bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
PHẢN HỒI MỚI

mike fun

bài rất hay tôi có thể lấy làm bài ktra ko

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN ĐÃ LÀM GỌN VIDEO CLIP NÀY!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN BÙI PHƯƠNG THẢO!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN LÃ THANH TÙNG!THƯƠNG NHỚ ĐĂNG BẤY, NGƯỜI BẠN VĂN CHƯƠNG VUI TÍNH , HÒA ĐỒNG, GIẢN DỊ!

 

VŨ NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỖ NGỌC YÊN!CÁM ƠN NHÀ VĂN CẦM SƠN ĐÃ LÀM VIDEO!

 

VU NHO 085 589 0003

CÁM ƠN NHÀ VĂN, NGHỆ SĨ ĐIỆN ẢNH CẦM SƠN!KÍNH MỜI CÁC ANH CHỊ DỰ BUỔI TỌA ĐÀM ĐÓ XEM HÌNH ẢNH CỦA MÌNH TRONG VIDEO CLIP NÀY!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 8
Trong ngày: 56
Trong tuần: 824
Lượt truy cập: 716973

TRUYỆN NGẮN HỒ BÁ THƯỢC

TRƯỞNG PHÒNG VÀ TRỢ LÝ


          Truyện ngắn Hồ Bá Thược

 

- Thằng nào gọi đấy?

- Tôi đây!

- Tôi là thằng nào?

Bên kia không trả lời, nhưng hỏi ngược lại:

- Thế cậu tên gì?

- Tao đây.

- Thế nào?

- Tao đây.

Đầu dây bỏ máy, thấy Tao đi ra sân, mọi người nhao nhao hỏi:

- Ai gọi đấy?

- Chẳng biết thằng điên nào gọi nữa. Rõ bố khỉ, đang chuẩn bị sút cầu môn, lại phải vào thưa máy, thôi ta tiếp tục chơi đi, các bố. Giọng Tao vẫn còn bực bội.

Sáng hôm sau, vừa giao ban về, Trưởng phòng vội triệu tập cán bộ tham mưu họp đột xuất. Hàng ngày, không mấy khi thấy sắc mặt Trưởng phòng thay đổi thất thường đến thế. Nhưng hôm nay hết đỏ, lại tái, khiến mọi người lo lắng, đoán có việc không hay xảy ra trong cuộc giao ban Cục.

Không mào đầu, Trưởng phòng nói luôn: “Nào là, phải biết cách ứng xử khi giao tiếp, nào là văn hóa điện thoại, nào là tư cách cán bộ tham mưu…”. Ông ném ra giữa bàn tờ Quyết định, nặng nề nhìn qua cầu vai cấp dưới của mình, trên ve áo đầy sao và vạch:

- Ngày mai, đồng chí Tao đi nhận công tác tại TT5. - Nói rồi, ông bước ra cửa phòng họp.

- Chết cha tôi rồi. - Khuất bóng Trưởng phòng, Tao kêu lên - Hôm qua, Sếp lớn gọi điện thoại xuống, nhưng vì đang mải chơi, không biết ai, tôi thô lỗ vặc lại thằng nọ, thằng kia! Nào chỉ có thế thôi đâu, tôi lại còn xưng danh nữa chứ: “Tao đây, Tao đây”. Không biết khi xưa bố tôi lếu láo với chòm xóm thế nào, đặt tên con ngỗ ngược để trêu tức họ. Bây giờ tôi lại xưng “Tao đây” với cấp trên, họa đến nơi rồi…

Sáng hôm sau, Tao khoác ba lô về trạm.

Sân bóng im ắng được mấy hôm, máu thể thao lại rần rật chảy trong cơ thể to béo của Trưởng phòng. Ông bàn bạc với các trợ lý, chia đôi số người thành
hai đội, cẩn thận hơn, cắt cử người trực, phòng khi có điện thoại…

Sự say mê hiếu thắng của Trưởng phòng, khiến nhiều người ghen tỵ. Trong lúc chơi, ông không ngại va chạm hoặc trò chơi bẩn của đội bạn, miễn sao ghi nhiều bàn vào cầu môn đối phương. Ông sung sướng nhảy cẫng lên, mừng như trẻ con được nhận quà.   

Ông có thân hình to lớn, ba vòng đo xấp xỉ ngang nhau, y chang chiếc giò mỡ. Ông cởi trần, người đầy mồ hôi, thấm ướt xuống tận cạp quần thắt buộc dây. Đã đôi lần bị đối phương kéo tụt quần trước khi ông có cơ hội sút bàn. Nhưng mặc kệ, dù chiếc quần đùi bộ đội tụt sâu xuống, để lộ cặp mông trắng hếu, ông vội xốc lên, tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra, rồi lao vào tranh bóng. Mọi người đứng ngoài vỗ tay cười ầm ầm. Rất may, không có nữ quân nhân nào đứng ngoài xem trận đấu, không thì tẽn tò.

Thật không thể tưởng tượng nổi Trưởng phòng của tôi, ông không mặc nội y, “thả rông” trăm phần trăm. Có thể do không có “xịt” để mặc hoặc cùng cánh đàn ông với nhau, ông nghĩ nhuế nhóa thế nào chẳng được!

Nhưng đừng vội trách hình ảnh khó coi ấy của Trưởng phòng. Có lẽ, toàn quân từ tướng, tá đến binh lính, bề ngoài trông hoành tráng là vậy, nhưng bên trong không chừng lại “rỗng tuếch” cũng nên? Điều ấy cũng dễ hiểu, bởi xưa nay, cái anh “Quân trang” họ có cấp cho bộ đội chiếc quần “xịp” nào đâu? Ngoài “chợ đen” người ta nghiêm cấm bọn “phe” quần áo, đương nhiên là không có chuyện mua bán loại hàng “đặc chủng” này rồi. Trong quân đội không cấp, ngoài thị trường bị cấm đoán, nên mới có kiểu lập luận nghi nghi, ngờ ngờ như vậy. Đương nhiên trên đời này, không ai lại ngớ ngẩn đến vạch quần của lính tráng, xem bên trong có “xịp” hay không?

Còn Trưởng phòng để lộ “hàng” thì ai cũng biết rồi. Đó có phải là vấn đề của riêng ai hay không? hay vì sĩ diện, nên chẳng ai nói đến. Thậm chí vì tế nhị, loa đài, truyền thông không hề đề cập. Người ta, có thể coi là chuyện nhỏ, không đáng quan tâm. Nhưng mấy anh chàng Thể Công đá bóng, bị đối phương chơi xấu, kéo tuột chiếc quần đùi xuống. E rằng thủ môn đành bỏ bóng cho thủng lưới, mà không dám để lộ “hàng” của mình cho bàn dân thiên hạ thấy. Chuyện nhỏ thôi, nhưng đội bóng có danh tiếng, thua trận là nhục nhã to, đâu còn là chuyện nhỏ nữa?

Lâm Văn Rậu bàn với tôi:

- Gần Tết nhất đến nơi rồi, lại bầu bán, khen thưởng như mọi năm. Tôi với ông lắm “tội” nhất. Mỗi lần xin tranh thủ về nhà, Trưởng phòng ầm ừ đấy, nhưng kỳ thực, ông ghi chép cẩn thận lắm. Tôi với ông được ghi mấy trang dày đặc.

Nói xong hắn cười, nhăn nhăn cái mũi trên gò má đầy râu. Hắn khích tôi:

- Không được khen thưởng đã đành, nhưng không đạt danh hiệu “Đảng viên 4 tốt”, là chậm lên quân hàm đấy.

- Thế, làm thế nào? - Tôi thở dài.

- Ông vào thay người, nhớ kèm riết, nhưng thả bóng ngon, cho Trưởng phòng mê mải sút cầu môn.

- Liên quan gì đến việc khen thưởng?

- Nhân cơ hội ấy, tớ lẻn vào phòng ngủ, tìm cuốn sổ “khổ”, xem ông ấy viết gì trong ấy?

Tôi thấy hay hay, liền nhảy vào cuộc, hăng hái đến mức Trưởng phòng giữ chặt bóng trong chân, nhìn tôi trừng trừng.

 - Bỏ mẹ rồi, kế hoạch bại lộ chăng? Tôi thoáng nghĩ, nhưng vẫn kịp lao vào người ông, mà không nhè vào bóng. Trước khi ngã, ông vẫn cố đá được bóng vào cầu môn. Người ngoài đứng xem vỗ tay rần rần.

Khoảng mươi phút sau liếc thấy Rậu đi ra, cười hơn hớn, tôi đoán mọi việc có vẻ ổn. Tan cuộc chơi, tôi hỏi Rậu:

- Ông ấy viết gì trong ấy?

- Chữ lí nhí, khó đọc lắm.

- Thế quyển sổ ấy đâu rồi?

- Quẳng rồi, tôi với ông thế là thoát “tội”.

- Ở đâu để tôi đi tìm?

- Ôi dào, quyển sổ ấy bìa đen xỉn, mồ hôi dầu hôi lắm. Tôi ném vào hố xí rồi.

