Hiếng thọt mới tí tuổi đầu đã bị máy tuốt lúa cuốn nát cánh tay. Tính khí Hiếng thọt chẳng biết sợ Trời, sợ Phật, vậy mà trước khi nhắm mắt, lão dặn con cháu muốn yên hàn thì thế nào cũng phải chuộc tội bằng cách khấu đầu tạ lỗi với nhà ta và xin rước hai ngôi mộ trở về chỗ cũ.

Mới nghe chuyện này, lúc đầu bố anh rất giận. Sau nghĩ lại chuyện cũng đã rồi. Tất cả chỉ là do tối tăm ngu dốt mà ra, lại sợ anh em trong họ biết được thì không tha cho anh em thằng Đó, mới cùng chúng nó ngay đêm ấy bí mật chuyển hai ngôi mộ trở về chỗ cũ. Hôm sau lấy cớ bái tổ ly quê, bố anh xắm lễ mời anh em trong họ tạ mộ tổ, trong lòng thầm xin cụ Tổ đại xá cho tôi đại bất hiếu này.   

Sáng hôm sau từ giã cụ giáo Thiềng đáng kính, tôi tiếp tục hành trình trực chỉ nẻo sông Nguồn. Quãng non trưa tôi gặp một đám đưa ma. Người đưa tiễn kéo một hàng dài như con rồng trên con đường đất chạy qua cánh đồng. Tôi được nghe kể cụ bà quá cố hưởng thọ đúng trăm tuổi chẵn. Con cháu vấn khăn tang trắng nhiều không đếm xuể. Người làng nước thương tiếc tiễn đưa còn đông đúc gấp nhiều lần con cháu. Đi đầu là mấy vị sư chắp tay chậm rãi  lần tràng hạt. Kế đến hai hàng mấy chục cụ bà vẻ mặt từ bi, miệng niệm Nam Mô, thành kính nâng cây gậy sơn đỏ chống hai mép khúc vải căng trên đầu tượng trưng cây cầu đưa người quá cố về cõi vãng sinh. Tôi thấy bà tôi thấp thoáng trên cây cầu phất phới niềm an lạc ấy. Tôi muốn hỏi bà tôi, sau cái đận cụ Tổ tôi nằm sâu dưới huyệt mộ râu rồng ấy, con cháu có ai nên quan nên tướng gì không? Hình như bà tôi đã nói: Cha bố anh, thì cô anh, cha anh không nên quan nên tướng là gì. Tôn trọng và giữ gìn yên ấm mồ mả Tổ Tiên là bổn phận và cũng là phúc ấm của một đời người con ạ.

Ngày hôm nay tôi vẫn đang trong cuộc hành trình về với sông Nguồn. Con đê xam xám phía xa đang dần dần gần lại. Tai tôi đã nghe óc ách tiếng sóng vỗ đôi bờ. Và ngọn gió mênh mang thổi từ ngọn sông Nguồn đang dịu dàng ve vuốt mái tóc tôi.

 

Tân Châu - Tây Ninh, 15/3/2015 

unnamed

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)