Vũ Nho
TRONG TRẺO HỒN NHIÊN MỘT HỒN THƠ HÀ NỘI
Cảm nhận tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú, Nxb Hội nhà văn 2018
Có thể nói tập thơ “Những mùa hoa anh nói” được in đẹp, sang trọng. Thấy rõ cả công phu quảng bá của tác giả qua bốn bài viết in kèm trong tập của nhà báo Bích Hạnh, nhà phê bình Đỗ Quyên, nhà giáo – thạc sĩ Trần Việt Hà, bài phỏng vấn do phóng viên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội Kim Nhung thực hiện. Tôi sẽ nói cảm nhận của mình về các bài viết đó sau khi nêu những ấn tượng của mình về một Hà Nội trong thơ Trương Anh Tú, thơ của một tâm hồn xa xứ.
Tác giả chia tập thơ thành các chủ đề nhỏ. Mỗi chủ đề lại có một hai câu như lời đề từ. Giấc mơ tuổi thơ – Chỉ có bầu trời là mãi trong xanh
Đôi mắt – Trong lặng im hạt cát Đã bao lời biển khơi
Mặt đất và bầu trời – Anh hóa bầu trời Anh cũng là mặt đất
Lời tình yêu – Tình yêu như cánh chim Bay đi phía cuối trời
Những mùa hoa anh nói – Đẹp sao những loài hoa Đã một lần thật sống Để đi hết bầu trời của tận cùng sự sống
Ngẫu hứng sông Hồng – Hát đi em như tiếng dòng sông
Hát với trời xanh – Ta ngồi bạc áo phong trần Mai sau còn lại trong ngần trẻ thơ
Tổng cộng 90 bài thơ, trong đó phần Ngẫu hứng với sông Hồng nhiều nhất 17 bài. Các bài khác về Hà Nội, về tuổi thơ trong các phần còn lại làm nên một vẻ riêng của Trương Anh Tú cựu công dân Hà Nội trên đất Đức hiện nay.
Dễ dàng nhận thấy người viết có một tâm hồn trong trẻo, lạc quan, dễ xúc cảm. Hãy nghe anh bộc bạch:
Nghe một nốt nhạc xanh
Trong hạt sương buổi sớm
Trái tim như trẻ lại
Tan ra thành ban mai
(Lời trái tim)
Đó là chàng trai cũng tràn đầy lãng mạn trước cô gái mình yêu khi hỏi mượn thiên nhiên những vật thể lớn lao:
Anh mượn trời xanh
Cho hoa em nở
Anh mượn biển xanh
Cho buồm em nhớ
( Giấc xanh)
Và cũng dẻo tán sau khi đã ví von quá vụng về : “Em xinh như một định lí” (Trong toán học có bao nhiêu là định lí, định lí nào được gọi là xinh?), liền vớt lại nói rằng :
Em xinh không cần chứng minh
( Định lí)
Một trong những nỗi lòng thường thấy của người xa quê (vẫn ở trong nước), xa hơn là xa xứ ( định cư ở nước ngoài) là bao giờ cũng hoài niệm, cũng nhớ về chốn cũ, từ ngọn cỏ, tán cây, mái nhà, dòng sông, ngọn núi,… Trương Anh Tú không là ngoại lệ. Nhiều bài thơ về quê hương tập trung trong phần “Ngẫu hứng sông Hồng” (Ngẫu hứng sông Hồng, Hồng Hà mùa xuân, Hà Nội yêu thương, Khúc hát nhớ Hà Nội, Quê hương tôi, Tan vào em như hơi thở mùa xuân,...) Người viết nhớ Hà Nội, mơ Hà Nội :
Mơ về giọt nắng
Mơ về giọt mưa
Mơ về mắt em
Xanh trời Hà Nội
(Khúc hát nhớ Hà Nội)
Hà Nội không ngừng chảy trong dòng máu nhớ quê hương:
Chảy trong tôi vẫn dòng sông sóng sánh phù sa
Thao thức những cánh buồm chở mùa về xanh non châu thổ
Da diết tiếng còi tàu đêm Hà Nội
Dội vào tôi năm tháng không nguôi
(Hà Nội yêu thương)
Người thơ đắm mình trong mùa xuân Hà Nội, mùa xuân Hồng Hà:
Ta như chồi biếc
Xanh giữa đất trời
Nghe trong sương khói
Xuân về em ơi!
