bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 

VŨ NHO 085 589 0003

BÀI VIẾT CÔNG PHU QUÁ!CÁM ƠN PGS.TS. NHÀ THƠ PHẠM CÔNG TRỨ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ XỬ LÍ VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN NGHÊNH NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ TƯỜNG THUẬT BẰNG HÌNH ẢNH SINH ĐỘNG TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 15
Trong ngày: 98
Trong tuần: 1167
Lượt truy cập: 634364

TẾT THỜI BAO CẤP XA XĂM

TẾT THỜI BAO CẤP XA XĂM
(Bài in trên báo Lao Động tết Giáp Thìn - 2024)
Sương Nguyệt Minh

suong_nguyet_minh
Thời bao cấp xa xăm, làng quê tôi phải đến 23 tháng Chạp mới bắt đầu có không khí tết.
Trong kí ức tết vời vợi xa vắng ám ảnh tôi nhất là nửa đêm về sáng của những ngày cuối tháng chạp rét mướt nằm cuộn trong chăn chợt thức giấc nghe tiếng gầu sòng tát ao nhà ai đó bắt cá ăn tết. Nhiều nhà tát ao, nhưng ấn tượng và nhớ nhất là nhà bác Thắc. Bác Thắc cao to lực lưỡng, sát cá nhất làng, bác đi câu, đi đánh dậm hay đánh bơ lơ chỉ vài tiếng đồng hồ là gần đầy giỏ cá lóc nhóc. Cái ao Đồng to gần bằng nửa sân bóng đá huyện, bác thả cá mè, cá trắm, cá rô phi... Hai ba tháng Chạp năm nào bác cũng đóng gầu sòng tát ao. Bác trai tát mệt thì bác gái thay, bác gái mệt thì anh con cả; cứ như vậy tát ngày tát đêm đúng mờ mờ sáng ngày cuối năm thì ao cạn. Có người trong thôn bảo: Chả cần xem lịch, cứ nghe tiếng gầu sòng tát ao nhà ông Thắc là biết tết đang về, cứ thấy nhà ông Thắc bắt cá ao đi chợ bán là đích thị sáng ba mươi tết. Cả thôn gọi nhau ra xem bắt cá ở ao Đồng. Có năm bắt được con ba ba to như cái đấu đong gạo, chả biết nó từ đâu bơi đến trong mùa lụt rồi ở lại. Cá bắt được đầy nhóc mấy gánh, gánh thì chồng mang đi chợ Bút, gánh thì vợ đưa sang chợ Lồng, gánh thì con cả ngược chợ Chớp cách nhà đến 5 cây số bán. Bác Thắc bắt cá xong thì tháo khoán, lũ trẻ làng nhào xuống ao hôi cá. Đứa bắt được con rắn nùng nục, đứa tóm được con lươn, đứa may mắn vớ được con cá sộp nằm sâu dưới bùn… Mặt mũi, quần áo đứa nào cũng lem nhem bùn đất, mà miệng cứ ngoác cả răng trắng cười tươi, chúng mang về góp vào bữa ăn bữa trưa ngày cuối năm. Bây giờ kể chuyện: ba mươi tết mà mấy chục đứa trẻ làng nhào xuống ao Đồng hôi cá thì chỉ có trong cổ tích? Vậy mà, nó đã từng xảy ra với tuổi thơ tôi.
Ở làng quê tôi, không khí tết bắt đầu từ cái ao nhà mình như thế.
Dường như nhà nào cũng có một cái ao. Cái ao là “kho thực phẩm” giàu đạm lúc giáp hạt tháng ba ngày tám, là cái “túi tiền” lúc túng thiếu. Có nhà tát ao sớm đem đến chợ Bút, hay chợ Lồng bán lấy tiền sắm tết. Những nhà còn lại, chờ con cháu về đông đủ thì sáng ba mươi tết mới đánh cá. Ở góc ao này kéo vó nước chảy tong tõng, ở góc kia úp nơm ngầm, chỗ kia nữa khua chà cá nhảy. Người lớn trẻ con túm tụm đứng trên bờ chỉ trỏ. Thỉnh thoảnh bọn trẻ chợt rú lên, dúm lại vì ai đó vừa vứt lên bờ một con chày hay cá mè vảy trắng lấp lánh, giãy đành đạch. Có một đám đánh cá ao mà tiếng động vang dậy một góc làng. Đám đánh cá ao nhà này xong, thu vó cất nơm, thì bọn trẻ con lại rủ nhau đến xem nhà khác đang quây bèo, kéo chà chuẩn bị. Có một điều kì lạ khi tết đang sầm sập về là: vẫn gương mặt ngày thường hốc hác tất bật lo lắng, thì lúc ấy dường như biến mất thay bằng mặt mày rạng rỡ với niềm vui nhỏ bé bình dị từ ao cá nhà mình. Bưng rổ cá đầy, mắt lấp lánh niềm vui: con thì nấu cháo ám ăn luôn trưa cuối năm, con thì kho, con thì nướng để cúng ngày mùng một, mùng hai.
