VÀI CHUYỆN NGOÀI LỀ
BÀI THƠ ‘ĐỪNG ĐI’
*
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
"Đừng Đi" là bài thơ tôi viết rất ngẫu hứng, không phải ngẫu hứng từ chuyện tình cảm của tôi mà ngẫu hứng từ những than vãn dư lệ của một chàng trai trẻ, một người bạn trên facebook.
Đêm ấy, đêm 29 tháng 9 năm 2018, những cảm xúc của tâm trạng lâu ngày mới về quê làm tôi mất ngủ. Lang thang "dạo” facebook để giết thời gian tôi gặp những "tiếng nấc" của chàng trai trẻ Vũ Mai về mối tình thơ mộng 7 năm có “nguy cơ” bị tan vỡ. Vì "biết" Vũ Mai và bạn gái của cháu từ những ngày đầu mới chơi facebook (tháng 9 năm 2012) nên tôi nhắn tin hỏi: "Hai đứa lại có chuyện à? Con gái người ta có thì, yêu nhau cũng lâu rồi, cưới đi cháu.", thì Vũ Mai liền điện thoại tới tôi, nghẹn lời: -"Em ấy giục cưới nhưng con chưa muốn cưới vì công việc của con còn bấp bênh lắm. Con bảo vài năm nữa nhưng em ấy không chịu, dứt khoát chia tay con rồi, chú ơi...".
Chắp nối những chuyện tôi "biết" về chuyện tình 7 năm của 2 cháu, thêm nữa chút chuyện "của đời", tôi viết rất nhanh "Đừng Đi", định đề tặng chuyện tình 7 năm của Vũ Mai nhưng sợ cháu thêm buồn nên tôi post lên trang facebook cá nhân như một bài thơ tình của mình..
ĐỪNG ĐI
.
Ở lại đi
Một đêm thôi
Một đêm thôi, ở lại
Ta xin người ở lại, chỉ một đêm
Ngoài kia trời lướt khướt sũng đêm
Ta tí tách trong này mơ hồ từng giọt rỏ
.
Ta nào khóc. Chỉ là ta quá nhớ
Những chiều Thu ai tết tóc bên thềm
Rãi trăng vàng ai ríu rít hằng đêm
Và ai nữa khiến ta từng ngộp thở.
.
Ta xin đấy. Ngoài kia là những gió
Hun hút đêm, hun hút ánh đèn mờ
Người ở lại.
Đừng đi!
Đừng đi!
Ta sợ
Bảy năm trời thoáng chốc chỉ là mơ.
*.
Làng Đá, đêm 29.09.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Sáng sớm ngày 1 tháng 7 năm 2019, tôi nhận được bài cảm nhận về bài thơ "Đừng Đi" của Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương gửi qua messenger với lời nhắn: "Chú gửi đôi dòng bình luận. Cháu đọc rồi hồi âm cho chú nhé."
Đọc xong, tôi có vài băn khoăn.
Hình như Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã thả cảm xúc "phiêu" quá nên mấy câu thơ: "Ngoài kia là những gió / Hun hút đêm, hun hút ánh đèn mờ", ông đã cảm nhận với những cảm xúc thật lắm:
“Ta xin đấy. Ngoài kia là những gió
Hun hút đêm, hun hút ánh đèn mờ
Người ở lại.
Đừng đi!
Đừng đi!
Ta sợ”
Một lần nữa nhà thơ đã gửi lời cầu xin. Cầu xin không được rồi hù dọa cảnh đêm khuya hun hút gió lùa, đêm thì tối, đèn thì mờ... Rồi anh lo lắng sợ hãi nếu nàng cứ quyết ra đi không ở lại liệu trong đêm tối trời trong gió mưa ấy nàng có mệnh hệ gì anh biết sao đây? Anh sẽ phải ân hận suốt cả cuộc đời.".
Thực ra mấy câu thơ: "Ngoài kia là những gió / Hun hút đêm, hun hút ánh đèn mờ" Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương không nên hiểu thật thà đến thế mà nên được hiểu là những lo lắng bởi những tệ nạn, những cạm bẫy đang rình rập ở bên ngoài xã hội...
Và câu kết bài thơ: "Bảy năm trời thoáng chốc chỉ là mơ", cũng được Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương hiểu theo nghĩa hoàn toàn khác với ý của văn bản thơ:
"Đọc câu kết ta mới hiểu không chỉ khoảnh khắc, không chỉ một phút, một giờ, một đêm mà bảy năm rồi nhà thơ của chúng ta đã cầu xin một tình yêu và anh chợt nhận ra rằng giờ nó đã hoàn toàn vụn vỡ chia xa. Chỉ là một giấc mộng kê vàng. Thế mới biết sự chờ đợi trong tình yêu đã đạt đến giới hạn của sự vô cùng:
“BẢY NĂM TRỜI THOÁNG CHỐC CHỈ LÀ MƠ”
Nỗi khát khao tình yêu của Đặng Xuân Xuyến là khát khao rất thực từ một con tim bạo liệt và có lẽ sẵn sàng quyên sinh vì người anh yêu dấu. Có nỗi đợi chờ nào đã suốt 7 năm. 7 năm có bao nhiêu ngày bao nhiêu giờ bao nhiêu phút bao nhiêu giây và bao nhiêu khoảnh khắc mà không đợi chờ không khao khát. Phải không các bạn. Tôi trân trọng nỗi đợi chờ này..."
