bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 20
Trong ngày: 72
Trong tuần: 1157
Lượt truy cập: 634325

TẢN VĂN CỦA SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

CON ĐƯỜNG XƯA XA NGÁI
(Thương nhớ Cha!)
Sương Nguyệt Minh
 
suong_nguyet_minh
 
Cha tôi đã từng mòn chân trên con đường đất ấy.
Hình như mỗi người đều gắn bó với thân phận một con đường.
Hồn vía, hình ảnh con đường đi vào ký ức tuổi thơ và mãi mãi đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời. Giận hờn. Buồn vui. Đắng cay. Nhọc nhằn... Tất cả đi qua từng tấc đất con đường.
Tôi cũng có một con đường tuổi thơ xa ngái luôn luôn in hằn trong óc và xôn xao lòng khi mỗi lần nhớ về thời con trẻ. Ấy là con đường đất phù sa đỏ nâu ngoằn nghèo uốn lượn như con trăn gió đang quăng mình vắt từ đầu làng qua cánh đồng Ngoài, đầm Vạc, lên điếm canh đê. Cây si ở cuối con đường, bên điếm canh đê như một dấu nhấn đậm, mà con đê vắt dài là một đường viền mờ. Màu xanh tán lá cây si dịu mắt người đi xa về giữa nóng bức ngày hạ.
Làng tôi thuần nông. Đàn ông lam lũ. Đàn bà tần tảo. Trẻ con siêng năng. Và luôn có khát vọng đi khỏi làng. Nhưng muốn rời làng lên phố huyện, lên tỉnh đều phải đi qua con đường đất đỏ và điểm quay lại nhìn thôn xóm lần chót là cây si xanh bên điếm canh đê ở cuối con đường. Phố tỉnh là cái gì đó xa vời, lung linh, kỳ bí. Con đường dằng dặc như nhịp cầu nối chân trời mới lạ với cái đầu non nớt lúc nào cũng háo hức, tưởng tượng, lúc nào cũng muốn rời làng đi xa.
Trong lũ trẻ con náo nức đi xa có một nhà toán học của làng. Nhà toán học làng Hạ tên là Ca thông minh lẫy lừng trường huyện. Thần đồng Ca người gầy nhẳng, nhưng mắt sáng, môi đỏ như con gái. Anh không bao giờ chịu bỏ sót một bài tập toán nào trong sách học và thi thố với cả các bài khó thần sầu quỷ khóc ở Báo Toán học và tuổi trẻ trong thư viện nhà trường. Anh Ca là niềm vinh quang, tự hào của làng Hạ.
"Chúng mày cố mà học. Đừng có mà theo đít trâu như thày, như u chúng mình.
Anh Ca nói thế. Và chúng tôi lúc rõ ràng lúc lờ mờ hiểu rằng: Dứt khoát phải đi khỏi làng.
"Nhưng mà có phải ai cũng học giỏi như anh đâu? Anh Ca!"
"Thế tao mới bảo: Chúng mày phải cố. Làng ta toàn nhà nông. Chán lắm! Làng ta sẽ phải có nhà toán học, nhà vật lý học, nhà văn, nhà báo. Cứ đứa nào vác cái bằng cử nhân về làng, tao huy động cả lũ trẻ con ra tận điếm canh đê khênh lên vai, rước..."
Vậy mà, cây si bên điếm canh đê phía cuối con đường đất đỏ là điểm dừng chân cuối cùng của anh. Anh Ca vĩnh viễn không bao giờ đi ra khỏi làng được. Ước mơ từ nhà nông đến nhà toán học vẫn chỉ là ước mơ xa vời buồn bã. Nhà toán học tương lai trở thành nhà nông thâm niên - thợ cày chính hãng, chỉ bởi anh Ca thuộc thành phần con cháu địa chủ.
Nhà nông không cày bừa, xới xáo làm đất vụ chiêm vụ mùa thì làm gì. Có một chiều mưa tháng hạ, đường trơn, cha trượt chân ngã xuống con đường đất phù sa đỏ. Cái cày chìa vôi lưỡi gang sáng quắc nhọn hoắt giáng xuống lưng cha. Con đường phù sa trơn láng vẫn thế, mà lưng cha còng xuống, còng đến tận khi chết.
Tâm hồn ta, kỷ niệm non trẻ đầu đời cũng hoá thân vào hồn vía con đường tuổi thơ. Có những lúc mưu sinh, toan tính, cầu lợi, thăng tiến..., chót quên con đường làng. Có lúc mải mê đuổi bắt phù du, ham hố cái danh hão... mà hững hờ, chót lỡ không nhớ con đường vừa nhọc nhằn, vừa lung linh thắp sáng suốt thời thơ dại. Nhưng tôi đồ rằng, dù người tử tế, khôn ngoan; dù kẻ bất lương, dại khờ; khi trở về già, sẽ có lúc bất chợt nhớ đến con đường quê xưa.
Tuổi thơ tôi là những năm khốn khó, lúc nào cũng đói, khi nào cũng thèm ăn; nhưng luôn đầy ắp ước mơ cháy bỏng làm những điều to lớn, mà chỉ đến khi mái đầu điểm bạc mới ngộ ra rằng đó là sự hão huyền rất đáng yêu của tuổi trẻ. Và tôi cũng nhận ra: chính con đường đất đỏ phù sa sinh ra ước mơ, bồi đắp cho tôi khát vọng và chắp cánh cho hồn tôi bay bổng.