Ca dao Việt có câu: “Số cô chẳng giàu thì nghèo/ Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà”, hoặc “Đói muốn chết ba ngày Tết cũng no.” cho nên dù nghèo đói cũng tằn tiện tiết kiệm, tích cóp cho ngày tết cúng tổ tiên giữ hiếu lễ, vừa là dịp nghỉ ngơi thụ hưởng thành quả cả năm lam lũ vất vả. Tôi vẫn nhớ cảnh hợp tác xã chia cá, chia thịt. Quãng 29 tết, có năm muộn hơn thì sáng sớm 30 tết là ông chủ nhiệm cử mấy xã viên mượn mấy cái nồi đồng ba mươi của nhà nào đó đun nước làm thịt lợn ở sân kho. Lợn bắt từ trại chăn nuôi được giữ lại, sau khi nộp nghĩa vụ cho nhà nước. Cánh cửa nhà kho ngả ra để cạo lông lợn. Lá chuối xanh trải ra sân để chia phần. Mỗi gia đình một mô thịt. Mô nào cũng có miếng mông sấn, miếng thịt ba chỉ, miếng sườn…; rồi lòng lợn luộc chín cũng mỗi mô một tí tim, tí cật, tí dạ dày, tí dồi… Dao thớt băm chặt lốc cốc, lanh canh. Bọn trẻ con chạy ra chạy vào, nhìn ngó, nuốt nước bọt thèm muốn, chỉ muốn nhanh nhanh để mang phần về nhà. Sau đó, thì bốc thăm, năm nào hợp tác xã chia thịt tết cũng bốc thăm. Có năm tôi được bốc thăm thay bố mẹ đúng cái mô nhiều thịt nạc, mẹ tôi không vui cứ cằn nhằn không may mắn. Người nhà quê dạo ấy chỉ muốn được phần ít thịt nạc, về còn rán được nhiều mỡ ăn dần quanh năm.
Trong khi ở làng quê chia thịt thì cơ quan chị gái tôi cũng chia thịt cá, gạo nếp, lá dong, ngô hạt. Chị tôi làm cán bộ công đoàn xí nghiệp, ngoài công việc chuyên môn còn phải chăm lo đời sống cho cán bộ công nhân. Cứ trước tết một tháng thì chị đã về Kim Sơn - Phát Diệm liên hệ trước để đặt mua gạo nếp, và lợn. Còn lá dong và ngô hạt thì công đoàn cơ quan giao cho chồng chị làm trưởng phòng điều độ của xí nghiệp vận tải nhờ anh em tài xế mua giúp ở các cung đường Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Áp tết, tôi đến cơ quan chị chơi cũng thấy chia thịt, chia cá,… từng mô, từng mô… rồi bốc thăm. Có một thời ăn tết, ở đâu cũng thấy chia phần, bốc thăm, nhớ lại vẫn thấy vui mà thương biết bao nhiêu.
Dường như, khẩu phần tết của hợp tác xã không đủ, nên nhà nào cũng chuẩn bị thêm thực phẩm. Nhà kinh tế kha khá thì trước tết năm, sáu tháng đã thả vào chuồng một con lợn, nhà túng hơn thì rủ nhau nuôi một con, hoặc gần tết đụng một đùi. Nhà tôi, trước tết một tháng mẹ tôi đã nén một vại dưa hành, đặt mua lá dong từ Nho Quan để gói bánh chưng giữ được màu xanh ngọc. Cha tôi thì ngồi tính toán mua bao nhiêu chai rượu, làm mấy cái nem, đứa con cháu nào được về, đứa nào không.
