bannemoinhat2-banne3-banne4-banne5-banne6-banne7-bannecuoi
TÁC GIẢ QUEN THUỘC
BÀI VIẾT MỚI
PHẢN HỒI MỚI

VŨ NHO 0855890003

CÁM ƠN ANH ĐỨC BÌNH CỘNG TÁC!CHÚC ANH VUI KHỎE!

 

ĐỨC BÌNH

Xin cám ơn BAN BT trang TÁC PHẨM VÀ BẠN ĐỌC !

 

VŨ NHO 085 589 0003

Tôi không xem chương trình VUA TIẾNG VIỆT. Cứ theo những gì bác Đinh Y Văn tường thuật thì đích thị là TRÒ CHƠI Đoán từ. Người nhìn từ trong Từ Điển, nói "chữ" đầu của từ, rồi nói "chữ" sau. Người kia...

 

Đinh Y Văn

Trân trọng cảm ơn Tổng biên tập đã dành sự quan tâm đến bố con cụ Đinh Y Văn!

 

Đinh Y Văn

Xin có lời thưa lại, hình như cụ ĐYV bị quy oan là “lơ mơ” ?! Tên chính thức vòng 2 chương trình Vua tiếng Việt là GIẢI NGHĨA, không phải là ĐOÁN TỪ bác ạ.

 

vũ nho 085 589 0003

CÁM ƠN SỰ CỘNG TÁC CỦA NHÀ BÁO, NHÀ NGHIÊN CỨU NGHIÊM THỊ HẰNG!

 
Xem toàn bộ
Đang truy cập: 13
Trong ngày: 168
Trong tuần: 1578
Lượt truy cập: 777364

VỀ TẬP THƠ CỦA NGUYỄN LÂM CẨN

CỨ NHƯ PHẢI BỆNH TRỜI ĐÀY BÚT NGHIÊN
(Nhân đọc Tập thơ Nơi ta ở của Nguyễn Lâm Cẩn)
Nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm


Thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc thơ Nguyễn Lâm Cẩn trên Fabook. Có tuần một bài. Có tuần hai ba bài. Có tuần mỗi ngày một bài. Tôi hình dung ông trong chắp nối. Xâu chuỗi lại, nhìn tổng thể, hồn thơ ông trẻ, khoẻ, tươi tắn, lạc quan, giàu sức sống. Ai bảo thơ này của người già:“Hát đi em, hát lên nào/ Điệu lý con sào, địêụ lý con sông/ Chỉ xin điệu lý làm chồng/ Thôi em đừng hát/ Anh đang dào dạt/ Thả hồn bát ngát/ Thả đời mênh mông/ Hát em giai điệu cánh đồng/ Hạt vàng mây mẩy trên bông í à/ Trăm năm buộc chỉ nõn nà / Rủ nhau cởi áo la đà trăng thanh / Rồi liền chị, rồi liền anh / Tình bằng con mắt long lanh rượu đào” (Hát đi em điệu lý lơ). Phải trẻ lắm, yêu lắm, đa tình lắm, dào dạt lắm mới viết được thế này: “Anh mơ, ả mận/ Cắm sào/ Lông mày tỉa miết cầu ao khổ đời/ Trống cơm vỗ nhịp tơi bời/ Quai thao nghiêng nón coi trời bằng vung/ Cái duyên nhịp vỗ trống rung/ Điệu xênh thì thả, điệu xung thì đừng/ Điệu lòng giòn giã tưng tưng/ Miếng trầu giã bạn nửa mừng nửa lo”(Hát đi em điệu lý lơ). Tôi cũng tin điều đó. Mãi đến khi được tác giả gửi tặng tập thơ “Nơi ta ở” (NXB Hội NV, 2024) tôi mới ngớ người ra, nhà thơ đào hoa này tuổi đã tám mươi!
Nhiều người ví, tuổi tám mươi như giếng cạn, như sông trơ đáy, như đèn hết bấc, như bếp hết củi. Ấy vậy mà, nhà thơ Nguyễn Lâm Cẩn giếng vẫn dâng đầy nước, sông vẫn cuồn cuộn tuôn trào, đèn vẫn đang nhiều dầu, dài bấc, củi vẫn dư thừa. Ngọn lửa thơ trong ông vẫn cháy mãnh liệt. Từ 1997 đến nay, ông đã cho xuất bản 15 tập thơ. Một sức viết ghê gớm. Ông viết như một cách tự giải thoát. Viết như một cách tự đâm chồi nảy lộc chống lại sự cằn cỗi. Viết để trả nợ cuộc đời. Viết như tạo ra phép màu cứu rỗi hồn mình. Ông thú nhận “Cứ như phải bệnh trời đày bút nghiên” (Ta, kẻ ăn mày).
Thơ ông hấp dẫn, say đắm lòng người vì chất trẻ. Rất trẻ. Không phải nó được nặn vắt ra mà nó tuôn ra, trào ra. Hồn thơ, tứ thơ cứ ào ạt chảy. Nó có sóng. Nó có gió. Nó có chân, có ngọn. Con thác ấy mạnh lắm. Ngọn lửa ấy mạnh lắm. Hồn không kìm được. Lòng không hãm được: “Một mình rót chén rượu ra/ Bạn bè đứa ngái, đứa già, đứa đi/ Rượu ngon không bạn/ Thôi thì/ Nhà có cái cột, mời mi cột hầy/ Rót ra hai chén rượu đầy/ Nâng lên mời cột uống chay cột à/ Rượu vô cái bụng thật thà/ Bao nhiêu thầm kín nói ra bằng mồm/ Mày xem cái tép cái tôm/ Cái cua, cái vịt.../ Một bầy mù tịt / Mắt để mần chi/ Cái cột lì khì/ Cười như nắc nẻ/ Rường cột là ta, thêm kèo thêm kẻ” (Uống rượu với cột nhà). Cũng mô típ ấy, cùng mạch cảm hứng ấy, ý thơ tuôn trào: “Thương kiếp lá trầu / Quyệt vôi dang giở/ Quả cau đi chợ/ Mắc vía quay về/ Gió đông đừng cóng lời thề/ Con trùng đừng hát bờ đê điệu sầu/ Vì đâu mảnh ván qua cầu/ Tay tình bắc nhịp hai đầu bập bênh “(Thương); “Í a tay nắm bàn tay/ Xin ai đừng tỉa lông mày ngẩn ngơ / Sợi lòng nhả tơ/ Con tằm kết kén/ Ai đang hò hẹn/ Thì bén câu thề/ Cái bùa là cái bùa mê/ Thả buông câu ví đi về chiêm bao / Bấc tàn rót đĩa dầu hao/ Trăng tàn đêm cất nơi nào người ơi” (Rủ nhau). Câu thơ, nhịp thơ tung tẩy, hào phóng, nhảy múa, bay lượn, nô đùa. Việc nhả câu, nhả chữ nhẹ như tơ. Trong như ánh trăng. Thơ ây là thơ của một hồn thy sỹ đích thực. Không phải chỉ có thế, thơ có ẩn ức, có mạch ngầm, có hang động. Sự bông lơn của phong dao, đồng dao là cái áo, là bức mành che sự sâu thẳm, ngóc ngách bí ẩn của hồn người. Yếu không giả khoẻ được. Dốt không giả khôn được. Nông không giả sâu được. Chỉ có đủ tinh khôn, đủ lọc lõi, đủ ngón nghề, đủ dạn dày, đủ va đập mới giấu được những nỗi niềm nhiều sấm chớp trong ký ức của nhà thơ.
