bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

Xin chân thành cảm ơn ban biên tập CLB Văn chương đã đăng bải chia sẻ thông tin về hành trinh tìm dấu tích phàn mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương như mò kim đáy biển

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TAC NHIỆT TÌNH CỦA NHÀ THƠ LÊ ANH PHONG!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 

nghiêm thị hằng 0948360597

rất cảm ơn PGS-TS Vũ Nho về những ý kiến khách quan

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC!CHÚC BÁC VUI KHỎE!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 18
Trong ngày: 185
Trong tuần: 816
Lượt truy cập: 747325

TRẦN TRỌNG GIÁ BÌNH THƠ QUỐC TOẢN

anh_anh_gia

NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

TRỜI RƯNG RƯNG GIÓ CHIỀU NAY…

Quốc Toản

Lâu rồi chú chẳng về quê

Cháu lên thăm, gặp bốn bề mưa rơi

Xa quê mấy chục năm rồi

Cái nghèo cái khó lần hồi bước đi

Lặng nghe lời chú thầm thì

Một đêm đất lở thím về bồng lai

Cả đời quen với sắn khoai

Chén rượu nhạt với đêm dài đợi trông

Bây giờ vợ mất con đông

Chú ngồi bậu cửa sợ cơn giông chiều

Nếp nhà ngả bóng cô liêu

Mà nghe gió nổi bao điều dại khôn

Rừng vẫn in những dấu chân

Đôi tay níu bám góc sân mảnh vườn

Xót xa chiếc áo lính sờn

Dăm ba mụn vá vẫn còn theo đi

Lặng nghe cháu biết nói gì

Nén hương ửng đỏ rầm rì khói bay

 

Tình quê gửi tới đất này

Trời rưng rưng gió chiều nay... thím về.

 

Q.T

LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ TRẦN TRỌNG GIÁ

Trong một chuyến công tác của Tổ chức Trái tim Người lính Việt Nam lên Hà Giang, tôi được nghe Nhà thơ Quốc Toản đọc bài thơ Trời rưng rưng gió chiều nay, với giọng đọc ấm áp và truyền cảm. Đó là một bài thơ hay và xúc động viết về ông chú - một người lính đến với núi rừng trở thành “thổ dân” ở đó và “Lâu rồi chú chẳng về quê…” .  Tôi thật thà hỏi Quốc Toản, anh có ông chú ở vùng cao này sao. Anh cười, Nhà thơ Trần Trọng Giá không phải là người đầu tiên hỏi tôi như vậy đâu, có mấy người hỏi thế rồi. Có ông bạn còn gọi điện “mắng” tôi sao lại để cho ông chú khổ như thế mà còn làm thơ. Thật ra, tôi xem trên ti vi, thấy cảnh một người lính già mặc chiếc áo lính bạc sờn, ngồi bậu cửa, gia cảnh tan hoang vì sạt lở đất, mưa rơi dầm dề, vợ mất, con đông… Tôi xem mà rưng rưng nước mắt. Thế là viết. Bài thơ ra đời như vậy đấy…

Thì ra bài thơ Trời rưng rưng gió chiều nay là sự rung cảm từ trái tim, từ lòng trắc ẩn của nhà thơ Quốc Toản, qua sự thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau quá lớn, đầy cảm thông với đồng loại anh đã viết bài thơ này. Có thể nói, thơ Quốc Toản luôn giàu lòng trắc ẩn và ám ảnh người đọc.Thơ anh không chỉ gợi lên những nỗi buồn mà còn là một cách bày tỏ tình yêu thương, đồng cảm với con người. Nhiều bài thơ của Quốc Toản nói về sự hy sinh của những người mẹ, người lính, hay thậm chí là những người vô danh trong xã hội đều thể hiện tình yêu thương và lòng cảm thông sâu sắc. Đó là điều mà anh muốn cùng mọi người che chở, bảo vệ và giúp đỡ những ai đang khốn khó.

Bài thơ Trời rưng rưng gió chiều nay của nhà thơ Quốc Toản khắc họa hình ảnh về nỗi nhớ quê hương và sự mất mát của một người chú nơi vùng cao phía Bắc Tổ quốc còn gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn và nỗi cô đơn luôn bao trùm lên cuộc sống của họ. Bài thơ là một câu chuyện cảm động về tình quê, tình gia đình và cả sự gian truân của người lính trở về sau chiến tranh.

Ngay từ những câu thơ đầu tiên, đã khơi gợi nỗi niềm của người cháu khi gặp lại người chú lâu ngày xa quê:

Lâu rồi chú chẳng về quê
Cháu lên thăm, gặp bốn bề mưa rơi

Không gian là cảnh mưa rơi phủ kín bốn bề, không chỉ diễn tả thiên nhiên khắc nghiệt mà còn là hình ảnh tượng trưng cho sự ngột ngạt, nặng nề trong tâm hồn nhân vật. Người đọc cảm nhận được nỗi buồn về sự xa cách, cô đơn của nhân vật chú. Xa quê đã mấy chục năm, nhưng cái nghèo khó vẫn đeo bám, quẩn quanh như hình với bóng, tạo nên những bước chân khó nhọc trong cuộc đời của người lính già.

