bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN - NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO CLIP RẤT SINH ĐỘNG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN  NHÀ BÁO ĐẶNG THỦY ĐÃ ĐẶT HÀNG VÀ DÙNG BÀI VIẾT NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

Cám ơn nhà văn Nguyễn Đông Nhật!A DI ĐÀ PHẬT! AN LÀNH CHO CÁC BẠN ĐỌC TRANG NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÔNG NHẬT!CHÚC ÀNH DỒI DÀO SỨC KHỎE VÀ CẢM HỨNG SÁNG TẠO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

HOAN HÔ NHÀ THƠ ÁI NHÂN!

 

VŨ NHO 085 589 0003

THÔNG TIN THÚ VỊ!CÁM ƠN TÁC GIẢ HÀ ANH!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 121
Trong tuần: 2010
Lượt truy cập: 655430

THẰNG CAO CHÓ

Đan Thành 

THẰNG CAO CHÓ

  •    Chỗ này đã trở thành giang sơn riêng của tôi, có được nó không phải dễ dàng. Nơi đây đã từng diễn ra trận đánh quyết liệt giữa tôi với bọn thằng Cao Chó, thực ra nó tên là Cao nhưng mồm nó luôn vẩu ra, lại có hai cái nanh hàm trên rất nhọn nên mới có biệt danh như vậy. Tôi đến đây ngay từ khi mới có chiếc ô tô đầu tiên mang rác thải thành phố tới đổ. Sẵn có kinh nghiệm và đầu óc của một nhà chiến lược bẩm sinh, tôi nhận định: “Chỗ này là bãi đất rộng sát ven đô, nhất thiết nó sẽ trở thành bãi rác lớn”. Từ nhận định như  vậy, tôi bắt tay ngay vào việc xây dựng cho mình một đại bản doanh, để chậm vài ngày, anh hùng hào kiệt trong giới lang thang kéo đến thì đừng hòng còn chỗ mà đặt chân. Hai chiếc vải mưa cũ được căng lên ngay góc mảng tường gạch đổ dở đến lưng chừng. Có người bảo mảng tường này là dấu tích còn lại của khu chuồng bò tập thể từ thời hợp tác xã nông nghiệp còn thịnh vượng. Phía sau có cả một vườn chuối lớn che chắn, xét về địa thế thì đây quả là “thánh địa”, tuy chẳng phải chốn long chầu hổ phục nhưng tiến có thể đi lung tung, thoái có thể yên trí mà ngủ mấy ngày cũng được. Sát vào dãy phố kia là nơi thu mua phế liệu, ở đấy người ta mua đủ mọi thứ từ tờ báo rách đến mảnh nylon bẩn hoặc thanh sắt gỉ hay cái vỏ đồ hộ cũ vân vân và vân vân, nói tóm lại là tất cả đồ tạp nham trên thế gian này. Chính vì cái vị trí bờ xôi ruộng mật ấy mà thằng Cao Chó mớí đem quân xâm lược. Đương nhiên chúng đã bị đánh tơi tả và tôi cũng thâm tím khắp người, còn đau ê ẩm đến mấy ngày nhưng cuối cùng tôi vẫn bảo vệ được mảnh đất thân yêu của mình. Biết tôi không phải là đứa dễ bắt nạt, bọn thằng Cao Chó lui binh về đóng ở cuối bãi đằng kia lập trại làm ăn. Chắc chúng nó đợi dịp trả thù nhưng tôi cũng cóc có sợ.