Thường thì từ hai ba tháng Chạp trong làng đã lác đác người đi xa trở về. “Dù ai buôn bán nơi đâu/ Nhớ đến ngày Tết rủ nhau mà về.” Đến đêm cuối năm ngồi quanh nồi bánh chưng, nói chuyện, thế nào cũng nhẩm tính trong làng con nhà nào đã về, con nhà ai chưa về. Lại kể có đứa đi tầu về bị mất trộm lấy hết quà tết, xuống ga phải sắm lại. Chuyện lan man sang cô ấy cô nọ đi khai hoang Tuyên Quang từ lúc tuổi mười ba, hơn chục năm mới trở về làng ăn Tết gặp đứa trẻ con lẽ ra phải chào bằng chú thì gọi nó là cháu, gặp chị bằng tuổi lẽ ra chỉ phải gọi là em, thì lại chào bằng bác.
Nhà tôi, cứ ăn tết ông Táo là cha tôi dựng cây nêu ở cổng, chiều ba mươi tết năm nào cũng gói một nồi bánh chưng. Cha tôi đọc đôi câu đối: “Cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh/ Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ.” Câu đối đỏ thì nhà tôi không treo, nhưng năm nào cũng treo tranh tết. Cha tôi lấy mấy ống nứa cất trong tủ, mở lấy ra các bức tranh dân gian Đông Hồ như: Vinh hoa có thằng bé bụ bẫm ngồi ôm con gà trống mào đỏ au, tranh Lợn ỉ có cái xoáy âm dương sum vầy cùng đàn lợn con múp míp, tranh Đám cưới chuột có con mèo chặn đường đòi hối lộ, tranh Lý ngư vọng nguyệt có con cá chép to màu mỡ ngắm trăng... Cây nêu ở cổng để xua đuổi tà khí tà ma. Cha tôi dựng bằng cây hóp đá già cao vút, ngọn lơ thơ mấy cành lá, buộc cái khánh đất nung và dải vải hồng điều, mỗi khi gió thổi là nó lại kêu cung… cuông. Bọn trẻ con đi qua cổng nhà tôi cứ hếch mắt nhìn với con mắt đầy thán phục. Tôi hãnh diện lắm. Bọn trẻ con còn “lác mắt” nhìn vườn nhà tôi gốc cây nào cũng được quét vôi trắng xóa. “Đầu năm mua muối/ Cuối năm mua vôi”; mua vôi để ăn trầu, để quét gốc cây xua đuổi xui xẻo, rủi ro; mua muối để lấy cái sự mặn mà may mắn, mới mẻ.
Trưa ba mươi tết năm nào cha tôi cũng nhìn mâm cỗ trên mâm cỗ dưới, nhìn con cháu rồi trầm ngâm bảo: “Cả năm nghèo túng, ăn uống đạm bạc, nhưng ngày tết vẫn có miếng thịt, miếng cá, đồng bánh chưng để ăn và con cháu đầy nhà, chứ cả như cái tết năm Ất Dậu - 1945 thì cháo loãng cũng không có mà ăn. Phúc đức tổ tiên để lại được như thế này là mừng lắm rồi.” Mẹ tôi lặng lẽ, rưng rưng chỉ chực khóc. Anh cả, chị dâu tôi cũng lặng lẽ. Mâm trẻ con dường như chả có chuyện gì xảy ra, chúng gắp ào ào, và nói cười rổn rảng. Nghe cha nói, tôi chợt nhớ sáng hai ba tháng Chạp, chúng tôi đang chơi ở sân kho chợt nghe tiếng ời ời của bà Gái. Chúng tôi nghĩ có chuyện gì, chạy đến thì thấy mấy người đang tay đòn tay thừng chuẩn bị trói lợn làm thịt chia nhau ăn tết sớm. Còn bà Gái thì xúc cám nấu với dây khoai lang cho lợn ăn trước khi bán cho hàng xóm đụng thịt, bà vừa khóc, vừa gọi cha mẹ như mộng du, rồi bảo: “Giá như năm Ất Dậu, thầy u tôi có cám nấu với dây khoai lang thế này thì đã không chết đói. Thầy u tôi sẽ sống đến tết này ăn bánh chưng tôi nấu, ăn thịt lợn tôi nuôi…”. Trưa cuối năm mà buồn vui cứ lẫn lộn.
Phải đến giao thừa thì cả nhà tôi mới vui náo nức. Cha sai tôi bày đồ lễ lên cái bàn ở ngoài sân để ông cúng tiễn ông cựu quan hành khiển cai quản nhà mình bàn giao công việc cho ông tân quan hành khiển năm mới theo tín ngưỡng dân gian. Chẳng nhìn thấy ông quan hành khiển cũ mới nào mà lòng cứ thấy rạo rực, linh thiêng. Lúc ấy, mưa bụi đã bay. Sân gạch nhà tôi ướt bắt ánh đèn loang loáng. Vườn nhà cây cối cũng xôn xao đón xuân về.
S.N.M

Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)