Ăn cơm về, thấy Trưởng phòng đi đi, lại lại từ trong nhà ra ngoài sân, rồi từ sân quay vào nhà, gương mặt thảng thốt. Chắc chắn, ông phát hiện mất cuốn sổ rồi. Hai thằng bấm nhau ra sân vận động Quần Ngựa ngồi tán phét. Đoán ông phải ngậm tăm, nếu hé chuyện mất sổ công tác, không chừng Quân Pháp cho gọi lên làm việc, chắc lôi thôi to.

Việc bình bầu thi đua cuối năm ấy, không căng thẳng như các năm trước, hình như Trưởng phòng thực hiện phép “dĩ hòa vi quí”, nên ông mềm lòng:

- Thôi, năm nay các cậu đạt danh hiệu tiên tiến cả. Nghe Trưởng phòng nói vậy, cả phòng họp thấy nẫu ruột. Lâm Văn Rậu cười méo mặt.

Công bằng một chút, đều lứa Trưởng phòng như nhau, nhưng Trưởng phòng của tôi rất thua thiệt. Các vị Trưởng phòng khác, hết giờ làm việc là “phắn” về nhà với vợ con. Chưa nói chủ nhật hay ngày lễ Tết, họ được “cắm đinh” tại gia. Còn Trưởng phòng quê tận vùng biển, xa đơn vị quá, không được như vậy. Dưới con mắt của nhiều người, Trưởng phòng phải ở lại trực đơn vị là đương nhiên rồi. Nếu không, ông biết đi đâu, làm gì, vào những ngày nghỉ? Ngoài giờ làm việc, Trưởng phòng chỉ biết chơi thể thao. Hết bóng đá, sang bóng chuyền. Tối đến hò hét, thách đố nhau bên bàn cờ tướng, cho đến tận giờ đi ngủ v.v.. Trưởng phòng “khốn khổ” đã vậy, nhưng đám trợ lý dưới quyền ông cũng bị vạ lây. Ông cấm tiệt các sĩ quan xin tranh thủ ngày chủ nhật về thăm gia đình. Ông tính, một sĩ quan ngày nghỉ chủ nhật, kèm theo vài ngày tàu xe, lấy đâu ra thời gian, người làm việc? Nếu sĩ quan nào, chai mặt xin xỏ, buộc lòng ông cho nghỉ phép tranh thủ, nhưng được ghi sổ bình xét cuối năm. Đó là lý do tôi và Rậu “thủ tiêu” cuốn sổ của ông.

Năm ấy trời làm đói to. Nhiều nhà đói, không còn gì để ăn, đành đem con cháu trong nhà đi cho nhà khác nuôi hộ, hoặc bỏ rơi đâu đó. Thường thì họ nhắm đến các đơn vị bộ đội đóng quân, hoặc cơ quan nhà nước. Mỗi sáng, đơn vị “nhặt” được 3-4 trẻ bỏ rơi ngoài hàng rào doanh trại, đưa được vào nhà, chúng gần như đã kiệt sức. Cô y sĩ cơ quan, vẻ mệt mỏi kêu lên:

- Cơ quan sắp trở thành trại trẻ mất!

Trường phòng nói với cán bộ cấp dưới:

- Đừng tuyên truyền rộng rãi, kín tiếng để nuôi trẻ. Qua nạn đói dân đến xin về không được làm khó dễ.

Cũng may nạn đói năm ấy, chỉ xảy ra một thời gian ngắn. Mọi khó khăn rồi cũng qua đi nhanh chóng. Hôm họp giao ban, Trưởng phòng vắn tắt tình hình, nói mà như không muốn nói:

- Thật may mắn, nạn đói vừa qua, người nhà phòng tham mưu chúng ta không ai bị chết đói!??

Các sĩ quan không bình luận về câu nói, nhưng nghe chua xót lắm.

Nói là cắm trại, nhưng có mình tôi là ở gần Hà Nội, Trưởng phòng ưu tiên cho mang gói quà Tết về quê. Sáng 30, mũi tôi có vẻ phồng lên khi Trưởng phòng chính thức thông báo. Trưa ba mươi, cả nhà chuẩn bị ăn bữa cơm tất niên, vợ nhăn nhó kêu đau bụng:

- Có lẽ em sắp đẻ rồi.

Từ trưa hôm ấy cho đến sáng mồng 1 Tết, trạm y tế xã ầm ầm tiếng kêu, tiếng thét như đám cháy nhà. Các ông chồng trên thành phố, chưa bao giờ chứng kiến lúc vợ mình sinh nở kiểu như thế này. Có chăng ở bệnh viện, người ta bố trí phòng đẻ, cách ly với phòng chờ, nên các  ông chồng không biết điều gì xảy ra ở trong đó. Họ vô tư đến mức, tưởng vợ mình bước vào phòng đẻ như vào động thiên đường, với nụ cười tươi như hoa, đẹp như gấm vóc?