  •    Xe đến đổ rác ngày càng nhiều. Rác vươn cao như núi, đó chính là cái mỏ của cải để bọn lang thang chúng tôi tha hồ khai thác. Chẳng bao lâu tôi đã thu gom được vô khối thứ nên tiền bạc khá rủng rỉnh. Cứ đà tăng trưởng kinh tế này chẳng mấy mà tôi có được một gia tài giầu xụ. Tôi bó những mảnh túi nylon cũ thành từng bó, xếp quanh nơi ở, cao gần ngập đầu, làm tường chắn, những thứ sắt vụn, đồng nát thì để thu trong góc tường, mỗi tuần dỡ cả ra đem bán một lần. Ngày nào tôi cũng được ăn cơm no ở quán bụi nhà chị tư Bệt gần chỗ thu mua phế liệu, nên béo ra nhiều, nếu thích có thể mua vài cái kẹo cao su nhai nhấm nhách cho oách. Bọn thằng Cao Chó cũng không thấy giở trò gì, hẳn là các cu cậu ngại sự va chạm với tôi, hoặc giả chúng còn đang trong thời kỳ xây dựng lại lực lượng, chờ dịp đến tấn công tôi một lần nữa. Kệ chúng! Tôi đã thực sự trở thành quốc vương của cái vương quốc Góc Chuồng Bò cũ hùng cường này, sống nghênh ngang suốt cả mùa hè một cách phong lưu và yên ổn. Việc ấy khiến tôi có đôi phần đắc ý. Nhưng những con ve sầu trên cành phượng vĩ đã thôi không kêu nữa, nắng chuyển màu vàng hanh và gió bắt đầu se lạnh. Vô số những chiếc lá rời cành sà xuống mặt đường.
  •    Lâu lắm tôi mới cho phép mình ngủ trưa một giấc dài đến thế, khi trở dậy mặt trời đã nghiêng dần về phía tây nam. Ơ! Cái gì thế này? Tôi nhận ra một thằng bé rách rưới gầy như con gọng vó đang co ro nằm ngủ trứơc cửa “nhà” tôi. Phải chăng nó là quân của thằng Cao Chó đến thám thính? Bản năng cảnh giác như những con vật hoang của giới lang thang đã giúp tôi đặt câu hỏi như vậy. Nhưng chẳng lẽ một tên lính trinh sát mà lại ngủ bò ra ở cửa trại đối phương thế này ư? Tôi đá chân vào mông thằng bé, lên giọng hỏi:
  •    - Ê! Thằng này ở đâu đến đây?11
  •    Thằng bé ngồi nhỏm dậy, quáng quàng kêu:
  •    - ối ối! Tha cho em, tha cho em.
  •    - Không tha được. Mày là quân của thằng Cao Chó phải không?
  •    Thằng bé mếu máo, rối rít thanh minh:
  •    - Không không! Em không biết ai là Cao Chó. Em mới ở ngoài kia vào. Anh cho em ở chung với. Em đói lắm.
  •    - Đói à!? Mày tưởng tao sẵn cái ăn lắm á, lại còn đòi ở chung nữa. Không chung chạ gì hết. Tao ở một mình cũng được lắm rồi. Biến!
  •    Sau tiếng quát dứt khoát đầy uy lực của tôi, thằng bé biết có nài nỉ nữa cũng không được, nó rơm rớm nước mắt, quay gót bước đi, thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn tôi, cái nhìn vừa van lơn vừa hờn trách. Cũng có thể lúc ấy tôi đã động lòng trắc ẩn nhưng đúng hơn có một ý nghĩ loé lên trong cái đâù ngang tàng đầy kiêu hãnh và tự phụ của tôi: “Thôi thì cứ cho nó ở đây, mình giầu thế này, có đứa giúp việc cũng tốt”:
  •    - Ê! Quay lại đây tao bảo.
  •    Nghe tôi gọi, thằng bé vội quay lại, mắt nó sáng lên, tràn trề hy vọng. Tôi lên giọng kẻ cả bảo:
  •    - Tao trông mày có vẻ ngoan, cũng thương nhưng đúng mày không phải là quân của thằng Cao Chó chứ?
  •    Thằng bé vui ra mặt, nói liến láu:
  •    - Em thề! Em không biết Cao Chó thật mà. Nếu em nói dối, anh cứ đánh chết.
  •    - Thôi được! Tao tin, tên mày là gì.
  •    Thằng bé gãi gãi cái đầu bù xù, ấp úng:
  •    - Em tên! Em tên là… là là…là Tý ạ.
