ĐỌC THẤY TIẾNG LÒNG TRONG “LẠC NGÕ TƯƠNG TƯ” Của Trần Ngọc Anh
Lê Đức Nghinh
Được biết tác giả Trần Ngọc Anh đã năm năm nay qua trang mạng xã hội facebook.
Nhưng mãi đến tháng 12/2019 anh em mới có dịp gặp nhau lần đầu ngoài đời thường.
Cuối tháng 5/2020 lại được gặp nhau ngay trên quê hương anh tại làng Cổ Chất, Trực Ninh Nam Định trong buổi ra mắt tập thơ “ THIỆN CĂN Ở TẠI LÒNG TA” của lão thi nhân Lê Như Khuê là hội viên CLB thơ SÔNG NINH hiện anh đang là chủ nhiệm.
Thấy anh là người sôi nổi, nhiệt huyết với phong trào thi ca, giản dị mà gần gũi.
Được đọc những tác phẩm của anh trên báo, tạp chí và qua những trang viết.
Gần đây anh gửi cho tôi bản thảo tập “ LẠC NGÕ TƯƠNG TƯ” trong đó gồm năm mươi chín bài thơ và ba mươi ba truyện mili, tạp văn.
Thơ anh sáng tác nhiều thể loại như ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn, lục bát... viết về những chủ đề quê hương, đất nước, người thân, bạn bè và cả những đêm tương tư lạc ngõ như tác phẩm anh đã bộc bạch kia nữa.
Phải nói nhà thơ Trần Ngọc anh rất đa cảm. Thơ nuôi dưỡng thành cảm xúc như mạch suối nguồn luôn chảy mãi trong anh cựu binh, đồng đội hào hoa mà tôi yêu mến và rồi yêu cả thơ anh lúc nào ko biết nữa.
Hình ảnh trong thơ Trần Ngọc Anh đã có bóng dáng của ngôn ngữ nghệ thuật. Đọc tác phẩm cũng biết thêm tính cách tác giả, biết được cảm xúc và bút lực của anh còn dồi dào lắm.
Từ những hạt nắng vàng bên sông quê cũng tạo lên thi hứng cho ý thơ thăng hoa làm lên mùa màng bội thu của riêng mình:
Trong bài GẶT NẮNG BÊN SÔNG: Tác giả viết.
“Tôi đi gom xác chữ/ Nhặt mảnh vỡ vui buồn/ Từ bao mùa thơ trước/ Vun luống cày rạ rơm....”
Là người lính trở về sau chiến tranh, những lá thư thời chiến vẫn còn sống mãi cùng thời gian, mang theo những dấu ấn của lịch sử dân tộc. Thơ anh viết như những dòng tự sự làm sống lại một thời oanh liệt.
Trong bài AI CÒN NHỚ anh viết:
“ Ai còn nhớ những lá thư của lính/ Vượt cả ngàn cây số dưới bom rơi/ Đến tay mẹ thì con không còn nữa/ Anh quân bưu cũng hoá khói hương rồi...”.
Những câu thơ giản dị ấy thật cảm động dánh thức và làm sống lại kỷ niệm đau thương của một thời đã xa.
Phải là người trong cuộc mới cảm nhận, thấm thía khi đọc những bài thơ anh viết về người lính:
“ Nghẹn ngào nước mắt và hoa/ Thầm thì bên mộ người xa có về... / hay: Máu xương về đất mẹ hiền/ Bồi lên sông núi khí thiêng muôn đời” bài NÉN HƯƠNG THÀNH KÍNH.
Hay bài LỄ VỌNG không ai sống trong thời kỳ chiến tranh bom rơi đạn lạc, giữa những mất mát hi sinh, những khát khao chờ đợi âm thầm của những quả phụ mất chồng, mất con như tạc vào nỗi đau của một thời:
“ Tôi đã thấy những mùa đông giá lạnh
Gió chinh phu hun hút “bến không chồng”
Giấy báo tử buốt tim mùa lễ vọng
Noel về trong lệ đẫm vành khăn...”.
Vâng chính những sự hy sinh mất mát đau thương ấy. Cho chúng ta hôm nay những người cùng thời còn sống có trách nhiệm giáo dục cho thế hệ con cháu biết ơn những người đã ngã xuống. Để mỗi người thấu hiểu có biết bao đau thương hiện hữu khi chứng kiến những nghĩa trang trùng trùng mộ chí, những liệt sỹ vô danh, ở Khe Sanh, Đường 9, Trường Sơn, những nấm mồ chung ở thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Vị Xuyên Hà Giang, Đảo Gac Ma, Hoàng Sa... là cái giá phải trả cho giá trị cuộc sống trong hoà bình hôm nay...
Trần Ngọc Anh cũng phải là người tâm huyết, yêu quê hương nhiều lắm, nên trong thơ anh cũng đắm đuối với lễ hội, lịch sử của làng trong bài XỨ CỔ NAM CHÂN viết về làng Cổ Chất đã đủ nói lên tâm tình của anh:
...” Thánh đường trống vọng lời thiên chúa
Đền miếu chuông vang tiếng đức thần
Mỗi độ xuân về làng mở hội
Lòng thành cung kính bậc tiền nhân”.
