“CHUYỆN LÀNG” CHUYỆN MỘT THỜI CỦA LÀNG QUÊ MIỀN BẮC
Đọc “Chuyện làng” của Phạm Quang Long, nxb Công An, 2020
Vũ Nho
NHÀ VĂN VŨ NHO
Tôi biết Phạm Quang Long khi anh làm nghiên cứu sinh ở Đại học tổng hợp quốc gia Leningrat mang tên JDanov. Khi ấy tôi bên trường Sư phạm mang tên Ghecsen. Chỉ biết vậy thôi. Rồi sau biết anh làm quan chức ở Trường Khoa học xã hội và nhân văn. Rồi anh làm Giám đốc Sở văn hóa Hà Nội. Có một vài lần anh tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa với chúng tôi.
Điều ngạc nhiên nhất với tôi là anh được đào tạo Tiến sĩ, thành chuyên gia nghiên cứu. Rồi sau anh lại làm quản lý, một công việc khó và phức tạp vốn không dành cho người làm khoa học văn chương. Rồi khi nghỉ hưu, anh bắt đầu viết văn. Tư duy khoa học, tư duy quản lí khác hẳn tư duy của nhà văn. Ấy vậy mà anh có sự thành công đáng ngạc nhiên. Một loạt các tác phẩm văn chương nối tiếp nhau ra đời. Mà là những tác phẩm gây tiếng vang trong dư luận, được bạn đọc chú ý! Trong vòng mười năm gần đây liên tục ra mắt các tác phẩm Nợ non sông (kịch bản văn học, 2014), Lạc giữa cõi người (văn xuôi phi hư cấu, 2016), Bạn bè một thuở (tiểu thuyết, 2017), Cuộc cờ (tiểu thuyết, 2018), Chuyện làng (tiểu thuyết, 2020), Mùa rươi (tiểu thuyết, 2022) và mới nhất Chuyện phố (tiểu thuyết, 2024).
Tôi nhớ PGS.TS La Khắc Hòa đã viết một bài độc đáo về anh. “Phạm Quang Long tiến vi quan, thoái vi văn sĩ”. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì viết bài “ Hiện tượng Phạm Quang Long”. Cả hai nhà phê bình này đều đánh giá cao ngòi bút Phạm Quang Long.
Tôi đọc “Chuyện làng” của Phạm Quang Long và kinh ngạc bởi cái chuyện của làng anh sao mà giống quá cái chuyện làng tôi!
Chỉ mấy chi tiết mà thôi. Ấy là chuyện làm trại chăn nuôi. Khác ở chỗ làng anh sư cụ thương thuyết với chủ nhiệm không phá dỡ chùa, để lại cho làng. Còn làng tôi thì tượng chuyển lên hang đá, chùa biến thành trại chăn nuôi. Cái chuyện “mượn lợn” của xã viên bỏ vào trại để lấy thành tích với trên khi kiểm tra, hóa ra bác chủ nhiệm nông dân nào cũng “tư duy” giống nhau. Thái Bình của anh và Ninh Bình của tôi.Tôi đã chứng kiến việc “mượn lợn” và việc phun chút rượu vào để lợn không lạ mùi, không cắn nhau tránh “bị lộ”!
Rồi cái chuyện thịt “lợn còi” để đãi cấp trên của Ban chủ nhiệm, chuyện lấy cắp cám, tấm của trại chăn nuôi! Thì ra các xã viên ở đâu cũng có chuyện hay và chuyện dở.
Có thể nói làng Đồng Hòa với chuyện làm ăn ở nông thôn Thái Bình là bức tranh nông thôn thu nhỏ của miền Bắc. Một thời ấu trĩ, hồn nhiên!
Bốn mươi hai chuyện, coi như 42 chương chỉ xoay quanh chuyện làm ăn, chuyện quy sai thành phần, chuyện mâu thuẫn nội bộ, chuyện kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ.