(Hồng Hà mùa xuân)
Say đắm, chỉ muốn hát lên, muốn giục giã em hát lên, như thi sĩ Xuân Diệu xưa muốn người yêu “Em phải nói, phải nói và phải nói” ( Phải nói):
Hát đi em tiếng hát sông Hồng
Hát đi em này lúa này hoa
Hát đi em này hương này mật
Hát đi em đồng xanh bát ngát
Hát đi em lụa trắng ngàn đời
(Ngẫu hứng sông Hồng)
Phải chăng Trương Anh Tú còn là nhạc sĩ viết ca khúc, nên trong thơ, nói nhiều đến khúc hát, đến hành động hát. Và cũng còn có lẽ vì hát là cách thể hiện cảm xúc, thể hiện khao khát, ước mơ, hát để tâm hồn trôi về bến mơ?
Em khẽ hát bên tôi
Ngoài kia trời xanh ngát
Em khẽ hát bên tôi
Hồn trong như suối mát
(Bến mơ)
Trong trả lời phỏng vấn của phóng viên Kim Nhung, Trương Anh Tú nói rằng : “Tôi nghĩ về Tổ quốc như nghĩ về ngôi nhà của Mẹ. Trở về ngôi nhà ấy không phải lúc nào cũng có những nụ cười, còn có cả những giọt nước mắt” ( tr. 165). Điều ấy cũng hoàn toàn đúng với trường hợp nghĩ về Hà Nội. Không chỉ có ngợi ca, mơ mộng. Về Hà Nội còn có những phiền muộn, âu lo:
Đường làng vắng tiếng chim ngân
Bập bùng phố thị nhạc gần nhạc xa
Nhà cao chóp kính sáng lòa
Ao chuôm lấp cạn, tre già hắt hiu
Cảnh đã vậy. Còn người thì sao?
Nhìn nhau…kẻ trước …người sau
Nhìn nhau như chẳng quen nhau thuở nào
(Giấc phố làng tôi)
Cũng may mà những buồn phiền lo lắng được ẩn đi, được thể hiện không nhiều. Ấn tượng về thơ của Trương Anh Tú là ấn tượng về một hồn thơ trong trẻo, hồn nhiên, tươi trẻ, giàu lạc quan. Nhà phê bình Đỗ Quyên đã kì khu thống kê và khẳng định “Cây bút này thích “hát” lại còn mê “xanh”. Chúng tôi đếm được khoảng 90 từ “xanh” và 30 từ “hát” trong suốt tập thơ 90 bài”. ( Những bài thơ Tú nói, trang 149).
Việc in thơ kèm theo những bài viết phê bình, đánh giá là một việc nhiều nhà thơ đã làm. Và rất nên làm. Những ý kiến khác nhau đó sẽ gợi ý giúp bạn đọc thấy được cái hay, cái đẹp và cả những điều còn hạn chế. Những bài viết trong tập thơ này là rất công phu. Tùy mỗi cách cảm, cách hiểu của mỗi tác giả. Không kể bài phỏng vấn của Kim Nhung giúp người đọc hiểu thêm quan niệm sáng tác của nhà thơ, những vấn đề tác giả quan tâm, những dự định. Ba bài viết còn lại theo tôi là đánh giá hơi quá về những gì có trong tập thơ. Nhà phê bình Đỗ Quyên rất nhiệt tình và công phu. Nhưng thực ra với tôi, lại không mấy thuyết phục. Cái tên “ hoa anh- nói” được Đỗ Quyên cho là loại hoa mới, ngang với hoa “Đừng quên tôi” (Forget- me-not). Tôi chỉ thấy bình thường. Bởi từ hồi những năm sáu mươi của thế kỉ rước, Xuân Diệu đã có bài thơ về tên hoa còn gợi cảm hơn nhiều : Hoa“anh ơi”! (Tuyển tập Xuân Diệu, Nxb Văn học, 1983, tr. 288). Rồi cái bài “thơ rất hay” là bài “Cảm xúc” thì chỉ là bài khá, không có gì đặc biệt, khi nhà bình thơ dẫn ra câu thơ hậu hiện đại cách tân về thi pháp “Không mang theo da thịt”. Có lẽ Đỗ Quyên ít đọc Xuân Diệu, hoặc đọc không kĩ nên không nhớ, thành ra mới giật mình. Từ hồi “Gửi hương cho gió” Xuân Diệu viết thế này “Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi/ Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa vòng đời/Tôi đã yêu khi đã hết tuổi rồi/ Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng […] Kẻ đa tình không cần đủ thịt da” (Đa tình). Chỉ dẫn lại đây một bài thơ được Đỗ Quyên đánh giá là hay, song tôi thì chỉ cảm thấy là bình thường, thậm chí là khá xoàng. Đó là bài “Thơ tặng bạn sinh nhật”. Vì ngắn, xin dẫn cả bài:
Bao nhiêu mùa lá đổ
Bao nhiêu mùa lá rơi
Bao nhiêu năm không ngủ
Hay bao nhiêu năm cười
Cả hai câu đầu chỉ có một ý nhiều năm (lá đổ hay lá rơi thì cũng chỉ một. Quá dư thừa lời lẽ). Lại lặp từ “ bao nhiêu năm” để hỏi hay để liệt kê việc không ngủ ( Mất ngủ nặng nề, chắc là người nhạy cảm cả nghĩ, cả lo!). Rồi tiếp là một nghi vấn ( lại vẫn ) bao nhiêu năm cười. Cười đối lập với khóc, chứ không đối lập với mất ngủ. Thì cứ tạm coi là đối lập trong ngữ cảnh đi. Bài thơ mừng sinh nhật chỉ “lạ”, chứ không hay. Thế mà anh Đỗ Quyên cho Trương Anh Tú thành võ sĩ đấm trúng tim anh bằng một cú đấm “thôi sơn”!
Xin quay lại với tập thơ “ Những mùa hoa anh nói”. Có thể nói Trương Anh Tú làm thơ khá hồn nhiên, tự nhiên. Anh vẫn làm các thể thơ truyền thống tự do. Anh cũng không có ý cách tân hay hậu hiện đại gì cả mà chỉ hồn nhiên thể hiện tình cảm của mình. Tôi đánh giá tất cao sự hồn nhiên, tự nhiên đó. Tuy vậy, phải thấy rằng hồn nhiên mà không được kiểm soát, dễ bị trùng lặp, đơn điệu. Dù Đỗ Quyên có khen ngợi nhiều, song cũng chính Đỗ Quyên phải cảnh báo monotone/ đơn điệu. Và trong khi rất khen bài “Thơ tặng bạn sinh nhật” thì Đỗ Quyên cũng vô tình không tiếc lời chê “Một sáng tác có diễn ngôn đặc trưng cho tác giả và vượt lên sáo, nhạt thường khó tránh khỏi ở nhiều bài khác trong tập” ( VN nhấn mạnh – trang 154).
Một loạt các bài thơ đều triển khai cùng một khuôn, một kiểu. Cảm giác monotone/ đơn điệu có thể là từ đó. Ví dụ bài Như em chợt đến ( từ Một lặp ở các khổ thơ- tr.84), Cảm xúc ( Tôi – tr.85), Ngẫu hứng sông Hồng (Chảy và Hát – tr 108), Tan vào em như hơi thở mùa thu ( Tan – tr. 116), Quê hương tôi ( Quê - tr. 120), Trời xanh vô thường ( Kìa, tr. 122), Kí ức ( Trở về, tr. 123), Sông Thương ( Sông, tr.131), Mai làm hạt mưa ( Mai – tr.134), Hát với trời xanh ( Ta ngồi – tr. 142).
Khi anh viết : “Trong lặng im của cát/ Đã bao lời biển khơi” thì hay, nhưng “ Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời” thì bí hiểm!
Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Tập thơ của Trương Anh Tú trong mặt bằng thơ ca hiện nay dẫu sao là một tập thơ khá. Nhưng nói về cái khá, cái hay của tập thơ quả không dễ dàng. Tuy thế, tôi cũng vì cảm mến tác giả mà đọc và bình. Chỗ nào chưa chuẩn thì bạn đọc, tác giả và cả anh Đỗ Quyên sẽ chỉnh sửa và trao đổi lại.
Hà Nội, ngày chống dịch covid 19
29 tháng Ba năm 2020
V.N