Còn tôi, ở một nơi không xa thành phố mấy, trạm y tế xã như đám nhà hoang. Cửa sổ, cửa chính chỉ còn trơ lại bản lề, các cánh cửa gỗ không còn? Không lẽ vì áp lực đau đớn sinh đẻ, của các bà mạnh qúa mà cánh giật, cánh bay? Từ lúc đưa vợ đến trạm y tế, cô ta tự do gào thét trong căn nhà trống trải ấy, tiếng kêu bay đi khắp làng. Lão mù nhà ở cuối xóm, lẩm bẩm với con vợ què:

- Nhà ai đánh nhau từ trưa ba mươi đến giờ, sao dai thế. Phen này có đứa không bị tật nguyền, cũng mang bệnh nặng?

Từ ngoài cửa nhìn vào, lần đầu tiên tôi thấy mặt vợ mình xấu xí, và ghê sợ đến thế. Mắt cô ta trợn ngược, có lúc nhắm nghiền lại. Cằm bạnh ra, hai hàm răng nghiến ken két, rồi lại ngoác ra tận mang tai. Cô ta gào lên với bao lời thóa mạ, khóc lóc, cười nói như con mẹ điên. Nếu đem so sánh mặt vợ tôi lúc ấy với mặt vợ các ông ở thành phố khác gì cú so với đại bàng?

Người đẻ đã vậy, còn mẹ vợ tôi đi chăm con gái đẻ từ chiều 30 đến giờ. Tóc tai của bà bơ phờ, hai má tóp lại. Có lúc tưởng chừng, hai mẹ con đang đánh vật nhau, nhưng phần thắng thuộc về vợ tôi. Còn bà như kẻ thất trận, người nhầu nhĩ hơn cả tàu lá. Cô y tá đỡ đẻ cũng chẳng biết làm gì, cùng với tôi phập phù ngồi chờ đợi.

Lẽ ra vào sáng mồng một Tết, tôi đã trả phép từ lâu rồi. Nhưng bây giờ biết làm sao? Nếu chờ vợ đẻ xong, lên đơn vị muộn, Trưởng phòng sẽ kỷ luật nặng, là cái chắc.

- Thôi, kỷ luật thì kỷ luật. Nhỡ ra vợ con có làm sao, ân hận cả đời, cứ ở nhà. - Tôi liều lĩnh nghĩ vậy.

- Con cứ lên đơn vị đi, mọi việc ở nhà lo. Vợ con đẻ khó nhưng hãy còn khỏe, vài tiếng nữa là đẻ thôi.

 Mẹ vợ khuyên tôi như vậy, nhưng vẻ mặt của bà rất thất vọng. Dù đang bối rối, trong đầu tôi phác ra một kế hoạch táo bạo: từ nhà đạp xe lên đơn vị mất một tiếng. Báo cáo xin phép Trưởng phòng hết năm phút, đạp xe về nhà một tiếng. Tất thảy hơn hai tiếng đồng hồ cả đi lẫn về, trọn vẹn cả đôi bên. Cái thời chết tiệt này, đến cái điện thoại thông tin cũng không có. Đáng lẽ chỉ a lô một chút là xong, đằng này…

Trên đường đạp xe, tai tôi cứ ong ong với tiếng kêu la, vật vã. Bây giờ tôi mới thấy thương vợ nhiều hơn. Không biết cái đau đẻ đến mức nào, nhưng từ trưa hôm qua đến giờ cứ vật vã, trồi lên sụt xuống như thế, chắc đau đớn lắm. Đến mình mạnh khỏe, cũng không chịu nổi nữa là. Chung qui cũng tại mình, cứ sướng lên trong phút chốc, để rồi vợ phải chịu đựng đau đớn như thế này…

 Gặp Trưởng phòng vừa dưới bếp ăn tập thể đi về phòng ngủ, tôi vội vàng thưa:

- Báo cáo thủ trưởng, tôi có mặt.

- Tốt.

- Báo cáo, cho em xin nghỉ vài ngày, vợ em từ trưa hôm qua đau đẻ đến giờ vẫn chưa đẻ được, em sợ có điều gì nguy hiểm xảy ra.

- Thế này nhé.

Nói rồi ông đưa bàn tay phải mum múp lên, tay trái bẻ từng ngón một.