Vốn sinh trưởng ở làng, cho nên Phạm Quang Long không xa lạ gì với những suy nghĩ, tính toán và cả cách làm ăn của người nông dân. Những chuyện tác giả kể lại cho thấy những công dân của làng đã trải qua cải cách ruộng đất, xây dựng hợp tác xã, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ ra sao. Việc quy sai thành phần, việc kì thị những người bóc lột đã ảnh hưởng nặng nề đến các mối quan hệ ở làng. Ông Thích, bố của Thinh và Thỉnh tỏ ra là người lọc lõi và khôn ngoan. Nhưng chính vì sự “khôn ngoan” của ông mà Thành, con gái ông không lấy được Hiệu. Rồi Hiệu lấy Hân “con nặc nô” việc gì cũng dám làm, mới xảy ra chuyện đánh ghen, cãi vã ngay ở chuyện 1, mở đầu tiểu thuyết.
Tôi chú ý đặc biệt tới các kể chuyện và xây dựng nhân vật của tác giả. Có thể nói viết về làng, nên nhà văn đã có một cách xây dựng nhân vật độc đáo, không giống ai. Tuy rải ra 42 câu chuyện, nhưng chủ yếu tác giả tập trung vào nhân vật trong mấy hộ. Tôi tạm gọi đó là “nhân vật hộ gia đình”.
Nhiều nhân vật nhất trong các hộ gia đình là nhà ông Thích lọc lõi khó tính. Ngoài ông, có vợ chồng Thinh, vợ chồng Thỉnh, cô Thành. Rồi hai cháu ông , con của Thỉnh là Thoảng và Thoàng. Thoảng sau này đi học lái tàu cuốc, đi bộ đội, bị thương nặng.
Một gia đình không nhiều nhân vật là nhà bà Thân có hai người con trai là Thùy và Thủy. Thùy học giỏi, nhà nghèo ở nhà làm ruộng rồi đi bộ đội, nổi tiếng trẻ tuổi tài cao, được đăng ảnh lên báo…
Hộ thứ ba có ba nhân vật là ông Thuận mặc cảm thành phần đi khai hoang Tây Bắc. Có hai người con là Hiền và Hiếu. Hiền xinh gái , đảm đang nhất làng, thầm ước hẹn với Thùy. Rồi Hiền đi thanh niên xung phong, trở về nguyên vẹn nhưng người yêu đã hi sinh,…
Gia đình nhà Hiệu, Hân. Mẹ Hiệu chua ngoa. Hiệu bỏ làng đi xa. Xã có công văn yêu cầu trả Hiệu về quê. Hân thì vênh váo, làm Trưởng trại chăn nuôi nhưng cứ như bà tướng,...
Cùng với một vài nhân vật khác như Đầu, chủ nhiệm, cô Hận góa chồng, sư cụ trụ trì chùa làng, thằng Tý chuyên làm cỗ cho Ban chủ nhiệm, bà Tùng có một con trai duy nhất là Hùng đi bộ đội, Lơn, bạn chiến đấu năm xưa của Thinh,…
Các nhân vật đó liên quan đến nhau, ràng rịt, níu kéo nhau trong mối quan hệ gia đình, láng giềng chung ngõ, họ hàng, cán bộ - xã viên… trong 42 mẩu chuyện như những chương độc lập, đan cài nhau, làm nên bức tranh làng quê một thời.
Đối với hợp tác xã, nhà văn đã để cho nhân vật Lơn, một bạn đồng ngũ với Thinh thời chống Pháp nhận xét thật sắc sảo tuy rằng có hơi quá:
“ Làm ăn kém, cái gì cũng theo phong trào. Ở nhà thì người biết việc mới điều hành. Vào hợp tác xã thì cán bộ điều hành. Người biết ít lại đi bày việc cho người biết nhiều thì bác tính có dở hơi không? Như ông em bác làm ăn thạo, tính toán tốt nhưng có được điều hành hợp tác đâu. Điều hành hợp tác là ông Đầu. Ông Đầu thì hăng hái nhưng điều hành thì biết gì? Nhà ông ấy ông ấy còn không điều hành nổi, điều hành cả làng sao được.[…] Con vợ thằng Hiệu thì hỏng hẳn rồi, theo nó thì có mà ăn cám. Bàn việc với người biết việc còn ra việc, với kẻ không biết gì, lại còn có quyền quyết cả thì chỉ có đi ăn mày thôi” (tr. 200).