  •    - Tên mày nghe cũng hay đấy nhưng bọn thằng Cao Chó cũng có một đứa tên là Tý, nó đen mà béo nên gọi là Tý Đen, mày gầy lại trắng phải gọi là Tý Lõi Ngô mới phân biệt được.
  •    Thằng bé phấn khởi hẳn lên, hỏi:
  •    - Thế tên anh?
  •    Bị câu hỏi quá bất ngờ, tôi lúng túng không biết trả lời thế nào, đâm phát cáu:
  •    - Tên tên cái con mẹ gì? Tao không biết. Tao không cần có tên bao giờ cả.
  •    - Thế làm sao mà em gọi anh được.
  •    - Đã bảo rồi, không tên là không tên. Mày cứ gọi tao là Chủ, anh Chủ. Tao là chủ của mày, rõ chửa? Muốn khỏi đói, theo tao đi làm.
  •    Tý Lõi Ngô không dám nói gì thêm, cầm cái bao, lún cún chạy theo tôi ra b•i rác. Tôi hướng dẫn cho nó nhặt và phân loại các đồ phế thải rồi xếp thứ tự vào bao. Lúc mặt trời gần lặn thì cái bao đã đầy cứng. Tôi buộc túm miệng bao, bảo:
  •    - Tý Lõi Ngô, cúi xuống, tao đặt bao lên lưng cho mà cõng về.
  •    Thằng bé không dám cãi, khom người cõng bao phế liệu to bằng hai cơ thể nó. Trông xa cứ như cái bao tự biết đi vậy. Tôi đi sau lấy kẹo cao su ra nhai, hết sức thích thú vì đã có một kẻ giúp việc thật đắc dụng, chẳng kém gì các vị đại gia trong phim Hàn quốc. Vừa về đến “nhà”, Tý Lõi Ngô đã khuỵu chân xuống, ngã lăn ra. Sức nặng của bao phế liệu hút cạn sức lực nó. Những việc làm quá sức như vậy đối với bọn trẻ lang thang là quá bình thường, tôi chứng kiến đã quen và chính bản thân tôi cũng nhiều lần như vậy. Vì thế trong lòng tôi không hề gợn lên một chút tình thương nào đối với thằng bé khốn nạn kia. Tôi bảo nó:
  •    - Rõ là đồ bị thịt, cõng có cái bao ranh ấy mà cũng không nổi. Có hôm tao còn vác hai bao cơ.
  •    - Nhưng mà em đói quá. Anh ăn cái gì đấy, cho em ăn với.
  •    - Không được! Chưa làm đã đòi ăn. Mày làm chủ chắc? Đi ăn cơm.
  •    Tý Lõi Ngô theo tôi đến quán cơm bụi. Trên đường đi, tôi chỉ cho nó nơi đóng quân của bọn thằng Cao Chó và dặn không được lai vãng đến chỗ ấy. Tý Lõi Ngô ngoan ngo•n vâng theo. Bữa chiều ít người ăn cơm bụi nên quán của chị tư Bệt vắng khách. Chiếc màn ảnh ty vi khá to đang chiếu phim Hàn quốc. Tôi chọn ngồi vào một bàn sạch nhất. Tý Lõi Ngô cũng ngồi vào ghế đối diện. Tôi trừng mắt nhìn nó, quát nhẹ nhưng nghiêm giọng:
  •    - Mày cũng đòi ngồi đây à? Tao là chủ, mày là người giúp việc. Trông màn hình kia, người giúp việc có dám ngồi ăn với chủ không? Ngồi ra kia.