Cái lý lịch đời tư của ông, lên núi có. Xuống vực có. Ớt cay có. Ngọt bùi có. Chát mặn có. Thơm thảo có. Nóng có. Lạnh có. Tối có. Sáng có. Đọc thơ ông mới hiểu ông có một quá khứ nhiều mảnh vỡ. Nhưng ông không xếp những mảnh vỡ ấy lại thành gai, thành chông trong những câu thơ. Ký ức có thể đau buồn nhưng hồn thơ ông tinh tế. Phải sâu lắm mới lật mở hết được hình ảnh chứa đựng trong những câu thơ: “Mưa trong đầu/ Những hạt ký ức rơi/…/ nhặt hạt mưa lên/ Nổi bong bóng tuổi thơ trôi thuyền lá/ Ướt giấc mơ trên tay” (Mưa đầu mùa).
Tự nhiên có quy luật của tự nhiên. Xã hội có quy luật của xã hội. Thời đại có quy luật của thời đại. con người có quy luật của con người. Thấu triệt các quy luật đó nên ông nhẹ nhàng, thanh thản, giải thoát được mình: “Chợ đời bán nổi mua nênh/ kệ kinh đọc mãi nhẹ tênh kiếp người”/…/ “Bảo chân, chân chẳng buồn đi/ Bỏ thơ/ Thơ biết/ Thôi thì/ lặng im/ Bới tung mặt giấy đi tìm/ Chữ như giọt lệ trong tim/ Nhập nhoè” (Rứa nà). Những giằng xé nội tâm ông, những bi kịch cuộc đời chìm khuất dưới lớp ngôn ngữ có lúc mượt mà, có lúc tươi mơm mởm, có lúc đầy hoa lá. Thơ ông cứ ngơ ngác, cứ trong veo, cứ như trẻ nhỏ nhìn trăng, ngắm trăng. Nhưng cái dữ dội, cái biến động nó chìm khuất vào bên trong, vào chiều sâu con chữ: “Lịch sử đi qua đời mình, đôi mắt của đứa trẻ/ Ngơ ngác đáng yêu, ngây thơ đáng trọng/ mọi con đường phủ mượt niềm tin/ cứ thế ta đi bằng ánh mắt nhìn/…/ Đạn bắn khỏi nòng, ta thuốc nổ trong tâm” (Ngộ). Nhà thơ coi mọi cái biến động, mọi biến số trong cuộc đời thành phù sa, thành nguyên liệu để chiêm nghiệm, để tạo dựng, để nhận biết cái mới, cái tốt đẹp, cái tương lai. Ông vượt qua cái trì níu “Đi về tương lại không ngoái lại phía sau” (Ngộ). Ông khẳng định, bản ngã, bản lĩnh “Chúa là ta, hiện hữu thiên đường” (Ngộ). Ông chiến thắng hoàn cảnh. Ông xoay chuyển hoàn cảnh. Ông không hành hạ cái mới bằng cái cũ. Ông không dằn vặt cái cũ bằng cái mới. Ông như cái cây không thể rời mặt đất. Không thể hằn thù đất. Đất có chỗ màu mỡ, có chỗ bạc màu. Đất có chỗ cao chỗ thấp. Nhưng đất mãi mãi là nơi khởi nguồn mọi sự sống. Và từng cái rễ hồn ông càng bấm sâu vào lòng đất để thơm hoa ngọt trái. Ông yêu “Nắng rạ rơm vàng hươm trong đầu/ Năm tháng thơm mùa cổ tích/ Lúa uốn cần câu chiền chiện bay về/ Trẻ đồng dao hát điệu nhà quê” (Nơi ta ở).