- Hôm nay thứ sáu, ngày mai thứ bảy, ngày kia chủ nhật, tôi cho cậu về.

Tôi không biết nói sao. Chẳng nhẽ vặc lại một câu vô phép với cấp trên của mình. Nhưng… trong bất cứ hoàn cảnh nào, sĩ quan không thể ăn nói bất cẩn với cấp trên của mình. Nghĩ thế, tôi nặng nề đi về phòng ngủ, trong lòng hoang mang tột độ. Tôi muốn làm một cái gì đó để hả cơn thịnh nộ, ví như đá thau chậu, ném vỡ một vài cái bát ăn cơm để hạ hỏa, nhưng liệu ích gì?

Chiều hôm ấy, xảy ra một việc khác. Thấy chồng mình Tết nhất không về, vợ Khớ đạp xe từ ngã ba Trôi  xuống đơn vị thăm chồng. Nghe tiếng ồn ào ngoài cổng bảo vệ, dù còn buồn bực, tôi vẫn ra xem chuyện gì.

Nhìn qua, thấy cô gái khuôn mặt tròn, dễ coi. Công việc đồng áng, làm da cô hơi đen, nhưng săn chắc, khỏe mạnh, cô gái nói với bảo vệ:

- Em tên là Thảo, vợ anh Khớ trợ lý thông tin, cho em vào thăm anh ấy một chút.

- Đây là doanh trại quân đội, cấm người lạ vào.

Cô gái không dám nằn nì, bế con đứng cạnh hàng rào, ngóng vào doanh trại. Không biết ai mách cho, một lúc thấy Khớ từ phòng làm việc chạy ra. Thằng bé thấy bố, muốn nhào khỏi tay mẹ, hai tay chới với, khóc.

- Vợ con tôi từ quê xuống, nếu không cho mẹ, thì cho con tôi vào chơi một chút. - Khớ trình bày.

- Người lạ không được vào.

- Nhưng nó là con tôi mà.

- Đối với đồng chí, có thể là như thế. Nhưng với đơn vị, nó là người lạ!

- Nếu vậy cho tôi ra ngoài hàng rào bế con một lúc.

- Hôm nay ngày Tết, cấm trại sĩ quan, binh sĩ ra ngoài doanh trại.

Vào không. Ra cũng không. Hai vợ chồng đành đứng nhìn nhau qua hàng rào doanh trại lấm tấm hạt mưa xuân. Chỉ khổ cho bé cứ ngần ngật khóc, muốn lăn vào với bố. Cuối cùng, vợ dúi cho chồng túi quà, qua hàng rào thưa. Một chút hương vị Tết, nhưng đẫm tình nước mắt!

Mặc dù chuyện của tôi sáng nay còn đầy lo âu, nhưng trước tình cảnh éo le của đồng đội, tôi không thể làm ngơ. Gặp lại Trưởng phòng một lần nữa ư? Tôi thấy chán ngán vô cùng. Nhưng suy cho cùng, Khớ là cán bộ của ông và hơn ai hết, ông là người có quân hàm cao nhất vào lúc này, ông phải có trách nhiệm, tạo điều kiện cho họ. Nghĩ thế, tôi vào gặp Trường phòng báo cáo việc vợ con đồng chí Khớ lên thăm. Đặt tờ báo xuống, ông nói:

- Cứ theo qui định mà làm.

Tôi hẫng hụt. Nếu có nói thêm cũng không thay đổi được điều gì, tôi lặng lẽ ra khỏi phòng.

Tối hôm ấy, có người đi tiểu ngoài hố đái, hốt hoảng kêu lên:

- Có người chết trong chảo nước đái?

Mọi người chạy ùa ra, soi đèn pin thấy một người nằm khoanh tròn trong chảo gang quân dụng đã sứt quai, dùng đựng nước tiểu để tưới rau, nửa người bị ngập trong nước thối. Mọi người khiêng người bị nạn vào trước cửa Trưởng phòng, mùi nước tiểu lâu ngày xông lên nồng nặc. Nhờ ánh đèn điện trong nhà hắt ra, cô y sĩ kêu lên:

- Ôi, đồng chí Khớ đây mà!

Cô lật mí mắt, xem mạch cổ tay rồi khẳng định Khớ còn sống, chỉ quá say mà thôi. Mọi người hò nhau làm vệ sinh, đắp cho Khớ chiếc chăn bông dày vì đêm ấy rất rét.

 Sáng hôm sau họp đột xuất, Trường phòng gay gắt:

- Là sĩ quan, không thể ngã trong chảo nước đái, như thế được…

                                                      Hà Nội 2018

trechantrau

   

                  

                       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)