  •    Theo tay tôi chỉ, Tý Lõi Ngô lùi lũi ngồi vào chiếc bàn nhỏ và thấp hơn. Chị tư Bệt mang cho tôi một tô cơm đầy, một đĩa thịt kho với đậu phụ và bát canh rau cải. Tôi bảo chị cho Tý Lõi Ngô nửa suất cơm và canh, không có thịt kho, nó ngoan ngoãn ngồi ăn, chốc chốc lại đưa cặp mắt sợ sệt nhìn tôi. Cái cảm giác trở thành ông chủ, trở thành đại gia làm cho tôi khoai khoái. Tý Lõi Ngô đã ăn hết cơm canh, ngồi liếm mép có vẻ vẫn còn thèm. Tôi ăn vừa no, cơm canh đậu thịt vẫn còn thừa một ít. Giá như trước đây tôi đã ăn cố cho hết nhưng bây giờ là ông chủ, ai lại không giữ sĩ diện. Tôi buông đũa bát, bảo Tý Lõi Ngô:
  •    - Thức ăn còn đấy, mày bỏ sang mà ăn.
  •    Cu Tý sướng quá, ăn hết chỗ đồ thừa với một vẻ hả hê tràn đầy trên nét mặt. Cơm nước xong, cu Tý theo tôi đi chơi loanh quanh đến chín giờ lại quay về quán chị tư Bệt xem nhờ ti vi chiếu phim Tam Quốc Diễn Nghĩa, mười giờ mới về đại doanh. Có lẽ Tý Lõi Ngô đã quá mệt, nó lăn vào góc trong của cái ổ định ngủ. Tôi quát:
  •    - Ra ngoài! Lúc nãy xem phim mày không thấy Điển Vi đứng canh cho chủ là Tào Tháo ngủ ư? Mày phải nằm canh ở chỗ cửa ra vào này, rõ chửa?
  •    Cu Tý bò ra nằm chặn ngang lối cửa ra vào.
  • *
  •    Cuộc sống của chúng tôi cứ thế trôi đi đến gần hai tháng không có sự cố gì. Tý Lõi Ngô yên phận nhẫn nhục làm kẻ tôi tớ để được tôi ban cho những thứ ăn thừa. Phải công nhận là nó chịu khó, từ ngày có nó, thu nhập của tôi tăng lên đến gần ba lần. Ngược lại, Tý Lõi Ngô được ăn uống điều độ và đầy đủ nên béo hẳn ra và cao lên rõ rệt. Nó cũng không hề trách cứ gì tôi trong việc cư xử bất công bằng với nó. Nếu không có cái sự kiện xảy ra vào buổi trưa hôm ấy có khi tôi vẫn làm ông chủ của nó đến bây giờ.
  •    Đó là buổi trưa cuối thu, bắt đầu có những đợt gió mùa đông bấc tràn về. Tôi và Tý Lõi Ngô đang ngon giấc trong cái dinh thự Góc Chuồng Bò cũ của mình, bỗng có tiếng quát:
  •    - Hai thằng ôn này! Tiền đâu?
  •    Tôi mở choàng mắt, trước mặt chúng tôi là ba gã thanh niên. Hai gã gày ngẳng, nước da xanh tai tái, còn gã kia thấp lùn, chỉ cao ngang với tôi, môi dày mà xám xịt. Một gã cao ngẳng hất hàm hỏi tiếp:
  •    - Tiền đâu! Đưa đây.
  •    Tôi đứng phắt dậy, cự lại:
  •    - Tiền nào! Làm gì có.
  •    Gã thanh niên nhếch mép, một cái cười thâm ác của những kẻ lưu manh hiện trên môi, nói:
  •    - Chúng mày nhặt được nhiều thứ thế này, tao để ý tuần nào bọn mày cũng bán mấy lần, tiền để đâu?- Gã vứt toạch cái túi nylon, bên trong có vài gói giấy tráng thiếc nhỏ, tiếp - Đấy! Chúng tao cũng chẳng lấy không của bọn mày, cầm lấy cái này mà xài.
  •    Tý Lõi Ngô thét lớn:
  •    - Đừng! Anh Chủ ơi, ma tuý đấy.
  •    Một gã túm lấy cu Tý kéo mạnh ra, quát:
  •    - Thằng ranh con này, biết cái gì mà nói, ông táng cho bỏ mẹ bây giờ.
  •    Cu Tý vẫn giãy giụa kêu:
  •    - Đừng nghe chúng nó, ma tuý đấy.