Là người con luôn biết giữ trọn đạo hiếu với với cha, mẹ. Người đã có công nuôi dưỡng thể xác, dưỡng dục tinh thần. Không quên công đức ơn dày ấy. Vào tiết vu lan anh viết trong bài MÙA HIẾU HẠNH:
“ ... Gió khẽ nghiêng mình ru giấc hoa
Cánh hồng còn thắm giữa phong ba
Gài bên ngực trái dâng tình mẹ
Nguyệt quế kết vòng đội nghĩa cha.
Mỗi mùa thu tới tiết vu lan
Kim cổ chuông ngân lệ ứa tràn
Tứ thời bát tiết tình sâu đậm
Mùa nào con nguyện cũng vu lan”
Dẫu khó khăn vất vả giữa phong ba đời thương. “Mùa nào con nguyện cũng vu lan”. Đã thay lời chứng cho tấm lòng hiếu hạnh của anh.
Tôi tò mò khám phá thơ hay nàng thơ, không biết từ lúc nào đã hớp hồn thi nhân để cho anh nhầm ngõ, lạc ngõ tương tư mà mộng du hư hư, thực thực trên cánh đồng chữ nghĩa này, làm anh say đến bối rối chênh chao:
Bài BỐI RỐI
“ Gửi hồn về phía chênh chao
Bàn chân bối rối vấp vào bóng em”.
Đúng là bệnh tương tư tái phát nặng rồi nên vừa bối rối một chút đã vấp ngã vào bóng em thì tài tình thật.
Có những lúc thả hồn trong tĩnh lặng cảm thấy cô đơn anh tự bạch:
“ Chưa hẹn hoàng hôn đã cạn ngày...../
Ai ngồi bấm đốt đợi ai đây”.
Ngồi trong lúc cô quạnh bấm đốt ngón tay chờ đợi đứng, ngồi ko yên thì không mộng du có là lạ. Bài VÔ ĐỀ.
Trong QUÁN CÀ PHÊ VẮNG ngồi đếm từng giọt từng giọt trong lúc mưa còn lo cho người ta mà thổn thức:
“ Ngoài kia gió lạnh, đường Trơn
Mưa về từ phía nguồn cơn... mưa về”
Cứ vu vơ thương thầm, nhớ vụng thế thôi để thổi hồn vào thơ như chàng lãng tử si mê.
Ngay trong mùa covid khẩu trang che kín mặt nhận ra nhau qua chân mày, ánh mắt không dám chắc, chắc cố tình quệt vào tà áo em rồi cũng thương người ta như những giọt nắng yếu ớt của tháng ba. Đa sầu, đa cảm như thế về nhà tương tư là đúng thôi:
“Thương thầm giọt nắng tháng ba/ Ngẩn ngơ đi vội qua tà áo em/ Mày ngài, mắt phượng quen quen/ Mà ko dám chắc là em... hay là.”. Bài KHẨU TRANG.
Mượn cánh hoa lê cuối mùa nói hộ tâm trạng với người trong thơ thấy Trần Ngọc Anh ngón có nghề tương tư cũng hay lắm chứ
“ Mưa buồn như lệ đầy sân
Gió xanh khắc khoải đêm gần ngày xa
........... Gió cào rách cả triền đê
Ai ngồi thương cánh hoa lê cuối mùa”. Trong THƯƠNG CÁNH HOA LÊ
Và nữa: “Gió chiều chải lệch đường ngôi
Màu chiều nhuốm tím hồn tôi, hồn nàng”. Bài: THÁNG TƯ
Những dấu ấn trong thơ anh đã rõ, căn bệnh tương tư của anh cũng không cần phải chữa trị cứ để cho hồn mình lãng du cùng các nàng cho thi vị của thi ca cất cánh.
Tuy nhiên Trần Ngọc Anh đôi lúc còn dễ dãi trong câu chữ, chưa dụng công cắt gọt tỷ mỉ cho tác phẩm và cần phải liên tục làm mới mình trong thơ. Vì “nghề chơi cũng lắm công phu”. Trong cánh đồng ngôn ngữ thi nhân như người phu chữ biết biến ảo làm cho ngôn ngữ trở nên mới mẻ, sinh động hơn. Càng kỳ công bao nhiêu thơ càng dễ cất cánh bay cao hơn, xa hơn.
Nghe tiếng lòng trong khi anh LẠC NGÕ TƯƠNG TƯ còn nhiều điều chưa được khám phá trong thơ, trong tạp văn và những my ni Truyện của anh. Xin được dành cho bạn bè, bạn đọc của anh cùng phát hiện.
Mong rằng những tác phẩm của tác giả Trần Ngọc Anh sớm được ra mắt và chinh phục được bạn đọc.