Ông nhớ quê. Ông yêu quê. Ông có nỗi nhớ ám ảnh về quê. Một quê hương máu thịt của nhà thơ. Những tên đất, tên đồng, tên sông, tên núi có da có thịt, có hơi thở, có nhịp đập con tim chứ không phải một quê hương chung chung. Sông Lam của ông. Động Tiến của ông. Chợ Phuồng của ông. Cầu Vệ của ông. Đình hữu của ông. Nó đau đáu trong thơ. Ở tuổi tám mươi, nhà thơ bộc bạch: “Muốn leo động Tiến, ngắm đập Cửa Ông/…/ Dạo khắp chợ Phuồng tìm dáng người xưa/…/ Ngược xuôi đôi ngả sông Lam xanh trời/…/ Nhớ ngôi đình Hữu lòng mình nôn nao” (Về quê). Cái tình ấy, cái yêu ấy, cái da diết cháy bỏng ấy làm tâm hồn ông trở về tuổi hai mươi tràn đầy sức sống: “Lại thấy xuân về hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ ngồi viết chữ/ Lại thấy ý a người quan Họ/ Lại thấy quai thao khăn mỏ quạ/ Lại rót chén xuân mời phấn chấn/…/ Nhớ cánh cò bay trắng mượt đồng” (Xuân bất tận). Chi phối toàn bộ thơ ông là gam màu sáng. Ta nghe tiếng hót, tiếng hát nhiều hơn tiếng tụng kinh gõ mõ. Ta thấy cái tình, cái tâm, cái nhân từ, nhân hậu, nhân ái bao trùm lên cánh đồng thơ của ông. Thơ như thế gọi là “nghệ thuật vị nhân sinh”.
Thơ ông rất đa dạng. Lục bát có. Tự do có. Tứ tuyệt có. Một hai câu có. Khi ông viết về cha. Khi ông viết về mẹ. Khi ông viết về làng. Khi ông viết về cái còn, cái mất. Khi ông viết về những suy tư, trăn trở cuộc đời. Khi ông viết về nhân tình thế thái. Khi ông viết về thời cuộc. Bất cứ một va đập nào của cuộc sống cũng tạo nên sóng xung kích tác động vào trái tim thơ của ông. Cái nhỏ cũng thành thơ. Cái lớn cũng thành thơ. Cái nổi cũng thành thơ. Cái chìm cũng thành thơ. Cái cay đắng cũng thành thơ. Có lúc tưởng cả thùng nước đổ vào lòng bếp: “Nhà thì đã của người ta/ Tình thì chôn chặt làm ma không mồ/ Phía này đẩy, phía kia xô/ Mịt mù tăm tối biết mô mà lần/ con đường chật chội bàn chân/ Mẹ cùng con, phía phong trần, tha phương” (Ngày giỗ mẹ, nước mắt rơi). Kỳ lạ thay, lửa không tắt. Hồn thơ vẫn bùng cháy. Nguyễn Lâm Cẩn không hằn học thùng nước đổ vào lòng bếp. Ông nhìn vào chiều sâu hồn quê, ông thấy cội guồn: “Quê là gốc cội nguồn cây/ Hồn về ngắm lại trời mây mẹ nà/ Không đâu bằng chốn ruột rà/ Đêm rưng rức với tiếng gà cầm canh” (Ngày giỗ mẹ, nước mắt rơi). Thơ ông viết về mẹ gợi lắm, gợn lắm. Đôi chỗ đọc mà rợn gười: “Đường làng bấm bụng sần chai/ Quê hương gạt mẹ ra ngoài liếp tre/ Đặt lưng bóng quỷ me đè/ Tiếng chim lợn choéc đêm nghe rợn gười” (Tết về thương mẹ). Ký ức là thế. Chiều sâu thơ là thế. Sức gợi của thơ là thế. Không nói phải nhớ mà đọc rồi không quên được. Không nói ám ảnh mà đọc rồi hình ảnh bám lấy vỏ não. Cái xuất thần của nhà thơ là thế. Hình ảnh, câu chữ chớp loé lên. Nhà thơ như phù thuỷ dùng phép thuật của tâm hồn nắm bắt được. và thơ thăng hoa. Thỉnh thoảng trong tập, Nguyễn Lâm Cẩn vẫn cho ta thấy những giây phút xuất thần ấy.
Có một bài thơ của ông được lan truyền trên mạng như một sáng tác dân gian. Nhiều người không biết tác giả là Nguyễn Lâm Cẩn. Đó là bài “Chưa chắc”.. Ông viết: “Ăn chay chưa chắc đã sư/ Thắp hương chưa chắc đã từ lòng nhân/ Làm quan chưa chắc vì dân/ Kề bên chưa chắc đã gần trong tâm/ Mím môi chưa chắc đã câm/ Nuốt vào chưa chắc đã cầm trong tay/ Nợ đìa chưa chắc đã vay/ Làm vua chưa chắc, ăn mày có khi”(Chưa chắc). Bằng minh chứng lịch sử, bằng minh chứng của các thời đại cho ông nhiều khẳng định hai trong một: “Một ông vua-một tiện dân/ Một con Rồng-một con nhái/ Một ông Phật-một con ác quỷ”(Vô đề). Cái từ “chưa chắc” của ông hướng ta nhìn vào bên trong sự vật, nhìn đúng bản chất sự vật. Nhìn thấy thế mà không phải thế. Hình thức thế nội dung không