  •    Gã kia đá cu Tý một cái thật mạnh khiến thằng bé ngã lăn trên nền đất. Mặt tôi nóng bừng lên, máu như sôi trong huyết quản, tôi quát lớn:
  •    - Tao là chủ của nó, chúng mày nói chuyện với tao đây, không được đánh trẻ con.
  •    Nói xong, tôi rút thanh gỗ vốn là vũ khí trước đây đã đánh bại bọn thằng Cao Chó, nhằm thẳng đầu gã cao gầy giáng xuống. Gã này né người tránh nên thanh gỗ phang trúng vai trái làm gã đổ nghiêng xuống. Tiện tay, tôi phang ngang một nhát vào lưng gã cao gầy khác, đến hự một tiếng. Trong khi đó Tý Lõi Ngô vớ đá củ đậu ném túi bụi vào gã thấp lùn nhưng gã này tránh được hết và đang sấn tới. Tôi thét:
  •    - Tý lui ra để cho tao.
  •    Nói rồi, tôi giơ thanh gỗ lên, lấy hết sức giáng xuống nhưng gã ta nhanh hơn, nó xông đến húc một nhát chí tử vào bụng tôi, khiến tôi ngã bật ngửa, thanh gỗ văng đi một quãng xa. Hai gã cao gầy cũng đã dậy được. Ba kẻ côn đồ cùng xúm vào đấm đá cho tới khi tôi không còn biết gì nữa.
  •    Tôi lờ mờ thấy có cái gì lành lạnh ở trên trán và nhận ra có tiêng khóc thút thít. Thì ra là cu Tý Lõi Ngô, nó đang nhai một thứ lá gì đó đắp vào những chỗ chảy máu trên đầu tôi, miệng mếu máo:
  •    - Anh Chủ ơi! Đừng chết, anh Chủ ơi.
  •    Nó nói những lời ấy một cách chân thành và ngây ngô, làm tôi bật buồn cười nhưng đau quá không thể cười được. Tôi mở mắt, bảo:
  •    - Chết làm sao được. Chúng nó đâu hết rồi?
  •    Tý Lõi Ngô mừng ra mặt, reo lên:
  •    - A! Anh Chủ tỉnh rồi.
  •    Tôi hỏi lại:
  •    - Bọn chúng nó đâu?
  •    - Chúng nó phá tung nhà anh em mình để tìm tiền, không thấy có gì, bỏ đi rồi.
  •    Ra là thế. Trước nay tôi không để tiền trong nhà mà gói vào túi nylon, chôn ở dưới khóm chuối. Sự cảnh giác ấy đã giúp tôi không bị trắng tay. Tôi cố gượng lên nhìn, cái ổ che mảnh vải mưa, chốn dinh thự tôi dày công tác tạo lâu nay đã bị hất tung tất cả. Vương quốc của tôi bị quân giặc mạnh tàn phá tiêu điều. Tôi là vị hoàng đế bại trận, lại thọ thương, bên mình chỉ còn một tên nô bộc trung thành. Điều tôi lo lắng nhất: Nếu thằng Cao Chó biết được chuyện này, kéo đến trả thù thì coi như như vương quốc của tôi tiêu ma, không bao giờ còn có thể chấn hưng được nữa.
  •    Mặc dù Tý Lõi Ngô đã cố sức nhai rất nhiều thứ lá rịt vào các vết thương cho tôi nhưng những chỗ đau vẫn sưng lên, đêm ấy tôi sốt. Tý Lõi Ngô bảo:
  •    - Người anh nóng quá, phải đi viện thôi. Để em sang nhờ bọn anh Cao Chó khiêng anh đi.
  •    Tôi nhăn mặt, bảo:
  •    - Không được. Bọn Cao Chó sang bây giờ thì nó giết tao.
  •    - Anh đừng lo! Em sang chơi bên ấy rồi. Anh Cao Chó cũng không phải là người xấu đâu.