Sau lời cám ơn ông đã đồng cảm với "Đừng Đi", tôi đề nghị ông sửa lại đoạn cuối bài cảm nhận vì "Bảy năm trời thoáng chốc chỉ là mơ" là nỗi đau về một tình yêu đẹp của 7 năm vừa bị tan vỡ, hoàn toàn không phải là nỗi đau "bảy năm rồi nhà thơ của chúng ta đã cầu xin một tình yêu" trong "nỗi đợi chờ" như ông đã viết. Ông hồi âm ngay sau đó: "Chỉ một câu là sáng rõ thôi. Yên tâm nhé." nhưng khi đưa bài cảm nhận về bài thơ "Đừng Đi" lên trang facebook cá nhân, ông để nguyên trạng bài viết như đã gửi qua messenger.
Có lẽ, nhà phê bình văn học Nguyễn Xuân Dương đã thả hồn "phiêu" với "Đừng Đi" “say” quá nên ông chưa cầm cương được cảm xúc dẫn đến cảm xúc "phiêu" quá xa với ý thơ: "Nỗi khát khao tình yêu của Đặng Xuân Xuyến là khát khao rất thực từ một con tim bạo liệt và có lẽ sẵn sàng quyên sinh vì người anh yêu dấu.". Hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ "Đừng Đi", qua cảm nhận của Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã khoác một bộ dạng rất khác và trở nên lạ lẫm vì tính cách yếu đuối và tư tưởng yếm thế, tiêu cực. Cả bài thơ không chỉ là tâm trạng đau khổ của chàng trai khi tình yêu bị tan vỡ mà còn là những hoài niệm đẹp về một tình yêu thơ mộng và cả sự lo lắng của chàng trai với người con gái mà chàng trai đã yêu, vẫn còn đang rất yêu. Đau khổ nhưng không yếu đuối, hoài niệm kỷ niệm xưa nhưng không bi lụy, tiêu cực, đấy là hình ảnh chàng trai trong “Đừng Đi”. Cả bài thơ, không một chữ nào, một ý nào khiến bạn đọc sẽ hiểu chàng trai "gào lên" “cảm nhận mình kẻ thấp hèn” rồi "cầu xin không được thì hù dọa" và "sẵn sàng quyên sinh vì người anh yêu dấu." như Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã cảm.
Là cây viết lão luyện, Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương đã đồng hành cảm xúc với khoảng năm trăm bài thơ của các nhà thơ, các bạn thơ trên facebook. Với 2 tập sách Phê bình Văn học đã xuất bản và rất nhiều bài giới thiệu thơ, bình thơ trên trang facebook cá nhân chưa xuất bản thành sách, đủ để khẳng định sức viết của Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương rất sung sức và tình yêu ông dành cho thơ ca thật nhiều! Vì thế, một chút sơ xuất như khi ông cảm nhận bài thơ "Đừng Đi" là điều đáng tiếc nhưng tôi tin bạn đọc vẫn yêu và tìm đọc những trang viết mang đậm dấu ấn rất riêng của tác giả Nguyễn Xuân Dương: Viết nhanh, viết khỏe, viết nhiều, viết bởi những cảm xúc chợt đến vì đam mê thơ ca, vì tinh yêu giành cho thơ ca không vụ lợi.
Viết đến đây tôi chợt nhớ tới bài cảm nhận của tôi về bài thơ "Lạc" của Nhà thơ Trần Đức Tín cũng có cái sai na ná như Nhà Phê bình Văn học Nguyễn Xuân Dương khi ông bình bài thơ "Đừng Đi": Hiểu sai ý thơ. Đó là khi tôi cảm nhận:
"trơ vơ
Bụt
tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió
ăn hết những yêu thương.".
Câu chữ rõ ràng như vậy nhưng không hiểu sao tôi lại đọc thành "trơ vơ / Bụt / ăn hết những yêu thương" nên viết: "Bụt" trong truyện cổ tích là một ông tiên luôn chớ che, bảo vệ, luôn đem đến những yêu thương, hạnh phúc cho con người còn "Bụt" trong "Lạc" của Khét lại là một kẻ vô cảm, ác độc, "ăn hết những yêu thương.". Có lẽ vì đọc nhanh, đọc vội mà tôi bỏ sót dòng: “tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió” nên mới có những dòng cảm nhận đáng trách như vậy. May mà soạn giả Vũ Thị Hương Mai đã nhắn tin qua messenger: "Có lẽ anh đọc vội, đã nhầm giữa "diều ăn gió" với "Bụt ăn gió" nên đoạn kết bài "Lạc của Khét" sai với nội dung thơ, anh ạ.". Tôi đọc lại bài thơ "Lạc" của Nhà thơ Trần Đức Tín, rồi gửi email tới các trang web đã gửi bài đề nghị gỡ "Lạc của Khét" vì đọc thiếu câu nên tôi hiểu sai ý thơ. Sau đó, tôi sửa lại đoạn cảm nhận: "Bụt" trong truyện cổ tích là một ông Tiên có phép nhiệm màu luôn chớ che, bảo vệ, luôn đem đến những yêu thương, hạnh phúc cho con người còn "Bụt" trong "Lạc" của Khét lại là một ông Bụt “trơ vơ”, bất lực “tuốt sợi rơm vàng, ngồi khóc để con diều ăn gió”, "ăn hết những yêu thương."... Phép nhiệm màu của Bụt, của ông Tiên trong niềm tin ngàn đời của người Việt đã bất lực trước sự hoành hành đang chiếm thế thương phong của cái ác.", lưu bài viết ở trang facebook và blog cá nhân như lưu lời nhắc nhở: Làm gì cũng không được vội vàng, hấp tấp, nhất là với các loại văn bản phải đọc đi đọc lại đến khi hiểu thật đúng và đầy đủ câu chữ trong văn bản mới được viết hoặc điềm chỉ, ký tên.
*.
Hà Nội, chiều 24 tháng 8-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Người gửi / điện thoại