Cha tôi đã từng mòn chân trên con đường đất đỏ. Cha đi thả ống trúm lươn lúc la lá tối trời mùa hạ. Cha đi bẫy chim ngói khi tháng mười về lúa đồng mây mẩy chắc hạt. Cha đi đánh cá bống buổi sáng mù sương dưới sông Lồng. Kiếp người sao cứ quá khổ ải, đoạ đày; sống ở cái đất chiêm thua mùa thối và cái đói thì quanh năm luôn ám ảnh và dày vò cha. Cha đi làm kiếm miếng ăn cho vợ con, cha sống bần hàn, cha tật nguyền trên con đường đất đỏ nâu. Mẹ kể: Cha đi làm thợ xẻ. Thợ xẻ dọc chứ không phải thợ xẻ ngang. Thợ xẻ ngang là vật cây gỗ nằm trên mặt đất rồi, hai ông thợ ngồi mà cò cưa kéo xẻ. Thợ xẻ dọc là chống cây gỗ lên một góc 30 độ, rồi một thợ ngồi dưới đất, còn thợ kia bắc thêm một miếng ván nữa lên cây gỗ rồi đứng mà kéo xẻ. Cha ngồi dưới, cây gỗ đổ đè vào vai. Người ta hò nhau khiêng cây gỗ ra, và võng cha theo con đường đất phù sa đỏ nâu về nhà. Ba tháng, cha không ăn được cơm. Mẹ bón cháo loãng ngày ba bữa. Cứ tưởng liệt, nhưng hồng phúc nhà còn lớn, ba tháng sau cha ngồi dậy, đứng dậy, đi được. Thêm một tháng nữa, cha lại vác cưa cuốc bộ trên con đường lên điếm canh đê đi làm thợ xẻ dọc. Sức tráng niên, cha không chịu khuất phục số phận, chỉ phải cái lưng thì bị gù thêm một lần nữa. Rồi khi về thế giới bên kia người ta cũng đưa cha ra nghĩa địa bằng con đường đất đỏ ấy.
Mưa! Mưa trắng đồng. Mưa trắng đất. Đường trơn. Đô tuỳ đặt đòn khiên lên vai cùng dân làng đưa cha nghĩa địa, đi trong mưa chan chan vào mặt, mưa chan chan lên quan tài. Các ngón chân người choẽ ra bấm sâu bám chặt vào đất. Nhẩn nha. Dò dẫm. Từng bước. Từng bước một. Tiếng khóc, tiếng hời lẫn tiếng mưa. Vậy mà dân làng không thiếu một ai, người ta chân bấm đường trơn đi trong mưa quất sườn sượt lên áo tơi, mũ lá...
Tôi - tuổi thiếu thời lăn lóc với con đường. Ngồi chễm chệ trên lưng trâu, miệng thổi sáo, chân đung đưa thúc vào sườn con trâu sừng cánh ná đi lên bờ đê ngợp cỏ gà xanh. Tôi buồn ngủ, lúc mắt nhắm lúc mắt mở, chân vẫn bước đều đều đi bắt cá nhảy khăm khi trời rạng sáng. Tôi đi gạy rau má, đi mót khoai lang lúc giáp hạt tháng tám ngày ba... Ông tôi, cha tôi và tôi; cả làng tôi lúc sống lúc chết đều đi trên con đường ấy. Con đường gánh cực. Con đường sinh nhai. Có bao nhiêu bước chân to nhỏ, nặng nhẹ, dày mỏng in dấu vào con đường đất đỏ? Có bao nhiêu bàn chân già cỗi lam lũ, non nớt, hồng hào gót đỏ, nứt nẻ sần u bởi giá lạnh... đi trên con đường làng? Hàng triệu, hàng tỷ, hàng ức vết chân của người nông dân tần tảo, lam lũ, của thằng trọc phú mới phất, của người lính ra trận, của kẻ bần hàn tha phương... đi, về làng. Chịu không thể biết được.
Mùa xuân ẩm ướt, bầu trời u u mê mê, xám xịt, con đường màu nâu xám lẫn vào mưa phùn giăng giăng, cảm giác bức bối, bị đè nén, giam cầm đến tội nghiệp. Nước bùn đỏ lép nhép, lấm gót hồng, vẩy cả lên quần lụa đen. Vào tiết Thanh minh tháng ba, con đường sáng lên vài tuần. Ấy là khi sáo sậu bay về, lách chách đậu trên lưng trâu, ngó nghiêng đầu bắt rận. Con đường trở nên dịu dàng và bình yên.
Bây giờ, con đường đất đỏ xưa biến mất. Hiện nguyên hình trước mắt tôi là con đường đổ xi măng một màu trắng xám, lạnh ngắt, vô hồn. Đâu rồi hai vệ cỏ gà xanh mướt, những đám cây xấu hổ e ấp khép lá khi vô tình bước chân chim hoang đạp lên gai sắc. Chim giật mình thảng thốt vỗ cánh bay vụt lên cao? Còn đâu những bụi dứa dại tối bời bời và tiếng mèo hoang ngoao ngoao suốt đêm đông rét mướt? Dù sao thì vẫn còn cái để nhớ nhung, hoài niệm, con đường bớt đi phần nào cái dáng vẻ khô khan, lạnh lùng và hờ hững với chính những người sinh ra nó.
S.N.M
unnamedmn
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)