  •    - Thôi chết rồi! Mày phản tao rồi. Đúng mày là người của thằng Cao Chó. Tao phải đánh chết mày.
  •    Tôi nhỏm hẳn dậy. Có lẽ lúc ấy mắt tôi long lên làm Tý Lõi Ngô sợ, nó bỏ chạy về phía doanh trại bọn Cao Chó. Từ trước tới nay tôi đối với Tý Lõi Ngô cũng không có gì gọi là tốt, bây giờ nó theo Cao Chó, thế nào bọn chúng cũng hại tôi. Tôi rùng mình nghĩ đến trận đòn thù, như vậy chắc không thể nào sống được nữa. Với tất cả nỗ lực của kẻ trốn chạy, tôi cố nhoài người về phía vườn chuối nhưng đầu óc choáng váng, thân thể ê ẩm không sao nhích đi nổi, đành nằm chờ cái giây phút chung cục tàn khốc sắp đến. Tôi hối hận vì đã nuôi cu Tý, nuôi ong tay áo, nuôi một thằng phản trắc. Lúc sau có tiếng trẻ nhỏ xôn xao rồi sáu bảy đứa kéo tới. Đêm không trăng, đèn điện từ phố xa chỉ hắt tới một thứ ánh sáng mờ mờ nhưng cũng đủ để tôi nhận ra trong những cái bóng đen đen kia có thằng Cao Chó và Tý Lõi Ngô. Tý Lõi Ngô, tên phản bội, nếu tao không chết thế nào cũng lột da mày - Tôi nghĩ như  vậy.
  •    - Đâu! Nó ở đâu?- Giọng Cao chó hỏi.
  •    - Lúc nãy anh ấy nằm ở đây - Tiếng Tý Lõi Ngô trả lời.
  •    - Chúng mày tản ra tìm nhanh lên. - Cao Chó thúc bọn thủ hạ đi tìm.
  •    Một đứa vấp phải tôi, nó reo lên:
  •    - Đây rồi! Đây rồi.
  •    Cao Chó nói lớn:
  •    - Để nó đấy cho tao.
  •    Thôi! Thế là hết. Tôi đang chết dở thế này mà nó đá cho mấy nhát nữa, chắc là toi thôi. Cao Chó tiến đến gần, cúi xuống, xắn tay aó. Tôi nhắm mắt chờ một quả đấm giáng xuống mặt nhưng bàn tay Cao Chó lại đặt nhẹ lên trán tôi, nó kêu lên:
  •    - Nóng quá, phải đến sáu nhăm độ. Đi viện thôi.
  •    - Viện ở đâu? Xa quá.
  •    - Đây! Ngay đầu phố kia có một cái viện be bé, tao thấy trẻ con vẫn đến tiêm.
  •    - Đấy là trạm xá phường, làm sao mà chữa được sốt sáu nhăm độ.
  •    - Trạm xá phường cũng có bác sĩ, chín mươi độ người ta còn chữa được, sáu nhăm ăn thua gì.
  •    Cao Chó quát:
  •    - Thôi! Chúng mày đừng cãi nhau nữa, đưa cái chăn đây.
  •    Nó rải cái chăn chiên xuống đất, nhẹ nhàng đỡ cho tôi nằm ngay ngắn vào giữa rồi chọn bốn đứa lớn, bảo:
  •    - Mỗi đứa một góc, khiêng nó đi, cao tay lên, không được để quệt xuống đất.
  •    Tý Lõi Ngô chạy theo Cao Chó, lo lắng hỏi:
  •    - Liệu trạm xá có chữa được sốt sáu nhăm độ không anh?
  •                                                                    
  •                                                                 *
  •     Cô bác sĩ rút cái nhiệt kế trong nách tôi, hướng về phía ánh đèn, bảo:
  •    - Sốt cao đấy, ba mươi chín độ năm.
  •    Tý Lõi Ngô bảo:
  •    - ứ! Thế mà anh Cao bảo những sáu mươi nhăm độ.
  •    - Ba mươi chín độ năm lại chả cao hơn sáu nhăm độ à?- Một đứa trong bọn cãi.
