ĐIẾU VĂN CỦA BCH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM
ĐỌC TẠI TANG LỄ NHÀ VĂN LÊ LỰU
Đại tá, nhà văn Lê Lựu, tác giả của những tác phẩm văn học nổi tiếng đã vĩnh biệt chúng ta.
Vào hồi 17 giờ 25 phút, ngày 09 tháng 11 năm 2022 (tức ngày 16 tháng 10 năm Nhâm Dần), nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà, nơi ông đã chọn để trở về sau hơn 60 năm bôn ba sống, chiến đấu và sáng tạo. Sự ra đi lặng lẽ của ông lại làm sống dậy trong mỗi người chúng ta những ký ức đẹp đẽ về ông, một người nông dân, một người lính, một nhà văn với tài năng thiên bẩm đã bước vào văn học, tự xây dựng cho mình một vị thế, một chỗ đứng mà không ai có thể thay thế được.
Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12 tháng 12 năm 1938 (nhưng giấy khai sinh đề năm 1942) trong một gia đình thuần nông tại làng Mẫn Hoà, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Cha mất sớm, ông phải vừa đi làm vừa học để cùng mẹ và anh trai gồng gánh gia đình vượt qua những khó khăn sau biến cố cải cách ruộng đất. Năm 1959, ông nhập ngũ trở thành chiến sĩ của Quân khu 3. Chính ở trong môi trường quân ngũ vừa gian khổ vừa nghiêm ngặt này ông đã tìm đến với văn học. “Tết làng Bụa” là tác phẩm đầu tiên của ông được in trên Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Năm 1971, sau khi truyện ngắn “Người cầm súng” của ông được trao Giải Nhì trong cuộc thi của Tuần báo Văn Nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam, ông được Tổng cục Chính trị điều động về Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Phóng viên, Biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi và Thư ký toà soạn.
Với 85 tuổi đời, trong đó có gần 10 năm bị bệnh tật hành hạ, nhà văn Lê Lựu đã để lại cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới những dấu mốc quan trọng. Năm 1985, ông xuất bản tiểu thuyết “Thời xa vắng”, một thiên truyện đặc sắc và đau đớn viết về nông thôn, về một con người không tìm thấy hạnh phúc bên ngoài bầu khí quyển quen thuộc của mình. Tác phẩm được coi như tiếng súng lệnh của thời kỳ đổi mới văn học, được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt, được tái bản nhiều lần, được dựng thành phim nhựa năm 2004 và được dịch và xuất bản trên thế giới. “Thời xa vắng” là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam với thông điệp: Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những thứ hay những giá trị của người khác. Với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thực sự mang tới một thay đổi lớn lao và quan trọng cho đời sống văn học Việt Nam. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã làm cho văn học Việt Nam bước sang một giai đoạn mới kể từ năm 1954.
Năm 1986, ông được tổ chức William Joiner – tổ chức văn học của các cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam mời đến thăm nước Mỹ. Trở về ông viết “Một thời lầm lỗi”, cuốn sách gây tiếng vang lớn bởi lượng thông tin hàm chứa trong đó và những suy tưởng của ông về những gì nhân loại đã đi qua thông qua một cuộc chiến tranh tàn khốc giữa hai dân tộc. Sự hiện diện của nhà văn Lê Lựu trước trí thức và bạn đọc Mỹ đã thay đổi cách nhìn của người Mỹ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam. Nhà văn Lê Lựu đã trở thành sứ giả hòa bình Việt Nam đầu tiên đến Mỹ. Ông cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ đã dựng lên những nhịp cầu đầu tiên của tình hữu nghị giữa hai dân tộc để hóa giải những hận thù trong quá khứ. Nhà thơ Kevin Bowen, giáo sư văn chương, cựu binh Mỹ nói về nhà văn Lê Lựu: “Một năng lượng mãnh liệt, một sức sống tràn ngập, lòng chân thành sâu thẳm và là một người bạn chân chính”. Nhà thơ danh tiếng, giáo sư văn chương, cựu binh Bruce Weigl nói: “Không có gì, không có ai, có thể thay thế được Lê Lựu”.
Với những tác phẩm xuất sắc như “Người cầm súng” (1970), “Người về đồng cói” (1970), “Mở rừng” (1977), “Camphuchia một câu hỏi lớn” (1979), “Thời xa vắng” (1986), “Một thời lầm lỗi” (1988), “Trở lại nước Mỹ” (1989), “Đại tá không biết đùa” (1990), “Chuyện làng Cuội” (1993), “Sóng ở đáy sông” (1994)… nhà văn Lê Lựu đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001 cùng nhiều huân huy chương cao quí cho những năm tháng của cuộc đời mà ông đã dâng hiến cho đất nước.
Năm 2002, nhà văn Lê Lựu xin nghỉ chế độ với quân hàm Đại tá, và cùng ông Đoàn Duy Thành – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sáng lập Trung tâm Văn hoá Doanh nhân và Tạp chí Văn hoá Doanh nhân do ông trực tiếp làm Giám đốc, Tổng biên tập. Năm 2013, ông thành lập Quỹ nhà văn Lê Lựu nhằm phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ.
Về đời riêng, nhà văn Lê Lựu không gặp nhiều may mắn, suôn sẻ. Cuộc đời ông luôn chìm ngập trong những day dứt, phiền muộn và đau đớn, nhưng ông luôn đi về phía ánh sáng của những khát vọng lớn lao và ngập tràn nhân tính. Nhà văn Lê Lựu đã sống như một con người trung thực nhất với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và với Tổ quốc của mình. Phía sau gương mặt đầy sóng gió và khắc khổ của ông là một trái tim lớn của lòng nhân ái. Vào những tháng ngày cuối đời, theo di nguyện của ông, người con gái lớn đã đón ông trở về quê nhà, nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông gánh mọi buồn vui và cả đau đớn từ cuộc sống trên mảnh đất này và đi suốt cuộc đời mình để làm lên những tác phẩm khác biệt và tầm vóc cho văn học Việt Nam.
Kính thưa: Hương hồn nhà văn Lê Lựu
Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, Trung tâm Văn hoá Doanh nhân, các cơ quan chính quyền địa phương, các nhà văn, bạn đọc xin cúi đầu trước linh hồn ông – Nhà văn Lê Lựu, một tài năng xuất sắc của văn học Việt Nam, một con người nhân hậu và chân chính. Ông ra đi, nhưng những tác phẩm văn học của ông để lại sẽ còn sống mãi trong tâm thức người đọc nhiều thế hệ.
Xin quý vị dành một phút để tưởng niệm, để tiễn biệt ông – Nhà văn Lê Lựu yêu quý của chúng ta!
Người gửi / điện thoại