Văn Công nhân
TRƯNG BÀY SÁCH VĂN HỌC VỀ ĐỀ TÀI CÔNG NHÂN
70 NĂM TÁC PHẨM VÀ GIẢI THƯỞNG
Chiều 25/12 năm 2023, Tại Thư viện Quốc gia số 31 Tràng Thi – Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thư viện Quốc gia tổ chức khai mạc Trưng bày sách “Văn học công nhân và những tác phẩm được giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam (1953-2023)”
Đến dự Lễ Khai mạc Trưng bày sách, về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ông Vũ Mạnh Tiêm – Phó Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tổng biên tập và phóng viên nhiều báo ở Trung ương và Thành phố Hà Nội, đông đảo các nhà văn là hội viên Chi hội Nhà văn Công nhân và nhiều nhà văn cùng bạn đọc gần xa.
Phát biểu tại sự kiện, nhà thơ Lê Tuấn Lộc, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết: Đề cương văn hóa Việt Nam của Đảng ta năm 1943 đã xác định ba nguyên tắc cơ bản của nền văn hóa dân tộc là: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa và Khoa học hóa. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Và văn học công nhân là chuyên đề văn học dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà thơ Lê Tuấn Lộc thông tin, mầm mống của văn học công nhân đã có từ năm 1934 với tiểu thuyết “Lầm than” của nhà văn Lan Khai viết về thợ mỏ. Nhưng phải đến cuối năm 1952 mới có giải thưởng văn học. Tháng 4/1953, Giải thưởng văn học được công bố, tiểu thuyết “Vùng mỏ” của nhà văn Võ Huy Tâm đạt giải Nhất và được xuất bản ngay năm 1953. Chuyên đề văn học công nhân bắt đầu được chú ý từ đó.
Đến năm 2023, sau giải thưởng về văn học công nhân phát động từ 2021 đến 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức, tổng kết ngày 26/11/2023, văn học công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã qua một chặng đường dài 70 năm (1953-2023).
Sự kiện Trưng bày sách “Văn học công nhân và những tác phẩm được giải của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam (1953-2023)” lần này là là lần đầu tiên được tổ chức, tập hợp các tác phẩm về đề tài văn học công nhân qua các kỳ giải thưởng được sắp xếp có hệ thống theo thời gian và theo chuyên đề văn học, với 4 giai đoạn: 1953-1965; 1966-1975; 1976-1987; 1988-2023.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định: Văn học công nhân là một mảng rất quan trọng của văn học Việt Nam, với nhiều tác phẩm lớn, tên tuổi lớn. Và trưng bày sách lần này có thể xem là cuộc “diễu binh” của 70 năm văn học công nhân Việt Nam thông qua những tác phẩm mà công chúng có thể chiêm ngưỡng trực tiếp.
Phát biểu tại buổi khai mạc Trưng bày sách, Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, từ những tác phẩm xuất sắc trong cuộc thi sáng tác về đề tài công nhân, công đoàn giai đoạn 2021-2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, Tổng liên đoàn sẽ có kế hoạch quảng bá, truyền thông dưới nhiều hình thức để phản ánh chân thực, sinh động và sâu sắc hơn nữa đời sống cũng như cống hiến của lực lượng công nhân Việt Nam.
Trưng bày sách diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam từ ngày 25/12/2023 đến ngày 5/01/2024.
V.C.N