Có thể thấy trong “Chuyện làng” nhiều thành phần già- trẻ, gái –trai, tiến bộ- chậm tiến, tốt – xấu, …mỗi người một số phận, nhưng đều gắn bó với hợp tác, với cái làng, với mọi nỗi vui buồn, lo lắng, trong cuộc sống đời thường,…Họ là những con người bình thường, đa sắc, đa diện, là những người đáng trân trọng, cảm thông, vì nể,…
Tác giả đã kể về họ, viết về họ với tất cả sự trân trọng, thấu cảm, yêu mến.
Toàn bộ cuốn sách thấm đẫm ngôn ngữ bình dị của thôn quê, với những khẩu ngữ, những tục ngữ, thành ngữ quen thuộc nơi sau lũy tre làng. Kể cả một số từ ngữ nghe có vẻ tục nhưng đặt trong ngữ cảnh, đặt vào miệng nhân vật lại trở nên sinh động, độc đáo.
Cũng cần phải nói thêm là tác giả rất sành một số món ăn dân dã của làng quê. Món cá rô kho ( tr. 51); món tiết canh, dồi lợn như lời Thỉnh khoe ( tr. 157); món chạo “ lạ miệng mà ngon” như lời khen nắc nỏm của Huấn –Phó Giám đốc công ti thực phẩm tươi sống tỉnh ( tr.159); món ốc để gác bếp nấu chuối đậu mà Thoảng nhất quyết coi là nhất, hơn hẳn quán cô Linh ( tr. 344 - 345) là những ví dụ tiêu biểu về văn hóa ẩm thực tinh tế của thôn quê.
Bao trùm lên “Chuyện làng” là tình cảm trân trọng yêu thương người nông dân lam lũ, thầm lặng cống hiến cho đời, đóng góp thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, tất cả cho tiền tuyến, cho thắng lợi của đất nước.
Tiếp theo “ Chuyện làng”, Phạm Quang Long lại cho ra mắt tiểu thuyết “Mùa rươi” (Nxb Văn Học, 2022). Cũng là tiểu thuyết viết về nông thôn và nông dân. Tác giả gửi gắm không ít những trăn trở của mình về nông thôn, nông dân:
“ Nhà nước còn nợ nông dân nhiều lắm. Cái gì cũng dựa vào nông dân, nhưng nông dân thiệt nhất, con cái nông dân khổ nhất, nông thôn ít được chú ý nhất, hàng hóa nông dân làm ra nuôi cả xã hội nhưng xã hội coi người nông dân chả ra gì. Hàng hóa bán cho nông dân đắt, mua hàng của nông dân thì rẻ, ruộng đất của nông dân cứ lấy vô tội vạ, ông nào thích là ra một cái quyết định thu hồi mà đền bù thì chả có là bao?” ( Mùa rươi, tr. 304).
Phải chăng, viết tiểu thuyết “ Chuyện làng” và sau đó là “Mùa rươi” cũng là một cách để nhà văn trả món nợ trên với nông thôn, nông dân?
Tôi đồng tình với đánh giá sâu sắc của nhà nghiên cứu phê bình văn học La Khắc Hòa : “Trong xu hướng văn học sinh thái này, tôi có cơ sở để xem Phạm Quang Long là cây bút đáng kể nhất. Là bởi vì khi chạm vào chủ đề ấy, đa số các nhà văn ở ta chỉ nghĩ tới chuyện sinh thái tự nhiên, ví như chuyện chặt cây, san núi, phá rừng, hay xả thải hóa chất độc hại ra môi trường tự nhiên sông biển. Tiểu thuyết của Phạm Quang Long bầy ra trước mắt độc giả tình trạng sinh thái xã hội, sinh thái tinh thần. Đọc sáng tác của ông, độc giả không thể không nhận ra, rằng tình trạng phá đi - làm lại chưa có hồi kết, tình trạng đô thị hóa bằng mọi giá và sự thất thế của cái tử tế mới thực sự là vấn đề sinh thái cốt tử nhất ở ta bây giờ. Và đó mới là gốc rễ của vấn đề sinh thái tự nhiên” ( bài đã dẫn).
Hà Nội, 8/7/2024
Người gửi / điện thoại