thế. Ta cũng có một góc nhìn nữa về bài “chưa chắc”, về “vô đề”` của ông. Không phải ông gieo rắc sự thiếu niềm tin vào cuộc sống. Không phải bây giờ nhìn chỗ nào cũng nghi ngờ vàng giả, đạo đức giả, sự thịnh vượng giả, bền vững giả. Cái tội của nhà thơ là đa cảm, nhạy cảm. Cái tội của nhà thơ là giàu nỗi niềm, giàu tâm trạng. Cái tội của nhà thơ là nhẹ dạ. Cái gì của cuộc đời này dù nặng đến đâu, dù độc đến đau, dù sóng to gió lớn đến đâu cũng đem đặt lên đầu ngọn bút. Nhà thơ không hằn thù ai. Không xỉa xói ai. Nhà thơ muốn thức tỉnh. Nguyễn Lâm Cẩn muốn thức tỉnh là chính. Đó cũng là một cách triết lý hướng vào nội hàm cái thật, cái thực, cái cốt lõi, cái chân, thiện, mỹ. Hành trình minh triết mình, khẳng định mình, sàng lọc mính, xác lập đức tin của mình đã day dứt ông như thế. Nhiều lúc bế tắc: “Lá rơi đầu ngọn bút/ Chữ úa lên từng dòng/ Câu thơ hư nấc cụt/ Viết cả đời không xong”(Bế tắc). Nhà thơ đơn độc, lẻ loi, lưu vong trong chính ngôi nhà của mình: “Trong ngôi nhà mình, mình sống lưu vong/ Mái che lợp bầu trời dị dạng/ Tư tưởng đám mây mang hình viên đạn/ Phủ lên trên mặt địa cầu/…/ Trong đầu là những cái đầu/ Kẻ hành đạo túm chặt dạ dày/ Vo xã hội vào nắm tay ai oán” (Khi dạ dày bị túm).
Sau cơn co giật của xúc cảm, sau cơn nghẽn tắc tức thời của xúc cảm, nhà thơ học khơi nguồn lại mình, học thanh lọc mình, học làm mới mình để đâm chồi nảy lộc. Hãy xem ông học: “Học cách xnh của cỏ/ Tôi moi ruột thời gian/ Học cách thơm của hoa/ Tôi lẫn trong màu sắc/ Học cách chín của quả/ Tôi bới từng rễ cây/ Học làm cây trên ngàn/ Tôi tìm về gốc thụ” (Học). Đấy là cách học của nho sỹ, học sỹ. Trên hết, đó là cách học của thy sỹ. Nó nhân văn, nhân bản. Nhưng khác mọi đối tượng khác, thy sỹ học lại cái đẹp, cái duy mỹ.
Nguyễn Lâm Cẩn “Muốn vẽ lại bản đồ cho bàn chân mình”(Cha tôi đành lặng im). Một ngọn lửa mới, một con đường mới, một chân trời mới, một đại dương mới, một vùng đất mới luôn thôi thúc tâm thức ông. Vẽ bằng cách nào? Ai cho vẽ? Ông hỏi Phật. Ông hỏi Chúa. Ông hõi Khổng Tử. Ông hỏi Các Mác. Ông hỏi Mao. Ông hỏi…Ông hỏi…Nội tại thúc bách ông. Nguyễn Lâm Cẩn tự mổ xẻ mình: “Đau? Không/ Buồn? Chẳng/ Leo? Không/ Quan? Chẳng/ Bon chen? Nhọc người/ Đục? Không/ Lũ? Chẳng” (Bỗng dưng). Tiền tài, địa vị, danh vọng…không cái gì thúc bách ông. Vậy cái gì thôi thúc ông vẽ lại bản đồ bàn chân mình? Câu trả lời duy nhất đúng vang lên trong tâm trí ông là: Viết! Viết. Viết và viết. Ông viết để giải toả. Ông viết để định hình lại tư tưởng mình, định hình lại giá trị mình. Viết là định mệnh của thy sỹ. Viết là sứ mệnh của thy sỹ. Có lẽ vì thế, Nguyễn Lâm Cẩn ngày nào cũng viết. Ông viết “Cứ như phải bệnh trời đày bút nghiên” là vì thế.
Thanh Hóa, 22.12.2024
Nhà thơ NMK
Khu 2. Thị trấn Quán Lào.
Yên Định. Thanh Hoá.

 
 anh_cua_trung_nguyen_11
 
In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị Website: Nhà văn, Nghệ sĩ Điện ảnh Cầm Sơn
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003. 3- 0913 269 931
1.Thơ, Phê bình và các thể loại khác:  vunho121@gmail.com
2.Văn xuôi (truyện ngắn, bút ký...)  : soncam52@gmail.com
(Chú ý: Không gửi bài cho cả hai mà chỉ gửi 1 trong 2 địa chỉ)