“Xa quê mấy chục năm rồi
Cái nghèo cái khó lần hồi bước đi

Sự mất mát của chú trở nên rõ rệt hơn qua những dòng thơ kể về việc người vợ, người đồng hành suốt cuộc đời của chú, đã ra đi. Hình ảnh "đất lở" mang tính biểu tượng cho sự bất ngờ, đột ngột về cái chết của người thím:

“Lặng nghe lời chú thầm thì
Một đêm đất lở thím về bồng lai”

Người vợ mất, cuộc sống của chú càng trở nên cô đơn, quạnh quẽ hơn. Vẫn là củ sắn, củ khoai, vẫn là những ngày tháng sau đó chỉ là những đêm dài, chén rượu nhạt và nỗi nhớ không nguôi. Nỗi cô độc hiện lên rõ nét khi chú ngồi bậu cửa trước cơn giông chiều, lo sợ và hoang mang trước biến động của cuộc đời. Biết đâu cơn giông chiều ấy lại ập đến, lại mưa rơi và đất lở:

“Cả đời quen với sắn khoai                                                                                Chén rượu nhạt với đêm dài đợi trông
Bây giờ vợ mất con đông
Chú ngồi bậu cửa sợ cơn giông chiều”

Những hình ảnh về nếp nhà ngả bóng cô liêu, góc sân mảnh vườn nhỏ, cùng với chiếc áo lính sờn và đôi tay chai sần của chú thể hiện rõ cuộc sống vất vả, khó khăn mà chú đã trải qua. Những hình ảnh này vừa giản dị, vừa đầy tính hiện thực, miêu tả cuộc sống đạm bạc, dù vậy nhưng chú vẫn bám trụ với núi rừng, với mảnh vườn, với nếp nhà cũ kỹ, cô tịch. Đọc câu thơ “Mà nghe gió nổi bao điều dại khôn” là một lối viết ẩn dụ nhưng đầy lòng trắc ẩn của tác giả:

“Nếp nhà ngả bóng cô liêu
Mà nghe gió nổi bao điều dại khôn
Rừng vẫn in những dấu chân
Đôi tay níu bám góc sân mảnh vườn”

Người chú cũng được khắc họa với hình ảnh là chiếc áo lính đã sờn, những dấu vết của chiến tranh vẫn còn đọng lại trên gương mặt và tâm hồn ông. Chiếc áo lính sờn, với những mụn vá, là biểu tượng cho cuộc đời lính của chú, người đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Dù cuộc sống gian truân, người chú vẫn giữ lại kỷ vật, như một minh chứng của những ngày tháng oai hùng đã qua: “Xót xa chiếc áo lính sờn/ Dăm ba mụn vá vẫn còn theo đi”. Chiếc áo lính là biểu tượng của một quá khứ đầy gian khó, nhưng cũng là niềm tự hào và sự kiên trì, bền bỉ của những người lính đã đi qua cuộc chiến. Họ vẫn tiếp tục sống và bám víu vào những điều bình dị nhất trong cuộc đời.

Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng hình ảnh người cháu xúc động không nói được nên lời mà chỉ biết thể hiện bằng tấm lòng thành và nỗi thương cảm đong đầy tình quê. Trong cảnh khói hương mờ ảo ấy, hình ảnh người thím trở về linh thiêng, nén hương ửng đỏ nói hộ nhiều điều với người đang sống:                                                                                                          “Lặng nghe cháu biết nói gì                                                                                         Nén hương ửng đỏ rầm rì khói bay
Tình quê gửi tới đất này
Trời rưng rưng gió chiều nay... thím về”

Khói hương cùng với cơn gió chiều hôm ấy mang theo sự hồi tưởng, nỗi nhớ và lời tiễn biệt cuối cùng. Trời rưng rưng gió chiều nay... thím về, dù người thím đã ra đi, nhưng tình cảm và ký ức về người vẫn còn mãi trong lòng những người ở lại.

Bài thơ Trời rưng rưng gió chiều nay của Nhà thơ Quốc Toản không chỉ là câu chuyện về sự mất mát cá nhân mà còn là một bức tranh lớn hơn về cuộc đời, về những con người chịu đựng nhiều khó khăn, gian khổ. Đây là một tác phẩm giàu tính nhân văn. Qua ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, nhà thơ Quốc Toản đã thể hiện thành công cảm xúc sâu lắng, nỗi buồn thấm đượm tình quê hương và tình người chân thật. Một câu chuyện cảm động, giàu lòng trắc ẩn và cả sự gian truân của người lính trở về sau chiến tranh.

Hà Nội, tháng 9/2024                                                                                            T.T.G

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)