Vanvn- Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Phạm Đức – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã từ trần lúc 7h45 ngày 26.12.2022 (tức ngày 4 tháng 12 năm Nhâm Dần) tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, hưởng thọ 78 tuổi. Lễ viếng từ 10h30 đến 11h30 ngày 29.12 (tức ngày 7 tháng 12 năm Nhâm Dần), tại Nhà tang lễ Phùng Hưng – Hà Nội, lễ truy điệu và đưa tang cùng ngày, hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ – Văn Điển, an táng tại nghĩa trang quê nhà ở Hải Dương.
Nhà thơ Phạm Đức tên khai sinh Phạm Văn Đức, sinh ngày 17.4.1945, quê quán Liên Hồng, Tứ Lộc, Hải Dương. Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988.
Quá trình học tập, công tác, sáng tác của nhà thơ Phạm Đức:
Từ 1963 đến 1975: Tham gia Bộ đội thông tin, làm chuyên môn, rồi làm báo Thông tin.
Từ 1975 đến 2005, là biên tập rồi Phó giám đốc phụ trách nội dung Nxb Thanh niên.
Từ 2006 là biên tập viên, và từ 2007 là Thư ký toà soạn tạp chí Thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
Đã học qua: Trường Tuyên huấn Trung ương, trường Viết Văn Nguyễn Du, trường Đoàn cao cấp Liên Xô (1984-1985), lớp bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam (khoá 3, 1968-1969).
Các tác phẩm thơ đã xuất bản: Có một khoảng đời (1984); Đơn phương (1990); Hạt bông gạo nhảy dù (thơ thiếu nhi, 1993); Đàn đá (1996); Báo động (1998); Giữa hai ta (2001); Quầng mắt (2003); Thơ với tuổi thơ (2004); Giật mình (thơ, 2005); 81 bài thơ tình chọn lọc (2006); Mưa rừng và võng đôi (2006). Người bán than tổ ong (2008).
Ngoài ra ông còn xuất bản các tập văn xuôi: Tôi và Dim, những tháng ngày (tiểu thuyết, 1983); Cuộc bỏ trốn của những con dấu (truyện thiếu nhi, 1988); Yêu để sống (tiểu thuyết, 1993); Hương đồng cỏ nội (tản văn, 1994, 1997, 2000); Một lời với một người (tập truyện ngắn, 1997, 2007); Muôn mặt tình yêu (tản văn, 1997, 2000, 2002); Người ném bóng một mình (truyện thiếu nhi, 2005); Chuyện vườn (truyện thiếu nhi, 1999); Học ăn học nói học gói học mở (2009).
Nhà thơ Phạm Đức từng đạt được các giải thưởng văn học: Giải thưởng chính thức văn xuôi của tuần báo Văn Nghệ (1969) với truyện ngắn Tiếng biển; Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập tản văn Hương đồng cỏ nội; Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2005 của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ Giật mình.
Ông chia sẻ suy nghĩ về nghề văn: “Cha mẹ và tám chị em tôi đều ham đọc sách, nhưng chỉ tôi say mê viết từ hồi bé. Thời ấy, sách báo hiếm và thiếu các Hội bút, chỉ cùi cụi viết, gửi và mong mỏi… Tôi viết khá hơn, khi vào bộ đội Thông tin. Mở đầu là bài thơ Ánh đèn, in trên Văn nghệ Quân đội năm 1964.
Quả là cái nôi ấy và thời chống Mỹ hào hùng đã nuôi dưỡng, khuyến khích nhiều ngòi bút. Tôi tự hào về thời ấy không chỉ là tư cách chiến sĩ mà còn là tư cách nhà thơ với các bài tôi vẫn xếp vào loại hay nhất của mình: Bài thơ Xua khói, Hơi ấm bàn tay, Dấu chân… Sau này, trên sách báo và trong các tập thơ Có một khoảng đời, Đơn phương, Đàn đá… nhiều bạn đọc tìm thấy trong thơ tôi những tình cảm chân thật, sâu lắng của lứa tuổi yêu đương. Nhiều bài thơ được đọc, chép, chuyền tay như: Thì anh lại sợ, Đơn phương, Tình ca, Ví dầu, Như hồ than thở, Cơn gió... Điều này làm tôi hào hứng và hiểu ra mỗi trang viết phải là máu thịt đời mình mới mong được bạn đọc yêu mến”.
Sau một thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Phạm Đức đã từ trần lúc 7h45 ngày 26.12.2022 (tức ngày 4 tháng 12 năm Nhâm Dần) tại Hà Nội, hưởng thọ 78 tuổi.
Hội Nhà văn Việt Nam và Ban Biên tập Vanvn.vn xin chia buồn sâu sắc với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu quý nhà thơ Phạm Đức!
VANVN