  •    Chị y tá cười bảo:
  •    - Sáu nhăm độ ra nồi hấp à, các ông tướng. Nhưng mà làm sao đánh nhau đến nỗi này?
  •    Tý Lõi Ngô láu táu, nói:
  •    - Chúng em bị bọn nghiện trấn lột, vì không đưa tiền nên chúng nó đánh.
  •    Cô bác sĩ lắc đầu bảo:
  •    - Thanh niên hư nhiêù quá, không chịu học hành, nghiện ngập, trấn lột, đánh nhau đủ chuyện mà lại là con nhà tử tế cơ chứ.
  •    Chị y tá bảo:
  •    - Phải báo cáo với phường, tóm chúng nó đi cai chị ạ.
  •    Cô bác sĩ không nói gì, chăm chú sát trùng các vết thương cho tôi. Chị y tá cho tôi uống những viên thuốc to, bé, trắng, vàng. Sáng hôm sau tôi hết sốt, đến chiều  không sốt trở lại, các vết thương cũng khô miệng. Tôi trở dậy xin với cô bác sĩ cho về:
  •    - Cô cho cháu về lấy tiền trả tiền thuốc cho cô ạ.
  •    Cao Chó bảo:
  •    - Cháu có tiền đây.
  •    Nói xong, nó rút trong túi ra một nắm tiền rất to, toàn những tờ hai trăm và năm trăm nhàu nát, để ngay ngắn lên bàn. Cô bác sĩ cầm nắm tiền đưa lại cho Cao Chó, bảo:
  •    - Các cháu đưa bạn về cũng được, còn tiền thì cầm lấy. Cô cho thêm lọ thuốc bột này, hàng ngày rửa sạch vết thương rồi rắc vào, chỉ vài hôm là khỏi.
  •    Trên đường về, tôi cắm cúi bước đi, rất lạ lùng về hành vi của thằng Cao Chó. Vì sao nó không trả thù mà giúp đỡ tôi? Tôi cũng không để ý Tý Lõi Ngô vẫn cầm tay tôi trên suốt đường đi. Dinh thự của tôi đây, vương quốc của tôi đây, tan nát hết cả. Tý Lõi Ngô lắc mạnh tay tôi, bảo:
  •    - Hay chúng mình sang ở chung với anh Cao Chó.
  •    Cao Chó bảo:
  •    - Cu Tý nó nói đúng đấy, hai đứa mày sang ở cùng bọn tao cho vui. Chúng mình càng đông, bọn nghiện càng khó bắt nạt.
  •    Thực tình tôi cũng muốn nghe theo lời Tý Lõi Ngô nhưng nghĩ đến những hành vi của mình trước kia thì không mặt mũi nào dám làm như vậy, ngượng ngịu quay hỏi Cao Chó:
  •    - Thế sao lần trước chúng mày lại sang xâm lược địa bàn của tao.
  •    Cao Chó cười hề hề, dễ dãi, nói:
  •    - Xâm lược cái con mẹ gì. Bọn tao định sang rủ mày làm ăn chung, chưa kịp nói câu gì đã bị mày cầm gậy đuổi đánh, mới xảy ra chuyện thế chứ.
  •    Hoá ra là như vậy. Nghe Cao Cho nói mà tôi phát xấu hổ. Tôi dẫn cả bọn ra gốc chuối, đào lên một bọc tiền, đưa cho Cao Chó, bảo:
  •    - Tao đồng ý ở cùng bọn mày, đây là vốn góp chung làm quỹ.
  •    - Mày cứ giữ lấy, sau này lập quỹ hẵng hay.
  •    Ngay tối hôm sau, Cao Chó đưa cho tôi và Tý Lõi Ngô mỗi đứa một quyển vở, nó rủ chúng tôi cùng đến lớp học Tình Thương.                                                         
  •                                                    Viết ngay bên bãi rác
  •                                                  21 Tháng 10 năm 2004
  •                                                                                                                                                                         ĐT
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)